BỘ QUỐC PHÒNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 09/2015/TT-BQP
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 03 năm 2015
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO VÀ BẢO ĐẢM KINH PHÍ THỰC HIỆN CHẾ
ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SĨ QUAN BIỆT PHÁI
Căn cứ Nghị định số 165/2003/NĐ-CP
ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về biệt phái sĩ quan Quân đội nhân dân
Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP
ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ,
công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã được sửa đổi, bổ sung tại các Nghị
định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm
2009, Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07
tháng 3 năm 2012 và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP
ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung);
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng
4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Quốc phòng;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc
phòng,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng
dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo và bảo đảm kinh phí thực hiện chế
độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức
vụ lãnh đạo đối với sĩ quan biệt phái được bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm chức vụ
lãnh đạo theo các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức nơi
sĩ quan đến biệt phái; bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ
quan biệt phái.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan biệt phái, các
cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc
thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo và bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ,
chính sách đối với sĩ quan biệt phái.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện chế
độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với sĩ quan biệt phái
1. Sĩ quan biệt phái được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh
đạo nào thì hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo quy định cho chức vụ lãnh đạo
đó. Nếu một người giữ nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau thì chỉ thực hiện một mức
phụ cấp chức vụ lãnh đạo cao nhất. Người được giao quyền đảm nhiệm chức vụ lãnh
đạo cũng được trả phụ cấp chức vụ lãnh đạo như người giữ chức vụ lãnh đạo tương
ứng.
2. Trường hợp sĩ quan biệt phái được bổ nhiệm chức
vụ lãnh đạo có mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo cao hơn trước khi biệt phái thì được
hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới kể từ khi quyết định bổ nhiệm có hiệu lực
thi hành.
3. Trường hợp sĩ quan biệt phái được giao chức vụ
lãnh đạo thấp hơn chức vụ lãnh đạo trước khi biệt phái thì được bảo lưu mức phụ
cấp chức vụ lãnh đạo cũ trong 6 tháng, từ tháng thứ 7 trở đi hưởng theo chức vụ
lãnh đạo mới.
4. Trường hợp sĩ quan đang được hưởng phụ cấp chức
vụ lãnh đạo mà có quyết định điều động biệt phái đến nơi không có phụ cấp chức
vụ lãnh đạo thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ trong 6 tháng;
thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ tháng thứ 7 trở đi.
5. Khi thôi làm nhiệm vụ biệt phái, chế độ phụ cấp
chức vụ lãnh đạo đối với sĩ quan thực hiện theo quy định tại Khoản
1 Phần IV Thông tư số 05/2005/TT-BQP ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Quốc
phòng hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương đối với quân nhân, công nhân viên
chức quốc phòng hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân
sách nhà nước.
Điều 4. Hồ sơ, trình tự thực hiện,
mức hưởng và cách tính trả phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với sĩ quan biệt phái
1. Hồ sơ
a) Quyết định điều động biệt phái sĩ quan;
b) Quyết định bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm chức vụ cán
bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái, hoặc văn bản thông
báo của cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái về chức vụ đã bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm
và hệ số phụ cấp chức vụ đã bổ nhiệm.
2. Trình tự thực hiện
a) Cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái thống nhất
nhân sự với đơn vị cử sĩ quan biệt phái, ban hành quyết định bổ nhiệm hoặc miễn
nhiệm chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với sĩ quan biệt phái và thông báo bằng
văn bản cho đơn vị cử sĩ quan biệt phái về chức vụ đã bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm
và hệ số phụ cấp chức vụ đã bổ nhiệm.
b) Đơn vị cử sĩ quan biệt phái căn cứ vào hồ sơ quy
định tại Khoản 1 Điều này và quy định tại Điều 3 Thông tư này
để chi trả phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với sĩ quan biệt phái.
c) Trường hợp đơn vị cử sĩ quan biệt phái có công
văn trao đổi lấy ý kiến về phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với sĩ quan biệt phái,
nếu sau một tháng không nhận được ý kiến trả lời bằng văn bản của cơ quan sử dụng
sĩ quan biệt phái thì đơn vị cử sĩ quan biệt phái có văn bản báo cáo cấp có thẩm
quyền (cấp quyết định điều động biệt phái sĩ quan) xem xét, quyết định.
3. Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo được áp dụng theo quy
định tại các văn bản sau:
a) Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong Quân đội được
áp dụng tại Bảng Phụ cấp chức vụ lãnh đạo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân
ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
b) Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của sĩ
quan biệt phái tại cơ quan sử dụng sĩ quan biệt phái được áp dụng theo quy định
tại các văn bản sau:
- Bảng phụ cấp chức vụ ban hành kèm theo Nghị quyết
số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm
2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng
phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của nhà nước; bảng lương chuyên môn,
nghiệp vụ ngành tòa án, ngành kiểm sát;
- Bảng phụ cấp chức vụ ban hành kèm theo Nghị quyết
số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03 tháng 3 năm
2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn bảng lương và phụ cấp chức vụ đối
với cán bộ lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; bảng lương, phụ cấp, trang phục đối với
cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước; chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà
nước;
- Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo
Quyết định số 128-QĐ/TW ngày 14 tháng 12 năm
2004 của Ban Bí thư về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức
cơ quan Đảng, mặt trận và các đoàn thể đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định
số 275-QĐ/TW ngày 04 tháng 12 năm 2009 của
Ban Bí thư.
- Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo
Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng
12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên
chức và lực lượng vũ trang đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của
Chính phủ.
4. Cách tính trả
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo được trả cùng kỳ lương
hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Điều 5. Bảo đảm kinh phí thực
hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái
1. Bảo đảm tiền lương, phụ cấp: Đơn vị cử sĩ quan
biệt phái bảo đảm tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương và phụ cấp chức vụ
lãnh đạo (nếu có) đối với sĩ quan biệt phái. Sĩ quan biệt phái thuộc danh sách
trả lương của đơn vị nào thì đơn vị đó chi trả cùng kỳ lương hàng tháng.
2. Trường hợp sĩ quan biệt phái ốm đau, tai nạn hoặc
từ trần, đơn vị cử sĩ quan biệt phái chủ trì, phối hợp với cơ quan sử dụng sĩ
quan biệt phái bảo đảm chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái như sĩ quan
đang công tác tại đơn vị.
3. Đơn vị cử sĩ quan biệt phái bảo đảm kinh phí để
tổ chức bồi dưỡng, cung cấp thông tin cần thiết về quân sự, quốc phòng; kinh
phí triệu tập sĩ quan biệt phái theo yêu cầu của đơn vị.
4. Các khoản phụ cấp nghề nghiệp đặc thù (nếu có),
công tác phí, chế độ phúc lợi, điều kiện và phương tiện làm việc, cung cấp
thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn ngành quản lý thực hiện theo quy định
tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 165/2003/NĐ-CP.
Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện
Bộ Quốc phòng bảo đảm ngân sách đối với nội dung quy
định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 5 Thông tư này, trong đó:
1. Nguồn kinh phí thực hiện tiền lương, các khoản
phụ cấp theo lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) do ngân sách nhà nước bảo
đảm và được giao trong dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị cử sĩ quan biệt
phái theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ ốm đau, tai nạn
hoặc từ trần (nếu có) do ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm theo
quy định của pháp luật.
3. Kinh phí chi trả tiền lương đối với sĩ quan biệt
phái làm nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh được hạch toán vào Loại 460, Khoản
468, Mục 6000, Tiểu mục 6101, Tiết mục 10, Ngành 00 trong Hệ thống Mục lục ngân
sách nhà nước áp dụng trong Quân đội.
4. Kinh phí chi trả các khoản phụ cấp theo lương và
phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) đối với sĩ quan biệt phái làm nhiệm vụ giáo dục
quốc phòng, an ninh được hạch toán vào Loại 460, Khoản 468, Mục 6100, Tiểu mục
tương ứng với loại phụ cấp, Tiết mục 10, Ngành 00 trong Hệ thống Mục lục ngân
sách nhà nước áp dụng trong Quân đội.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20
tháng 4 năm 2015.
2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực
hiện kể từ ngày Quyết định điều động sĩ quan biệt phái có hiệu lực thi hành.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục Chính trị chủ trì phối hợp với các cơ
quan có liên quan của Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.
2. Cục trưởng Cục Tài chính/BQP, Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông
tư này.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài
chính/BQP) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng BQP; Chủ nhiệm TCCT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ: Nội vụ, Tài chính, GD&ĐT, KH&ĐT;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Các cục: Tài chính/BQP, Cán bộ/TCCT;
- Vụ Pháp chế/BQP;
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ; Cổng TTĐT/BQP;
- Lưu: VT, THBĐ; QT94.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Lê Hữu Đức
|