BỘ
LAO ĐỘNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
02-LĐ/TT
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 3 năm 1981
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 2-LĐ/TT NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 1981 HƯỚNG DẪN
VIỆC NÂNG BẬC LƯƠNG TRONG NĂM 1981 ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, CÁN BỘ, NHÂN VIÊN NHÀ NƯỚC
Qua hai năm thi hành Quyết định
số 274-CP ngày 25-7-1979 của Hội đồng Chính phủ và Chỉ thị số 27-TTg ngày
16-1-1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng bậc lương hàng năm, các ngành,
các địa phương đã đạt kết quả tương đối tốt trên các mặt khuyến khích công
nhân, cán bộ, nhân viên Nhà nước cố gắng học tập, công tác, khắc phục một phần
quan hệ về xếp lương bất hợp lý trước đây, giúp cho việc thực hiện chính sách
cán bộ được tốt hơn. Một số nơi có khuyết điểm thi hành không đúng quy định của
Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động.
Các ngành, các địa phương cần uốn nắn những lệch lạc trong việc nâng bậc
lương, sửa ngay những trường hợp nâng bậc sai trước khi tiến hành nâng bậc
trong năm 1981.
Căn cứ vào Chỉ thị số 21-TTg ngày 23-1- 1981 của Thủ tướng Chính phủ, việc
nâng bậc lương trong năm 1981 cho công nhân, cán bộ, nhân viên Nhà nước về cơ bản
vẫn thực hiện theo Thông tư số 3-LĐ/TT ngày 22-1-1980 của Bộ lao động. Nay Bộ
Lao động hướng dẫn thêm một số điểm như sau:
I. ĐỐI VỚI
CÔNG NHÂN TRỰC TIẾP SẢN XUẤT, KINH DOANH
1. Bồi dưỡng và nâng bậc công
nhân là việc làm thường xuyên để bảo đảm sự cân đối giữa yêu cầu của sản xuất
và trình độ tiến bộ về nghề nghiệp. Kế hoạch bồi dưỡng nâng bậc, chỉ tiêu nâng
bậc cho công nhân phải dựa trên cơ sở kế hoạch sản xuất của từng đơn vị và chỉ
được nâng bậc cho công nhân đã qua kiểm tra trình độ, được hội đồng kiểm tra
công nhận đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật nghề nghiệp.
2. Hàng năm đã tổ chức bồi dưỡng
nâng bậc công nhân, nên không nâng hai bậc trong một lần hoặc nâng hai lần
trong một năm. Những công nhân đạt danh hiệu thợ giỏi toàn ngành, nếu bậc dự
thi thợ giỏi trùng với bậc thợ xét nâng bậc thì được coi như đã kiểm tra kiến
thức và tay nghề để xét nâng bậc.
3. Căn cứ vào Chỉ thị số 21-TTg,
từ năm 1981 quy định về nâng bậc lương cho những công nhân đã xếp bậc cao nhất
của thang lương, bảng lương, khung lương có đủ thời hạn 5 năm trở lên vẫn phát
huy tốt trong sản xuất, sau khi kiểm tra trình độ bậc đang xếp nếu đạt yêu cầu
thì:
- Những người đã xếp bậc cao nhất
của thang lương, bảng lương sẽ được nâng lên mức lương mới bằng mức lương cao
nhất cộng với số tiền chênh lệch giữa bậc cao nhất với bậc liền kề dưới của
thang lương, bảng lương ấy;
- Những người đã xếp bậc cao nhất
của khung lương trong thang lương thì được nâng lên bậc liền kề cuả thang lương
ngành nghề ấy.
4. Các đơn vị sản xuất, kinh
doanh cần có kế hoạch, tiến độ thực hiện bồi dưỡng trình độ và nâng bậc công
nhân ngay từ đầu năm, không nên để dồn vào cuối năm mới thực hiện vội vã, không
chu đáo.
5. Bãi bỏ điểm 3 và điểm 4, phần
I trong thông tư số 3-LĐ/TT ngày 22-1-1980 của Bộ Lao động.
II. ĐỐI VỚI
CÁN BỘ, NHÂN VIÊN CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, BỘ MÁY QUẢN LÝ SẢN
XUẤT- KINH DOANH
1. Nhất thiết không được nâng từ
hai bậc trở lên trong một lần hoặc trong một năm (điểm 2, Chỉ thị số 27-TTg
ngày 16-1-1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng bậc lương).
2. Chỉ tiêu số cán bộ, nhân viên
được nâng bậc sớm từ 1 đến 2 năm không vượt quá 5% như đã quy định tại điểm 1
trong Chỉ thị số 27-TTg ngày 16-1-1980 và nhắc lại ở điểm 1 trong Chỉ thị số
21-TTg ngày 23-1-1981 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Nâng bậc cho những người đã xếp
bậc cao nhất của bảng lương hoặc khung lương.
a. Từ nay cho đến khi cải tiến
chế độ tiền lương, những cán bộ, nhân viên đã xếp bậc cao nhất của bảng lương
hoặc khung lương chức vụ hiện giữ từ 5 năm trở lên, nếu đạt các tiêu chuẩn nâng
bậc thì được xét nâng bậc vượt khung.
Trường hợp đã xếp bậc lương cao
nhất của chức vụ hiện giữ chưa đủ 5 năm, nhưng nếu trong thời hạn 5 năm tính đến
khi xếp bậc lương cao nhất ấy, tổng số tiền tăng do những lần xếp lại lương
chưa đủ 70% số tiền chênh lệch giữa hai bậc lương của bảng lương chức vụ hiện
giữ và nếu đạt các tiêu chuẩn nâng bậc thì cũng được xét nâng bậc vượt khung.
Ví dụ: Một kỹ sư xếp 63 đồng từ
tháng 1 năm 1976, đề bạt trưởng ban huyện tháng 9 nặm 1979, xếp 65 đồng (bậc
cao nhất) thì nay đủ điều kiện thời hạn xét nâng bậc vượt khung.
b. Cách xếp sang bậc lương vượt
khung:
Được vận dụng bảng lương cán sự
hoặc bảng lương chuyên viên để xếp sang bậc lương phù hợp (tương đương với một
bậc lương của bảng lương đang hưởng).
Nếu vận dụng bảng lương cán sự
hoặc bảng lương chuyên viên không có mức lương phù hợp thì xếp lên một mức
lương bằng bậc cao nhất của chức vụ hiện giữ cộng với số tiền chênh lệch giữa bậc
cao nhất với bậc liền kề dưới của bảng lương chức vụ hiện giữ.
Đối với cán bộ, nhân viên là
giáo viên phổ thông cấpI, II, y sĩ, y tá, hộ lý, cô nuôi dạy trẻ, công nhân lái
xe ô tô con, công nhân cơ quan cần thống nhất vận dụng xếp sang mức lương vượt
khung theo cách thứ hai nói trên đây, không xếp sang bảng lương cán sự hoặc bảng
lương chuyên viên.
Ví dụ: Một y tá, năm 1976 xếp 72
đồng đến nay đạt tiêu chuẩn nâng bậc thì xếp lên mức lương: 72đ + (72đ - 62đ) =
82đồng.
c. Những cán bộ đã xếp mức lương
từ 160 đồng trở lên, nếu xét cần nâng bậc lương hoặc cần xếp lương vượt khung
thì cơ quan quản lý cán bộ đề nghị lên Ban tổ chức Trung ương hoặc ban tổ chức
Chính phủ và do Ban bí thư Trung ương Đảng hoặc Thường vụ Hội đồng Chính phủ
xét quyết định.
4. Cán bộ, nhân viên nào đủ điều
kiện thời hạn 5 năm và đạt các tiêu chuẩn nâng bậc thì được hưởng lương mới từ
tháng ký quyết định.
Cán bộ, nhân viên hoàn thành nhiệm
vụ một cách xuất sắc được nâng bậc lương trước một hoặc hai năm thì quyết định
nâng bậc tháng nào hưởng lương mới từ tháng ấy.
5. Bãi bỏ điểm1, phần III trong
Thông tư số 3-LĐ/TT ngày 22-1-1980 của Bộ Lao động.
Để việc thực hiện chính sách, chế
độ tiền lương được thống nhất và đạt kết quả tốt, Bộ Lao động đề nghị các
ngành, các địa phương chỉ đạo chặt chẽ việc nâng bậc lương trong năm 1981.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc thì phản ánh cho Bộ Lao động
để nghiên cứu cùng bàn bạc giải quyết, nhất thiết không hướng dẫn và thực hiện
trái với chủ trương nâng bậc lương hoặc các chế độ tiền lương quy định hiện
hành. Các ngành, các địa phương có văn bản hướng dẫn cụ thể về nâng bậc lương
trong năm 1981 thì yêu cầu gửi cho Bộ Lao động.
Sau khi thực hiện nâng bậc lương
trong năm 1981 cho công nhân, cán bộ, nhân viên, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các hội quần chúng trung ương và Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo kết quả cho Bộ Lao động,
biểu mẫu thống kê theo biểu mẫu số 1 (cột 2, tổng số có mặt tính đến ngày 1-1-1981)
tại Công văn số 1403-LĐTL ngày 8-11-1980 của Bộ Lao động.