VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 348/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 10 năm 2012
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI QUY HOẠCH PHÁT
TRIỂN NHÂN LỰC VÀ ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU XÃ HỘI
Ngày 28 tháng 9 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ,
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển
khai Quy hoạch phát triển nhân lực và Đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tham dự Hội
nghị tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan là thành viên Ban
Chỉ đạo Quốc gia gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ
Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền
thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ,
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Trung
ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Viễn
thông Quân Đội; đại diện lãnh đạo các Bộ, các cơ quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh
tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình
Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí
Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa,
giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối
cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến
học Việt Nam; tại đầu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại
diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành có
liên quan. Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Giáo dục và Đào tạo; báo cáo của một số Bộ và địa phương; ý kiến của các đại biểu
dự họp tại các đầu cầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:
1. Từ năm 2010, Chính phủ đã chỉ đạo
các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011
- 2020 của cả nước và của Bộ, ngành, địa phương. Đến nay về cơ bản, các Bộ,
ngành, cơ quan, địa phương đã hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch phát triển
nhân lực của đơn vị mình (chỉ còn 02 cơ quan và 01 tỉnh chưa phê duyệt Quy hoạch);
các Quy hoạch được xây dựng và thẩm định kỹ trước khi phê duyệt; một số Bộ,
ngành, địa phương đã tổ chức công bố Quy hoạch. Tuy nhiên, việc xây dựng và phê
duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ở một số Bộ, ngành, cơ quan, địa phương còn
chậm so với thời hạn quy định.
2. Nhiệm vụ trong thời gian tới:
Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm
2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển
nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát
triển của xã hội giai đoạn 2011 - 2015, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục
triển khai thực hiện tốt các công việc sau đây:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương:
- Tổ chức công bố Quy hoạch phát triển nhân lực của
địa phương mình, thành phần tham dự bao gồm đại diện các ngành, các quận, huyện,
các cơ sở đào tạo của địa phương, có mời thêm các nhà đầu tư tại địa phương
cùng dự;
- Thực hiện việc lồng ghép Kế hoạch phát triển nhân
lực trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2013;
- Thành lập Hội đồng phát triển nhân lực cấp tỉnh để
giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch
phát triển nhân lực và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương;
- Có chương trình làm việc với các nhà đầu tư, các
doanh nghiệp tại địa phương để tiếp nhận nhu cầu về nhân lực năm 2013, giao cho
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp nhu cầu nhân lực năm 2013 theo các ngành
kinh tế trọng điểm, các lĩnh vực then chốt, theo các khu kinh tế, khu công nghiệp
của địa phương; giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì việc thống kê số lượng
học sinh, sinh viên của địa phương đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo (từ trung
cấp đến đại học) nhưng chưa có việc làm để có cơ chế, chính sách, chương trình
của địa phương trong việc tạo việc làm cho các đối tượng này.
b) Các Bộ, ngành:
- Tổ chức công bố Quy hoạch phát triển nhân lực của
ngành mình, thành phần tham dự bao gồm đại diện lãnh đạo quản lý ngành tại địa
phương, các cơ sở đào tạo, các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp do Bộ, ngành quản
lý;
- Thực hiện việc lồng ghép Kế hoạch phát triển nhân
lực trong Kế hoạch phát triển của ngành năm 2013;
- Tổ chức một bộ phận chuyên trách giúp lãnh đạo Bộ,
ngành chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và đẩy mạnh
đào tạo theo nhu cầu xã hội của ngành;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức làm việc với các cơ sở đào tạo do Bộ,
ngành quản lý về đẩy mạnh đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành; xây dựng
ít nhất 01 mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động trong
ngành.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Có văn bản hướng dẫn việc lồng ghép Kế hoạch phát
triển nhân lực trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Kế
hoạch phát triển ngành năm 2013; công bố Hệ thống tiêu chí đánh giá, giám sát
việc thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực. Thời hạn hoàn thành các công việc
này trong tháng 10 năm 2012;
- Lập Kế hoạch kiểm tra việc triển khai thực hiện
Quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương vào tháng 01 và
tháng 02 năm 2013; Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết toàn quốc vào tháng 03 năm
2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2012;
- Có kế hoạch tập huấn việc thu thập thông tin và
xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực cho các địa phương trong tháng 10 và tháng
11 năm 2012.
d) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Khẩn trương xây dựng để ban hành khung trình độ
quốc gia trong quý I năm 2013;
- Hoàn thiện và ban hành cơ chế đặc thù đào tạo
nhân lực cho các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các khu kinh tế
trọng điểm;
- Tổ chức các hội thảo chuyên đề theo đề nghị của Bộ,
trong đó cần ưu tiên triển khai sớm Hội thảo về cơ chế tự chủ trong tuyển sinh
đáp ứng nhu cầu nhân lực theo quy hoạch của các Bộ, ngành và địa phương;
- Hướng dẫn các địa phương việc thống kê số lượng học
sinh, sinh viên đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo (từ trung cấp đến đại học)
nhưng chưa có việc làm; xây dựng Đề án tổng thể giải quyết việc này, trình Thủ
tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2013;
- Khẩn trương tổ chức ký kết Chương trình hợp tác
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp Đức tại Việt
Nam đến năm 2013, định hướng đến năm 2015 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội và Hiệp hội doanh nghiệp Đức trong tháng 10 năm 2012.
đ) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Khẩn trương xây dựng để ban hành khung trình độ
nghề quốc gia trong quý II năm 2013;
- Thực hiện các nhiệm vụ được giao của cơ quan thường
trực Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956);
- Khẩn trương tổ chức ký kết Chương trình hợp tác
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại
Việt Nam đến năm 2013, định hướng đến năm 2015 giữa Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản trong tháng
10 năm 2012.
e) Bộ Tài chính:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục
và Đào tạo để có văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính thực hiện Quy hoạch
phát triển nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương; thời hạn hoàn thành trong
tháng 10 năm 2012.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ
sung Nghị định số 43/2006/NĐ-CP gắn với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm
trong đào tạo;
g) Bộ Nội vụ: Xem xét quy định việc tuyển dụng công
chức ở các địa phương theo hướng chủ yếu dựa vào năng lực thực tế và nhu cầu của
chính quyền địa phương.
h) Bộ Y tế: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai đào tạo
theo nhu cầu của ngành, có sơ kết, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc vào tháng 03
năm 2013 để nhân rộng triển khai đối với các ngành văn hóa, nông nghiệp, tài
chính, ngân hàng trong thời gian tiếp theo.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành và
các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để
b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các BCĐ: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 91;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, các Vụ: PL, TKBT, KTTH, TH, Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Hữu Vũ
|