VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 199/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 05
tháng 5 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN
LỰC PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN
Chiều ngày 24 tháng 4 năm 2024,
tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị về
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Cùng dự Hội nghị có Phó
Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường
Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Giám đốc Đại học Quốc
gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc
phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành
phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên; đại diện lãnh đạo
các cơ sở đào tạo, tổ chức: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học
Đà Nẵng, Đại học Huế và một số các các cơ sở đào tạo, khu công nghệ cao, hiệp hội,
tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư báo cáo, ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp,
tổ chức tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như
sau:
1. Đại hội XIII của Đảng xác định
phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về đào tạo
nguồn nhân lực. Quan điểm xuyên suốt trong phát triển đất nước là lấy con người
làm trung tâm, chủ thể, là nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Phát triển
ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên
trong phát triển khoa học và công nghệ cao; sẽ thúc đẩy sự phát triển của các
ngành phụ trợ khác.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27
tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động
tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định mục tiêu phát triển
nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất
lượng cao. Kết luận số 64-KL/TW ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Hội nghị lần thứ
8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 đã
yêu cầu: "Tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành
sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".
Thực hiện chủ trương của Đảng,
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học
và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng
Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; giao Bộ
Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt
Nam đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học,
công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó xác định công nghiệp bán dẫn
là ngành công nghệ cao, được ưu tiên.
2. Phát triển ngành công nghiệp
bán dẫn phải tập trung vào 05 trụ cột, gồm: (i) phát triển hạ tầng; (ii) xây dựng
và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; (iii) đào tạo nguồn nhân lực; (iv)
huy động nguồn lực; (v) xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp
bán dẫn. Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), các
Khu công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều khu công
nghệ thông tin tập trung. Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần
160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo
nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến
công nghiệp bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng
phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ
trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực
qua đào tạo này. Các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc
Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và
dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh
thái cho ngành bán dẫn.
Việt Nam đã có quá trình chuẩn
bị lâu dài và đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực với nhiều nước, trong đó
có lĩnh vực công nghệ thông tin. Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với
Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh đến việc
hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Các tập đoàn hàng đầu (NVIDIA,
Samsung, Synopsys…) cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát
triển, hướng tới xây dựng “cứ điểm” sản xuất bán dẫn tại Việt Nam. Trong 20 năm
qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực
công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000
- 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
3. Việt Nam đã có những cơ sở,
nền tảng quan trọng để phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao và để đạt được
mục tiêu đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn nêu trên, cần xác định rõ quan điểm,
nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
a) Về quan điểm: Thứ nhất,
coi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột
phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ hai, đa dạng hóa
các loại hình đào tạo như: đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào
tạo kỹ năng, đào tạo kỹ sư, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong nước và ngoài nước,
đào tạo thông qua sản xuất kinh doanh. Thứ ba, đa dạng hóa các nguồn lực
cho đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội,
nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước - xã hội - thị trường, đẩy mạnh hợp tác
công tư trong đào tạo.
b) Về nhiệm vụ, giải pháp trọng
tập: Thứ nhất, hoàn thiện thể chế cho công tác đào tạo nguồn nhân lực
bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù. Thứ hai, đầu tư cho hạ tầng
phục vụ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng
thí nghiệm, nơi sản xuất…Thứ ba, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên,
xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp. Thứ tư, phương thức đào tạo cả
tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài. Thứ năm, huy động, đa dạng
hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, hợp tác công tư.
4. Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan
căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và
linh hoạt trong tổ chức thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công
nghiệp bán dẫn; trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp
thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu, rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với cơ chế, chính sách và bố trí
nguồn lực phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; phối hợp với các địa
phương triển khai thực hiện; thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào công tác
đào tạo, trong đó lưu ý:
(i) Dự báo cần phân tích, đánh
giá các xu thế phát triển công nghiệp bán dẫn toàn cầu, chiến lược của các quốc
gia, thế mạnh của Việt Nam; gắn kết chặt chẽ với chiến lược công nghiệp bán dẫn,
đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao;
(ii) Quan điểm, tầm nhìn chiến
lược là phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn từ thiết kế hệ thống, vật
liệu bán dẫn, sản xuất, đóng gói, kiểm thử; vì vậy cần phát triển nhân lực về
khoa học cơ bản, thiết kế hệ thống (vật lý, vật liệu, nguyên liệu, phòng thí
nghiệm…), khoa học chuyên sâu (thiết kế vi mạch, tin học, trí tuệ nhân tạo,
chíp…) nhưng cần có lộ trình phù hợp theo công đoạn mà Việt Nam có thế mạnh. Cần
tập trung đào tạo chuyển đổi nhân lực từ các ngành liên quan kết hợp với đào tạo
chuyên sâu, đào tạo nhân tài về bán dẫn. Việc đào tạo ngắn hạn cần dựa trên khảo
sát thị trường, đặt hàng doanh nghiệp để chương trình sát yêu cầu, tránh lãng
phí. Tập trung đào tạo, thu hút giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo, giáo
trình, phương thức giảng dạy;
(iii) Xác định rõ mục tiêu, nhiệm
vụ, giải pháp, cơ chế tài chính, phân công thực hiện, thời hạn hoàn thành bảo đảm
không trùng lắp đề án khác, trong đó cần có sự tham gia của địa phương, cơ sở
giáo dục đại học, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông
khẩn trương trong Quý II năm 2024 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược
phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo lên kế
hoạch đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp
bán dẫn; xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ
sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành đào tạo.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ
thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn để thúc đẩy
chuyển giao công nghệ, trong đó xác định rõ lĩnh vực ưu tiên kèm theo cơ chế
chính sách; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công
nghệ về ngành công nghiệp bán dẫn.
đ) Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách giấy phép lao động cho người nước
ngoài nhằm tạo điều kiện thu hút chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt
Nam làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn nói chung và trong đào tạo nguồn
nhân lực bán dẫn nói riêng.
e) Bộ Ngoại giao vừa thúc đẩy
quan hệ ngoại giao kinh tế vừa nghiên cứu, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm
việc thu hút nguồn nhân lực cho đào tạo, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm
trong công tác đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn.
g) Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất
cơ chế, chính sách visa, tạo thuận lợi thu hút chuyên gia nước ngoài cho phát
triển ngành công nghiệp bán dẫn nói chung và cho đào tạo nguồn nhân lực nói
riêng, bao gồm nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Bộ Công an.
h) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị liên quan như: các viện nghiên cứu, học viện,
trường đại học, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp an ninh…
tham gia triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành
công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ứng dụng, phục vụ cho quốc phòng và an ninh.
i) Bộ Tài chính nghiên cứu, đề
xuất sửa đổi các chính sách thuế, phí, lệ phí ưu tiên thu hút nguồn nhân lực và
đào tạo nguồn nhân lực; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế sử dụng ngân
sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước một cách
nhanh chóng, hiệu quả.
k) Ngân hàng Nhà nước Việt nam
và Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù
về: tiết kiệm và chuyển tiền thuận lợi cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại
Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn; chính sách cho vay ưu đãi cho sinh viên để
thu hút, khuyến khích học tập, nâng cao kĩ năng trình độ phục vụ công việc.
l) Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền
hoặc trình cấp ủy, Hội đồng nhân dân về bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ học bổng,
các chính sách ưu đãi cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn; triển khai thực
hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.
m) Các trường đại học, cơ sở
giáo dục nghề nghiệp chủ động tham gia và tăng cường hợp tác, liên kết với các
doanh nghiệp trong nghiên cứu, đặt hàng, đào tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế
trong đào tạo.
n) Đề nghị các doanh nghiệp,
nhà đầu tư tham gia vào việc hình thành thị trường lao động cho ngành bán dẫn;
tích cực tham gia vào quá trình đào tạo của các cơ sở đào tạo; phối hợp với các
cơ sở đào tạo để đặt hàng, thu hút nguồn nhân lực; đồng hành, bổ sung nguồn lực
cùng nhà nước trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán
dẫn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan và tổ chức có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTgCP Trần Hồng Hà (để b/c);
- PTTgCP Trần Lưu Quang (để b/c);
- Các Bộ: KHĐT, GDĐT, KHCN, CA, QP, TC, NG, TTTT, LĐTBXH;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam;
- Các Đại học: Quốc gia HN, Quốc gia TP.HCM, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế, Bách
khoa HN;
- Các Khu Công nghệ cao: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng;
- Các Hiệp hội, Hội: Công nghiệp hỗ trợ VN, Phần mềm và Dịch vụ CNTT VN,
Doanh nghiệp điện tử VN, Vô tuyến-Điện tử VN;
- Các Tập đoàn: Viettel, VNPT, FPT;
- Các cơ sở giáo dục đào tạo (do Bộ GDĐT gửi);
- Các Tập đoàn, Doanh nghiệp, Cty (do Bộ KHĐT gửi);
- Ban NC phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV);
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, Trợ lý TTgCP, Thư ký PTTgCP Trần Hồng Hà,
Thư ký PTTgCP Trần Lưu Quang; các Vụ: PL, KTTH, TCCV, CN, QHQT, NC, KSTT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (2b), ĐND.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|