Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 838/QĐ-BXD Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Xây dựng Người ký: Trịnh Đình Dũng
Ngày ban hành: 13/09/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 838/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011-2020

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 19/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;

Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Cơ quan Bộ, Hiệu trưởng các trường đào tạo thuộc ngành Xây dựng, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

- Như Điều 3;
- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ XD;
- Website Bộ XD;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Trịnh Đình Dũng

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Kèm theo Quyết định s
838/QĐ-BXD ngày 13 tháng 9 năm 2012)

 

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU

I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA NGÀNH XÂY DỰNG TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

1. Về hoạt động đầu tư xây dựng nói chung

2. Vị trí, vai trò của Ngành Xây dựng trong nền kinh tế quốc dân

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011-2020

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI QUY HOẠCH

1. Mục đích

2. Yêu cầu

3. Phạm vi

IV. KẾT CẤU CỦA QUY HOẠCH

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG

I. THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC

1. Quy mô và cơ cấu nguồn nhân lực

1.1. Quy mô

1.2. Cơ cấu

2. Đánh giá thực trạng

2.1. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Xây dựng

2.2. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ (đội ngũ viên chức) ngành Xây dựng

2.3. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ công nhân lao động ngành Xây dựng

II. PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

1. Hệ thống đào tạo nhân lực ngành Xây dựng

1.1. Về mạng lưới các cơ sở đào tạo

1.2. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường thuộc Bộ Xây dựng.

2. Tổ chức đào tạo nhân lực ngành Xây dựng

2.1. Về kết quả đào tạo

2.2. Về tổ chức đào tạo

3. Về chương trình đào tạo

4. Hiện trạng quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách phát triển nhân lực ngành Xây dựng.

4.1. Các văn bản quản lý nhà nước

4.2. Hệ thống cơ chế chính sách

PHẦN THỨ HAI

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011-2020

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG QUY HOẠCH

II. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG

1. Những nhân tố tác động đến phát triển nhân lực ngành Xây dựng thời kỳ 2011- 2020

1.1. Những nhân tố bên ngoài

1.2. Những  nhân tố bên trong

2. Những căn cứ trực tiếp dự báo nhu cầu nhân lực ngành Xây dựng

III. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Quan điểm

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

2.2. Mục tiêu cụ thể

IV. CƠ CẤU VÀ SỐ LƯỢNG NHÂN LỰC ĐƯỢC ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Số lượng và cơ cấu theo trình độ đào tạo

2. Nhu cầu đào tạo nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020

V. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020

1. Định hướng chung

2. Đào tạo bậc đại học

3. Đào tạo bậc trung học chuyên nghiệp

4. Đào tạo nghề

5. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

5.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức

5.2. Đối với nhân lực tham gia hoạt động xây dựng và hành nghề xây dựng

5.3. Đối với nhân lực doanh nghiệp

PHẦN THỨ BA

NHỮNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011-2020

I. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực

2. Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phát triển nhân lực

3. Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo của ngành Xây dựng

4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng

5. Giải pháp về cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực

6. Nâng cao thể lực, kỹ năng nhân lực

II. GIẢI PHÁP VỀ VỐN VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

1. Dự báo nhu cầu vốn cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

2. Nhu cầu kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất

3. Giải pháp huy động các nguồn vốn

III. NHỮNG ĐỀ ÁN ƯU TIÊN

IV. BƯỚC ĐI VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Thực hiện quy hoạch

1.1. Giai đoạn 2011 - 2015

1.2. Giai đoạn 2016 - 2020

2. Nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức

2.1. Vụ Tổ chức - Cán bộ

2.2. Vụ Kế hoạch - Tài chính

2.3. Vụ Kinh tế Xây dựng

2.4. Vụ Khoa học công nghệ và môi trường

2.5. Vụ Hợp tác quốc tế

2.6. Các Cục, Vụ, Viện khác

2.7. Các cơ sở đào tạo

2.8. Các sở Xây dựng, sở Quy hoạch kiến trúc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

PHẦN PHỤ LỤC

 

MỞ ĐẦU

I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA NGÀNH XÂY DỰNG TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

1. Về hoạt động đầu tư xây dựng nói chung:

Như chúng ta đã biết, đời sống của con người hàm chứa nhiều hoạt động như kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật... Xã hội càng phát triển, các hoạt động nói trên càng phong phú, đa dạng và phát triển ở trình độ cao hơn. Không thể có các hoạt động xã hội nói trên nếu con người không tồn tại và xã hội không thể tồn tại nếu không sản xuất ra của cải vật chất với quy mô ngày càng mở rộng. Sản xuất vật chất là sự tác động của con người vào tự nhiên, biến đổi các vật thể của tự nhiên để tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình: thức ăn, đồ mặc, nhà ở, phương tiện đi lại và các thứ cần thiết khác.

Hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công, nghiệm thu, bảo hành, bảo trì, khai thác, sử dụng và các hoạt động khác có liên quan đến đầu tư xây dựng công trình.

Hoạt động đầu tư xây dựng là một hoạt động có sự kết hợp ba yếu tố: sức lao động của con người có thể lực và trí lực được đào tạo chuyên môn, đối tượng lao động và tư liệu lao động. Do đó đầu tư xây dựng là hoạt động sản xuất vật chất.

Đặc điểm của hoạt động đầu tư xây dựng là loại hình sản xuất vật chất đặc thù, sản phẩm gắn liền với đất đai, không gian và môi trường; công nghệ xây dựng mang tính công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao, từ ý tưởng quy hoạch xây dựng, thiết kế, sản xuất và cung ứng vật liệu, vật tư kỹ thuật, xây dựng công trình hoàn thành, hình thành tài sản cố định đưa vào sử dụng đến bảo hành, bảo trì và chuyển dịch chủ quyền sử dụng; mọi thành tựu của khoa học công nghệ tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn đều được ứng dụng trong hoạt động đầu tư xây dựng và kết tinh trong sản phẩm xây dựng (giá trị sử dụng); hoạt động đầu tư xây dựng liên quan đến nhiều ngành, quan hệ trực tiếp đến quyền lợi của mọi tổ chức, công dân và lợi ích của đất nước.

Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, sự phát triển của hoạt động đầu tư xây dựng cũng đi từ thấp đến cao, từ thô sơ đến hiện đại. Từ chỗ chỉ là làm nhà ở (build) nhằm đáp ứng nhu cầu “ở” cho con người, hoạt động xây dựng đã vươn ra trực tiếp làm nên những con đường, bến cảng, công trình điện, công trình thủy lợi, cấp nước... hình thành nên kết cấu hạ tầng (infrastructure), đó chính là một bộ phận của tư liệu lao động với tư cách là kết cấu hạ tầng sản xuất, là điều kiện rất cần thiết với quá trình sản xuất sản phẩm vật chất.

Như vậy, hoạt động đầu tư xây dựng là hoạt động nhằm tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật và kiến trúc đảm bảo cho các hoạt động kinh tế, xã hội được diễn ra một cách bình thường, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

2. Vị trí, vai trò của Ngành Xây dựng trong nền kinh tế quốc dân:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến ngành xây dựng. Ngay sau ngày giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã chỉ ra nhiệm vụ “kháng chiến kiến quốc” là nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của Đảng và giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Bác ký sắc lệnh số 50 ngày 13 tháng 4 năm 1946, tổ chức Bộ Giao thông công chính, nêu nhiệm vụ của Ty Kiến thiết đô thị và kiến trúc (tiền thân của Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng) là: “Tu chỉnh và kiến thiết các đô thị và thôn quê: lập bản đồ và chương trình tu chỉnh và mở mang các đô thị; lập bản đồ và chương trình tu chỉnh các vùng thôn quê. Kiểm soát công việc xây dựng công thự, công viên hay tư thất ở các thành phố: họa kiểu hay duyệt y các kiểu công thự, công viên ở các đô thị lớn; xét các kiểu nhà và kiểm soát công việc kiến trúc của tư gia ở các đô thị. Duy trì và bảo tồn nền kiến trúc cổ của Việt Nam; nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam. Nghiên cứu và khởi thảo các luật lệ về kiến trúc”.

Ngày 29/4/1958, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa I, Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây Dựng đã được thành lập để thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, kiến thiết cơ bản, nhà đất và sản xuất vật liệu xây dựng. Nghị định số 177-HĐBT ngày 18/10/1982 về phân ngành kinh tế quốc dân, đã xác định ngành xây dựng là ngành kinh tế quốc dân cấp một. Nghị định 75/CP ngày 23/10/1993 xác định ngành xây dựng thuộc cơ cấu công nghiệp, là ngành sản xuất cơ bản của nền kinh tế quốc dân.

Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đã giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà và công sở, công trình công cộng và kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị - nông thôn trong cả nước.

Nghị định 36/2003/NĐ-CP ngày 01/4/2003, Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về 5 lĩnh vực: quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn; quản lý hoạt động xây dựng; quản lý và phát triển vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng; quản lý phát triển nhà và công sở; quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên phạm vi cả nước; ngoài ra, còn thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ.

Cùng với sự phát triển của đất nước, hiện tại, theo quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ, tại Nghị định 17/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008, Bộ Xây Dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về 7 lĩnh vực: xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; ngoài ra còn thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Tổ chức lao động của ngành Xây dựng bao gồm các đơn vị và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong phạm vi cả nước. Quản lý nhà nước về xây dựng vừa mang tính chất là ngành quản lý nhà nước tổng hợp, vừa mang tính chất là ngành quản lý sản xuất vật chất cụ thể, đồng thời mang tính xã hội sâu sắc.

Như vậy, có thể thấy về lý luận, thực tiễn và pháp lý, ngành Xây Dựng là một ngành kinh tế quốc dân. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, ngành xây dựng có vị trí là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam văn minh, hiện đại.

Do có vị trí và tầm quan trọng như vậy, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta đến năm 2020, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra định hướng phát triển của ngành Xây dựng là: “Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng... Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và có năng lực đấu thầu công trình xây dựng ở nước ngoài. Ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng và hiệu lực quy hoạch, năng lực thiết kế, xây dựng và thẩm mỹ kiến trúc. Phát triển các hoạt động tư vấn và các doanh nghiệp xây dựng, trong đó chú trọng các doanh nghiệp mạnh theo từng lĩnh vực.”

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

Sau hơn 50 năm phát triển và trưởng thành, ngành xây dựng đã có những bước tiến đáng kể theo hướng hiện đại, cả trong lĩnh vực xây dựng công trình, vật liệu xây dựng, kiến trúc và quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở; năng lực xây dựng công trình có nhiều tiến bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về xây dựng, kể cả những công trình quy mô lớn, đòi hỏi chất lượng cao, công nghệ hiện đại, ở trong và ngoài nước. Giá trị sản lượng của ngành đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào những thành tựu rất quan trọng, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị của đất nước.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động (dưới đây gọi chung là lao động) ngành Xây dựng đã có những bước phát triển vượt bậc về cả số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020), ngành Xây dựng cần đề ra nhiệm vụ và những giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực trong giai đoạn mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từ đó việc xây dựng “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 - 2020” là cần thiết, khách quan và cấp bách.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI QUY HOẠCH

1. Mục đích

Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 (dưới đây gọi là Quy hoạch) là bước đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của ngành Xây dựng; làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển nhân lực ngành Xây dựng nói chung và của từng đơn vị trong ngành nói riêng. Đồng thời, trên cơ sở mục tiêu, nội dung của các giải pháp thực hiện quy hoạch để triển khai xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện phát triển nhân lực của toàn ngành.

2. Yêu cầu

Do tính chất và đặc điểm của ngành, nhân lực ngành Xây dựng có yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp, đa dạng về ngành nghề và cấp độ đào tạo. Yêu cầu của việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 là tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng và việc sử dụng nhân lực xây dựng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ngành Xây dựng và thực trạng hệ thống đào tạo nhân lực cho Ngành, đồng thời xác định mục tiêu, yêu cầu, nhu cầu nhân lực ngành Xây dựng cho 10 năm tới cũng như kiến nghị các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra.

3. Phạm vi

Nhân lực ngành Xây dựng bao gồm đội ngũ công chức các cơ quan quản lý trong Ngành từ trung ương đến các địa phương; đội ngũ viên chức các đơn vị sự nghiệp và tại các doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ và công nhân - lao động hoạt động trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong phạm vi cả nước, với mọi thành phần kinh tế.

IV. KẾT CẤU CỦA QUY HOẠCH

Ngoài các phần mở đầu, kết luận và kiến nghị bản Quy hoạch bao gồm 3 phần chính:

Phần thứ nhất: Thực trạng phát triển nhân lực ngành Xây dựng

Phần thứ hai: Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 - 2020

Phần thứ ba: Những giải pháp thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 - 2020

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG

I. THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC

1. Quy mô và cơ cấu nguồn nhân lực

1.1. Quy mô

Xây dựng là một trong những ngành có chỉ số nhân lực tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2005 lao động ngành Xây dựng mới có 1,979.900 người chiếm 4,63% lực lượng lao động trong nền kinh tế thì đến năm 2010, các số liệu tương ứng là 3.108.000 người chiếm 6,34% tăng 1,57 lần về số người; 1,37 lần về tỉ lệ % so với năm 2005 (xem biểu 1 Phụ lục 1).

Cùng với tiến trình cải cách hành chính và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhân lực khu vực công (các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước) ngành Xây dựng cũng giảm dần. Năm 2010 nhân lực khu vực nhà nước ngành Xây dựng là 437,9 nghìn người chiếm 14,09 % tổng số lao động làm việc trong ngành Xây dựng (3.108 nghìn người) - xem biểu 2 Phụ lục 1.

1.2. Cơ cấu (xem sơ đồ 1 và bảng 1 dưới đây)

Nhân lực ngành Xây dựng bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và đội ngũ công nhân lao động.

Khối cán bộ quản lý nhà nước về Xây dựng bao gồm công chức các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng từ trung ương đến địa phương: Bộ Xây dựng; Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc quy hoạch; Các phòng Quản lý đô thị/Phòng Kinh tế và hạ tầng; công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường/địa chính - xây dựng-đô thị và môi trường cấp Xã (dưới đây gọi chung là công chức xây dựng cấp Xã).

Theo các số liệu trong biểu 1 (trang 7), khối cán bộ quản lý nhà nước về Xây dựng các cấp có 20.568 người chiếm 4,7 % tổng số lao động làm việc trong khu vực công ngành Xây dựng (437,9 nghìn người). Nếu chú ý rằng trên phạm vi cả nước chỉ riêng số đơn vị hành chính cấp Xã đã là trên 12.000 thì lực lượng này khá mỏng so với yêu cầu, nhiệm vụ.

Khối cán bộ chuyên môn nghiệp vụ bao gồm viên chức các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, viên chức các doanh nghiệp.

Trên phạm vi cả nước khối viên chức các cơ sở đào tạo trong ngành chỉ có 4.653 người (xem biểu 1 trang 7), đây là một con số khá khiêm tốn đối với sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành

Đội ngũ công nhân lao động bao gồm công nhân lao động các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng và công nhân lao động các doanh nghiệp địa phương.

 

Sơ đồ 1

CƠ CẤU NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG

 


Biểu 1

NHÂN LỰC TRONG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY DỰNG CHIA THEO CÁC KHỐI, THEO GIỚI TÍNH VÀ ĐỘ TUỔI

TT

Loại hình TC lao động

Tổng số

Nam

Nữ

Dưới 30 tuổi

Từ 30 đến 50 tuổi

Từ 51 đến 60 tuổi

Người

%

Người

%

Người

%

Người

%

Người

%

Người

%

I

Khối quản lý nhà nước

20568

100

18328

89.11

2240

10.89

5623

27.34

10980

53.38

3906

18.99

 

+ Công chức quản lý xây dựng Bộ-Tỉnh-huyện

8078

100

6867

85.01

1211

14.99

1709

21.16

4496

55.66

1873

23.19

 

+ Công chức xây dựng cấp Xã

12490

100

11461

91.76

1029

8.24

3914

31.34

6484

51.91

2033

16.28

II

Khối cán bộ chuyên môn

96940

100

83281

85.91

13659

14.09

23547

24.29

55706

57.46

17687

18.25

 

- Sự nghiệp khoa học

1440

100

1063

73.82

377

26.18

522

36.25

668

46.39

250

17.36

 

- Sự nghiệp GD-ĐT

4653

100

3130

67.27

1523

32.73

1436

30.86

2448

52.61

769

16.53

 

- Các doanh nghiệp

90847

100

79088

87.06

11759

12.94

21589

23.76

52590

57.89

16668

18.35

III

Công nhân lao động

204097

100

 

-

 

 

 

-

 

-

14075

6.90

 

Tổng I+II+III

321605

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


2. Đánh giá thực trạng

2.1. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Xây dựng

2.1.1. Phân tích đánh giá thực trạng chung

Theo các số liệu trong biểu 1, nhân lực tham gia hoạt động quản lý nhà nước về Xây dựng là 20568 người chiếm 6,4 % tổng số (321.605 người), khối cán bộ chuyên môn là 96.940 chiếm 30,14%, khối công nhân lao động là 204.097 chiếm 63,46%.

Công chức ngành Xây dựng ở địa phương (bao gồm công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, công chức địa chính xây dựng cấp xã) chiếm tỷ trọng khá lớn, hơn 98% công chức tham gia hoạt động quản lý nhà nước của Ngành; công chức khối cơ quan Bộ Xây dựng chỉ chiếm tỷ lệ 1,74% (357 người trong tổng số 20.568 người).

Về mặt chất lượng, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Xây dựng được hình thành từ nhiều nguồn, được đào tạo cả ở trong và ngoài nước. Chất lượng của họ thể hiện ở phẩm chất, trình độ và năng lực thừa hành công vụ. Trong 05 năm qua, cùng với xu hướng chung của thời đại là “trí tuệ hóa lao động”, trình độ học vấn của đội ngũ công chức ngành Xây dựng nói chung, cũng như của từng loại công chức ngành Xây dựng trong từng khu vực nói riêng đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ, họ còn phải cố gắng phấn đấu nhiều.

2.1.2. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ công chức cơ quan Bộ Xây dựng

a. Về số lượng và cơ cấu phân theo ngạch và trình độ:

Theo các số liệu điều tra đội ngũ công chức cơ quan Bộ Xây dựng có 357 người. Nhìn chung công chức làm việc tại cơ quan Bộ Xây dựng cần có trình độ chuyên môn cao, có năng lực làm việc, năng lực lãnh đạo và có kinh nghiệm thực tế. Vì thế độ tuổi trung bình của họ tương đối cao. Trong số 357 công chức cơ quan Bộ có tới 105 người hay 29,4% có độ tuổi trên 50.

Công chức cơ quan Bộ Xây dựng ở ngạch càng cao thì độ tuổi trung bình cũng càng lớn. Cả cơ quan Bộ có 18 chuyên viên cao cấp thì cả 18 người đều ở độ tuổi trên 50.

Đa số công chức cơ quan Bộ có trình độ đại học và trên đại học, trong đó, số có trình độ trên đại học là 104 người hay 29,1%. Cả cơ quan Bộ chỉ có 27 người (7,6%) chưa qua đại học. Tuy nhiên tình trạng làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo đã và đang là hiện tượng khá phổ biến ở cơ quan Bộ Xây dựng. Trong số 357 công chức cơ quan Bộ Xây dựng chỉ có 47,12% được đào tạo các chuyên ngành có liên quan đến kiến trúc và xây dựng.

Do đòi hỏi của vị trí công tác, để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ, trình độ lý luận chính trị của công chức Khối cơ quan Bộ khá cao: 97 người hay 27,2% đã có trình độ lý luận chính trị cao cấp; 108 người hay 30,3% có trình độ lý luận chính trị trung cấp.

Trình độ quản lý nhà nước của đội ngũ công chức Cơ quan Bộ khá cao nhưng không đều và chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Cơ quan Bộ có 36 người đã được bồi dưỡng chương trình chuyên viên cao cấp (chiếm tỷ lệ 10,17%). Đáng chú ý là có trình độ quản lý hành chính nhà nước ở ngạch này chỉ có 6/18 Vụ trưởng và tương đương; 15/44 Phó Vụ trưởng và tương đương. Trong tổng số 357 công chức cơ quan Bộ còn có tới 64 người hay 17,97% chưa được đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trong đó có không ít chuyên viên và chuyên viên chính.

Theo xu hướng hiện nay, tiếng Anh đang là một trong những ngôn ngữ giao tiếp phổ biến trên tất cả các lĩnh vực của thế giới. 100% cán bộ công chức của Bộ biết tiếng Anh ở các mức độ khác nhau.

Ngày nay kiến thức về tin học có ý nghĩa quan trọng, là cầu nối, là hành trang không thể thiếu được của hội nhập và phát triển. 100% cán bộ công chức của Bộ Xây dựng có trình độ tin học ở các mức độ khác nhau.

b. Đánh giá năng lực công tác của đội ngũ công chức cơ quan Bộ Xây Dựng.

Đội ngũ công chức cơ quan Bộ Xây dựng đã trưởng thành và từng bước đứng vững trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Cùng với những thay đổi của Đất nước, đội ngũ công chức Bộ cũng từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, tham mưu cho lãnh đạo các cấp hoạch định và thực thi các chính sách đổi mới và cải tiến quản lý hoạt động xây dựng, áp dụng sáng tạo các mô hình và kinh nghiệm quản lý, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp và công nghệ thi công tiên tiến vv....

Tuy nhiên, tình trạng “nợ tiêu chuẩn” vẫn còn và khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là khi Pháp lệnh Công chức mới ra đời và có hiệu lực, hàng loạt cán bộ được xét chuyển sang ngạch Chuyên viên, Chuyên viên chính, Chuyên viên cao cấp... nhưng chưa qua lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước với các chương trình tương ứng. Họ được nợ tiêu chuẩn này. Mặt khác, còn do chúng ta chưa thực hiện tốt công tác đào tạo bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm; Một bộ phận không nhỏ công chức cơ quan Bộ không được đào tạo đúng ngành đúng nghề. Thực trạng đó là một rào cản đáng kể đối với việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công tác của Ngành.

2.1.3. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ công chức quản lý xây dựng khối địa phương (xem phụ lục 3)

a. Về mặt số lượng:

Tổng số cán bộ công chức trong hệ thống quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương là 20.211 người bao gồm công chức các Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc quy hoạch; Các phòng Quản lý đô thị/Phòng Kinh tế và hạ tầng; công chức xây dựng cấp Xã.

b. Về mặt chất lượng:

Có thể nói so với mặt bằng chung của toàn Ngành, so với yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn, chất lượng nói chung và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức khối Địa phương nhìn chung chưa cao. Đáng chú ý là trong số 20.211 cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về xây dựng các cấp Tỉnh, Huyện, Xã trên địa bàn cả nước có tới 3.730 người chưa qua đào tạo chuyên nghiệp từ trung cấp trở lên (chiếm 18,46%); Trong số 16.481 người có trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên chỉ có 4.098 người được đào tạo các chuyên ngành có liên quan đến kiến trúc và xây dựng (chiếm 24,86%).

c. Về khả năng đáp ứng yêu cầu công vụ

- Đa phần lãnh đạo cấp Sở đều trưởng thành từ thực tiễn công tác tại các cơ quan, đơn vị trong Ngành, đã tốt nghiệp khóa đào tạo lý luận chính trị cao cấp, có trình độ từ đại học trở lên. Nhìn chung họ có đủ trình độ và năng lực để quản lý các lĩnh vực của ngành Xây dựng tại địa phương.

- Đối với cấp huyện, trên địa bàn cả nước có gần 700 đơn vị hành chính cấp Huyện với 4.842 công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, trung bình mỗi đơn vị có khoảng 07 người. Nếu chú ý rằng, đội ngũ cán bộ này (nhất là ở các huyện) họ không chỉ làm công tác quản lý nhà nước về xây dựng mà còn đảm nhiệm nhiều công tác khác theo chức năng của đơn vị thì đây là một lực lượng khá mỏng.

- Đối với cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trên địa bàn cả nước có 12.490 công chức xây dựng trên tổng số khoảng 11.000 đơn vị hành chính cấp Xã. Như vậy mỗi đơn vị hành chính cấp Xã chỉ có khoảng 01 công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường hoặc địa chính - xây dựng kiêm làm nhiệm vụ quản lý xây dựng. Trên thực tế do lực lượng quá mỏng, lại kiêm nhiệm nên việc quản lý xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn cả nước còn khá nhiều bất cập; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn được giao.

Mặt khác, so với yêu cầu công vụ, trình độ mọi mặt của đội ngũ công chức hành chính xây dựng cấp xã vừa thiếu vừa là khâu yếu nhất trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về Xây dựng. Để đáp ứng yêu cầu công vụ, đội ngũ này cần sớm được đào tạo, bồi dưỡng cả về kiến thức, kỹ năng chuyên môn và chính trị, quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học.

2.2. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ (đội ngũ viên chức) ngành Xây dựng

2.2.1. Phân tích đánh giá chung và phân tích đánh giá các khối viện, doanh nghiệp (xem các phụ lục 4,5,6,7)

Đội ngũ viên chức ngành Xây dựng bao gồm viên chức các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp trong ngành. Toàn ngành có 96.940 viên chức, trong đó số có trình độ đại học trở lên là 51.559 người chiếm 53,19%, số được đào tạo về kiến trúc, xây dựng chỉ có 18.204 người chiếm 35,31%.

Nhìn chung trong những năm qua, đội ngũ viên chức ngành Xây dựng đã góp phần to lớn trong các thành tựu của ngành trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Ngành. Tuy nhiên trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học ... của khối này nhất là của khối viên chức doanh nghiệp còn thiếu, có bộ phận còn chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn.

2.2.2. Khối viên chức các Viện (xem phụ lục 5):

Về cơ bản, viên chức các Viện nghiên cứu có trình độ đại học trở lên, trong đó số có trình độ tiến sỹ chiếm tỷ lệ 5,63 %, thạc sỹ 10,35 %. Khối cán bộ nghiên cứu 100% trình độ đại học trở lên. Khối viên chức các phòng ban trên 90% có trình độ đại học. Như vậy, viên chức các viện nghiên cứu của Bộ đã được đào tạo về trình độ chuyên môn tương đối cao, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mà Bộ giao cho khối Viện.

Tuy nhiên, hầu hết tuổi đời của cán bộ có chức danh khoa học khá cao, số có chức danh khoa học ở độ tuổi dưới 50 rất ít. Từ đó cho thấy nguy cơ hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật xây dựng thời gian tới, khi lớp cán bộ có trình độ cao đó nghỉ hưu; năng lực nghiên cứu khoa học kỹ thuật xây dựng của ngành cũng còn nhiều hạn chế, thiếu cán bộ đầu đàn, đặc biệt là cán bộ trẻ có trình độ cao.

2.2.3. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ viên chức các cơ sở đào tạo thuộc ngành Xây dựng:

Viên chức các trường đào tạo ngành Xây dựng: 4653 người, trình độ của đội ngũ viên chức này được thống kê, phân tích trong phụ lục 6.

72,45% viên chức các trường thuộc Ngành được đào tạo trình độ đại học trở lên, tiến sỹ có 2,71%, thạc sỹ có 17,32 % (trình độ năng lực cụ thể của đội ngũ giảng viên các trường đại học và cao đẳng; giáo viên các trường TCCN và đào tạo nghề được phân tích, đánh giá riêng ở phần sau).

Nhìn chung, trình độ chuyên môn của viên chức các trường thuộc ngành Xây dựng còn nhiều bất cập, số có trình độ đại học các chuyên ngành xây dựng thấp, nhất là kiến trúc - quy hoạch, xây dựng chiếm tỷ lệ tương ứng là 5,65% và 12,01% tổng số cán bộ viên chức. Số lượng cán bộ giảng dạy có học vị, học hàm cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ) rất ít, thậm chí có đơn vị không đủ số tiến sĩ cơ hữu theo quy định.

2.2.4. Khối viên chức doanh nghiệp (xem phụ lục 7):

Đội ngũ viên chức các doanh nghiệp ngành Xây dựng có 90.847 người. Tỷ lệ bình quân viên chức doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên đạt 51,57%, tuy nhiên lực lượng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng về quản lý doanh nghiệp còn chiếm tỷ lệ rất thấp (3,90%). Trình độ ngoại ngữ và tin học của viên chức các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế: 73,40% chưa được bồi dưỡng ngoại ngữ; 69,98% chưa được bồi dưỡng tin học. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý: 1,39% có trình độ trên đại học; 84,23% có trình độ đại học (trong đó có 28,52% có chuyên môn về kiến trúc, xây dựng);....Nhìn chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, chủ yếu trưởng thành từ hoạt động sản xuất kinh doanh, ít được đào tạo một cách bài bản, nhất là kiến thức quản lý kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một hạn chế không nhỏ đối với việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong ngành.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật: Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật các doanh nghiệp ngành Xây dựng là một trong những nhân tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của toàn Ngành nói chung. Trong số 23.271 cán bộ kỹ thuật toàn Ngành có 16.820 người, trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 72,28% (trong đó 0,06% trình độ tiến sỹ; 0,9% trình độ thạc sỹ). Số người trình độ đại học kiến trúc, xây dựng chiếm 41,17%.

Đội ngũ viên chức chuyên môn, nghiệp vụ khác: đây là lực lượng chiếm tỷ lệ cao trong đội ngũ viên chức các doanh nghiệp, về trình độ chuyên môn có 28,08% trình độ đại học trở lên (trong đó có 0,09% trình độ trên đại học).

2.3. Phân tích đánh giá thực trạng và việc sử dụng đội ngũ công nhân lao động ngành Xây dựng (xem phụ lục 8)

Tổng số công nhân lao động ngành Xây dựng là 204.097 người, trong đó công nhân xây dựng có 82.745 người, chiếm tỷ lệ 40,54%; công nhân lắp máy có 27.839 người, chiếm tỷ lệ 13,64%; công nhân sản xuất vật liệu xây dựng có 41.380 người, chiếm tỷ lệ 20,27%; công nhân cơ khí 23.921 người, chiếm tỷ lệ 11,72% và lao động phổ thông có 28.212 người, chiếm tỷ lệ 13,82%.

Công nhân ngành Xây dựng có trình độ cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ rất thấp; Số lượng công nhân có tay nghề bậc cao (bậc 5, 6, 7 và vượt khung) chỉ có 34.373 người chiếm 16,84%; thợ bậc 1,2 và lao động phổ thông còn chiếm tỉ lệ cao.

Ngoài ra, do đặc điểm nhân chủng, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, điều kiện sống của người lao động còn nhiều thiếu thốn, thu nhập thực tế không đủ để bù đắp và tái sản xuất sức lao động, nên thể trạng người lao động ngành Xây dựng còn hạn chế ảnh hưởng đến cường độ và năng suất lao động.

Nhìn chung, đội ngũ công nhân, những người trực tiếp lao động tạo ra các sản phẩm vật chất của ngành xây dựng còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Số lượng lao động có trình độ trung cấp nghề và công nhân kỹ thuật được đào tạo có xu hướng giảm; đội ngũ thợ bậc cao, lành nghề, chuyên biệt tuổi đời ngày càng cao chậm được bổ sung. Tỷ lệ lao động thủ công, lao động nông nhàn chưa qua đào tạo còn nhiều. Mức độ thành thạo, tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp chưa cao. Sự gắn bó, lòng yêu nghề của người thợ xây dựng chưa cao. Do đó, nhiều nơi, nhiều lúc một bộ phận lao động ngành Xây dựng chưa đáp ứng với yêu cầu trình độ công nghệ và tốc độ phát triển sản xuất của ngành.

II. PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

1. Hệ thống đào tạo nhân lực ngành Xây dựng (xem phụ lục 9)

1.1. Về mạng lưới các cơ sở đào tạo

Hiện tại, ngành Xây dựng có 33 cơ sở đào tạo nhưng nhìn chung, mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành Xây dựng phân bổ chưa hợp lý về mặt lãnh thổ. Hầu hết các cơ sở đào tạo tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Mạng lưới các cơ sở ngoài ngành có đào tạo các chuyên ngành xây dựng gồm 162 đơn vị, trong đó có 41 trường đại học, 47 trường cao đẳng, 34 trường trung cấp chuyên nghiệp, 23 trường cao đẳng nghề, 17 trường trung cấp nghề.

1.2. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường thuộc Bộ Xây dựng.

a. Đội ngũ giảng viên - giáo viên

Tính đến 30/6/2010 (là thời điểm điều tra, khảo sát) tổng số giảng viên/giáo viên cơ hữu các trường thuộc Bộ Xây dựng quản lý là 2.549 người (1.355 giảng viên, 1.194 giáo viên) và 607 giảng viên/giáo viên thỉnh giảng (312 giảng viên, 295 giáo viên).

Đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo của Bộ Xây dựng có 15,65% tiến sỹ (212 người), trong đó 40 giáo sư, phó giáo sư; có 46,97 % trình độ thạc sỹ đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ trên đại học đạt gần 66%, tuy nhiên tỷ lệ này phân bổ không đều, chủ yếu tập trung ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh; đội ngũ giảng viên thỉnh giảng cũng đạt 62,62 % trình độ trên đại học.

Giáo viên quy đổi khoảng 1.500 người có khả năng đảm nhiệm quy mô đào tạo 45.000 học sinh bằng 75% quy mô thực tế hiện nay.

b. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học của các cơ sở đào tạo

Thực trạng nhiều cơ sở đào tạo của ngành còn rất chật hẹp, chưa đủ diện tích theo tiêu chuẩn, đã hạn chế quy mô đào tạo và ảnh hưởng đến điều kiện đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập (xem phụ lục 10).

Để đầu tư có hiệu quả, tránh dàn trải trong khi nguồn lực có hạn, Bộ Xây dựng đã quy hoạch mạng lưới các trường thuộc ngành xây dựng, đồng thời tập trung đầu tư các trường trọng điểm vùng, trọng điểm ngành và các trường thuộc Bộ có dự kiến nâng cấp lên các hệ đào tạo cao hơn trong các năm 2006 - 2010 và 2011 - 2015 theo quy hoạch.

Về trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập: các trường đã được đầu tư các xưởng thực hành và các phòng học chuyên ngành theo các chương trình mục tiêu, đầu tư chiều sâu, đầu tư tăng cường năng lực, đầu tư xây dựng cơ bản... tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong những năm qua.

2. Tổ chức đào tạo nhân lực ngành Xây dựng

Nguồn nhân lực ngành Xây dựng được cung ứng từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành cũng như từ các cơ sở đào tạo của các nước trên thế giới và trong khu vực. Trong phạm vi bản quy hoạch này chúng ta chỉ đề cập đến các cơ sở đào tạo trong nước.

2.1. Về kết quả đào tạo

Kết quả đào tạo nhân lực ngành Xây dựng năm 2010 theo cơ cấu trình độ đào tạo (chi tiết kết quả đào tạo từ năm 2004 đến năm 2010 của các trường trong ngành và ngoài ngành) được thể hiện tại phụ lục 11. Theo đó, đến năm 2010:

- Các trường thuộc mạng lưới của ngành Xây dựng quản lý đào tạo được khoảng 50.000 người; bồi dưỡng cập nhật kiến thức kỹ năng cho khoảng 24.000 lượt người.

- Các trường ngoài ngành đào tạo được khoảng 48.000 người. Về số lượng này gần bằng các trường thuộc mạng lưới của ngành Xây dựng quản lý. Tuy nhiên, so với các trường do Bộ Xây dựng quản lý thì tỷ lệ về đào tạo đại học gấp 2 lần còn đào tạo nghề chỉ bằng 65,76%.

2.2. Về tổ chức đào tạo

Hiện nay, do công tác quản lý, dự báo nguồn nhân lực của nước ta còn hạn chế, chưa có con số thống kê đầy đủ và chính xác về nhu cầu của thị trường lao động nói chung và thị trường lao động ngành Xây dựng nói riêng, nên việc xác định và điều tiết cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành đào tạo cũng như công tác quản lý, điều hành, phối hợp đào tạo chưa đồng bộ, chưa hợp lý; thiếu gắn kết giữa đào tạo với sử dụng.

2.2.1. Về cơ cấu trình độ đào tạo

Đối với các trường trong ngành, cơ cấu trình độ đào tạo giữa giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề chưa hợp lý:

- Năm 2005 đạt tỷ lệ 1:1,5:9,2;

- Năm 2010 là 1:1.1:5.2

Đối với các trường ngoài ngành:

- Năm 2005 tỷ lệ là 1:1,1:2,4;

- Năm 2010 tỷ lệ này là 1:0,63:2,7

Do năng lực đào tạo mới của các trường trong và ngoài ngành là tương đương nhau nên cơ cấu đào tạo bình quân hiện nay của ngành Xây dựng là 1:0,8:3,8.

Thực trạng trên dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ vốn đã trầm trọng ngày càng trầm trọng hơn đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, với đặc thù có nhiều nghề nặng nhọc kém hấp dẫn với người học.

2.2.2. Về cơ cấu ngành đào tạo

Trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo đã có nhiều cố gắng hoàn thiện cơ cấu ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu sử dụng, thực tế đã điều chỉnh, thêm - bớt một số ngành nghề, như:

Về đào tạo đại học: hiện nay nhiều ngành nghề đã hình thành nhưng vẫn còn thiếu các chuyên ngành mới hoặc đào tạo ít như: công trình ngầm, công trình có yêu cầu đặc biệt, quản lý dự án xây dựng, quản lý xây dựng và đô thị, kinh tế đô thị, kinh tế bất động sản...

Về đào tạo trung học chuyên nghiệp, chủ yếu vẫn đào tạo được cán bộ kỹ thuật của các ngành - nghề có tính chất cổ điển chung như xây dựng dân dụng và công nghiệp, thi công cơ giới, cấp - thoát nước, cơ khí xây dựng; bỏ hẳn việc đào tạo cao đẳng, trung cấp kiến trúc, kinh tế xây dựng là bậc học trước đây phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu hành nghề tại các đơn vị cơ sở, các khâu trực tiếp công trường, tổ đội xây dựng.

Về đào tạo công nhân, mặc dù đã chuyển sang đào tạo theo hệ Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề theo Quy định của Luật dạy nghề 2006 nhưng nhận thức của người học vẫn chưa được đầy đủ, chương trình đào tạo chưa phù hợp dẫn đến việc tuyển sinh đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, học viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc đào tạo các nghề chuyên biệt, thợ bậc cao, kiểm tra sát hạch nghề còn hạn chế.

3. Về chương trình đào tạo:

Đã thường xuyên đổi mới cải tiến theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa, mềm hóa, tuy nhiên vẫn còn nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng; chậm cập nhật kiến thức mới, công nghệ mới và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn mà người học khi ra trường phải tiếp cận, đảm nhiệm.

Về công tác đào tạo bồi dưỡng: Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã xúc tiến mạnh hoạt động đào tạo bồi dưỡng thường xuyên nhằm cập nhật kiến thức và kỹ năng cho cán bộ công chức hành chính, cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp xây dựng ở mọi thành phần kinh tế. Số lượng cán bộ được bồi dưỡng đều tăng hàng năm, năm 2004 có 10.314 lượt người đến năm 2010 có khoảng 21.000 lượt người tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng, tăng 2,1 lần. Tuy nhiên bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, quản lý đô thị, quản lý kinh tế chưa được nhiều và vì chưa có cơ chế ràng buộc nên việc đào tạo bồi dưỡng thường xuyên chưa được người lao động và người sử dụng lao động quan tâm nhiều.

Về công tác quản lý, điều hành, phối hợp

- Các hoạt động đào tạo và dạy nghề hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém, chưa phối hợp và gắn bó mật thiết với doanh nghiệp.

- Công tác xã hội hóa trong đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ở trình độ đại học và đào tạo bậc thợ cho công nhân lao động chưa được nhiều.

- Việc tuyển sinh đào tạo một số nghề như: nề, mộc, xây dựng, bê tông, cốp pha - giàn giáo rất khó khăn.

- Ngân sách nhà nước cấp và học phí hiện nay của người học không đủ trang trải chi phí đào tạo.

4. Hiện trạng quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách phát triển nhân lực ngành Xây dựng

4.1. Các văn bản quản lý nhà nước

- Luật Giáo dục năm 2005, Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2009; Luật Dạy nghề năm 2006; Luật Cán bộ công chức năm 2008.

- Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về xã hội hóa trong giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao; số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010.

- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010; số 267/2005/QĐ-TTg về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú.

- Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 18/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020.

- Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt nam thời kỳ 2011-2020.

4.2. Hệ thống cơ chế chính sách

Nhìn chung hệ thống các văn bản QPPL chưa đồng bộ, cụ thể như sau:

- Hệ thống chính sách chưa gắn kết được giữa cung và cầu, giữa đào tạo với sử dụng; chưa tạo dựng được mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp...

- Chưa tạo được sự cân đối về quy mô và cơ cấu đào tạo các bậc học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ

- Chưa có các cơ chế chính sách đối với các trường trực thuộc doanh nghiệp, đặc biệt là cơ chế tài chính.

- Hệ thống thể chế - cơ sở của công tác đào tạo lại, cập nhật kiến thức còn thiếu và không đồng bộ. Chưa gắn yêu cầu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức với việc chuyển ngạch, nâng lương và bổ nhiệm cán bộ.

- Công tác kiểm định chất lượng đào tạo, tiến hành còn chậm, các tiêu chí đánh giá chất lượng còn nặng về công tác quản lý.

PHẦN THỨ HAI

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG
GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG QUY HOẠCH

- Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước xây dựng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

- Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta đến năm 2020.

- Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 (Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 18/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

- Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 (Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ) và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội giai đoạn 2011-2015.

- Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng các vùng được Thủ tướng phê duyệt;

- Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020.

- Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực của các ngành giai đoạn 2011-2020 (Thông báo số 265/TB-VPCP ngày 28/9/2010 của Văn phòng Chính phủ).

- Đề cương hướng dẫn xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của ngành thời kỳ 2011-2020 (kèm theo công văn số 6069/BKH-CLPT ngày 31/8/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

- Chiến lược phát triển ngành Xây dựng 2011 - 2020.

- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng (Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ).

II. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG

1. Những nhân tố tác động đến phát triển nhân lực ngành Xây dựng thời kỳ 2011-2020

1.1. Những nhân tố bên ngoài

- Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ.

- Sự phân công và hợp tác lao động trên phạm vi toàn cầu phát triển nhanh với yêu cầu chất lượng ngày càng cao.

- Khoa học công nghệ đã và đang đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Phát triển khoa học công nghệ và hình thành nền kinh tế tri thức trong thời gian tới đòi hỏi tính chất và yêu cầu của việc làm cũng thay đổi nhanh hơn. Sự phát triển của nền kinh tế tri thức, trở thành một yếu tố của lực lượng sản xuất phát triển. Vấn đề này đặt ra cho người lao động không chỉ tinh thông một công việc mà cần có một kỹ năng lao động rộng hơn, đa ngành hơn. Do đó, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực phải cập nhật thường xuyên hơn thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

- Hợp tác quốc tế trong đào tạo và phát triển nhân lực ngày càng mở rộng cả về số lượng, chất lượng và ngành nghề

1.2. Những nhân tố bên trong

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta đến năm 2020 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

- Đối với ngành Xây dựng: Mục tiêu chiến lược phát triển Ngành đến năm 2020, theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta đến năm 2020 đề ra mục tiêu phấn đấu là: “Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng... Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và có năng lực đấu thầu công trình xây dựng ở nước ngoài. Ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng và hiệu lực quy hoạch, năng lực thiết kế, xây dựng và thẩm mỹ kiến trúc. Phát triển các hoạt động tư vấn và các doanh nghiệp xây dựng, trong đó chú trọng các doanh nghiệp mạnh theo từng lĩnh vực.”

Chiến lược phát triển ngành Xây dựng 2011 - 2020 (văn bản số 113/BC-BXD ngày 31/12/2009), đề ra mục tiêu: Phát triển ngành Xây dựng đạt được trình độ hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực.

- Nước ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã gia nhập WTO, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh trong sản xuất - kinh doanh nói chung và trong hoạt động xây dựng nói riêng.

- Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi liền với quá trình đô thị hóa, đòi hỏi phát triển nhân lực đáp ứng cả vế số lượng và chất lượng lao động.

- Lực lượng lao động của cả nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng đông nhưng chất lượng còn thấp và không đồng đều, giá cả nhân công rẻ, cần phải được đào tạo và đào tạo lại.

2. Những căn cứ trực tiếp dự báo nhu cầu nhân lực ngành Xây dựng

Với mục tiêu đến năm 2020, là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, theo dự báo:

- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP/năm giai đoạn 2011 - 2020 từ 7% - 8%/năm. Đến năm 2020 GDP đạt 180 - 200 tỉ USD, tỷ trọng giá trị nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ trong GDP tương ứng là 10% - 44% - 46%.

- Về xã hội: Dự báo dân số năm 2020 ước khoảng 97.40 triệu người; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động năm 2020 là 52,41 triệu người; tỷ lệ chi phí cho giáo dục trong GDP: 5%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch 100%.

- Về lao động qua đào tạo: Theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung của cả nước ước đạt 70% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó:

Nhân lực ngành Xây dựng tăng từ 2,9 triệu người năm 2010 lên khoảng 5 triệu năm 2015 và khoảng 8 - 9 triệu người năm 2020; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 41,0% năm 2010 lên khoảng 60,0% năm 2015 và khoảng 65,0% năm 2020; bao gồm, bậc đào tạo nghề chiếm khoảng 68,5% năm 2015 và khoảng 68,0% năm 2020, bậc trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 25,0% năm 2015 và khoảng 24,0% năm 2020, bậc cao đẳng chiếm khoảng 2,0% năm 2015 và khoảng 3,0% năm 2020, bậc đại học và trên đại học chiếm khoảng 4,5% năm 2015 và khoảng 5,0% năm 2020.

III. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Quan điểm

1.1. Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; là nhân tố quyết định sự thành công trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

1.2. Phát triển nhân lực ngành Xây dựng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, gắn với chiến lược phát triển ngành Xây dựng; đáp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng và quá trình đô thị hóa.

1.3. Phát triển nhân lực ngành Xây dựng phải có tầm nhìn chiến lược, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành Xây dựng, phải có bước đi thích hợp theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn; gắn việc đào tạo với nhiệm vụ cụ thể của ngành Xây dựng, trong đó lấy đào tạo các bậc học đại học, trung học chuyên nghiệp làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, đào tạo nghề chuyên biệt, nghề đặc thù, nghề có lợi thế so sánh của ngành Xây dựng làm khâu đột phá; lấy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành Xây dựng là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng và quá trình đô thị hóa.

1.4. Phát triển nhân lực ngành Xây dựng phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phù hợp với cơ cấu và phân bố nhân lực theo ngành/lĩnh vực, vùng, miền, lãnh thổ và quy hoạch hệ thống mạng lưới đào tạo chung của cả nước.

1.5. Phát triển nhân lực ngành Xây dựng phải gắn với yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đạt trình độ khu vực và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, gắn cơ sở đào tạo trong nước với việc hợp tác quốc tế, với cơ sở đào tạo nước ngoài và thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài.

1.6. Phát triển nhân lực ngành Xây dựng phải tạo môi trường để huy động mọi nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển nhân lực; vừa đào tạo giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, thực hiện chính sách xã hội, vừa nâng cao chất lượng phát triển.

1.7. Phát triển nhân lực ngành Xây dựng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của Nhà nước, của toàn xã hội, của các doanh nghiệp, của mọi người dân và của người lao động trong toàn ngành.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển toàn diện về đào tạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng; phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà ngành Xây dựng có lợi thế so sánh; gắn đào tạo với giải quyết việc làm - đào tạo theo địa chỉ; tích cực phân luồng lao động sau đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề; xây dựng một số cơ sở đào tạo đạt chuẩn chất lượng và chất lượng cao trong khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành Xây dựng trong nước, tham gia cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường xây dựng khu vực và quốc tế.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong ngành Xây dựng dưới các hình thức, cấp học, ngành học khác nhau; đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực của ngành; đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa cấp học, ngành học và địa phương;

- Năm 2010 có 41,0% nhân lực ngành Xây dựng đã được đào tạo, phấn đấu đến năm 2015, tăng lên đạt mức 52,0% nhân lực (trong tổng số khoảng 5.000 nghìn lao động) đã qua đào tạo, trong đó có 0,09% (khoảng 4.600 người) có trình độ sau đại học, 3,44% (khoảng 168 nghìn người) có trình độ đại học, 1,42% (khoảng 70 nghìn người) có trình độ cao đẳng, 6,48% (khoảng 316 nghìn) có trình độ trung học chuyên nghiệp và 40,18% (khoảng 1961 nghìn người) đã qua đào tạo nghề, khoảng từ 30,0 - 35,0% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân lực đã qua đào tạo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.

- Đến năm 2020 lao động ngành Xây dựng đạt mức 65,0% nhân lực (trong tổng số 7.660 nghìn người) đã qua đào tạo, trong đó có 0,07% (khoảng 5.500 người) có trình độ sau đại học, 2,64% (khoảng 200 nghìn người) có trình độ đại học, 1,63% (khoảng 124 nghìn người) có trình độ cao đẳng, 17,73% (khoảng 1.328 nghìn người) có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và 43,33% (khoảng 3.320 nghìn người) đã qua đào tạo nghề đào tạo nghề, khoảng từ 50,0 - 60,0% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân lực đã qua đào tạo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.

IV. CƠ CẤU VÀ SỐ LƯỢNG NHÂN LỰC ĐƯỢC ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

1. Số lượng và cơ cấu theo trình độ đào tạo

Để đạt được mục tiêu đó, cơ cấu và số lượng nhân lực ngành Xây dựng theo trình độ đào tạo giai đoạn 2011-2020 qua các năm như sau (xem biểu 2):

Biểu 2:

SỐ LƯỢNG VÀ CƠ CẤU THEO TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO CỦA NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2010-2020

 

NĂM

TỔNG SỐ LAO ĐỘNG NGÀNH XD

LAO ĐỘNG NGÀNH XD ĐÃ QUA ĐÀO TẠO

NGH

TCCN

CAO ĐNG

ĐẠI HỌC

SAU ĐI HỌC

 

Số lượng (Người)

%

Số lượng (Người)

%

Slượng (Người)

%

Slượng (Người)

%

Số lượng (Người)

%

Số lượng (Người)

%

2010

3108.000

1042.398

33.54

67.754

2.18

34.779

1.12

125.908

4.05

3.441

0.11

1274.280

41.00

2011

3401.395

1189.619

34.97

92.730

2.73

40.156

1.18

134.168

3.94

3.665

0.11

1460.338

42.93

2012

3722.487

1354.214

36.38

126.596

3.40

46.251

1.24

142.608

3.83

3.897

0.10

1673.567

44.96

2013

4073.890

1537.199

37.73

172.336

4.23

53.116

1.30

151.145

3.71

4.130

0.10

1917.926

47.08

2014

4458.465

1739.270

39.01

233.846

5.24

60.806

1.36

159.681

3.58

4.362

0.10

2197.965

49.30

2015

4879.344

1960.715

40.18

316.153

6.48

69.355

1.42

168.077

3.44

4.593

0.09

2518.893

51.62

2016

5339.954

2201.240

41.22

425.661

7.97

78.781

1.48

176.190

3.30

4.812

0.09

2886.683

54.06

2017

5844.046

2459.799

42.09

570.443

9.76

89.068

1.52

183.838

3.15

5.020

0.09

3308.168

56.61

2018

6395.724

2734.479

42.75

760.509

11.89

100.176

1.57

190.821

2.98

5.214

0.08

3791.200

59.28

2019

6999.480

3022.360

43.18

1008.064

14.40

112.022

1.60

196.932

2.81

5.381

0.08

4344.759

62.07

2020

7660.231

3319.436

43.33

1327.773

17.33

124.479

1.63

201.947

2.64

5.515

0.07

4979.150

65.00

2. Nhu cầu đào tạo nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020

Để bổ sung nhân lực cho ngành Xây dựng, đảm bảo cơ cấu và số lượng nhân lực được đào tạo, nhu cầu đào tạo nhân lực ngành Xây dựng hàng năm, giai đoạn 2011-2020 như sau (được thể hiện trong biểu 3):

Biểu 3:

NHU CẦU ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011-2020

Đơn vị tính: Người

NĂM

Nhu cầu đào tạo

Nhu cầu đào tạo bồi dưỡng

NGHỀ

TCCN

CAO ĐNG

ĐẠI HỌC

SAU ĐẠI HỌC

TỔNG SỐ

2011

188.917

27.686

6.768

13.296

362

237.029

71.109

2012

212.180

37.576

7.701

13.806

379

271.642

84.209

2013

237.153

50.804

8.715

14.241

388

311.302

99.617

2014

263.559

68.403

9.815

14.581

398

356.756

119.513

2015

291.015

91.662

10.981

14.784

405

408.846

143.096

2016

318.954

122.154

12.200

14.835

403

468.546

234.273

2017

346.609

161.808

13.439

14.696

401

536.953

279.216

2018

373.072

212.884

14.671

14.337

394

615.358

313.833

2019

397.260

277.976

15.853

13.743

376

705.207

401.968

2020

417.970

360.031

16.938

12.893

350

808.181

484.909

Tổng số

3046.689

1410.982

117.081

141.213

3.855

4719.821

2231.741

Để đạt được mục tiêu về số lượng nhân lực và cơ cấu nhân lực qua đào tạo vào năm 2020, hàng năm đào tạo nghề tăng khoảng 10% trung cấp chuyên nghiệp tăng khoảng 30%....

Theo Quy hoạch hệ thống mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành Xây dựng, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Xây dựng từ năm 2011 đến 2020 đạt quy mô 01 triệu người/10 năm cho mọi trình độ. So với nhu cầu đào tạo nhân lực trong 10 năm là khoảng 5 triệu người, bao gồm nhu cầu đào tạo tăng thêm để đảm bảo mục tiêu về số lượng và cơ cấu lao động đã qua đào tạo 2020 và nhu cầu đào tạo thay thế số người nghỉ chế độ (về hưu) hàng năm - ước 4%/năm (biểu 3) thì các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Xây dựng chỉ thực hiện được khoảng 25%, còn khoảng 75% nhu cầu đào tạo nhân lực cho ngành Xây dựng phải được đào tạo ở các đào tạo khác.

V. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020

1. Định hướng chung:

Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo với cơ cấu hợp lý, gắn việc đào tạo với nhiệm vụ cụ thể của ngành Xây dựng, trong đó lấy đào tạo các bậc học đại học, trung học chuyên nghiệp làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, đào tạo nghề chuyên biệt, nghề đặc thù, nghề có lợi thế so sánh làm khâu đột phá; lấy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức toàn ngành là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng.

2. Đào tạo bậc đại học:

- Mục tiêu đề ra đến năm 2020 toàn ngành có khoảng 5.500 người đạt trình độ sau đại học, khoảng 200 nghìn người có trình độ đại học và khoảng 124 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp.

- Quy hoạch, đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô đào tạo các trường Đại học thuộc Bộ Xây dựng; xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh thành hai trung tâm đào tạo đại học, sau đại học đạt trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; thành lập thêm một số trường đại học công nghệ xây dựng, phân hiệu đại học tại các vùng trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đào tạo đại học phù hợp với các đối tượng vùng, miền, địa phương.

- Đổi mới mạnh mẽ nội dung đào tạo, dần hướng tới đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; mở thêm ngành học theo các lĩnh vực, ngành nghề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng cả về công nghệ, về kinh tế và về quản lý, nhất là các lĩnh vực mới như quản lý và phát triển đô thị, bất động sản…

- Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, phấn đấu đến năm 2020 số giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ khoảng 70%, còn lại 30% có trình độ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, trong đó có khoảng 100 giáo sư, phó giáo sư; giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ khoảng 60%, giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 8% (quy hoạch nhân lực ngành đại học). Thực hiện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở hai trường Đại học trọng điểm; đào tạo tiến sĩ tại các Viện nghiên cứu khoa học, Học viện thuộc bộ. Liên kết, khuyến khích hoặc cử cán bộ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài.

3. Đào tạo bậc trung học chuyên nghiệp:

- Mục tiêu đề ra đến năm 2020 toàn ngành có khoảng 1.328 nghìn người đó qua đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

- Duy trì, phát triển và mở mới các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp thuộc các lĩnh vực của Bộ Xây dựng, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho cấp cơ sở (xã, phường, quận, huyện, các doanh nghiệp..) tại các địa phương, doanh nghiệp, với các loại hình công lập và xã hội hóa; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và nơi sử dụng lao động để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

- Đổi mới nội dung đào tạo, chuẩn hóa chương trình, coi trọng thực hành, phù hợp với ngành nghề và đối tượng đào tạo và sử dụng lao động.

- Phấn đấu đến năm 2020 số giáo viên trung học chuyên nghiệp có trình độ thạc sĩ khoảng 30 - 35%.

4. Đào tạo nghề:

- Mục tiêu đề ra đến năm 2020 toàn ngành có khoảng 3.320 nghìn người đã qua đào tạo nghề đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, đào tạo nghề chuyên biệt, đào tạo nghề đặc thù, nghề có lợi thế.

- Tiếp tục quy hoạch xây dựng mạng lưới các trường nghề, mở rộng quy mô đào tạo ở các cơ sở hiện có, mở thêm các cơ sở mới phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực được đào tạo nghề của ngành Xây dựng; theo các bậc học sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề; theo cấp độ nghề cơ bản, nghề chất lượng cao, nghề chuyên biệt, đặc thù theo hướng:

+ Các nghề cơ bản thông dụng, như xây dựng dân dụng (nề, mộc, bê tông, thép, sản xuất gạch - ngói, thi công cơ giới thông thường,...) mở tại các địa phương, với nhiều loại hình và thời gian phù hợp đồng thời tạo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và nơi sử dụng lao động để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; xây dựng mối quan hệ tốt giữa người lao động - cơ sở đào tạo - người sử dụng lao động để nắm bắt thông tin về thị trường lao động, từ đó đào tạo sát với nhu cầu thực tế.

+ Các nghề chất lượng cao, nghề chuyên biệt, đặc thù (như lắp máy, hàn ống áp lực, thủy công, công trình ngầm, công trình công nghiệp, thi công cơ giới đặc thù...), công nghệ xây dựng mới (như công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân) do các cơ sở đào tạo của Bộ Xây dựng, của các Tập đoàn kinh tế, của doanh nghiệp nhà nước chủ trì, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và của toàn ngành.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích học nghề Xây dựng trình độ sơ cấp nghề, đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng cho những người chưa có nghề; có cơ chế chính sách khuyến khích ưu tiên đối với những người học các nghề thuộc danh mục nghề có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; triển khai đào tạo nghề ngắn hạn gắn với đào tạo nghề cho nông nghiệp, nông thôn theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009

- Xây dựng và chuẩn hóa chương trình, tài liệu đào tạo, tài liệu bồi dưỡng nâng cao tay nghề, thợ bậc cao đạt chất lượng quốc gia, khu vực và quốc tế, thống nhất trong toàn bộ hệ thống các trường nghề,

- Xây dựng một số cơ sở đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn cấp khu vực và quốc tế thuộc Bộ Xây dựng và các Tập đoàn kinh tế.

- Tăng cường hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ, trao đổi tu nghiệp sinh giữa các cơ sở đào tạo trong nước với các cơ sở đào tạo nước ngoài.

5. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Mục tiêu đề ra đến năm 2020 toàn ngành có từ 50,0 - 60,0% số cán bộ, công chức, viên chức, lao động đã qua đào tạo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc. Có đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngành Xây dựng được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn, có kỹ năng chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế; cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ ngoại ngữ để có thể làm việc với người nước ngoài; phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà quản lý giỏi, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành, đầu đàn trong tất cả các lĩnh vực của ngành Xây dựng.

5.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức:

- Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức toàn ngành, từ cấp xã và tương đương trở lên; đặc biệt lưu ý tới đối tượng quy hoạch lãnh đạo và quản lý các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước.

- Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng hướng tới theo chuẩn hóa quy định cho vị trí công tác, bao gồm lý luận chính trị - hành chính, chuyên môn, tin học, ngoại ngữ và kỹ năng xử lý công việc cho từng lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.

- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo các chế độ: Hướng dẫn tập sự đối với công chức trong thời gian tập sự; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo quản lý; Bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành hàng năm; theo các hình thức học: tập trung, bán tập trung, vừa làm vừa học và học từ xa.

- Phát triển đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn sâu, có kiến thức ngoại ngữ, tin học và kỹ năng xử lý công việc (đội ngũ nhân lực chất lượng cao) đảm bảo thực hiện tốt định hướng phát triển và mục tiêu hoạt động của ngành Xây dựng trong từng thời kỳ.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên có chất lượng cao từ các trường và các đơn vị thuộc ngành để đào tạo và đào tạo lại, cập nhật kiến thức cho sinh viên các trường và nhân lực đang làm trong ngành và cho xã hội.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ quản lý, công chức chuyên nghiệp, chuyên gia trình độ cao của ngành Xây dựng.

5.2. Đối với nhân lực tham gia hoạt động xây dựng và hành nghề xây dựng:

- Xây dựng và ban hành thống nhất, cập nhật thường xuyên chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc về hoạt động và hành nghề Xây dựng.

- Mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng đối với mọi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

- Tăng cường kiểm tra, sát hạch, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành nghề của nhân lực tham gia hoạt động và hành nghề xây dựng, đảm bảo cho nguồn nhân lực được đào tạo, bồi dưỡng thực sự có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc hiện hành đồng thời chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng mới.

5.3. Đối với nhân lực doanh nghiệp:

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý cho cán bộ các cấp doanh nghiệp và chương trình phát triển chuyên môn cho nhân viên, về quản trị doanh nghiệp, về điều hành, về nhân sự, về tài chính, về marketing, về kinh doanh, về đàm phán...; cập nhật những kiến thức quản lý hiện đại của thế giới và kết hợp với những kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam và của ngành Xây dựng.

- Đào tạo, bồi dưỡng nhân sự cấp cao các tập đoàn, tổng công ty; xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, được đào tạo cơ bản, có kỹ năng quản trị tiên tiến, có trình độ ngoại ngữ tốt, đủ điều kiện tham gia thị trường xây dựng khu vực ASEAN và thế giới, hội nhập-cạnh tranh và phát triển.

PHẦN THỨ BA

NHỮNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN 2011-2020

I. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực

- Tập trung vào nội dung Nâng cao nhận thức của ngành Xây dựng, các cấp ủy, chính quyền địa phương và của toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, đào tạo pháp luật về phát triển nhân lực

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo phát luật về phát triển nhân lực. Động viên phong trào tự học, tạo sự chuyển đổi nhận thức của người lao động từ yêu cầu bắt buộc phải học tập nâng cao trình độ thành nhu cầu tự học để khẳng định mình và cống hiến được nhiều hơn cho xã hội thông qua các hình thức như: thi tay nghề, khen thưởng vật chất cho những người xứng đáng, hội chợ việc làm, vv...

2. Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phát triển nhân lực

- Hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực từ Bộ đến các Sở địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước

- Đổi mới phương pháp quản lý, cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất trong việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực ngành Xây dựng.

- Tiếp tục tăng cường việc phân cấp quản lý, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo.

3. Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo của ngành Xây dựng

- Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong toàn ngành, bao gồm các cơ sở thuộc Bộ Xây dựng, thuộc các doanh nghiệp nhà nước, thuộc các địa phương và các tổ chức khác, bao phủ các vùng, miền trên phạm vi cả nước, đầy đủ các ngành nghề thuộc các lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng, theo hướng: mở rộng quy mô hợp lý kết hợp đầu tư theo chiều sâu, đa dạng ngành nghề, cấp độ và loại hình đào tạo, trang thiết bị hiện đại, tiếp cận với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ.

- Mở thêm các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại các địa phương, doanh nghiệp; nâng cấp các trường Cao đẳng thành các trường đại học khu vực. Ưu tiên phát triển hai trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thành các trung tâm đào tạo cán bộ Đại học và sau đại học ngang tầm khu vực và quốc tế. Mở thêm các trường Đại học chuyên ngành như Công nghệ vật liệu xây dựng, Công trình đô thị, Công nghệ xây dựng.

- Củng cố và phát triển hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Xây dựng và đô thị. Xây dựng Học viện Cán bộ và quản lý xây dựng và đô thị thành trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành Xây dựng, cán bộ quản lý hoạt động và hành nghề Xây dựng, cán bộ quản lý đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế theo nội dung Đề án đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010

- Nâng cao toàn diện chất lượng và đồng bộ hóa cơ cấu đội ngũ giảng viên, giáo viên; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến cơ chế thu hút, tuyển dụng đội ngũ giáo viên giỏi, chuyên gia giỏi; mở rộng và thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ để đạt được các mục tiêu về tỷ lệ giảng viên đạt chuẩn và trên chuẩn năm 2015 và 2020; có chính sách khuyến khích đào tạo và đãi ngộ để bổ sung giảng viên có trình độ cao; thực hiện chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ để nâng cao toàn diện chất lượng giảng viên trong toàn ngành.

- Đổi mới và đồng bộ nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo gắn với chuẩn đầu ra của mỗi chương trình; coi trọng kỹ năng thực hành, bám sát nhu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; tận dụng năng lực của các doanh nghiệp trong công tác đào tạo.

4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng

- Mở rộng trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước về phát triển nguồn nhân lực của Ngành

- Thu hút và sử dụng có hiệu quả những năng lực của nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Xây dựng, đặc biệt là đối với những chuyên ngành, nghề tiên tiến, công nghệ mới, mũi nhọn của ngành Xây dựng mà Việt Nam chưa đào tạo được hoặc trình độ đào tạo thấp, đào tạo kém hiệu quả.

- Khuyến khích các Trường trong nước hợp tác với các Trường đào tạo của các nước phát triển về trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên, giáo viên, chuyên gia đào tạo, chuyên gia công nghệ, phương pháp giảng dạy kể cả hình thức hợp tác liên doanh đầu tư cơ sở vật chất và cùng nhau giảng dạy, cấp văn bằng, chứng chỉ nghề nghiệp.

- Hợp tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ Xây dựng.

5. Giải pháp về cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực

- Đổi mới hệ thống cơ chế chính sách về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực ngành Xây dựng

- Đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ lao động ngành Xây dựng, tạo ra động lực thu hút người lao động nói chung và các chuyên gia giỏi nói riêng gắn bó với các ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn, khó khăn, với vùng sâu, vùng xa.

- Xây dựng và thực hiện một số chế độ chính sách đặc thù đối với lao động ngành Xây dựng, với những người phải thường xuyên lưu động theo các công trình, những người công việc không ổn định, thường xuyên công tác tại vùng núi, hải đảo; xây dựng đơn giá nhân công lao động phù hợp với thị trường để thu hút nhân lực vào làm việc trong ngành Xây dựng.

- Có chính sách đãi ngộ, thu hút và sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức trẻ, kể cả Việt kiều.

- Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của các ngạch viên chức thuộc ngành Xây dựng; các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề thuộc ngành Xây dựng.

6. Nâng cao thể lực, kỹ năng nhân lực:

- Tăng cường công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe ban đầu, nâng cao thể lực cho toàn dân. Tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm hạn chế bệnh nghề nghiệp.

- Đổi mới và thực hiện thống nhất các giải pháp về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong ngành Xây dựng, đảm bảo vệ sinh công nghiệp.

- Tăng cường chế độ ăn uống giữa ca cho người lao động nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, cơ cấu dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cải thiện điều kiện lao động cho người lao động trong quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn.

II. GIẢI PHÁP VỀ VỐN VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

1. Dự báo nhu cầu vốn cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng:

- Đến năm 2020 lao động ngành Xây dựng đạt mức 5 triệu người đã qua đào tạo, trong đó có khoảng 5.500 người có trình độ sau đại học khoảng 200 nghìn người có trình độ đại học, khoảng 124 nghìn người có trình độ cao đẳng; khoảng 1.328 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và khoảng 3.320 nghìn người đào tạo nghề.

Với thời gian đào tạo trung bình bậc đại học, cao đẳng và sau đại học là 4 năm, trung cấp là 2 năm, đào tạo nghề là 1 năm; với định suất kinh phí nhà nước cấp mỗi bậc học tương ứng là 5,9; 4,2 và 4 triệu đồng/năm, thì kinh phí cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng là 32.223 tỉ đồng, gồm:

- Đại học (kể cả cao đẳng) và sau đại học:

330.000 người x 4 năm 5.900.000đ/người/năm = 7.788 (tỉ)đ

- TCCN: 1.328.000 người x 2 năm 4.200.000đ/người/năm = 11.155 (tỉ)đ

- Nghề: 3.320.000 người x 1 năm 4.000.000đ/người/năm = 13.280 (tỉ)đ

2. Nhu cầu kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất: 17.725 tỉ đồng

Để năm 2020 trong lực lượng lao động ngành Xây dựng có khoảng 5 triệu người qua đào tạo, đào tạo lại, trong các năm 2011-2020 chúng ta cần tạo thêm 709 nghìn chỗ học mới cho các bậc học. Với kinh phí xây dựng đủ diện tích phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm .... thì nhu cầu vốn đầu tư là 17.725 tỉ đồng.

3. Giải pháp huy động các nguồn vốn

- Tập trung ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư chiều sâu, đầu tư tăng cường năng lực cho các trường thuộc Bộ Xây dựng.

- Có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Ngành thành lập các cơ sở đào tạo; liên kết với các trường trong đào tạo và giải quyết việc làm; nhận học sinh, sinh viên thực tập; Xây dựng các mô hình hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường để nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo cũng như đáp ứng kỹ năng nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp.

- Tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội và cộng đồng quốc tế cho phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng theo quy định của pháp luật, trong đó có các dự án vay vốn nước ngoài, đặc biệt là các dự án hỗ trợ kỹ thuật đầu tư thiết bị, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp, giảng viên và nghiên cứu viên các Viện nghiên cứu.

- Hỗ trợ về mặt pháp lý trong việc cấp, thuê đất, miễn giảm thuế đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập cơ sở đào tạo nhân lực của ngành

III. NHỮNG ĐỀ ÁN ƯU TIÊN

1. Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo thuộc ngành Xây dựng

2. Đề án Xây dựng cơ sở vật chất và phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn.

3. Đề án Xây dựng đội ngũ giáo viên

4. Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức đương nhiệm về chuyên môn và nghiệp vụ.

5. Đề án đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010

6. Đề án Đổi mới công tác tuyển dụng, chế độ chính sách đối với người lao động ngành Xây dựng

7. Đề án Đào tạo đội ngũ cán cán bộ tư vấn làm chủ được công nghệ mới.

8. Đề án Xây dựng được đội ngũ cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực.

9. Đề án Đào tạo lại cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp.

IV. BƯỚC ĐI VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Thực hiện quy hoạch

Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng 2011 - 2020, được thực hiện làm hai giai đoạn:

1.1. Giai đoạn 2011 - 2015

Giai đoạn này tập trung giải quyết về thể chế, xây dựng các chương trình, dự án đề án khả thi đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó:

- Xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới các trường thuộc ngành xây dựng đến năm 2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Ban hành hệ thống cơ chế chính sách về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực ngành Xây dựng;

- Bổ sung danh mục ngành đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; danh mục nghề đào tạo từ sơ cấp nghề đến cao đẳng nghề phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển và nhiệm vụ của ngành Xây dựng, làm cơ sở cho việc xây dựng đề án đổi mới các chương trình đào tạo;

- Triển khai đào tạo, bồi dưỡng về quản lý Xây dựng và phát triển đô thị đối với chính quyền đô thị các cấp theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010.

- Xây dựng và thực hiện Đề án quy hoạch phát triển Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và đô thị theo nội dung quy định tại Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010

- Căn cứ nhu cầu nhân lực của Ngành đến năm 2015, triển khai đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng, chất lượng và cơ cấu trình độ đào tạo hợp lý.

1.2. Giai đoạn 2016 - 2020

Phát huy kết quả thực hiện của giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục rà soát nội dung chương trình, cơ cấu trình độ đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực để kịp thời điều chỉnh và tổ chức thực hiện các Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015, bám sát Quy hoạch và mục tiêu đề ra.

2. Nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức

Để triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực của ngành đạt được mục tiêu đề ra, cần thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch do lãnh đạo Bộ làm trưởng ban để điều phối các hoạt động và giúp Bộ trưởng trong việc xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng, các trường đào tạo, các tổng công ty xây dựng của ngành có nhiệm vụ và trách nhiệm sau:

2.1. Vụ Tổ chức - Cán bộ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hữu tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai hướng dẫn tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch và các đề án phát triển nhân lực ngành Xây dựng. Cụ thể bao gồm những nội dung cơ bản sau:

- Xây dựng phương án thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quy hoạch trình Bộ phê duyệt.

- Xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới các trường thuộc ngành Xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; định hướng phát triển xây dựng các cơ sở đào tạo ngoài ngành Xây dựng tham gia công tác đào tạo cán bộ và công nhân xây dựng;

- Xây dựng đề án đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng, cơ chế chính sách đối với lao động ngành Xây dựng trình lãnh đạo Bộ

- Xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 5 năm và hàng năm;

- Thẩm định và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 các đơn vị thuộc Bộ và kế hoạch đào tạo hàng năm theo thẩm quyền.

- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo Bộ về kết quả thực hiện Quy hoạch.

2.2. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hàng năm và cho từng giai đoạn nhằm thực hiện Quy hoạch. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo lập kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ xây dựng kế hoạch tài chính thực hiện Quy hoạch bao gồm chi đào tạo bồi dưỡng và chi đầu tư cơ sở vật chất.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng trong và ngoài Ngành xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ thực hiện quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành lập Dự án khả thi đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2010 - 2020, Dự án đầu tư mở rộng, phát triển các cơ sở đào tạo và kế hoạch triển khai cụ thể các Dự án trong giai đoạn 2010 - 2015; 2016 - 2020.

2.3. Vụ Kinh tế Xây dựng có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực, nhân tài làm việc cho ngành Xây dựng.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng, nghiên cứu đề xuất các chính sách hoặc đổi mới các chính sách về đơn giá tiền lương nhân công lao động theo cơ chế thị trường để thu hút nhân công vào làm việc trong ngành Xây dựng.

2.4. Vụ Khoa học công nghệ và môi trường có trách nhiệm:

- Nghiên cứu và xác định xu hướng phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng

- Xác định nhu cầu nhân lực khoa học công nghệ các cấp, các lĩnh vực

2.5. Vụ Hợp tác quốc tế có trách nhiệm:

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng

- Hướng dẫn các đơn vị, cơ sở đào tạo lập và thực hiện kế hoạch, đàm phán và ký kết hợp đồng hợp tác quốc tế về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xây dựng

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị - địa phương có liên quan tổ chức vận động thu hút các chương trình, dự án ODA, WB và của các tổ chức cá nhân nước ngoài khác về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xây dựng.

2.6. Các Cục, Vụ, Viện khác

- Nghiên cứu và xác định các hướng phát triển, các mũi nhọn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước mình phụ trách

- Đề xuất nhu cầu nhân lực và hướng đào tạo bồi dưỡng để thực hiện các nhiệm vụ trên.

2.7. Các cơ sở đào tạo

Tổ chức thực hiện Quy hoạch và các đề án phát triển nhân lực theo sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, cụ thể bao gồm những nội dung cơ bản sau:

- Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực của đơn vị giai đoạn 2011-2020;

- Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng; kế hoạch 5 năm và hàng năm của đơn vị;

- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) về kết quả thực hiện Quy hoạch.

2.8. Các sở Xây dựng, sở Quy hoạch kiến trúc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chủ động tham gia vào xây dựng nhu cầu đào tạo nhân lực; coi công tác phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

- Cần có cơ chế để thường xuyên cập nhật và bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động.

- Tham gia hỗ trợ về kinh phí, thiết bị, cơ sở để học sinh, sinh viên thực tập.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động đào tạo trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xây dựng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Ngành. Việc xây dựng và đưa vào thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 có ý nghĩa thiết thực.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, hệ thống đào tạo cũng như các cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng; Bản Quy hoạch này đã dự báo nhu cầu nhân lực về số lượng và chất lượng đến năm 2020, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển nhân lực của Ngành. Để thực hiện đề án, Bộ Xây dựng kiến nghị:

- Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu xem xét phê duyệt và giao cho Bộ Xây dựng triển khai thực hiện Quy hoạch này.

- Đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo đưa các trường trong quy hoạch thành lập, nâng cấp giai đoạn 2011-2015 của Bộ Xây dựng vào quy hoạch chung của cả nước.

- Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP các trường không được tự quyết định mức thu học phí nên không đủ chi phí đào tạo. Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ đổi mới theo hướng giao cho các trường được tự xác định mức thu học phí theo trình độ, ngành nghề và chất lượng đào tạo. Trước mắt đề nghị giao cho Bộ Xây dựng thực hiện thí điểm.

- Để góp phần thu hút lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích học sinh vào học những nghề nặng nhọc, khắc nghiệt.

- Nhà nước cần sớm có chính sách đối với các trường trực thuộc doanh nghiệp.

- Ngoài các tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ gắn với từng đối tượng lao động, nhà nước cần có chính sách ràng buộc việc đào tạo, bồi dưỡng chặt chẽ để cán bộ công chức tham gia bồi dưỡng có hiệu quả hơn và quy định những quyền lợi được hưởng sau khi cán bộ công chức đó hoàn thành chế độ học tập./.

 

PHẦN PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Số lượng lao động ngành Xây dựng

Phụ lục 2: Trình độ đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Xây dựng từ cấp huyện trở lên

Phụ lục 3: Trình độ đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Xây dựng khối địa phương

Phụ lục 4: Trình độ đội ngũ viên chức ngành Xây dựng

Phụ lục 5: Trình độ đội ngũ viên chức các viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Xây dựng

Phụ lục 6: Trình độ đội ngũ viên chức các trường đào tạo ngành Xây dựng

Phụ lục 7: Trình độ đội ngũ viên chức doanh nghiệp ngành Xây dựng

Phụ lục 8: Chất lượng công nhân ngành Xây dựng

Phụ lục 9: Mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Xây dựng

Phụ lục 10: Diện tích các cơ sở đào tạo ngành Xây dựng

Phụ lục 11: Kết quả đào tạo



PHỤ LỤC 1:

SỐ LƯỢNG LAO ĐỘNG NGÀNH XÂY DỰNG

Biểu 1:

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại thời điểm 1/7 hàng năm phân theo thành phần kinh tế và ngành kinh tế

 

2005

Tỷ lệ

%

2007

Tỷ lệ

%

2008

Tỷ lệ

%

2009

Tỷ lệ

%

2010

ớc)

Tỷ lệ

%

S lượng (nghìn người)

Tổng số

42774.9

 

45208.0

 

46460.8

 

47743.6

 

49048.5

 

Phân theo thành phần kinh tế

KT Nhà nước

4967.4

11.61

4988.4

11.03

5059.3

10.89

5040.6

10.56

5107.4

10.41

KT ngoài Nhà nước

36694.7

85.79

38657.4

85.51

39707.1

85.46

41178.4

86.25

42214.6

86.07

Khu vực có vốn ĐT nước ngoài

1112.8

2.60

1562.2

3.46

1694.4

3.65

1524.6

3.19

1726.5

3.52

Phân theo ngành kinh tế

Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản

23563.2

55.09

23931.5

52.94

24303.4

52.31

24605.9

51.54

23896.3

48.72

Công nghiệp

5423.1

12.68

6085.1

13.46

6422.9

13.82

6872.1

14.39

7404.6

15.10

Xây dựng

1979.9

4.63

2371.9

5.25

2468.4

5.31

2594.1

5.43

3108.0

6.34

(Nguồn: Niên giám thống kê năm 2010 các trang 99 và 100)

Biểu 2:

Lao động trong khu vực nhà nước phân theo ngành kinh tế

 

2005

Tỷ lệ

%

2007

Tỷ lệ

%

2008

Tỷ lệ

%

2009

Tỷ lệ %

2010

(Ước)

Tỷ lệ

%

Sng (nghìn người)

Tổng số

4967.4

 

4988.4

 

5059.3

 

5040.6

 

5107.4

 

Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản

207.9

4.19

196.8

3.95

193.2

3.82

187.0

3.71

181.9

3.56

Công nghiệp

808.0

16.27

771.1

15.46

776.7

15.35

836.2

16.59

834.7

16.34

Xây dựng

488.8

9.84

427.7

8.57

422.0

8.34

437.8

8.69

437.9

8.57

(Nguồn: Niên giám thống kê năm 2010 trang 105)

Biểu 3:

Lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng chia theo cấp quản lý trực tiếp

 

Công chức quản lý nhà nước về xây dựng

Tỷ lệ

%

Viên chức các viện

Tỷ lệ

%

Viên chức các trường

Tỷ lệ

%

Viên chức doanh nghiệp nhà nước

Tỷ lệ %

Công nhân lao động

Tỷ lệ %

S lượng (người)

 

 

 

 

 

 

 

 

TỔNG SỐ

20568

100.00

-

 

4653

100.00

90847

100.00

204097

100.00

Bộ XD quản lý

357

1.74

1440

 

4139

88.95

40257

44.31

92336

45.24

Địa phương quản lý

20211

98.26

-

 

514

11.05

50590

55.69

111761

54.76

Nguồn:

Các phụ lục 2, 3, 4, 7

Báo cáo kết quả thực hiện dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đề xuất định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020”-trang 144, 145, 155, 156


PHỤ LỤC 2:

TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG TỪ CẤP HUYỆN TRỞ LÊN

STT

Cơ quan

Bộ Xây dựng

Sở Xây dựng.

Cấp Huyện,

Tng s

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ l (%)

Số lượng (người)

Tỷ l (%)

 

Tổng số

357

100,00

2879

100,00

4842

100,00

8078

100

1

Trình độ chuyên môn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tiến sĩ

22

6,16

13

0,45

0

 

35

0,43

 

- Thạc sĩ

82

22,97

60

2,08

59

1,22

201

2,49

 

- Đại học

226

63,31

2332

81,00

3617

74,70

6175

76,44

 

Trong đó: + Ktrúc,

30

8,40

372

12,92

276

5,70

678

8,39

 

+ XDựng

46

12,89

1312

45,57

1535

31,70

2893

35,81

 

+ QLý KTế

59

16,53

231

8,02

645

13,32

935

11,57

 

+ C/ngành khác

91

25,49

417

14,48

1216

25,11

1724

21,34

 

- Cao đng, trung cp

27

7,56

456

15,84

1112

22,97

1595

19,74

 

Trong đó: + Ktrúc,

 

0

19

0,66

24

0,50

43

0,53

 

+ XDựng

 

0

154

5,35

406

8,38

560

6,93

 

+ QLý KTế

 

0

39

1,35

110

2,27

149

1,84

 

+ C/ngành khác

 

 

245

8,51

570

11,77

815

10,09

2

Trình độ Lý luận chính trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Cao cấp lý luận chính trị

97

27,17

433

15,04

469

9,69

999

12,37

 

- Trung cp

108

30,25

252

8,75

731

15,10

1091

13,51

 

- cp

152

42,58

2194

76,21

3642

75,22

5988

74,13

3

Trình độ quản lý nhà nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Chuyên viên cao cấp

18

5,04

21

0,73

4

0,08

43

0,53

 

- Chuyên viên chính

129

36,13

391

13,58

112

2,31

632

7,82

 

- Chuyên viên

173

48,46

1861

64,64

3230

66,71

5264

65,16

 

- Cán s

7

1,96

383

13,30

1404

29,00

1794

22,21

 

Chưa học

30

8,40

223

7,75

92

1,90

345

4,27

4

Trình độ ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

34

9,52

25

0,87

19

0,39

78

0,97

 

- Chứng chỉ

303

84,87

1314

45,64

1582

32,67

3199

39,60

 

Chưa học

20

5,60

1540

53,49

3241

66,94

4801

59,43

5

Trình độ tin học

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

1

0,28

14

0,49

9

0,19

24

0,30

 

- Chứng ch

299

83,75

2028

70,44

3095

63,92

5422

67,12

 

Chưa học

57

15,97

837

29,07

1738

35,89

2632

32,58

6

Các khoa bồi dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- QT VPhòng, VT lưu trữ

 

 

147

5,11

327

6,75

474

5,87

 

- Quản lý đô thị

 

 

426

14,80

784

16,19

1210

14,98

 

- Quản trị doanh nghiệp

 

 

32

1,11

72

1,49

104

1,29

 

- CM, NVụ khác

 

 

551

19,14

771

15,92

1322

16,37

Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đề xuất định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020”-trang 42

 

PHỤ LỤC 3:

TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG KHỐI ĐỊA PHƯƠNG

STT

Chỉ tiêu

Sở Xây dựng.

Cấp Huyện,

Cp

Tổng số

Số lượng (người)

%

Số lượng (người)

T lệ (%)

số lượng (người)

T lệ (%)

Số lượng (người)

T lệ (%)

 

Tổng số

2879

100

4842

100

12490

100

20211

100

1

Trình độ chuyên môn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tiến sĩ

13

0,45

0

0

1

0.01

14

0.07

 

- Thạc sĩ

60

2,08

59

1,22

1

0.01

120

0.59

 

- Đại học

2332

81,00

3617

74,70

1408

11.27

7357

36.40

 

Trong đó: + Ktrúc,

372

12,92

276

5,70

 

 

648

3.21

 

+ XDựng

1312

45,57

1535

31,70

 

 

2847

14.09

 

+ QLý KTế

231

8,02

645

13,32

 

 

876

4.33

 

+ C/ngành khác

417

14,48

1216

25,11

 

 

1633

8.08

 

- Cao đng, trung cp

456

15,84

1112

22,97

7422

59.42

8990

44.48

 

Trong đó: + Ktrúc,

19

0,66

24

0,50

 

 

43

0.21

 

+ XDựng

154

5,35

406

8,38

 

 

560

2.77

 

+ QLý KTế

39

1,35

110

2,27

 

 

149

0.74

 

+ C/ngành khác

245

8,51

570

11,77

 

 

815

4.03

2

Trình độ Lý luận chính trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Cao cấp lý luận chính trị

433

15,04

469

9,69

437

3.50

1339

6.63

 

- Trung cấp

252

8,75

731

15,10

2106

16.86

3089

15.28

 

- Sơ cp

2194

76,21

3642

75,22

3169

25.37

9005

44.55

3

Trình độ quản lý nhà nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Chuyên viên cao cấp

21

0,73

4

0,08

 

 

25

0.12

 

- Chuyên viên chính

391

13,58

112

2,31

 

 

503

2.49

 

- Chuyên viên

1861

64,64

3230

66,71

 

 

5091

25.19

 

- Cán sự

383

13,30

1404

29,00

 

 

1787

8.84

 

Chưa học

223

7,75

92

1,90

10589

84.78

10904

53.95

4

Trình độ ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

25

0,87

19

0,39

 

 

44

0.22

 

- Chứng ch

1314

45,64

1582

32,67

975

7.81

3871

19.15

 

- Chưa học

1540

53,49

3241

66,94

11515

92.19

16296

80.63

5

Trình độ tin học

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

14

0,49

9

0,19

 

 

23

0.11

 

- Chứng chỉ

2028

70,44

3095

63,92

2228

17.84

7351

36.37

 

Chưa học

837

29,07

1738

35,89

10262

82.16

12837

63.51

6

Các khoa bồi dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- QT VPhòng, VT lưu trữ

147

5,11

327

6,75

 

 

474

2.35

 

- Quản lý đô thị

426

14,80

784

16,19

 

 

1210

5.99

 

- Quản tr doanh nghiệp

32

1,11

72

1,49

 

 

104

0.51

 

- CM, NVụ khác

551

19,14

771

15,92

 

 

1322

6.54

Nguồn:

- Số liệu về Sở XD và cấp Huyện - Báo cáo kết quả thực hiện dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đề xuất định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020”-trang 42)

- Số liệu về cấp Xã - Đề án “Tổng điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước giai đoạn 2003-2005” của Bộ Nội vụ (Bảng số 7 Phần thứ Hai “Tổng hợp, phân tích thực trạng trình độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp Xã”)

 

PHỤ LỤC 4:

TRÌNH ĐỘ ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC NGÀNH XÂY DỰNG

STT

Chức danh

Các viện nghiên cứu

Các cơ sở đào tạo

Các doanh nghiệp

Tổng số

Số lượng (người)

Tỷ l (%)

Số lượng (người)

Tỷ l (%)

Số lượng (người)

Tỷ l (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

 

Tổng số

1440

100.00

4653

100.00

90847

100.00

96940

100.00

1

Trình độ chuyên môn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tiến sĩ

81

5.63

126

2.71

72

0.08

279

0.29

 

- Thạc sĩ

149

10.35

806

17.32

464

0.51

1419

1.46

 

- Đại học

1106

76.81

2439

52.42

46316

50.98

49861

51.43

 

Trong đó: + Ktrúc,

328

22.78

263

5.65

2198

2.42

2789

2.88

 

+ XDựng

282

19.58

559

12.01

14574

16.04

15415

15.90

 

+ QLý KTế

46

3.19

236

5.07

7136

7.85

7418

7.65

 

+ C/ngành khác

450

31.25

1381

29.68

22408

24.67

24239

25.00

 

- Cao đng, trung cp

104

7.22

874

18.78

23933

26.34

24911

25.70

 

Trong đó: + Ktrúc,

17

1.18

127

2.73

318

0.35

462

0.48

 

+ XDựng

5

0.35

150

3.22

4675

5.15

4830

4.98

 

+ QLý KTế

11

0.76

48

1.03

3812

4.20

3871

3.99

 

+ C/ngành khác

71

4.93

549

11.80

15128

16.65

15748

16.25

2

Trình độ Lý luận chính trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Cao cấp lý luận chính trị

59

4.10

201

4.32

2207

2.43

2467

2.54

 

- Trung cấp

628

43.61

479

10.29

6429

7.08

7536

7.77

 

- Sơ cp

753

52.29

3973

85.39

50850

55.97

55576

57.33

3

Trình độ quản lý nhà nước

 

0.00

 

 

 

 

 

 

 

- Chuyên viên cao cp

6

0.42

18

0.39

349

0.38

373

0.38

 

- Chuyên viên chính

57

3.96

243

5.22

3552

3.91

3852

3.97

 

- Chuyên viên

693

48.13

1971

42.36

19163

21.09

21827

22.52

 

- Cán sự

6

0.42

553

11.88

10787

11.87

11346

11.70

 

Chưa học

680

47.22

1868

40.15

56996

62.74

59544

61.42

4

Trình độ ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

211

14.65

343

7.37

1280

1.41

1834

1.89

 

- Chứng chỉ

657

45.63

2550

54.80

22870

25.17

26077

26.90

 

Chưa học

572

39.72

1760

37.83

66697

73.42

69029

71.21

5

Trình độ tin học

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

7

0.49

83

1.78

160

0.18

250

0.26

 

- Chứng ch

265

18.40

3093

66.47

27096

29.83

30454

31.42

 

Chưa học

1168

81.11

1477

31.74

63591

70.00

66236

68.33

6

Các khoa bồi dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- QT VPhòng, VT lưu trữ

8

0.56

 

 

1775

1.95

1783

1.84

 

- Quản lý đô thị

7

0.49

 

 

1161

1.28

1168

1.20

 

- Quản trị doanh nghiệp

3

0.21

 

 

3547

3.90

3550

3.66

 

- CM, NVụ khác

22

1.53

984

21.15

22485

24.75

23491

24.23

 

- Nghiệp vụ sư phạm

 

 

2092

44.96

 

 

2092

2.16

Nguồn: Các phụ lục 5, 6, 7

 

PHỤ LỤC 5:

TRÌNH ĐỘ ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC CÁC VIỆN NGHIÊN CỨU TRỰC THUỘC BỘ XÂY DỰNG

STT

Chức danh

Lãnh đạo, quản lý

Cán bộ nghiên cứu

Viên chức khác

Tổng số

Số lượng (người)

T l (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

 

Tổng số

205

100.00

158

100.00

1077

100.00

1440

100.00

1

Trình độ chuyên môn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tiến

38

18.54

38

24.05

5

0.46

81

5.63

 

- Thạc sĩ

57

27.80

50

31.65

42

3.90

149

10.35

 

- Đại học

108

52.68

70

44.30

928

86.17

1106

76.81

 

Trong đó: + Ktrúc,

36

17.56

1

0.63

291

27.02

328

22.78

 

+ XDựng

29

14.15

48

30.38

205

19.03

282

19.58

 

+ QLý KTế

2

0.98

15

9.49

29

2.69

46

3.19

 

+ C/ngành khác

41

20.00

6

3.80

403

37.42

450

31.25

 

- Cao đẳng, trung cp

2

0.98

0

0.00

102

9.47

104

7.22

 

Trong đó: + Ktrúc,

2

0.98

0

0.00

15

1.39

17

1.18

 

+ XDựng

 

 

0

0.00

5

0.46

5

0.35

 

+ QLý KTế

 

 

0

0.00

11

1.02

11

0.76

 

+ C/ngành khác

 

 

0

0.00

71

6.59

71

4.93

2

Trình độ Lý luận chính trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Cao cấp lý luận chính trị

48

23.41

9

5.70

2

0.19

59

4.10

 

- Trung cấp

98

47.80

0

0.00

530

49.21

628

43.61

 

- Sơ cấp

59

28.78

149

94.30

545

50.60

753

52.29

3

Trình độ quản lý nhà nước

 

 

 

 

 

 

 

0.00

 

- Chuyên viên cao cấp

6

2.93

0

0.00

0

0.00

6

0.42

 

- Chuyên viên chính

54

26.34

2

1.27

1

0.09

57

3.96

 

- Chuyên viên

113

55.12

50

31.65

530

49.21

693

48.13

 

- Cán sự

5

2.44

0

 

1

0.09

6

0.42

 

Chưa hc

27

13.17

108

68.35

545

50.60

680

47.22

4

Trình độ ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

52

25.37

55

34.81

104

9.66

211

14.65

 

- Chng chỉ

128

62.44

100

63.29

429

39.83

657

45.63

 

- Chưa học

25

12.20

3

1.90

544

50.51

572

39.72

5

Trình độ tin học

 

 

 

 

 

 

 

0.00

 

- Đại học

5

2.44

2

1.27

0

0.00

7

0.49

 

- Chứng chỉ

131

63.90

52

32.91

82

7.61

265

18.40

 

Chưa học

69

33.66

104

65.82

995

92.39

1168

81.11

6

Các khoa bồi dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- QT VPhòng, VT lưu trữ

3

 

0

0.00

5

0.46

8

0.56

 

- Quản lý đô thị

7

3.41

0

0.00

0

0.00

7

0.49

 

- Quản trị doanh nghiệp

3

1.46

0

0.00

0

0.00

3

0.21

 

- CM, NVụ khác

18

8.78

2

1.27

2

0.19

22

1.53

Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đề xuất định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020”-trang 50

 

PHỤ LỤC 6:

TRÌNH ĐỘ ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO NGÀNH XÂY DỰNG

STT

Chức danh

Lãnh đạo, quản lý

Giảng viên, giáo viên

Viên chức khác

Tổng số

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ l (%)

Số lượng (người)

Tỷ l (%)

S lượng (người)

Tỷ lệ (%)

 

Tổng số

811

100.00

2497

100.00

1345

100.00

4653

100.00

1

Trình độ chuyên môn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tiến

84

10.36

41

1.64

1

0.07

126

2.71

 

- Thạc sĩ

193

23.80

574

22.99

39

2.90

806

17.32

 

- Đại học

483

59.56

1486

59.51

470

34.94

2439

52.42

 

Trong đó: + Ktrúc,

29

3.58

138

5.53

96

7.14

263

5.65

 

+ XDựng

147

18.13

349

13.98

63

4.68

559

12.01

 

+ QLý KTế

63

7.77

112

4.49

61

4.54

236

5.07

 

+ C/ngành khác

244

30.09

887

35.52

250

18.59

1381

29.68

 

- Cao đng, trung cấp

51

6.29

314

12.58

509

37.84

874

18.78

 

Trong đó: + Ktrúc,

0

 

14

0.56

113

8.40

127

2.73

 

+ XDựng

18

2.22

102

4.08

30

2.23

150

3.22

 

+ QLý KTế

1

0.12

6

0.24

41

3.05

48

1.03

 

+ C/ngành khác

32

3.95

192

7.69

325

24.16

549

11.80

2

Trình độ Lý luận chính trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Cao cấp lý luận chính trị

149

18.37

48

1.92

4

0.30

201

4.32

 

- Trung cp

188

23.18

217

8.69

74

5.50

479

10.29

 

- Sơ cấp

474

58.45

2232

89.39

1267

94.20

3973

85.39

3

Trình độ quản lý nhà nước

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Chuyên viên cao cấp

17

2.10

1

0.04

0

0.00

18

0.39

 

- Chuyên viên chính

182

22.44

28

1.12

33

2.45

243

5.22

 

- Chuyên viên

424

52.28

1145

45.86

402

29.89

1971

42.36

 

- Cán sự

22

2.71

319

12.78

212

15.76

553

11.88

 

Chưa học

166

20.47

1004

40.21

698

51.90

1868

40.15

4

Trình độ ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

70

8.63

236

9.45

37

2.75

343

7.37

 

- Chứng chỉ

625

77.07

1486

59.51

439

32.64

2550

54.80

 

Chưa học

116

14.30

775

31.04

869

64.61

1760

37.83

5

Trình độ tin học

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

17

2.10

55

2.20

11

0.82

83

1.78

 

- Chứng ch

621

76.57

1910

76.49

562

41.78

3093

66.47

 

Chưa học

173

21.33

532

21.31

772

57.40

1477

31.74

6

Các khoa bồi dưỡng

 

 

 

0.00

 

 

 

 

 

- Nghiệp vụ sư phạm

406

50.06

1636

65.52

50

3.72

2092

44.96

 

- Chuyên môn nghiệp vụ khác

234

28.85

420

16.82

330

24.54

984

21.15

Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đề xuất định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020”-trang 53

 

PHỤ LỤC 7:

TRÌNH ĐỘ ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC DOANH NGHIỆP NGÀNH XÂY DỰNG

STT

Chức danh

Lãnh đạo quản lý

Cán bộ kỹ thuật

Viên chức khác

Tổng số

Số lượng (người)

Tỷ l (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

Số lượng (người)

Tỷ lệ (%)

 

Tổng số

19211

100,00

23271

100,00

48365

100,00

90847

100,00

1

Trình độ chuyên môn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tiến sĩ

28

0,15

13

0,06

31

0,06

72

0,08

 

- Thạc sĩ

239

1,24

209

0,90

16

0,03

464

0,51

 

- Đại học

16182

84,23

16598

71,32

13536

27,99

.

46316

50,97

 

Trong đó: + Ktrúc,

720

3,75

1122

4,82

356

0,74

2198

2,42

 

+ XDựng

4759

24,77

8459

36,35

1356

2,80

14574

16,04

 

+ QLý KTế

2422

12,61

731

3,14

3983

8,24

7136

7,85

 

+ C/ngành khác

8281

43,11

6286

27,01

7841

16,21

22408

24,66

 

- Cao đng, trung cp

2726

14,19

6287

27,02

14920

30,85

23933

26,34

 

Trong đó: + Ktrúc,

25

0,13

137

0,59

156

0,32

318

0,35

 

+ XDựng

435

2,26

2811

12,08

1429

2,95

4675

5,14

 

+ QLý KTế

483

2,51

576

2,48

2753

5,69

3812

4,19

 

+ C/ngành khác

1783

9,28

2763

11,87

10582

21,88

15128

16,65

2

Trình độ Lý luận chính trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Cao cấp lý luận chính trị

1991

10,36

177

0,76

39

0,08

2207

2,43

 

- Trung cấp

3568

18,57

905

3,89

1956

4,04

6429

7,07

 

- Sơ cấp

13652

71,06

22189

95,35

15009

31,03

50850

55,96

3

Trình độ quản lý nhà nước

 

0,00

 

0,00

 

 

 

0,00

 

- Chuyên viên cao cấp

340

1,77

6

0,03

3

0,01

349

0,38

 

- Chuyên viên chính

1733

9,02

1082

4,65

737

1,52

3552

3,91

 

- Chuyên viên

5569

28,99

5246

22,54

8348

17,26

19163

21,09

 

- Cán sự

1913

9,96

2055

8,83

6819

14,10

10787

11,87

 

Chưa học

9656

50,26

14882

63,95

32458

67,11

56996

62,72

4

Trình độ ngoại ngữ

 

 

 

 

 

 

 

0,00

 

- Đại học

910

4,74

137

0,59

233

0,48

1280

1,41

 

- Chng ch

6138

31,95

10253

44,06

6479

13,40

22870

25,17

 

Chưa học

12163

63,31

12881

55,35

41653

86,12

66697

73,40

5

Trình độ tin học

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đại học

46

0,24

50

0,21

64

0,13

160

0,18

 

- Chứng ch

7902

41,13

12251

52,64

6943

14,36

27096

29,82

 

Chưa học

11263

58,63

10970

47,14

41358

85,51

63591

69,98

6

Các khoa bồi dưỡng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QT VPhòng, VT lưu trữ

353

1,84

45

0,19

1377

2,85

1775

1,95

 

- Quản lý đô thị

304

1,58

466

2,00

391

0,81

1161

1,28

 

- Quản trị doanh nghiệp

2080

10,83

558

2,40

909

1,88

3547

3,90

 

- CM, NVụ khác

4772

24,84

8001

34,38

9712

20,08

22485

24,74

Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đề xuất định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020”-trang 56


PHỤ LỤC 8:

CHẤT LƯỢNG CÔNG NHÂN NGÀNH XÂY DỰNG

BIỂU 1

Chất lượng công nhân ngành XD theo bậc thợ
(từ bậc 3 đến vượt khung)

Các loại công nhân

Tổng số

Bậc thợ

Bậc 3

Tỷ lệ

%

Bậc 4

Tỷ lệ

%

Bậc 5

Tỷ l

%

Bậc 6

Tỷ lệ

%

Bậc 7

Tỷ l

%

Vượt khung

Tỷ lệ

%

S lượng (nghìn người)

CN xây dựng

82.745

23.109

27.93

18.851

22.78

10.477

12.66

5.278

6.38

1.113

1.35

0.033

0.04

CN lắp máy

27.839

11.471

41.20

4.737

17.02

2.947

10.59

1.694

6.08

1.002

3.60

0.015

0.05

CN SX VLXD

41.380

10.956

26.48

7.568

18.29

4.62

11.16

1.942

4.69

0.493

1.19

0.321

0.78

CN cơ khí

23.921

11.526

48.18

4.119

17.22

2.429

10.15

1.345

5.62

0.605

2.53

0.059

0.25

LĐ ph thông

28.212

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng s

204.097

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đề xuất định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020” - trang 62, trang 165

 

Biểu 2

Trình độ đào tạo của công nhân ngành Xây dựng

Các loại công nhân

Tổng số

Trình độ đào tạo

lo tao

Cao đẳng nghề

Tỷ lệ

%

Trung cấp nghề

Tỷ lệ

%

Công nhân kỹ thut

Tỷ lệ

%

Ngoại ngữ

Tỷ lệ

%

Tin học

Tỷ lệ

%

S lượng (nghìn người)

CN xây dựng

82.745

2.190

2.65

9.589

11.59

52.449

63.39

0.925

1.12

2.787

3.37

CN lắp máy

27.839

0.523

1.88

1.782

6.40

18.281

65.67

0.325

1.17

0.209

0.75

CNSX VLXD

41.380

1.471

3.55

6.688

16.16

23.406

56.56

1.591

3.84

7.357

17.78

CN cơ khí

23.921

r

0.397

1.66

1.435

V

6.00

19.521

81.61

0.776

3.24

\

0.888

3.71

Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện dự án SNKT “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đề xuất định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2020” - trang 64


PHỤ LỤC 9:

MẠNG LƯỚI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH XÂY DỰNG

Biểu 1:

Mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành Xây dựng phân theo trình độ đào tạo

TNG SỐ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC

HỌC VIỆN CÁN BỘ

TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG

TRƯỜNG TRUNG CẤP XÂY DỰNG

TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ XD

TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ XD

33

4

1

4

10

7

7

Biểu 2:

Mạng lưới đào tạo ngành Xây dựng phân theo cấp quản lý

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC

HỌC VIỆN CÁN BỘ

TRƯỜNG CAO ĐẲNG

TRƯỜNG TRUNG CẤP CN

TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ

TRƯỜNG TRUNG CP NGHỀ

TNG

Bộ xây dựng

4

1

4

1

1

 

11

Doanh nghiệp

 

 

 

7

6

4

17

Địa phương

 

 

 

2

 

3

5

Tng s

4

1

4

10

7

7

33

Biểu 3:

Hệ thống các cơ sở đào tạo ngoài ngành

 

Tổng số trường

Hệ đào tạo

ĐH

TCCN

nghề

TC nghề

Sơ cấp nghề & ĐT ngắn hạn

Trường đại học

41

41

20

14

 

 

 

Trường cao đẳng

47

 

47

41

 

 

 

Trường T. cấp

34

 

 

34

 

 

34

Trung ương quản

11

 

 

11

 

 

11

Địa phương quản lý

23

 

 

23

 

 

23

Cao đẳng nghề

23

 

 

 

23

23

23

Trung cấp nghề

17

 

 

 

 

17

17

Tng s

162

 

 

 

 

 

 

(Theo điều tra khảo sát của Bộ Xây dựng)


PHỤ LỤC 10:

DIỆN TÍCH CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGÀNH XÂY DỰNG (NĂM 2009)

STT

Cơ sở đào tạo

Cơ quan quản lý

Tổng diện tích đất (ha)

Tổng diện tích xây dựng (m2)

Ghi chú

I

Các Viện đào tạo sau đại học

 

 

 

 

1

Viện Khoa học công nghệ xây dựng

Bộ XD

3,39

4.849

 

 

Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị & NT

Bộ XD

0,6

 

 

II

Các trường Đại học

 

 

 

 

1

Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Bộ XD

2,09

29.547

Đang xin cp đất

2

Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

Bộ XD

0,642

8.833

Đang XD cơ sở mới

3

Trường ĐHXD Miền Tây (2009 là Trường CĐXD Miền Tây)

Bộ XD

3,7

29.887

 

4

Trường ĐHXD Miền Trung (2009 là Trường CĐXD số 3)

Bộ XD

17,69

10.569

Đang XD cơ sở 2

III

Học vin Cán bộ QLXD&ĐT

Bộ XD

0,6

3.575

 

IV

Các trường Cao đng

 

 

 

 

1

Trường CĐXD s 1

Bộ XD

1,7

12.900

 

2

Trường CĐXD s 2

Bộ XD

2,22

8.600

Đang xin cấp đất

3

Trường CĐXD công trình ĐT

Bộ XD

8,7

18.736

 

4

Trường CĐXD Nam Định

Bộ XD

9,42

15.787

 

V

Các trường Trung cấp chuyên nghiệp

 

 

 

 

1

Trường TCXD s 4

Bộ XD

1,7

12.978

 

2

Trường TCKT - NV Sông Hồng

TCTXD Sông Hng

1,92

11.600

Đang xin cp đt

3

Trường THXD Min Trung

 

5,0

4.592

 

4

Trường TCXD Uông Bí

 

2,606

13.674

 

5

Trường THKT - NV Hà Nội

 

1,6

6.324

Đang xin cp đất

6

Trường TCKT- NV Vinh

 

1,71

5.589

 

7

Trường TCKT - NV Hải Phòng

 

4,11

1.939

Đang XD cơ sở 2

8

Trường TCXD Thanh Hóa

 

2,47

3.250

 

VI

Các trường CĐN

 

 

 

 

1

Trường CĐN cơ giới cơ khí XD số 1

B XD

13,0

12.500

 

2

Trường CĐN Lilama 1

TCT Lilama

7,0

29.000

Có 2 cơ sở

3

Trường CĐN Lilama 2

TCT Lilama

12,0

24.000

Trong đó có 6 ha mới được cấp

4

Trường CĐN Sông Đà

Tập đoàn Sông Đà

10,0

18.000

 

5

Trường CĐN Licogi

TCT Licogi

5,0

12.000

 

6

Trường CĐN Viglacera

TCT Viglacera

0,6

3.000

 

7

Trường CĐN Simco Sông Đà

Tập đoàn Sông Đà

1,6

6.000

 

VII

Trường Trung cấp nghề

 

 

 

 

1

Trường TCN kỹ thuật XD và nghiệp vụ

TCT Vinaconex

4,8

4.500

 

2

Trường TCN cơ khí XD

TCT Coma

1,2

5.600

 

3

Trường TCN công nghiệp và XD (Fico)

TCT vật liệu XD số 1

0,9

4.000

 

4

Trường TCN Viglacera

TCT Viglacera

1,8

4.200

 

 

PHỤ LỤC 11:

KẾT QUẢ ĐÀO TẠO

Biểu 1:

Kết quả đào tạo năm 2010 của các trường

 

Các trường do ngành Xây dựng quản lý

Các trường không do ngành Xây dựng quản lý

Tng s

2005

Tỷ lệ %

2010

Tỷ lệ %

2005

Tỷ lệ %

2010

Tỷ lệ %

2005

Tỷ lệ %

2010

Tỷ lệ %

Số lượng (nghìn người)

'

I. Đào tạo

34733

 

50514

 

36455

 

48381

 

71188

 

98895

 

1. Sau đại học

148

5.03

255

3.73

 

 

 

 

148

 

255

 

2. Đại học, Cao đng

2944

100.00

6834

100.00

8045

100.00

15075

100.00

10989

100.00

21909

100.00

Đại học

2049

69.60

3448

50.45

5335

66.31

6875

45.61

7384

67.19

10323

47.12

Cao đẳng

895

30.40

3386

49.55

2710

33.69

8200

54.39

3605

32.81

11586

52.83

3. Trung cp chuyên nghiệp

4312

146.47

7285

106.60

8970

111.50

9540

63.28

13282

120.87

16825

76.79

4. Đào tạo ngh

27329

928.29

36140

528.83

19440

241.64

23766

157.65

46769

425.60

59906

273.43

II. Bi dưỡng

21135

 

24000

 

 

 

 

 

21135

 

24000

 

(Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng)

Biểu 2:

Kết quả đào tạo, bồi dưỡng của các trường do ngành Xây dựng quản lý

Đơn vị: Người

CẤP ĐÀO TẠO

Tổng số

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

(ƯỚC)

1. Sau đại học

1281

48

148

189

203

215

233

255

- Tiến sỹ

77

5

7

9

13

15

13

15

- Thạc sỹ

1204

43

141

180

190

200

220

230

2. Đi hc

18345

2308

2049

1977

2542

2885

3135

3448

- Hệ chính quy

10845

1404

1420

1359

1476

1620

1699

1867

- Hệ không chính quy

7182

889

606

568

1016

1215

1377

1511

- Cử tuyn

318

15

23

50

50

50

60

70

3. Cao đng

14476

807

895

1492

2194

2623

3079

3386

- Hệ chính quy

12459

807

895

1437

2073

2373

2321

2553

- Hệ không chính quy

1976

 

 

55

114

250

744

813

- Cử tuyn

41

 

 

 

7

 

14

20

4. Trung cấp

39887

3791

4312

4871

5694

7268

6623

7285

- Hệ chính quy

35797

3324

3612

4175

5069

6722

6120

6775

- Hệ không chính quy

4017

425

696

692

621

537

503

543

- Cử tuyển

73

42

4

4

4

9

 

10

5. Đào tạo nghề

204427

23409

27329

26379

27974

30386

32855

36140

- Dài hn

101450

13649

15443

14188

12714

14276

14848

16332

- Ngắn hạn

102977

9715

11886

12191

15260

16110

18007

19808

6. Tổng từ 1 đến 5

278416

30363

34733

34908

38607

43377

45925

50514

7. ĐTBD CBCC (lượt/ngưi)

134528

10314

21135

15876

19673

20068

23462

24000

8. Tổng 6 và 8

412944

40677

55868

50784

58280

63445

69387

74514

Biểu 3:

Kết quả đào tạo của các trường không do ngành Xây dựng quản lý

Cấp đào tạo

Tổng s

Năm 2004

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Đại học

46,085

4,900

5,335

5,535

7,540

8,275

7,625

6,875

Cao đẳng

38,870

2,250

2,710

2,935

5,675

7,890

9,210

8,200

Trung cấp chuyên nghiệp

64,055

8,370

8,970

9,575

9,280

9,025

9,295

9,540

Cao đẳng nghề

3,270

 

 

 

620

930

900

820

Trung cấp nghề

21,182

 

 

 

4,650

5,241

5,470

5,821

Công nhân kỹ thuật

117,225

18,300

19,440

20,375

14,320

13,295

14,370

17,125

Tổng

290,687

33,820

36,455

38,420

42,085

44,656

46,870

48,381

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 838/QĐ-BXD ngày 13/09/2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.239

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.34.51
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!