TỔNG LIÊN
ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 785/QĐ-TLĐ
|
Hà Nội, ngày
27 tháng 05 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
TƯ VẤN PHÁP LUẬT CỦA CÔNG ĐOÀN
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
– Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt
Nam;
– Căn cứ Nghị quyết Đại hội
Công đoàn Việt Nam lần thứ IX;
– Căn cứ Điều 156 của Bộ luật
Lao động;
– Theo đề nghị của Ban Pháp luật
Tổng Liên đoàn,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ
chức và hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 340/QĐ-TLĐ
ngày 28/4/1992 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về thành lập Văn phòng tư vấn
pháp luật của công đoàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký;
các cấp công đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Các đ/c uỷ viên BCH TLĐ
- LĐLĐ các tỉnh, TP, CĐ ngành TW, CĐ TCTy trực thuộc TLĐ
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ
- Bộ Tư pháp
- Lưu VT, Ban Pháp luật TLĐ
|
TM. ĐOÀN CHỦ
TỊCH TỔNG LĐLĐ VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Cù Thị Hậu
|
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CỦA
CÔNG ĐOÀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 785/QĐ-TLĐ ngày 27 tháng 05 năm 2004 của
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích, tính chất hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn
1. Hoạt động tư vấn pháp luật của Công
đoàn nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công
đoàn và người lao động; góp phần nâng cao hiểu biết, xây dựng ý thức chấp hành
pháp luật của đoàn viên công đoàn, người lao động và các đối tượng khác.
2. Hoạt động tư vấn của Công đoàn
về pháp luật lao động và công đoàn là hoạt động không thu phí; trừ các Trung
tâm tư vấn pháp luật tổ chức, hoạt động theo Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày
11/6/2003 của Chính phủ, Thông tư số 04/2003/TT-BTP ngày 28/10/2003 của Bộ Tư
pháp, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn.
Điều 2. Đoàn
viên Công đoàn được tư vấn miễn phí về pháp luật lao động và Công đoàn
Đoàn viên Công đoàn được yêu cầu
Công đoàn cấp quản lý trực tiếp hoặc đề nghị công đoàn cấp trên tư vấn miễn phí
về pháp luật lao động và Công đoàn.
Điều 3.
Trách nhiệm của Công đoàn trong việc tư vấn pháp luật cho đoàn viên Công đoàn
và người lao động
1. Tư vấn pháp luật cho đoàn viên
công đoàn và người lao động là trách nhiệm của các cấp Công đoàn. Căn cứ vào điều
kiện cụ thể, từng cấp công đoàn lựa chọn, quyết định thành lập tổ chức hoặc
phân công cán bộ để thực hiện công tác tư vấn pháp luật.
2. Khi đoàn viên Công đoàn yêu cầu
hoặc người lao động đề nghị tư vấn về pháp luật lao động và Công đoàn, Công
đoàn nơi tiếp nhận có trách nhiệm xem xét, đáp ứng, trừ các trường hợp quy định
tại điểm đ và e khoản 1 Điều 12 của Quy định này.
Chương II
TỔ CHỨC TƯ VẤN
PHÁP LUẬT CỦA CÔNG ĐOÀN
Điều 4. Các
hình thức tổ chức tư vấn pháp luật của công đoàn
Căn cứ vào điều kiện ở từng cấp,
hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn được tổ chức theo các hình thức sau
đây:
1. Trung tâm tư vấn pháp luật;
2. Văn phòng tư vấn pháp luật;
3. Tổ tư vấn pháp luật;
4. Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Điều 5. Trung
tâm tư vấn pháp luật
Trung tâm tư vấn pháp luật là hình
thức tổ chức được thành lập, hoạt động theo Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày
11/6/2003 của Chính phủ, Thông tư số 04/2003/TT-BTP ngày 28/10/2003 của Bộ Tư
pháp, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn ban
hành kèm theo Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27 tháng 5 năm 2004 của Đoàn Chủ tịch
Tổng Liên đoàn.
Điều 6. Văn
phòng tư vấn pháp luật
1. Văn phòng tư vấn pháp luật là
hình thức tổ chức do Công đoàn thành lập ở những nơi chưa đủ điều kiện thành lập
Trung tâm tư vấn pháp luật quy định tại Điều 5 của Quy định này.
2. Văn phòng tư vấn pháp luật là
hình thức tổ chức thuộc công đoàn cấp ra quyết định thành lập, có ít nhất một
cán bộ chuyên trách thuộc biên chế của cơ quan Công đoàn cấp đó.
3. Văn phòng tư vấn pháp luật bao
gồm Chủ nhiệm và các thành viên là cán bộ có hiểu biết về pháp luật, có kinh
nghiệm hoạt động công đoàn đang công tác tại các ban, đơn vị của cấp công đoàn
ra quyết định thành lập.
Điều 7. Tổ tư
vấn pháp luật
1. Tổ tư vấn pháp luật là hình thức
tổ chức do Công đoàn thành lập ở những nơi chưa đủ điều kiện thành lập Trung
tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật quy định tại Điều 5, Điều 6 của
Quy định này.
2. Tổ tư vấn pháp luật bao gồm Tổ
trưởng và các thành viên là cán bộ của cấp Công đoàn ra quyết định thành lập.
Điều 8. Chuyên
viên tư vấn pháp luật
Chuyên viên tư vấn pháp luật là những
tư vấn viên pháp luật được công nhận theo quy định của Nghị định 65/2003/NĐ-CP
và những cán bộ làm công tác pháp luật của Công đoàn được công đoàn cấp đó cử
làm công tác tư vấn pháp luật.
Chương III
NỘI DUNG, HÌNH
THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP TƯ VẤN PHÁP LUẬT CỦA CÔNG ĐOÀN
Điều 9. Nội
dung tư vấn pháp luật
Hoạt động tư vấn pháp luật của
Công đoàn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực pháp luật lao động và công đoàn.
Những nơi thành lập Trung tâm tư vấn
pháp luật có thể mở rộng nội dung hoạt động để thu phí đối với các lĩnh vực
hình sự, dân sự, hành chính hoặc lĩnh vực pháp luật khác và thu phí các đối tượng
ngoài đối tượng qui định tại Điều 2 của Qui định này và khoản 2 Điều 14 Qui chế
tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn ban hành kèm theo
Quyết định số 786/QĐ/TLĐ ngày 27 tháng 5 năm 2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên
đoàn.
Điều 10. Các
hình thức tư vấn pháp luật
Hoạt động tư vấn pháp luật của
Công đoàn được thực hiện theo các hình thức sau đây:
1. Hướng dẫn, giải đáp pháp luật;
2. Cung cấp thông tin, văn bản
pháp luật;
3. Tư vấn soạn thảo các văn bản;
4. Dịch vụ pháp lý;
5. Kiến nghị giải quyết yêu cầu, đề
nghị của đối tượng tư vấn pháp luật;
6. Các hình thức khác phù hợp với
quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Điều 11. Hình
thức, phương pháp tư vấn pháp luật
Hoạt động tư vấn pháp luật của
Công đoàn được thực hiện thông qua các phương pháp, cách thức sau:
1. Trực tiếp;
2. Bằng văn bản;
3. Điện thoại;
4. Các phương tiện thông tin đại
chúng;
5. Phương pháp, cách thức khác.
Chương IV
QUYỀN HẠN VÀ
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Điều 12. Quyền
hạn và trách nhiệm của người làm công tác tư vấn pháp luật
1. Khi hoạt động tư vấn pháp luật,
người làm công tác tư vấn pháp luật có các quyền sau đây:
a) Đề nghị các cơ quan, tổ chức và
cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động tư vấn
pháp luật theo quy định của pháp luật;
b) Khi được uỷ quyền hoặc phân
công của công đoàn, có quyền đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính
đáng cho đoàn viên công đoàn, người lao động trước người sử dụng lao động, cơ
quan nhà nước, tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
c) Đề xuất với công đoàn cấp có thẩm
quyền kiến nghị với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm giải quyết
yêu cầu hoặc đề nghị của đối tượng tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật;
d) Được đào tạo, bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn pháp luật; được hưởng các quyền lợi theo quy định
của pháp luật và Tổng Liên đoàn;
đ) Từ chối tư vấn pháp luật trong
những trường hợp không thuộc chức năng, nhiệm vụ, nội dung tư vấn; đối tượng tư
vấn có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, cố tình cung cấp thông
tin, tài liệu sai sự thật;
e) Từ chối yêu cầu tư vấn pháp luật
trái quy định của pháp luật, quy định của Tổng Liên đoàn và đạo đức xã hội.
2. Khi hoạt động tư vấn pháp luật,
người làm công tác tư vấn pháp luật có trách nhiệm:
a) Tư vấn pháp luật trung thực, khách quan;
b) Tuân thủ các quy định của pháp
luật và Tổng Liên đoàn về tư vấn pháp luật;
c) Chịu trách nhiệm về nội dung tư
vấn pháp luật do mình thực hiện.
Điều 13. Quyền
hạn và trách nhiệm của tổ chức làm công tác tư vấn pháp luật
1. Khi thực hiện chức năng, nhiệm
vụ của mình, Tổ chức làm công tác tư vấn pháp luật có các quyền sau đây:
a) Được đề nghị các cơ quan, tổ chức
và cá nhân hữu quan cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến nội
dung tư vấn;
b) Đề xuất với công đoàn cấp có thẩm
quyền kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hữu quan giải quyết
những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao
động.
2. Khi thực hiện hoạt động tư vấn
pháp luật, Tổ chức làm công tác tư vấn pháp luật có trách nhiệm:
a) Tuân theo các quy định của pháp
luật, quy định của Tổng Liên đoàn và các quy định của Công đoàn cấp ra quyết định
thành lập;
b) Định kỳ 6 tháng, báo cáo cơ
quan Công đoàn cấp mình về kết quả hoạt động tư vấn pháp luật;
c) Chịu trách nhiệm về hoạt động của
cán bộ tư vấn pháp luật do mình quản lý.
Chương V
QUYỀN VÀ TRÁCH
NHIỆM CỦA ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Điều 14. Đối
tượng tư vấn pháp luật của Công đoàn
Đối tượng được tư vấn pháp luật của
Công đoàn bao gồm:
1. Đoàn viên công đoàn;
2. Người lao động;
3. Tổ chức công đoàn.
Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện cụ
thể, có thể mở rộng phạm vi tư vấn sang một số đối tượng khác.
Điều 15. Quyền
của đối tượng được tư vấn pháp luật
Đối tượng được tư vấn pháp luật có
quyền sau đây:
1. Được tư vấn pháp luật theo quy
định của Tổng Liên đoàn;
2. Tự mình hoặc uỷ quyền cho người
khác đề nghị tư vấn pháp luật; được thông báo về kết quả tư vấn;
3. Được giữ bí mật về nội dung tư
vấn pháp luật khi có yêu cầu;
4. Được khiếu nại, tố cáo theo quy
định của pháp luật đối với các hành vi gây phiền hà, cản trở hoặc hành vi vi phạm
khác của người thực hiện tư vấn.
Điều 16.
Trách nhiệm của đối tượng được tư vấn pháp luật
Đối tượng được tư vấn pháp luật có
trách nhiệm sau đây:
1. Xuất trình thẻ đoàn viên công
đoàn hoặc giấy tờ xác nhận khác thuộc đối tượng được tư vấn pháp luật của Công
đoàn;
2. Cung cấp đầy đủ, trung thực những
thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu tư vấn pháp luật và chịu
trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu đó;
3. Chấp hành nội quy, quy định của
cơ quan, tổ chức tư vấn pháp luật.
Chương VI
QUY TRÌNH TƯ VẤN
PHÁP LUẬT
Điều 17. Tiếp
nhận yêu cầu tư vấn pháp luật
Khi có yêu cầu tư vấn, người thực
hiện tư vấn tiến hành các công việc sau đây:
1. Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra các
giấy tờ liên quan đến điều kiện và nội dung yêu cầu tư vấn. Trường hợp xét thấy
nội dung yêu cầu tư vấn đơn giản, cụ thể, rõ ràng, có thể tiến hành tư vấn ngay
cho đối tượng được tư vấn;
2. Nếu hồ sơ đề nghị tư vấn còn
thiếu các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ có liên quan, thì hướng dẫn, yêu cầu đối
tượng được tư vấn bổ sung;
3. Viết giấy biên nhận hồ sơ nếu đối
tượng được tư vấn có yêu cầu; viết phiếu hẹn trả lời kết quả tư vấn ;
4. Căn cứ vào nội dung yêu cầu,
phân loại vụ việc tư vấn để xác định hình thức, phương pháp tư vấn phù hợp.
Điều 18.
Nghiên cứu yêu cầu tư vấn pháp luật
1. Căn cứ vào nội dung yêu cầu tư
vấn, tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn tiến hành thu thập, nghiên cứu các văn bản,
tài liệu có liên quan. Trường hợp cần thiết có thể xác minh hoặc đề nghị cơ
quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan
đến nội dung tư vấn;
2. Sau khi nghiên cứu, xây dựng nội
dung, lựa chọn hình thức và phương pháp tư vấn để chuẩn bị trả lời đối tượng
yêu cầu tư vấn.
Điều 19. Trả
lời yêu cầu tư vấn pháp luật
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn
trả lời đối tượng được tư vấn theo phiếu hẹn, thông qua các hình thức và phương
pháp quy định tại Điều 10, Điều 11 của Quy định này.
2. Trường hợp cần thiết, tổ chức
tư vấn có thể trực tiếp hoặc đề nghị Công đoàn cấp mình, kiến nghị các cơ quan,
đơn vị, cá nhân hữu quan giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích
của đối tượng được tư vấn.
Điều 20. Theo
dõi kết quả tư vấn pháp luật
Tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn
có trách nhiệm lập sổ theo dõi kết quả tư vấn để tổng hợp, đánh giá, rút kinh
nghiệm. Các vụ việc tư vấn được đánh số, sắp xếp theo thứ tự thời gian và theo
lĩnh vực tư vấn. Hồ sơ tư vấn được lưu trữ theo quy định của pháp luật; những
trường hợp cần thiết, được lưu lại phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc làm tài
liệu tham khảo.
Chương VII
NHỮNG ĐIỀU KIỆN
BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CỦA CÔNG ĐOÀN
Điều 21. Điều
kiện về biên chế, tổ chức và cơ sở vật chất
1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của
địa phương, ngành, cơ sở, Công đoàn mỗi cấp quyết định hình thức tổ chức và
biên chế làm công tác tư vấn pháp luật theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7
và Điều 8 của Quy định này;
2. Tổ chức, cá nhân làm công tác
tư vấn pháp luật của công đoàn được cấp công đoàn ra quyết định thành lập tạo
điều kiện về phương tiện làm việc và bảo đảm các điều kiện khác phục vụ cho hoạt
động tư vấn.
Điều 22. Tài
chính bảo đảm cho hoạt động tư vấn pháp luật
1. Tổ chức, cá nhân làm công tác
tư vấn pháp luật của Công đoàn cấp nào do công đoàn cấp đó bảo đảm tài chính hoạt
động, bao gồm chi phí hành chính, chi phí trả lương và các chi phí hợp lý khác.
Tài chính bảo đảm cho hoạt động tư
vấn được trích từ các nguồn thu của Công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn;
2. Tổ chức làm công tác tư vấn
pháp luật Công đoàn được tiếp nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài
nước theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.
3. Ngoài các nguồn tài chính quy định
tại khoản 1 và khoản 2 của điều này, Trung tâm tư vấn pháp luật được thu phí
theo quy định của Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ, Quy chế
tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn ban hành kèm theo
Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27 tháng 5 năm 2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên
đoàn.
Chương VIII
QUYỀN VÀ TRÁCH
NHIỆM CHỈ ĐẠO, QUẢN LÝ CÔNG TÁC TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Điều 23. Quyền
và trách nhiệm của Tổng Liên đoàn
1. Ban hành các văn bản hướng dẫn
về hoạt động tư vấn pháp luật Công đoàn;
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch
và tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tư vấn cho
cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn;
3. Chỉ đạo, kiểm tra việc chấp
hành các quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật của Công đoàn;
4. Hướng dẫn, hỗ trợ các cấp Công
đoàn về chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật
Công đoàn.
Điều 24. Quyền
và trách nhiệm của Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công
đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn; Công đoàn cấp trên cơ sở
1. Căn cứ vào quy định của Tổng
Liên đoàn, ban hành các quy định cụ thể triển khai thực hiện chủ trương phát
triển hoạt động tư vấn pháp luật phù hợp với điều kiện của địa phương, ngành;
2. Chỉ đạo, kiểm tra việc chấp
hành các quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của pháp
luật và quy định của Tổng Liên đoàn;
3. Có kế hoạch và tổ chức thực hiện
việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật cho
cán bộ làm công tác tư vấn;
4. Hỗ trợ Công đoàn cấp dưới về
chuyên môn, nghiệp vụ, tài chính trong việc triển khai thực hiện công tác tư vấn
pháp luật;
5. Định kỳ 6 tháng, báo cáo Công
đoàn cấp trên trực tiếp về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật ở cấp mình
theo Quy định này và các quy định có liên quan khác của Tổng Liên đoàn.
Điều 25. Quyền
và trách nhiệm của Công đoàn cơ sở
1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể,
Công đoàn cơ sở phân công cán bộ thực hiện công tác tư vấn pháp luật tại đơn vị,
cơ sở mình. Những nơi cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, cần ưu tiên dành
thời gian thoả đáng trong quĩ thời gian hoạt động công đoàn cho hoạt động tư vấn;
2. Định kỳ 6 tháng, báo cáo Công
đoàn cấp trên trực tiếp về hoạt động tư vấn pháp luật; được quyền đề nghị Công
đoàn cấp trên hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ và các điều kiện đảm bảo khác phục
vụ cho hoạt động tư vấn.
Chương IX
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 26. Điều
khoản thi hành
1. Quy định này được triển khai thực
hiện trong các cấp công đoàn;
2. Ban pháp luật Tổng Liên đoàn
tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn tổ chức triển khai thực hiện Quy định
này;
3. Trong quá trình thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc các cấp công đoàn báo cáo, đề xuất Tổng Liên đoàn xem
xét, giải quyết.