ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 672/QĐ-UBND-HC
|
Đồng Tháp, ngày
21 tháng 6 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
TẠO NGUỒN LAO ĐỘNG ĐỂ CUNG ỨNG ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC
NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Người lao động
Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số
126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng;
Căn cứ Thông tư số
21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm
2007 của Chính phủ;
Thực hiện Kết luận số
31-KL/TU ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về tiếp tục
lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước
ngoài theo hợp đồng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 40/TTr-SLĐTBXH ngày 23 tháng 4
năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản
lý đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động để cung ứng đưa lao động đi làm việc
có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc các Sở:
Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại vụ, Y tế; Giám đốc
Công an Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT/TU; TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.Ntn;
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Tấn Bửu
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TẠO NGUỒN LAO ĐỘNG ĐỂ
CUNG ỨNG ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG
THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 672/QĐ-UBND-HC ngày 21 tháng 6 năm 2018 của
Ủy ban nhân dân Tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế
này quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp của
các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập có hoạt động
đào tạo, bồi dưỡng lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để tạo nguồn lao động
cung ứng cho các công ty, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm
việc có thời hạn ở nước ngoài.
2. Đối tượng áp dụng: Quy chế
này áp dụng đối với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
(sau đây gọi tắt là cấp huyện), các Trường Cao đẳng giáo dục nghề nghiệp, Trung
cấp giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi tắt cơ sở
giáo dục nghề nghiệp) trên địa bàn Tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến
hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động để cung ứng đưa lao động đi làm
việc có thời hạn ở nước ngoài.
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp
1. Việc phối hợp phải trên cơ sở
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức đã được pháp luật quy định
và bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng tạo
nguồn lao động trên địa bàn Tỉnh.
2. Bảo đảm tuân thủ đúng các
quy định của pháp luật; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá
nhân tham gia tạo nguồn lao động một cách hợp pháp.
3. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp
pháp của người lao động; hạn chế những rủi ro, thiệt hại của người lao động khi
được tạo nguồn để chuẩn bị tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp
đồng.
4. Thường xuyên trao đổi thông
tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục, đào tạo, các tổ chức
cá nhân với nhau về tình hình đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động trên địa
bàn Tỉnh; kịp thời phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh
trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động.
Điều 3. Nội
dung phối hợp
1. Tuyên truyền, vận động, tuyển
chọn, tạo nguồn lao động để giới thiệu người lao động tham gia dự tuyển đi làm
việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi
dưỡng ngành, nghề theo nhu cầu công việc của nước tiếp nhận lao động, để người
lao động tham gia dự tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
3. Tuyên truyền, vận động và quản
lý người lao động tham gia học ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước
ngoài.
4. Phối hợp bồi dưỡng kỹ năng,
kiến thức pháp luật và kiến thức cần thiết cho người lao động khi đã trúng tuyển
đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
5. Xây dựng kế hoạch thông tin,
tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước
về đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo
dõi, quản lý người lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
6. Thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện các chế độ, chính sách, các quy định về tuyên truyền, vận động, tuyển chọn,
đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động để cung ứng đưa đi làm việc có thời hạn ở
nước ngoài.
Điều 4.
Phương thức phối hợp
1. Việc tuyên truyền, vận động,
tuyển chọn, tạo nguồn lao động để giới thiệu người lao động tham gia dự tuyển
đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng phải do cơ quan, tổ chức được
giao nhiệm vụ thực hiện sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động
ở địa phương. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tuyên truyền, vận động,
tạo nguồn lao động phải chủ động thông báo, cung cấp thông tin về số lượng,
tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện về hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước
ngoài cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp huyện để
thông báo, công khai, cung cấp cho người lao động.
2. Các tổ chức, doanh nghiệp
không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước
ngoài khi có nhu cầu phối hợp, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên
địa bàn Tỉnh để dạy nghề, bổ túc tay nghề, dạy ngoại ngữ cho người lao động với
mục đích cho người lao động tham gia dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài phải được
một trong những tổ chức sau đây thỏa thuận, thống nhất sau khi kết thúc khóa
đào tạo, bồi dưỡng sẽ tuyển dụng đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài:
a) Doanh nghiệp, tổ chức sự
nghiệp của Nhà nước được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi
làm việc ở nước ngoài;
b) Doanh nghiệp đưa người lao động
đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
3. Trường hợp các tổ chức,
doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc
ở nước ngoài khi có nhu cầu phối hợp, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
trên địa bàn Tỉnh để dạy nghề, bổ túc tay nghề, dạy ngoại ngữ cho người lao động
với mục đích cho người lao động tham gia dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài
không có sự thỏa thuận, thống nhất theo quy định tại Khoản 2, Điều này thì phải
có sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân Tỉnh trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội.
4. Các doanh nghiệp, tổ chức sự
nghiệp của Nhà nước được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi
làm việc ở nước ngoài khi có nhu cầu tổ chức hoặc phối hợp, liên kết với các cơ
sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh để dạy nghề, bổ túc tay nghề, dạy ngoại
ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động với mục đích cho người
lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài phải do Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội giới thiệu, trên cơ sở các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đó đã thông
báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội việc tuyển chọn lao động đi làm việc
ở nước ngoài.
5. Cá nhân, tổ chức nước ngoài
có nhu cầu phối hợp, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh,
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp để đào tạo dài hạn, dạy nghề, bổ túc tay
nghề, dạy ngoại ngữ cho người lao động với mục đích cho người lao động tham gia
đi làm việc ở nước ngoài phải được Ủy ban nhân dân Tỉnh đồng ý chấp thuận, trên
cơ sở đề xuất của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có ý kiến của các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh và cá nhân, tổ chức nước ngoài đó phải bảo
đảm được các nội dung sau:
a) Bảo đảm được nơi tiếp nhận
lao động làm việc ở nước ngoài;
b) Có sự thỏa thuận, thống nhất
về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoặc tổ chức sự
nghiệp của Nhà nước được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi
làm việc ở nước ngoài.
6. Trường hợp cá nhân, tổ chức
nước ngoài chưa bảo đảm được nội dung quy định tại điểm b, Khoản 5 Điều này thì
phải có ý kiến đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành
liên quan về việc liên kết doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm
việc ở nước ngoài.
7. Các tổ chức, doanh nghiệp
trong và ngoài nước có nhu cầu phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa
bàn Tỉnh tuyển chọn lao động trong tỉnh để đưa ra nước ngoài vừa học, vừa làm
phải bảo đảm các nội dung sau đây và được sự thống nhất, chấp thuận của Ủy ban
nhân dân tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Ngành, nghề, thời gian, địa
điểm đào tạo; kinh phí đào tạo;
b) Có sự thỏa thuận, thống nhất
về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoặc tổ chức sự
nghiệp của Nhà nước được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi
làm việc ở nước ngoài.
8. Trường hợp cá nhân, tổ chức
chưa bảo đảm được nội dung quy định tại điểm b, Khoản 7 Điều này thì Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc liên kết doanh
nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN LIÊN QUAN
Điều 5.
Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Tỉnh về công
tác tuyên truyền, vận động, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động để
đưa người lao động tham gia dự tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
2. Chủ trì, phối hợp với các
ngành chức năng xem xét, thẩm định tính hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị sự
nghiệp của Nhà nước được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi
làm việc ở nước ngoài, tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận
cho chủ trương liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh;
3. Chủ trì, phối hợp với Sở
Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan xem xét, thẩm định,
thống nhất đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương đối với các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo,
bồi dưỡng tạo nguồn lao động;
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận thông báo của các doanh nghiệp, đơn vị sự
nghiệp của Nhà nước có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc
ở nước ngoài; theo dõi, quản lý việc tuyển chọn, tạo nguồn lao động ở địa
phương;
5. Làm đầu mối thống nhất phối
hợp với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp Giấy
phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức đào
tạo nghề, bổ túc nghề, dạy ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người
lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo dõi, quản lý, nắm bắt tình hình
lao động đang làm việc ở nước ngoài do Trung tâm Dịch vụ việc làm làm đầu mối
cung ứng cho các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài;
6. Định kỳ hàng quý thông báo
cho Sở Ngoại vụ về số lượng, danh sách người được đưa đi làm việc có thời hạn ở
nước ngoài theo hợp đồng nhằm phối hợp thực hiện tốt việc bảo hộ công dân và
pháp nhân người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 6.
Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành có liên quan xem xét, thẩm định, đề
xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,
các tổ chức thuộc Tỉnh tham gia liên kết với các Trường Đại học ngoài tỉnh, các
Trường sư phạm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động để đưa đi làm việc
ở nước ngoài.
2. Theo dõi, quản lý, nắm tình
hình người lao động được đưa lao động đi ra nước ngoài theo hình thức vừa học,
vừa làm;
Điều 7.
Trách nhiệm của Sở Y tế
1. Tham gia cho ý kiến về các
ngành nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở, cùng với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương đối với việc
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với các tổ chức ngoài tỉnh hoặc nước
ngoài tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động để cung ứng đưa đi làm việc
ở nước ngoài;
2. Phối hợp với Sở Giáo dục và
Đào tạo, tham gia cho ý kiến đề xuất với Ủy ban nhân dân Tỉnh cho chủ trương đối
với việc các tổ chức ngoài tỉnh liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa
lao động đi ra nước ngoài theo hình thức vừa học, vừa làm thuộc lĩnh vực y tế,
chăm sóc sức khỏe.
Điều 8.
Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ
Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh
theo dõi, quản lý đoàn đi nước ngoài, đoàn nước ngoài vào làm việc trên địa bàn
tỉnh Đồng Tháp. Làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước
ngoài thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân người Việt Nam ở nước
ngoài
Điều 9.
Trách nhiệm Công an Tỉnh
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh
theo dõi, nắm bắt tình hình các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài đến liên kết,
phối hợp với các tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, tuyển
chọn tạo nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.
2. Tham gia cùng các sở, ngành
có liên quan nắm bắt, theo dõi tình hình người lao động của tỉnh đi du học ở nước
ngoài theo hình thức vừa học, vừa làm.
Điều 10.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Phối hợp với các sở, ngành liên
quan tuyên truyền, vận động người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn
lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài;
2. Tạo điều kiện cho các tổ chức,
cá nhân đến địa phương để tuyển chọn lao động đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, tạo
nguồn lao động để cung ứng đưa đi làm việc ở nước ngoài.
3. Chỉ đạo các xã, phường, thị
trấn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình lao động được đào tạo, bồi dưỡng
tạo nguồn và tình hình lao động làm việc ở nước ngoài, lao động đã về nước.
Điều 11.
Trách nhiệm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh
1. Khi tổ chức, cá nhân có nhu
cầu đến liên kết, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn lao động để đưa đi làm
việc ở nước ngoài, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động phối hợp với cơ
quan quản lý Nhà nước về lao động, về chuyên môn cấp tỉnh để thống nhất các nội
dung phối hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho chủ trương;
2. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành nghề được đào tạo
chủ động phối hợp, liên kết với các tổ chức, cá nhân tổ chức tuyển sinh đào tạo,
bồi dưỡng tạo nguồn lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài;
3. Quản lý, theo dõi, cập nhật
thường xuyên tình hình lao động đang được đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn.
4. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
phải tuân thủ việc liên kết đào tạo theo quy định tại Thông tư số
29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy
định về liên kết thực hiện chương trình đào tạo; đồng thời chủ động hợp tác quốc
tế nhằm bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của cơ quan quản lý giáo dục
nghề nghiệp.
Chương
III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Tổ
chức thực hiện
1. Các Sở, ngành có liên quan
và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Giao Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này;
kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Trong quá trình thực hiện
Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để
xem xét, quyết định./.