ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 607/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 30
tháng 3 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HÒA GIẢI
VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Bộ
luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng
12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao
động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tỉnh An Giang tại Tờ trình số 634/TTr-SLĐTBXH ngày 18 tháng 3
năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế quản lý hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Phước
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(kèm
theo Quyết định số
607/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh)
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm, nghĩa vụ của hòa giải
viên lao động;
trình tự, thủ
tục bổ nhiệm, miễn nhiệm hòa giải viên lao động; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cử hòa giải
viên lao động; trình tự, thủ tục hòa giải lao động; chế độ và điều kiện hoạt động của
hòa giải viên lao động.
2. Quy chế này áp dụng đối với hòa giải
viên lao động trên địa bàn tỉnh An Giang; cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về lao
động của Ủy ban nhân dân, các cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Phạm vi
hoạt động của hòa giải viên lao động
Đối với hòa giải viên lao động do Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội quản lý hoạt động trên địa bàn tỉnh; đối với hòa giải viên lao động
do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố nào quản lý
thì hoạt
động trên
địa bàn huyện, thị xã, thành phố đó.
Điều 3. Nghĩa vụ
của hòa giải viên đối với công tác hòa giải tranh chấp lao động
1. Tuân thủ đúng các quy định pháp luật,
không được lợi dụng uy tín, quyền hạn, trách nhiệm của mình làm phương hại đến
lợi ích của các bên hoặc lợi ích của Nhà nước trong quá trình hòa giải.
2. Không được từ chối nhiệm vụ hòa giải
khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về hợp đồng
đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng; thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất
theo yêu cầu của người và cơ quan có thẩm quyền.
Chương II
TIÊU
CHUẨN, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 4. Tiêu chuẩn hòa
giải viên lao động
1. Là công dân Việt Nam, có năng lực
hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất
đạo đức tốt.
2. Có trình độ đại học trở lên và có ít
nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
3. Không thuộc diện đang bị truy cứu
trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Điều 5. Trình tự và thủ
tục bổ nhiệm hòa giải viên lao động
Trình tự và thủ tục bổ nhiệm hòa giải viên
lao động thực hiện theo quy định tại Điều 93 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật
Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Điều 6. Miễn nhiệm hòa
giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động miễn nhiệm khi
thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có đơn xin thôi làm hòa giải viên lao
động;
b) Không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định
tại Điều 4
Quy chế
này;
c) Có hành vi vi phạm pháp luật làm
phương hại đến lợi ích các bên hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ
của hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật;
d) Từ chối nhiệm vụ hòa giải từ 02 lần
trở lên khi được cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động hoặc tranh chấp về
hợp đồng đào tạo nghề mà không có lý do chính đáng theo quy định tại quy chế quản
lý hòa giải viên lao động.
2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm hòa giải
viên lao động thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật
Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Chương III
THẨM
QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CỬ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 7. Cơ quan cử hòa
giải viên lao động
Việc cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ
hòa giải do
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
các huyện, thị xã, thành phố cử hòa giải viên lao động do Phòng quản lý.
Điều 8. Trình tự, thủ tục
cử hòa giải viên lao động
Trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động như sau:
1. Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động,
tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề và yêu cầu hỗ trợ phát triển quan hệ lao động
được gửi đến Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
hoặc hòa giải viên lao động.
Trường hợp hòa giải viên lao động trực
tiếp nhận đơn yêu cầu từ đối tượng tranh chấp đề nghị giải quyết thì trong thời
hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn, hòa giải viên lao động phải chuyển cho Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý hòa giải
viên lao động để phân loại xử lý.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được yêu cầu, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
có trách nhiệm phân loại và có văn bản cử hòa giải viên lao động giải quyết
theo quy định.
Trường hợp tiếp nhận đơn từ hòa giải
viên lao động thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ra văn bản cử hòa giải
viên lao động theo quy định.
3. Tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc,
Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có thể cử
một hoặc một số hòa giải viên lao động cùng tham gia giải quyết.
Chương IV
GIẢI
QUYẾT TRANH CHẤP CỦA HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 9. Trình tự, thủ tục
hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được
giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu
cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao
động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình
thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi
chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người
sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của
pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo
hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về
bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an
toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người
lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng;
e) Giữa người lao động thuê lại với người
sử dụng lao động thuê lại.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày
hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp
hoặc từ Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội,
hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Việc tiến hành hòa giải được thực hiện theo
các bước sau:
a) Xác định thời hiệu yêu cầu giải quyết
tranh chấp (còn thời hiệu hay đã hết thời hiệu).
b) Tìm hiểu vụ việc các bên tranh chấp:
Xác định rõ tính chất và mức độ phức tạp
của vụ việc, tìm hiểu và làm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân dẫn đến tranh
chấp.
Thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên
quan đến việc giải quyết tranh chấp.
Hòa giải viên lao động yêu cầu các bên
có liên quan cung cấp các tài liệu, văn bản, chứng cứ có liên quan đến tranh chấp;
tham khảo thêm ý kiến của đại diện tập thể lao động tại cơ sở và lãnh đạo đơn vị
trực tiếp quản lý người lao động (tổ, đội, phân xưởng, phòng ban).
c) Tổ chức họp hòa giải:
Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai
bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia
phiên họp hòa giải. Các bên phát biểu và nêu ý kiến, quan điểm của mình về vụ
việc xảy ra.
Căn cứ các quy định của pháp luật lao động,
hòa giải viên lao động có
trách nhiệm phân
tích những vấn đề đúng/sai trong hành vi của hai bên để hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến
hành thương lượng, thỏa thuận để giải quyết tranh chấp.
Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa
giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có
chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được,
hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp
các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản
hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp
và hòa giải viên lao động.
Trường hợp phương án hòa giải không được
chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn
vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa
giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp
có mặt và hòa giải viên lao động.
4. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc
hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01
ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.
5. Trường hợp một trong các bên không thực hiện
các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng
trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
6. Trường hợp hoà giải không thành thì các bên
tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc yêu cầu Toà án giải
quyết tranh chấp theo quy định.
Điều 10. Trình tự, thủ
tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền
1. Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được
giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu
cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày
hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội hoặc từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, hòa giải viên
lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Việc tiến hành hòa giải được thực hiện theo khoản 3, 4, 5 Điều 9
Quy chế này.
4. Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền:
(1) khi có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về
lao động và (2) khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với
người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì
lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can
thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng
thiện chí mà
hòa giải viên lao động xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì hòa giải viên
lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem
xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp hoà giải không thành thì các bên
tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc yêu cầu Toà án giải
quyết tranh chấp theo quy định.
Điều 11. Trình tự, thủ
tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
1. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải
được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi
yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình
công.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ
ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh
chấp hoặc từ Sở
Lao
động - Thương binh và Xã hội hoặc từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, hòa giải
viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Việc tiến hành hòa giải được thực hiện
theo các bước quy định tại điểm b, c khoản 3 và khoản 4 Điều 9 Quy chế này.
4. Trường hợp hòa giải thành, biên bản hòa giải
thành phải bao gồm đầy đủ nội dung các bên đã đạt được thỏa thuận, có chữ ký của
các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị
pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
5. Trường hợp hoà giải không thành hoặc một
trong các bên không thực hiện thoả thuận trong biên bản hoà giải thành thì các
bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp
hoặc tổ chức đại diện người lao động có quyền tiến hành thủ tục, trình tự để
đình công theo quy định.
Chương V
CHẾ
ĐỘ, ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 12. Chế độ, điều
kiện hoạt động của hòa giải viên lao động
Hòa giải viên lao động được hưởng các chế
độ:
1. Mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ của hòa giải
viên lao động do cơ quan có thẩm quyền cử được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền
lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc
theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ (từ ngày 01
tháng 01 năm 2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số
90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ).
2. Được cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi đang công
tác tạo điều kiện bố trí thời gian thích hợp để tham gia thực hiện nhiệm vụ của
hòa giải viên lao động theo quy định;
3. Được áp dụng chế độ công tác phí quy định đối
với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của
hòa giải viên lao động theo quy định;
4. Được tham gia tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do cấp có thẩm quyền tổ chức;
5. Được khen thưởng theo quy định của Luật Thi
đua, khen thưởng về thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên
lao động theo quy định;
6. Được hưởng các chế độ khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 13. Đảm bảo chế độ,
điều kiện hoạt động của của hòa giải viên lao động
1. Cơ quan cử hòa giải viên lao động quy định tại
Điều 7 Quy
chế này
có trách nhiệm bố trí địa điểm, phương tiện làm việc, tài liệu, văn phòng phẩm
và các điều kiện cần thiết khác để hòa giải viên lao động làm việc.
2. Kinh phí chi trả các chế độ, điều kiện hoạt động
của hòa giải
viên lao động do
ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí thực
hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Chương VI
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi
hành
Quy chế này được thực hiện kể từ
ngày ký.
Điều 15. Tổ chức thực
hiện
1. Quy chế này được triển khai đến các hòa giải
viên lao động và các cơ
quan, đơn vị, tổ
chức, cá nhân có liên quan.
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện,
thị xã, thành phố có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện quản lý hòa giải viên
lao động theo phân cấp quản lý.
3. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ
trì, theo dõi việc thực hiện các quy định tại Quy chế này, tổng hợp các vấn đề
phát sinh báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời./.