BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU
TƯ
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 592/QĐ-TCTK
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 07 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2019
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng
7 năm 2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ
tiêu thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24
tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết
định số 65/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi,
bổ sung Điểm a, Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17
tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình điều
tra thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 1793/QĐ-BKHĐT ngày 12 tháng
12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ủy quyền cho Tổng cục
trưởng Tổng cục Thống kê ký Quyết định tiến hành điều tra thống kê được phân
công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 372/QĐ-TCTK ngày 21 tháng 5
năm 2018 của Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê về việc ban hành Kế hoạch điều
tra thống kê năm 2019 của Tổng cục Thống kê.
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và
Lao động,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiến hành Điều tra lao
động việc làm năm 2019 ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Phương
án điều tra ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Vụ Thống kê Dân số
và Lao động chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan của Tổng cục Thống kê và
Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện điều tra
đúng Phương án quy định.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Thống kê
Dân số và Lao động, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ trưởng Vụ Phương pháp
chế độ thống kê và Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ pháp chế và Thanh tra thống
kê, Chánh Văn phòng Tổng cục, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để báo cáo);
- Lãnh đạo Tổng cục Thống kê;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để phối hợp chỉ đạo);
- Lưu: VT, DSLĐ(25).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Bích Lâm
|
PHƯƠNG ÁN
ĐIỀU
TRA LAO ĐỘNG VIỆC LÀM NĂM 2019
(Ban hành kèm theo Quyết định số 592/QĐ-TCTK ngày 30/7/2018 của Tổng cục trưởng
Tổng cục Thống kê)
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA CUỘC
ĐIỀU TRA
1. Mục đích
Điều tra lao động việc làm năm 2019 (sau đây viết gọn
là Điều tra LĐVL) là điều tra chọn mẫu trong chương trình điều tra thống kê quốc
gia được thực hiện nhằm mục đích: thu thập thông tin về tình trạng tham gia thị
trường lao động của những người từ 15 tuổi trở lên hiện đang sống tại Việt Nam
làm cơ sở để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lao động, việc
làm, thất nghiệp và thu nhập của người lao động. Kết quả điều tra giúp các cấp,
các ngành đánh giá, dự báo tình hình biến động của thị trường lao động trên phạm
vi cả nước, xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch
sản xuất - kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động.
2. Yêu cầu
- Kết quả điều tra phải đáp ứng yêu cầu so sánh quốc
tế, phù hợp với khung tiêu chuẩn quy định về lao động, việc làm theo khuyến nghị
của Tổ chức lao động quốc tế.
- Thực hiện điều tra phải đúng các nội dung quy định
trong Phương án.
II. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ PHẠM VI
ĐIỀU TRA
1. Đối tượng điều tra
Đối tượng điều tra là nhân khẩu thực tế thường trú
từ 15 tuổi trở lên của hộ dân cư, bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ
trang là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ; không bao gồm những người thuộc lực
lượng vũ trang sống trong các khu doanh trại.
2. Đơn vị điều tra
Đơn vị điều tra là hộ dân cư. Hộ dân cư bao gồm một
người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có
từ 02 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi
chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết
hợp cả hai.
3. Phạm vi điều tra
Điều tra LĐVL là điều tra chọn mẫu được tiến hành
trên phạm vi cả nước.
III. NỘI DUNG ĐIỀU TRA VÀ PHIẾU
ĐIỀU TRA
1. Nội dung điều tra
Điều tra LĐVL thu thập thông tin về nhân khẩu học của
các thành viên, thông tin về lao động, việc làm của các thành viên từ 15 tuổi
trở lên trong hộ, cụ thể:
a. Thông tin về nhân khẩu học của các thành
viên trong hộ
- Họ và tên của từng người thực tế thường trú trong
hộ;
- Mối quan hệ với chủ hộ;
- Giới tính;
- Tháng, năm sinh hoặc tuổi tròn theo dương lịch;
- Đối với những người từ 15 tuổi trở lên và đang cư
trú ở Việt Nam thu thập thông tin về tình trạng hoạt động kinh tế.
- Đối với những người từ 15 tuổi trở lên và đang cư
trú ở nước ngoài thu thập thông tin về quốc gia đang cư trú, lý do cư trú và thời
gian đã cư trú liên tục;
b. Thông tin về lao động, việc làm của thành
viên trong hộ từ 15 tuổi trở lên và đang sống tại Việt Nam
- Tình trạng hôn nhân;
- Tình trạng và lý do di chuyển;
- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật
cao nhất;
- Chuyên ngành đào tạo và thời gian tốt nghiệp;
- Phân loại tình trạng hoạt động kinh tế;
- Công việc chính trong 7 ngày qua;
- Công việc trước khi tạm nghỉ;
- Số giờ làm việc, tiền công nhận được;
- Tình trạng thiếu việc làm;
- Tình trạng thất nghiệp hoặc không hoạt động kinh
tế;
- Công việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ cho bản
thân và gia đình sử dụng.
2. Phiếu điều tra
Điều tra LĐVL sử dụng một loại phiếu điều tra để hỏi
thông tin về các thành viên trong hộ, trong đó có các thành viên trong hộ từ 15
tuổi trở lên đang sống tại Việt Nam.
IV THỜI ĐIỂM, THỜI KỲ VÀ THỜI
GIAN ĐIỀU TRA
1. Thời điểm điều tra
Thời điểm để xác định nhân khẩu thực tế thường trú
của hộ là 0 giờ ngày 01 của tháng điều tra thu thập thông tin.
2. Thời kỳ điều tra
Thời kỳ điều tra là 07 ngày trước thời điểm điều
tra, ngoại trừ trường hợp tìm kiếm việc làm thì thời kỳ điều tra là 30 ngày trước
thời điểm điều tra.
3. Thời gian điều tra
Thời gian thu thập thông tin tại địa bàn là 07 ngày
(kể cả thời gian di chuyển), bắt đầu từ ngày 01 của tháng điều tra.
Thực hiện điều tra thu thập thông tin tại địa bàn
trong 10 tháng của năm 2019, không thực hiện điều tra trong tháng 3 và tháng 4.
V. LOẠI ĐIỀU TRA, NGƯỜI CUNG CẤP
THÔNG TIN VÀ PHƯƠNG PHÁP THU THẬP THÔNG TIN
1. Loại điều tra
Điều tra LĐVL là điều tra chọn mẫu. Quy mô mẫu của điều
tra chính thức được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện của các chỉ tiêu thống kê
theo quý cho cấp vùng, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và theo năm cho
cấp tỉnh. Địa bàn mẫu của Điều tra LĐVL được chọn mới thay cho các địa bàn năm
2018.
Mẫu điều tra được thiết kế phân tầng 02 giai đoạn
như sau:
Giai đoạn 1 (phân bổ số địa bàn mẫu và chọn địa
bàn mẫu): Danh sách các địa bàn mẫu của mỗi tỉnh tạo thành một tầng chính
được chia ra hai tầng thứ cấp là thành thị và nông thôn. Ở giai đoạn này, danh
sách địa bàn điều tra của tỉnh được lấy từ dàn mẫu chủ 40% địa bàn điều tra của
Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 01/4/2019 và được chia thành hai dàn mẫu
độc lập cho khu vực thành thị và khu vực nông thôn; thực hiện chọn các địa bàn
theo phương pháp xác suất tỷ lệ với quy mô hộ của địa bàn. Việc chọn địa bàn điều
tra do Tổng cục Thống kê (Vụ Thống kê Dân số và Lao động - sau đây viết gọn là
Vụ DSLĐ) thực hiện.
Giai đoạn 2 (chọn hộ): Tại mỗi địa bàn điều
tra mẫu được chọn ở Giai đoạn 1, Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (sau đây viết gọn là Cục Thống kê cấp tỉnh) rà soát, cập nhật địa bàn điều
tra. Bước tiếp theo, Cục Thống kê cấp tỉnh lập bảng kê và phân chia danh sách hộ
trong địa bàn điều tra mẫu thành 2 nhóm ứng với 2 phần nửa trên và nửa dưới của
bảng kê. Sau đó, tại mỗi nhóm, Cục Thống kê cấp tỉnh chọn 15 hộ theo phương
pháp chọn hệ thống. Hộ mẫu trong từng nhóm được thu thập thông tin trong từng kỳ
điều tra quý theo cơ chế luân phiên.
Danh sách địa bàn điều tra của mỗi tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương được Vụ DSLĐ lập và gửi Cục Thống kê cấp tỉnh để thực hiện.
2. Người cung cấp thông tin
Chủ hộ (hoặc người am hiểu về các thành viên trong
hộ khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin về nhân khẩu thực tế thường trú
của hộ; các nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên sống tại Việt Nam là người cung cấp
thông tin về tình trạng hoạt động kinh tế của hộ.
3. Phương pháp thu thập thông tin
Điều tra LĐVL áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp
sử dụng phiếu điện tử được cài đặt trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông
minh của điều tra viên. Điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông
tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điện tử.
VI. CÁC DANH MỤC SỬ DỤNG TRONG
ĐIỀU TRA
Điều tra LĐVL sử dụng 05 danh mục sau:
- Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành
theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và những
thay đổi đã được Tổng cục Thống kê cập nhật đến thời điểm điều tra;
- Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết
định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ;
- Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục
quốc dân ban hành theo Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của
Thủ tướng Chính phủ;
- Danh mục nghề nghiệp ban hành theo Quyết định số
1019/QĐ-TCTK ngày 12/11/2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và cập nhật
khi có Quyết định thay thế;
- Danh mục quốc gia và vùng lãnh thổ quy định trong
sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ của cuộc Điều tra LĐVL.
VII. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ THÔNG TIN
VÀ TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐIỀU TRA
1. Phương pháp xử lý thông tin
Dữ liệu điều tra từ phiếu điện tử được điều tra
viên đồng bộ hàng ngày về hệ thống máy chủ thông qua đường truyền dữ liệu trực
tuyến. Tại đây, giám sát viên các cấp thực hiện việc kiểm tra số liệu và nghiệm
thu số liệu trực tuyến theo quy trình kiểm tra, nghiệm thu số liệu được hướng dẫn
trong sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ của cuộc Điều tra LĐVL.
Cơ sở dữ liệu được chiết xuất và lưu giữ dưới các định
dạng: Excel, SPSS và STATA để chuyển giao cho đơn vị chủ trì cuộc điều tra lưu
và sử dụng.
2. Tổng hợp kết quả điều tra
Kết quả Điều tra LĐVL được tổng hợp hàng tháng phục
vụ biên soạn báo cáo phân tích hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm.
VIII. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH ĐIỀU
TRA1
Điều tra LĐVL được thực hiện theo kế hoạch thời
gian như sau:
TT
|
Nội dung công
việc
|
Thời gian thực
hiện
|
Đơn vị phụ
trách
|
1
|
Xây dựng phương án
|
Tháng 07/2018
|
Vụ DSLĐ
|
2
|
Thiết kế và hoàn thiện phiếu điều tra
|
Tháng 06- 11/2018
|
Vụ DSLĐ
|
3
|
Xây dựng Sổ tay nghiệp vụ và các tài liệu khác
|
Tháng 11/2018
|
Vụ DSLĐ
|
4
|
Thiết kế mẫu, chọn địa bàn điều tra
|
Tháng 11/2018
|
Vụ DSLĐ
|
5
|
Rà soát địa bàn điều tra
|
Trước 20/12/2018
|
Cục Thống kê
|
6
|
Cập nhật, hiệu chỉnh bảng kê
|
Trước 30/12/2018
|
Cục Thống kê
|
7
|
Chia nhóm và chọn hộ điều tra
|
Trước 30/12/2018
|
Cục Thống kê
|
8
|
Rà soát hộ được chọn điều tra hàng tháng
|
01 ngày trước thời
điểm điều tra
|
Cục Thống kê
|
9
|
Tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành (phương án,
tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra) phục vụ tập huấn các cấp
|
Tháng 10 -12/2018
|
Nhà Xuất bản thống
kê
|
10
|
Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ các cấp
|
Tháng 10 -12/2018
|
Vụ DSLĐ, CTK, Chi
CTK
|
11
|
Xây dựng các chương trình phần mềm điều tra ứng dụng
công nghệ thông tin (phiếu điện tử, cơ sở dữ liệu quản lý mạng lưới, có sở dữ
liệu điều tra,...)
|
Tháng 09- 12/2018
|
COSIS I
|
12
|
Điều tra thu thập thông tin
|
Từ ngày 01- 07
hàng tháng
|
CTK, Chi CTK
|
13
|
Kiểm tra và duyệt phiếu điều tra
|
Từ ngày 01-07 hàng
tháng
|
Giám sát viên các
cấp
|
14
|
Kiểm tra, ghi mã phiếu điều tra
|
Từ ngày 07- 15
hàng tháng
|
CTK cấp tỉnh
|
15
|
Gửi báo cáo danh sách hộ được chọn điều tra và báo
cáo hộ thay thế (nếu có) về Vụ DSLĐ
|
Vào ngày 12 tháng
cuối quý
|
Cục Thống kê
|
16
|
Xử lý số liệu điều tra hàng tháng
|
Ngày 20 hàng tháng
|
COSIS I
|
17
|
Tổng hợp số liệu
|
Ngày 22 tháng cuối
quý
|
Vụ DSLĐ
|
18
|
Biên soạn báo cáo phân tích kết quả ước tính phục
vụ họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, năm
của Tổng cục Thống kê
|
Ngày 24 tháng cuối
quý
|
Vụ DSLĐ
|
19
|
Đánh giá chất lượng, phân tích và biên soạn báo
cáo đầy đủ kết quả chủ yếu của cuộc điều tra
|
Ngày 24 tháng cuối
quý (Báo cáo năm: ngày 24/3/2020)
|
Vụ DSLĐ
|
20
|
Tổ chức biên soạn, in, xuất bản và phát hành báo
cáo kết quả điều tra
|
Năm 2020
|
Nhà Xuất bản thống
kê
|
IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐIỀU TRA
1. Công tác chuẩn bị
a. Rà soát địa bàn, cập nhật, hiệu chỉnh bảng
kê và chọn hộ điều tra
Địa bàn điều tra của Điều tra LĐVL là khu vực dân
cư được phân định trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Bảng kê số hộ, số người đã được lập để phục vụ Tổng
điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được sử dụng làm dàn mẫu để chọn các hộ điều
tra của cuộc Điều tra LĐVL. Bảng kê này là công cụ quan trọng giúp điều tra
viên tiếp cận hộ nhanh chóng, thuận tiện, để tổ trưởng giám sát công việc của
điều tra viên.
Công tác rà soát địa bàn và cập nhật bảng kê được
thực hiện vào tháng 12 năm 2018 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 30 tháng 12
năm 2018.
Vụ Thống kê Dân số và Lao động có trách nhiệm hướng
dẫn chi tiết và kiểm tra tổng hợp công tác rà soát địa bàn, cập nhật bảng kê và
chọn hộ điều tra. Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Chi cục
Thống kê cấp huyện phối hợp với cán bộ thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố tiến hành
rà soát, cập nhật đầy đủ bảng kê để phục vụ bước chọn hộ điều tra theo đúng kế
hoạch.
b. Tuyển chọn điều tra viên và giám sát viên
Do Điều tra LĐVL là cuộc điều tra chuyên sâu, để bảo
đảm yêu cầu chất lượng thông tin và ổn định lực lượng thu thập thông tin, yêu cầu
điều tra viên là những người có kinh nghiệm điều tra thống kê, có trình độ đào
tạo từ trung học phổ thông trở lên, có và sử dụng thành thạo máy tính bảng hoặc
điện thoại thông minh để thực hiện điều tra thu thập thông tin sử dụng phiếu điện
tử. Tiêu chuẩn cụ thể đối với điều tra viên được trình bày trong Phụ lục của
Phương án này.
Giám sát viên là lực lượng thực hiện công việc giám
sát các hoạt động của mạng lưới điều tra viên và hỗ trợ chuyên môn cho giám sát
viên cấp dưới và các điều tra viên trong quá trình điều tra thực địa. Có 03 cấp
giám sát viên: giám sát viên cấp trung ương, giám sát viên cấp tỉnh và giám sát
viên cấp huyện. Trong đó: giám sát viên cấp huyện bao gồm lãnh đạo, công chức của
các Chi Cục Thống kê cấp huyện; giám sát viên cấp tỉnh bao gồm lãnh đạo, công
chức của Cục Thống kê cấp tỉnh; giám sát viên cấp trung ương bao gồm lãnh đạo,
công chức của Vụ Thống kê Dân số và Lao động.
c. Tập huấn nghiệp vụ điều tra
Tập huấn nghiệp vụ điều tra thực hiện ở 02 cấp, mỗi
cấp thực hiện tập huấn trong 03 ngày (trong đó 01 ngày hướng dẫn sử dụng thiết
bị điều tra phiếu điện tử).
- Cấp Trung ương: Tổng cục Thống kê chủ trì
tổ chức tập huấn cho các giảng viên cấp tỉnh và giám sát viên cấp tỉnh.
- Cấp tỉnh: Cục Thống kê cấp tỉnh chủ trì tổ
chức tập huấn cho điều tra viên và giám sát viên.
d. Tài liệu điều tra
Tài liệu điều tra và tập huấn điều tra bao gồm các
tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ do Tổng cục Thống kê thiết kế, in và phân phối cho
Cục Thống kê đảm bảo đúng thời gian quy định.
2. Công tác điều tra thực địa
Cục Thống kê cấp tỉnh chỉ đạo Chi cục Thống kê cấp
huyện tổ chức điều tra thu thập thông tin tại địa bàn, bảo đảm việc thu thập
thông tin được thực hiện tại hộ được chọn điều tra, đúng yêu cầu chất lượng và
thời hạn quy định.
3. Công tác kiểm tra, giám sát
Hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung vào quá
trình điều tra tại địa bàn, kiểm tra và duyệt phiếu trên phần mềm giám sát. Quy
trình kiểm tra, giám sát được thực hiện như sau:
- Đối với giám sát viên cấp huyện: thực hiện
giám sát, kiểm tra và duyệt số liệu của các điều tra viên được phân công phụ
trách với các nhiệm vụ chính sau:
+ Kiểm tra tiến độ thực hiện điều tra hàng ngày của
điều tra viên;
+ Kiểm tra chất lượng thông tin trên phiếu điều tra
khi chương trình kiểm tra báo lỗi phiếu điều tra của các hộ để thông báo điều
tra viên những thông tin trong phiếu cần kiểm tra, xác minh lại để hoàn thành
phiếu;
+ Duyệt toàn bộ các phiếu điều tra tại các địa bàn
được phân công giám sát khi các điều tra viên đã hoàn thành điều tra và hoàn
thiện sửa lỗi;
+ Thông báo cho điều tra viên những vấn đề nghiệp vụ
cần lưu ý hoặc trả lời những câu hỏi của điều tra viên liên quan đến nghiệp vụ
và kỹ thuật sử dụng máy tính;
+ Trao đổi với giám sát viên cấp tỉnh về những vấn
đề nghiệp vụ phát sinh hoặc những vấn đề kỹ thuật sử dụng máy tính cho quá
trình điều tra.
- Đối với giám sát viên cấp tỉnh: thực hiện
giám sát, kiểm tra và duyệt số liệu tại các địa bàn điều tra trong tỉnh được
phân công phụ trách với các nhiệm vụ chính sau:
+ Kiểm tra tiến độ thực hiện điều tra hàng ngày của
điều tra viên thông qua các phiếu điều tra đã được giám sát viên cấp huyện duyệt;
+ Kiểm tra chất lượng thông tin trên phiếu điều tra
khi chương trình kiểm tra báo lỗi phiếu điều tra của các hộ và thông báo tới
giám sát viên cấp huyện về những thông tin trong phiếu cần kiểm tra, xác minh lại
để hoàn thành phiếu; duyệt số liệu toàn bộ địa bàn điều tra được phân công giám
sát;
+ Thông báo cho giám sát viên cấp huyện những vấn đề
nghiệp vụ cần lưu ý; trả lời những câu hỏi của giám sát viên cấp huyện liên
quan đến nghiệp vụ và kỹ thuật sử dụng máy tính;
+ Trao đổi với giám sát viên cấp Trung ương về những
vấn đề nghiệp vụ phát sinh hoặc những vấn đề kỹ thuật sử dụng máy tính cho quá
trình điều tra.
- Đối với giám sát viên cấp Trung ương: thực
hiện giám sát, kiểm tra và duyệt số liệu của các tỉnh được phân công phụ trách
với các nhiệm vụ chính sau:
+ Kiểm tra tiến độ thực hiện điều tra hàng ngày của
điều tra viên thông qua các phiếu điều tra đã được giám sát viên cấp tỉnh duyệt;
+ Kiểm tra chất lượng thông tin trên phiếu điều tra
khi chương trình kiểm tra báo lỗi phiếu điều tra của các hộ và thông báo tới
giám sát viên cấp tỉnh về những thông tin trong phiếu cần kiểm tra, xác minh lại
để hoàn thành phiếu; duyệt số liệu các tỉnh được phân công giám sát;
+ Thông báo cho giám sát viên cấp tỉnh những vấn đề
nghiệp vụ cần lưu ý, trả lời những câu hỏi của giám sát viên cấp tỉnh liên quan
đến nghiệp vụ và kỹ thuật sử dụng máy tính.
4. Kiểm tra, ghi mã phiếu điều tra và xử lý
thông tin
Cục Thống kê cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc kiểm tra,
ghi mã ngay sau khi hoàn thành điều tra tại địa bàn và truyền dữ liệu về Tổng cục
Thống kê theo quy định.
Vụ DSLĐ xây dựng các yêu cầu về chương trình hỗ trợ
ghi mã, phiếu điều tra, các thuật toán lô-gíc, quy trình kiểm tra và nghiệm thu
phiếu, hệ biểu đầu ra cho Trung tâm Tin học thống kê khu vực I để chủ trì xây dựng
các chương trình phần mềm điều tra, xử lý, tổng hợp thông tin điều tra.
Vụ DSLĐ xây dựng quyền số suy rộng cho cuộc điều
tra phục vụ quy trình tổng hợp, kiểm tra và xác minh kết quả điều tra các tỉnh
đã điều tra. Kết quả biểu tổng hợp của cuộc Điều tra LĐVL được gửi về địa
phương để nghiên cứu sử dụng, đồng thời tiến hành đánh giá chất lượng, phân
tích, biên soạn và phát hành kết quả điều tra theo kế hoạch.
5. Chỉ đạo thực hiện
a. Vụ Thống kê Dân số và Lao động chịu
trách nhiệm chỉ đạo thực hiện toàn bộ cuộc điều tra, bao gồm: xây dựng phương
án, phiếu điều tra; thiết kế mẫu; tính quyền số suy rộng; thiết kế các thuật
toán lô-gíc để kiểm tra; xây dựng quy trình kiểm tra, nghiệm thu phiếu điều
tra; biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra; hoàn thiện các hướng
dẫn sử dụng máy tính; hướng dẫn công tác chọn mẫu và cập nhật bảng kê; tổ chức
công tác kiểm tra, giám sát điều tra; xây dựng quy trình hiệu đính, kiểm tra
phiếu và kết quả đánh mã, xử lý và tổng hợp số liệu, phân tích và công bố kết
quả điều tra. Vụ trưởng Vụ DSLĐ chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục
Thống kê về chất lượng thông tin của cuộc điều tra này.
b. Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ
thông tin chủ trì, phối hợp với Vụ DSLĐ, Vụ Kế hoạch tài chính và Trung
tâm Tin học thống kê khu vực I xây dựng kế hoạch xử lý thông tin của Điều tra
LĐVL để đưa vào Kế hoạch công nghệ thông tin năm 2019 của Tổng cục Thống kê.
c. Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì, phối
hợp với Vụ DSLĐ dự trù kinh phí; bảo đảm kinh phí cho cuộc điều tra; hướng dẫn
định mức chi tiêu cho các đơn vị sử dụng kinh phí cuộc điều tra; cấp phát kinh
phí; hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp và duyệt báo
cáo quyết toán tài chính của các đơn vị.
d. Văn phòng Tổng cục Thống kê phối hợp
với Vụ DSLĐ tổ chức hội nghị tập huấn cấp Trung ương theo thời gian quy định tại
mục VIII của Phương án này.
e. Nhà Xuất bản thống kê tổ chức biên
soạn, xuất bản, in ấn các tài liệu liên quan đến điều tra, phát hành đến các Cục
Thống kê cấp tỉnh và các đơn vị liên quan theo danh sách do Vụ DSLĐ cung cấp, bảo
đảm chất lượng in và đúng tiến độ quy định.
f. Trung tâm Tin học thống kê khu vực
I thực hiện xây dựng các chương trình phần mềm phục vụ phiếu điều
tra điện tử, quản lý mạng lưới điều tra, kiểm tra và duyệt số liệu trên hệ thống
máy chủ của Tổng cục Thống kê, xây dựng các phần mềm tổng hợp, biên soạn kết quả
điều tra; phối hợp với Vụ DSLĐ xây dựng các tài liệu hướng dẫn sử dụng phiếu điện
tử, phần mềm giám sát trực tuyến, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình điều tra; xử
lý số liệu và cung cấp cho Vụ sổ tay hướng dẫn phần mềm CAPI, phần mềm giám sát
trực tuyến; hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình điều tra dữ liệu vi mô của 63 tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp với Vụ DSLĐ chạy hệ biểu tổng hợp kết
quả đầu ra, xuất ra chương trình Excel để gửi các Cục Thống kê nghiên cứu sử dụng.
g. Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê
độc lập tiến hành kiểm tra, thanh tra cuộc điều tra trên phạm vi cả nước, đồng
thời hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm tra để Cục Thống kê cấp tỉnh tổ chức kiểm tra
thực hiện phương án điều tra.
h. Cục Thống kê cấp tỉnh tổ chức, chỉ
đạo toàn diện cuộc điều tra tại các địa bàn điều tra đã được chọn từ bước rà
soát địa bàn, cập nhật bảng kê; tuyển chọn; tập huấn cho điều tra viên và giám
sát viên; điều tra thực địa; giám sát, kiểm tra việc tập huấn và thu thập thông
tin tại địa bàn; nghiệm thu và đánh mã phiếu điều tra.
Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm
trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về chất lượng thông tin điều tra và quản
lý, sử dụng kinh phí điều tra thuộc địa phương mình.
Trong thời gian điều tra, Cục Thống kê cấp tỉnh
phân công người đã được tập huấn nghiệp vụ trực tiếp xuống từng địa bàn để kiểm
tra, giám sát điều tra viên.
Để tạo sự ủng hộ của các cấp, các ngành và người
dân đối với cuộc điều tra, Cục Thống kê cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức chỉ
đạo chặt chẽ và thường xuyên, tranh thủ sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Ủy ban
nhân dân các cấp, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa
của cuộc điều tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng điều tra tại các địa bàn điều
tra.
i. Chi cục Thống kê cấp huyện có nhiệm
vụ hướng dẫn điều tra viên thực hiện nhiệm vụ; tham gia giám sát công tác điều
tra ở địa bàn theo phân công của Cục Thống kê cấp tỉnh.
X. KINH PHÍ ĐIỀU TRA
Kinh phí điều tra do Ngân sách Nhà nước bảo đảm cho
các hoạt động quy định trong Phương án này. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán
kinh phí được thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ
Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực
hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng điều tra quốc gia và các văn bản hiện
hành./.
PHỤ LỤC:
YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐIỀU TRA VIÊN
1. Điều tra viên là những người được Cục Thống kê cấp
tỉnh tuyển chọn, tập huấn và thực hiện điều tra thu thập thông tin tại địa bàn,
có vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng thông tin thu thập và sự thành
công của cuộc điều tra. Điều tra viên được tuyển chọn dựa trên các tiêu chí
sau:
+ Người sinh sống tại ĐBĐT hoặc người đã tham gia
các cuộc điều tra thống kê gần đây;
+ Điều tra viên phải tốt nghiệp phổ thông trung học
trở lên (những nơi khó khăn, có thể tuyển chọn người có trình độ trung học cơ sở).
Điều tra viên phải là người có tinh thần trách nhiệm và được tập huấn nghiệp vụ
điều tra;
+ Điều tra viên phải sử dụng thành thạo máy tính bảng
hoặc điện thoại thông minh để thực hiện điều tra thu thập thông tin bằng phiếu
điện tử.
+ Trường hợp đặc thù phải tuyển chọn điều tra viên
từ nơi khác, Cục Thống kê cấp tỉnh thuê người sở tại thông thạo địa bàn để dẫn
đường giúp điều tra viên tiếp cận hộ điều tra. Tại các địa bàn vùng cao, vùng
sâu, vùng xa có người dân tộc không nói được tiếng phổ thông, Cục Thống kê cấp
tỉnh được phép thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch.
2. Điều tra viên có những nhiệm vụ cụ thể sau:
Trong giai đoạn chuẩn bị
a. Tham dự tập huấn nghiệp vụ điều tra: Tham
dự đầy đủ, nghiêm túc các buổi tập huấn nghiệp vụ điều tra, tham gia đầy đủ và tích
cực trong các buổi đi thực tập tại địa bàn. Điều tra viên cần chú ý nghe giảng,
nghiên cứu kỹ tài liệu, liên hệ với tình hình thực tế của địa phương để nắm vững
phạm vi trách nhiệm của mình, cụ thể hóa các vấn đề nghiệp vụ và phương pháp điều
tra;
b. Nhận đầy đủ các tài liệu, phương tiện điều
tra: Phiếu điều tra và các sổ tay hướng dẫn điều tra, bảng kê số hộ và số
người (kèm danh sách các hộ mẫu được chọn điều tra)...;
c. Chuẩn bị địa bàn điều tra: Nhận bàn giao
địa bàn điều tra từ giám sát viên cấp huyện trên bảng kê và trên thực địa. Rà
soát bảng kê, kiểm tra, đối chiếu toàn bộ các ngôi nhà (kể cả có người ở và
không có người ở) có trong địa bàn và bảng kê số nhà, số hộ, số người. Phát hiện
những ngôi nhà có người ở, những hộ và những nhân khẩu thực tế thường trú trong
phạm vi địa bàn mình phụ trách bị bỏ sót hoặc mới chuyển đến để bổ sung, hiệu
chỉnh hoặc lập mới bảng kê. Kiểm tra những hộ đã được giao điều tra xem hiện tại
có còn hiện diện tại địa bàn hay không;
d. Thăm và hẹn ngày làm việc cụ thể với từng hộ:
Điều tra viên xây dựng lịch làm việc cụ thể cho ngày điều tra đầu tiên và những
ngày tiếp theo nhằm tránh phải trở lại hộ nhiều lần. Phát hiện những hộ có thể
đi vắng trong suốt thời gian điều tra để có kế hoạch điều tra phù hợp.
Trong giai đoạn điều tra
a. Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa
của cuộc Điều tra LĐVL trong nhân dân và khi tiếp xúc với hộ;
b. Thực hiện đúng phương pháp thu thập thông tin
là phỏng vấn trực tiếp. Việc phỏng vấn, nhập thông tin vào phiếu điện tử phải
tuân thủ đúng những quy định về nghiệp vụ và quy trình phỏng vấn, bảo đảm không
điều tra trùng hoặc bỏ sót đối tượng điều tra, cũng như không ghi thừa hay bỏ
sót một mục nào trên phiếu;
c. Phỏng vấn đầy đủ 15 hộ đã được giao thuộc địa
bàn mình phụ trách;
d. Điều tra theo đúng tiến độ quy định: Thực
hiện điều tra theo đúng tiến độ quy định. Điều tra viên thực hiện điều tra, phỏng
vấn nhập thông tin vào phiếu đúng quy trình. Đội ngũ giám sát viên giúp điều
tra viên khắc phục hết các sai sót xảy ra, nhất là các lỗi hệ thống trong phỏng
vấn và ghi phiếu. Điều tra viên cần tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, lướt
nhanh, làm ẩu dẫn đến kết quả kém chính xác. Thực hiện đồng bộ dữ liệu, gửi
kết quả điều tra phiếu điện tử lên máy chủ theo đúng quy định.
e. Cuối mỗi ngày điều tra: Kiểm tra lại các
phiếu đã nhập thông tin, phát hiện các sai sót để sửa chữa kịp thời, nếu cần
thiết phải quay lại hộ để xác minh và sửa chữa. Việc sửa chữa những sai sót phải
theo đúng quy định;
f. Phục tùng sự chỉ đạo của giám sát viên các cấp:
Trong thời gian thực thi nhiệm vụ của mình, điều tra viên phải chấp hành nghiêm
chỉnh sự điều hành của giám sát viên các cấp. Có tinh thần tương trợ, giúp đỡ
các điều tra viên khác về nghiệp vụ cũng như về công việc;
g. Không được tiết lộ các thông tin ghi trên phiếu
cho người thứ ba.
Khi kết thúc điều tra
Rà soát trên bảng kê (kèm danh sách các hộ mẫu
được chọn điều tra) xem có còn hộ nào, người nào thuộc địa bàn điều tra của những
hộ mẫu đã được giao mà chưa được điều tra ghi phiếu. Nếu có, phải tiến hành điều
tra bổ sung.
1 Các
chữ viết tắt trong bảng:
Vụ DSLĐ: Vụ Thống kê Dân số và Lao động.
CTK: Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
Chi CTK: Chi Cục Thống kê quận, huyện, thị xã,
thành phố trực thuộc tỉnh.