ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 349/QĐ-UBND
|
Bắc Ninh, ngày
10 tháng 8 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ CÔNG TÁC TUYÊN
TRUYỀN VÀ CHĂM LO ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2020-2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
năm 2015;
Căn cứ Kết luận số 847-KL/TU
ngày 30/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án “Hỗ trợ công tác tuyên truyền
và chăm lo đời sống công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh,
giai đoạn 2020- 2025”.
Căn cứ Nghị quyết số
264/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua chủ
trương hỗ trợ công tác tuyên truyền và chăm lo đời sống công nhân lao động
trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020- 2025;
Theo đề nghị của Chủ tịch Liên
đoàn Lao động tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ công tác tuyên truyền và
chăm lo đời sống công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh,
giai đoạn 2020- 2025” (Có Đề án kèm theo).
Điều 2. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh theo chức năng,
nhiệm vụ phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức
triển khai thực hiện Đề án được phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này đảm bảo
đúng quy định hiện hành. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề
án về UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng
UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh;
các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Văn hóa-Thể thao và Du lịch,
Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ
quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyêt định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể nhân dân tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Báo BN, Đài PTTH tỉnh, cổng TTĐT tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, XDCB, KTTH;
- Lưu: VT, KGVX(NTT).
|
TM. ỦY
BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Tuấn
|
ĐỀ ÁN
“HỖ TRỢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VÀ CHĂM LO ĐỜI SỐNG
CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN
2020-2025”
(Kèm theo Quyết định số: 349/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Bắc Ninh)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT, CƠ
SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT
Tính đến hết năm 2019 số công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 411.826 người,
trong đó lao động làm việc trong
các Khu công nghiệp (KCN) là 302.036 người, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm gần 74%. Đây là lực lượng
giữ vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp, tạo ra của cải vật chất, góp
phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua.
05 năm qua, hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân tỉnh
Bắc Ninh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nhiều mô hình hoạt động mới được triển
khai và định kỳ tổ chức hiệu quả như: Tết sum vầy, Tháng công nhân, Sau giờ thứ
8, Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn... đem lại lợi ích ngày càng thiết
thực cho người lao động. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ
kinh phí tổ chức hoạt động tuyên truyền, tặng quà cho người lao động khó khăn.
Tuy nhiên, tỉnh chưa có chính sách riêng dành cho CNLĐ trong các KCN.
Qua khảo sát, đội ngũ CNLĐ còn bộc lộ
một số bất cập như: còn tình trạng người lao động thờ ơ, không quan tâm đến tình hình kinh tế, chính trị,
xã hội; thiếu kiến thức pháp luật, thiếu kỹ năng sống, ý thức tổ chức kỷ
luật, tác phong lao động còn chậm, sống cơ hội, thực dụng, tự
do, dễ bị kích động lôi kéo và không phân biệt được các luồng thông tin... Đây
không chỉ là những thách thức có tính sống còn đối với phong trào công nhân và
hoạt động Công đoàn, xét về lâu dài còn là thách thức đối với sự ổn định an
ninh chính trị trên địa bàn và sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, đời sống của đa phần
CNLĐ trên địa bàn còn nhiều khó khăn; qua khảo sát sơ bộ số CNLĐ có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn (thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bản thân bị ốm đau bệnh tật,
hoặc có thân nhân bị bệnh hiểm nghèo kéo dài...) khoảng gần 20.000 người. dự
báo thời gian tới tình hình quan hệ lao động trong các KCN ngày càng phức tạp,
nhất là từ ngày 01/01/2021 khi Bộ Luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực.
Tổ chức Công đoàn và CNLĐ rất cần sự quan tâm, chia xẻ, hỗ trợ nhiều hơn nữa của
cấp ủy, Chính quyền và cộng đồng xã hội.
Đề án xây dựng với mục đích hỗ trợ
kinh phí để tổ chức Công đoàn có thêm nguồn lực, làm tốt hơn công tác tuyên
truyền, giáo dục và chăm lo đời sống cho CNLĐ, góp phần xây dựng giai cấp công
nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, không để cơ hội cho lực lượng chống phá lợi dụng,
lôi kéo, kích động, gây rối.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Điều 10 Hiến pháp năm 2013 tiếp
tục khẳng định:“ Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp
công nhân và của người lao động .... tuyên truyền, vận động người lao động học tập,
nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc";
- Điều 172, Bộ Luật Lao động năm
2019 về thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
- Điều 15 Luật Công đoàn năm 2012
quy định:“Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động…đấu tranh phòng, chống
tham nhũng”;
- Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28
tháng 01 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây
dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước”; Kết luận số 79- KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh
thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW;
- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ XII;
- Chương trình hành động số
44-CTr/TU ngày 29/4/2008 của Tỉnh ủy Bắc Ninh triển khai chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp
tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”;
- Nghị quyết số 4b/NQ-TLĐ ngày
15/7/2014 của Tổng LĐLĐ Việt nam về Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ trong tình hình mới;
- Thông báo số 1347-TB/TU ngày
24/12/2019 Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về đề nghị của Liên đoàn Lao động
(LĐLĐ) tỉnh tổ chức chương trình “Tết sum vầy- Mừng xuân, ơn Đảng, ngày hội
công nhân, phiên chợ nghĩa tình” tại KCN Yên Phong; Thông báo số 824-TB/TU ngày
02/6/2020 Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về tổ chức các hoạt động Tháng công
nhân năm 2020;
- Kết luận số 847-KL/TU ngày
30/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án hỗ trợ công tác tuyên truyền và
chăm lo đời sống công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
giai đoạn 2020- 2025;
-
Nghị quyết số 264/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc
thông qua chủ trương hỗ trợ công tác tuyên truyền và chăm lo đời sống công nhân
lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020- 2025.
Phần II
MỤC TIÊU, ĐỐI
TƯỢNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận
thức cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh, nhằm xây dựng đội ngũ
CNLĐ có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, có lòng yêu nước; nhạy bén trước những diễn
biến phức tạp hiện nay.
Quan tâm thăm hỏi, tặng quà CNLĐ
nhất là CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp Tết Nguyên đán, Tháng công nhân
nhằm động viên kịp thời, chia sẻ khó khăn với mục tiêu không để ai bị bỏ lại
phía sau.
2. Mục tiêu cụ thể
45% CNLĐ được tuyên truyền quan điểm,
Nghị quyết của Đảng và chính sách- pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống
yêu nước, lý tưởng cách mạng; phẩm chất đạo đức, lối sống; bản lĩnh, ý thức cảnh
giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá các thế lực thù địch. CNLĐ được giáo dục nội
dung chuyên đề về chăm sóc sức khỏe; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; kỹ
năng giao tiếp, tác phong công nghiệp...
50% CNLĐ thuộc đối tượng khó khăn
được tặng quà nhân các dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân hàng năm từ nguồn ngân
sách tỉnh, tài chính Công đoàn và nguồn xã hội hóa. (mục tiêu tặng khoảng
10.000 suất quà).
II. ĐỐI TƯỢNG
VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Đối tượng
1.1 Đề án đề cập đến đối tượng
tuyên truyền nâng cao nhận thức là CNLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong
các KCN trên địa bàn tỉnh.
1.2 Đối tượng để thăm hỏi, động
viên tặng quà nhân dịp Tháng công nhân và Tết sum vầy hàng năm là:
- CNLĐ thuộc hộ nghèo; hộ cận
nghèo.
- CNLĐ bị tai nạn lao động nặng
(suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên, ngoài đối tượng được UBND tỉnh tặng
quà); gia đình CNLĐ bị tai nạn lao động tử vong (trong năm).
- Bản thân CNLĐ bị mắc bệnh hiểm
nghèo, ốm đau dài ngày.
- CNLĐ có người thân (vợ, chồng hoặc
con) bị bệnh hiểm nghèo, phải điều trị dài ngày.
- CNLĐ bị mất việc làm, bị nợ
lương do người sử dụng lao động bỏ trốn.
- Con CNLĐ vượt khó học giỏi (có
hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt các giải thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế).
2. Phạm vi và thời gian thực hiện
Đề án được thực hiện trên phạm vi
toàn tỉnh.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm
2020 đến năm 2025.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền nâng
cao nhận thức cho CNLĐ
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho CNLĐ; thường xuyên đổi mới các phương
thức thực hiện trong công tác tuyên truyền.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là cán bộ Công đoàn các cấp. Cần xác định
đây là đội ngũ có vai trò quan trọng trong việc truyền tải các thông tin, thông
điệp đến với CNLĐ là người có khả năng và được đầu tư đúng mức, đào tạo bài bản.
2. Các giải pháp cụ thể trong
công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho CNLĐ
- Tổ chức hội nghị, hội thảo tập
huấn cho CNLĐ tại các doanh nghiệp, nội dung về các chủ trương đường lối của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước dự kiến 85 lớp/năm.
- Biên soạn, phát hành tờ rơi
tuyên truyền các loại để dễ nhớ, dễ áp dụng trong thực tiễn. (Mỗi năm phát hành
500.000 tờ).
- Tuyên truyền theo hình thức sân
khấu hoá: Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức ghi hình và
phát sóng 12 số Sau giờ thứ 8 trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh về kiến
thức pháp luật, để tiếp cận gần hơn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn với CNLĐ.
3. Các giải pháp cụ thể trong công
tác chăm lo cho công nhân lao động
Duy trì hiệu quả việc tổ chức các
hoạt động Tết sum vầy, Ngày hội công nhân, Tháng Công nhân chăm lo lợi ích, tặng
quà CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
(1) Chương trình “Tết sum vầy” tổ chức hàng năm vào dịp trước Tết
Nguyên đán, trao tặng 2.000 suất quà/năm;
(2) Tổ chức các hoạt động Tháng công nhân, mỗi năm tặng từ 1.500- 2.000
suất quà.
Mức quà:
- Tặng 200 suất cho CNLĐ có hoàn cảnh
đặc biệt khó khăn, mức 2,3 triệu đồng/suất.
- Tặng 3.300 suất cho CNLĐ có hoàn
cảnh khó khăn, mức 01 triệu đồng/suất.
Phần III
KINH PHÍ THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ
năm 2020 đến 2025: 20.040.000.000 đồng (Hai mươi tỷ không trăm bốn mươi triệu
đồng).
Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn
ngân sách tỉnh.
Mỗi năm kinh phí thực hiện Đề án
là 3.280.000.000 (riêng năm 2020 kinh phí tặng quà tăng 360 triệu đồng - do ảnh
hưởng của dịch covid-19), trong đó:
+ Hỗ trợ kinh phí tặng quà là
2.100.000.000 đồng (Riêng năm 2020 là 2.460.000.000 đồng – do ảnh hưởng bởi
dịch covid-19)
+ Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền là
1.180.000.000 đồng.
Phần IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Liên đoàn Lao động tỉnh chủ
trì
- Xây dựng Kế hoạch thực hiện công
tác tuyên truyền, tặng quà CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp Tết Nguyên
đán, Tháng công nhân.
- Phối hợp với Sở Tài Chính, Sở
Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các
ban, sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai
Đề án đến năm 2025 và xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng
năm.
- Hằng năm xây dựng kế hoạch và
triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, tư vấn, đối thoại...
cho CNLĐ trong các KCN; biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền,
bồi dưỡng giáo dục nâng cao nhận thức cho CNLĐ; tổ chức nghiên cứu, điều tra, nắm
bắt dư luận xã hội trong CNLĐ.
- Hằng năm tổng hợp dự toán kinh
phí thực hiện Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền quyết
định.
- Định kỳ tổng
hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án báo cáo về UBND tỉnh và tham mưu cho
UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án.
2. Ban Quản
lý các Khu công nghiệp tỉnh
- Phối hợp với
Liên đoàn Lao động tỉnh, các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án thuộc
lĩnh vực quản lý.
- Thường xuyên
đánh giá tình hình thực hiện chính sách ASXH để kịp thời khắc phục những hạn chế,
kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống, bảo đảm chính
sách ASXH có mức độ bao phủ cao, mọi CNLĐ đều được thụ hưởng.
3. Sở Lao động -Thương
binh và Xã hội
- Chủ
trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh
lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về ASXH và tổ chức thực hiện có
hiệu quả các chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh; đề xuất các
chính sách hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Chủ trì phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến
chính sách, pháp luật lao động, luật BHXH, ASXH.
4. Sở Tài
chính
Chủ trì, phối
hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các Sở, ban, ngành liên quan bố trí kinh phí
thực hiện Đề án; hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện Đề
án theo quy định.
5. Sở Thông
tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, hướng
dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng về chính sách ASXH, dịch
vụ xã hội.
- Phối hợp với
UBND cấp huyện chi đạo Phòng Văn hoá và Thông tin, Đài Phát thanh cấp huyện và
Đài cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách ASXH, dịch vụ
xã hội đối với người lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn.
6. Đài Phát
thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh
Triển khai các
hoạt động thông tin, tuyên truyền về Chính sách ASXH, dịch vụ xã hội. Xây dựng
chuyên trang, chuyên mục nội dung liên quan đến Đề án.
7. Đề nghị
UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh
Căn cứ chức
năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền về chính sách
ASXH; thực hiện giám sát về bảo đảm chính sách ASXH, nhu cầu DVXH
trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
8. UBND các
huyện, thị xã, thành phố
Theo chức năng
nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển
khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ công tác tuyên
truyền và chăm lo đời sống công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa
bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025” trên địa bàn./.