Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 28/2019/QĐ-UBND chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao khu vực công Đà Nẵng

Số hiệu: 28/2019/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Huỳnh Đức Thơ
Ngày ban hành: 04/06/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2019/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 04 tháng 6 năm 2019

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO KHU VỰC CÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức;

Căn cứ Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo;

Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 07 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về ban hành quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 1036/TTr-SNV ngày 11 tháng 4 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 6 năm 2019.

2. Quyết định này thay thế: Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định về việc tiếp nhận, bố trí công tác và chính sách ưu đãi đối với những người tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc bãi bỏ một số nội dung của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc tiếp nhận, bố trí công tác và chính sách ưu đãi đối với những người tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quy định về việc đào tạo, quản lý và bố trí công tác đối với người được cử đi đào tạo theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban Thường vụ Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND thành phố;
- Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố;
- Các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố;
- UBMTTQ thành phố Đà Nẵng;
- Văn phòng Thành ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành thành phố;
- Quận, huyện ủy; UBND các quận huyện;
- Trung tâm Phát triển NNLCLC;
- Đài PTTH Đà Nẵng;
- Báo Đà Nẵng;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT, SNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO KHU VỰC CÔNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Văn bản này quy định chi tiết về việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về ban hành Quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND) tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là CBCCVC) và người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng.

2. Chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý, sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học.

3. Sinh viên đang học năm cuối đại học hoặc sau đại học.

4. Học sinh tốt nghiệp tại các trường trung học phổ thông (sau đây viết tắt là THPT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

5. Cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng có liên quan trong việc sử dụng, quản lý CBCCVC và người lao động thuộc diện thu hút, được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo Quy định này.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

Việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là chính sách phát triển nhân lực) đảm bảo đồng bộ giữa công tác bồi dưỡng ngắn hạn với thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể:

1. Ưu tiên việc nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCCVC và người lao động hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng thông qua bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao trong và ngoài nước và đào tạo sau đại học tại nước ngoài.

2. Khi có nhu cầu bổ sung nhân lực chất lượng cao, việc bổ sung được thực hiện trên cơ sở chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc được giao, yêu cầu vị trí việc làm cụ thể và được tiến hành theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Thu hút nhân lực đến làm việc tại thành phố;

b) Tuyển chọn người đang học năm cuối đại học hoặc sau đại học để tiếp tục đào tạo;

c) Cử người đi đào tạo trình độ đại học.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Ứng viên: là người đăng ký hoặc được giới thiệu tham gia bồi dưỡng ngắn hạn, thu hút hoặc đào tạo theo chính sách phát triển nhân lực.

2. Học viên đào tạo: là người được cử đi đào tạo trình độ đại học, trình độ sau đại học hoặc được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo trình độ đại học hoặc sau đại học theo chính sách phát triển nhân lực.

3. Người được thu hút: là người được tuyển dụng làm việc lâu dài hoặc ngắn hạn, bán thời gian tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng theo chính sách phát triển nhân lực.

4. Học viên bồi dưỡng: là người được cử tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao theo chính sách phát triển nhân lực.

5. Học viên: là cách gọi chung đối với học viên đào tạo, người được thu hút và học viên bồi dưỡng.

6. Hợp đồng đào tạo, hợp đồng bồi dưỡng, hợp đồng thu hút (sau đây viết tắt là hợp đồng): là hợp đồng dân sự mang tính pháp lý khi học viên tham gia chính sách phát triển nhân lực, được ký kết giữa các bên sau đây theo quy định tại Điều 7 Quy định này:

a) Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là Trung tâm);

b) Cơ quan, đơn vị sử dụng lao động;

c) Học viên đào tạo, học viên bồi dưỡng, người được thu hút;

d) Người liên đới chịu trách nhiệm tài chính (nếu có).

7. Phụ lục hợp đồng: là văn bản kèm theo hợp đồng, quy định chi tiết một số điều khoản theo hợp đồng hoặc là phần phụ lục để điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của hợp đồng.

8. Thời gian thực hiện hợp đồng: là thời gian tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên tham gia ký kết trong hợp đồng hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại hợp đồng.

9. Người liên đới chịu trách nhiệm tài chính: là cha, mẹ, chồng hoặc vợ của học viên hoặc người khác đồng ý cùng học viên ký kết hợp đồng, cam kết liên đới chịu trách nhiệm cùng với học viên bồi hoàn kinh phí cho thành phố hoặc các nghĩa vụ liên quan khác trong trường hợp học viên không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.

10. Cơ sở đào tạo: là nơi học viên được cử đến đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc đang học hoặc đã tốt nghiệp.

11. Đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức tập trung: là hình thức đào tạo, bồi dưỡng mà học viên dành toàn bộ thời gian cho học tập và nghiên cứu theo quy định của chương trình tại cơ sở đào tạo.

12. Danh sách các cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới trong Quy định này được căn cứ vào bảng xếp hạng hằng năm của một trong ba tổ chức: The Times Higher Education World University Rankings, QS World University Rankings (Quacquarelli Symonds), The Academic Ranking of World Universities (Shanghai Jiao Tong University). Danh sách này được xét vào thời điểm tốt nghiệp đối với người được thu hút; vào thời điểm cử đi đào tạo đối với học viên đào tạo và vào thời điểm xét tuyển đối với học viên được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo.

Điều 5. Xây dựng chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

1. Trước ngày 31 tháng 5 hằng năm, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng tiến hành xây dựng nhu cầu vị trí việc làm cần thu hút, đào tạo trên cơ sở chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc được giao; nhu cầu bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao của năm kế tiếp và đăng ký gửi về Ban Tổ chức Thành ủy (đối với cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội) và Sở Nội vụ (đối với cơ quan thuộc khối chính quyền) để tổng hợp.

2. Tháng 6 hằng năm, căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhu cầu nhân lực từ các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, Sở Nội vụ xây dựng danh mục chỉ tiêu bồi dưỡng ngắn hạn, thu hút, đào tạo chất lượng cao và dự toán kinh phí của năm tiếp theo, trình Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, trình Thường trực Thành ủy cho ý kiến và trình Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố thông qua trước khi thực hiện.

3. Trường hợp do yêu cầu công việc, các cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao ngoài chỉ tiêu đã được phê duyệt phải báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, quyết định.

Điều 6. Tiêu chí, điều kiện chung đối với ứng viên

1. Có lý lịch rõ ràng, có nguyện vọng và cam kết làm việc có thời hạn cho thành phố theo quy định.

2. Có sức khỏe tốt; có phẩm chất đạo đức và ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3. Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện xét tuyển của từng trường hợp cụ thể.

Điều 7. Các bên ký kết hợp đồng

1. Hợp đồng đào tạo, hợp đồng bồi dưỡng:

a) Đối với học viên đào tạo đại học và học viên được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo: Trung tâm, học viên đào tạo, người liên đới chịu trách nhiệm tài chính.

b) Đối với CBCCVC và người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng: Trung tâm, học viên, người liên đới chịu trách nhiệm tài chính, cơ quan chủ quản của học viên được cử đi học, đi bồi dưỡng.

2. Hợp đồng thu hút: Người được thu hút, cơ quan chủ quản mà người được thu hút về làm việc.

Điều 8. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện chính sách phát triển nhân lực được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của thành phố, đồng thời được huy động từ các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân hợp pháp trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Chương II

BỒI DƯỠNG NGẮN HẠN CHẤT LƯỢNG CAO

Điều 9. Đối tượng, điều kiện cử đi bồi dưỡng

CBCCVC và người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đáp ứng tiêu chí, điều kiện chung nêu tại Điều 6 Quy định này và các điều kiện cụ thể như sau:

1. Còn đủ tuổi để công tác ít nhất 05 (năm) năm tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.

2. Có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với mục tiêu, nội dung của khóa bồi dưỡng.

3. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm trước liền kề.

4. Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật.

5. Ngoài các điều kiện nêu tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, trường hợp được cử đi bồi dưỡng tại nước ngoài phải đảm bảo các tiêu chí sau:

a) Không thuộc trường hợp không được xuất cảnh, nhập cảnh hoặc bị cấm xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật hiện hành về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

b) Có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của cơ sở đào tạo hoặc của khóa bồi dưỡng.

Điều 10. Hình thức và thời gian bồi dưỡng

1. Hình thức bồi dưỡng

a) Mời chuyên gia trong và ngoài nước đến giảng dạy tại thành phố Đà Nẵng;

b) Cử đi bồi dưỡng trong hoặc ngoài nước.

2. Thời gian bồi dưỡng

Thời gian của khóa bồi dưỡng kéo dài không quá 06 (sáu) tháng.

Điều 11. Quy trình tổ chức bồi dưỡng

1. Trên cơ sở chỉ tiêu được phê duyệt, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí chi tiết để tổ chức khóa bồi dưỡng, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

2. Căn cứ tính chất, đối tượng, thời gian và kinh phí của khóa bồi dưỡng, Sở Nội vụ tham mưu việc ký kết hợp đồng đối với học viên bồi dưỡng.

Điều 12. Quyền lợi của học viên bồi dưỡng

1. Được cơ quan chủ quản bố trí thời gian để tham gia các khóa bồi dưỡng; thời gian bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục.

2. Được hưởng lương và các khoản phụ cấp khác theo quy định hiện hành.

3. Được hưởng kinh phí bồi dưỡng nêu tại Điều 14 Quy định này.

Điều 13. Nghĩa vụ và trách nhiệm của học viên bồi dưỡng

1. Chấp hành luật pháp của Việt Nam và nước sở tại (đối với học viên bồi dưỡng tại nước ngoài), quy định của cơ sở đào tạo và quy định của các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

2. Đáp ứng các yêu cầu của khóa bồi dưỡng và được cơ sở đào tạo cấp giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ hoàn thành khóa bồi dưỡng.

3. Không tham gia các thỏa thuận hoặc giao dịch khác gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ được nêu tại Điều này.

4. Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng (trừ các khóa bồi dưỡng được tổ chức trong nước có thời gian dưới 01 (một) tháng), học viên thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố trong thời gian cụ thể như sau:

a) Đối với khóa bồi dưỡng có tổng thời gian dưới 01 (một) tháng: 12 (mười hai) tháng;

b) Đối với khóa bồi dưỡng có tổng thời gian từ 01 (một) tháng đến dưới 03 (ba) tháng: 18 (mười tám) tháng;

c) Đối với khóa bồi dưỡng có tổng thời gian từ 03 (ba) tháng trở lên: 24 (hai mươi bốn) tháng.

5. Thời gian thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố theo khoản 4 Điều này không bao gồm:

a) Thời gian thực hiện nghĩa vụ làm việc bắt buộc cho thành phố theo cam kết hoặc hợp đồng khác;

b) Thời gian học viên được thành phố hoặc cơ quan, đơn vị chủ quản cho phép tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức tập trung từ 01 (một) tháng trở lên trong quá trình làm việc cho thành phố theo hợp đồng.

6. Trong thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng ngoài thành phố Đà Nẵng, học viên có trách nhiệm thông báo cho cơ quan, đơn vị tổ chức khóa bồi dưỡng thông tin về số điện thoại, thư điện tử, địa chỉ cư trú nơi học viên tham gia khóa bồi dưỡng, số tài khoản ngân hàng của học viên; báo cáo định kỳ 01 (một) tháng/lần các vấn đề phát sinh liên quan đến việc học tập đối với khóa bồi dưỡng từ 03 (ba) tháng trở lên.

7. Chấp thuận để cơ sở đào tạo thông báo cho cơ quan, đơn vị tổ chức khóa bồi dưỡng kết quả học tập và các thông tin khác có liên quan đến tình hình học tập.

8. Đối với các khóa bồi dưỡng ngoài thành phố Đà Nẵng, trong vòng 05 (năm) ngày làm việc sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, học viên trở về thành phố và cung cấp cho cơ quan, đơn vị tổ chức khóa bồi dưỡng giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ hoàn thành khóa bồi dưỡng, báo cáo kết quả học tập và các chứng từ tài chính để thực hiện thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

9. Trong trường hợp bất khả kháng không thể tiếp tục theo học khóa bồi dưỡng, học viên phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

10. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định hiện hành.

Điều 14. Kinh phí bồi dưỡng

1. Trong thời gian được cử đi bồi dưỡng, học viên bồi dưỡng được hưởng các khoản kinh phí sau:

a) Học phí và các chi phí bắt buộc theo thông báo của cơ sở đào tạo hoặc của đơn vị tổ chức bồi dưỡng;

b) Chi phí vé máy bay hạng phổ thông hoặc tàu xe một lượt đi và về từ Đà Nẵng đến địa điểm tổ chức bồi dưỡng (đối với khóa bồi dưỡng ngoài thành phố Đà Nẵng);

c) Sinh hoạt phí

- Đối với khóa bồi dưỡng trong nước: cấp theo quy định hiện hành về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng;

- Đối với khóa bồi dưỡng ở nước ngoài, sinh hoạt phí cấp cho học viên bao gồm:

+ Tiền ở, tiền thuê phương tiện từ sân bay khi nhập cảnh đến nơi ở và ngược lại khi xuất cảnh: được cấp theo chứng từ thực tế nhưng không quá mức chi theo quy định và hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí đối với CBCCVC và người lao động đi công tác tại nước ngoài.

+ Tiền ăn và tiêu vặt: được cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tại thời điểm cấp.

d) Ngoài các khoản kinh phí nêu tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này, học viên được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài được cấp:

- Chi phí làm thủ tục xuất nhập cảnh gồm: lệ phí cấp hộ chiếu, lệ phí làm thị thực, lệ phí khám sức khỏe (nếu có), lệ phí phỏng vấn để làm thị thực (nếu có), vé máy bay hạng phổ thông một lượt đi và về để làm thị thực (nếu có);

- Bảo hiểm được cấp căn cứ theo yêu cầu bắt buộc của nước mà học viên được cử đi bồi dưỡng hoặc theo yêu cầu của đơn vị tổ chức khóa bồi dưỡng. Mức phí mua bảo hiểm được áp dụng theo quy định hiện hành tại thời điểm cấp.

2. Phương thức cấp kinh phí

a) Học phí và các khoản chi phí bắt buộc khác theo quy định của cơ sở đào tạo: được chuyển trực tiếp cho cơ sở đào tạo. Trường hợp tổ chức khóa bồi dưỡng tại nước ngoài, tỷ giá quy đổi ngoại tệ được áp dụng theo tỷ giá bán của ngân hàng giao dịch công bố tại thời điểm lập thủ tục cấp kinh phí;

b) Vé máy bay và bảo hiểm: cơ quan, đơn vị tổ chức khóa bồi dưỡng mua hoặc cấp trực tiếp cho học viên;

c) Chi phí nơi ở được chuyển trực tiếp cho cơ sở đào tạo hoặc chuyển trực tiếp cho học viên tùy trường hợp cụ thể;

d) Sinh hoạt phí và các chi phí khác (nếu có): chuyển trực tiếp cho học viên. Trường hợp học viên được cử tham gia khóa bồi dưỡng tại nước ngoài, tỷ giá quy đổi ngoại tệ được áp dụng theo tỷ giá bán của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm lập thủ tục cấp kinh phí;

đ) Phí chuyển tiền do ngân sách thành phố chi trả.

3. Việc thực hiện chính sách đối với học viên bồi dưỡng theo Quy định này không bao gồm các chế độ chính sách theo các quy định đào tạo, bồi dưỡng khác của thành phố và của Nhà nước.

4. Các khoản kinh phí cấp cho học viên là khoản tạm ứng. Trong vòng 05 (năm) ngày sau khi kết thúc khóa học, học viên có trách nhiệm quyết toán trên cơ sở chứng nhận, chứng chỉ hoàn thành khóa bồi dưỡng hoặc biên bản của hội đồng bảo vệ đề tài đánh giá đạt yêu cầu, bảng kê chi tiết các khoản kinh phí đã được cấp và các chứng từ theo quy định hiện hành.

Điều 15. Vi phạm và xử lý vi phạm

1. Học viên bồi dưỡng vi phạm một trong trong các trường hợp sau:

a) Không thực hiện một trong các nghĩa vụ và trách nhiệm quy định tại Điều 13 Quy định này;

b) Trong thời gian thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm quy định tại Điều 13 Quy định này: học viên bồi dưỡng tự ý bỏ học, tự ý nghỉ việc; đơn phương chấm dứt hợp đồng; bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị cơ quan, đơn vị chủ quản xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải.

2. Trường hợp bị xử lý vi phạm, học viên bồi dưỡng phải bồi hoàn kinh phí bồi dưỡng đã cấp nêu tại Điều 14 Quy định này. Kinh phí bồi hoàn không bao gồm lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

3. Cách tính chi phí bồi hoàn

Chi phí bồi hoàn được tính theo công thức sau: S = (F/T1)x(T1 - T2)

Trong đó:

S là chi phí bồi hoàn;

F là tổng chi phí của khóa bồi dưỡng nêu tại Điều 14 Quy định này, bao gồm kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố và từ nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức hợp pháp trong và ngoài nước do thành phố vận động để tổ chức khóa bồi dưỡng;

T1 là số tháng làm việc theo sự phân công của cấp có thẩm quyền sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Quy định này;

T2 là số tháng đã làm việc theo sự phân công của cấp có thẩm quyền sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng (được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên).

4. Thời hạn bồi hoàn là 120 (một trăm hai mươi) ngày kể từ ngày học viên bồi dưỡng nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

5. Sau thời hạn bồi hoàn quy định tại khoản 4 Điều này, trường hợp học viên bồi dưỡng không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí nêu trên thì:

a) Trung tâm khởi kiện ra Tòa án nhân dân các cấp theo quy định pháp luật;

b) Học viên bồi dưỡng phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn. Nếu Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì học viên phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

Chương III

THU HÚT NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Mục 1. THU HÚT NHÂN LỰC ĐẾN LÀM VIỆC LÂU DÀI

Điều 16. Đối tượng, điều kiện thu hút

Chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý, sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Điều kiện chung

a) Đáp ứng các tiêu chí, điều kiện nêu tại Điều 6 Quy định này;

b) Có quốc tịch Việt Nam;

c) Không quá 40 (bốn mươi) tuổi;

d) Trình độ đào tạo chuyên môn phải phù hợp với tiêu chuẩn chức danh vị trí thu hút.

2. Đáp ứng một trong các điều kiện về trình độ

a) Trình độ đại học: tốt nghiệp loại giỏi trở lên, hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước (trừ một số ngành nghề đặc thù theo danh mục thu hút định kỳ hàng năm) hoặc tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới được quy định tại khoản 12 Điều 4 Quy định này;

b) Trình độ thạc sĩ: tốt nghiệp loại khá trở lên, hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước hoặc tại các cơ sở đào tạo nằm trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới; đồng thời phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, có ngành học phù hợp với ngành học ở chương trình thạc sĩ;

c) Trình độ tiến sĩ: tốt nghiệp tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo nằm trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới hoặc các cơ sở đào tạo uy tín trong nước.

3. Đạt một trong các chuẩn về ngoại ngữ

a) Có trình độ tiếng Anh TOEIC đạt điểm từ 550 hoặc IELTS đạt từ 5.0 (tương đương) trở lên;

b) Có trình độ tiếng Pháp TCF đạt điểm từ 350 (tương đương) trở lên;

c) Trình độ ngoại ngữ khác đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm cần thu hút.

4. Trường hợp thu hút chuyên gia đầu ngành, cán bộ lãnh đạo (diện Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp quản lý), người có tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao thì đáp ứng các điều kiện sau:

a) Điều kiện chung tại điểm a, b và d khoản 1 Điều này;

b) Điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể của vị trí cần thu hút;

c) Đảm bảo còn đủ tuổi để thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố theo cam kết.

Điều 17. Quy trình thu hút và bố trí công tác

1. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu thu hút nhân lực thông báo công khai việc tuyển chọn; tiếp nhận hồ sơ ứng viên và tổ chức đánh giá, xét chọn.

2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo trúng tuyển, người trúng tuyển phải bổ sung đầy đủ các giấy tờ có chứng thực để cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định tiếp nhận.

3. Sở Nội vụ hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kết quả tuyển chọn; tham mưu thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức đối với người được thu hút theo quy định.

4. Chậm nhất sau 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận quyết định, các cơ quan, đơn vị tiếp nhận và thực hiện việc ký hợp đồng thu hút với người được thu hút.

5. Đối với các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì và tham mưu Thường trực Thành ủy triển khai việc thu hút theo trình tự tương tự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.

Điều 18. Hồ sơ đăng ký đối với ứng viên

1. Đơn đăng ký tiếp nhận theo chính sách thu hút.

2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường nơi đăng ký hộ khẩu hoặc cơ quan đang công tác.

3. Bản sao có chứng thực các loại văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng. Nếu văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch công chứng sang tiếng Việt. Các văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

4. Giấy chứng nhận sức khỏe (có thời hạn không quá 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ) do cơ quan y tế quận, huyện trở lên cấp hoặc do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

5. Các danh hiệu thi đua, khen thưởng đạt được (nếu có).

6. Giấy chứng nhận thời gian, kinh nghiệm công tác và nhận xét, đánh giá của cơ quan đã từng công tác (nếu có).

7. Đề tài, công trình khoa học, bằng sáng chế (nếu có).

8. Các văn bản bắt buộc khác theo tiêu chí xét tuyển hàng năm.

Điều 19. Chính sách ưu đãi

1. Được hưởng đầy đủ các chế độ về tiền lương, chế độ bảo hiểm, chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Được hưởng kinh phí hỗ trợ ban đầu, cụ thể như sau:

a) Đối với người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước (trừ các cơ sở đào tạo nằm trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới):

Trình độ đại học: 80 lần mức lương cơ sở;

Trình độ thạc sĩ: 120 lần mức lương cơ sở;

Trình độ tiến sĩ: 200 lần mức lương cơ sở.

b) Đối với người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 201 - 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới:

Trình độ đại học: 130 lần mức lương cơ sở;

Trình độ thạc sĩ: 180 lần mức lương cơ sở;

Trình độ tiến sĩ: 230 lần mức lương cơ sở.

c) Đối với người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 200 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới:

Trình độ đại học: 180 lần mức lương cơ sở;

Trình độ thạc sĩ: 230 lần mức lương cơ sở;

Trình độ tiến sĩ: 280 lần mức lương cơ sở.

d) Đối với một số vị trí công việc đặc thù khó thu hút thì ngoài khoản hỗ trợ nêu trên sẽ được xem xét hỗ trợ thêm kinh phí. Mức hỗ trợ thêm do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, nhưng không quá 200 lần mức lương cơ sở.

đ) Nguyên tắc thực hiện việc hỗ trợ kinh phí

- Hỗ trợ 50% kinh phí nêu tại khoản 2 Điều này ngay sau khi người được thu hút nhận công tác;

- Hỗ trợ 50% kinh phí còn lại sau 02 năm công tác trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC và người lao động hàng năm đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Trường hợp người được thu hút có 01 năm bị phân loại đánh giá không đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trừ các trường hợp có lý do chính đáng như nghỉ thai sản, đau ốm, đi đào tạo dài hạn hoặc có lý do khác được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận) thì không được nhận khoản hỗ trợ 50% kinh phí còn lại và bị xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định tại Mục 4 Chương III Quy định này.

3. Sau khi nhận công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng, những trường hợp khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở thì được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư của thành phố hoặc được hỗ trợ trong việc tiến hành thủ tục xin vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10 - 15 năm để mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

4. Được xem xét, tạo điều kiện tham gia đào tạo bậc cao hơn bằng kinh phí tự túc hoặc bằng học bổng từ các tổ chức, cá nhân hợp pháp trong trường hợp đáp ứng các điều kiện sau:

a) Được cơ quan, đơn vị chủ quản đồng ý cử đi đào tạo;

b) Thời gian công tác kể từ khi được thu hút về làm việc cho thành phố: đối với công chức, có từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự); đối với viên chức, không trong thời gian tập sự;

c) Có ít nhất 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;

d) Ngành đăng ký cử đi đào tạo bậc cao hơn phải phù hợp với vị trí việc làm và ngành học ở bậc liền kề.

Mục 2. THU HÚT NHÂN LỰC ĐẾN LÀM VIỆC NGẮN HẠN HOẶC BÁN THỜI GIAN

Điều 20. Đối tượng, điều kiện thu hút

Những chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực mà thành phố có nhu cầu nhằm phục vụ phát triển thành phố, cụ thể tiêu chuẩn như sau:

1. Đảm bảo các tiêu chí, điều kiện chung nêu tại Điều 6 Quy định này;

2. Đáp ứng điều kiện, tiêu chí của vị trí thu hút;

3. Có khả năng và điều kiện đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, công việc theo hợp đồng;

4. Riêng việc thu hút đối với người nước ngoài được áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 21. Quy trình thu hút và ký kết hợp đồng

1. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tiếp nhận chuyên gia thông báo công khai việc tuyển chọn chuyên gia và tiếp nhận hồ sơ ứng viên.

2. Thành lập Hội đồng tuyển chọn, đánh giá để tiến hành tuyển chọn.

3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển phải bổ sung đầy đủ các giấy tờ có chứng thực để cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định tiếp nhận.

Điều 22. Hồ sơ đăng ký đối với ứng viên

Thực hiện theo quy định tại Điều 18 Quy định này và các văn bản bắt buộc khác theo tiêu chí tuyển chọn của vị trí cần thu hút.

Điều 23. Chính sách ưu đãi

Căn cứ quy định hiện hành, mức lương, các chế độ đãi ngộ và hỗ trợ đối với chuyên gia được xác định trên cơ sở thỏa thuận và thể hiện thông qua hợp đồng thuê khoán chuyên gia.

Mục 3. TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC THU HÚT

Điều 24. Trách nhiệm và nghĩa vụ về việc nhận công tác

1. Trong vòng 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày có quyết định tiếp nhận, bố trí công tác (đối với người được thu hút dài hạn) hoặc theo thời gian quy định tại hợp đồng (đối với chuyên gia được thu hút đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian), người được thu hút có trách nhiệm đến nhận công tác.

2. Trường hợp người được thu hút đến nhận công tác chậm hơn thời gian quy định tại khoản 1 Điều này phải có đơn báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Nội vụ và cơ quan, đơn vị tiếp nhận;

3. Trường hợp người được thu hút không đến nhận công tác theo thời gian quy định nhưng không có văn bản báo cáo lý do chính đáng hoặc quá thời gian được phép cho gia hạn thì coi như tự ý nghỉ việc và không được tiếp nhận lại.

Điều 25. Trách nhiệm và nghĩa vụ trong thời gian làm việc cho thành phố

1. Chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

2. Chấp hành sự phân công công tác của cơ quan, đơn vị chủ quản và của cơ quan có thẩm quyền.

3. Không tham gia các thỏa thuận hoặc giao dịch khác gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng.

4. Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thay đổi liên quan đến thông tin của người được thu hút ghi trong hợp đồng.

5. Thời gian thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố của người được thu hút đến làm việc lâu dài

a) Người được thu hút đến làm việc lâu dài tại thành phố Đà Nẵng có nghĩa vụ làm việc cho thành phố và chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian 05 (năm) năm liên tục và hằng năm phải đạt kết quả đánh giá phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trừ các trường hợp có lý do chính đáng như nghỉ thai sản, đau ốm, đi đào tạo dài hạn...);

b) Thời gian làm việc cho thành phố theo điểm a khoản 5 Điều này không bao gồm:

- Thời gian thực hiện nghĩa vụ làm việc bắt buộc cho thành phố theo cam kết hoặc hợp đồng khác;

- Thời gian người được thu hút được thành phố hoặc cơ quan, đơn vị chủ quản cho phép tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức tập trung từ 01 tháng trở lên trong quá trình làm việc cho thành phố theo cam kết.

6. Chuyên gia được thu hút làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian phải hoàn thành công việc và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ theo hợp đồng đã được ký kết.

Mục 4. VI PHẠM HỢP ĐỒNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG

Điều 26. Vi phạm hợp đồng

Người được thu hút vi phạm hợp đồng nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:

1. Không thực hiện một trong các nghĩa vụ và trách nhiệm được quy định tại Điều 25 Quy định này;

2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị cơ quan, đơn vị chủ quản xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải theo quy định trong thời gian thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố.

Điều 27. Xử lý vi phạm đối với người được thu hút

1. Xử lý vi phạm đối với người được thu hút người đến làm việc lâu dài

a) Bị buộc chấm dứt tất cả quyền lợi được hưởng theo quy định tại Điều 19 Quy định này và có trách nhiệm liên đới cùng người bảo lãnh tài chính (nếu có) chịu trách nhiệm bồi hoàn chi phí hỗ trợ ban đầu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

b) Mức bồi hoàn chi phí hỗ trợ ban đầu được tính theo công thức sau:

S = (F/T1) x (T1 - T2)

Trong đó:

S là chi phí bồi hoàn;

F là kinh phí hỗ trợ ban đầu được cấp cho người được thu hút nêu tại khoản 2 Điều 19 Quy định này;

T1 là số tháng làm việc cho thành phố theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 25 Quy định này;

T2 là số tháng đã làm việc tại các cơ quan của thành phố theo sự phân công của cấp có thẩm quyền sau khi được thu hút (được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên).

2. Xử lý vi phạm đối với người được thu hút đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian

Trong thời gian làm việc cho thành phố, nếu vi phạm hợp đồng thì người được thu hút đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian bị buộc chấm dứt tất cả quyền lợi và hoàn trả các khoản hỗ trợ được hưởng theo quy định tại Điều 23 Quy định này, đồng thời thực hiện đầy đủ các điều khoản khác liên quan đến việc xử lý vi phạm hợp đồng theo hợp đồng đã ký kết (nếu có).

3. Thời hạn bồi hoàn

Thời hạn bồi hoàn kinh phí cho thành phố tối đa là 120 (một trăm hai mươi) ngày kể từ ngày người được thu hút nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

4. Sau thời hạn bồi hoàn quy định tại khoản 3 Điều này, trường hợp người được thu hút không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí nêu trên thì:

a) Cơ quan, đơn vị ký kết hợp đồng thu hút khởi kiện ra Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật;

b) Người được thu hút phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn. Nếu Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì người được thu hút phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

Chương IV

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Mục 1. CỬ ĐI ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC TẠI NƯỚC NGOÀI

Điều 28. Đối tượng, điều kiện tuyển chọn

CBCCVC đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng đáp ứng tiêu chí, điều kiện chung quy định tại Điều 6 Quy định này và các điều kiện cụ thể sau:

1. Có thời gian công tác từ đủ 03 (ba) năm trở lên (không tính thời gian tập sự). Đối với CBCCVC đang làm việc trong một số lĩnh vực đặc thù như y tế, công nghệ cao và các lĩnh vực thành phố có nhu cầu cấp thiết về đào tạo nhân lực, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể nhưng phải đảm bảo có thời gian công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng ít nhất 02 (hai) năm trở lên.

2. Có ít nhất 02 (hai) năm liên tục liền kề trước thời điểm đăng ký tham gia đào tạo sau đại học được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;

3. Không trong thời gian bị thi hành kỷ luật; không thuộc trường hợp không được hoặc bị cấm xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

4. Không quá 40 (bốn mươi) tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo (đối với các trường hợp lần đầu được cử đi đào tạo).

5. Đã được đào tạo hệ chính quy, tập trung ở bậc liền kề chương trình đào tạo dự tuyển với kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên và có ngành nghề đào tạo phù hợp với ngành nghề đăng ký dự tuyển và phù hợp với vị trí việc làm.

6. Trình độ ngoại ngữ

a) Nếu học tại cơ sở đào tạo sử dụng tiếng Anh: có trình độ tiếng Anh IELTS đạt từ 6.5 (không có điểm kỹ năng nào dưới 6.0) hoặc tương đương trở lên; riêng ứng viên học các ngành y - dược, luật phải có trình độ tiếng Anh IELTS từ 7.0 (không có điểm kỹ năng nào dưới 6.5) hoặc tương đương trở lên;

b) Nếu học tại cơ sở đào tạo sử dụng tiếng Pháp: có trình độ tiếng Pháp TCF đạt từ 450 hoặc tương đương trở lên;

c) Nếu học tại các cơ sở đào tạo không sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp: đáp ứng theo quy định của cơ sở đào tạo.

7. Được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia của cơ quan, đơn vị.

Điều 29. Hình thức đào tạo và cơ sở đào tạo

1. Hình thức đào tạo: chính quy, tập trung.

2. Cơ sở đào tạo: nằm trong danh sách 200 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới được quy định tại khoản 12 Điều 4 Quy định này.

Điều 30. Quy trình tuyển chọn và cử đi đào tạo sau đại học

1. Căn cứ danh mục chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được phê duyệt, Trung tâm thông báo tuyển sinh; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký; tham mưu Sở Nội vụ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt những ứng viên đủ điều kiện tuyển chọn; lựa chọn cơ sở đào tạo; tham mưu Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định cử CBCCVC đi học sau đại học tại nước ngoài.

2. Căn cứ quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền, Trung tâm tiến hành ký kết hợp đồng với học viên và triển khai công tác quản lý học viên theo quy định.

Điều 31. Hồ sơ đăng ký tham gia đào tạo sau đại học

1. Đơn đăng ký tham gia đào tạo sau đại học (theo mẫu);

2. Bản sao có chứng thực giấy khai sinh, hộ khẩu;

3. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý (theo mẫu);

4. 04 (bốn) ảnh màu khổ 4cm x 6cm được chụp trong vòng 06 (sáu) tháng;

5. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế quận, huyện trở lên cấp có thời hạn không quá 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

6. Văn bản giới thiệu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp sở hoặc tương đương;

7. Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp và bảng điểm toàn khóa chương trình đại học và chương trình thạc sĩ (nếu có). Các văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận;

8. Chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định;

9. Các văn bản bắt buộc khác theo tiêu chí xét tuyển.

Điều 32. Quyền lợi của học viên đào tạo sau đại học

1. Được cấp kinh phí đào tạo để học sau đại học tại nước ngoài theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 44 của Quy định này.

2. Được hưởng các chế độ tiền lương theo quy định.

3. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và trở về nhận công tác tại cơ quan, những trường hợp khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở thì được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư của thành phố hoặc hỗ trợ trong việc tiến hành thủ tục xin vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10 - 15 năm để mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Mục 2. TUYỂN CHỌN ĐỂ TIẾP TỤC ĐÀO TẠO

Điều 33. Đối tượng, điều kiện tuyển chọn để tiếp tục đào tạo

Người đang học năm cuối đại học hoặc năm cuối sau đại học hệ chính quy, tập trung tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới quy định tại khoản 12 Điều 4 Quy định này hoặc các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước; đáp ứng tiêu chí, điều kiện chung theo quy định tại Điều 6 Quy định này và các điều kiện cụ thể sau:

1. Có quốc tịch Việt Nam;

2. Ngành nghề và bậc học đang đào tạo phù hợp với vị trí xét tuyển;

3. Có kết quả học tập các năm học trước đó đạt từ loại giỏi trở lên; riêng đối với những ngành đặc thù, ứng viên có kết quả học tập các năm học trước đó đạt từ loại khá trở lên;

4. Đạt một trong các chuẩn về ngoại ngữ sau: có trình độ tiếng Anh TOEIC đạt điểm từ 550 hoặc IELTS đạt điểm từ 5.5 (tương đương) trở lên; trình độ tiếng Pháp TCF đạt điểm từ 350 (tương đương) trở lên; hoặc trình độ ngoại ngữ khác đáp ứng yêu cầu của vị trí xét tuyển.

Điều 34. Quy trình tuyển chọn để tiếp tục đào tạo

1. Căn cứ danh mục chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công đã được phê duyệt, Trung tâm triển khai công tác truyền thông; tiếp nhận hồ sơ đăng ký của ứng viên; thẩm định hồ sơ, phỏng vấn (nếu có); tham mưu Sở Nội vụ họp hội đồng tuyển chọn và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định tuyển chọn.

2. Căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Trung tâm tiến hành ký kết hợp đồng và triển khai công tác quản lý học viên theo quy định.

Điều 35. Hồ sơ đăng ký

1. Đơn đăng ký tham gia tuyển chọn để tiếp tục đào tạo (theo mẫu);

2. Bản sao có chứng thực giấy khai sinh, hộ khẩu;

3. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý (theo mẫu);

4. 04 (bốn) ảnh màu khổ 4cm x 6cm được chụp trong vòng 06 (sáu) tháng;

5. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp có thời hạn không quá 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

6. Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp và bảng điểm học tập của bậc học trước đó;

7. Bảng điểm hoặc văn bản xác nhận kết quả học tập, kết quả nghiên cứu tại cơ sở đào tạo đang theo học tính đến thời điểm đăng ký tham gia xét tuyển;

8. Văn bản của cơ sở đào tạo xác nhận thời gian dự kiến hoàn thành chương trình đào tạo đang theo học;

9. Các văn bản bắt buộc khác theo tiêu chí xét tuyển.

Điều 36. Quyền lợi của học viên được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo

1. Được cấp kinh phí đào tạo năm cuối để hoàn thành khóa học theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 44 của Quy định này.

2. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và về nhận công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng:

a) Được hưởng đầy đủ các chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm, chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Được hưởng chế độ hỗ trợ một lần như người được thu hút đến làm việc lâu dài cho thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Quy định này;

c) Những trường hợp khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở thì được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư của thành phố hoặc được hỗ trợ trong việc tiến hành thủ tục xin vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10 - 15 năm để mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Mục 3. CỬ ĐI ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC TẠI NƯỚC NGOÀI

Điều 37. Đối tượng, điều kiện tuyển chọn cử đi đào tạo trình độ đại học tại nước ngoài

Học sinh tốt nghiệp tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm dự tuyển đáp ứng tiêu chí, điều kiện chung nêu tại Điều 6 Quy định này và các điều kiện cụ thể sau:

1. Học lực đạt loại giỏi, hạnh kiểm đạt loại tốt liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 và tốt nghiệp THPT đạt từ loại giỏi trở lên.

2. Đạt giải Ba trở lên tại một trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia (ưu tiên học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực).

3. Được tuyển thẳng nguyện vọng 1 vào đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trường hợp thi tuyển thì phải trúng tuyển đại học nguyện vọng 1 và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể đối với từng vị trí xét tuyển.

4. Trình độ ngoại ngữ

a) Nếu học tại cơ sở đào tạo sử dụng tiếng Anh: có trình độ tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 6.0 (không có điểm kỹ năng nào dưới 5.5) hoặc tương đương trở lên; riêng ứng viên học các ngành y - dược, luật phải có IELTS đạt điểm từ 6.5 (không có điểm kỹ năng nào dưới 6.0) hoặc tương đương trở lên;

b) Nếu học tại cơ sở đào tạo sử dụng tiếng Pháp: có trình độ tiếng Pháp TCF đạt điểm từ 400 hoặc tương đương trở lên, nếu học các ngành y - dược, luật phải có TCF đạt điểm từ 450 hoặc tương đương trở lên;

c) Nếu học tại các cơ sở đào tạo không sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp: đáp ứng theo quy định của cơ sở đào tạo.

Điều 38. Hình thức và cơ sở đào tạo

1. Hình thức đào tạo: chính quy, tập trung.

2. Cơ sở đào tạo: nằm trong danh sách 200 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới được quy định tại khoản 12 Điều 4 của Quy định này.

Điều 39. Quy trình tuyển chọn đào tạo bậc đại học

1. Căn cứ danh mục chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công đã được phê duyệt, Trung tâm thông báo tuyển sinh; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký; xác định ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo đối với những trường hợp đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn; tham mưu Sở Nội vụ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi đào tạo trình độ đại học tại nước ngoài.

2. Căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Trung tâm tiến hành ký kết hợp đồng và triển khai công tác quản lý học viên theo quy định.

Điều 40. Hồ sơ đăng ký tham gia đào tạo trình độ đại học

1. Đơn đăng ký tham gia đào tạo đại học (theo mẫu);

2. Bản sao có chứng thực giấy khai sinh, hộ khẩu;

3. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý (theo mẫu được yêu cầu tại thời điểm xét tuyển);

4. 04 (bốn) ảnh màu khổ 4cm x 6cm được chụp trong vòng 06 (sáu) tháng;

5. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế quận, huyện trở lên cấp có thời hạn không quá 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

6. Bản sao có chứng thực học bạ THPT;

7. Giấy chứng nhận đạt giải thưởng hoặc các thành tích nổi bật trong học tập hoặc trong hoạt động xã hội (nếu có);

8. Bằng tốt nghiệp THPT hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời;

9. Bản sao có chứng thực giấy báo trúng tuyển đại học hoặc Giấy báo nhập học đại học;

10. Chứng nhận ngoại ngữ theo quy định;

11. Các văn bản bắt buộc khác theo tiêu chí xét tuyển hàng năm.

Điều 41. Quyền lợi của học viên đào đạo trình độ đại học

1. Được cấp kinh phí đào tạo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 44 Quy định này.

2. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và về nhận công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng:

a) Được hưởng đầy đủ các chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm, chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Những trường hợp khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở thì được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư của thành phố hoặc được hỗ trợ trong việc tiến hành thủ tục xin vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10 - 15 năm để mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Mục 4. NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA HỌC VIÊN ĐÀO TẠO

Điều 42. Nghĩa vụ và trách nhiệm trong thời gian được cử đi đào tạo

1. Chấp hành chính sách, pháp luật của Việt Nam và nước sở tại; quy định của cơ sở đào tạo và các thỏa thuận nêu trong hợp đồng.

2. Học đúng chương trình được thành phố cử đi đào tạo; hoàn thành chương trình đào tạo đúng thời hạn nêu tại quyết định cử đi đào tạo; không được chuyển đổi ngành đào tạo, cơ sở đào tạo khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

3. Thực hiện đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định hiện hành của Bộ Ngoại giao và đăng ký thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh, định kỳ cập nhật thông tin vào hệ thống khi có thay đổi.

4. Không được tham gia ký kết các thỏa thuận hoặc giao dịch khác gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng.

5. Báo cáo đầy đủ, kịp thời và trung thực cho Trung tâm:

a) Kết quả học tập từng học kỳ, dự kiến chương trình học tập và kinh phí của học kỳ tiếp theo trong vòng 30 (ba mươi) ngày sau khi kết thúc học kỳ;

b) Đối với học kỳ một năm cuối, cung cấp văn bản xác nhận của cơ sở đào tạo về thời gian kết thúc khóa học theo lịch của cơ sở đào tạo (thời gian thi cuối học kỳ, thời gian nhận bảng điểm toàn khóa);

c) Các vấn đề phát sinh liên quan đến việc học tập, việc tham gia các hoạt động xã hội; việc xuất cảnh ra khỏi quốc gia đang học; việc thay đổi tình trạng thị thực;

d) Kế hoạch trở về thành phố Đà Nẵng chậm nhất trước 20 (hai mươi) ngày so với ngày trình diện theo quy định;

đ) Những thay đổi liên quan đến thông tin tài khoản ngân hàng, địa chỉ cư trú, thư điện tử, điện thoại và các thông tin trong hợp đồng kể từ khi học viên được cử đi đào tạo cho đến khi thực hiện xong các nghĩa vụ, trách nhiệm được quy định trong hợp đồng.

6. Đồng ý để cơ sở đào tạo thông báo cho Trung tâm kết quả học tập và các thông tin có liên quan đến tình hình học tập của học viên.

7. Đảm bảo các yêu cầu về kết quả học tập sau:

a) Học viên đào tạo bậc đại học

- Đạt kết quả dự bị đại học đủ điều kiện vào học chính thức chương trình đào tạo bậc đại học đã được phê duyệt cử đi đào tạo;

- Tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên;

b) Học viên đào tạo chương trình thạc sĩ theo hệ tín chỉ: tốt nghiệp thạc sĩ từ loại khá trở lên;

c) Học viên đào tạo chương trình thạc sĩ hệ nghiên cứu hoặc chương trình tiến sĩ: Đảm bảo kết quả học tập, nghiên cứu theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Điều 43. Nghĩa vụ và trách nhiệm sau khi hoàn thành chương trình đào tạo

1. Trong vòng 30 (ba mươi) ngày sau khi có kết quả học tập toàn khóa hoặc kể từ ngày kết thúc chương trình đào tạo theo thông báo của cơ sở đào tạo, học viên trở về trình diện, báo cáo kết quả học tập và thực hiện các thủ tục nhận công tác theo quy định.

2. Đến nhận công tác theo triệu tập của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp có lý do chính đáng không thể nhận công tác theo đúng thời gian quy định, học viên phải có báo cáo bằng văn bản và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

3. Trong vòng 60 (sáu mươi) ngày sau khi kết thúc khóa học, học viên có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ theo quy định tài chính để làm thủ tục thanh quyết toán kinh phí khóa học.

4. Chấp hành sự phân công công tác của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian cụ thể như sau:

a) Đối với học viên là CBCCVC tại thời điểm được cử đi đào tạo: thời gian công tác ít nhất gấp 02 (hai) lần thời gian đào tạo nhưng không dưới 07 (bảy) năm;

b) Đối với học viên được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo: thời gian công tác ít nhất 07 (bảy) năm;

c) Đối với học viên không phải là CBCCVC tại thời điểm được cử đi đào tạo bậc đại học: thời gian công tác gấp 02 (hai) lần thời gian đào tạo.

5. Thời gian công tác cho thành phố theo khoản 4 Điều này không bao gồm:

a) Thời gian thực hiện nghĩa vụ làm việc bắt buộc cho thành phố theo các cam kết hoặc hợp đồng khác;

b) Thời gian học viên được thành phố và cơ quan, đơn vị chủ quản cho phép tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức tập trung từ 01 (một) tháng trở lên trong quá trình làm việc cho thành phố theo cam kết.

6. Trong thời gian công tác nêu tại khoản 4 Điều này, học viên đào tạo có trách nhiệm:

a) Chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị;

b) Chấp hành sự phân công công tác của cơ quan, đơn vị chủ quản và của cơ quan có thẩm quyền;

c) Có kết quả đánh giá hằng năm đạt từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trừ các trường hợp có lý do chính đáng như nghỉ thai sản, đau ốm, đi đào tạo dài hạn hoặc có lý do khác được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận).

Mục 5. KINH PHÍ ĐÀO TẠO

Điều 44. Các khoản kinh phí đào tạo

1. Học viên được cử đi đào tạo trình độ đại học và trình độ sau đại học theo quy định tại Mục 1 và Mục 3, Chương IV Quy định này được hưởng các khoản kinh phí sau:

a) Học phí và các chi phí bắt buộc khác cấp đủ theo thông báo của cơ sở đào tạo.

b) Sinh hoạt phí được cấp tính từ thời điểm bắt đầu đến khi kết thúc khóa học. Học viên đào tạo trình độ đại học theo học khóa dự bị được cấp sinh hoạt phí không quá 04 (bốn) tháng trong thời gian chờ nhập học chính thức.

c) Các khoản kinh phí khác:

- Chi phí làm thủ tục xuất nhập cảnh: lệ phí làm hộ chiếu, lệ phí làm thị thực, lệ phí khám sức khỏe (nếu có), lệ phí phỏng vấn để làm thị thực (nếu có), lệ phí gia hạn thị thực (nếu có), vé máy bay hạng phổ thông một lượt đi và về để làm thị thực (nếu có).

- Vé máy bay hạng phổ thông một lượt đi và về cho cả khóa đào tạo từ thành phố Đà Nẵng đến cơ sở đào tạo.

- Bảo hiểm y tế cấp theo thông báo của cơ sở đào tạo hoặc theo quy định của nước sở tại. Đối với các quốc gia hoặc cơ sở đào tạo không quy định bắt buộc về bảo hiểm y tế, học viên được thanh toán trên cơ sở thực chi nhưng không vượt mức quy định liên quan của Trung ương và thành phố.

2. Học viên được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo theo quy định tại Mục 2, Chương IV Quy định này được cấp kinh phí của năm học cuối, cụ thể bao gồm:

a) Học phí và các chi phí bắt buộc khác cấp đủ theo thông báo của cơ sở đào tạo.

b) Sinh hoạt phí được cấp tính từ thời gian bắt đầu năm học cuối đến khi kết thúc khóa học theo xác nhận của cơ sở đào tạo.

c) Các khoản kinh phí khác đối với học viên đào tạo tại nước ngoài:

- Vé máy bay hạng phổ thông một lượt đi và về cho cả khóa học từ Việt Nam đến cơ sở đào tạo.

- Bảo hiểm y tế cấp theo thông báo của cơ sở đào tạo hoặc theo quy định của nước sở tại. Đối với các quốc gia hoặc cơ sở đào tạo không quy định bắt buộc về bảo hiểm y tế, học viên được thanh toán trên cơ sở thực chi nhưng không vượt mức quy định liên quan của Trung ương và thành phố.

3. Chi phí hỗ trợ khác

a) Nếu học viên đào tạo nhận được học bổng toàn phần của cơ sở đào tạo hoặc của cá nhân, tổ chức hợp pháp khác thì được xem xét hỗ trợ lại 40% mức sinh hoạt phí theo quy định hiện hành trong thời gian học tập.

b) Trong thời gian học, nếu học viên đào tạo được cấp học bổng miễn, giảm học phí thì được xem xét hỗ trợ lại 50% giá trị học bổng.

Điều 45. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đào tạo

1. Việc chuyển kinh phí đào tạo cho học viên thực hiện như sau:

a) Học phí và các chi phí bắt buộc khác theo quy định của cơ sở đào tạo được chuyển cho cơ sở đào tạo;

b) Bảo hiểm y tế được chuyển cho cơ sở đào tạo hoặc chuyển cho học viên nếu cơ sở đào tạo không có quy định bắt buộc về bảo hiểm y tế;

c) Sinh hoạt phí và chi phí hỗ trợ khác được chuyển cho học viên;

d) Các khoản kinh phí liên quan đến việc học lại, thi lại do không đạt yêu cầu của cơ sở đào tạo học viên tự chi trả;

đ) Vé máy bay do Trung tâm mua và cấp trực tiếp cho học viên. Học viên chỉ được tự mua vé máy bay khi được sự đồng ý của Trung tâm.

Đối với học viên được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo không cung cấp được chứng từ vé máy bay lượt đi từ Việt Nam đến cơ sở đào tạo thì được thanh toán chi phí vé máy bay với mức giá vé tối thiểu, hạng phổ thông của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tại thời điểm cấp kinh phí.

2. Phí chuyển tiền do ngân sách thành phố chi trả. Tỷ giá quy đổi ngoại tệ được áp dụng theo tỷ giá bán của ngân hàng giao dịch công bố tại thời điểm lập thủ tục cấp kinh phí.

3. Các khoản kinh phí nêu tại khoản 1 Điều này được cấp theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tại thời điểm cấp.

4. Nguyên tắc chuyển kinh phí

Kinh phí được cấp cho học viên đào tạo theo từng học kỳ, cụ thể:

a) Đối với học kỳ I năm học thứ nhất hoặc đối với chương trình dự bị đại học

Kinh phí đào tạo được chuyển cho học viên sau khi học viên có thị thực, ký kết hợp đồng và cung cấp chứng từ làm thủ tục xuất nhập cảnh; giấy xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản giao dịch của học viên và các chứng từ, hóa đơn khác liên quan đến nội dung cấp kinh phí theo quy định.

b) Đối với các học kỳ kế tiếp

Học viên đào tạo được cấp kinh phí học kỳ kế tiếp khi kết quả học tập của học kỳ trước hoặc kết quả của chương trình dự bị đại học đảm bảo các điều kiện sau:

- Kết quả dự bị đại học đảm bảo đủ điều kiện vào học chính thức chương trình đào tạo bậc đại học đã được cử đi đào tạo;

- Không bị cơ sở đào tạo buộc thôi học hoặc buộc học lại học kỳ;

- Không có 03 kỳ liên tiếp xếp loại dưới khá hoặc không có 02 học kỳ liên tiếp xếp loại dưới trung bình;

- Học viên đào tạo chương trình thạc sỹ nghiên cứu, chương trình tiến sĩ đảm bảo kết quả học tập, nghiên cứu theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

5. Đối với học viên được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo, các khoản kinh phí nêu tại khoản 2 Điều 44 được chuyên cho học viên khi học viên có quyết định tuyển chọn và cung cấp đầy đủ chứng từ theo quy định. Học viên tiếp tục được cấp các khoản kinh phí còn lại sau khi trở về nhận công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố Đà Nẵng.

6. Các khoản kinh phí cấp cho học viên là khoản tạm ứng. Trong vòng 60 (sáu mươi) ngày sau khi kết thúc khóa học, học viên có trách nhiệm quyết toán trên cơ sở bằng tốt nghiệp, bảng điểm toàn khóa hoặc biên bản của hội đồng bảo vệ đề tài tốt nghiệp đánh giá đạt yêu cầu, bảng kê chi tiết các khoản kinh phí đã được cấp và các chứng từ theo quy định hiện hành.

Mục 6. BỐ TRÍ CÔNG TÁC, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HỌC VIÊN ĐÀO TẠO

Điều 46. Bố trí công tác cho học viên đào tạo

1. Sau khi học viên hoàn thành chương trình đào tạo, Sở Nội vụ tham mưu tiếp nhận và bố trí công tác đối với học viên thuộc khối chính quyền, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu tiếp nhận và bố trí công tác đối với học viên thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội.

2. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí công tác đối với học viên trong vòng 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận văn bản bố trí công tác.

Điều 47. Quản lý, sử dụng học viên đào tạo

1. Cơ quan, đơn vị phân công, bố trí công tác đối với học viên đào tạo theo đúng quy định và vị trí việc làm đã đăng ký.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để học viên phát huy trình độ chuyên môn, năng lực công tác.

3. Xem xét, tạo điều kiện cho học viên tham gia đào tạo bậc cao hơn bằng kinh phí tự túc hoặc bằng học bổng từ các tổ chức, cá nhân hợp pháp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Đối với công chức: có thời gian công tác từ đủ 03 (ba) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) kể từ thời điểm nhận công tác sau khi hoàn thành chương trình đào tạo theo chính sách phát triển nhân lực; đối với viên chức: không trong thời gian tập sự;

b) Có ít nhất 02 (hai) năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;

c) Ngành học đăng ký của bậc cao hơn phù hợp với vị trí việc làm và ngành học ở bậc liền kề.

Mục 7. VI PHẠM HỢP ĐỒNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG

Điều 48. Vi phạm hợp đồng

Học viên đào tạo vi phạm hợp đồng nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:

1. Không thực hiện một trong các nghĩa vụ và trách nhiệm được quy định tại Điều 42, Điều 43 của Quy định này;

2. Bị cơ sở đào tạo buộc thôi học; hoặc bị buộc học lại một học kỳ trở lên (trừ trường hợp bất khả kháng và được cơ quan có thẩm quyền cho phép); hoặc không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp;

3. Có 03 kỳ liên tiếp kết quả học tập không đạt loại khá trở lên;

4. Có 02 học kỳ liên tiếp kết quả học tập dưới trung bình (không áp dụng đối với học viên được tuyển chọn để tiếp tục đào tạo tại Mục 2, Chương IV);

5. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, học viên tự ý bỏ học, tự ý nghỉ việc; đơn phương chấm dứt hợp đồng; bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc bị cơ quan, đơn vị chủ quản xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải theo quy định.

Điều 49. Xử lý vi phạm đối với học viên đào tạo

1. Trường hợp học viên đào tạo vi phạm hợp đồng theo quy định tại Điều 48 Quy định này thì bị buộc chấm dứt tất cả quyền lợi được hưởng theo quy định tại Điều 32, Điều 36 và Điều 41 Quy định này và có trách nhiệm liên đới cùng người bảo lãnh tài chính (nếu có) chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Mức bồi hoàn kinh phí

a) Chi phí đào tạo là tổng các chi phí được cấp theo quy định tại Điều 44 Quy định này, bao gồm kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố và từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân hợp pháp trong và ngoài nước do thành phố vận động.

b) Học viên đào tạo vi phạm nội dung quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 48 Quy định này (trừ trường hợp không thực hiện đúng quy định tại tiết 2 điểm a khoản 7 Điều 42 hoặc tại điểm b khoản 7 Điều 42 Quy định này) phải liên đới cùng người bảo lãnh tài chính (nếu có) chịu trách nhiệm bồi hoàn 100% chi phí đào tạo nêu tại điểm a khoản 2 Điều này. Mức bồi hoàn được tính theo công thức:

S = (F/T1) x (T1 - T2); trong đó:

S là chi phí bồi hoàn;

F là tổng chi phí đào tạo nêu tại điểm a khoản 2 Điều này;

T1 là số tháng học viên cam kết làm việc cho thành phố theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Quy định này;

T2 là số tháng học viên đã làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố theo sự phân công của cấp có thẩm quyền sau khi hoàn thành chương trình đào tạo (được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên).

c) Học viên đào tạo vi phạm nội dung quy định tại khoản 3, 4 Điều 48 Quy định này hoặc không thực hiện đúng quy định tại tiết 2 điểm a khoản 7 Điều 42 hoặc tại điểm b khoản 7 Điều 42 Quy định này phải liên đới cùng người bảo lãnh tài chính (nếu có) chịu trách nhiệm bồi hoàn 50% chi phí đào tạo nêu tại điểm a khoản 2 Điều này.

3. Thời hạn bồi hoàn

a) Đối với học viên là CBCCVC tại thời điểm được cử đi đào tạo: thời hạn bồi hoàn chi phí đào tạo cho thành phố trong vòng 120 (một trăm hai mươi) ngày kể từ ngày học viên nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền;

b) Đối với học viên không phải là CBCCVC tại thời điểm được cử đi đào tạo: thời hạn bồi hoàn chi phí đào tạo cho thành phố trong vòng 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày học viên nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

4. Điều kiện được tính giảm chi phí bồi hoàn: Mỗi năm công tác của học viên (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo) được tính giảm 01% chi phí bồi hoàn. Trường hợp là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% chi phí bồi hoàn.

5. Sau thời hạn bồi hoàn quy định tại khoản 3 Điều này, trường hợp học viên đào tạo và người liên đới chịu trách nhiệm tài chính (nếu có) không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì:

a) Trung tâm khởi kiện ra Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật;

b) Học viên đào tạo và người liên đới chịu trách nhiệm tài chính (nếu có) phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn. Nêu Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì học viên và người liên đới chịu trách nhiệm tài chính phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

Chương V

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 50. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng

1. Tháng 7 hàng năm, Ủy ban nhân dân thành phố trình Thường trực Thành ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố cho ý kiến về danh mục chỉ tiêu và danh mục ngành nghề đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của năm kế tiếp trước khi ban hành để triển khai thực hiện.

2. Ủy ban nhân dân thành phố có quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực chất lượng cao của năm kế tiếp cho phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế nhưng không quá 10% chỉ tiêu trong danh mục đã được phê duyệt.

3. Trong trường hợp có sự thay đổi, điều chỉnh các nội dung thực hiện chính sách phát triển nhân lực, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 51. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Tham mưu ban hành chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng định kỳ hằng năm.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành tiêu chí, thang điểm xét tuyển cụ thể, phù hợp với từng vị trí.

3. Thực hiện công tác thu hút nguồn nhân lực, đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao.

4. Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh mức sinh hoạt phí phù hợp với quy định nhà nước.

5. Phối hợp với cơ quan sử dụng quản lý, theo dõi, đánh giá người được thu hút, học viên đào tạo, học viên bồi dưỡng sau khi bố trí về đơn vị công tác.

6. Định kỳ kiểm tra, theo dõi và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện Quy định này.

7. Phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện các nội dung công việc của Quy định này.

8. Phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy trong việc:

a) Đề xuất chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hằng năm của các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội;

b) Tiếp nhận và phân công công tác, sử dụng, quản lý, theo dõi, đánh giá học viên sau khi bố trí công tác theo quy định;

c) Sơ kết, tổng kết, báo cáo về kết quả thực hiện Quy định này.

9. Thực hiện các nội dung khác theo phân công của Quy định này.

Điều 52. Trách nhiệm của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

1. Chủ trì tổng hợp chỉ tiêu bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền các nội dung liên quan đến danh mục chỉ tiêu và danh mục ngành nghề thu hút, đào tạo, bồi dưỡng theo chính sách phát triển nhân lực.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao trong và ngoài nước.

3. Tổ chức tuyển chọn và thu hút nhân lực chất lượng cao theo các vị trí việc làm đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; quản lý trong quá trình người được thu hút công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng.

4. Tổ chức tuyển sinh học viên đào tạo; tham mưu chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo; tiến hành các thủ tục nhập học cho học viên; ký kết hợp đồng và thanh lý hợp đồng với học viên, quản lý học viên đào tạo; tham mưu và xử lý các vấn đề liên quan đến hợp đồng và tranh chấp hợp đồng theo quy định; quản lý, đánh giá quá trình học tập và thẩm định kết quả học tập của học viên; bàn giao học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo cho cơ quan có thẩm quyền để triển khai bố trí công tác theo quy định.

5. Quản lý kinh phí

a) Hằng năm, xây dựng dự toán kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng, thu hút và đào tạo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại để thực hiện chuyển kinh phí cho học viên.

c) Thực hiện các thủ tục thanh quyết toán theo quy định.

d) Thực hiện các thủ tục thu hồi kinh phí bồi hoàn và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

6. Thực hiện công tác đối ngoại, hợp tác trong và ngoài nước về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tìm kiếm, khai thác học bổng, các nguồn tài trợ của cá nhân, đơn vị, tổ chức hợp pháp trong và ngoài nước để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

7. Thực hiện các nội dung khác theo phân công của Quy định này và của các cấp có thẩm quyền.

Điều 53. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy

a) Đề xuất chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hằng năm của các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội.

b) Tiếp nhận và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quyết định bố trí công tác cho học viên tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội.

c) Phối hợp với cơ quan sử dụng quản lý, theo dõi, đánh giá học viên sau khi bố trí về đơn vị công tác ở khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội.

d) Phối hợp với Sở Nội vụ sơ kết, tổng kết hoặc báo cáo Thường trực Thành ủy về kết quả thực hiện Quy định này.

đ) Thực hiện các nội dung khác theo phân công tại Quy định này.

2. Sở Tài chính

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí dự toán kinh phí công tác bồi dưỡng ngắn hạn, thu hút, đào tạo theo chính sách phát triển nhân lực; theo dõi, kiểm tra, quyết toán kinh phí.

b) Thẩm định dự thảo kế hoạch và dự toán kinh phí tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao hằng năm trước khi cơ quan có thẩm quyền trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

c) Hướng dẫn việc thu hồi các khoản kinh phí trong quá trình thực hiện chính sách phát triển nhân lực của thành phố.

3. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan đề xuất việc hỗ trợ cho thuê nhà chung cư và hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội đối với học viên đào tạo và người được thu hút có nhu cầu.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp các cơ quan có liên quan huy động nguồn tài trợ từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước phục vụ cho công tác thu hút, đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao khu vực công của thành phố.

5. Sở Ngoại vụ

a) Phối hợp các cơ quan có liên quan huy động nguồn tài trợ từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước phục vụ cho công tác thu hút, đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao khu vực công của thành phố.

b) Phối hợp các thủ tục cử học viên đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài.

c) Phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh của học viên được cử đi bồi dưỡng hoặc đào tạo ở nước ngoài.

6. Công an thành phố Đà Nẵng

Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện công tác đảm bảo an ninh trong việc thực hiện chính sách phát triển nhân lực.

7. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng

a) Đăng ký nhu cầu thu hút, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao hằng năm của cơ quan, đơn vị.

b) Phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao theo kế hoạch hằng năm.

c) Giới thiệu CBCCVC và người lao động tham gia bồi dưỡng, đào tạo sau đại học theo chính sách phát triển nhân lực.

d) Tiếp nhận, bố trí công tác, quản lý, sử dụng và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học viên đào tạo và người được thu hút theo quy định.

đ) Ký kết và thanh lý hợp đồng thu hút đối với người được thu hút theo quy định; tham mưu và xử lý các vấn đề liên quan đến hợp đồng thu hút và tranh chấp hợp đồng thu hút; tiến hành thu hồi kinh phí hỗ trợ ban đầu; thực hiện trách nhiệm theo Khoản 4, Điều 27 Quy định này.

e) Thực hiện chi trả chế độ đối với người được thu hút theo quy định tại Quy định này; định kỳ hằng năm báo cáo Sở Nội vụ tình hình cấp chế độ hỗ trợ cho người được thu hút và tình hình thu hồi kinh phí hỗ trợ ban đầu của người được thu hút trong trường hợp vi phạm hợp đồng.

g) Cập nhật đầy đủ thông tin về sự thay đổi vị trí công việc, việc được tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm; kết nạp Đảng của học viên vào Phần mềm quản lý hồ sơ CBCCVC của thành phố; báo cáo tình hình công tác, kết quả đánh giá phân loại CBCCVC và người lao động hằng năm của học viên, đào tạo và người được thu hút; phối hợp xử lý với các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp học viên vi phạm hợp đồng.

h) Thông tin về Sở Nội vụ trường hợp cử học viên tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo theo hình thức tập trung từ 01 (một) tháng trở lên.

i) Khi tiến hành xử lý cho thôi việc hoặc thanh lý hợp đồng lao động đối với trường hợp học viên vi phạm Quy định này: kịp thời báo cáo và xin ý kiến trước của Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Nội vụ) đối với học viên làm việc tại các cơ quan khối chính quyền hoặc Thường trực Thành ủy (thông qua Ban Tổ chức Thành ủy), đối với học viên làm việc tại khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 54. Quy định việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo hợp đồng

Trường hợp học viên có từ 02 (hai) hợp đồng trở lên, việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của học viên dựa trên nguyên tắc hợp đồng ký kết trước, thực hiện trước; hợp đồng ký kết sau, thực hiện sau.

Điều 55. Phạt vi phạm hợp đồng

1. Các bên tham gia ký hợp đồng có quyền thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng với mức phạt không dưới 10% khoản kinh phí bồi hoàn. Khoản phạt hợp đồng này được thu hồi cùng với kinh phí bồi hoàn. Thời gian nộp phạt và phương thức thu hồi tiền phạt được thực hiện tương tự như thu hồi kinh phí bồi hoàn nêu tại Quy định này.

2. Việc phạt vi phạm hợp đồng được áp dụng đối với các hợp đồng được ký kết kể từ ngày Quy định này có hiệu lực.

Điều 56. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với học viên bồi dưỡng, học viên đào tạo và người được thu hút tham gia chính sách phát triển nhân lực trước khi Quyết định Ban hành Quy định về việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng có hiệu lực thì thực hiện như sau:

1. Đối với các trường hợp đã được tiếp nhận và bố trí công tác theo chính sách thu hút nguồn nhân lực (theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quy định về việc tiếp nhận, bố trí công tác và chính sách ưu đãi đối với những người tự nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND) và Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc bãi bỏ một số nội dung của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND) trước ngày Quy định này có hiệu lực thì được điều chỉnh quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ như sau:

a) Tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi sau:

- Được xem xét tuyển dụng vào công chức, viên chức nếu đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;

- Được xem xét cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước hoặc ở nước ngoài, được xem xét giải quyết chế độ trợ cấp đi học theo quy định hiện hành của Nhà nước, của thành phố;

- Đối với trường hợp đối tượng thu hút là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, ngoài chính sách ưu đãi quy định tại tiết 1, 2 điểm a khoản 2 Điều này còn được bố trí nhà chung cư để ở và được miễn tiền thuê nhà trong thời gian 05 (năm) năm. Sau 05 (năm) năm, nếu có nhu cầu tiếp tục thuê nhà thì phải trả tiền thuê nhà theo quy định của thành phố. Trường hợp chưa bố trí được nhà chung cư thì thành phố hỗ trợ tiền thuê nhà theo giá bình quân thuê nhà chung cư của thành phố. Thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà bằng thời gian miễn tiền thuê nhà chung cư. Nếu có nhu cầu mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc mua đất làm nhà ở thì được giảm từ 10% đến 30% so với giá quy định tùy theo vị trí nhà, đất.

b) Trách nhiệm và nghĩa vụ làm việc cho thành phố được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 25 Quy định này.

c) Trường hợp người được thu hút không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định thì phải chịu trách nhiệm hoàn trả nhà chung cư, tiền hỗ trợ một lần ban đầu đã nhận theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND , bồi hoàn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài (nếu có) theo quy định.

d) Mức bồi hoàn khoản chi phí hỗ trợ ban đầu được tính theo công thức sau:

S = (F/T1) x (T1 - T2)

Trong đó:

S là chi phí bồi hoàn;

F là chi phí hỗ trợ ban đầu được cấp cho người được thu hút;

T1 là số tháng làm việc cho thành phố theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 25 Quy định này (60 tháng);

T2 là số tháng đã làm việc tại các cơ quan của thành phố theo sự phân công của cấp có thẩm quyền sau khi thu hút (được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên).

2. Đối với học viên đào tạo ký hợp đồng trước ngày Quy định này có hiệu lực:

a) Trung tâm tiến hành thỏa thuận việc ký kết phụ lục hợp đồng với người đứng tên ký hợp đồng để sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng trước đây cho phù hợp với Quy định này.

b) Nguyên tắc thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng đã ký kết như sau:

- Việc thỏa thuận thực hiện các quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của học viên đào tạo được áp dụng theo các nội dung nêu tại Quy định này;

- Đối với quy định về thời gian cam kết làm việc cho thành phố của học viên đào tạo; trách nhiệm của học viên đào tạo khi vi phạm hợp đồng; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của học viên đào tạo được tuyển chọn theo Kế hoạch số 5406/KH-UBND ngày 20/7/2012 và Kế hoạch số 1057/KH-UBND ngày 04/02/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc tuyển chọn, đào tạo, quản lý và bố trí công tác đối với người được cử đi đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng thì thỏa thuận theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này;

- Việc thỏa thuận phải đảm bảo áp dụng thống nhất và đồng bộ theo Quy định này, không thỏa thuận từng nội dung riêng biệt. Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì tiếp tục thực hiện các nội dung theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký kết.

c) Thỏa thuận việc ký phụ lục hợp đồng sửa đổi, bổ sung một số trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của học viên đào tạo cụ thể như sau:

- Thỏa thuận về thời gian cam kết làm việc cho thành phố:

+ Đối với học viên là CBCCVC tại thời điểm cử đi đào tạo: thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 43 Quy định này;

+ Đối với học viên chưa phải là CBCCVC tại thời điểm cử đi đào tạo bậc đại học tại nước ngoài và ký hợp đồng với Trung tâm trước ngày 10/12/2013 (thời điểm có hiệu lực của Nghị định 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo): thực hiện đúng theo thời gian cam kết tại hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký kết;

+ Đối với học viên không phải là CBCCVC tại thời điểm cử đi đào tạo trình độ sau đại học tại nước ngoài và ký hợp đồng với Trung tâm trước ngày 10/12/2013: thời gian cam kết làm việc cho thành phố ít nhất 07 (bảy) năm trở lên;

+ Đối với học viên không phải là CBCCVC tại thời điểm cử đi đào tạo tại nước ngoài và ký hợp đồng với Trung tâm sau ngày 10/12/2013: gấp 02 (hai) lần thời gian đào tạo đối với học viên đào tạo trình độ đại học; gấp 03 (ba) lần thời gian đào tạo đối với học viên đào tạo trình độ sau đại học;

+ Đối với học viên đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong nước: thời gian cam kết làm việc cho thành phố ít nhất 05 (năm) năm trở lên.

Thời gian công tác cho thành phố nêu trên không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ làm việc bắt buộc cho thành phố theo các cam kết hoặc hợp đồng khác và thời gian học viên được thành phố hoặc cơ quan, đơn vị chủ quản cho phép tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung từ 01 (một) tháng trở lên trong quá trình làm việc cho thành phố theo cam kết.

- Trường hợp học viên đào tạo không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định thì bị buộc chấm dứt tất cả quyền lợi được hưởng theo quy định tại Điều 32, Điều 36 và Điều 41 Quy định này.

- Thỏa thuận về việc thu hồi kinh phí đào tạo: Việc tiến hành thu hồi kinh phí đào tạo được thực hiện theo khoản 2 Điều 49 Quy định này; trong đó:

+ Thời gian cam kết làm việc cho thành phố (T1) được thực hiện theo quy định tại tiết 1 điểm c khoản 2 Điều này.

+ Trường hợp học viên đào tạo được thành phố hỗ trợ chi phí 25.000.000 đồng (hai mươi lăm triệu đồng)/năm trong thời gian học chương trình bác sĩ nội trú thì khi thu hồi kinh phí đào tạo, khoản chi phí hỗ trợ này được tính trong tổng chi phí đào tạo (F) nêu tại điểm b khoản 2 Điều 49 Quy định này.

d) Thỏa thuận việc ký kết phụ lục hợp đồng với học viên đào tạo được tuyển chọn theo Kế hoạch số 5406/KH-UBND ngày 20/7/2012 và Kế hoạch số 1057/KH-UBND ngày 04/02/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc tuyển chọn, đào tạo, quản lý và bố trí công tác đối với người được cử đi đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng như sau:

- Quyền lợi của học viên được thực hiện theo khoản 2 Điều 41 Quy định này. Đồng thời, học viên được hưởng nhũng quyền lợi sau:

+ Được tiếp tục cấp kinh phí đào tạo theo hợp đồng đã ký kết;

+ Sau khi tốt nghiệp đại học, nếu học viên trúng tuyển chương trình bác sĩ nội trú thì được tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo để hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú, cụ thể: Học phí và các chi phí bắt buộc khác được cấp theo thông báo của cơ sở đào tạo; sinh hoạt phí được cấp tính từ thời điểm bắt đầu đến khi kết thúc khóa học;

+ Được nhận hỗ trợ ban đầu một lần sau khi tốt nghiệp, cụ thể: Học viên tốt nghiệp bác sĩ nội trú được nhận hỗ trợ 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng); học viên tốt nghiệp đại học hạng giỏi, xuất sắc được nhận hỗ trợ 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng). Mức hỗ trợ một lần chỉ được cấp 01 (một) lần và áp dụng đối với mức hỗ trợ ở bậc học cao nhất tại thời điểm học viên tốt nghiệp và nhận công tác;

+ Sau khi tốt nghiệp, được ưu tiên xem xét cử đi đào tạo ở bậc cao hơn tại các cơ sở nước ngoài theo các quy định về cử đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài của Quy định này và các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố.

- Trách nhiệm và nghĩa vụ của học viên thực hiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Quy định này (trừ các quy định tại khoản 3 Điều 42; điểm c, d khoản 5 Điều 42 và khoản 4 Điều 43 Quy định này); thời gian cam kết làm việc cho thành phố của học viên được thực hiện theo quy định tại tiểu tiết 5 tiết 1 điểm c khoản 2 Điều này.

- Nếu học viên không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định và vi phạm một trong các quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 48 Quy định này thì:

+ Bị buộc chấm dứt tất cả quyền lợi được hưởng theo Quy định này;

+ Việc bồi hoàn chi phí hỗ trợ ban đầu một lần sau khi tốt nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

+ Việc tiến hành thu hồi kinh phí đào tạo được thực hiện theo khoản 2 Điều 49 Quy định này; trong đó: tổng chi phí đào tạo (F) bao gồm tổng chi phí đào tạo của các chương trình đào tạo được thành phố cấp kinh phí; thời gian cam kết làm việc cho thành phố (T1) được thực hiện theo quy định tại tiểu tiết 5, tiết 1, điểm c, khoản 2 Điều này.

- Đối với học viên được thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo để học chương trình bác sĩ nội trú mà không hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú thì phải hoàn trả cho thành phố 100% kinh phí đào tạo chương trình bác sĩ nội trú đã được cấp và tiếp tục thực hiện các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ khi học viên được tuyển chọn tham gia đào tạo trình độ đại học.

đ) Được xem xét nguyện vọng xin gia hạn thời gian về nhận công tác để học chuyển tiếp bậc cao hơn bằng kinh phí tự túc hoặc bằng học bổng từ các tổ chức, cá nhân hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Gửi cho Trung tâm đơn đăng ký học chuyển tiếp bằng nguồn kinh phí tự túc hoặc bằng học bổng từ các tổ chức, cá nhân hợp pháp ít nhất 03 (ba) tháng trước khi kết thúc khóa học. Sau thời gian này, đơn của học viên sẽ không được tiếp nhận và xem xét;

- Thành phố chưa có nhu cầu cấp thiết sử dụng nhân lực hoặc có nhu cầu đào tạo bậc cao hơn đối với ngành học của học viên;

- Tốt nghiệp chương trình đào tạo đạt loại xuất sắc; đối với trường hợp học ngành y, dược phải tốt nghiệp loại giỏi trở lên.

- Ngành học đăng ký của bậc cao hơn phù hợp với ngành học ở bậc liền kề.

e) Không áp dụng việc tính mức bồi hoàn kinh phí đào tạo và thời gian bồi hoàn kinh phí đối với các trường hợp học viên đã hoàn thành việc bồi hoàn kinh phí; hoặc đã có bản án có hiệu lực của Tòa án nhân dân các cấp; hoặc đã có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền ban hành trước ngày Quyết định này có hiệu lực.

3. Học viên bồi dưỡng ký hợp đồng trước ngày Quy định này có hiệu lực tiếp tục thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.

Điều 57. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc các sở, ban, ngành; thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (thông qua Sở Nội vụ) để theo dõi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 28/2019/QĐ-UBND ngày 04/06/2019 quy định về thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.693

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.105.215
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!