TRƯỞNG
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
250/CP-BCTL
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1996
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ THÍ ĐIỂM THI NÂNG NGẠCH
CHUYÊN VIÊN LÊN CHUYÊN VIÊN CHÍNH
BỘ TRƯỞNG TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30/9/1992;
Căn cứ Nghị định số 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức – cán bộ Chính phủ;
Căn cứ Điều 14 Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định việc nâng
ngạch cho công chức;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Biên chế tiền lương,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm
thời về việc thí điểm thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính.
Điều 2.
Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định
trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM THI NÂNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN LÊN CHUYÊN VIÊN
CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 250/TCCP-BCTL ngày 1 tháng 8 năm 1996 của
Ban tổ chức – cán bộ Chính phủ)
Căn cứ Điều 14
Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định: “Ban tổ chức - cán bộ
Chính phủ phân loại các tổ chức (Tổng cục, Cục, v.v...) ban hành tiêu chuẩn và thống
nhất quản lý các ngạch công chức, viên chức làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tuyển
dụng, bổ nhiệm, thực hiện nâng ngạch, chuyển ngạch và nâng bậc lương.
Từ năm 1994, việc nâng ngạch,
chuyển ngạch, nâng bậc lương do Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ quy định theo
nguyên tắc:
- Nâng ngạch, chuyển ngạch phải
căn cứ vào nhu cầu công việc và thi tuyển.
- Nâng bậc lương trên cơ sở thâm
niên ngạch (2; 3; 4 năm) và kết quả thực hiện công việc”.
Việc tổ chức thi nâng ngạch cho
công chức, viên chức là một yêu cầu để tuyển chọn đội ngũ công chức có phẩm chất
đạo đức tốt, có trình độ, năng lực thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong
công cuộc đổi mới của đất nước; việc thi nâng ngạch cũng chính là để động viên,
khuyến khích công chức nỗ lực học tập, rèn luyện, tạo điều kiện cho cá nhân có
thể cống hiến khả năng, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của
đất nước.
Thực hiện thí điểm thi nâng ngạch
công chức từ ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính, Ban Tổ - cán bộ Chính phủ
ban hành một số quy định về điều kiện, tổ chức, đối tượng, nội dung thi nâng ngạch
chuyên viên lên chuyên viên chính để thực hiện thống nhất trong cả nước.
Chương I.
ĐIỀU KHOẢN QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1.
Đối tượng thí điểm thi nâng ngạch chỉ tổ chức ở ngành
hành chính và thi nâng từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính.
Điều 2.
1. Cơ
quan chủ trì tổ chức thí điểm thi nâng ngạch là Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
2. Hội đồng thi do Bộ trưởng,
Trưởng ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ quyết định. Chủ tịch Hội đồng thi sẽ ra
quyết định thành lập ban chấm thi, ban coi thi.
Điều 3.
Hình thức thi nâng ngạch gồm hai phần: phần thi bắt buộc
và phần thi khuyến khích.
1. Phần thi bắt buộc gồm:
a. Bài thi viết.
b. Thi vấn đáp.
2. Phần thi
khuyến khích để cộng thêm điểm là phần thi ngoại ngữ: tiếng Anh.
Điều 4.
Người dự thi là công chức hành chính đang làm việc trong
các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và phải được Hội đồng sơ tuyển
của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ),
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) xét duyệt
cử đi dự thi.
Chương II
ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ DỰ THI
VÀ TỔ CHỨC VIỆC SƠ TUYỂN
Điều 5.
Người được cử dự thi nâng ngạch phải có đủ các điều kiện
sau đây:
1. Là công chức hành chính, đang
hưởng lương chuyên viên, đã đạt các tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch chuyên viên
ban hành theo QĐ số 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993, có phẩm chất đạo đức tốt, cần
kiệm, liêm chính, chí công vô tư; có nếp sống lành mạnh. Chấp hành nghiêm chỉnh
đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, trung thực, có ý thức tổ chức kỷ luật
tốt.
2. Có các văn bằng, chứng chỉ và
những công trình, đề án,... đã được đưa vào quản lý có hiệu quả (khi nộp chỉ cần
nộp bản sao và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức).
Điều 6.
1. Mỗi Bộ,
tỉnh thành lập một Hội đồng sơ tuyển do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định
để xét duyệt cử người dự thi nâng ngạch.
2. Thành phần Hội đồng gồm:
a. Chủ tịch Hội đồng:
- ở Trung ương đại diện lãnh đạo
Bộ.
- ở địa phương là đại diện lãnh đạo
Uỷ ban nhân dân tỉnh.
b. Phó Chủ tịch thường trực:
- ở Trung ương là Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ của Bộ.
- ở địa phương là Trưởng ban Tổ
chức chính quyền tỉnh.
c. Các uỷ viên: tuỳ theo yêu cầu
cụ thể mà Bộ, tỉnh quyết định cử các đồng chí Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Ban,
ngành vào thành viên Hội đồng.
Số thành viên Hội đồng là 5 hoặc
7 người.
d. Nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng
sơ tuyển:
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị
thuộc Bộ, tỉnh việc lập hồ sơ của người dự thi nâng ngạch theo đúng yêu cầu tại
Khoản 1, Điều 7 của bản quy định này để đề nghị lên Hội đồng sơ tuyển Bộ, tỉnh.
- Tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ
sơ từng người theo đúng nguyên tắc ghi tại Khoản 2, Điều 7 của bản quy định
này.
Điều 7.
Hội đồng sơ tuyển và quy trình tổ chức việc sơ tuyển cử
người dự thi:
1. Người đăng
ký dự thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính phải làm hồ sơ gồm:
- Đơn xin dự thi nâng ngạch.
- Bản khai lý lịch khoa học có
xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức (theo mẫu số 1 đính kèm).
- Các văn bằng, chứng chỉ, công
trình, đề án đã được đưa vào áp dụng.
Hồ sơ cá nhân được gửi về Hội đồng
sơ tuyển của Bộ, tỉnh.
2. Hội đồng sơ tuyển của Bộ, tỉnh
xét duyệt cử người đi dự thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính theo
nguyên tắc:
a. Cơ quan, đơn vị có người dự
thi phải có nhu cầu vị trí làm việc của ngạch chuyên viên chính. Sau khi thi
xong, nếu người dự thi đạt kết quả phải được xếp đúng vị trí làm việc.
b. Hội đồng thẩm định, xét duyệt
hồ sơ từng người đảm bảo các điều kiện đã nêu ở Điều 5, sau đó tiến hành bỏ phiếu
kín. Người được cử đi dự thi phải đạt được 2/3 trên tổng số thành viên của Hội
đồng nhất trí.
c. Hội đồng sơ tuyển của Bộ, tỉnh
lập danh sách (theo mẫu số 2 đính kèm) trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh để có văn bản
gửi về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ đăng ký dự thi (kèm theo toàn bộ hồ sơ của
người dự thi).
Chương III
NỘI DUNG THI VÀ TỔ CHỨC
THỰC HIỆN VIỆC THI NÂNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN LÊN CHUYÊN VIÊN CHÍNH
Điều 8.
Về nội dung thi: căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch
chuyên viên chính đã ban hành tại Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 9/5/1993 của Bộ
trưởng, Trưởng ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
1. Phần thi viết: chủ yếu thi
chuyên môn về công tác quản lý Nhà nước để thực thi các nhiệm vụ của chuyên
viên chính như trong tiêu chuẩn nghiệp vụ quy định.
2. Phần thi vấn đáp: đưa ra những
tình huống trong nghiệp vụ quản lý Nhà nước để yêu cầu thí sinh trình bày và
nêu những biện pháp xem xét, xử lý cụ thể.
3. Phần thi
ngoại ngữ là phần thi khuyến khích và thống nhất thi tiếng Anh ở trình độ B. Phần
thi ngoại ngữ là không bắt buộc, thí sinh nếu tự nguyện thi sẽ được cộng điểm.
Điều 9.
Tổ chức thực hiện việc thi nâng ngạch chuyên viên lên
chuyên viên chính:
1. Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ
là cơ quan chủ trì tổ chức thí điểm việc thi nâng ngạch từ chuyên viên lên
chuyên viên chính.
2. Hội đồng thi nâng ngạch:
a. Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức
- cán bộ Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thi nâng ngạch từ chuyên viên lên
chuyên viên chính.
b. Thành phần Hội đồng thi nâng
ngạch gồm có:
- Chủ tịch Hội đồng là 1 đại diện
lãnh đạo Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
- Uỷ viên thường trực: là Vụ trưởng
Vụ Biên chế tiền lương Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
- Uỷ viên thường trực: là Vụ trưởng
Vụ Biên chế tiền lương Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
- Các ủy viên: đại diện của một
số Bộ, ngành Học viện Hành chính Quốc gia và các chuyên gia do Bộ trưởng, Trưởng
ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ chỉ định.
Số thành viên của Hội đồng là 5 hoặc
7 người.
c. Hội đồng thi có nhiệm vụ:
- Xét duyệt danh sách các thí
sinh dự thi.
- Ban hành nội quy thi.
- Chọn đề bài thi, quy định điểm
chấm thi, điểm đạt.
- Tổ chức thi.
- Kiểm tra quá trình thi nâng ngạch.
- Thành lập Ban chấm thi, ban
coi thi và quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban chấm thi, coi thi.
- Báo cáo Bộ trưởng - trưởng ban
Tổ chức - Cán bộ Chính phủ quyết định số thí sinh thi đạt để bổ nhiệm vào ngạch
Chuyên viên chính.
- Tổng kết, rút kinh nghiệm cuộc
thi thí điểm để thực hiện rộng rãi cuộc thi sau.
Chương IV.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10.
Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Những văn bản
trước đây trái với bản quy định này đều bãi bỏ.
Điều 11.
Hội đồng thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên
chính có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Bản quy định này.