QUY CHẾ
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH TỈNH VĨNH PHÚC
TRONG QUẢN LÝ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng
điều chỉnh
Quy chế này quy định những nguyên tắc, trách nhiệm,
quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc (dưới đây
gọi tắt là các cơ quan) trong công tác quản lý lao động là người nước ngoài làm
việc trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nội dung chủ yếu của
công tác quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh
Phúc
1. Theo dõi, thống kê, tổng hợp, phân tích tình
hình sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
theo quy định của pháp luật.
2. Hướng dẫn, tuyên truyền các nội dung cơ bản của
pháp luật lao động trong quản lý sử dụng lao động là người nước ngoài.
3. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật
lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trong quản lý, sử dụng lao động là người
nước ngoài.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
Thực hiện chức
năng quản lý Nhà nước được pháp luật quy định và chỉ đạo của UBND tỉnh. Các cơ
quan quản lý Nhà nước của tỉnh có trách nhiệm tổ chức công tác quản lý lao động
là người nước ngoài trong phạm vi, chức năng và trách nhiệm được giao; chủ động
phối hợp với các đơn vị hữu quan để đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong công
tác quản lý nhà nước về lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Chương II
QUAN
HỆ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI
NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Điều 4. Trách nhiệm của Sở
Lao động Thương binh và Xã hội
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lao
động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, có trách nhiệm:
1. Chủ trì,
phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành, thị có liên quan tuyên
truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước
và của tỉnh; tuyên truyền pháp luật lao động; đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp,
cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện các quy định
của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc tại
Việt Nam.
2. Tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp giấy
phép lao động, hồ sơ đề nghị gia hạn và hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động.
3. Thực hiện cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy
phép lao động và cấp lại giấy phép lao động cho lao động là người nước ngoài
vào làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức theo quy định của pháp luật về tuyển
dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
4. Chủ trì tập huấn cho cán bộ Phòng lao động-TB&XH
các huyện, thành, thị, cán bộ nhân sự của các đơn vị có sử dụng lao động là người
nước ngoài về các văn bản quy định sử dụng, quản lý lao động là người nước
ngoài.
5. Theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình lao động
là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa
bàn tỉnh.
6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định
của pháp luật về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài của các doanh nghiệp,
tổ chức có sử dụng lao động là người nước ngoài;
Phối hợp với Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu
công nghiệp tỉnh kiên quyết xử lý với số lao động nước ngoài không có giấy phép
lao động.
7. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội tình hình tuyển dụng và sử dụng lao động là người nước ngoài.
Báo cáo định kỳ trước ngày 25 của tháng cuối quý (báo cáo quý), ngày 05
tháng 7 (báo cáo 6 tháng) và ngày 05 tháng 01 (báo cáo năm).
Điều 5. Trách nhiệm của Công
an tỉnh
1. Thực hiện quản lý xuất, nhập cảnh đối với người
nước ngoài và lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ
quan, tổ chức theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Hướng dẫn
các đơn vị có sử dụng lao động là người nước ngoài, người nước ngoài làm các thủ
tục: Đề nghị cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực và thực hiện khai báo
thường trú, tạm trú cho cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh và công an địa phương
nơi đăng ký thường trú, tạm trú. Cấp thẻ tạm trú, gia hạn, sửa đổi, bổ sung tạm
trú, thị thực cho người nước ngoài khi họ có đủ điều kiện công tác, lao động ở
địa phương.
3. Phối hợp với
các cơ quan có liên quan quản lý hướng dẫn, đôn đốc lao động nước ngoài, các
doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động là người nước ngoài tuân thủ
các quy định của pháp luật về an ninh trật tự và an toàn xã hội.
4. Thực hiện
chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực ANTT và quản lý xuất, nhập cảnh. Phát
hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm an ninh trật
tự của lao động là người nước ngoài, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng
lao động là người nước ngoài; xử lý các vi phạm của chủ thể sử dụng lao động là
người nước ngoài theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội tỉnh xử lý số lao động nước ngoài không có giấy phép lao động.
5. Báo cáo
UBND tỉnh danh sách người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, danh sách người
nước ngoài được cấp thẻ thường trú, tạm trú, visa và tình hình lao động nước
ngoài cư trú, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh (qua Sở Lao động Thương
binh và Xã hội để tổng hợp). Báo cáo định kỳ vào ngày 20 của tháng cuối quý (báo
cáo quý), ngày 30 tháng 6 (báo cáo 6 tháng) và ngày 31 tháng 12 (báo
cáo năm).
Điều 6. Trách nhiệm của Sở
Công Thương
1. Cấp, cấp lại,
sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi
nhánh Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài theo thẩm quyền.
2. Thực hiện quản lý nhà nước đối với Văn phòng
đại diện, chi nhánh Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài theo quy định
của pháp luật.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên
quan thanh tra, kiểm tra hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh Văn phòng
đại diện của thương nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật.
4. Báo cáo
UBND tỉnh về tình hình cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và tình hình
hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh Văn phòng đại diện của thương nhân
nước ngoài trên địa bàn (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp).
Báo cáo định kỳ ngày 20 của tháng cuối quý (báo cáo quý), ngày 30 tháng
6 (báo cáo 6 tháng) và ngày 31 tháng 12 (báo cáo năm).
Điều 7. Trách nhiệm của Sở
Tư pháp
1. Tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp phiếu
lý lịch tư pháp cho lao động là người nước ngoài.
2. Theo dõi, quản lý, hướng dẫn lao động là người
nước ngoài hoặc người Việt Nam được uỷ quyền về trình tự, thủ tục xin cấp phiếu
lý lịch tư pháp.
3. Kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị xin
cấp phiếu lý lịch tư pháp.
4. Cấp phiếu lý lịch tư pháp cho lao động là người
nước ngoài.
5. Báo cáo
UBND tỉnh về tình hình cấp phiếu lý lịch tư pháp cho lao động là người nước
ngoài trên địa bàn tỉnh (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp).
Báo cáo định kỳ ngày 20 của tháng cuối quý (báo cáo quý), ngày 30 tháng
6 (báo cáo 6 tháng) và ngày 31 tháng 12 (báo cáo năm).
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Kế
hoạch và Đầu tư
1. Thông báo, trao đổi kịp thời với Sở Lao động
Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban quản lý các KCN, các Sở, Ngành liên
quan các thông tin: Cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh có góp vốn của người nước ngoài; người đại diện theo pháp luật là người
nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
2. Báo cáo
UBND tỉnh về tình hình Cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh có góp vốn của người nước ngoài; người đại diện theo pháp luật là
người nước ngoài trên địa bàn tỉnh (qua Sở
Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp). Báo cáo định kỳ ngày 20 của tháng
cuối quý (báo cáo quý), ngày 30 tháng 6 (báo cáo 6 tháng) và ngày
31 tháng 12 (báo cáo năm).
Điều 9. Trách nhiệm của Ban
quản lý các khu Công nghiệp tỉnh
1. Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
thực hiện có hiệu quả các nội dung ủy quyền về quản lý nhà nước về lao động của
người nước ngoài trong các khu công nghiệp theo Quy định tại Thông tư số
13/2009/TT-BLĐTBXH ngày 6/5/2009 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Hướng
dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp.
2. Chủ trì, phối hợp các Sở, Ngành liên quan xử
lý, giải quyết các vụ việc liên quan người nước ngoài gây rối trật tự, biểu
tình, bãi công ở các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp.
3. Báo cáo UBND tỉnh về tình hình Cấp mới, điều
chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư mà có góp vốn của người nước ngoài; người
đại diện theo pháp luật là người nước ngoài (qua Sở Lao động Thương binh và Xã
hội để tổng hợp). Báo cáo định kỳ vào ngày 20 của tháng cuối quý (báo cáo
quý), ngày 30 tháng 6 (báo cáo 6 tháng) và ngày 31 tháng 12 (báo cáo
năm).
Điều 10. Trách nhiệm của Sở
Y tế
Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám sức khỏe cho
người nước ngoài theo quy định của Bộ Y tế.
Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các Sở,
Ngành có liên quan xử lý giải quyết khi có các vụ việc liên quan lao động là
người nước ngoài ốm, chết, dịch bệnh tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có sử
dụng lao động là người nước ngoài.
Điều 11. UBND các huyện,
thành phố, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn
1. Phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê,
rà soát số lao động nước ngoài đang làm việc và sinh sống trên địa bàn thuộc phạm
vi quản lý.
2. Phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt
chẽ lao động là người nước ngoài cư trú, làm việc trên địa bàn.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Khen thưởng và xử
lý vi phạm
1. Cán bộ, công chức có thành tích trong công
tác quản lý lao động nước ngoài được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức khi thi hành công vụ nếu vi
phạm các quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính
chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị,
UBND các xã, phường, thị trấn có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được
phân công có trách nhiệm tổ chức, thực hiện quy chế này.
Trong quá trình thực hiện quy chế nếu có khó
khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, tổ chức phản ánh về Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh nghiên cứu giải quyết./.