ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
22/2009/QĐ-UBND
|
Biên
Hòa, ngày 02 tháng 04 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP
THỂ KHÔNG THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH
NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số
171/TTr-LĐTBXH- CSLĐ ngày 24 tháng 11 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giải
quyết tranh chấp lao động tập thể không theo trình tự, thủ tục quy định của
pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 1596/2003/QĐ.UBT của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng
Nai ngày 03/6/2003 về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa UBND các huyện, thành
phố Biên Hòa với các sở, ban, ngành trong việc xử lý bước đầu các vụ tranh chấp
lao động tập thể tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 3.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các cơ quan: Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh; Trưởng ban Quản
lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, Cục trưởng Cục Thuế, Cục Hải quan, Liên đoàn
Lao động tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố
Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
CHỦ TỊCH
Võ Văn Một
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ KHÔNG THEO
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 22/2009/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2009 của
UBND tỉnh Đồng Nai)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm
và quan hệ phối hợp xử lý bước đầu giữa UBND các huyện, thị xã Long Khánh,
thành phố Biên Hòa và các sở, ban, ngành liên quan trong việc giải quyết các vụ
tranh chấp lao động tập thể, đình công tự phát tại các doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là tranh chấp lao động)
không theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật lao động nhưng không trái
những quy định chung của pháp luật.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị
xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (gọi tắt là Chủ tịch UBND cấp huyện);
2. Các cơ quan chức năng cấp huyện:
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an huyện, Liên đoàn Lao động huyện
và các ngành liên quan tại địa phương;
3. Các cơ quan chức năng cấp tỉnh:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Ban
Quản lý các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Cục Thuế và Cục Hải quan.
Điều 3.
Nguyên tắc phối hợp giải quyết
1. Việc giải quyết các vụ tranh
chấp lao động khi có yêu cầu của doanh nghiệp hoặc tập thể người lao động về việc
hỗ trợ giải quyết và những vụ tranh chấp có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh,
trật tự địa phương hoặc quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động.
2. Việc hỗ trợ giải quyết các vụ
tranh chấp lao động giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được tiến hành công
khai, thống nhất, đúng quy định của pháp luật.
3. Người chủ trì giải quyết
tranh chấp lao động có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên
quan giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động nhằm đảm bảo ổn định phát
triển sản xuất và trật tự xã hội.
Chương II
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP VÀ
NỘI DUNG GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC VỤ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG
Điều 4. Đoàn
công tác
1. Chủ tịch UBND cấp huyện có
trách nhiệm chủ động nắm tình hình và tổ chức Đoàn công tác giải quyết tranh chấp
lao động tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn quản
lý.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện trực
tiếp làm Trưởng đoàn giải quyết các vụ tranh chấp lao động. Trường hợp do công
tác đột xuất thì có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc Trưởng phòng, ban, ngành
cấp huyện làm Trưởng đoàn giải quyết tranh chấp lao động.
3. Thành viên Đoàn công tác gồm
đại diện phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an huyện, Liên đoàn Lao động
huyện và các ngành liên quan tại địa phương. Tùy theo tính chất và quy mô của vụ
tranh chấp lao động, đình công, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định số thành
viên tham gia giải quyết.
4. Đối với những vụ tranh chấp
lao động có những tình tiết phức tạp, Trưởng đoàn công tác có thể đề nghị các
cơ quan chức năng có liên quan cấp tỉnh tham gia phối hợp hỗ trợ giải quyết.
5. Trường hợp xảy ra cùng lúc
nhiều vụ tranh chấp lao động trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp huyện (Trưởng đoàn
công tác) phân công các thành viên trong Đoàn công tác thành các tổ công tác để
giải quyết tranh chấp lao động ở các địa điểm, khu vực do Phó Chủ tịch UBND cấp
huyện hoặc Trưởng phòng, ban, ngành của huyện làm Tổ trưởng giải quyết tranh chấp
lao động.
Điều 5. Mối
quan hệ phối hợp giải quyết các vụ tranh chấp lao động
1. Thành viên Đoàn công tác có
trách nhiệm đề ra các phương pháp giải quyết ổn định vụ việc trong thời gian sớm
nhất theo sự phân công của Trưởng đoàn.
2. Khi nhận được thông báo của
Chủ tịch UBND cấp huyện, các sở, ngành chức năng của tỉnh căn cứ chức năng nhiệm
vụ của đơn vị, có trách nhiệm hỗ trợ Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết kịp thời
các vụ tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6, Điều 7
và Điều 8 của Quy chế này.
3. Khi xét thấy vụ tranh chấp
lao động có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công
cộng, Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để
chỉ đạo xử lý kịp thời hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định hoãn hoặc
ngừng đình công.
Điều 6. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Đoàn công tác:
1. Ổn định tình hình an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp
hoạt động. Giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Hướng dẫn và yêu cầu các bên
tranh chấp lao động thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với những
nội dung tranh chấp lao động liên quan đến quyền.
Đề xuất các phương án để giúp
các bên thương lượng đạt được sự thỏa thuận chung đối với những nội dung tranh
chấp lao động liên quan đến lợi ích.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của người lao động và người sử dụng lao động.
Điều 7. Nội
dung xử lý bước đầu trong việc giải quyết tranh chấp lao động của Đoàn công tác
1. Tiếp xúc với chủ doanh nghiệp,
Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn cơ sở hoặc BCH Công đoàn lâm thời hoặc đại diện hợp
pháp của tập thể người lao động để nắm tình hình, xác định những nguyên nhân xảy
ra tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích.
2. Tiếp xúc với tập thể người
lao động để nắm những yêu cầu cơ bản của người lao động, đồng thời giải thích,
hướng dẫn cho người lao động về quyền và nghĩa vụ trong việc thực hiện những
yêu cầu của người lao động và trình tự giải quyết tranh chấp lao động, đình
công, theo quy định của pháp luật lao động.
3. Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp
hồ sơ có liên quan đến nội dung tranh chấp lao động, hướng dẫn và yêu cầu doanh
nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền và chủ động tự
dàn xếp, thương lượng thỏa thuận với người lao động những nội dung có liên quan
đến lợi ích.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp đề ra
phương án và phối hợp tổ chức triển khai phương án giải quyết tranh chấp lao động
tập thể, đình công.
5. Hướng dẫn và yêu cầu doanh
nghiệp ra thông báo về kết quả thương lượng, giải quyết những yêu cầu của người
lao động.
6. Thông qua nội dung bản thông
báo kết quả thương lượng, giải quyết những yêu cầu của người lao động.
7. Phối hợp với doanh nghiệp vận
động, thuyết phục người lao động và người sử dụng lao động thực hiện phương án
giải quyết tranh chấp lao động.
a) Trong trường hợp các bên
tự hòa giải thành hoặc chấp thuận phương án giải quyết tranh chấp
của Đoàn công tác, thì Đoàn công tác lập biên bản thống nhất phương án
giải quyết tranh chấp lao động. Các bên có nghĩa vụ chấp hành các
thỏa thuận ghi trong biên bản.
b) Trường hợp tập thể người
lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với phương án giải
quyết của Đoàn công tác thì hướng dẫn cho các bên thực hiện trình tự giải
quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Điều 8. Nhiệm
vụ của các thành viên trong Đoàn công tác
1. Chủ tịch UBND cấp huyện
a) Tổ chức ngay Đoàn công tác đến
địa điểm xảy ra tranh chấp lao động, chủ trì và phân công nhiệm vụ cụ thể cho
các thành viên tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động.
b) Chủ trì tiếp xúc với chủ
doanh nghiệp và đại diện người lao động, đồng thời trực tiếp kiểm tra các hồ sơ
và sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp, hướng dẫn doanh nghiệp thực
hiện theo quy định của pháp luật lao động đối với những nội dung có liên quan đến
quyền và hướng dẫn các bên tranh chấp thực hiện việc thương lượng, thỏa thuận
những nội dung liên quan đến lợi ích.
c) Đề xuất và thống nhất với các
thành viên Đoàn công tác về phương án giải quyết, đồng thời phối hợp với doanh
nghiệp và đại diện người lao động triển khai phương án.
Trong trường hợp chưa có sự thống
nhất nội dung phương án giải quyết tranh chấp lao động giữa các thành viên tham
gia Đoàn công tác thì phương án sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.
d) Đối với những vụ tranh chấp
lao động có những tình tiết phức tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện thông báo cho các
sở, ban, ngành chức năng cấp tỉnh có liên quan biết để phối hợp hỗ trợ giải quyết.
e) Tổng hợp tình hình, báo cáo kết
quả giải quyết tranh chấp lao động, đình công với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thường xuyên tổng hợp báo cáo
nhanh, báo cáo định kỳ tình hình tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp
lao động, đình công về Sở Lao động - Thương binh Xã hội để tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình tranh chấp lao động,
đình công trên địa bàn tỉnh.
g) Xử lý theo quy định của pháp
luật những hành vi vi phạm pháp luật lao động trước, trong và sau khi xảy ra
tranh chấp lao động.
h) Chỉ đạo lực lượng Công an có
biện pháp xử lý những đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo, cản trở người
khác thực hiện các quy định của pháp luật và những nội dung thông báo của Trưởng
đoàn công tác.
2. Các cơ quan chức năng có liên
quan cấp tỉnh
Khi nhận được thông báo và đề
nghị hỗ trợ tham gia phối hợp giải quyết tranh chấp lao động của Chủ tịch UBND
cấp huyện thì Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm cử đại diện
đến hỗ trợ địa phương thực hiện những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
- Thực hiện chức năng quản lý
Nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Hỗ trợ Chủ tịch UBND cấp huyện
trong việc hướng dẫn giải quyết các vụ tranh chấp lao động, đình công có những
tình tiết phức tạp (khi có đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện đối với các
doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp);
- Hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp
và người lao động thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoãn hoặc ngừng
đình công (nếu có) đối với các doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp;
- Xử lý theo quy định của pháp
luật những hành vi vi phạm pháp luật lao động trước, trong và sau khi xảy ra
tranh chấp lao động, đình công;
- Chủ trì phối hợp với các sở,
ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa và giải
quyết tranh chấp lao động, đình công trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo;
- Tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND
tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết tranh chấp lao động,
đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Ban Quản lý các Khu công
nghiệp
- Phát hiện, thông báo kịp
thời với Chủ tịch UBND cấp huyện, các cơ quan chức năng có liên quan về
các vụ tranh chấp lao động xảy ra tại các doanh nghiệp trong khu công
nghiệp;
- Phối hợp với Chủ tịch UBND cấp
huyện trong việc hướng dẫn giải quyết tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp
trong khu công nghiệp;
- Hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp
và người lao động thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoãn hoặc ngừng
đình công (nếu có);
- Tham gia kiểm tra các hồ sơ
liên quan đến nội dung đang tranh chấp lao động; phối hợp hướng dẫn doanh
nghiệp và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật lao động;
- Cung cấp cho Đoàn công tác
các thông tin về tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp trong khu công
nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động;
- Tham gia góp ý về phương
án giải quyết tranh chấp lao động và phối hợp với các sở, ngành, doanh
nghiệp triển khai thực hiện phương án.
c) Liên đoàn Lao động tỉnh
- Chỉ đạo cho Công đoàn cơ sở
các cấp nắm tình hình phát hiện và thông báo kịp thời cho Công đoàn cấp trên
và Chủ tịch UBND cấp huyện nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động;
- Làm việc với Ban Chấp hành
Công đoàn cơ sở (nếu có) và tiếp xúc với người lao động để biết rõ nguyên nhân
xảy ra tranh chấp lao động;
- Tuyên truyền, vận động và giải
thích cho người lao động hiểu rõ và thực hiện các quy định của pháp luật lao động
về quan hệ lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp;
- Tham gia góp ý về phương án giải
quyết vụ tranh chấp lao động;
- Giải thích, vận động, thuyết
phục người lao động trở lại vị trí làm việc và giám sát việc thực hiện quyết định
của Thủ tướng Chính phủ về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có);
d) Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng Công an theo
thẩm quyền cùng Đoàn công tác phối hợp với Công an địa phương để thực hiện các
nhiệm vụ sau:
- Ổn định tình hình an ninh,
trật tự tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động sản xuất
kinh doanh xảy ra tranh chấp lao động;
- Chỉ đạo cho các lực lượng Công
an ở cơ sở nắm tình hình phát hiện và thông báo kịp thời cho Chủ tịch UBND cấp
huyện nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động;
- Ngăn chặn, xử lý kịp thời
các hành vi kích động, gây rối, cưỡng ép người lao động đình công và
thông báo kết quả xử lý cho Chủ tịch UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành liên
quan và doanh nghiệp biết;
- Đảm bảo an ninh, trật tự
trên địa bàn trong quá trình Đoàn công tác, chủ doanh nghiệp và người lao
động giải quyết tranh chấp lao động.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Cung cấp cho Đoàn công tác
các thông tin về tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp nằm ngoài các khu
công nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động;
- Tham gia góp ý kiến về
phương án giải quyết tranh chấp lao động của doanh nghiệp nằm ngoài các
khu công nghiệp.
g) Cục Thuế và Cục Hải quan
tỉnh
- Cung cấp cho Đoàn công tác
các thông tin về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và các thông
tin khác của doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động;
- Tham gia góp ý kiến về
phương án giải quyết tranh chấp lao động.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm đảm bảo kinh phí,
phương tiện phục vụ cho Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ; chịu trách nhiệm về nội
dung khi cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng; tổng hợp
báo cáo kết quả giải quyết về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp
báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 10.
Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Trưởng ban
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế và Cục Hải
quan tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.
Đề nghị Liên đoàn Lao động
tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Quy chế.
Các cơ quan là thành viên của
Đoàn công tác có trách nhiệm cử cán bộ đúng thành phần quy định tham gia Đoàn
và chấp hành sự phân công của Trưởng Đoàn và được hưởng các chế độ theo quy định
hiện hành./.