ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1999/QĐ-UBND
|
Bình Định,
ngày 19 tháng 6 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN, ĐÀO TẠO
NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIA ĐÌNH CÁC CẤP ĐẾN NĂM
2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày
29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển gia
đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án Kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện
công tác gia đình các cấp đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thường trực Ban Chỉ đạo
Công tác gia đình tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án Kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực
đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh
chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện
tốt Kế hoạch.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ; Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan và các thành
viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Thanh Thắng
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN, ĐÀO TẠO NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ
CÁN BỘ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIA ĐÌNH CÁC CẤP ĐẾN NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 19/6/2014 của UBND tỉnh)
Thực hiện Quyết định số
200/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiện toàn,
đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến
năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện
Đề án trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. TÌNH HÌNH ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIA ĐÌNH CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
- Công tác gia đình là lĩnh vực tương đối mới,
cán bộ từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình
còn kiêm nhiệm nhiều việc, từ đó đã phân tán công tác chuyên sâu, chưa nắm rõ
các quy định thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Từ thực tế cho thấy, trong nhiều
năm qua, công tác thống kê số liệu về bạo lực gia đình rất khó khăn do chưa có
đội ngũ cộng tác viên và còn thiếu kinh nghiệm hỗ trợ cho việc điều tra thu thập
số liệu.
- Trong nhận thức, một số cán bộ còn coi những vấn
đề trong gia đình là chuyện riêng của từng gia đình. Về kỹ năng, phần lớn cán bộ
chưa được trang bị kiến thức, phương pháp tuyên truyền. Điều đó dẫn đến những hạn
chế trong công tác gia đình như việc xử lý các hành vi vi phạm bạo lực gia đình
nhiều nơi chưa kịp thời; công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình
theo pháp luật còn hạn chế.
- Nguồn kinh
phí đầu tư cho công tác gia đình còn ở mức thấp, thậm chí ở cấp huyện, cấp xã
có nơi chưa được bố trí kinh phí cho nên việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ
thực hiện công tác gia đình các cấp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Tình hình đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia
đình các cấp trên địa bàn tỉnh đã trở nên một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có
một kế hoạch tích cực, cụ thể nhằm kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ
nhằm thực hiện hiệu quả công tác gia đình trên toàn tỉnh.
II. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI
1. Mục tiêu
a. Mục tiêu tổng quát: Kiện toàn tổ chức
bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình
các cấp và mạng lưới cộng tác viên gia đình ở cơ sở nhằm thực hiện hiệu quả Chiến
lược phát triển gia đình đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
b. Mục tiêu cụ thể:
- Kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về
gia đình các cấp và xây dựng mạng lưới cộng tác viên gia đình ở cơ sở:
+ Đến năm 2015: Duy trì, củng cố đội ngũ cán bộ,
công chức thực hiện công tác gia đình các cấp bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước về gia đình; mở rộng mạng lưới cán bộ theo hướng cấp tỉnh,
ban, ngành có cán bộ theo dõi công tác gia đình; hoàn thành việc xây dựng, phát
triển mạng lưới cộng tác viên gia đình ở cơ sở theo hướng sử dụng mạng lưới cộng
tác viên hiện có;
+ Đến năm 2020: Hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất
mô hình cơ quan tham mưu công tác gia đình các cấp bảo đảm đáp ứng được yêu cầu
quản lý nhà nước về gia đình trong tình hình mới.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ
cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, các ngành và mạng lưới cộng
tác viên cơ sở
+ Đến năm 2016: trên 50% cán bộ, công chức thực
hiện công tác gia đình các cấp, ngành và mạng lưới cộng tác viên cơ sở được
tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện công
tác gia đình;
+ Đến năm 2020: Đội ngũ cán bộ, công chức thực
hiện công tác gia đình các cấp, các ngành và mạng lưới cộng tác viên cơ sở được
nâng cao năng lực thực hiện công tác gia đình thông qua việc tham gia các
chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng định kỳ.
2. Phạm vi: Triển khai đồng bộ
trên tất cả các cấp ở địa phương trong toàn tỉnh.
III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện
công tác gia đình các cấp và xây dựng mạng lưới cộng tác viên cơ sở (giai đoạn
2014 - 2015):
- Nghiên cứu, đánh giá chất lượng, nhu cầu đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình
các cấp;
- Hướng dẫn việc bảo đảm nhân lực thực hiện nhiệm
vụ quản lý nhà nước về gia đình ở địa phương và xây dựng mạng lưới cộng tác
viên cơ sở.
2. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội
ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác
viên cơ sở (giai đoạn 2014 - 2020):
- Xây dựng đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy
công tác gia đình trong các cơ sở đào tạo thuộc khối khoa học xã hội;
- Xây dựng đội ngũ báo cáo viên nguồn về công tác
gia đình các cấp;
- Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác
gia đình các cấp;
- Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình bồi
dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên công
tác gia đình cấp xã và mạng lưới cộng tác viên cơ sở;
- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công
tác gia đình cho đội ngũ cán bộ truyền thông, tư vấn trong lĩnh vực gia đình;
- Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình
bồi dưỡng nội dung quản lý nhà nước về gia đình và công tác gia đình tại một số
cơ sở đào tạo thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành
quản lý nhà nước về gia đình, chuyên ngành công tác gia đình.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước: Kinh phí thực
hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân
sách Nhà nước (Kế hoạch, Đề án được HĐND thông qua, UBND phê duyệt).
2. Kinh phí vận động: Thông qua
nguồn tài trợ, viện trợ các dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức chính
trị - xã hội; các nguồn huy động hợp pháp khác.
Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, các sở,
ban, ngành, đoàn thể và địa phương lập dự toán chi ngân sách hàng năm, trình cơ
quan có thẩm quyền.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ
trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan xây dựng các kế hoạch thực hiện và
hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kế hoạch hàng năm, thống nhất
với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối bố trí ngân sách thực hiện Kế
hoạch trên phạm vi toàn tỉnh; Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch;
tổ chức sơ kết, tổng kết Kế hoạch thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh.
2. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng các văn bản
hướng dẫn kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng
lưới cộng tác viên gia đình cơ sở.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối
hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai, thực hiện các hoạt động đào
tạo chuyên môn, nghiệp vụ công tác gia đình trong các cơ sở đào tạo thuộc phạm
vi quản lý.
4. Sở Tài chính: Hướng dẫn các sở, ban,
ngành xây dựng dự toán kinh phí hàng năm bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục
tiêu của Kế hoạch.
5. Các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng
dẫn, chỉ đạo theo ngành và theo lĩnh vực chuyên môn các nội dung của công tác
gia đình; xây dựng kế hoạch và lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án
hiện hành có liên quan đến công tác gia đình nhằm thực hiện có hiệu quả các mục
tiêu của Kế hoạch.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố
- Tổ chức triển khai Kế hoạch, thực hiện Kế hoạch
theo phân cấp quản lý;
- Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tăng
cường nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình tại địa phương,
ưu tiên xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên về gia đình ở cơ sở;
- Bảo đảm ngân sách địa phương thực hiện có hiệu
quả các mục tiêu của Kế hoạch;
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ
chức thực hiện Kế hoạch tại địa bàn quản lý.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án Kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện
công tác gia đình các cấp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; trong quá
trình thực hiện nếu có vướng mắc các địa phương, đơn vị gửi về Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.