ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1984/QĐ-UBND
|
Lào Cai, ngày 11
tháng 8 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày
14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 177/TTr-LĐTBXH ngày 12/7/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hòa giải
viên lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị,
cá nhân có liên quan và các Hòa giải viên lao động (theo Quyết định bổ nhiệm của
UBND tỉnh Lào Cai) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH;
- TT. UBND tỉnh;
- Như điều 2 (QĐ);
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Liên đoàn Lao động tỉnh;
- CVP, CVP2;
- Cổng thông tin điệp tử tỉnh;
- Lưu VT, VX3.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Giàng Thị Dung
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1984/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2023 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,
miễn nhiệm hòa giải viên lao động; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của hòa
giải viên lao động; cử hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải các cuộc tranh
chấp lao động; quy trình thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động; phân cấp
quản lý hòa giải viên lao động; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của hòa giải
viên lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Quy chế này áp dụng đối với hòa giải viên lao động
của tỉnh Lào Cai; hòa giải viên lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội; hòa giải viên lao động thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
hòa giải viên lao động thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai; các cơ quan,
tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan.
Chương II
TIÊU CHUẨN, BỔ NHIỆM, BỔ
NHIỆM LẠI, MIỄN NHIỆM HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 2. Tiêu chuẩn Hòa giải
viên lao động
Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động thực hiện theo Điều
92 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 3. Lập kế hoạch tuyển chọn,
bổ nhiệm hòa giải viên lao động
1. Quý I hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có trách nhiệm rà soát nhu cầu
tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hòa giải viên lao động thuộc thẩm
quyền quản lý để lập kế hoạch và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp kế
hoạch của các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
và Kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xây dựng kế hoạch chung
của toàn hệ thống, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 4. Bổ nhiệm hòa giải viên
lao động
1. Lập kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên
lao động thực hiện theo khoản 1 Điều 93 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính
phủ.
2. Trình tự, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải
viên lao động thực hiện theo khoản 2 Điều 93 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của
Chính phủ.
Điều 5. Bổ nhiệm lại hòa giải
viên lao động
Bổ nhiệm lại hòa giải viên lao động thực hiện theo
khoản 3 Điều 93 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 6. Miễn nhiệm hòa giải
viên lao động
1. Hòa giải viên lao động miễn nhiệm khi thuộc một
số trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 94 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của
Chính phủ.
2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm hòa giải viên lao động
thực hiện theo khoản 2 Điều 94 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN,
TRÁCH NHIỆM CỦA HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 7. Nhiệm vụ của hòa giải
viên lao động
1. Nhiệm vụ chung
a) Hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp
đồng đào tạo nghề;
b) Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Hỗ trợ người lao động, tổ chức đại diện người
lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể.
b) Hỗ trợ tư vấn pháp luật cho tổ chức của người
lao động tại doanh nghiệp khi có đủ điều kiện.
c) Tham gia xử lý các vụ đình công không đúng trình
tự pháp luật.
d) Tham gia thu thập thông tin về quan hệ lao động,
phối hợp xây dựng hệ thống quản lý vụ việc hòa giải tranh chấp lao động.
e) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa
giải thành do hòa giải viên lao động trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo
cho cơ quan quản lý hòa giải viên những vấn đề phát sinh.
g) Trên cơ sở yêu cầu thực tế, cơ quan quản lý hòa
giải viên lao động phân công hòa giải viên lao động theo dõi, hỗ trợ phát triển
quan hệ lao động tại địa bàn hoặc một số doanh nghiệp có đông lao động, có quan
hệ lao động phức tạp.
h) Hoạt động hỗ trợ khác.
Điều 8. Quyền của hòa giải viên
lao động
1. Yêu cầu các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, mời người
làm chứng và người có liên quan.
2. Hỗ trợ các bên thương lượng, thỏa thuận và đề xuất
phương án giải quyết tranh chấp lao động để các bên thương lượng, thỏa thuận.
3. Tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân
có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp.
4. Được hưởng các chế độ, điều kiện làm việc theo
quy định.
Điều 9. Nghĩa vụ của hòa giải
viên lao động
1. Thực hiện nhiệm vụ hòa giải tranh chấp lao động
và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo
quy định của pháp luật và sự phân công của cơ quan, đơn vị quản lý hòa giải
viên lao động.
2. Tuân thủ quy trình, thủ tục bổ nhiệm lại, miễn
nhiệm hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
3. Tuân thủ quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp
lao động theo quy định của pháp luật.
4. Không được từ chối nhiệm vụ khi được cử tham gia
giải quyết tranh chấp hoặc hỗ trợ phát triển quan hệ lao động khi không có lý
do chính đáng quy định tại khoản 4 Điều 125 của Bộ luật Lao động năm 2019.
5. Không được nhận tiền, lợi ích từ các bên tranh
chấp hoặc có hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích của các bên
hoặc lợi ích của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động
theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện chế độ báo cáo (định kỳ, đột xuất, vụ
việc).
Chương IV
PHÂN CẤP QUẢN LÝ HÒA GIẢI
VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 10. Phân cấp quản lý hòa
giải viên lao động
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản
lý trực tiếp các hòa giải viên lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
đề xuất.
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện,
thị xã, thành phố; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai thực hiện quản lý trực
tiếp các hòa giải viên lao động do địa phương, cơ quan đề xuất.
Điều 11. Quản lý hòa giải viên
lao động
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hòa
giải viên lao động quy định tại khoản 3 Điều 97 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của
Chính phủ;
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị
xã, thành phố quản lý hòa giải viên lao động quy định tại khoản 4 Điều 97 Nghị
định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện quản lý
hòa giải viên lao động trong các Khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh
Lào Cai và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm
đ khoản 4 Điều 97 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Chương V
CỬ HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
VÀ NGUYÊN TẮC HÒA GIẢI
Điều 12. Thẩm quyền cử hòa giải
viên lao động
1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện,
thị xã, thành phố; Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cử hòa giải viên lao động do
huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trực tiếp quản lý thực
hiện giải quyết các vụ tranh chấp lao động xảy ra trên địa bàn địa phương, cơ
quan quản lý.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cử hòa giải
viên lao động do Sở quản lý trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ hòa giải viên lao động
các địa phương, cơ quan giải quyết các tranh chấp lao động có tính chất phức tạp
xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc theo đề nghị của địa phương,
cơ quan.
3. Cơ quan có trách nhiệm cử hòa giải viên lao động
phải khẩn trương tiến hành thủ tục cử hòa giải viên lao động sau khi tiếp nhận
yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động từ bộ phận đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải
quyết tranh chấp lao động.
4. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì
có thể cử nhiều hòa giải viên lao động cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ.
5. Trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động phải
đảm bảo đơn giản, nhanh chóng để tạo điều kiện cho hòa giải viên lao động thực
hiện nhiệm vụ.
6. Hình thức cử hòa giải viên lao động bằng văn bản
và là căn cứ để giải quyết chế độ đối với hòa giải viên lao động.
Điều 13. Phạm vi hoạt động của
hòa giải viên lao động
1. Hòa giải viên lao động thuộc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội quản lý hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, được phân công
đầu mối theo dõi, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao
động theo địa bàn (huyện, thị xã, thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế,
doanh nghiệp lớn); phối hợp giải quyết tranh chấp lao động giữa các địa phương
và giải quyết đình công không đúng trình tự, thủ tục quy định.
2. Hòa giải viên lao động thuộc Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố quản lý hoạt động trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố
được phân công theo dõi, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, hỗ trợ
phát triển quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động theo địa bàn địa
phương đó; phối hợp giải quyết các vấn đề quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh
theo yêu cầu; thực hiện theo phân công để giải quyết đình công không đúng trình
tự, thủ tục và những nhiệm vụ khác phát sinh.
3. Hòa giải viên lao động thuộc Ban Quản lý Khu
kinh tế tỉnh quản lý hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc phạm
vi quản lý; phối hợp giải quyết các vấn đề quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh
theo yêu cầu; thực hiện theo phân công để giải quyết đình công không đúng trình
tự, thủ tục và những nhiệm vụ khác phát sinh.
Điều 14. Nguyên tắc hòa giải
lao động
1. Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng sự thỏa
thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất
trái với ý chí của họ.
2. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các
bên.
3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời,
nhanh chóng và đúng pháp luật.
4. Thỏa thuận hòa giải không được vi phạm điều cấm của
luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc
cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác.
5. Bảo mật thông tin, trừ trường hợp pháp luật quy
định.
6. Hòa giải viên tiến hành hòa giải độc lập và tuân
theo pháp luật; phương thức hòa giải được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình
hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.
7. Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải là tiếng
Việt. Người tham gia hòa giải có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc
mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị hòa giải viên bố trí
phiên dịch cho mình.
Người tham gia hòa giải là người khuyết tật nghe,
nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho
người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành
riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.
8. Bảo đảm bình đẳng giới trong hòa giải.
Điều 15. Trình tự, thủ tục cử
hòa giải viên lao động
Trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động, gồm:
1. Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động,
tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề và yêu cầu hỗ trợ phát triển quan hệ lao động
được gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội , Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh hoặc hòa giải viên lao động.
Trường hợp hòa giải viên lao động trực tiếp nhận
đơn yêu cầu từ đối tượng tranh chấp đề nghị giải quyết thì trong thời hạn 12 giờ
kể từ khi tiếp nhận đơn, hòa giải viên lao động phải chuyển cho Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh hoặc Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội nơi đang quản lý hòa giải viên lao động để phân loại xử
lý.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được yêu cầu, theo phân cấp quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban Quản lý Khu kinh tế có trách nhiệm
phân loại và có văn bản cử hòa giải viên lao động giải quyết theo quy định.
Trường hợp tiếp nhận đơn từ hòa giải viên lao động
thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn, theo phân cấp quản lý, Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội ra văn bản cử hòa giải viên lao động theo quy
định.
3. Tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc, Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội có thể cử một hoặc một số hòa giải viên lao động
cùng tham gia giải quyết.
Chương VI
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CỦA
HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 16. Trình tự, thủ tục hòa
giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết
thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng
trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây
không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp
đồng lao động.
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng
lao động.
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về
bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế,
về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động.
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với
doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng
lao động thuê lại.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa
giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc
từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội,
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Việc tiến hành hòa giải được thực hiện theo các
bước sau:
a) Xác định thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp
(còn thời hiệu hay đã hết thời hiệu).
b) Tìm hiểu vụ việc các bên tranh chấp:
Xác định rõ tính chất và mức độ phức tạp của vụ việc,
tìm hiểu và làm rõ nội dung tranh chấp, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.
Thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc
giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên lao động yêu cầu các bên có liên quan cung
cấp các tài liệu, văn bản, chứng cứ có liên quan đến tranh chấp; tham khảo thêm
ý kiến của đại diện tập thể lao động tại cơ sở và lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản
lý người lao động (tổ, đội, phân xưởng, phòng ban).
c) Tổ chức họp hòa giải:
Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp.
Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
Các bên phát biểu và nêu ý kiến, quan điểm của mình về vụ việc xảy ra. Căn cứ
các quy định của pháp luật lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập
thể, nội quy lao động và các quy chế nội bộ khác của doanh nghiệp, hòa giải
viên lao động phân tích những vấn đề đúng/sai trong hành vi của hai bên để gợi
ý cho các bên tiến hành thương lượng, thỏa thuận.
Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên
lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của
các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.
Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải
viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên
chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải
thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải
viên lao động.
Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận
hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt
không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải
không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có
mặt và hòa giải viên lao động.
4. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không
thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ
ngày lập biên bản.
Điều 17. Trình tự, thủ tục hòa
giải tranh chấp lao động tập thể về quyền
1. Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được
giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu
cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa
giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc
từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Việc tiến hành hòa giải được thực hiện theo các
bước quy định tại khoản 3 Điều 15 Quy chế này.
4. Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c
khoản 2 Điều 179 Bộ luật Lao động mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì
hòa giải viên lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm
quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải
không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc
kể từ ngày lập biên bản.
Điều 18. Trình tự, thủ tục hòa
giải tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
1. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được
giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu
cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa
giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc
từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội,
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Việc tiến hành hòa giải được thực hiện theo các
bước quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều 15 Quy chế này.
4. Trường hợp hòa giải thành, biên bản hòa giải
thành phải bao gồm đầy đủ nội dung các bên đã đạt được thỏa thuận, có chữ ký của
các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị
pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
5. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải
không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc
kể từ ngày lập biên bản.
Chương VII
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ
Điều 19. Tiêu chí đánh giá kết
quả thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động
1. Tiêu chí đánh giá hòa giải viên lao động dựa
trên cách thức, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như sau:
a) Chấp hành chủ trương đường lối, quy định của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật Đảng.
b) Tỷ lệ tổng số vụ việc tranh chấp lao động hòa giải
viên lao động giải quyết/tổng số vụ việc tranh chấp lao động được phân công giải
quyết trong năm.
c) Kết quả giải quyết (thành hoặc không thành) gắn
với cách thức triển khai giải quyết tranh chấp lao động của hòa giải viên lao động.
d) Hoạt động hỗ trợ phát triển quan hệ lao động của
hòa giải viên lao động, kết quả đạt được.
e) Chấp hành phân công nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ
của hòa giải viên lao động theo Quy chế này và quy định của pháp luật.
g) Những tiêu chí khác phù hợp với điều kiện thực
tiễn tại địa phương.
2. Xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo 02 tiêu
chí sau: hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 20. Tiêu chí đánh giá hòa
giải viên lao động hoàn thành nhiệm vụ
1. Chấp hành chủ trương đường lối, quy định của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật Đảng.
2. Chấp hành quyết định của Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng ban Quản lý
Khu kinh tế tỉnh cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động.
3. Tỷ lệ tổng số vụ việc tranh chấp lao động hòa giải
viên lao động giải quyết/tổng số vụ việc tranh chấp lao động được phân công giải
quyết trong năm đạt 70% trở lên.
4. Kết quả hòa giải thành đạt trên 50% so với số vụ
tham gia hòa giải gắn với cách thức triển khai giải quyết tranh chấp lao động của
hòa giải viên lao động.
5. Hoạt động hỗ trợ phát triển quan hệ lao động của
hòa giải viên lao động, kết quả đạt được.
Điều 21. Tiêu chí đánh giá hòa
giải lao động không hoàn thành nhiệm vụ
1. Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền.
2. Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm
vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.
3. Kết quả hòa giải thành dưới 50% so với số vụ
tham gia hòa giải gắn với cách thức triển khai giải quyết tranh chấp lao động của
hòa giải viên lao động.
4. Từ chối nhiệm vụ khi được cử tham gia giải quyết
tranh chấp lao động hoặc hỗ trợ phát triển quan hệ lao động mà không có lý do
chính đáng.
5. Tỷ lệ tổng số vụ việc tranh chấp lao động hòa giải
viên lao động giải quyết/tổng số vụ việc tranh chấp lao động được phân công giải
quyết trong năm đạt dưới 70%.
Điều 22. Đánh giá kết quả thực
hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động
Các hòa giải viên lao động đánh giá kết quả thực hiện
nhiệm vụ của cá nhân phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; trong đó:
1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện,
thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có trách nhiệm nhận xét, đánh
giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động thuộc quyền quản lý của
đơn vị và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm
đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động thuộc quyền quản
lý của Sở và tổng hợp chung báo cáo của các Phòng Lao động - Thương binh và Xã
hội các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh để phân loại
đánh giá hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh; tiến hành các thủ tục thi
đua khen thưởng đối với hòa giải viên lao động theo quy định.
Chương VIII
CHẾ ĐỘ, ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG
CỦA HÒA GIẢI VIÊN LAO ĐỘNG
Điều 23. Chế độ, điều kiện hoạt
động của hòa giải viên lao động
Hòa giải viên lao động được hưởng các chế độ:
1. Mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ của hòa giải
viên lao động do cơ quan có thẩm quyền cử được hưởng tiền bồi dưỡng mức 5% tiền
lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc
theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ.
2. Được cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi đang công tác
tạo điều kiện bố trí thời gian thích hợp để tham gia thực hiện nhiệm vụ của hòa
giải viên lao động theo quy định.
3. Được áp dụng chế độ công tác phí quy định đối với
cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của
hòa giải viên lao động theo quy định.
4. Được tham gia tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do cấp có thẩm quyền tổ chức.
5. Được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua,
khen thưởng về thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên lao động
theo quy định.
6. Được hưởng các chế độ khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 24. Đảm bảo chế độ, điều
kiện hoạt động của hòa giải viên lao động
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:
- Bố trí địa điểm, phương tiện làm việc, tài liệu,
văn phòng phẩm và các điều kiện cần thiết khác để hòa giải viên lao động làm việc.
- Lập dự toán kinh phí chi trả chế độ cho Hòa giải
viên lao động theo quy định tại Điều 96, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020
của Chính phủ.
2. Kinh phí chi trả các chế độ, điều kiện hoạt động
quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 96 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày
14/12/2020 của Chính phủ do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc lập dự toán, quản
lý và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước.
Chương IX
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 25. Tổ chức thực hiện
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Hằng năm, rà soát nhu cầu tuyển chọn, bổ nhiệm
hòa giải viên lao động của các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị
xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và kế hoạch của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để xây dựng kế hoạch chung của tỉnh, trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Hằng năm, tổng hợp tình hình hòa giải lao động trên
địa bàn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Hòa giải viên lao
động hoặc cử hòa viên lao động tham gia các lớp tập huấn do Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội tổ chức.
d) Quản lý hòa giải viên theo phân cấp quản lý.
2. Sở Tài chính: Trình UBND tỉnh cấp kinh
phí chi trả chế độ hỗ trợ hòa giải viên lao động do Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý trực tiếp.
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Bố trí
kinh phí chi trả chế độ hỗ trợ hòa giải viên lao động do Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội quản lý theo phân cấp quản lý và theo quy định của pháp
luật về ngân sách nhà nước.
4. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các
huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh
a) Rà soát nhu cầu tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải
viên lao động thuộc thẩm quyền quản lý để lập kế hoạch và báo cáo Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội trước ngày 31/3 hàng năm.
b) Trước 15/12 hàng năm, gửi báo cáo tình hình hòa
giải lao động của đơn vị về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Quản lý hòa giải viên theo phân cấp quản lý.
Điều 26. Quy chế này được triển khai đến các hòa giải viên lao động
và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các hòa giải
viên lao động phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.