THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1951/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ CÁC
TỈNH TÂY NGUYÊN VÀ CÁC HUYỆN MIỀN NÚI CỦA CÁC TỈNH GIÁP TÂY NGUYÊN GIAI ĐOẠN
2011 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 933/TTr-BGDĐT ngày 08 tháng 9 năm
2011 về việc ban hành Quyết định về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề
các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn
2011-2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Mục tiêu phát triển giáo
dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh
giáp Tây Nguyên (gọi tắt là vùng Tây Nguyên, có danh sách kèm theo) giai đoạn
2011 - 2015 nhằm tạo bước phát triển toàn diện ở các cấp học, nhất là giáo dục
mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn và đào tạo nguồn nhân lực
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng -
an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Điều
2. Các chỉ tiêu cụ thể:
1. Giáo dục mầm non:
Đến năm 2015, huy động từ 12 - 15% số trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ; từ 75 -80% số
trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo, trong đó trên 98% trẻ 5 tuổi học mẫu giáo để chuẩn
bị vào lớp 1; tất cả các các tỉnh trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ 5 tuổi.
2. Giáo dục phổ
thông: Đến năm 2015, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98 - 99% ở tiểu
học, 87 - 90% ở trung học cơ sở và 60% ở trung học phổ thông.
3. Giáo dục dân tộc:
Đến năm 2015, 100% số huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường phổ
thông dân tộc nội trú; có từ 7 - 9% học sinh dân tộc thiểu số trong tổng số học
sinh dân tộc đang học ở giáo dục trung học được học nội trú; 96 - 98% trẻ em 5
tuổi người dân tộc thiểu số được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
4. Giáo dục trung cấp
chuyên nghiệp: Đến năm 2015 thành lập thêm từ 5 - 7 trường trung cấp chuyên
nghiệp; phấn đấu nâng số lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp đến năm
2015 đạt 14% trong tổng số lao động qua đào tạo; thu hút từ 5 - 8% số học sinh
tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp.
5. Dạy nghề: Đến năm
2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35%; toàn vùng có 05 trường cao đẳng
nghề, 15 trường trung cấp nghề, mỗi đơn vị cấp huyện có ít nhất một trung tâm dạy
nghề; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp để thu hút từ 5 - 7% số học sinh tốt
nghiệp trung học cơ sở vào học nghề.
6. Giáo dục đại học:
Đến năm 2015, bình quân đạt 180 sinh viên/1 vạn dân; thành lập thêm 02 trường đại
học (trong đó có 01 trường đại học tư thục) và 04 trường cao đẳng; tỷ lệ sinh
viên người dân tộc thiểu số đạt từ 18 - 20% trở lên trong tổng số sinh viên của
các trường đại học, cao đẳng trong vùng.
7. Giáo dục thường
xuyên: Đến năm 2015 thành lập thêm các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện,
trung tâm học tập cộng đồng để tất cả đơn vị cấp huyện đều có trung tâm giáo dục
thường xuyên, 90% xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng; phấn đấu tỷ lệ người
biết chữ trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 96%.
Điều
3. Các giải pháp chủ yếu
phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên.
1. Hoàn thiện mạng lưới
trường học, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học ở các cấp
học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất
lượng giáo dục.
a) Giáo dục mầm non:
- Thực hiện đầy đủ
chính sách đối với các cơ sở giáo dục mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg
ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách
phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015 nhằm bảo đảm quỹ đất và tăng
vốn đầu tư để phát triển mạng lưới trường mầm non đến tất cả các xã; trước hết
ưu tiên xây dựng các điểm trường ở các thôn, buôn vùng xa, vùng có nhiều đồng
bào dân tộc thiểu số và xây dựng mới để phủ kínn trường mầm non ở các xã chưa
có trường.
- Xây dựng đủ phòng học,
phòng chức năng và các công trình phụ trợ thiết yếu theo hướng chuẩn hóa cơ sở
vật chất trường học; bảo đảm đủ thiết bị, đồ chơi theo tiêu chuẩn quy định; ưu
tiên các điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho
trẻ 5 tuổi.
b) Giáo dục phổ
thông:
- Các tỉnh, các huyện
trong vùng tiến hành rà soát để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường,
lớp học phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn 2011 - 2015, bảo đảm tạo
thuận lợi cho học sinh đến trường và tăng tỷ lệ huy động học sinh đi học.
- Tiếp tục thực hiện
Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục
và đào tạo; huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để thực
hiện hóa quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất
trường học, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.
- Tập trung chỉ đạo,
triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo
dục để củng cố, mở rộng quy mô trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, huyện ở
những nơi có nhiều đồng bào dân tộc; ưu tiên đầu tư cho trường phổ thông dân tộc
bán trú, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho học sinh bán trú; xây dựng nhà ở nội
trú cho học sinh dân tộc học trung học phổ thông ở những địa bàn khó khăn. Đầu
tư đồng bộ cơ sở vật chất cho các trường học, nhà công vụ giáo viên tại các xã
biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát triển dân sinh, ổn
định chính trị và quốc phòng - an ninh.
c) Giáo dục thường
xuyên:
Hoàn thiện mạng lưới
trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện theo hướng thực hiện nhiều chức năng,
tổ chức trung tâm riêng hoặc kết hợp giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy
nghề tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương; tăng cường cơ sở vật chất và
thiết bị dạy học cho các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đa dạng nội dung hoạt
động của các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng thiết thực và hiệu quả.
d) Giáo dục trung cấp
chuyên nghiệp:
- Huy động các nguồn
lực đầu tư để phát triển giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, khuyến khích và tạo
điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thành lập trường trung cấp
chuyên nghiệp, ưu tiên các ngành đào tạo về y tế, nông lâm, công nghiệp và xây
dựng dân dụng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại chỗ.
- Đảm bảo điều kiện
cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu tăng quy
mô, ngành nghề và nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.
đ) Dạy nghề:
- Củng cố, hoàn thiện
mạng lưới các cơ sở dạy nghề đảm bảo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cả về số lượng,
cơ cấu và chất lượng.
- Ưu tiên đầu tư đồng
bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề cho một số nghề ở Trường Cao đẳng nghề
Đà Lạt và Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đạt trình độ quốc
tế; các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn lại được đầu tư đồng bộ từ 2 -
5 nghề để đạt chuẩn quốc gia. Phát triển và hỗ trợ đầu tư cho các trường dạy
nghề dân tộc nội trú và khoa dân tộc nội trú trong các trường cao đẳng nghề,
trung cấp nghề. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các trung tâm dạy nghề công lập cấp
huyện hiện có.
e) Giáo dục đại học:
- Ưu tiên đầu tư cho
Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt phát triển theo hướng đa
ngành, từng bước mở thêm ngành nghề đào tạo mới theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân
lực của vùng, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu mạnh của vùng Tây
Nguyên. Mở rộng quy mô đào tạo của Khoa dự bị Trường Đại học Tây Nguyên và Trường
Dự bị Đại học dân tộc Nha Trang nhằm tạo nguồn đào tạo cán bộ có trình độ đại học
cho các dân tộc trong vùng; tập trung phát triển Khoa Y Dược Trường Đại học Tây
Nguyên làm cơ sở để thành lập Trường Đại học Y Dược khi có đủ điều kiện. Nâng
cao chất lượng đào tạo tại phân hiệu của Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ
Chí Minh ở Gia Lai và phân hiệu của Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum để đáp ứng yêu
cầu nguồn nhân lực tại chỗ.
- Rà soát, sắp xếp và
thành lập các trường đại học, cao đẳng phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đại
học, cao đẳng của vùng, trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các tiêu chí và điều kiện thành
lập trường theo quy định; tăng cường đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại hóa các
trường đại học, cao đẳng hiện có theo hướng ứng dụng nghề nghiệp.
2. Phát triển đội ngũ
nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
a) Mỗi địa phương và
từng cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên,
cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và dạy nghề các cấp đủ về số lượng, hợp lý về
cơ cấu và đảm bảo chất lượng.
b) Củng cố mạng lưới,
nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu đào tạo mới, đào
tạo chuẩn hóa, nâng chuẩn và bồi dưỡng thường xuyên nhà giáo, cán bộ quản lý
giáo dục, dạy nghề cho cả vùng, trong đó: Ưu tiên đào tạo giáo viên dạy tiếng
Bahnar, Jrai, Êđê, M’nông và một số tiếng của các dân tộc khác ở từng địa
phương, giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh và giáo viên các môn đặc thù.
Tiếp tục chủ trương địa phương hóa giáo viên; tăng cường đào tạo trình độ thạc
sĩ, tiến sĩ, trong đó ưu tiên người đồng bào dân tộc thiểu số.
c) Đổi mới chương
trình đào tạo nghiệp vụ quản lý cho cán bộ quản lý dạy nghề các cấp và ở các cơ
sở dạy nghề; áp dụng chương trình đào tạo của các nước phát triển.
d) Thực hiện đánh giá
theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên của các địa phương.
3. Thực hiện đổi mới
quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình, phương pháp dạy học
và kiểm tra đánh giá
a) Chỉ đạo, tổ chức
thực hiện có hiệu quả Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của
Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Nghị định số
70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản
lý nhà nước về dạy nghề; thực hiện phân cấp gắn với quyền hạn, trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục, dạy nghề; tăng cường quyền
tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, dạy nghề.
b) Triển khai đại trà
chương trình giáo dục mầm non mới; tập trung chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức,
kỹ năng, đổi mới phương pháp dạy học ở các cấp học theo hướng phù hợp với từng
nhóm đối tượng học sinh, đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số có học lực
dưới mức trung bình; thực hiện các giải pháp quản lý giáo dục mang tính đặc thù
cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
c) Đẩy mạnh tổ chức dạy
học 2 buổi/ngày ở giáo dục mầm non, tiểu học và ở trung học cho người nơi có điều
kiện; thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh
dân tộc thiểu số; duy trì nề nếp, kỷ cương, kỷ luật quản lý chuyên môn.
d) Triển khai các
chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ
năng, chuyển giao công nghệ ở các cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện
cho người dân tham gia học tập nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng cuộc
sống, góp phần xây dựng xã hội học tập.
đ) Tiếp tục đổi mới
chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và đánh giá kết quả học sinh gắn với
chuẩn nghề nghiệp. Phát triển chương trình, học liệu dạy nghề phù hợp với đặc
thù của người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên; chỉnh sửa, bổ sung chương trình
dạy nghề theo chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trong khu vực và trên
thế giới.
4. Giải pháp xã hội
hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề
- Cấp ủy Đảng và
chính quyền các cấp xây dựng đồng bộ hệ thống biện pháp để nâng cao nhận thức của
toàn xã hội đối với phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề; huy động sự tham
gia của người dân vào quá trình giám sát, quản lý, thực thi các hoạt động; tạo
ra sức mạnh để thực hiện bình đẳng trong giáo dục, đưa đến cơ hội học tập cho tất
cả mọi người dân, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Các địa phương xây
dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục, dạy nghề thuộc các
loại hình; ban hành chính sách địa phương để khuyến khích mở rộng hình thức xã
hội hóa giáo dục, dạy nghề theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm
2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động
trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
- Tiếp tục thực hiện
cơ chế hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương để bồi thường giải phóng mặt
bằng xây dựng trường học. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách
nhà nước để phát triển giáo dục, dạy nghề, nhất là đào tạo nguồn nhân lực.
5. Giải pháp về tài
chính
- Thực hiện chính
sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên; tăng
kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn xây dựng cơ bản tập trung,
kinh phí từ các dự án vay vốn ODA, viện trợ quốc tế để lồng ghép thực hiện các
mục tiêu của giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong vùng.
- Tăng cường đầu tư
xây dựng ký túc xá trong giai đoạn 2011-2015 để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho học
sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong
vùng; đảm bảo chỗ ở nội trú cho tối thiểu 60% học sinh, sinh viên.
Điều
4. Tiếp tục thực hiện và bổ
sung một số chính sách
1. Chính sách đối với
người học
- Thực hiện đầy đủ
chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định
số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ; các chính sách đối với
trẻ em và học sinh mẫu giáo theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10
năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục
mầm non giai đoạn 2011 - 2015; vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên theo quy định
tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính
phủ và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Thực hiện các chính
sách hỗ trợ học sinh theo quy định của Nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong
vùng quyết định hình thức hỗ trợ học tập cho học sinh một cách linh hoạt (bằng
tiền hoặc hiện vật) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Tiếp tục thực hiện
chính sách ưu tiên cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học,
các trường chuyên nghiệp đối với học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ
thông ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.
- Bổ sung đối tượng
hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú theo Quyết
định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Chính sách đối với
đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
- Triển khai thực hiện
chính sách khuyến khích nhà giáo dạy học ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và giáo dục hòa nhập theo Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội
khóa XII ngày 19 tháng 6 năm 2009 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ
chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014
- 2015; chính sách đối với giáo viên mầm non theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg
ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách phát triển
giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015.
- Bổ sung đối tượng
giáo viên dạy nghề thường xuyên xuống thôn, buôn dạy nghề được hưởng phụ cấp
lưu động như giáo viên thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Đối tượng giáo
viên dạy nghề cho học sinh, sinh viên học nghề nội trú được hưởng chính sách
như nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt; đối tượng giáo viên ở các cơ sở dạy nghề
vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Điều
5. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân
các tỉnh trong vùng
Chịu trách nhiệm quy
hoạch và bảo đảm quỹ đất tối thiểu theo quy định cho các cơ sở giáo dục, đào tạo
và dạy nghề; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Quyết định này theo quy
định hiện hành về phân cấp quản lý giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
2. Bộ Giáo dục và Đào
tạo
Chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành, địa phương trong vùng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp
tình hình thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối kinh phí để thực hiện các mục tiêu của Quyết định
này; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với
học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và hướng dẫn thực hiện.
3. Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành, địa phương trong vùng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp
tình hình thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với cơ sở đào tạo nghề, người
dạy, người học, cán bộ quản lý trong lĩnh vực dạy nghề và hướng dẫn thực hiện.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
Chủ trì, phối hợp với
Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các
Bộ ngành liên quan và các địa phương tổng hợp, xây dựng phương án hỗ trợ đầu tư
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội, các Bộ ngành liên quan và các tỉnh cân đối ngân sách chi thường xuyên cho
giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho các địa phương trong vùng theo quy định hiện
hành.
6. Bộ Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ ngành liên
quan ban hành các chính sách mới đối với giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý
giáo dục, dạy nghề và các loại hình nhà trường.
Điều
6. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký.
Điều
7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng
Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|
DANH SÁCH
CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN VÀ CÁC HUYỆN MIỀN NÚI
THUỘC CÁC TỈNH GIÁP TÂY NGUYÊN GỌI TẮT LÀ VÙNG TÂY NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1951/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2011 của
Thủ tướng Chính phủ)
A. Các tỉnh Tây Nguyên, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
B. Các huyện miền núi thuộc 06 tỉnh giáp Tây Nguyên (danh sách theo công
văn số 558/TTg-ĐP ngày 20 tháng 4 năm 2009; công văn số 1129/TTg-ĐP ngày 08
tháng 7 năm 2009; công văn số 2089/TTg-ĐP ngày 3 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ):
I. Tỉnh Quảng Nam:
1. Huyện Bắc Trà My
2. Huyện Đông Giang
3. Huyện Hiệp Đức
4. Huyện Nam Giang
5. Huyện Nam Trà My
6. Huyện Nông Sơn
7. Huyện Phước Sơn
8. Huyện Tây Giang
9. Huyện Tiên Phước
II. Tỉnh Quảng Ngãi:
1. Huyện Ba Tơ
2. Huyện Minh Long
3. Huyện Sơn Hà
4. Huyện Sơn Tây
5. Huyện Tây Trà
6. Huyện Trà Bồng
III. Tỉnh Bình Định
1. Huyện An Lão
2. Huyện Vân Canh
3. Huyện Vĩnh Thạnh
IV. Tỉnh Phú Yên:
1. Huyện Đồng Xuân
2. Huyện Sông Hinh
3. Huyện Sơn Hòa
V. Tỉnh Khánh Hòa
1. Huyện Khánh Sơn
2. Huyện Khánh Vĩnh
VI. Tỉnh Bình Phước
1. Huyện Bù Đăng
2. Huyện Bù Đốp
3. Huyện Bù Gia Mập
4. Huyện Lộc Ninh
5. Huyện Phước Long
Tổng số 28 huyện miền núi thuộc 06
tỉnh giáp Tây Nguyên./.