ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1552/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 30 tháng 07 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN
NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DẦN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm
2012;
Căn cứ Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày
21/11/2013 của Chính phủ quy định điều kiện thành lập và hoạt động của Trung
tâm dịch vụ việc làm;
Căn cứ Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17
tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 1015/TTr-LĐTBXH ngày 17 tháng 7 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án Quy hoạch hệ thống Trung tâm dịch vụ việc
làm tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Quy hoạch lại hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm
phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động
của các Trung tâm và đáp ứng các yêu cầu về lao động, việc làm góp phần xây dựng,
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Đưa tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm thông
qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm bình quân hàng năm đạt 30 - 35%.
2. Mục tiêu cụ thể
- Số lượt người được tư vấn về nghề nghiệp, việc
làm và các chính sách, pháp luật của Nhà nước bình quân hàng năm trong giai đoạn
2015- 2020 đạt 36.600 lượt người;
- Số người được giới thiệu việc làm, cung ứng lao động
bình quân hàng năm đạt 10.700 lượt người;
- Số lao động tìm được việc làm qua các Trung tâm dịch
vụ việc làm bình quân hàng năm đạt 5.300 người;
- Số người được đào tạo nghề qua các Trung tâm dịch
vụ việc làm bình quân hàng năm đạt 1.500 người.
II. TỔ CHỨC QUY HOẠCH
Hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa
bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được quy hoạch từ năm 2015 đến năm 2020 như sau:
1. Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập:
a) Trung tâm dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế trực
thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.
Đây là Trung tâm đầu mối của hệ thống các Trung tâm
dịch vụ việc làm nhằm thực hiện chương trình giải quyết việc làm chung; thu thập,
xử lý, khai thác thông tin thị trường lao động và thực hiện chính sách Bảo hiểm
thất nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế.
b) Trung tâm dịch vụ việc làm Khu công nghiệp Thừa
Thiên Huế trực thuộc Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh.
Nhiệm vụ chính là tư vấn, giới thiệu việc làm cho
người lao động, lao động bị mất việc làm, lao động dôi dư từ các doanh nghiệp,
lao động bị thu hồi đất…; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong các Khu
công nghiệp, các doanh nghiệp khác có nhu cầu.
c) Trung tâm dịch vụ việc làm Khu Kinh tế Chân Mây
- Lăng Cô trực thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Có nhiệm vụ thực hiện các chương trình giải quyết
việc làm; thu thập, xử lý, khai thác thông tin thị trường lao động trong Khu
kinh tế và thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động;
cung ứng lao động cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khác có nhu cầu.
2. Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm do các
Đoàn thể Trung ương quyết định thành lập:
a) Trung tâm dịch vụ việc làm Phụ nữ trực thuộc Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế
Thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy
nghề cho người lao động, trong đó chú ý ưu tiên đối tượng lao động nữ; cung ứng
lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu.
b) Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên trực thuộc
Tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Thực hiện nhiệm vụ chính là tư vấn, giới thiệu việc
làm và dạy nghề cho người lao động, trọng tâm phục vụ đối tượng thanh niên, chủ
trì thực hiện các chương trình việc làm của Trung ương Đoàn; cung ứng lao động
cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp thực hiện.
Nhằm tạo điều kiện để các Trung tâm dịch vụ việc
làm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sớm được hình thành, củng cố nâng cấp và
đi vào hoạt động nề nếp, góp phần điều tiết thị trường lao động, hướng tới hội
nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần thực hiện một số giải
pháp như sau:
a) Nhóm giải pháp về đầu tư, huy động vốn
- Tập trung huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước
và tranh thủ nguồn lực của các tổ chức, đoàn thể Trung ương để đầu tư phát triển
các Trung tâm dịch vụ việc làm có đủ năng lực hoạt động, tạo cơ hội cho người
lao động và doanh nghiệp được tiếp cận thông tin thị trường lao động, đặc biệt
đối với người lao động ở các huyện, thị xã đang trong quá trình phát triển và
đô thị hóa nhanh, đồng thời tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân
sách nhà nước.
- Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ việc làm, cung cấp
các dịch vụ việc làm có chất lượng cao theo nhu cầu nhằm thu hút thêm các nguồn
vốn từ doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động và người lao động.
b) Nhóm giải pháp về phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm
- Bổ sung lực lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm đủ điều kiện theo quy định.
- Hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho
đội ngũ cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm.
- Xây dựng và thực hiện chính sách thu nhập phù hợp
đối với cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm.
c) Nhóm giải pháp tăng cường cơ sở vật chất
- Hỗ trợ các Trung tâm dịch vụ việc làm về quỹ đất
đối với các Trung tâm chưa có trụ sở. Diện tích đất tối thiểu đủ để xây dựng trụ
sở hoạt động theo quy định hiện hành phù hợp với định hướng phát triển của địa
phương..
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các
Trung tâm dịch vụ việc làm, nhất là các Trung tâm, cơ sở chưa có trụ sở hoặc mới
được thành lập.
- Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động
của hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư.
d) Nhóm giải pháp về quản lý
- Tăng cường công tác quản lý hoạt động dịch vụ việc
làm của các Trung tâm dịch vụ việc làm, đáp ứng mục tiêu đã đề ra.
- Rà soát, phê duyệt các đề án thành lập Trung tâm
dịch vụ việc làm có đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Tổ chức lại, chấn chỉnh
hoạt động của các Trung tâm không đủ điều kiện hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu
quả.
2. Các bước tổ chức thực hiện.
a) Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2017
Cùng với việc thành lập, thành lập lại các Trung
tâm dịch vụ việc làm phù hợp với quy hoạch,
cần tập trung vào việc củng cố bộ máy tổ chức, hỗ trợ đất đai, tăng cường đầu
tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các Trung tâm và Chi nhánh Trung tâm
dịch vụ việc làm chưa có trụ sở giao dịch; bổ sung lực lượng, nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ của các Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động
dịch vụ việc làm.
b) Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020
Tập trung tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng
hoạt động của hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí dự kiến thực hiện:
Bao gồm: Nguồn vốn Trung ương (nguồn vốn của Chính
phủ và nguồn vốn của các Đoàn thể Trung ương), nguồn vốn từ ngân sách địa
phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư: 23.300.000.000
đồng, trong đó:
+ Nguồn vốn Trung ương: 15.250.000.000 đồng
+ Nguồn vốn địa phương: 7.500.000.000 đồng
+ Nguồn vốn khác: 550.000.000 đồng
2. Thời gian thực hiện:
Từ năm 2015 đến năm 2020.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính, Liên hiệp Hội phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ
Chí Minh, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Chân
Mây - Lăng Cô và các sở, ngành, đoàn thể địa phương liên quan thực hiện rà
soát, điều chỉnh, sắp xếp và tổ chức lại các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa
bàn tỉnh. Báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh phương án xử lý các Trung tâm dịch vụ việc làm chưa được phép hoạt động
dịch vụ việc làm,
2. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh thành lập lại các Trung tâm dịch
vụ việc làm theo quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan
tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí nhân lực cho đơn
vị chủ quản của các Trung tâm dịch vụ việc làm.
3. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất
kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hàng năm đáp ứng nhu cầu
của các Trung tâm dịch vụ việc làm.
4. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành liên quan xây dựng, ban hành chính sách tài chính, cơ chế huy
động và tạo nguồn vốn cho các Sở, ngành và các Trung tâm dịch vụ việc làm đầu
tư cơ sở vật chất cho các Trung tâm dịch vụ việc làm.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu bố trí quỹ đất phù hợp nhu
cầu phát triển của các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh.
6. Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp
Phụ nữ tỉnh
Đề nghị xây dựng các đề án thành lập, thành lập lại
Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy hoạch; xây dựng đề án nâng cao năng lực hoạt
động trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định để chủ động phát triển đáp
ứng được nhu cầu trong thời gian tới.
7. Ủy ban
nhân dân thành phố Huế, thị xã và các huyện
Có kế hoạch bố trí địa điểm thuận lợi, ở vị trí
trung tâm để đầu tư xây dựng các Trung tâm dịch vụ việc làm, đồng thời hỗ trợ
ngân sách đầu tư phát triển hoạt động giới thiệu việc làm, giúp cho người lao động
trên địa bàn sớm tiếp cận được với thông tin việc làm, định hướng học nghề,
nâng cao nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp, cạnh tranh trên thị trường lao
động góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Đối với những Trung tâm không đủ điều kiện quy định
tại Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ thì phải chấm dứt
hoạt động dịch vụ việc làm.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và
Môi trường; Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu
kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Bí Thư Tỉnh
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch UBND thành phố Huế, các thị xã
và các huyện, và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Lao động-TB và XH;
- Trung ương Đoàn TNCSHCM;
- Trung ương Hội LH Phụ nữ Việt Nam;
- Thường trực tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Phó CVP Đoàn Thanh Vinh;
- Lưu VT, VX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Trường Lưu
|