Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1255/QĐ-UBND-HC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Trần Thị Thái
Ngày ban hành: 10/12/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1255/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 10 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN THÀNH LẬP TRUNG TÂM DẠY NGHỀ - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VÀ TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CẤP HUYỆN THUỘC TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Quyết định số 13/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 14 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy chế mẫu của Trung tâm Dạy nghề;

Căn cứ Quyết định số 52/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Điều lệ mẫu trường trung cấp nghề;

Căn cứ Thông tư số 24/2011/TT-BLĐTBXH ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 1395/SGDĐT-GDTXCN ngày 26 tháng 9 năm 2013;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thành lập Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở hợp nhất giữa Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trường Trung cấp nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giám đốc Công an Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ GD & ĐT;
- Bộ LĐ-TB & XH;
- CT và các PCT/UBND Tỉnh;
- Công báo;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC/VX, Phg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thái

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP TRUNG TÂM DẠY NGHỀ - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VÀ TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CẤP HUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1255/QĐ-UBND-HC ngày 10/12/2013 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

I. SỰ CẦN THIẾT SÁP NHẬP TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VÀ TRUNG TÂM DẠY NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ

Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề giữ một vị trí quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí và tạo cơ hội việc làm cho tất cả mọi người, những năm gần đây cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được, trình độ người lao động, số lượng học viên giáo dục thường xuyên của địa phương từng bước không ngừng được củng cố, nâng lên. Việc đào tạo nghề cho người lao động và nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và các ngành quan tâm xem đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Hiện toàn Tỉnh có 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên gồm có: 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên - kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh Đồng Tháp và 11 Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị xã được thành lập đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng cho mọi người dân trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, đã xây dựng mới được 03 Trung tâm, gồm Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò; còn lại 08 Trung tâm giáo dục thường xuyên chưa được xây dựng gồm Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã: thành phố Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tháp Mười, huyện Tam Nông, huyện Lai Vung, huyện Tân Hồng và huyện Châu Thành.

Đối với lĩnh vực đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh có 01 trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp; 03 trường Trung cấp nghề tại: thị xã Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, huyện Tháp Mười và 08 Trung tâm dạy nghề tại các huyện còn lại.

Như vậy, ở từng huyện, thị xã, thành phố đều tồn tại song song 02 loại hình Trung tâm, Trường là: Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm dạy nghề và Trường Trung cấp nghề; Qua khảo sát thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố và các Trung tâm; trường Trung cấp nghề cho thấy bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như sau:

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, gây tốn kém, lãng phí, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý và giáo viên bố trí chưa hợp lí, có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán nguồn lực. Hầu hết các Trung tâm giáo dục thường xuyên có đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm bảo đủ yêu cầu đào tạo, trong khi đó các trung tâm dạy nghề, Trường trung cấp nghề chưa đảm bảo đủ biên chế được Ủy ban nhân dân tỉnh giao (10 biên chế/trung tâm), nên nhân lực của trung tâm dạy nghề, Trường trung cấp nghề chủ yếu là cán bộ quản lý và nhân viên, còn giáo viên thì không có hoặc có rất ít, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

- Mặt bằng các Trung tâm giáo dục thường xuyên cơ bản không đáp ứng được yêu cầu phát triển như Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện: Tháp Mười; Tam Nông; Hồng Ngự.. (từ 1.000m2 đến trên 2.000m2); và một số Trung tâm giáo dục thường xuyên có mặt bằng quá nhỏ (có trung tâm chưa đạt 1.000m2) như Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện: Lai Vung, Châu Thành đã gây không ít khó khăn, trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Mức độ đầu tư trang bị thiết bị dạy học giữa Trung tâm, Trường cũng rất khác nhau. Trung tâm giáo dục thường xuyên thì được trang bị rất khiêm tốn, không đáp ứng yêu cầu hoạt động, còn trung tâm dạy nghề; Trường trung cấp nghề được trang bị khá đầy đủ nhưng chưa khai thác hết công năng hoặc không phù hợp với các ngành nghề đang đào tạo nên có tình trạng cho các cơ quan, đơn vị khác tạm mượn làm việc hoặc cho các doanh nghiệp thuê mướn mặt bằng để sản xuất gia công;

- Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Trung tâm, Trường là giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có kiến thức, trình độ kỹ thuật tham gia sản xuất, hoạt động dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương; cả hai trung tâm cùng có chức năng liên kết đào tạo, nên hoạt động trên cùng địa bàn sẽ “chồng chéo” nhau, dễ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến công tác giáo dục và đào tạo nghề ở địa phương.

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, việc thành lập Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) và Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trường) trên cơ sở hợp nhất Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trường trung cấp nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên là vấn đề cấp bách và cần thiết, vừa tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, vừa đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục thường xuyên, tiến đến xây dựng xã hội học tập theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

II. THÀNH LẬP TRUNG TÂM DẠY NGHỀ - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CẤP HUYỆN

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

- Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

- Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về Quy định trách nhiệm quản lý của nhà nước về giáo dục;

- Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21/8/2009 của Chính phủ, Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề;

- Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên;

- Quyết định số 13/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 14 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy chế mẫu của Trung tâm dạy nghề;

- Thông tư số 42/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định Chuẩn Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên;

- Thông tư số 42/2010/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc bổ nhiệm, công nhận Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và Giám đốc Trung tâm dạy nghề;

- Thông tư số 29/2010/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2010 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn định mức biên chế của Trung tâm dạy nghề công lập;

- Thông tư số 24/2011/TT-BLĐTBXH ngày 21/9/2011 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề;

- Quyết định số 44/2008/QĐ-BGDĐT ngày 30/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp;

- Công văn số 4808/BGDĐT-GDTX ngày 13/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao nhiệm vụ dạy nghề cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên;

- Công văn số 2285/BGDĐT-GDCN ngày 05 tháng 4 năm 2013 của Bộ GDĐT về phối hợp giữa cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên trong tổ chức đào tạo trung cấp chuyên nghiệp;

- Quyết định số 52/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 05/5/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc Ban hành Điều lệ mẫu trường trung cấp nghề;

2. Nguyên tắc, yêu cầu thành lập

Việc thành lập Trung tâm, Trường cần phải đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu cơ bản sau đây:

a) Khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đối với từng loại hình Trung tâm, Trường khi hoạt động riêng lẻ, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và có hiệu quả trong việc tận dụng hợp lý cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên của các Trung tâm, Trường cho lĩnh vực đào tạo nghề cũng như giáo dục thường xuyên.

b) Giữ vững sự ổn định và tiếp tục phát triển quy mô đào tạo nghề cho người lao động, phù hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành nghề lao động ở từng địa phương.

c) Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; từng bước củng cố, nâng dần chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương.

d) Tiếp tục đầu tư ngân sách hợp lí để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ đáp ứng nhu cầu hoạt động, phát triển của Trung tâm; Trường sau khi hợp nhất theo quy định của nhà nước.

3. Hiệu quả sau khi thành lập:

- Bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ dạy bổ trợ văn hóa cho nghề đào tạo, được liên kết đào tạo trung cấp chuyên nghiệp theo quy định tại Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Trong công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp sau trung học cơ sở theo một hướng không bị phân tán; thực hiện đồng bộ việc dạy bổ trợ văn hóa cho học viên tham gia học nghề; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là thiết bị thực hành.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các học sinh tốt nghiệp sau trung học cơ sở (không đủ điều kiện vào học các Trường trung học phổ thông) vừa học giáo dục thường xuyên vừa học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề theo quy định.

- Tổ chức bộ máy được tinh giảm, gọn nhẹ so với thành lập riêng và sẽ giảm được kinh phí hoạt động hàng năm.

- Việc đầu tư cơ sở vật chất được thuận lợi.

- Nguồn kinh phí được tăng lên đáp ứng yêu cầu hoạt động dạy và học.

- Có thể sử dụng chung một số giáo viên trong công tác giảng dạy (vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề).

- Tăng cơ hội học văn hóa, học nghề của người lao động tại địa phương, từng bước thực hiện phổ cập THCS, THPT và phổ cập nghề đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và thị trường lao động, tạo việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giải quyết việc làm tại chỗ và nâng quỹ thời gian sử dụng lao động trong nông thôn tại các địa phương.

- Khi Trung tâm, Trường sáp nhập và đi vào hoạt động ổn định, dự kiến mỗi năm sẽ tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 1.000 lao động có nhu cầu học nghề tại địa phương và có trên 2.500 học viên theo học giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở; trung học phổ thông hàng năm (chưa tính các lớp phổ cập, bồi dưỡng nghề; các lớp liên kết).

- Giảm được chi phí đi lại, ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian học giáo dục thường xuyên và học nghề của học viên từ đó sẽ thu hút được nhiều học viên; lao động của địa phương tham gia học tập và học nghề tại Trung tâm.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế của địa phương tham gia ký kết hợp đồng đào tạo nghề, tuyển chọn lao động tại địa phương có tay nghề phù hợp với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có thể tự mở ra các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại địa phương góp phần ổn định cuộc sống gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Giúp cho các huyện, thị xã chủ động tiến hành các chương trình đào tạo, dạy nghề, phổ cập, bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp, từng bước cải thiện, nâng dần chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đưa việc dạy nghề về gần với người học nghề nhằm tăng cơ hội học nghề cho người lao động ở địa phương, nhất là lao động thuộc các đối tượng chính sách xã hội, lao động là người dân sống ở các vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn góp phần tự tạo việc làm, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng quỹ thời gian sử dụng lao động trong nông thôn, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo - việc làm của địa phương.

III. PHƯƠNG ÁN THÀNH LẬP

1. Tên, loại hình Trung tâm, Trường

- Trung tâm được đặt tên thống nhất như sau: “Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên” + tên huyện.

- Tên của Trường Trung cấp nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên thống nhất như sau: “Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên” + tên riêng.

- Tên của Trung tâm; Trường được ghi trên quyết định thành lập, bảng tên và trên các giấy tờ giao dịch của Trung tâm, Trường.

- Loại hình: Trung tâm, Trường là đơn vị công lập, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên, được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, đồng thời ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý và chỉ đạo trực tiếp hoạt động của Trường, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục và đào tạo.

Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên, được Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định thành lập và ủy quyền cho Ủy ban nhân dân huyện quản lý và trực tiếp hoạt động của Trung tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục và đào tạo, dạy nghề.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, Trường

a) Chức năng

- Trung tâm, Trường là đơn vị sự nghiệp có chức năng dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm; có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

b) Nhiệm vụ

Vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, vừa thực hiện nhiệm vụ dạy nghề do nhà nước quy định. Cụ thể, như sau:

- Tổ chức đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ thuật tham gia sản xuất, hoạt động dịch vụ với trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên (dưới 3 tháng), nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành một nghề đơn giản hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề, tạo điều kiện có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

- Tổ chức dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm.

- Tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên:

+ Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục.

+ Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển giao công nghệ.

+ Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bao gồm: bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng, công nghệ thông tin - truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ; dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số theo kế hoạch của địa phương.

+ Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

+ Tư vấn, hướng dẫn cho các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng.

+ Phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học ngay từ lớp 6 đến lớp 12 và phân luồng học sinh tốt nghiệp sau trung học cơ sở.

- Tổ chức các hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ, chứng nhận đào tạo theo quy định của pháp luật.

- Được liên kết với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và các trường dạy nghề để đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên lấy bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề theo đúng các quy định hiện hành.

- Nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương.

- Chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo, thỉnh thị đối với cấp thẩm quyền theo quy định.

- Thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu đào tạo phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh theo Quy chế trung tâm đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và điều lệ trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Tổ chức bộ máy

a) Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu

- Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên: có Hiệu trưởng và không quá 03 Phó Hiệu trưởng (Ban Giám Hiệu).

- Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên: có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc (Ban Giám đốc).

- Ban Giám hiệu Trường là người trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của Trường và chịu trách nhiệm trước Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở ủy quyền của Ủy ban nhân dân Tỉnh.

- Ban Giám đốc Trung tâm là người trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của Trung tâm và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện.

- Việc bổ nhiệm Ban Giám đốc Trung tâm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ nhiệm sau khi có ý kiến thỏa thuận thống nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Việc bổ nhiệm Ban Giám hiệu Trường do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất đề xuất Sở Nội vụ thẩm định trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét quyết định.

- Mỗi nhiệm kỳ của Ban Giám đốc Trung tâm và Ban Giám hiệu Trường là 05 năm.

- Điều kiện bổ nhiệm Ban Giám đốc Trung tâm; Ban Giám hiệu Trường thực hiện theo các quy định hiện hành.

b) Cơ cấu tổ chức của Trung tâm; Trường

Thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu đào tạo và phát triển nhân lực trên địa bàn Tỉnh theo Quy chế trung tâm đã được cấp huyện phê duyệt và Điều lệ trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Cơ cấu tổ chức của Trung tâm; Trường theo mô hình, khoa, phòng, tổ, gồm:

- Các khoa và bộ môn trực thuộc trường theo quy định.

- Phòng Hành chính - Tổng hợp: Chịu trách nhiệm về các lĩnh vực công tác văn phòng, tổ chức cán bộ, tài chính, quản trị cơ quan. Biên chế tối đa là 06 người (không tính biên chế hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chánh nhà nước, đơn vị sự nghiệp).

- Phòng Đào tạo: Chịu trách nhiệm tham mưu về xây dựng, quản lý kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, công nhận, cấp phát văn bằng, chứng chỉ theo đúng quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; quản lý Tổ Dạy văn hóa; Tổ Dạy nghề; Tổ Tin học - Ngoại ngữ và Bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.

+ Tổ Dạy văn hóa: Chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy giáo dục thường xuyên, dạy tin học, ngoại ngữ (theo kế hoạch của Phòng Đào tạo). Biên chế của Tổ Dạy văn hóa được xác định đảm bảo đúng định mức quy định, theo quy mô đào tạo và được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.

+ Tổ Dạy nghề: Chịu trách nhiệm về tổ chức giảng dạy, đào tạo nghề (theo kế hoạch của Phòng Đào tạo). Biên chế của tổ được xác định đảm bảo đúng định mức quy định, theo quy mô đào tạo và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm.

+ Tổ Tin học - Ngoại ngữ:

Đào tạo bồi dưỡng Ngoại ngữ - Tin học trình độ A, B, tin học ứng dụng, Anh văn thiếu nhi .v.v. theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Tỉnh, dạy nâng cao trình độ chuyên môn; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ theo kế hoạch.

- Phòng Tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm: Chịu trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn việc làm, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho học viên. Biên chế tối đa không quá 03 người. Nếu quy mô Trung tâm còn nhỏ thì ghép chung với Phòng Đào tạo.

- Phòng quản lý học viên sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (nếu có). Việc thành lập Tổ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo đúng luật định.

Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các Khoa, Phòng, Tổ do trung tâm; trường theo quy định. Mỗi đơn vị có Trưởng khoa, 01 Phó Trưởng khoa, Trưởng phòng, 01 Phó phòng, Tổ trưởng và 01 Tổ phó (khi có từ 05 thành viên trở lên).

c) Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam

- Đối với Trung tâm: “Trung tâm thuộc huyện ủy, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo trung tâm thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên quần chúng đoàn kết thống nhất thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung tâm”.

- Đối với Trường: “Trường có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trực thuộc Đảng ủy cơ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo trường thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên quần chúng đoàn kết thống nhất thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trường”.

d) Đoàn thể, tổ chức xã hội

- Trung tâm có Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trực thuộc cấp huyện.

- Trường có Tổ Công đoàn cơ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Đoàn trường trực thuộc Đoàn khối cơ quan Tỉnh hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ và có trách nhiệm góp phần thực hiện mục tiêu của Trường.

- Tổ chức xã hội trong Trung tâm, Trường hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ của tổ chức và có trách nhiệm góp phần thực hiện mục tiêu của Trung tâm, Trường.

đ) Tổ chức tư vấn

Trung tâm; Trường được thành lập các tổ chức tư vấn nhằm giúp cho Lãnh đạo Trung tâm, Trường quản lý, điều hành hoạt động của trung tâm, trường đạt hiệu quả. Bao gồm Hội đồng thi đua - khen thưởng, Hội đồng khoa học, Hội đồng kỷ luật ...

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của các tổ chức tư vấn do Lãnh đạo Trung tâm; Trường quy định trên cơ sở hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

4. Nhân sự

Cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm, Trường được hình thành từ nguồn cán bộ, công chức, viên chức cơ hữu (không bao gồm đối tượng thỉnh giảng, hợp đồng) của Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm Dạy nghề; Trường Trung cấp nghề trên cơ sở:

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chuyển toàn bộ cán bộ, giáo viên và nhân viên hiện có tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề và Trường trung cấp nghề về Trung tâm, Trường sau khi được thành lập.

- Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định điều động toàn bộ cán bộ, viên chức thuộc Trung tâm dạy nghề về Trung tâm.

- Trước mắt, Ban Giám đốc Trung tâm, Ban Giám hiệu Trường tiếp nhận toàn bộ cán bộ, viên chức của Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề và Trường trung cấp nghề, tạm thời phân công cán bộ, viên chức theo yêu cầu công việc của đơn vị. Sau đó, từng bước rà soát và sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp với vị trí việc làm của từng tổ chức, đơn vị.

- Các cán bộ, viên chức của Trung tâm; Trường trước đây là nhà giáo thì được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Cơ sở vật chất

- Các Trung tâm, Trường vẫn sử dụng cơ sở vật chất hiện có tại các đơn vị để làm trụ sở làm việc sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thành lập Trung tâm, Trường theo Đề án này.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, giao cơ sở vật chất (mặt bằng, phòng học, phòng làm việc....) của các trung tâm giáo dục thường xuyên cho ngành giáo dục và đào tạo quản lý, sử dụng, ưu tiên cho giáo dục mầm non. Nếu ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương không có nhu cầu sử dụng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh về phương án sử dụng cơ sở vật chất của Trung tâm, Trường.

- Ban Giám đốc Trung tâm, Ban Giám hiệu Trường tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân cấp huyện và các ngành liên quan tiến hành khảo sát để điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng các Trung tâm cũ theo hướng bổ sung thêm một số hạng mục công trình để đảm bảo yêu cầu hoạt động của Trung tâm; Trường, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và thực hiện theo các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản.

6. Tài chính, tài sản và công tác kế toán

a) Tài chính

- Nguồn tài chính của Trung tâm; Trường, bao gồm:

+ Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp:

. Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia;

. Kinh phí hoạt động thường xuyên;

. Kinh phí thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức;

. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động dạy nghề theo dự án và kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khác do Nhà nước giao.

- Các nguồn thu từ hoạt động, sự nghiệp của trung tâm:

. Học phí;

. Các khoản thu từ các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, lao động, sản xuất và các hoạt động dịch vụ khác;

. Các nguồn thu tài chính hợp pháp khác.

- Nội dung chi, bao gồm:

+ Chi thường xuyên:

. Chi lương, phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ, viên chức;

. Chi các hoạt động dạy nghề theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

. Chi cho hoạt động sản xuất, dịch vụ của Trung tâm kể cả chi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, trích khấu hao tài sản cố định, chi trả vốn, trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật;

+ Chi không thường xuyên:

. Chi thực hiện chương trình mục tiêu;

. Chi thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức;

. Chi vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định;

. Chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mua sắm tài sản, thiết bị:

. Chi cho các hoạt động liên doanh, liên kết;

. Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;

. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

b) Tài sản

Thực hiện theo các quy định về quản lý tài sản tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP , ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Thông tư số 245/2009/TT-BTC , ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP , ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

c) Công tác kế toán

Thực hiện theo quy định tại Điều 44 “Công việc kế toán trong trường hợp hợp nhất các đơn vị kế toán”, Mục 6, Chương II của Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003.

7. Lộ trình thực hiện việc hợp nhất

Việc thành lập Trung tâm, Trường được thực hiện đồng loạt bắt đầu từ đầu năm 2014 để thuận lợi cho việc bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị tại các huyện, thị xã trên địa bàn Tỉnh sau khi Đề án được ban hành. Trong đó, trước mắt tập trung ưu tiên thứ tự đầu tư xây dựng mới đối với các đơn vị có cơ sở vật chất còn hạn chế hoặc chưa có cụ thể như sau: huyện Cao Lãnh, huyện Châu Thành, huyện Lai Vung, huyện Tam Nông, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, huyện Lấp Vò, thị xã Hồng Ngự, huyện Thanh Bình và huyện Tháp Mười.

Đối với những địa phương không có Trung tâm Dạy nghề như: thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc, tạm vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên - kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh, riêng Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố Sa Đéc bổ sung thêm chức năng Hướng nghiệp - Dạy nghề “phổ thông”.

8. Chế độ thông tin, báo cáo

- Định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng, năm các Trung tâm, Trường có nhiệm vụ báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị mình về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và các ban, ngành có liên quan. Trong đó nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những kiến nghị và đề xuất.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở báo cáo của các Trung tâm, Trường tổng hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và 02 Bộ liên quan và định kỳ phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết giai đoạn theo qui định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và các ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án thành lập Trung tâm; Trường.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố liên quan hoàn chỉnh thủ tục, báo cáo Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập các Trung tâm; Trường.

- Thực hiện Quyết định thành lập Trường của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Trung tâm; Trường tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm dạy nghề; Trường trung cấp nghề (do Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện làm chủ đầu tư) còn đang dở dang.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực dạy nghề của Trung tâm; Trường; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia được phân công quản lý cho các Trung tâm; Trường hàng năm.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm, Trường sau khi đề án được ban hành trình Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Nội vụ thẩm định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm, Trường sau khi đề án được ban hành trình Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Nội vụ thẩm định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục thường xuyên của các Trung tâm; Trường hàng năm.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập thành Trung tâm; Trường còn đang dở dang. (Trung tâm giáo dục thường xuyên trước đây do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư).

- Chỉ đạo Ban Giám đốc Trung tâm; Ban Giám hiệu Trường phối hợp với các ngành hữu quan lập dự án đầu tư xây dựng bổ sung hoặc điều chỉnh dự án đầu tư để đảm bảo điều kiện hoạt động lĩnh vực giáo dục thường xuyên, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.

3. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã liên quan hoàn chỉnh thủ tục, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập các Trung tâm; Trường theo quy định.

- Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh điều chuyển toàn bộ, cán bộ, giáo viên và nhân viên hiện có tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề và trường trung cấp nghề về Trung tâm, Trường sau khi được thành lập trên cơ sở đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Tham mưu UBND Tỉnh giao biên chế hàng năm cho Trung tâm; Trường trên cơ sở rà soát, điều chỉnh biên chế của Trung tâm; Trường đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua.

- Thẩm định và trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm; Trường theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Hướng dẫn, theo dõi các Trung tâm; Trường tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất trước đây đầu tư cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên (do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư) và trung tâm dạy nghề, Trường trung cấp nghề (do Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện làm chủ đầu tư) còn đang dở dang;

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân Tỉnh: Phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư hoặc lập dự án đầu tư xây dựng bổ sung của các Trung tâm, Trường và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cho Trung tâm, Trường hàng năm.

5. Sở Tài chính

Có trách nhiệm đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên của Trung tâm, Trường trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Căn cứ Quyết định ban hành Đề án và Quyết định thành lập Trung tâm; Trường của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tập trung thực hiện các công việc sau đây:

- Ban hành các quyết định có liên quan về nhân sự của Trung tâm dạy nghề, điều động cán bộ, viên chức về Trung tâm.

- Chỉ đạo việc tiến hành bàn giao cơ sở vật chất, tài sản, trang thiết bị, tài chính, nhân sự, hồ sơ sổ sách có liên quan giữa Trung tâm dạy nghề với Trung tâm, Trường.

- Căn cứ Đề án thành lập Trung tâm, Trường của Tỉnh và công văn hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho địa phương mình. Trong quá trình thực hiện chú ý công tác kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo Trung tâm; Trường sau khi được thành lập phải hoạt động đồng bộ và có hiệu quả. Hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện để kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn và bổ sung điều chỉnh; thực hiện tổng kết vào cuối năm 2015.

7. Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh

Có trách nhiệm theo dõi việc triển khai và thực hiện Đề án này: phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu kết quả hoạt động thực tế của các Trung tâm; Trường để tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác chỉ đạo và kiến nghị đối với Bộ ngành Trung ương về mô hình này.

8. Hội khuyến học và đoàn thể các cấp

Phối hợp tốt với các ban ngành cùng cấp có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền vận động thực hiện tốt Đề án thành lập Trung tâm, Trường của Tỉnh.

9. Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật hướng nghiệp Tỉnh

Hỗ trợ Trung tâm; Trường các huyện trong việc giáo dục thường xuyên và dạy nghề theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

10. Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề và Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề

Căn cứ nội dung Đề án này, tổ chức kiểm kê tài sản, tài chính, thống kê nhân sự thời hạn 30 ngày kể từ khi có quyết định thành lập Trung tâm; Trường trên cơ sở đó tiến hành việc bàn giao tài sản, tài chính cho Trung tâm; Trường theo trình tự, thủ tục quy định.

11. Ban Giám đốc Trung tâm, Ban Giám hiệu Trường

- Sau khi Trung tâm; Trường được thành lập phải xúc tiến ngay việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo Đề án đã được ban hành.

- Xây dựng quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm (trình Ủy ban nhân dân cấp huyện), Trường (trình Sở Lao động - Thương binh & Xã hội) phê duyệt.

- Tham mưu với các ngành có liên quan để điều chỉnh dự án hoặc lập dự án bổ sung, đảm bảo triển khai hoạt động giáo dục thường xuyên, dạy nghề, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1255/QĐ-UBND-HC ngày 10/12/2013 về Đề án thành lập Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.561

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.202.169
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!