UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/2008/QĐ-UBND
|
Vĩnh
Long, ngày 29 tháng 01 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ TIỀN LƯƠNG NGHỈ VIỆC ĐỐI VỚI CÁN BỘ
CHUYÊN TRÁCH, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số
114/2003/NĐ-CP , ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức ở xã, phường,
thị trấn;
Căn cứ Nghị định số
121/2003/NĐ-CP , ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán
bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Điều 57 Nghị định số
152/2006/NĐ-CP , ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo
hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm
2007;
Căn cứ Nghị quyết số
68/2008/NQ-HĐND , ngày 11/01/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp lần
thứ 13 về việc phê chuẩn Đề án Hỗ trợ tiền lương nghỉ việc đối với cán bộ
chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nội vụ, tại Tờ trình số 135/TTr-SNV, ngày 21 tháng 01 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Hỗ trợ tiền lương
nghỉ việc đối với cán bộ chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn.
Điều 2.
Giao Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng
dẫn thi hành Quyết định này.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ,
Sở Tài chính, thủ trưởng các sở, ngành chức năng có liên quan và Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân các huyện - thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành
sau 10 ngày, kể từ ngày ký và được đăng Công báo tỉnh./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Văn Đấu
|
ĐỀ ÁN
HỖ TRỢ TIỀN LƯƠNG NGHỈ VIỆC ĐỐI VỚI CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH,
CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 01 năm 2008
của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
I. KHÁI QUÁT
ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
Cán bộ, công chức xã, phường, thị
trấn (gọi tắt là cán bộ, công chức cấp xã) là những người trực tiếp tổ chức thực
hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, giải
quyết tất cả những vấn đề kinh tế, xã hội trên địa bàn, chăm lo đời sống nhân
dân, quản lý về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, xây dựng đội
ngũ cán bộ chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn vững mạnh là yêu cầu cơ
bản và cấp bách, nhằm đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, tạo ra động lực mới từ
cơ sở, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước,
góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì
dân.
Đội ngũ cán bộ cơ sở là nguồn
cán bộ cho huyện và tỉnh, nên việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã
theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V - khoá IX của Đảng về đổi mới và nâng
cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã phường, thị trấn mà trong đó
việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực
hiện đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, công tâm thạo việc, tận tuỵ với
nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là yêu cầu hết sức quan trọng.
Tỉnh Vĩnh Long có 08 huyện, thị
xã và 107 xã, phường, thị trấn với số lượng cán bộ chuyên trách, công chức cấp
xã là: 1.874 người. Trong đó: 1.136 cán bộ chuyên trách và 738 công chức (theo
số liệu ngày 29/6/2007).
- Cán bộ chuyên trách, công chức
cấp xã đã qua đào tạo chuyên môn như sau:
+ Cán bộ chuyên trách: Trình độ
sơ cấp 92 người (chiếm tỉ lệ 8,10%), trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học 341
người (chiếm tỉ lệ 30,02%).
+ Công chức: Trình độ sơ cấp 69
người (chiếm tỉ lệ 9,35%), trình độ chuyên môn trung cấp, cao đẳng, đại học 364
người (chiếm tỉ lệ 49,32%).
- Chưa qua đào tạo chuyên môn:
+ Cán bộ chuyên trách: 703 người
(chiếm tỉ lệ 61,88%).
+ Công chức: 305 người (chiếm tỉ
lệ 41,33%).
Nhằm tạo điều kiện giải quyết
thoả đáng chính sách đầu ra, thúc đẩy công tác đào tạo cán bộ đối với cơ sở
phát triển mạnh mẽ về số lượng và đạt chất lượng. Xuất phát từ mục đích, yêu cầu
nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án Hỗ trợ tiền lương nghỉ việc đối với
cán bộ chuyên trách, công chức xã, phường, thị trấn như sau:
II. ĐỐI TƯỢNG
VÀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH:
1. Đối tượng: Đối tượng được hỗ
trợ tiền lương nghỉ việc, nêu trong Đề án này là cán bộ, công chức do trình độ,
năng lực hạn chế, sức khoẻ kém, không đảm bảo công việc được giao, khi tổ chức
có yêu cầu nghỉ việc và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Là cán bộ trong
biên chế được giao (trừ cán bộ huyện, thị xã tăng cường), gồm các chức vụ cán bộ
chuyên trách: Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân
dân (HĐND), Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND), trưởng của 05 đoàn
thể và 07 chức danh công chức chuyên môn cấp xã được quy định tại Nghị định số
121/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Phạm vi điều chỉnh: Các đối
tượng nêu trên không đạt theo quy định tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức xã,
phường, thị trấn ban hành kèm theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV , ngày 16 tháng
01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ thể như sau:
+ Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ
tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân:
Chưa có trình độ chuyên môn và trình độ chính trị từ trung cấp trở lên, chưa tốt
nghiệp cấp 3 và tuổi đời trên 45 tuổi không thể đưa đi đào tạo chuyên môn.
+ Trưởng của các đoàn thể: Chủ tịch
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch
Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, chưa
có trình độ chuyên môn và trình độ chính trị tương đương từ sơ cấp trở lên.
+ Các chức danh công chức chuyên
môn: Tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, văn phòng -
thống kê, văn hoá - xã hội, Trưởng Công an và Chỉ huy trưởng Quân sự, không có
trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên.
Riêng đối với cán bộ không
chuyên trách cấp xã, khi nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần, thực hiện theo Quyết
định số 410/2006/QĐ-UBND , ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh
Vĩnh Long; Đề án này không áp dụng hỗ trợ tiền lương đối với những người vì lý
do cá nhân xin nghỉ việc để được hỗ trợ tiền lương một lần.
III. CHÍNH
SÁCH HỖ TRỢ:
Cán bộ chuyên trách, công chức cấp
xã có đủ điều kiện quy định tại phần II Đề án này, khi nghỉ việc, ngoài các khoản
trợ cấp được hưởng theo chế độ bảo hiểm xã hội quy định, còn được tỉnh hỗ trợ
tiền lương một lần như sau:
1. Cán bộ chuyên trách, công chức
cấp xã có thời gian tham gia công tác liên tục và có đóng bảo hiểm xã hội, khi
nghỉ việc được hỗ trợ một lần, mỗi năm công tác được hưởng một tháng lương và
các khoản phụ cấp (nếu có) hiện hưởng.
2. Cán bộ chuyên trách, công chức
giữ các chức danh chuyên trách cấp xã khi nghỉ việc có tuổi đời dưới 45 tuổi,
có sức khoẻ, tinh thần trách nhiệm và có ý thức tổ chức kỷ luật nhưng do hạn chế
về trình độ chuyên môn, nếu có nguyện vọng học nghề để thôi việc, tự tìm việc
làm mới, được hỗ trợ một khoản kinh phí (phí học nghề) bằng chi phí cho khoá học
nghề tối đa là 06 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có) hiện hưởng.
3. Sau kết thúc học nghề, được hỗ
trợ ba tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có) hiện hưởng ở thời điểm đi học
để tìm việc làm.
IV. NGUỒN CHI
TRẢ:
Ngoài các khoản trợ cấp được hưởng
theo chế độ bảo hiểm xã hội quy định, ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn thu xổ số
kiến thiết hàng năm, để hỗ trợ chi trả cho các đối tượng theo quy định của Đề
án này.
V. QUY TRÌNH,
THẨM QUYỀN THỰC HIỆN HỖ TRỢ NGHỈ VIỆC:
1. Cán bộ chuyên trách, công chức
cấp xã khi nghỉ việc phải có đơn (theo mẫu thống nhất đính kèm) gởi Thường trực
Đảng uỷ xã, phường, thị trấn tổng hợp thành danh sách chung để thông qua Ban Chấp
hành Đảng bộ, Uỷ ban nhân dân cùng cấp xét duyệt và lập đề nghị gởi đến Uỷ ban
nhân dân các huyện, thị xã xem xét (gồm các hồ sơ, thủ tục cán bộ, công chức
thuộc đối tượng nêu trên).
2. Hồ sơ gồm: Sổ bảo hiểm xã hội
(bản photo có chứng thực), lý lịch Đảng viên (nếu có), lý lịch cán bộ, công chức
(bản sao), quyết định mức lương hiện hưởng, đơn xin nghỉ việc (theo mẫu thống
nhất).
Trường hợp đủ điều kiện nghỉ
hưu, nghỉ hưởng trợ cấp hàng tháng, thì thực hiện hồ sơ, thủ tục theo quy định
hiện hành của nhà nước.
3. Quy trình thẩm định:
Phòng Nội vụ - Lao động - Thương
binh và Xã hội huyện - thị xã chủ trì cùng với Ban Tổ chức Huyện uỷ, Thị xã uỷ,
Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã thẩm định báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện,
thị xã xét duyệt từng trường hợp cụ thể, đúng quy trình thủ tục.
Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã lập
danh sách kèm theo biên bản xét duyệt của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và ký gởi
đến Sở Nội vụ. Sở Nội vụ cùng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Tài chính thẩm định và lập
thủ tục trình Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
huyện, thị xã căn cứ kết quả phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh để ra quyết định
thực hiện hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
Giao Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Tài
chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh
có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn tổ chức
triển khai thực hiện đúng quy định của Đề án này.
Giao Giám đốc Sở Tài chính lập
thủ tục phân bổ kinh phí cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã (thông qua Phòng
Tài chính - Kế hoạch) chi trả và quyết toán đúng quy định của nhà nước.
Thời gian thực hiện Đề án này đến
hết ngày 31/12/2010./.