Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 27/2016/NQ-HĐND tăng cường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài An Giang 2016 2020 2017

Số hiệu: 27/2016/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Võ Anh Kiệt
Ngày ban hành: 03/08/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2016/NQ-HĐND

An Giang, ngày 03 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ĐƯA LAO ĐỘNG AN GIANG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Xét Tờ trình số 335/TTr-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc thông qua Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020”; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020”. (kèm theo Đề án)

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thực hiện Điều 1 Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp lần thứ 2 thông qua ngày 03 tháng 8 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Anh Kiệt

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 425/ĐA-UBND

An Giang, ngày 10 tháng 8 năm 2016

 

ĐỀ ÁN

“TĂNG CƯỜNG ĐƯA LAO ĐỘNG AN GIANG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020”

I. Tình hình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2003 - 2014:

1. Tình hình thực hiện:

An Giang là tỉnh có dân số đông, gần 2,2 triệu người, số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60% (trên 1,3 triệu người). Hàng năm có khoảng 22 ngàn người bước vào tuổi lao động. Nhìn chung, nguồn lao động của tỉnh dồi dào, nhưng chất lượng lao động còn hạn chế do trình độ học vấn, tay nghề của đa số người lao động còn thấp. Lao động chưa qua đào tạo, lao động thiếu việc làm còn nhiều. Là tỉnh thuần nông, ngành nghề mới chậm phát triển. Việc thu hút đầu tư tạo thêm việc làm mới còn nhiều khó khăn. Hàng năm, có 8.000 - 9.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Song việc làm ngoài tỉnh không ổn định, thu nhập thấp. Các năm gần đây số người thất nghiệp mất việc làm phải quay trở về địa phương trên 6.000 lao động mỗi năm. Từ đó, tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh còn cao.

Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho người lao động, giảm nghèo bền vững, giúp ổn định an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngày 08/4/2003, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án xuất khẩu lao động giai đoạn 2003 - 2005.

Ngày 26/10/2005, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2889/2005/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án Xuất khẩu lao động tỉnh An Giang giai đoạn 2006 - 2010”.

Ngày 13/11/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2417/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh An Giang giai đoạn 2008 - 2010”.

Ngày 08/3/2011, UBND tỉnh có Công văn số 605/UBND-VX về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bảng tổng hợp kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2003 - 2015

Nội dung

Tổng số

Năm thực hiện

2003-2010

2011

2012

2013

2014

2015

I. Số lượng lao động đi làm việc ngoài nước, trong đó:

3.825

3.383

114

50

53

50

175

- Đài Loan

322

183

16

21

31

22

49

- Malaysia

2.873

2.849

6

3

5

7

3

- Hàn Quốc

431

294

90

18

3

3

23

- Nhật Bản

183

52

2

8

13

17

91

- CH Sec

1

1

0

0

0

0

0

- Macau

2

2

0

0

0

0

0

- Lybia

1

1

0

0

0

0

0

- Nga

4

1

0

0

0

0

3

- UAE

2

-

 

0

1

1

0

- Ả Rập Xê Út

6

0

0

0

0

0

6

II. Hỗ trợ ngoại ngữ, GDĐH

 

 

 

 

 

 

 

1. Số lao động (người)

2.977

2.807

60

20

16

11

50

2. Số tiền hỗ trợ (triệu đồng)

1.891

1.763

72

24

19

13

60

III. Hỗ trợ cho vay vốn

 

 

 

 

 

 

 

1. Số lao động (người)

3.450

3.279

82

25

13

14

37

2. Số tiền hỗ trợ (triệu đồng)

73.802

66.712

2.629

959

590

780

2.132

2. Nhận xét, đánh giá chung:

2.1. Ưu điểm:

- Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các năm qua đã có nhiều chuyển biến. Từ chỗ người lao động ít hiểu biết về vấn đề thị trường lao động ngoài nước, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách về đi làm việc ở nước ngoài đã giúp cho người dân từng bước có ý thức và hưởng ứng tự nguyện đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

- Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh đã đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện như: rút ngắn thời gian làm hồ sơ, thực hiện cơ chế cho vay thông qua chuyển khoản nhằm hạn chế sử dụng vốn sai mục đích, nâng mức cho vay để tạo điều kiện cho lao động đi một số nước có thu nhập cao.

- Các Trung tâm Dịch vụ Việc làm (được tỉnh giao chức năng là cầu nối giữa người lao động và các doanh nghiệp) đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tư vấn, thực hiện quy trình tuyển lao động tạo nguồn cung ứng lao động ngày càng chặt chẽ và có chất lượng hơn. Mở rộng quan hệ với nhiều doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp cho các địa phương và người lao động tiếp cận với những thông tin, những địa chỉ đáng tin cậy để chọn lựa.

- Số lao động đi làm việc ở nước ngoài, đa số chịu khó lao động, tích góp gửi tiền về trả nợ vay và giúp gia đình cải thiện đời sống, từ đó vươn lên thoát nghèo. Có nhiều trường hợp lao động hoàn thành hợp đồng, sau khi trở về nước tiếp tục đăng ký đi lần 2.

2.2. Hạn chế, tồn tại:

1. Thời gian gần đây số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giảm khá nhiều, một phần do thị trường truyền thống Malaysia không còn thu hút người lao động, do thu nhập cao hơn không nhiều so với một số doanh nghiệp ở thị trường lao động trong nước. Thị trường có điều kiện lao động tốt, thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… thì chi phí quá cao và đòi hỏi phải biết ngoại ngữ của nước đến làm việc.

2. Số lao động An Giang hết hạn hợp đồng nhưng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường Hàn Quốc có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt; nhận thức của người lao động và người thân của họ còn hạn chế, chỉ nghĩ cái lợi trước mắt. Họ cho rằng khi quay về địa phương đa số lao động ở vùng nông thôn nên cơ hội tìm việc làm sẽ khó khăn, không ổn định và thu nhập không cao.

3. Tình trạng nợ quá hạn gia tăng do một số người lao động (đa số là đi thị trường Malaysia trước đây) thiếu trách nhiệm, né tránh, không trả nợ vay, nhất là số lao động về nước trước hạn, gây khó khăn cho công tác thu hồi vốn, tích lũy tạo nguồn quỹ để tiếp tục cho vay đi làm việc ở nước ngoài.

4. Người lao động lo ngại việc không khả năng thanh toán tín dụng sau sự việc đưa lao động sang thị trường Malaysia bị thất bại, người lao động quay về ồ ạt vào các năm 2005 - 2007; chính việc này sẽ gây khó khăn cho công tác vận động lao động đăng ký tham gia lao động nước ngoài; một số địa phương không còn tập trung cho công tác chỉ đạo, tuyên truyền đi xuất khẩu lao động như các năm trước đây, có nơi chuyển hướng tư vấn, giải quyết việc làm ra ngoài tỉnh; hoạt động tư vấn, vận động, tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài bị giảm sút đáng kể.

II. Nội dung của Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020”:

1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án:

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian trước đây và để công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kết quả và hiệu quả cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để phù hợp với tình hình thực tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về việc làm. Để giúp người lao động tiếp cận các chính sách hỗ trợ của trung ương cũng như của địa phương được kịp thời và đúng theo quy định mới, Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020” rất cần thiết, cần được xây dựng ban hành, để thay thế cho Đề án cũ.

2. Cơ sở pháp lý:

Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 10 số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Thông tư số 21/TT- BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ Lao động - TBXH Hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ;

Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng.

3. Quan điểm:

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần quán triệt các quan điểm sau:

- Tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm khai thác tốt tiềm năng lao động của địa phương, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống. Cần xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải gắn liền với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

- Đi làm việc ở nước ngoài tạo cơ hội nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật cho người lao động; góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động. Vì vậy, phải chọn người có nhận thức, có tư cách đạo đức, sức khỏe tốt; có ý chí vượt khó; có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ngoại ngữ phù hợp. Chủ động tạo nguồn lao động, gắn dạy nghề với xuất khẩu lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngoài nước và giúp người lao động có thu nhập cao.

- Tuyển chọn và đưa được lao động làm việc ở nhiều thị trường đa dạng, nhất là thị trường có điều kiện lao động tốt, thu nhập cao. Tạo cơ hội cho người lao động tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có được việc làm ổn định, tăng thu nhập cải thiện đời sống.

4. Yêu cầu:

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đặt chất lượng lên hàng đầu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện Đề án đạt kết quả và hiệu quả cao nhất. Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua.

Tránh tư tưởng bao cấp, ỷ lại của người lao động; không chạy theo số lượng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá; phải có sự tham gia đóng góp từ phía gia đình và bản thân người lao động.

Trong điều hành, tổ chức thực hiện cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo các cấp, giữa các ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các Trung tâm Dịch vụ Việc làm và UBND các xã, phường, thị trấn.

5. Nội dung Đề án:

5.1. Tên Đề án: “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án).

5.2. Mục tiêu: Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho người lao động, giảm nghèo bền vững, giúp ổn định an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

5.3. Chỉ tiêu: Bình quân mỗi năm, có khoảng 100 lao động tham gia Đề án đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,...

5.4. Đối tượng hỗ trợ: Người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh An Giang, đi làm việc ở nước ngoài theo Luật người lao động Việt Nam, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Lao động đi làm việc theo Chương trình thực tập sinh kỹ thuật, cụ thể:

a. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định của Trung ương và người lao động là người dân tộc thiểu số (gọi tắt nhóm 01),

b. Người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng (gọi tắt nhóm 02).

c. Lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế (được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận); thực tập sinh kỹ thuật; tu nghiệp sinh; bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ,... (gọi tắt là nhóm 3).

5.5. Các chính sách hỗ trợ:

a. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

* Nhóm 1, nhóm 2: được hỗ trợ các nội dung sau:

- Học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

- Tiền ăn cho người lao động trong thời gian học thực tế.

- Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với người lao động cư trú hợp pháp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.

* Nhóm 3: được hỗ trợ khoán 2.000.000 đồng/lao động từ nguồn ngân sách tỉnh để học ngoại ngữ, nâng cao trình độ tay nghề, bồi dưỡng kiến thức cần thiết khác,...

b. Hỗ trợ tín dụng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

* Đối tượng và mức vay:

- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định hiện hành.

- Người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn với mức tối đa 100% chi phí theo hợp đồng ký kết giữa người lao động với doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ Quỹ quốc gia về việc làm tỉnh thuộc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đang quản lý.

- Lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế (đã có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn); thực tập sinh kỹ thuật; tu nghiệp sinh; bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ được vay 100% chi phí nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đang quản lý.

* Lãi suất cho vay:

- Đối với lao động thuộc nhóm 1, nhóm 2 thực hiện theo mức lãi suất cho vay do Trung ương qui định trong từng thời kỳ.

- Đối với lao động thuộc nhóm 3, lãi suất vay vốn tính bằng 130% mức lãi suất vay của nhóm 1, nhóm 2.

- Lãi suất nợ quá hạn thực hiện theo quy định hiện hành.

* Thời hạn vay vốn và hình thức trả nợ vay vốn:

Thời hạn vay vốn và hình thức trả nợ vay vốn hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam Chi nhánh An Giang và người vay vốn thương lượng thống nhất theo quy định nhưng thời hạn vay vốn không được vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa đi.

* Điều kiện bảo đảm tiền vay:

Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

5.6. Tổng kinh phí thực hiện Đề án:

Tổng kinh phí thực hiện 05 năm là 52,15 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương cấp qua Ngân hàng CSXH tỉnh: 16 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: 36,15 tỷ đồng (bình quân mỗi năm khoản 07 tỷ đồng).

- Nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).

(chi tiết theo phụ lục đính kèm)

6. Các giải pháp chủ yếu:

6.1. Công tác tuyên truyền:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân; chú ý lực lượng bộ đội phục viên, xuất ngũ, số học sinh, sinh viên qua đào tạo nghề, tốt nghiệp đại học, cao đẳng... nhưng chưa tìm được việc làm. Thông qua công tác vận động, tuyên truyền giới thiệu về người thật, việc thật, gương điển hình tham gia đi làm việc ở nước ngoài, giới thiệu các gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài thực hiện tốt hợp đồng, có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân về những thủ đoạn, lợi dụng đưa lao động ra nước ngoài để lừa đảo gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, an ninh trật tự tại các địa phương; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm hợp đồng về nước trước thời hạn đã tung tin, tuyên truyền không đúng thực tế, gây ảnh hưởng đến chính sách chung của tỉnh.

6.2. Đào tạo nâng cao chất lượng lao động:

- Các địa phương, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần tăng cường quan hệ, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường THPT; các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền tư vấn, tuyển chọn, tạo nguồn lao động có chất lượng tốt để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Công tác đào tạo nâng cao chất lượng lao động là nhiệm vụ quan trọng để tạo nguồn lao động làm việc tốt ở nước ngoài. Vì vậy, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải gắn với đào tạo nghề, đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, đào tạo ngoại ngữ phù hợp để cung ứng nguồn lao động chất lượng cho các thị trường có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt.

6.3. Mở rộng thị trường lao động ngoài nước:

Tiếp tục ổn định các thị trường truyền thống, như: Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời mở rộng và tăng số lượng người lao động đi các thị trường như: Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Đức, Australia,…; đẩy mạnh quan hệ với các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm, uy tín, đã đưa nhiều lao động đi những thị trường tốt, cần lao động có trình độ tay nghề cao; phấn đấu tăng nhanh số lượng người lao động đi làm việc ở các nước có thu nhập cao. Giải quyết kịp thời, nhanh chóng các đơn thư khiếu nại của người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

6.4. Nâng cao trách nhiệm các cơ quan đơn vị trong điều hành thực hiện đề án:

- Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần được thực hiện theo cơ chế phối hợp. Việc triển khai thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Ban điều hành thực hiện đề án các cấp cần thường xuyên theo dõi, phối hợp tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Yêu cầu từng địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phát động và xét khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện Đề án.

- Các Trung tâm Dịch vụ việc làm được giao nhiệm vụ (là cầu nối giữa người lao động với công ty có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài) mở rộng quan hệ, chọn lọc đối tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; liên kết, phối hợp đào tạo, giáo dục định hướng, tư vấn, tuyển chọn lao động đảm bảo chất lượng về trình độ, chuyên môn, nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ lao động về nước trước thời hạn và lao động ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng. Trong thời gian đào tạo, giáo dục định hướng và trước khi ký hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần tuyên truyền, phổ biến cho người lao động hiểu rõ về nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động như: Chấp hành pháp luật, phong tục tập quán của nước sở tại; chấp hành nội quy nơi làm việc, nơi ở; về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; công việc làm, tiền lương tối thiểu, tiền lương làm thêm giờ,…. Khi xảy ra tranh chấp, bồi thường hợp đồng, các Trung tâm Dịch vụ việc làm có trách nhiệm phối hợp với công ty có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để giải quyết thỏa đáng cho người lao động.

6.5. Nâng cao trách nhiệm cá nhân, gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài:

Nâng cao ý thức cảnh giác của cá nhân, gia đình và người dân để tránh bị lực lượng “cò mồi”, môi giới lừa đảo; tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục, hạn chế tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật nước sở tại làm ảnh hưởng đến uy tín của lao động Việt Nam nói chung và lao động tỉnh An Giang nói riêng. Từng gia đình và người lao động phải có trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng hợp đồng đã ký, mọi sai phạm, bội tín phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và xử lý theo qui định hiện hành. Các trường hợp về nước trước thời hạn người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường mọi chi phí, thiệt hại do mình gây ra hoặc ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động,... thì sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.

III. Tổ chức thực hiện Đề án:

Để Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020” triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh. UBND tỉnh phân công như sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức, triển khai Đề án; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh An Giang và các đơn vị có liên quan hướng dẫn cơ quan, đơn vị, tổ chức và người lao động thực hiện các chính sách hỗ trợ và cho vay vốn đi làm việc ngoài nước; lập hồ sơ thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ. Đồng thời chịu trách nhiệm xác nhận hồ sơ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng không qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Hàng năm, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch vốn vay trình UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hướng dẫn các Trung tâm Dịch vụ Việc làm mở rộng quan hệ, tìm kiếm đối tác, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tuyển lao động để đảm bảo chất lượng. Phân công các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh định kỳ hàng quý, 06 tháng và năm; báo cáo Bộ chủ quản theo yêu cầu; tổ chức sơ, tổng kết tình hình thực hiện hàng năm.

2. Sở Giáo dục và đào tạo:

Chủ trì trong công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học giáo dục nghề nghiệp; phối hợp đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngoài nước; phối hợp trong việc tuyên truyền, tư vấn, tạo nguồn để thực hiện tốt “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020”.

3. Công an tỉnh:

Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm thủ tục xuất cảnh. Theo dõi phát hiện và xử lý các hiện tượng tiêu cực, lừa đảo gây thiệt hại, khó khăn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Sở Tài chính:

Hàng năm, bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo nhu cầu lao động đi làm việc thực tế ở nước ngoài, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt để quyết định giao dự toán cho đơn vị thực hiện.

5. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội An Giang:

Hàng năm, chủ trì phối hợp với Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính xây dựng kế hoạch vốn vay trình UBND tỉnh và Ngân Chính sách xã hội Trung ương để phân bổ vốn vay theo quy định của Đề án.

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện chính sách cho vay đi làm việc ở nước ngoài nước theo hợp đồng, đồng thời theo dõi, kiểm tra, thực hiện việc cho vay vốn; có kế hoạch thu hồi vốn đến hạn và xử lý nợ quá hạn trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn và thông báo các thủ tục vay vốn, lãi suất, thời gian thu hồi vốn vay theo đúng qui định của Nhà nước; đề xuất biện pháp xử lý nợ, lãi vay đối với các trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Báo cáo kết quả sử dụng nguồn vốn ủy thác theo định kỳ hàng tháng, quý và năm cho UBND tỉnh, đồng gửi Sở Lao động - TBXH và Sở Tài chính để theo dõi, quản lý.

Đối với lao động thuộc các nhóm đối tượng đã được hỗ trợ tiền học nghề ngắn hạn, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết,... thì khi xét cho vay vốn không tính phần chi phí đã được hỗ trợ tại tiết a, điểm 5.5, phần II của Đề án này.

6. Trung tâm Dịch vụ Việc làm:

Các Trung tâm Dịch vụ Việc làm, bao gồm: Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Châu Đốc, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Chợ Mới mở rộng quan hệ với các công ty có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có uy tín, có độ tin cậy cao để có kế hoạch tuyển chọn lao động. Phối hợp với các ngành chức năng cấp huyện; UBND xã, phường, thị trấn tổ chức đăng ký, phân loại, tuyển chọn, đào tạo giáo dục định hướng đảm bảo chất lượng lao động. Hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ cần thiết để người đi làm việc ở nước ngoài thực hiện kịp thời; thông báo rõ các khoản chi phí cần thiết phải thực hiện; thông tin cụ thể về tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện ăn, ở để người đi làm việc ở nước ngoài được an tâm. Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như những khó khăn, vướng mắc về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Kết hợp với địa phương xây dựng kế hoạch tuyển chọn lao động và đào tạo nghề tạo nguồn cung ứng cho các công ty có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình lao động, phối hợp với công ty đưa đi kịp thời giải quyết những rủi ro phát sinh nơi người lao động đang làm việc.

Chịu trách nhiệm lập hồ sơ thanh quyết toán các chính sách hỗ trợ theo quy định. Đồng thời chịu trách nhiệm xác nhận hồ sơ vay vốn đối với người lao động, người đang được đào tạo nghề tại đơn vị để đi làm việc ở nước ngoài mà đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng cho các đơn vị, tổ chức có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khác.

Phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn đôn đốc, nhắc nhở người lao động thanh toán các khoản nợ vay vốn và hỗ trợ ngân hàng chính sách xã hội trong công tác thu hồi vốn.

7. Trách nhiệm của UBND huyện, thị, thành phố:

Hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên địa bàn quản lý, gắn nhiệm vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.

Chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chỉ đạo phòng, ban chức năng; xã, phường, thị trấn chủ động và phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm, các công ty có chức năng để tổ chức tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động đảm bảo theo yêu cầu; Xem xét xác nhận hồ sơ vay tín chấp cho người lao động được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài đối với các đối tượng ưu tiên và các đối tượng khó khăn về kinh tế theo thông báo trúng tuyển và giấy xác nhận của đơn vị có chức năng; Phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm đôn đốc thu hồi nợ vay; Tạo công ăn việc làm cho lao động sau khi lao động hoàn thành hợp đồng về nước.

Chọn những đơn vị, cá nhân làm tốt để nêu gương điển hình và nhân rộng, tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

BẢNG DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

“TĂNG CƯỜNG ĐƯA LAO ĐỘNG AN GIANG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020”
(Kèm theo Đề án số 425/ĐA-UBND tỉnh An Giang ngày 10/8/2016)

TT

Nội dung các khoản chi

Dự toán kinh phí thực hiện 01 năm
(Triệu đồng)

Dự toán kinh phí thực hiện 05 năm (2016-2020)
(Triệu đồng)

Tổng kinh phí

Trong đó

Tổng kinh phí

Trong đó

NSTW

NSĐP

NSTW

NSĐP

1

Chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (Triển khai Đề án và các văn bản có liên quan; tổ chức hội nghị sơ, tổng kết; in ấn tài liệu, văn phòng phẩm; chi kiêm nhiệm Ban Chỉ đạo và chuyên viên giúp việc; đi cơ sở giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện; chi khen thưởng,…)

50

0

50

250

0

250

2

Chi cho công tác truyền thông (Ngân sách Trung ương 50%, còn lại huy động doanh nghiệp).

50

50

0

250

250

0

3

Hỗ trợ chi phí cho các tập thể, cá nhân trong việc tuyên truyền, vận động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (cấp xã 200.000đ/LĐ; huyện 100.000đ/LĐ; Trung tâm DVVL 100.000đ/LĐ). Mức chi 400.000đ/lao động xuất khẩu (400.000đ x 100 LĐ)

40

0

40

200

0

200

4

a. NSTW= (5 tr.đ x 30 LĐ x 5 năm)

(hỗ trợ lao động: thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, thân nhân của gia đình có công với cách mạng học nghề, giáo dục định hướng, ngoại ngữ, khám sức khỏe, ăn ở, đi lại...(dự kiến bình quân 1 năm có 30 lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ)

b. NSĐP=(2 tr.đ x 70 LĐ x 5 năm)

(hỗ trợ lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế; thực tập sinh kỹ thuật; tu nghiệp sinh; bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ học giáo dục định hướng, ngoại ngữ, khám sức khỏe, ăn ở, đi lại..)

290

150

140

1.450

750

700

5

Hỗ trợ vay vốn (nguồn ngân sách tỉnh ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh và nguồn TW hỗ trợ), tính bình quân.

a. NSTW=(100 tr.đ x 30 LĐ x 5 năm)

(lao động là: thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, thân nhân của gia đình có công với cách mạng)

b. NSĐP={100 tr.đ x 70 LĐ x 5 năm)

(lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế; thực tập sinh kỹ thuật; tu nghiệp sinh; bộ đội, công an phục viên, xuất ngũ)

10.000

3.000

7.000

50.000

15.000

35.000

 

Tổng kinh phí thực hiện Đề án

10.430

3.200

7.230

52.150

16.000

36.150

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 27/2016/NQ-HĐND ngày 03/08/2016 về Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016-2020” do tỉnh An Giang ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.642

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.201.93
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!