HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2024/NQ-HĐND
|
Hải Phòng, ngày
19 tháng 7 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
QUY
ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO MỘT SỐ NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
GIAI ĐOẠN 2024-2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 18
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng
11 năm 2014;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 13 tháng 5
năm 2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục
nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045;
Thực hiện Thông báo số 2716-TB/TU ngày 15 tháng
7 năm 2024 của Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương ban hành Nghị quyết của
Hội đồng nhân dân thành phố về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề
trên địa bàn thành phố Hải Phòng;
Xét Tờ trình số 128/TTr-UBND ngày 28 tháng 6 năm
2024 của Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị ban hành Nghị quyết quy định chính
sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Báo cáo thẩm
tra số 18/BC-VHXH ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng
nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại
kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số
nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2030.
Danh mục nghề hỗ trợ đào tạo: 09 nghề, gồm:
Logistics; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Hàn; Công nghệ ô tô; Công nghệ
thông tin (ứng dụng phần mềm); Quản trị khách sạn; Điều dưỡng; Nuôi trồng thủy
sản nước mặn, nước lợ.
2. Đối tượng áp dụng
a) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp
trên địa bàn thành phố đã tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên,
chưa có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp vị trí làm việc theo nhu cầu của doanh nghiệp,
được doanh nghiệp cử đi học trình độ trung cấp tại các trường trung cấp, trường
cao đẳng trên địa bàn thành phố.
b) Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và tương
đương trở lên học trình độ trung cấp; người có bằng tốt nghiệp trung học phổ
thông học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng tại các trường trung cấp, trường
cao đẳng trên địa bàn thành phố.
c) Nhà giáo cơ hữu đang trực tiếp giảng dạy trình độ
trung cấp, trình độ cao đẳng tại các trường trung cấp, trường cao đẳng công lập
tự chủ nhóm 3 trực thuộc thành phố, chưa đáp ứng tiêu chí về chứng chỉ kỹ năng
nghề theo quy định.
d) Người làm công việc kỹ thuật tại các doanh nghiệp,
nghệ nhân cấp tỉnh trở lên, đáp ứng tiêu chí về trình độ đào tạo của nhà giáo
giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đáp ứng tiêu chí về trình độ nghiệp vụ sư phạm,
có nhu cầu giảng dạy trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (thỉnh giảng) tại
các trường trung cấp, trường cao đẳng trên địa bàn thành phố.
e) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thành phố.
Điều 2. Mức hỗ trợ
1. Đối tượng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 học
nghề theo Danh mục nghề hỗ trợ đào tạo tại Nghị quyết này được hỗ trợ 50% mức
thu học phí người học phải nộp tại cơ sở đào tạo theo quy định.
2. Đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 học
nghề theo Danh mục nghề hỗ trợ đào tạo tại Nghị quyết này được hỗ trợ chi phí học
tập với mức hỗ trợ: 900.000 đồng/người/tháng.
3. Đối tượng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 được
hỗ trợ bồi dưỡng, chuẩn hóa kỹ năng nghề theo Danh mục nghề hỗ trợ đào tạo tại
Nghị quyết này với mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/người/khóa.
4. Đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị
quyết này được hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm với mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/người/khóa.
Điều 3. Nguyên tắc, điều kiện
và thời gian hỗ trợ
1. Nguyên tắc hỗ trợ
a) Đối tượng thuộc đối tượng thụ hưởng của nhiều
chính sách hỗ trợ có cùng tính chất thì được hưởng chế độ cao nhất theo quy định
tại chính sách đó. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ một lần.
b) Đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 1
Nghị quyết này được cấp kinh phí hỗ trợ không quá 10 tháng/năm học và thực hiện
chi trả vào đầu học kỳ của năm học liền kề.
c) Đối tượng quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 1
Nghị quyết này được cấp kinh phí hỗ trợ sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng và được
cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ theo quy định.
2. Điều kiện hỗ trợ
a) Đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 1
học nghề theo Danh mục nghề hỗ trợ đào tạo tại Nghị quyết này đáp ứng đồng thời
các điều kiện sau:
- Người học có cam kết tham gia hoàn thành khóa học
trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo
theo quy định.
- Có cam kết làm việc phù hợp với nghề được hỗ trợ
đào tạo tại thành phố Hải Phòng tối thiểu 03 năm ngay sau khi tốt nghiệp.
- Có cam kết về giải quyết việc làm giữa các trường
trung cấp, trường cao đẳng trực tiếp tuyển sinh, đào tạo với các doanh nghiệp
trên địa bàn thành phố thông qua Hợp đồng tiếp nhận lao động sau đào tạo.
b) Đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị
quyết này có cam kết giảng dạy trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (thỉnh giảng)
tại các trường cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn thành phố tối thiểu 03
năm ngay sau khi nhận chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
3. Thời gian thực hiện hỗ trợ
a) Theo thời gian thực học, tối đa không quá 20
tháng/khóa học đối với trình độ trung cấp, tối đa không quá 30 tháng/khóa học đối
với trình độ cao đẳng (không hỗ trợ đối với thời gian người học phải học lại, học
bù... do các điều kiện chủ quan từ phía người học).
b) Trường hợp người học được tuyển sinh trong năm
2030 sẽ được hỗ trợ kinh phí đến khi kết thúc khóa học.
4. Đền bù kinh phí hỗ trợ
a) Trong trường hợp người được hỗ trợ không thực hiện
đầy đủ các cam kết nêu tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này phải thực hiện việc
hoàn trả 100% số kinh phí đã được nhận hỗ trợ và các chi phí khác theo quy định.
b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm
quyền quyết định bồi thường kinh phí, người được hỗ trợ phải nộp đầy đủ kinh
phí đền bù theo quy định. Quá thời hạn trên, nếu không chấp hành việc đền bù
thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí: ngân sách thành phố.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổ chức
triển khai, ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả,
không thất thoát ngân sách nhà nước; hằng năm thực hiện chế độ báo cáo Hội đồng
nhân dân thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố về việc thực hiện
Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố,
các Ban Hội đồng nhân dân thành phố, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố
và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị
quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố
khóa XVI, Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2024 và có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 8 năm 2024./.
Nơi nhận:
- Ủy ban TVQH, Chính phủ;
- Các VP: Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Vụ pháp chế (Bộ Tài chính);
- Vụ pháp chế (Bộ LĐTBXH);
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT: TU, HĐND, UBND TP;
- Đoàn ĐB Quốc hội HP;
- UBMTTQVN TP;
- Các Ban HĐND TP;
- Đại biểu HĐND khóa XVI;
- Các VP: TU, ĐĐBQH và HĐND, UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- TTQU, TTHU các quận, huyện;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện;
- Công báo HP, Cổng TTĐT TP;
- Báo HP, Đài PTTH HP;
- CV VP ĐĐBQH và HĐND TP;
- Lưu: VT, HSKH.
|
CHỦ TỊCH
Phạm Văn Lập
|