Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 38/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Số hiệu: 38/2020/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 03/04/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về khu vực và công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài; giấy phép, điều kiện và thủ tục cấp, đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiền ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập; điều kiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức quy định tại Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 3. Khu vực và công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài

1. Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

2. Danh mục công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Chương II

GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN VÀ HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP, ĐỔI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Mục 1. GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 4. Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

1. Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

2. Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài in trên giấy bìa cứng kích thước khổ A4 (21 cm x 29,7 cm), có hoa văn màu xanh da trời, có hình quốc huy in chìm, khung viền màu đen.

3. Nội dung Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 5. Lệ phí cấp Giấy phép

1. Doanh nghiệp nộp lệ phí cấp Giấy phép tại thời điểm nhận Giấy phép.

2. Việc thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy phép được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Mục 2. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 6. Điều kiện về loại hình doanh nghiệp và vốn pháp định

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn:

1. Vốn pháp định không thấp hơn 5.000.000.000 đồng (năm tỷ Việt Nam đồng).

2. Có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều 7. Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 8. Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

1. Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ (sau đây gọi là bộ máy) bao gồm:

a) Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên;

b) Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động về nước, tài chính;

c) Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các phòng nghiệp vụ phải đảm bảo số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ hoặc được doanh nghiệp dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu sau:

a) Có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm;

b) Diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.

3. Doanh nghiệp dịch vụ lần đầu được cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép.

Điều 9. Nhân viên nghiệp vụ và người lãnh đạo điều hành hoạt động

1. Nhân viên nghiệp vụ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Ký hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với doanh nghiệp dịch vụ;

b) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc;

c) Trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên;

d) Nhân viên nghiệp vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài và bồi dưỡng kiến thức cần thiết phải tốt nghiệp một trong các chuyên ngành luật, kinh tế/quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và có ít nhất 01 năm làm việc trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đáp ứng điều kiện tại khoản 3 Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 10. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ

Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 1.000.000.000 đồng (một tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Mục 3. HỒ SƠ CẤP, ĐỔI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 11. Hồ sơ cấp Giấy phép

Hồ sơ cấp Giấy phép gồm văn bản đề nghị của doanh nghiệp (theo Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này) và các giấy tờ sau:

1. 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất.

2. Các giấy tờ chứng minh điều kiện về vốn theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này.

3. 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ.

4. 01 bản chính Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

5. 01 bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

6. Các giấy tờ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

7. 01 bản sao Điều lệ Công ty.

Điều 12. Hồ sơ đổi Giấy phép

Hồ sơ đổi Giấy phép gồm văn bản đề nghị của doanh nghiệp (theo Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này) và các giấy tờ sau:

1. 01 bản chính Giấy phép đã được cấp.

2. 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất.

3. 01 bản sao các giấy tờ chứng minh việc đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 8 và Điều 9 của Luật, trong trường hợp có sự thay đổi, bao gồm:

a) Trường hợp thay đổi về vốn: Các giấy tờ chứng minh điều kiện về vốn theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này;

b) Trường hợp thay đổi về người lãnh đạo điều hành: Giấy tờ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này;

c) Trường hợp thay đổi về tổ chức bộ máy: Báo cáo về tổ chức bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất (nếu thay đổi địa điểm Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết);

d) Trường hợp thay đổi về nhân viên nghiệp vụ: Danh sách nhân viên nghiệp vụ thuộc bộ máy được thay đổi; giấy tờ chứng minh những nhân viên mới đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

4. 01 bản chính Giấy xác nhận đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đến hết quý trước liền kề.

Điều 13. Hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn

1. Đối với doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 01 năm trở lên: Báo cáo tài chính năm trước liền kề và báo cáo tài chính từ đầu năm đến cuối quý trước thời điểm đề nghị cấp giấy phép đã được kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

2. Đối với doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dưới 01 năm kể từ ngày đăng ký kinh doanh lần đầu: Báo cáo nguồn vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 01 tháng hoặc hồ sơ góp vốn thành lập doanh nghiệp bao gồm:

a) Bản sao các giấy tờ sau: Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập, sổ đăng ký cổ đông, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần đối với công ty cổ phần; biên bản góp vốn của các thành viên, sổ đăng ký thành viên, giấy chứng nhận phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên; quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức; biên bản góp vốn của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn đối với công ty hợp danh;

b) Giấy nộp tiền vào tài khoản của công ty mở tại ngân hàng thương mại - đối với cổ đông sáng lập/thành viên sáng lập/chủ sở hữu/thành viên hợp danh/thành viên góp vốn là cá nhân; séc hoặc ủy nhiệm chi - chuyển tiền hoặc các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành - đối với cổ đông sáng lập/thành viên sáng lập/chủ sở hữu/thành viên góp vốn là doanh nghiệp;

c) Xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số dư tài khoản tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép (trường hợp vốn góp bằng tiền) hoặc chứng thư của tổ chức có chức năng định giá ở Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn còn hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính từ ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm tài liệu chứng minh về việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp (trường hợp vốn góp bằng tài sản).

Điều 14. Hồ sơ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ

Hồ sơ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ gồm các giấy tờ sau:

1. 01 bản sao bằng cấp chuyên môn.

2. 01 bản chính Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật.

3. 01 bản sao Hợp đồng lao động (nếu có).

4. 01 bản sao tài liệu thể hiện kinh nghiệm làm việc trước đây đối với người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 của Nghị định này (quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm).

Chương III

TIỀN KÝ QUỸ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG NHẬN LAO ĐỘNG THỰC TẬP

Điều 15. Tiền ký quỹ thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập

1. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

2. Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề thực hiện việc ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng thương mại.

3. Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp ký kết hợp đồng ký quỹ phù hợp với nội dung quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Ngân hàng nhận ký quỹ xác nhận việc doanh nghiệp ký quỹ tại ngân hàng theo Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 16. Mức tiền ký quỹ thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập

Mức tiền ký quỹ của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề bằng 10% tiền vé máy bay một lượt hạng phổ thông tại thời điểm doanh nghiệp ký quỹ từ nước mà người lao động đến làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập đã đăng ký.

Điều 17. Sử dụng, tất toán tài khoản tiền ký quỹ thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền sử dụng tiền ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này; xác nhận để ngân hàng hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản cho doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền sử dụng tiền ký quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này; xác nhận để ngân hàng hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản cho doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề theo Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian từ 90 ngày trở lên.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu ngân hàng cho rút tiền ký quỹ hoặc trích tài khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp để sử dụng cho các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày rút tiền ký quỹ hoặc trích tài khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho đủ mức ký quỹ quy định. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, ngân hàng có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC TẠI LÃNH THỔ ĐÀI LOAN

Điều 18. Điều kiện giới thiệu doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan

Doanh nghiệp dịch vụ không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị giới thiệu với phía Đài Loan, được xem xét giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc) để đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan, khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có nhân viên nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức cần thiết chuyên trách thị trường Đài Loan với ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan.

2. Nhân viên khai thác thị trường ngoài nước và nhân viên quản lý lao động làm việc ở nước ngoài có chứng chỉ tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5 hoặc TOCFL4 hoặc tương đương.

Điều 19. Hồ sơ, thủ tục giới thiệu doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan

1. Hồ sơ đề nghị giới thiệu bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Các tài liệu chứng minh đáp ứng quy định tại khoản 1 và 2Điều 18 của Nghị định này (nếu thay đổi so với hồ sơ doanh nghiệp tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

2. Thủ tục giới thiệu:

a) Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Thư giới thiệu doanh nghiệp dịch vụ với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc). Trường hợp không cấp Thư giới thiệu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Điều 20. Bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đào tạo và quản lý người lao động trước khi đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan

1. Doanh nghiệp dịch vụ phải tổ chức bồi dưỡng kiến thức (ít nhất 74 tiết), bổ túc tay nghề và dạy tiếng Trung cho người lao động trước khi đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) theo yêu cầu của bên tiếp nhận.

2. Doanh nghiệp dịch vụ phải tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết (ít nhất 134 tiết), đào tạo về kỹ năng làm công việc chăm sóc người bệnh tại gia đình (ít nhất 120 tiết), và dạy tiếng Trung (ít nhất 267 tiết) cho người lao động lần đầu tiên đi làm chăm sóc người bệnh tại gia đình.

3. Doanh nghiệp dịch vụ gửi 01 bản chính danh sách lao động dự kiến xuất cảnh (bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, số hộ chiếu, số điện thoại liên hệ, bên tiếp nhận người lao động) trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác nhận chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp thị thực cho người lao động.

Chương V

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI THỰC TẬP KỸ NĂNG TẠI NHẬT BẢN

Điều 21. Điều kiện giới thiệu doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản

Doanh nghiệp dịch vụ không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 02 năm tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị giới thiệu với phía Nhật Bản, được xem xét giới thiệu để đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có cơ sở vật chất để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và đào tạo tiếng Nhật đáp ứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.

2. Có nhân viên nghiệp vụ chuyên trách thị trường Nhật Bản với ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong hoạt động đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản; nhân viên khai thác thị trường ngoài nước và nhân viên quản lý lao động làm việc ở nước ngoài có chứng chỉ tiếng Nhật trình độ từ N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương trở lên.

3. Đáp ứng các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản.

Điều 22. Hồ sơ, thủ tục giới thiệu doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản

1. Hồ sơ đề nghị giới thiệu bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 07 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Các tài liệu chứng minh đáp ứng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 21 của Nghị định này (nếu thay đổi so với hồ sơ doanh nghiệp tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

2. Thủ tục giới thiệu:

a) Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giới thiệu trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa tên doanh nghiệp dịch vụ vào danh sách các doanh nghiệp để giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản, đồng thời có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp dịch vụ thực hiện. Trường hợp không giới thiệu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Điều 23. Nguyên tắc hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam với tổ chức quản lý của Nhật Bản

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản về nguyên tắc hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ của Việt Nam với tổ chức quản lý của Nhật Bản và thông báo cho các doanh nghiệp dịch vụ về nguyên tắc hợp tác để thực hiện.

Điều 24. Quản lý người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản

Khi số người lao động do doanh nghiệp đưa đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản từ 200 người trở lên, doanh nghiệp phải cử nhân viên quản lý lao động thường trực tại Nhật Bản và thông tin về địa chỉ, số điện thoại liên lạc của nhân viên này với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản.

Chương VI

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH TẠI NƯỚC TIẾP NHẬN THUỘC KHU VỰC TRUNG ĐÔNG

Điều 25. Điều kiện đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông

Doanh nghiệp dịch vụ không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 02 năm tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị lần đầu được đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại các nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông, khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Có phòng thực hành kỹ năng với các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết để thực hành công việc giúp việc gia đình… phù hợp với văn hóa, tập quán nước tiếp nhận lao động thuộc khu vực Trung Đông.

2. Có nhân viên nghiệp vụ với ít nhất 01 năm kinh nghiệm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông.

3. Có ít nhất 01 nhân viên quản lý lao động thường trực tại mỗi nước tiếp nhận lao động thuộc khu vực Trung Đông. Nhân viên này phải có ít nhất 01 năm kinh nghiệm quản lý lao động ở nước ngoài, thông thạo tiếng Ả Rập hoặc tiếng Anh trình độ từ B1 (khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu - CEFR) hoặc tương đương trở lên.

Điều 26. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông

1. Hồ sơ đăng ký bao gồm:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Các tài liệu chứng minh đáp ứng quy định tại Điều 25 của Nghị định này (nếu thay đổi so với hồ sơ doanh nghiệp tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

2. Thủ tục đăng ký:

a) Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Điều 27. Đào tạo và quản lý người lao động đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông

1. Doanh nghiệp phải tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết (ít nhất 74 tiết), đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình (ít nhất 145 tiết) và dạy tiếng Ả Rập hoặc tiếng Anh (ít nhất 145 tiết) cho người lao động. Tổng thời gian đào tạo ít nhất 45 ngày.

2. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu tổ chức đào tạo, doanh nghiệp gửi 01 bản chính danh sách người lao động (gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu/số chứng minh thư hoặc số căn cước công dân) tham gia khóa đào tạo, trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính và thư điện tử tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cập nhật danh sách (nếu có sự thay đổi).

3. Doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ đề nghị cấp thị thực cho người lao động sau khi người lao động đã hoàn thành khóa đào tạo quy định tại khoản 1 Điều này. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp thị thực, doanh nghiệp đồng thời gửi 01 bản chính danh sách người lao động (gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu) trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính và thư điện tử tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Doanh nghiệp phải cử nhân viên quản lý lao động thường trực tại nước tiếp nhận quy định tại khoản 3 Điều 25 của Nghị định này trước khi đưa lao động đi và thông tin về địa chỉ, số điện thoại liên lạc của nhân viên này tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, cơ chế về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn liên quan.

3. Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển thị trường lao động ngoài nước.

4. Đàm phán, đề nghị cấp có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế về lao động theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; ký kết các thoả thuận quốc tế về lao động theo quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.

5. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quy định nội dung, chương trình và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức bồi dưỡng nhân viên nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhân viên nghiệp vụ quản lý lao động thường trực ở nước ngoài.

6. Quyết định việc cấp, đổi, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

7. Duy trì và thường xuyên cập nhật trên trang thông tin điện tử (www.molisa.gov.vn, www.dolab.gov.vn) về nội dung chi tiết của hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại các thị trường phù hợp với chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài của các thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam và điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

8. Tổ chức, hướng dẫn việc đăng ký hợp đồng của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước theo hợp đồng cá nhân; giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

10. Tổ chức và thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và hậu kiểm đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

11. Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức và chỉ đạo công tác quản lý, xử lý những vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ tổ chức Ban Quản lý lao động trực thuộc Cơ quan đại diện Việt Nam ở những nước, khu vực có nhiều lao động Việt Nam.

12. Quy định, hướng dẫn chế độ báo cáo định kỳ hàng năm, đột xuất của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập cho cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức thực hiện việc quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mã số.

13. Tổ chức thực hiện công tác thống kê và thông tin về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

14. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan khác trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Điều 29. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về chủ trương, chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các công tác sau:

a) Bảo hộ lãnh sự, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước sở tại phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc ở nước sở tại, nghiên cứu và cung cấp thông tin để phát triển thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước sở tại;

c) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thị trường lao động ngoài nước.

Điều 30. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc tiếp nhận người lao động Việt Nam bị phía nước tiếp nhận lao động trục xuất hoặc bị buộc về nước theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nắm tình hình các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

3. Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc lợi dụng hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đưa người Việt Nam sang nước ngoài với mục đích khác.

Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Y tế

Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm của các cơ sở y tế trong việc tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Thực hiện quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương.

2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới:

a) Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Giới thiệu người lao động có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt các quy định của pháp luật để tham gia dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài;

c) Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp tuyển lao động tại địa phương và quản lý người lao động của địa phương làm việc ở nước ngoài;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

đ) Kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp tại địa phương;

e) Tổ chức tiếp nhận đăng ký hợp đồng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân và của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

Điều 33. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Tham gia ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Phối hợp chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động do doanh nghiệp dịch vụ thuộc phạm vi quản lý đưa đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản.

3. Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

5. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý người lao động làm các ngành nghề đặc thù thuộc lĩnh vực do bộ, ngành quản lý.

Điều 34. Quy định chuyển tiếp

1. Doanh nghiệp dịch vụ đã được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành có trách nhiệm rà soát, kịp thời điều chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện quy định tại Mục 2 Chương II của Nghị định này trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Doanh nghiệp dịch vụ đã được chấp thuận để đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), thực tập kỹ năng tại Nhật Bản và giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành có trách nhiệm rà soát, kịp thời điều chỉnh về nhân sự, cơ sở vật chất để phù hợp với quy định tại các Chương IV, V và VI của Nghị định này trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp thông tin về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất theo điều kiện quy định tại Mục 2 Chương II của Nghị định này; nội dung liên quan đến điều kiện theo quy định tại các Chương IV, V và VI của Nghị định này và cập nhật khi có sự thay đổi.

Điều 35. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2020.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3. Bãi bỏ Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

4. Bãi bỏ một phần các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

a) Điểm 1 và 2 Phần IV của Chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

b) Điểm 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Mục I Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 8 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

c) Nội dung quy định về tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề tại Mục II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 04 tháng 9 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 36. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÔNG VIỆC NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG ĐƯỢC ĐẾN LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
(Kèm theo Nghị định số 38 /2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ)

1. Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.

2. Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân.

3. Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.

4. Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.

5. Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.

6. Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).

7. Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả./.

PHỤ LỤC II

CÁC BIỂU MẪU VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
(Kèm theo Nghị định số 38 /2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Mẫu số 02

Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Mẫu số 03

Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Mẫu số 04

Văn bản đề nghị đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Mẫu số 05

Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ

Mẫu số 06

Văn bản đề nghị giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc)

Mẫu số 07

Văn bản đề nghị giới thiệu doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản

Mẫu số 08

Đăng ký tham gia đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại ....

Mẫu số 01

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ
ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Số: ……/LĐTBXH-GP

Cấp ngày…tháng…năm…

Cấp đổi lần thứ…ngày…tháng…năm…

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số …/2020/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Xét đề nghị của ……….(1) ……………và Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép…………………………(2)……………………………

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài:.....................................................

Tên công ty viết tắt:.....................................................................................

Mã số doanh nghiệp: .................đăng ký lần đầu ngày … tháng… năm...; thay đổi lần thứ …(nếu có) ngày.....tháng.......năm......nơi cấp..........................

Địa chỉ trụ sở chính:….………...................................................................

Điện thoại: ..…………Email:….........................Website…………...........

Người đại diện theo pháp luật:............................ (3).................................. được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 2. ………... ……………………(4)….……………………………. có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 3. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:
- ………,
- Lưu: VT, QLLĐNN

BỘ TRƯỞNG
(Hoặc người được ủy quyền)

Ghi chú:

(1) Chức danh của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

(2) Tên công ty viết bằng tiếng Việt.

(3) Họ tên người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

(4) Tên công ty viết bằng tiếng Việt.

Mẫu số 02

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

ĐỀ ÁN HOẠT ĐỘNG ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG
ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

1. Thông tin cơ bản về doanh nghiệp:

Tên công ty viết bằng tiếng Việt; loại hình doanh nghiệp; ngành nghề kinh doanh; cơ cấu, tổ chức hiện tại của doanh nghiệp; số lượng lao động doanh nghiệp đang sử dụng; hình thức và thời hạn hợp đồng lao động ký với người lao động.

2. Dự kiến thị trường đưa người lao động đến làm việc ở nước ngoài:

Khả năng mở và khai thác thị trường lao động ngoài nước; dự kiến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số lượng, ngành nghề và thị trường trong thời gian 03 năm kể từ khi được cấp giấy phép.

3. Phương án tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

a) Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài: bộ phận quản lý đào tạo và bộ phận quản lý học viên; chức năng, nhiệm vụ từng bộ phận;

b) Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chức năng nhiệm vụ từng phòng; số lượng nhân viên nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, nhiệm vụ được giao của từng nhân viên nghiệp vụ.

4. Phương án thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

a) Tuyển chọn lao động;

b) Dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

c) Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

d) Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

5. Phương án tài chính thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

a) Dự kiến cụ thể chi phí của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đối với từng thị trường, tổng chi phí người lao động phải nộp khi xuất cảnh;

b) Lương cơ bản và thu nhập dự kiến của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài;

c) Dự kiến doanh thu, chi phí và ngh a vụ tài chính của doanh nghiệp đối với Nhà nước trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 03 năm kể từ khi được cấp giấy phép;

d) Phương án hỗ trợ, giải quyết chi phí khi người lao động gặp rủi ro./.

Mẫu số 03

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………
V/v đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

…..., ngày ... tháng ... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên công ty viết bằng tiếng Việt:…........................................................

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài:.....................................................

Tên công ty viết tắt:.....................................................................................

2. Địa chỉ trụ sở chính:................................................................................

Điện thoại: .................; E-mail: ................; Website……………......…….

3. Người đại diện theo pháp luật:……….... ...............................................

Chức danh:….……………………....…………....……………………….

4. Mã số doanh nghiệp: ............ đăng ký lần đầu ngày ... tháng ... năm ..., thay đổi lần thứ …(nếu có) ngày... tháng ... năm ... nơi cấp…...........................

5. Vốn điều lệ/Vốn chủ sở hữu tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép: ...… Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, ngh a vụ theo đúng quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hồ sơ kèm theo gồm:

1. .................................................................................................................

2...................................................................................................................

3. .................................................................................................................

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

Mẫu số 04

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………
V/v đề nghị đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

…..., ngày ... tháng ... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên công ty viết bằng tiếng Việt:..........................................................

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài:.....................................................

Tên công ty viết tắt:.....................................................................................

2. Địa chỉ trụ sở chính:................................................................................

Điện thoại: .......................; E-mail: ...............................Website…………

3. Người đại diện theo pháp luật: ...............................................................

4. Mã số doanh nghiệp: ..............đăng ký lần đầu ngày... tháng ... năm ..., thay đổi lần thứ … ngày ... tháng ... năm ... nơi cấp……; lý do thay đổi đăng ký doanh nghiệp:……………………………………………………………….

5. Vốn điều lệ/Vốn chủ sở hữu tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép: …...

6. Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được cấp:

- Tên doanh nghiệp được cấp Giấy phép:…………………….……….….

- Số Giấy phép đã được cấp: …….LĐTBXH-GP ngày… tháng…năm… Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đổi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, ngh a vụ theo đúng quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hồ sơ kèm theo gồm:

1. ..............................................................................................................

2. ...............................................................................................................

3. ...............................................................................................................

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

Mẫu số 05

TÊN NGÂN HÀNG
...............................
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

GIẤY XÁC NHẬN NỘP TIỀN KÝ QUỸ

Căn cứ Nghị định số.../2020/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Hợp đồng ký quỹ số ... ngày... tháng... năm... đã ký kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Ngân hàng: (Tên ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ)

XÁC NHẬN

Tên công ty viết bằng tiếng Việt:...................................................... …….

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài:.....................................................

Tên công ty viết tắt:.....................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính:....................................................................................

Điện thoại:..............................................Fax:..............................................

Chủ tài khoản:.....................................Chức danh:......................................

Đã nộp đủ số tiền ký quỹ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề là: ………………. (Bằng chữ: ……………………..) vào tài khoản số ………………….. tại Ngân hàng.

Giấy xác nhận được lập thành 03 bản: 02 bản giao doanh nghiệp, 01 bản ngân hàng giữ./.

...., ngày.... tháng.... năm....
GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi họ tên và đóng dấu)

Mẫu số 06

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………
V/v đề nghị giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc)

…..., ngày ... tháng ... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên công ty viết bằng tiếng Việt:.......................................................….

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài:.....................................................

Tên công ty viết tắt:.....................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: ...................................................................................

Điện thoại: ........................; E-mail: .....................; Website……….……..

Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài số.................../LĐTBXH - GP ngày … tháng …. năm……

2. Nhân viên nghiệp vụ chuyên trách thị trường Đài Loan:

STT

Nhiệm vụ được giao

Họ tên

Ngày tháng năm sinh

Kinh nghiệm

Trình độ chuyên môn

Trình độ ngoại ngữ

Khai thác thị trường

Quản lý lao động

Bồi dưỡng kiến

thức cần thiết

3. Cơ sở vật chất để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc):

- Tên cơ sở:......................... ............................................................................

- Địa chỉ:..........................................................................................................

- Người phụ trách: ..........................................................................................

- Quy mô đào tạo:

+ Tổng diện tích: ...m2

+ Tổng số học viên/khóa: ... người

+ Số phòng học: ... phòng, diện tích: ... m2/phòng

+ Số phòng nội trú: ... phòng, diện tích ... m2/phòng

4. Trong 02 năm trở lại đây, Công ty không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

5. Các tài liệu gửi kèm theo (nếu có):

.................................................................................................... ................

................................................................................................... .................

.....................................................................................................................

Công ty cam kết các thông tin cung cấp là chính xác.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu Công ty với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc) để Công ty được đưa người lao động đi làm việc tại lãnh thổ Đài Loan./.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

Mẫu số 07

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………
V/v đề nghị giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản

…..., ngày ... tháng ... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tên công ty viết bằng tiếng Việt:...............................................................

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài:.....................................................

Tên công ty viết tắt:.....................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: ...................................................................................

Điện thoại: .....................; E-mail: ..........................; Website………...…..

Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài số.................../LĐTBXH-GP ngày … tháng …. năm……

Công ty cam kết nội dung đã khai trong Biểu Thông tin khái quát (kèm theo) là chính xác.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu Công ty với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản để Công ty được đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản./.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

THÔNG TIN KHÁI QUÁT VỀ DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI THỰC TẬP KỸ NĂNG TẠI NHẬT BẢN

(Kèm theo Công văn số... ngày...tháng...năm...của...)

Tên Công ty:.............................................................................................

Tên người đại diện theo pháp luật: ...........................................................

Địa chỉ trụ sở chính:..................................................................................

Điện thoại: ............................ Email:...................Website:.......................

Ngày thành lập doanh nghiệp: ..................................................................

Ngày chứng nhận:.....................................................................................

Ngành nghề kinh doanh: ..........................................................................

Vốn: ..........................................................................................................

Doanh thu (năm gần nhất): .......................................................................

Số nhân viên chính thức (trong đó số nhân viên phụ trách đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản): ...........................................................

Tên người chịu trách nhiệm thực hiện Chương trình Thực tập kỹ năng:......

Chức vụ:....................................................................................................

Địa chỉ:.....................................................................................................

Điện thoại: ...........................Email:.........................Website:...................

Liên hệ tại Nhật Bản:

(Tên gọi):...................................................................................................

(Tên người đại diện (trường hợp là pháp nhân):.......................................

Điện thoại: ................Fax:............ Email:................Website:...................

Mẫu số 08

TÊN DOANH NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………

…..., ngày ... tháng ... năm ...

ĐĂNG KÝ THAM GIA ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG
ĐI LÀM GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH

Tại ..............(1)....................

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên công ty viết bằng tiếng Việt:............................................................

Tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài:.....................................................

Tên công ty viết tắt:.....................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính:....................................................................................

Điện thoại: ......................; E-mail: ….................Website…….....…..……

2. Công ty đăng ký đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại ........................theo Hợp đồng cung ứng lao động làm việc số ................ đã ký ngày...... tháng ...... năm …... với đối tác .........................................................

3. Cơ sở đào tạo (hoặc liên kết đào tạo) cho người lao động đi làm giúp việc gia đình tại ....................................... và nhân viên nghiệp vụ:

a) Cơ sở đào tạo (hoặc liên kết đào tạo)

- Tên cơ sở:......................................................................................................

- Địa chỉ:...........................................................................................................

- Người phụ trách: ......................................... ..................................................

- Quy mô đào tạo:

+ Tổng diện tích: ... m2

+ Tổng số học viên/khóa: ... người

+ Số phòng học: ... phòng, diện tích: ... m2/phòng

+ Số phòng nội trú: ... phòng, diện tích ... m2/phòng

+ Phòng thực hành: có các trang thiết bị, dụng cụ bao gồm.......

b) Nhân viên nghiệp vụ:

- Nhân viên nghiệp vụ có...............năm kinh nghiệm hoạt động đưa người lao động sang ..................................(tên nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông), cụ thể là: Ông/bà.........................................................................

- Nhân viên bồi dưỡng kiến thức cần thiết: số lượng: ... người, cụ thể:

.............. ...............................................................................................................

- Nhân viên đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình (nếu có): số lượng: ... người, cụ thể:...................................................................................................

- Nhân viên dạy tiếng Ả Rập (nếu có): số lượng: ....., cụ thể: ............... ....

4. Nhân viên quản lý lao động thường trực tại ................................

- Họ tên:...........................................................ngày ... tháng... năm sinh ...

- Thời gian dự kiến cử đi: ...........hoặc đã cử đi vào ngày... tháng... năm...

- Số điện thoại liên hệ (tại nước tiếp nhận lao động):.....................................

5. Các tài liệu gửi kèm theo bao gồm:

.................................................................................................... ....................

................................................................................................... .....................

.........................................................................................................................

Công ty cam kết các thông tin cung cấp là chính xác.

Công ty cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại ....................../.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

Ghi chú:

(1) Tên nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông

THE GOVERNMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No. 38/2020/ND-CP

Hanoi, April 3, 2020

 

DECREE

ON ELABORATING TO LAW ON VIETNAMESE GUEST WORKERS

Pursuant to Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to Law on Vietnamese Guest Workers dated November 29, 2006;

Pursuant to Law on Enterprises dated November 26, 2014;

Pursuant to Law on Investment dated November 26, 2014 and Law on amendments to Article 6 and Annex 4 on list of conditional business lines of Law on Investment dated November 22, 2016;

At the request of Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs; the Government promulgates Decree on elaborating to Law on Vietnamese Guest Workers.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope

This Decree prescribes areas and professions which workers are not allowed to work in while abroad; license, eligibility and procedures for issuance and change of license for organizing guess worker programs; margin deposit of enterprises organizing guess worker programs; margin deposit, management and use of margin deposit of enterprises executing contracts for internship; conditions for bringing workers to work in Taiwan territory (China), internship for skills and experience in Japan and work as domestic workers for families in receiving countries in the Middle East; responsibilities of relevant agencies.

Article 2. Regulated entities

1. Enterprises and organizations facilitating guest worker programs.

2. Guest workers operating in sectors specified in Article 6 of Law on Vietnamese Guest Workers.

3. Relevant agencies, organizations and individuals whose operations are related to organizing guest worker programs.

Article 3. Areas and occupations which workers are not allowed to work in while abroad

1. Areas with military conflicts or potential military conflict, radiation, toxic or particularly dangerous diseases.

2. List of occupations which workers are not allowed to work while abroad under Annex I attached to this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

LICENSE FOR ORGANIZING GUEST WORKER PROGRAMS, ELIGIBILITY AND APPLICATION FOR ISSUANCE OR CHANGE THEREOF

Section 1. LICENSE FOR ORGANIZING GUEST WORKER PROGRAMS

Article 4. License for organizing guest worker programs

1. License for organizing guest worker programs shall be issued by Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.

2. The license for organizing guest worker programs shall be printed on kraft paper in A4 size (21 cm x 29.7 cm), with light blue pattern, faded national emblems and black outline.

3. Contents of the license for organizing guest worker programs shall follow Form No. 01 under Annex II attached to this Decree.

Article 5. License issuance fees

1. Enterprises shall submit fees for issuance of license for bringing workers to work abroad upon receiving the license.

2. Collection, management and use of fees for issuance of the license shall comply with regulations and law on fees and charges.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 6. Eligibility regarding business model and legal capital

Enterprises permitted to organize guest worker programs (hereinafter referred to as “service providers”) are limited liability companies, joint stock companies and partnerships which are established and operating according to Law on Enterprises and satisfy following capital requirements: 

1. Legal capital must not be lower than VND 5,000,000,000.

2. Owners, members and shareholders must be domestic investors according to Law on Investment.

Article 7. Scheme for organizing guest worker programs

Contents of the Scheme for organizing guest worker programs shall comply with regulations and law of Vietnam and receiving countries and shall be made using Form No. 02 under Annex II attached to this Decree.

Article 8. Specialized facilities to provide workers with necessary knowledge prior to working abroad and organizing guest worker programs

1. Specialized facilities to provide workers with necessary knowledge prior to working abroad and organization of guest worker programs of service providers (hereinafter referred to as “facilities”) include:

a) Centers for providing workers with necessary knowledge prior to working abroad include leaner training and management departments;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Centers for providing necessary knowledge and professional departments must ensure adequate specialized employees for organizing guest worker programs.

2. Conditions for organizations providing necessary knowledge for workers owned by service providers or hired by service providers under contracts shall comply with regulations and law and satisfy following basic requirements:

a) Have adequate rooms for study and stay for 100 workers at any given time;

b) Average area for rooms for study is 1.4 m2/learner and rooms for stay is 3.5 m2/learner with basic equipment to ensure studying and staying capabilities.

3. Service providers issued with the license for organizing guest worker programs for the first time shall organize specialized facilities to provide necessary knowledge and bringing workers to work abroad within 90 days from the date on which the license is issued.

Article 9. Specialized employees and lead operators

1. Specialized employees specified in Point c Clause 1 Article 8 of this Decree must:

a) Sign fixed-term or permanent employment contracts with service providers;

b) Not currently be criminally prosecuted, enforce criminal judgment of courts, currently prohibited from holding positions or practicing; 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Specialized employees utilizing international market, selecting workers, managing guest workers and providing necessary knowledge must graduate in either law, economic, business administration or foreign language and have at least 1 year of experience in organizing guest worker programs.

2. Lead operators in organizing guest worker programs are legal representatives of enterprises satisfying conditions in Clause 3 Article 9 of Law on Vietnamese Guest Workers and Point b Clause 1 of this Article.

Article 10. Margin deposit of service providers

Enterprises shall place margin deposit of VND 1,000,000,000 at commercial institutions licensed for operations in Vietnam. Margin of service providers shall be utilized according to Clause 1 and Clause 2 Article 22 Law on Vietnamese Guest Workers.

Section 3. APPLICATION FOR ISSUANCE AND CHANGE OF LICENSE FOR ORGANIZING GUEST WORKER PROGRAMS

Article 11. Application for issuance of the license

Application for issuance of the license includes written request of enterprises (using Form No. 3 under Annex II and attached to this Decree) and following documents:

1. 1 copy of the latest enterprise registration.

2. Documents proving capital conditions according to Article 13 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. 1 master register of Scheme for organizing guest worker programs.

5. 1 copy of documents proving ownership or agreements on renting equipment to provide workers with necessary experience.

6. Documents proving eligibility of lead operators and specialized employees according to Article 14 of this Decree.

7. 1 copy of the rules of companies.

Article 12. Application for change of license

Application for change of the license consists of written request of enterprises (using Form No. 4 under Annex II attached to this Decree) and following documents:

1. 1 master register of issued license.

2. 1 copy of the latest enterprise registration.

3. 1 copy of documents proving satisfaction of conditions specified in Clause 2 Article 8 and Article 9 of the Law, in case of any changes, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) In case of changes to lead operators: Documents proving eligibility of lead operators according to Article 14 of this Decree;

c) In case of changes to the organization structure: Produce reports on structure of organizations providing necessary knowledge and acts of organizing guest worker programs; documents proving ownership or contracts for renting equipment (in case of changing location of centers for provision of necessary knowledge);

d) In case of changes to specialized employees: List of specialized employees to undergo change; documents proving that new employees satisfy requirements specified in Article 14 of this Decree.

4. 1 master register of documents confirming contribution to fund for assisting foreign occupations of the previous quarter.

Article 13. Documents proving capital conditions

1. With respect to enterprises issued with enterprise registration for at least 1 year: Audited financial statements of the previous year and financial statements from the beginning of the year to the end of the quarter before issuance of the license according to accounting standards of Vietnam issued by Ministry of Finance.

2. With respect to enterprises issued with business registration for less than 1 year from the date of first business registration: Audited reports on equity using accounting standards of Vietnam issued by Ministry of Finance within 1 month of submitting application or documents on contribution of capital for enterprise establishment include:

a) Copies of following papers: Records of contributions of founding shareholders, shareholder registry, share ownership confirmation documents in case of joint stock companies; records of contributions of members, member registry and documents confirming contributed capital of limited liability companies with at least 2 members or higher; decision on fund allocation of owners to single-member limited liability companies whose owners are organizations; records of contribution of partners and partners contributing with partnership companies;

b) Receipt of money transferred to accounts of companies in commercial institutions – in case of founding shareholders/founding members/owners/partners/contributors who are individuals; cheques or standing orders or other appropriate non-cash payment methods according to applicable regulations and law – in case of founding shareholders/founding members/owners/partners/contributors who are enterprises;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 14. Documents proving eligibility of lead operators and specialized employees

Documents proving eligibility of lead operators and specialized employees consist of:

1. 1 copies of specialized degrees.

2. 1 master register of legal background as per the law.

3. 1 copy of employment contracts (if any).

4. 1 copy of documents showing previous experience with respect to lead operators and specialized employees specified in Point d Clause 1 Article 9 of this Decree (decision on assignment, employment contracts or experience confirmation paper).

Chapter III

MARGIN DEPOSIT IN IMPLEMENTATION OF INTERNSHIP AGREEMENTS

Article 15. Margin deposit in implementation of internship agreements

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Enterprises organizing guest worker programs in form of internships shall place margin deposit in financial institutions.

3. Financial institutions and enterprises shall comply with this Decree and relevant law provisions. Financial institutions where the enterprises place margin deposit shall confirm using Form No. 5 under Annex II attached to this Decree.

Article 16. Amount of margin deposit in implementation of internship agreements

Amount of margin deposit of enterprises organizing guest worker programs in form of internship to improve personal skills shall equal 10% of a one-way business class air ticket at the time of placing margin deposit from receiving countries to VIetnam depending on number of guest workers under internship contracts.

Article 17. Use and settlement of margin deposit in implementation of internship contracts

1. Chairpersons of provincial People’s COmmittees may use the margin deposit as specified in Clause 1 Article 15 of this Decree; confirm to let financial institutions to repay margin deposit and make settlement for enterprises organizing guest worker programs in form of internship to improve personal skills under contracts for organizing guest worker programs in form of internships to improve personal skills within 90 days.

2. Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs may use the margin deposit as specified in CLause 1 Article 15 of this Decree; confirm to enable financial institutions to repay the margin deposit and make settlement for enterprises organizing guest worker programs in form of internship to improve personal skills under contracts for organizing guest worker programs in form of internships to improve personal skills within 90 days.

3. Chairpersons of provincial People’s Committees and Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall request financial institutions in writing to withdraw or extract margin deposit of enterprises for contents specified in Clause 1 Article 15 of this Decree.

Within 30 days from the date of margin deposit withdrawal or extraction of enterprises, the enterprises must refill the margin deposit as per the law. If enterprises fail to comply, financial institutions are responsible for informing Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs or provincial People’s Committees in writing for appropriate measures as per the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ELIGIBLITY FOR BRINGING WORKERS TO WORK IN TAIWAN TERRITORY

Article 18. Eligibility for introduction of service providers bringing workers to work in Taiwan territory

Service providers which are not imposed with administrative penalties regarding organizing guest worker programs within 2 years up to the date on which application for introduction to Taiwan parties is submitted shall be considered to be introduced with competent agencies of Taiwan (China) in order to bringer workers to work in Taiwan if the service providers:

1. Have specialized employees providing necessary knowledge about Taiwan market with at least 1 year of experience in bringing workers to work in Taiwan territory.

2. Employees extracting extra-boundary markets and managing workers overseas who have at least HSK5 or TOCFL4 Chinese proficiency certificates or similar certificates.

Article 19. Application and procedures for introduction of service providers bringing workers to work in Taiwan

1. Application for introduction includes:

a) Written application using Form 6 under Annex II attached to this Decree;

b) Documents proving satisfaction with Clauses 1 and 2 Article 18 of this Decree (in case of any changes compared to enterprise dossiers in Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Service providers shall submit 1 application in person or via postal services to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs;

b) Within 10 working days from the date on which valid applications are received, Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall issue letters introducing service providers to competent agencies of Taiwan (China). In case introducing letters are not issued, Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall respond in writing specifying the reasons.

Article 20. Provision of necessary knowledge, worker training and management prior to working in Taiwan territory

1. Service providers must organize courses to provide knowledge (at least 74 periods), improve skills and teach Chinese to the workers prior to working in Taiwan (China) at request of receiving party.

2. Service providers shall provide necessary knowledge (at least 134 periods), train skills of taking care of sick persons at home (at least 120 periods), and teach Chinese (at least 267 periods) for workers taking care of sick people at home for the first time.

3. Service providers shall submit 1 master register of list of workers expected to make exit (including full name, date of birth, hometown, passport number, phone number and receiving party) in person or via postal services to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs for confirmation within 5 working days before service providers submitting applications for issuance of visas for the workers.

Chapter V

ELIGIBILITY FOR BRINGING WORKERS TO JAPAN FOR INTERNSHIP

Article 21. Eligibility for introduction of service providers bringing workers to Japan for internship

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Have adequate equipment to provide necessary knowledge and Japanese training satisfactory to Point b Clause 2 Article 8 of this Decree.

2. Have specialized employees understanding Japanese market with at least 1 year of experience in bringing workers to Japan for internship; employees extracting extra-boundary market and managing guest workers having at least N2 Japanese proficiency certificates (in JLPT standards) or similar certificates.

3. Satisfy standards applied to service providers bringing workers to Japan for internship under agreements between Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and competent authorities of Japan.

Article 22. Application and procedures for introduction of service providers bringing workers to Japan for internship

1. Application for introduction includes:

a) Written application using Form 7 under Annex II attached to this Decree;

b) Documents proving satisfaction to requirements specified in Clauses 1, 2 and 3 Article 21 of this Decree (in case of changes to enterprise dossiers in Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs).

2. Procedures for introduction:

a) Service providers shall submit 1 application for introduction in person or via postal services to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 23. Cooperation principles between Vietnamese service providers and Japanese managing organizations

Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall agree with Japanese competent authorities on cooperation principles between Vietnamese service providers and Japanese managing organizations and inform service providers about the cooperation principles for implementation.

Article 24. Managing workers participating in internship in Japan

If service providers bring at least 200 workers to Japan for internship, the service providers must send standing employees managing workers in Japan and their address and phone number to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and Vietnamese representative missions in Japan.

Chapter VI

ELIGIBILITY FOR BRINGING WORKERS TO WORK AS DOMESTIC WORKERS IN RECEIVING COUNTRIES IN THE MIDDLE EAST

Article 25. Eligibility for service providers bringing workers to work as domestic workers in receiving countries in the Middle East

Service providers which are not imposed with administrative penalties regarding organizing guest worker programs within 2 years up to the date of submitting the application for the first time may bring workers to work as domestic workers in receiving countries in the Middle East if the service providers:

1. Have rooms to practice necessary skills equipped with necessary equipment and tools for domestic services, etc. which are satisfactory to culture and customs of receiving countries in the Middle East.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Have at least 1 standing employee managing workers in each receiving country in the Middle East. The employee must have at least 1 year of experience in managing guest workers, be fluent in Arabic or English of at least B1 proficiency level (according to the CEFR) or similar levels.

Article 26. Application and procedures for registering to bring workers to work as domestic workers in receiving countries in the Middle East

1. Application includes:

a) Written application using Form No. 8 under Annex II attached to this Decree;

b) Documents proving satisfaction to Article 25 of this Decree (in case of any changes to enterprise dossiers in Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs).

2. Procedures for application:

a) Service providers shall submit 1 application in person or via postal services to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs;

b) Within 10 working days from the date on which valid applications are received, Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall issue documents on permitting the service providers to bring workers to work as domestic workers in receiving countries in the Middle East. In case the applications are rejected, Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall respond in writing specifying reasons.

Article 27. Training and managing workers working as domestic workers in receiving countries in the Middle East

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 5 working days from the date on which training starts, service providers shall submit 1 master register of list of workers (including full name, date of birth, passport number/ID number/Citizen Identification Card number) participating in the course in person or via postal services and email to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and update the list (in case of any change).

3. Service providers shall only submit application for issuance of visas for the workers once the workers have completed training courses specified in Clause 1 of this Article. Upon submitting application for issuance of visas, the service providers shall attach 1 master register of list of workers (including full name, date of birth, passport number) in person or via postal service and e-mail to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.

4. Service providers must send standing employees managing workers at receiving countries specified in Clause 3 Article 25 of this Decree before bringing the workers and their address, phone number to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and representative missions of Vietnam in receiving countries in the Middle East.

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 28. Responsibilities of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs

1. Shall act as contact point to assist the Government to perform joint state management regarding guest workers.

2. Cooperate with relevant agencies in developing legislative documents, policies and procedures regarding guest workers and requesting competent authorities to issue or issuing within their competence; directing publicizing Law on Vietnamese Guest Workers and relevant documents providing guidelines.

3. Cooperate with relevant agencies in conducting research on development of extra-boundary worker market.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Develop and provide guidelines for training workforce for guest workers; regulate contents, programs and certificates of provision of necessary certificates for workers prior to guest worker programs; organize training for specialized employees organizing guest worker programs and specialized standing employees managing guest workers.

6. Decide on issuance, change and revocation of license for organizing guest worker programs as per the law.

7. Maintain and regularly update on the website (www.molisa.gov.vn, www.dolab.gov.vn) details of contracts for provision of labor and contracts for bringing workers to work in markets according to policies, regulations and law on labor overseas of markets currently receiving Vietnamese workers and international agreements signed by Vietnam.

8. Organize and instruct contract registration of the service providers and guest workers under personal contracts; supervise contract implementation of service providers.

9. Deal with complaints and accusations relating to organizing guest worker programs as per the law; inspect, examine and take actions against violations with respect to organizations and individuals committing administrative violations regarding organizing guest worker programs.

10. Organize and conduct specialized inspection regarding organizing guest worker programs and post-inspection with respect to service providers organizing guest worker programs.

11. Cooperate with Ministry of Foreign Affairs in organizing and directing management and handling of affairs related to Vietnamese guest workers; cooperate with Ministry of Foreign Affairs and Ministry of Home Affairs in organizing Committee for labor management affiliated to Vietnamese representative missions in countries and regions with many Vietnamese workers.

12. Regulate and provide guidelines for annual and irregular report regimes of enterprises and service providers to governmental regulatory agencies; organize management of guest workers with code.

13. Implement inventory and information regarding organizing guest worker programs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 29. Responsibilities of Ministry of Foreign Affairs

1. Cooperate with Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and relevant ministries in conducting research and proposing to the Government regarding policies on guest workers.

2. Direct and instruct overseas Vietnamese representative missions to:

a) Protect consular, legal rights and interest of Vietnamese working in receiving countries according to regulations and law of Vietnam and receiving countries, and international agreements to which Vietnam and the receiving countries are signatories;

b) Cooperate with domestic competent agencies to deal with issues relating to Vietnamese working in receiving countries, conduct research and provide information to develop the market of bringing Vietnamese to work in receiving countries;

c) Cooperate with Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and relevant agencies in organizing activities to promote extra-boundary worker market.

Article 30. Responsibilities of Ministry of Public Security

1. Cooperate with Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and Vietnamese representative missions in accepting Vietnamese workers rejected by receiving countries or forced to return to their home country according to Law on Vietnamese Guest Workers.

2. Cooperate with relevant agencies in contacting with organizations and individuals related to organizing guest worker programs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 31. Responsibilities of Ministry of Health

Direct, examine, inspect and take actions against violations of health departments in organizing health examination for guest workers as per the law.

Article 32. Responsibilities of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities

1. Perform state management regarding guest workers in provinces.

2. Direct affiliated specialized agencies and People’s Committee of lower levels:

a) Publicize policies and regulations of the Government on guest workers;

b) Enable workers with good discipline and obedient to regulations and law to be selected for guest worker programs;

c) Enable enterprises and service providers to employ local workers and manage local guest workers;

d) Deal with complaints and accusations of organizations and individuals related to organizing guest worker programs as per the law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Receive contract applications of guest workers and of service providers organizing guest worker programs in form of internship.

Article 33. Responsibilities of agencies and organizations specified in Points a, b and c Clause 2 Article 10 of Law on Vietnamese Guest Workers

1. Discuss with Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs about issuance of license for organizing guest worker programs for service providers within 15 days from the date on which written request of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs is received.

2. Cooperate in dealing with issues related to guest workers who are brought abroad by managing service providers Sin case the service providers are dissolved or go bankrupt.

3. Assist enterprises and service providers within their management to deal with issues relating to rights of guest workers.

4. Handle complaints and accusations related to organizing guest worker programs as per the law.

5. Cooperate with Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs in managing workers operating in specific fields under management of ministries.

Article 34. Transitional clauses

1. Service providers licensed to organize guest worker programs before the effective date of this Decree are responsible for examining and adjusting organizations, personnel and facilities satisfactory to Section 2 Chapter II of this Decree within 90 days from the effective date of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Service providers are responsible for uploading on their website information about organization, personnel and facilities satisfactory to requirements specified in Section 2 Chapter II of this Decree; contents related to requirements specified in Chapters IV, V and VI of this Decree and update in case of any changes.

Article 35. Entry into force

1. This Decree comes into force from May 20, 2020.

2. This Decree replaces Decree No. 126/2007/ND-CP dated August 1, 2007 of Government on elaborating to Law on Vietnamese Guest Workers.

3. Annuls Decision No. 19/2007/QD-BLDTBXH dated July 18, 2007 of Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs on organizational structures of organizing guest worker programs and specialized facilities to provide necessary knowledge prior to working abroad.

4. Annuls parts of following legislative documents:

a) Point 1 and 2 Section IV of program for provision of necessary knowledge for workers prior to working abroad attached to Decision No. 18/2007/QD-BLDTBXH dated July 18, 2007 of Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs on program for provision of necessary knowledge for guest workers;

b) Points 1, 2, 3, 4, 5 and 6 Section I Circular No. 21/2007/TT-BLDTBXH dated October 8, 2010 of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs on elaborating to Law on Vietnamese Guest Workers and Decree No. 126/2007/ND-CP dated August 1, 2007 of Government on elaborating to Law on Vietnamese Guest Workers;

c) Provision on margin for implementation of contracts for organizing guest worker programs in form of internship under Section II of Joint Circular No. 17/2007/TTLT-BLDTBXH-NHNNVN dated September 4, 2007 of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and State Bank of Vietnam on management and use of margin deposit of enterprises and margin deposit of guest workers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central affiliated cities, relevant agencies, organizations and individuals are responsible for implementation of this Decree.

2. Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs within their functions and tasks are responsible for organizing and guiding implementation of this Decree./.

 

 

PP. GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 38/2020/NĐ-CP ngày 03/04/2020 hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


44.774

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.30.137
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!