CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
169/1999/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 12 năm 1999
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 169/1999/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 12 NĂM 1999 SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 58/CP NGÀY 03 THÁNG 10 NĂM 1996 CỦA
CHÍNH PHỦ VỀ CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI CÁC DOANH
NGHIỆP, TỔ CHỨC Ở VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 58/CP ngày 03 tháng 10
năm 1996 của Chính phủ về cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc
tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam như sau:
Bổ sung vào Điều 2 các khoản 6,
7, 8, 9, 10 như sau:
6. Nhà thầu (thầu chính, thầu phụ)
là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam hoặc nước ngoài nhận thầu.
Trong trường hợp đấu thầu tuyển chọn tư vấn, nhà thầu có thể là cá nhân.
7. Các cơ sở y tế, văn hóa, thể
thao, giáo dục và đào tạo.
8. Văn phòng đại diện, chi nhánh
của các công ty nước ngoài, Văn phòng đại diện của các tổ chức: kinh tế, thương
mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế,
tư vấn pháp luật.
9. Ngân hàng liên doanh với nước
ngoài, chi nhánh ngân hàng liên doanh với nước ngoài, bao gồm cả chi nhánh ngân
hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước
ngoài hoạt động tại Việt Nam; Công ty liên doanh bảo hiểm hoặc Công ty liên
doanh môi giới bảo hiểm, chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài được phép hoạt động
tại Việt Nam.
10. Hợp tác xã.
Đối với người nước ngoài được
người sử dụng lao động nêu trên thuê để xử lý khó khăn trong trường hợp khẩn cấp
(trường hợp khẩn cấp được quy định là những sự cố, tình huống kỹ thuật, công
nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất
kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở
Việt Nam không thể xử lý được) và người nước ngoài là thành viên Hội đồng Quản
trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài, trưởng đại diện Văn phòng, trưởng chi nhánh nêu trên
không thuộc diện phải xin cấp Giấy phép lao động.
2. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung
như sau:
"1. Người sử dụng lao động
được tuyển người nước ngoài vào làm việc khi có công việc yêu cầu chuyên gia có
chuyên môn kỹ thuật cao (bao gồm: kỹ sư và người có trình độ tương đương kỹ sư
trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống), có nhiều kinh nghiệm trong
nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý hoặc những công việc quản lý mà
lao động Việt Nam chưa đáp ứng được. Trong thời gian sử dụng người nước ngoài,
người sử dụng lao động phải có kế hoạch đào tạo người Việt Nam để thay thế người
nước ngoài.
2. Thời hạn sử dụng lao động là
người nước ngoài phù hợp với thời hạn của hợp đồng lao động có thời hạn đã giao
kết giữa người sử dụng lao động và người nước ngoài. Trường hợp phía nước ngoài
có quyết định cử người sang Việt Nam làm việc thì thời hạn này phải phù hợp với
văn bản mà cơ quan Nhà nước Việt Nam đã ký kết về vấn đề này".
3. Khoản 1 Điều 11 được sửa đổi
như sau:
"1. Người sử dụng lao động
phải gửi 01 bộ hồ sơ tới cơ quan Nhà nước được Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội ủy quyền để xin cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài, Bộ hồ sơ gồm
có:
a) Các giấy tờ của người sử dụng
lao động:
Đơn xin cấp Giấy phép lao động
cho người nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Bản sao Giấy phép thành lập và
hoạt động của người sử dụng lao động.
Văn bản của cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền cho phép tuyển người nước ngoài.
Bản sao hợp đồng lao động đã
giao kết với người sử dụng lao động hoặc quyết định cử sang làm việc của phía
nước ngoài (đối với các truờng hợp người nước ngoài hiện đang ở Việt Nam) hoặc
văn bản của người sử dụng lao động về dự kiến sẽ giao kết hợp đồng lao động hay
dự kiến quyết định cử sang làm việc.
b) Các giấy tờ của người lao động
nước ngoài, gồm:
Đơn xin cấp Giấy phép lao động tại
Việt Nam theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư
pháp nơi người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam cấp hoặc phiếu lý lịch tư
pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, nếu người lao động nước ngoài
đang cư trú ở nước ngoài.
Bản sao chứng chỉ về trình độ
chuyên môn tay nghề của người nước ngoài. Chứng chỉ về trình độ chuyên môn tay
nghề của người lao động nước ngoài, bao gồm: bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương
đương trở lên hoặc giấy chứng nhận về tay nghề của người nước ngoài do cơ quan
có thẩm quyền cấp theo quy định của nước đó.
Đối với người lao động nước ngoài
là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống hoặc người có nhiều kinh nghiệm
trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý nếu không có chứng chỉ thì
phải có bản tự nhận xét về trình độ chuyên môn, tay nghề và trình độ quản lý được
cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch xác nhận.
Giấy chứng nhận sức khỏe do bệnh
viện cấp tỉnh trở lên của Việt Nam cấp hoặc do bệnh viện, cơ sở chữa bệnh khác
nhưng phải tương đương bệnh viện cấp tỉnh. Nếu giấy chứng nhận sức khỏe được cấp
ở nước ngoài thì theo quy định của nước đó.
Bản lý lịch tự thuật của người
lao động nước ngoài có dán ảnh theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
quy định.
Ba ảnh mầu (kích thước 3 cm x 4
cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính).
4. Điều 12 được sửa đổi như sau:
"Trong thời hạn 15 ngày, kể
từ ngày nhận đủ hồ xin cấp Giấy phép lao động hợp lệ, Cơ quan được Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội ủy quyền phải cấp Giấy phép lao động cho người nước
ngoài. Trường hợp không cấp được Giấy phép, thì phải có văn bản trả lời và nêu
rõ lý do".
5. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung
như sau:
"1. Giấy phép lao động được
cấp theo thời hạn của hợp đồng lao động đã giao kết hoặc dự kiến sẽ giao kết,
hoặc theo quyết định cử sang làm việc của phía nước ngoài.
2. Trường hợp cần thiết, người sử
dụng lao động và người lao động nước ngoài có thể thỏa thuận gia hạn hợp đồng
lao động đã giao kết, nhưng chỉ được gia hạn một lần, thời gian gia hạn không
dài hơn thời gian của hợp đồng lao động đã giao kết. Trong trường hợp này, người
sử dụng lao động phải làm đơn xin gia hạn Giấy phép lao động (theo mẫu do Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội quy định), kèm theo bản giải trình, bản sao hợp
đồng lao động đã gia hạn và Giấy phép lao động đã được cấp, gửi cho Cơ quan được
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ủy quyền, chậm nhất là 30 ngày, trước ngày hợp
đồng lao động cũ hết hạn.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền phải gia hạn Giấy phép lao động.
Trường hợp không gia hạn thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. (Không gia hạn
cho những người vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động Việt Nam).
3. Cấp lại Giấy phép lao động:
a) Trường hợp Giấy phép lao động
đã được cấp bị mất hoặc hỏng, người lao động nước ngoài phải làm đơn xin cấp lại
Giấy phép lao động, có xác nhận và đề nghị của người sử dụng lao động gửi cho
cơ quan đã cấp Giấy phép lao động.
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được hồ sơ hợp lệ xin cấp lại Giấy phép lao động, Cơ quan có thẩm quyền
xem xét và cấp lại Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Truờng hợp
không cấp lại Giấy phép lao động thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
(Không cấp lại Giấy phép lao động cho người nước ngoài đã bị trục xuất khỏi Việt
Nam vì vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động Việt Nam)".
6. Bãi bỏ Điều 3, Điều 9, Điều
10 và Điều 15.
Điều 2.
1. Người sử
dụng lao động có trách nhiệm báo cáo định kỳ về việc sử dụng lao động là người
nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này, quy định cụ thể việc ủy
quyền và hủy bỏ việc ủy quyền cấp Giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh.
3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng
dẫn nội dung xác nhận và thời hạn xác nhận phiếu lý lịch tư pháp.
Điều 3.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Mọi quy định trước
đây trái với quy định tại Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 4.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này.