Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 130/2020/NĐ-CP kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ trong cơ quan tổ chức

Số hiệu: 130/2020/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 30/10/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Hình thức xử lý cán bộ, công chức kê khai tài sản gian dối

Chính phủ ban hành Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý như sau:

(1) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

(2) Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

(3) Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp (1), (2) mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức:

- Cảnh cáo;

- Hạ bậc lương;

- Giáng chức;

- Cách chức;

- Buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm;

Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và bãi bỏ Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013.

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

VỀ KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP CỦA NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN TRONG CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ;

Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, bao gồm:

a) Điểm b khoản 2 Điều 31 về trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập;

b) Điều 35 về Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập và việc thực hiện kê khai;

c) Điểm b khoản 3 Điều 36 về người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm;

d) Khoản 1, 2 và 5 Điều 39 về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

đ) Điểm d khoản 1 Điều 41 về tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh theo kế hoạch hằng năm và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập;

e) Điều 54 về bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập;

g) Điểm g, điểm h khoản 1 Điều 94 về xử lý kỷ luật đối với người vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.

2. Một số biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Quy chế phối hợp giữa các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

2. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người có nghĩa vụ kê khai).

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm soát tài sản, thu nhập là hoạt động do Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ về tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

2. Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là việc công bố bản kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi tắt là bản kê khai) theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 11, 12, 13 của Nghị định này.

4. Giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm là việc người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó.

5. Xác minh tài sản, thu nhập là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Điều 4. Nguyên tắc kiểm soát tài sản, thu nhập

1. Hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng; được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không xâm phạm quyền tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.

2. Mọi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm việc sử dụng không đúng mục đích thông tin, dữ liệu trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

3. Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai, giải trình không trung thực phải căn cứ vào bản kê khai, việc giải trình và Kết luận xác minh được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định này.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC YÊU CẦU VÀ THỰC HIỆN YÊU CẦU CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 5. Quyền yêu cầu, trách nhiệm thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin

1. Người có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập (sau đây gọi là người yêu cầu) để phục vụ việc theo dõi biến động tài sản, thu nhập, xây dựng kế hoạch xác minh và xác minh tài sản, thu nhập, bao gồm:

a) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập;

b) Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin (sau đây gọi là người được yêu cầu) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, kịp thời thông tin theo yêu cầu của người yêu cầu và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Điều 6. Việc yêu cầu cung cấp thông tin của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

1. Việc yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện bằng văn bản.

2. Nội dung văn bản yêu cầu gồm có:

a) Mục đích, căn cứ yêu cầu cung cấp thông tin;

b) Những thông tin cần được cung cấp;

c) Thời hạn cung cấp thông tin;

d) Hướng dẫn việc cung cấp thông tin bằng văn bản, thông điệp dữ liệu;

đ) Yêu cầu khác (nếu có).

3. Việc yêu cầu cung cấp thông tin bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 7. Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Thời hạn cung cấp thông tin:

a) Người được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu;

b) Trong trường hợp thông tin được yêu cầu cung cấp là thông tin phức tạp, không có sẵn thì thời hạn cung cấp thông tin là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

2. Trong trường hợp vì lý do khách quan không thể cung cấp được thông tin hoặc cung cấp không đúng thời hạn thì người được yêu cầu phải có văn bản đề nghị người yêu cầu xem xét, giải quyết.

Người được yêu cầu phải chấp hành quyết định của người yêu cầu cung cấp thông tin.

Điều 8. Việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước và cá nhân

1. Việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực ngoài nhà nước và cá nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này.

2. Việc yêu cầu và thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Chương III

KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 9. Mẫu bản kê khai và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập

1. Việc kê khai lần đầu, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện theo Mẫu bản kê khai và Hướng dẫn việc kê khai tại Phụ lục I được ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Việc kê khai bổ sung được thực hiện theo Mẫu bản kê khai và hướng dẫn việc kê khai bổ sung tại Phụ lục II được ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 10. Người có nghĩa vụ kê khai hằng năm

Người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm:

1. Các ngạch công chức và chức danh sau đây:

a) Chấp hành viên;

b) Điều tra viên;

c) Kế toán viên;

d) Kiểm lâm viên;

đ) Kiểm sát viên;

e) Kiểm soát viên ngân hàng;

g) Kiểm soát viên thị trường;

h) Kiểm toán viên;

i) Kiểm tra viên của Đảng;

k) Kiểm tra viên hải quan;

l) Kiểm tra viên thuế;

m) Thanh tra viên;

n) Thẩm phán.

2. Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chương IV

CÔNG KHAI BẢN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 11. Việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Việc công khai bản kê khai đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như sau:

a) Bản kê khai của người giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan trung ương được niêm yết tại trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên;

Bản kê khai của người giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống được niêm yết tại đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo cấp phòng trở lên trong đơn vị, nơi không tổ chức đơn vị cấp phòng thì tại cuộc họp toàn thể đơn vị. Bản kê khai của những người khác được niêm yết tại phòng, ban, đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể công chức, viên chức thuộc phòng, ban, đơn vị; nếu biên chế của phòng, ban, đơn vị có từ 50 người trở lên và có tổ, đội, nhóm thì công khai trước toàn thể công chức, viên chức thuộc tổ, đội, nhóm;

b) Bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân.

Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã hoặc công khai tại cuộc họp gồm toàn thể cán bộ, công chức xã;

c) Bản kê khai của những người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước được niêm yết tại trụ sở doanh nghiệp nhà nước hoặc công khai tại cuộc họp gồm Ủy viên Hội đồng thành viên, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng, Trưởng các đơn vị trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các tổng công ty, công ty trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Trưởng các đoàn thể trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước;

d) Bản kê khai của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được niêm yết hoặc công khai tại cuộc họp như được nêu tại các điểm a, b và c khoản này.

2. Việc công khai bản kê khai tại cuộc họp đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

3. Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

4. Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.

Việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ các bản kê khai được niêm yết, có chữ ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đại diện tổ chức công đoàn.

5. Cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập. Người chủ trì cuộc họp tự mình hoặc phân công người đọc các bản kê khai hoặc từng người đọc bản kê khai của mình. Biên bản cuộc họp phải ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình về nội dung bản kê khai (nếu có); có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đại diện tổ chức công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 12. Công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bao gồm bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hằng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó.

Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

2. Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, người chủ trì cuộc họp thực hiện việc công khai bản kê khai như sau:

a) Phát cho những người bỏ phiếu tín nhiệm bản sao của các bản kê khai nêu tại khoản 1 Điều này;

b) Đọc hoặc phân công người đọc bản kê khai phục vụ bổ nhiệm và Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (nếu có).

Người kê khai có quyền giải thích các ý kiến nêu tại cuộc họp liên quan tới bản kê khai (nếu có).

3. Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Điều 13. Công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước

1. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp để bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

2. Việc công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.

Chương V

XÂY DỰNG, PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÁC MINH TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 14. Xây dựng kế hoạch xác minh hằng năm

1. Căn cứ xây dựng kế hoạch:

a) Tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương;

b) Các yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng;

c) Định hướng xây dựng kế hoạch xác minh do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 hằng năm;

d) Khả năng, điều kiện thực hiện các mục tiêu xác minh quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

2. Căn cứ vào khoản 1 Điều này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm; nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện.

3. Kế hoạch xác minh phải có các nội dung sau:

a) Mục đích, yêu cầu của kế hoạch xác minh;

b) Số lượng và tên cơ quan, đơn vị được xác minh;

c) Tổng số người được xác minh, số lượng người được xác minh phân bổ theo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc;

d) Việc tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh, người được phân công chỉ đạo việc thực hiện, đơn vị được phân công tiến hành xác minh, nguồn lực để thực hiện xác minh.

Điều 15. Phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh

1. Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hằng năm; Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hằng năm sau khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch.

2. Kế hoạch xác minh hằng năm của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình; riêng đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính phải bảo đảm tối thiểu bằng 10%.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.

Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 16. Tiêu chí lựa chọn người được xác minh theo kế hoạch

Việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

1. Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

2. Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó.

3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử;

b) Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;

c) Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

Chương VI

BẢO VỆ, LƯU TRỮ, KHAI THÁC, CUNG CẤP THÔNG TIN CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 17. Nguyên tắc bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

1. Thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập phải được lưu trữ đầy đủ, chính xác; khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm yêu cầu của việc kiểm soát tài sản, thu nhập, công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý cán bộ.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập phải được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn theo quy định của pháp luật; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin; bảo đảm sự tương thích, an toàn, thông suốt trong toàn hệ thống các cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Điều 18. Trách nhiệm bảo vệ, lưu trữ thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

1. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm:

a) Xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập;

b) Tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

c) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập;

d) Thực hiện các biện pháp sao lưu, dự phòng để bảo đảm khả năng khắc phục sự cố, phục hồi dữ liệu;

đ) Thực hiện các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng để bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập hoạt động thường xuyên, ổn định.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong việc bảo vệ, lưu trữ thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Điều 19. Khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập

1. Thanh tra Chính phủ và các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan, tổ chức khác theo quy định tại các điểm đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 42 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

2. Thanh tra Chính phủ và các Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

3. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.

4. Việc cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người chịu sự kiểm soát của nhiều Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện theo Quy chế phối hợp quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định này.

Chương VII

XỬ LÝ VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP

Điều 20. Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai

1. Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

2. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Điều 21. Xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.

2. Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

4. Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 20, các khoản 1, 2 và 3 Điều này nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập

1. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

2. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

3. Việc xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm là thành viên, hội viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của tổ chức đó.

Điều 23. Công khai quyết định xử lý vi phạm

1. Quyết định kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập được niêm yết công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật thường xuyên làm việc trong thời gian 15 ngày.

Ngoài việc niêm yết công khai, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức thông báo tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm khác về kiểm soát tài sản, thu nhập phải được công khai theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2020.

Bãi bỏ Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, V.1 (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC I

MẪU BẢN KÊ KHAI VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP LẦN ĐẦU, KÊ KHAI HẰNG NĂM, KÊ KHAI PHỤC VỤ CÔNG TÁC CÁN BỘ
(Kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ)

A. MẪU BẢN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP... (1)

(Ngày....... tháng...... năm......)(2)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Người kê khai tài sản, thu nhập

- Họ và tên:................................ Ngày tháng năm sinh:..................................................

- Chức vụ/chức danh công tác:......................................................................................

- Cơ quan/đơn vị công tác:............................................................................................

- Nơi thường trú:...........................................................................................................

- Số căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân (3):........................... ngày cấp............... nơi cấp......................

2. Vợ hoặc chồng của người kê khai tài sản, thu nhập

- Họ và tên:............................... Ngày tháng năm sinh:...................................................

- Nghề nghiệp:..............................................................................................................

- Nơi làm việc (4):...........................................................................................................

- Nơi thường trú:...........................................................................................................

- Số căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân:............................... ngày cấp........... nơi cấp...................

3. Con chưa thành niên (con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật)

3.1. Con thứ nhất:

- Họ và tên:............................... Ngày tháng năm sinh:...................................................

- Nơi thường trú:...........................................................................................................

- Số căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân:................................. ngày cấp........... nơi cấp................

3.2. Con thứ hai (trở lên): Kê khai tương tự như con thứ nhất.

II. THÔNG TIN MÔ TẢ VỀ TÀI SẢN (5)

1. Quyền sử dụng thực tế đối với đất (6):

1.1. Đất ở (7):

1.1.1. Thửa thứ nhất:

- Địa chỉ (8):

- Diện tích (9):.................................................................................................................

- Giá trị (10):

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng (11):............................................................................

- Thông tin khác (nếu có) (12):..........................................................................................

1.1.2. Thửa thứ 2 (trở lên): Kê khai tương tự như thửa thứ nhất.

1.2. Các loại đất khác (13):

1.2.1. Thửa thứ nhất:

- Loại đất:......................................... Địa chỉ:................................................................

- Diện tích:

- Giá trị (10):

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng:................................................................................

- Thông tin khác (nếu có):..............................................................................................

1.2.2. Thửa thứ 2 (trở lên): Kê khai tương tự như thửa thứ nhất.

2. Nhà ở, công trình xây dựng:

2.1. Nhà ở:

2.1.1. Nhà thứ nhất:.......................................................................................................

- Địa chỉ:

- Loại nhà (14):................................................................................................................

- Diện tích sử dụng (15):..................................................................................................

- Giá trị (10):

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu:..................................................................................

- Thông tin khác (nếu có):..............................................................................................

2.1.2. Nhà thứ 2 (trở lên): Kê khai tương tự như nhà thứ nhất.

2.2. Công trình xây dựng khác (16):

2.2.1. Công trình thứ nhất:

- Tên công trình:.............................. Địa chỉ:..................................................................

- Loại công trình:............................. Cấp công trình:......................................................

- Diện tích:

- Giá trị (10):

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu:..................................................................................

- Thông tin khác (nếu có):..............................................................................................

2.2.2. Công trình thứ 2 (trở lên): Kê khai tương tự như công trình thứ nhất.

3. Tài sản khác gắn liền với đất (17):

3.1. Cây lâu năm (18):

- Loại cây:........................ Số lượng:................... Giá trị (10):..........................................

- Loại cây:........................ Số lượng:................... Giá trị (10):..........................................

3.2. Rừng sản xuất (19):

- Loại rừng:...................... Diện tích:................... Giá trị (10):............................................

- Loại rừng:...................... Diện tích:................... Giá trị (10):............................................

3.3. Vật kiến trúc khác gắn liền với đất:

- Tên gọi:.......................... Số lượng:................... Giá trị (10):..........................................

- Tên gọi:.......................... Số lượng:................... Giá trị (10):..........................................

4. Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (20).

5. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên (21).

6. Cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (khai theo từng loại):

6.1. Cổ phiếu:

- Tên cổ phiếu:...................... Số lượng:.................... Giá trị:.........................................

- Tên cổ phiếu:...................... Số lượng:.................... Giá trị:.........................................

6.2. Trái phiếu:

- Tên trái phiếu:..................... Số lượng:.................... Giá trị:.........................................

- Tên trái phiếu:..................... Số lượng:.................... Giá trị:.........................................

6.3. Vốn góp (22):

- Hình thức góp vốn:......................... Giá trị:..................................................................

- Hình thức góp vốn:......................... Giá trị:..................................................................

6.4. Các loại giấy tờ có giá khác (23):

- Tên giấy tờ có giá:........................... Giá trị:................................................................

- Tên giấy tờ có giá:........................... Giá trị:................................................................

7. Tài sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, bao gồm:

7.1. Tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký (tầu bay, tầu thủy, thuyền, máy ủi, máy xúc, ô tô, mô tô, xe gắn máy...) (24):

- Tên tài sản:......................... Số đăng ký:...................... Giá trị:....................................

- Tên tài sản:......................... Số đăng ký:...................... Giá trị:....................................

7.2. Tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, các loại tài sản khác) (25):

- Tên tài sản:............... Năm bắt đầu sở hữu:.................... Giá trị:...................................

- Tên tài sản:............... Năm bắt đầu sở hữu:.................... Giá trị:...................................

8. Tài sản ở nước ngoài (26).

9. Tài khoản ở nước ngoài (27):

- Tên chủ tài khoản:......................., số tài khoản:...........................................................

- Tên ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức nơi mở tài khoản:...................................

10. Tổng thu nhập giữa hai lần kê khai (28):

- Tổng thu nhập của người kê khai:................................................................................

- Tổng thu nhập của vợ (hoặc chồng):............................................................................

- Tổng thu nhập của con chưa thành niên:.......................................................................

- Tổng các khoản thu nhập chung:..................................................................................

III. BIẾN ĐỘNG TÀI SẢN, THU NHẬP; GIẢI TRÌNH NGUỒN GỐC CỦA TÀI SẢN, THU NHẬP TĂNG THÊM (29) (nếu là kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thì không phải kê khai Mục này):...................................................................

Loại tài sản, thu nhập

Tăng (30)/giảm (31)

Nội dung giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm và tổng thu nhập

Số lượng tài sản

Giá trị tài sản, thu nhập

1. Quyền sử dụng thực tế đối với đất

1.1. Đất ở

1.2. Các loại đất khác

2. Nhà ở, công trình xây dựng

2.1. Nhà ở

2.2. Công trình xây dựng khác

3. Tài sản khác gắn liền với đất

3.1. Cây lâu năm, rừng sản xuất

3.2. Vật kiến trúc gắn liền với đất

4. Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên

5. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.

6. Cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (khai theo từng loại):

6.1. Cổ phiếu

6.2. Trái phiếu

6.3. Vốn góp

6.4. Các loại giấy tờ có giá khác

7. Tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên:

7.1. Tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký (tầu bay, tầu thủy, thuyền, máy ủi, máy xúc, ô tô, mô tô, xe gắn máy...).

7.2. Tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh ảnh, các loại tài sản khác).

8. Tài sản ở nước ngoài.

9. Tổng thu nhập giữa hai lần kê khai (32).

...... ngày......... tháng......... năm......
NGƯỜI NHẬN BẢN KÊ KHAI
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ/chức danh)

...... ngày...... tháng...... năm......
NGƯỜI KÊ KHAI TÀI SẢN
(Ký, ghi rõ họ tên)

B. HƯỚNG DẪN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

I. GHI CHÚ CHUNG

(1) Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ghi rõ phương thức kê khai theo quy định tại Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng (kê khai lần đầu hay kê khai hằng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ). Kê khai lần đầu thì không phải kê khai Mục III “Biến động tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm”, không tự ý thay đổi tên gọi, thứ tự các nội dung quy định tại mẫu này. Người kê khai phải ký ở từng trang và ký, ghi rõ họ tên ở trang cuối cùng của bản kê khai. Người kê khai phải lập 02 bản kê khai để bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý mình (01 bản bàn giao cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, 01 bản để phục vụ công tác quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị và hoạt động công khai bản kê khai). Người của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai khi tiếp nhận bản kê khai phải kiểm tra tính đầy đủ của các nội dung phải kê khai. Sau đó ký và ghi rõ họ tên, ngày tháng năm nhận bản kê khai.

(2) Ghi ngày hoàn thành việc kê khai.

II. THÔNG TIN CHUNG

(3) Ghi số căn cước công dân. Nếu chưa được cấp thẻ căn cước công dân thì ghi số chứng minh thư (nhân dân/quân nhân/công an) và ghi rõ ngày cấp và nơi cấp.

(4) Nếu vợ hoặc chồng của người kê khai làm việc thường xuyên trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì ghi rõ tên cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp đó; nếu làm việc tự do, nghỉ hưu hoặc làm việc nội trợ thì ghi rõ.

III. THÔNG TIN MÔ TẢ VỀ TÀI SẢN

(5) Tài sản phải kê khai là tài sản hiện có thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người kê khai, của vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi (nếu có) chưa thành niên theo quy định của pháp luật.

(6) Quyền sử dụng thực tế đối với đất là trên thực tế người kê khai có quyền sử dụng đối với thửa đất bao gồm đất đã được cấp hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

(7) Đất ở là đất được sử dụng vào mục đích để ở theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp thửa đất được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau mà trong đó có đất ở thì kê khai vào mục đất ở.

(8) Ghi cụ thể số nhà (nếu có), ngõ, ngách, khu phố, thôn, xóm, bản; xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(9) Ghi diện tích đất (m2) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc diện tích đo thực tế (nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

(10) Giá trị là giá gốc tính bằng tiền Việt Nam, cụ thể: Trường hợp tài sản có được do mua, chuyển nhượng thì ghi số tiền thực tế phải trả khi mua hoặc nhận chuyển nhượng cộng với các khoản thuế, phí khác (nếu có); trường hợp tài sản có được do tự xây dựng, chế tạo, tôn tạo thì ghi tổng chi phí đã chi trả để hoàn thành việc xây dựng, chế tạo, tôn tạo cộng với phí, lệ phí (nếu có) tại thời điểm hình thành tài sản; trường hợp tài sản được cho, tặng, thừa kế thì ghi theo giá thị trường tại thời điểm được cho, tặng, thừa kế cộng với các khoản thuế, phí khác (nếu có) và ghi “giá trị ước tính”; trường hợp không thể ước tính giá trị tài sản vì các lý do như tài sản sử dụng đã quá lâu hoặc không có giao dịch đối với tài sản tương tự thì ghi “không xác định được giá trị” và ghi rõ lý do.

(11) Nếu thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ghi số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tên người được cấp hoặc tên người đại diện (nếu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung của nhiều người); nếu thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ghi “chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

(12) Ghi cụ thể về tình trạng thực tế quản lý, sử dụng (ví dụ như người kê khai đứng tên đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu nhưng thực tế là của người khác); tình trạng chuyển nhượng, sang tên và hiện trạng sử dụng như cho thuê, cho mượn,...

(13) Kê khai các loại đất có mục đích sử dụng không phải là đất ở theo quy định của Luật Đất đai.

(14) Ghi “căn hộ” nếu là căn hộ trong nhà tập thể, chung cư; ghi “nhà ở riêng lẻ” nếu là nhà được xây dựng trên thửa đất riêng biệt.

(15) Ghi tổng diện tích (m2) sàn xây dựng của tất cả các tầng của nhà riêng lẻ, biệt thự bao gồm cả các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng kỹ thuật, tầng áp mái và tầng mái tum. Nếu là căn hộ thì diện tích được ghi theo giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua, hợp đồng thuê của nhà nước.

(16) Công trình xây dựng khác là công trình xây dựng không phải nhà ở.

(17) Kê khai những tài sản gắn liền với đất mà có tổng giá trị mỗi loại ước tính từ 50 triệu trở lên.

(18) Cây lâu năm là cây trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm gồm: cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả lâu năm, cây lâu năm lấy gỗ, cây tạo cảnh, bóng mát. Cây mà thuộc rừng sản xuất thì không ghi vào mục này.

(19) Rừng sản xuất là rừng trồng.

(20) Ghi các loại vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

(21) Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên. Nếu ngoại tệ thì ghi số lượng và số tiền quy đổi ra tiền Việt Nam.

(22) Ghi từng hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh, cả trực tiếp và gián tiếp.

(23) Các loại giấy tờ có giá khác như chứng chỉ quỹ, kỳ phiếu, séc,...

(24) Ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tầu thủy, tầu bay, thuyền và những động sản khác mà theo quy định phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký có giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.

(25) Các loại tài sản khác như cây cảnh, bàn ghế, tranh ảnh và các loại tài sản khác mà giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.

(26) Kê khai tài sản ở nước ngoài phải kê khai tất cả loại tài sản nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, tương tự mục 1 đến mục 7 của Phần II và nêu rõ tài sản đang ở nước nào.

(27) Kê khai các tài khoản mở tại ngân hàng ở nước ngoài; các tài khoản khác mở ở nước ngoài không phải là tài khoản ngân hàng nhưng có thể thực hiện các giao dịch bằng tiền, tài sản (như tài khoản mở ở các công ty chứng khoán nước ngoài, sàn giao dịch vàng nước ngoài, ví điện tử ở nước ngoài...).

(28) Kê khai riêng tổng thu nhập của người kê khai, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên. Trong trường hợp có những khoản thu nhập chung mà không thể tách riêng thì ghi tổng thu nhập chung vào phần các khoản thu nhập chung; nếu có thu nhập bằng ngoại tệ, tài sản khác thì quy đổi thành tiền Việt Nam (gồm các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, thù lao, cho, tặng, biếu, thừa kế, tiền thu do bán tài sản, thu nhập hưởng lợi từ các khoản đầu tư, phát minh, sáng chế, các khoản thu nhập khác). Đối với kê khai lần đầu thì không phải kê khai tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. Đối với lần kê khai thứ hai trở đi được xác định từ ngày kê khai liền kề trước đó đến ngày trước ngày kê khai.

IV. BIẾN ĐỘNG TÀI SẢN, THU NHẬP; GIẢI TRÌNH NGUỒN GỐC TÀI SẢN, THU NHẬP TĂNG THÊM

(29) Kê khai tài sản tăng hoặc giảm tại thời điểm kê khai so với tài sản đã kê khai trước đó và giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm, nguồn hình thành thu nhập trong kỳ áp dụng với lần kê khai thứ hai trở đi. Nếu không có tăng, giảm tài sản thì ghi rõ là “Không có biến động” ngay sau tên của Mục III.

(30) Nếu tài sản tăng thì ghi dấu cộng (+) và số lượng tài sản tăng vào cột “số lượng tài sản”, ghi giá trị tài sản tăng vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và giải thích nguyên nhân tăng vào cột “nội dung giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm và tổng thu nhập”.

(31) Nếu tài sản giảm thì ghi dấu trừ (-) vào cột “số lượng tài sản”, ghi giá trị tài sản giảm vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và giải thích nguyên nhân giảm tài sản vào cột “Nội dung giải trình nguồn gốc của tài sản tăng thêm và tổng thu nhập”.

(32) Ghi tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và ghi rõ từng khoản thu nhập có được trong kỳ kê khai.

Ví dụ: Trong thời kỳ từ 16/12/2019 đến 15/12/2020, ông A bán một thửa đất ở 100 m2 ở địa chỉ B, giá trị của thửa đất lúc mua là 500 triệu, thu được 4 tỷ đồng; ông A sử dụng tiền bán thửa đất trên mua 01 căn hộ 100 m2 tại chung cư C giá mua 3,5 tỷ đồng và mua một ô-tô Toyota với giá 1 tỷ đồng, đăng ký biển kiểm soát 18E-033.55. Thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp của gia đình ông A là 600 triệu, thu nhập từ các khoản đầu tư là 1 tỷ đồng, sau khi chi tiêu ông A gửi tiết kiệm ở ngân hàng D số tiền 500 triệu.

Ông A sẽ ghi như sau:

Loại tài sản, thu nhập

Tăng/giảm

Nội dung giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và tổng thu nhập

Số lượng tài sản

Giá trị tài sản, thu nhập

1. Quyền sử dụng đất

1.1. Đất ở

- Bán thửa đất B

- 100m2

500 triệu

Giảm do bán

2. Nhà ở, công trình xây dựng

2.1. Nhà ở

- Mua căn hộ tại chung cư C

+ 100 m2

3.500 triệu

Mua nhà từ tiền bán thửa đất B

3. Tài sản khác gắn liền với đất

4. Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

5. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.

- Gửi tiết kiệm tại ngân hàng D

+ 01 Sổ tiết kiệm

500 triệu

Tiết kiệm từ thu nhập

6. Cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên

7. Tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, bao gồm:

7.1. Tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký

- Mua ô tô, số ĐK: 18E-033.55

+ 01

1.000 triệu

Mua từ tiền bán đất và thu nhập trong năm

8. Tài sản ở nước ngoài

9. Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

+ 5.600 triệu

- Thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp 600 triệu;

- Thu nhập từ các khoản đầu tư 1.000 triệu;

- Tiền bán thửa đất B được 4.000 triệu

PHỤ LỤC II

MẪU BẢN KÊ KHAI VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP BỔ SUNG
(Kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ)

A. MẪU BẢN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP BỔ SUNG

(Ngày....... tháng...... năm......) (1)

I. THÔNG TIN CHUNG (2)

II. BIẾN ĐỘNG TÀI SẢN, THU NHẬP; GIẢI TRÌNH NGUỒN GỐC TÀI SẢN, THU NHẬP TĂNG THÊM

Loại tài sản, thu nhập

Tăng (3)/giảm (4)

Nội dung giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và tổng thu nhập

Số lượng tài sản

Giá trị tài sản, thu nhập

1. Quyền sử dụng thực tế đối với đất:

1.1. Đất ở

1.2. Các loại đất khác

2. Nhà ở, công trình xây dựng khác:

2.1. Nhà ở

2.2. Công trình xây dựng khác

3. Tài sản khác gắn liền với đất:

3.1. Cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng

3.2. Vật kiến trúc gắn liền với đất

4. Vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

5. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.

6. Cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (khai theo từng loại):

6.1. Cổ phiếu

6.2. Trái phiếu

6.3. Vốn góp

6.4. Các loại giấy tờ có giá khác

7. Tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên:

7.1. Tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký (tầu bay, tầu thủy, thuyền, máy ủi, máy xúc, ô tô, mô tô, xe gắn máy...).

7.2. Tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bộ bàn ghế, cây cảnh, tranh, ảnh, tiền điện tử, các loại tài sản khác...).

8. Tài sản ở nước ngoài.

9. Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai (5).

III. THÔNG TIN MÔ TẢ VỀ TÀI SẢN, THU NHẬP TĂNG THÊM (6)

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

.............................................................................................................................

B. HƯỚNG DẪN KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP BỔ SUNG

(1) Ghi ngày hoàn thành việc kê khai.

(2) Ghi như phần thông tin chung trong Mẫu bản kê khai tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

(3) Nếu tài sản tăng thì ghi dấu cộng (+) và số lượng tài sản tăng vào cột “số lượng tài sản”, ghi giá trị tài sản tăng vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và giải thích nguyên nhân tăng vào cột “nội dung giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và tổng thu nhập”.

(4) Nếu tài sản giảm thì ghi dấu trừ (-) vào cột “số lượng tài sản”, ghi giá trị tài sản giảm vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và giải thích nguyên nhân giảm tài sản vào cột “Nội dung giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và tổng thu nhập”.

(5) Ghi tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” và ghi rõ từng khoản thu nhập có được trong kỳ kê khai (xem ví dụ tại điểm 32 phần hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này).

(6) Ghi như mục II “Thông tin mô tả về tài sản” theo mẫu bản kê khai và hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này. Lưu ý chỉ kê khai về những tài sản mới tăng thêm, không kê khai lại những tài sản đã kê khai trước đó.

PHỤ LỤC III

DANH MỤC NGƯỜI PHẢI KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP HẰNG NĂM THEO QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 2 ĐIỀU 10 NGHỊ ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP CỦA NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN TRONG CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ
(Kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ)

1. Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

2. Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

3. Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.

4. Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.

5. Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp.

6. Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

7. Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.

8. Quản lý các đối tượng nộp thuế.

9. Thu thuế, kiểm soát thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, quản lý và cấp phát ấn chỉ.

10. Kiểm hóa hàng hóa xuất nhập khẩu.

11. Thẩm định, kiểm tra và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

12. Cấp giấy phép hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng.

13. Thẩm định, quyết định cấp tín dụng tại các ngân hàng có vốn chi phối của nhà nước.

14. Xử lý công nợ, các khoản nợ xấu; hoạt động mua và bán nợ; thẩm định, định giá trong đấu giá.

15. Cấp phát tiền, hàng thuộc Kho bạc nhà nước và dự trữ quốc gia.

16. Thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

17. Cấp giấy phép hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng, bạc, đá quý.

18. Giám sát hoạt động ngân hàng.

19. Cấp giấy phép liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại.

20. Cấp giấy phép liên quan đến việc bảo đảm tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

21. Quản lý thị trường.

22. Cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng.

23. Thẩm định dự án xây dựng.

24. Quản lý quy hoạch xây dựng.

25. Quản lý, giám sát chất lượng các công trình xây dựng.

26. Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch.

27. Cấp chứng chỉ năng lực đối với tổ chức hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân hoạt động xây dựng, giấy phép hoạt động đối với nhà thầu nước ngoài.

28. Giám định kỹ thuật, quản lý các công trình giao thông.

29. Đăng kiểm các loại phương tiện giao thông.

30. Sát hạch, cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông.

31. Cấp giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm.

32. Cấp giấy chứng nhận hành nghề y, dược.

33. Cấp giấy phép, giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm; cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

34. Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc tân dược.

35.Cấp giấy phép nhập khẩu hóa chất diệt côn trùng, khử trùng.

36. Cấp giấy chứng nhận nhập khẩu mỹ phẩm.

37. Kiểm định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

38. Quản lý, giám sát, cung ứng các loại thuốc; dược liệu, dụng cụ, thiết bị vật tư y tế; các loại sản phẩm màu liên quan đến việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe con người và lợi ích xã hội.

39. Thẩm định và định giá các loại thuốc tân dược.

40. Cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

41. Cấp giấy phép công nhận cơ sở lưu trú du lịch.

42. Cấp giấy phép công nhận di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia.

43. Cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

44. Cấp giấy phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.

45. Cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

46. Cấp giấy phép xuất nhập khẩu và phổ biến các ấn phẩm văn hóa.

47. Thẩm định hồ sơ công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.

48. Thẩm định và cấp giấy phép chương trình, tiết mục, vở diễn của các tổ chức cá nhân Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào biểu diễn tại Việt Nam.

49. Thẩm định, trình phê duyệt các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật.

50. Trình phê duyệt hoặc thỏa thuận việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

51. Cấp giấy phép hoạt động về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí và xuất bản.

52. Cấp giấy phép hoạt động, cấp và phân bổ tài nguyên trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

53. Quản lý các chương trình quảng cáo trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, trên Internet.

54. Phân bổ, thẩm định, quản lý các dự án, đề án thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

55. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

56. Cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

57. Cấp giấy phép xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại.

58. Cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.

59. Cấp giấy phép về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.

60. Xử lý hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất.

61. Giao hạn mức đất; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng.

62. Xử lý vi phạm hành chính về môi trường.

63. Thẩm định, lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát, điều phối, đền bù, giải phóng mặt bằng.

64. Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm.

65. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

66. Quản lý thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.

67. Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.

68. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư.

69. Thẩm định dự án.

70. Đấu thầu.

71. Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn.

72. Quản lý quy hoạch.

73. Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất.

74. Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.

75. Quản lý ODA.

76. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ lãnh sự, cấp visa, quản lý xuất, nhập cảnh.

77. Tiếp nhận và giải quyết việc đăng ký kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; đăng ký giao dịch bảo đảm.

78. Tiếp nhận và giải quyết việc cải chính hộ tịch; lý lịch tư pháp.

79. Cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

80. Cấp giấy phép thành lập các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề; phân bổ chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề.

81. Thực hiện chính sách đối với người có công; bảo trợ xã hội.

82. Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.

83. Thẩm định hồ sơ cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký trong quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

84. Thẩm định, giám định công nghệ đối với các dự án đầu tư.

85. Thẩm định, tư vấn cấp các văn bằng sở hữu trí tuệ.

86. Phân bổ, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

87. Tuyển sinh vào các trường công lập.

88. Phân bổ chỉ tiêu đào tạo đại học, sau đại học và chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài.

89. Thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

90. Thẩm định sách giáo khoa, giáo cụ giảng dạy, các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.

91. Thẩm định hồ sơ thành lập các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.

92. Quản lý các dự án, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

93. Dạy nghề và giới thiệu việc làm.

94. Quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học.

95. Kiểm soát cửa khẩu.

96. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.

97. Đăng ký và cấp biển số các loại phương tiện giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.

98. Thẩm tra phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, kiểm tra an toàn phòng cháy.

99. Giám thị, quản giáo tại các trại giam, trại tạm giam và các cơ sở giáo dục bắt buộc.

100. Đăng ký, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

101. Thủ quỹ, kế toán.

102. Người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng, tài chính.

103. Trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

104. Trợ lý quân lực, Trợ lý cán bộ cấp Trung đoàn trở lên.

105. Trợ lý quản lý học viên, tuyển sinh, chính sách, bảo hiểm của các nhà trường.

GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 130/2020/ND-CP

Hanoi, October 30, 2020

 

DECREE

ON CONTROLLING ASSET AND INCOME OF PERSONS HOLDING TITLES AND POWERS IN AGENCIES, ORGANIZATIONS AND ENTITIES

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to Law on amendments to Law on Government Organization and Law on Local Governmental Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Anti-Corruption dated November 20, 2018;

At request of the Inspector-General;

The Government promulgates Decree on controlling asset and income of persons holding titles and powers in agencies, organizations and entities.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope

1. This Decree elaborates Law on Anti-Corruption regarding controlling assets and income of persons holding titles and powers in agencies, organizations and entities, including:

a) Point b Clause 2 Article 31 on procedures for requesting and following up request for providing information on assets and income of individuals obliged to make declarations serving confirmation of assets and income;

b) Article 35 on forms of asset, income declarations and declaration of assets, income;

c) Point b Clause 3 Article 36 on persons operating in personnel organization, management of public finance or public assets or persons directly meeting and dealing with issues of agencies, organizations entities that subject to annual asset and income declaration;

d) Clauses 1, 2, and 5 Article 39 on time, format and organization of publicizing declarations in agencies, organizations and individuals; publicizing declarations of assets and income of persons expected to hold managerial positions in agencies, organizations and entities and persons potentially elected to hold managerial positions in state enterprises;

dd) Point d Clause 1 Article 41 on criteria for selecting persons obliged to declare assets and income verified according to annual plans and development, approval of annual plans for verifying assets and income of asset and income controlling bodies;

e) Article 54 on protection, preservation, extraction and provision of national database information on controlling assets and income;

g) Points g and h Clause 1 Article 94 on disciplining persons violating trustworthiness obligations in declaring assets and income, and explaining origins of additional assets and income; persons violating regulations on deadline for declaring assets and income or other regulations on controlling assets and income.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Regulated entities

1. Asset, income controlling bodies.

2. Persons obliged to declare assets and income (hereinafter referred to as “persons obliged to make declarations”).

3. Relevant agencies, organizations, entities and individuals in controlling assets and income.

Article 3. Term interpretation

In this Decree, terms below are construed as follows:

1. “asset, income control” refers to operations of asset, income controlling bodies conducted according to regulations and law to clarify assets, income, fluctuation in terms of assets, income, origin of additional assets, income of persons obliged to make declaration to prevent corruption, serve officer operation, promptly detect corruption, prevent dispersion of assets of corruption and recall assets of corruption.

2. “declaration of assets, income” refers to clear, adequate and accurate depiction of assets, income, fluctuation of assets, income to be declared, origin of additional assets, income using the form attached to this Decree.

3. “publicizing declarations of assets, income” refers to publicizing declarations of assets, income (hereinafter referred to as “declarations”) according to Law on Anti-corruption and Articles 11, 12, and 13 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. “verification of assets, income” refers to clarification of declaration and consideration, assessment and conclusion of asset, income controlling bodies according to procedures regulated under Law on Anti-corruption and this Decree regarding credibility, adequacy and coherence of declarations and credibility in explaining origin of additional assets, income.

Article 4. Principles of controlling assets, income

1. Asset, income control must ensure transparency, objectivity and fairness; be performed within competence, on the right subjects with the right procedures as per the law; not violate property rights of persons obliged to make declarations.

2. All violations of agencies, organizations and individuals in controlling assets, income must be stringently and promptly dealt with as per the law.

Ban the use of information and data for wrong purposes in controlling assets, income.

3. Implementation of asset, income control measures and penalties against untruthful declarations and explanation must rely on written declarations, explanation and verification conclusion implemented according to Law on Anti-corruption in 2018 and this Decree.

Chapter II

PROCEDURES, REQUEST AND IMPLEMENTATION OF REQUEST FOR INFORMATION ON ASSETS, INCOME

Article 5. Rights to request, responsibilities and implementation of request for information

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Heads and vices of asset, income controlling bodies;

b) Heads of asset, income controlling teams.

2. Agencies organizations and individuals requested for information (hereinafter referred to as “requested party”) are responsible for fully, truthfully and promptly providing information at request of requesting party and responsible for provided information.

Article 6. Request of asset, income controlling bodies for information

1. Request for information according to Clause 3 Article 31 of Law on Anti-corruption shall be implemented in writing.

2. Written request shall consist of:

a) Purpose and basis for information request;

b) Information to be provided;

c) Deadline for information provision;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Other requirements (if any).

3. Request for additional information shall conform to Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Article 7.  Information provision of agencies, organizations and individuals

1. Deadline for information provision:

a) Requested party must provide information at request within 5 working days from the date of receiving request;

b) In case requested information is complicated information or currently unavailable, the deadline shall be 15 working days from the date of receiving request.

2. In case of inability to provide information promptly due to objective reasons, requested party must solicit requesting party in writing to consider.

Requested party must comply with decisions of requesting party.

Article 8. Request and implementation of request for information for non-state enterprises, organizations and individuals

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Request and implementation of request for information for credit institution and branches of foreign banks in Vietnam shall conform to regulations and law on provision of customer information of credit institutions and branches of foreign banks in Vietnam.

Chapter III

ASSET, INCOME DECLARATION

Article 9. Declaration form and asset, income declaration

1. First-time declaration, annual declaration and declaration for officer affairs shall conform to declaration form and declaration guidelines under Annex I attached to this Decree.

2. Additional declaration shall conform to declaration form and declaration guidelines under Annex II attached to this Decree.

Article 10. Persons obliged to make annual declarations

Persons obliged to make declarations as stated in Point b Clause 3 Article 36 of Law on Anti-corruption, including:

1. Following officer titles and ranks:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Investigators;

c) Accountants;

d) Rangers;

dd) Procurators;

e) Banking procurators;

g) Market controllers;

h) Auditors;

i) Examiners of the Communist Party;

k) Customs examiners;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

m) Inspectors;

n) Judges.

2. Persons holding managerial positions from deputies and equivalent to higher positions operating in fields defined under Annex III attached to this Decree.

3. Representatives of state capital in enterprises.

Chapter IV

PUBLICIZING ASSET, INCOME DECLARATIONS

Article 11. Publicizing declarations in agencies, organizations and entities

1. Publicizing declarations for individuals under control of asset, income controlling bodies specified under Clauses 1, 2, and 3 Article 30 of Law on Anti-corruption shall be implemented as follows:

a) Declarations of persons holding Deputy General Director positions or higher in central government authorities shall be posted in head offices of ministries, ministerial agencies and governmental agencies or publicized in meetings consisting of heads of departments, agencies or higher;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Declarations of Chairpersons and Vice Chairpersons of People’s Councils of provinces and People’s Committees of all levels shall be publicized in head offices of People’s Councils and People’s Committees or in meetings consisting of the entire officials and employees of offices of People’s Councils and People’s Committees.

Declarations of persons obliged to make declaration affiliated to departments and agencies of provinces, departments and divisions of districts shall be publicized in head offices or in meetings consisting of the entire officials and employees. 

Declarations of persons obliged to make declarations affiliated to People’s Councils and People’s Committees of communes shall be posted in head offices of People’s Councils and People’s Committees or in meetings consisting of officials and employees of communes;

c) Declarations of persons working in state enterprises shall be posted in head offices of state enterprises or in meetings consisting of members of Board of Members, members of Board of Directors, General Directors, Deputy General Directors, heads of Board of Supervisors, supervisors, chief accountants, heads of entities affiliated to groups, corporations, chairpersons of Board of Members, chairpersons of Board of Directors, General Directors, Directors of corporations, companies affiliated to groups, corporations and heads of unions in groups and state corporations;

d) Declarations of representatives of state capital in enterprises shall be posted or publicized as specified in Points a, b, and c of this Clause.

2. Publicizing declarations in meetings for individuals under control of asset, income controlling bodies specified under Clauses 4, 5, 6, 7, and 8 Article 30 of Law on Anti-corruption shall conform to Clause 1 of this Article and guidelines of competent agencies.

3. Declarations shall be publicized within 5 days from the date on which employers of persons obliged to make declarations transfer the declarations to asset, income controlling bodies.

4. Declarations shall remain posted for 15 days. Declarations shall be posted in a manner that is safe, convenient and readable.

Posting of declarations must be kept records which specify posted declarations and bear signatures of heads of agencies, organizations, entities and representatives of unions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 12. Publicizing declarations of persons expected to hold managerial positions in agencies, organizations and entities

1. Declarations of persons expected to hold managerial positions in agencies, organizations and entities to be publicized shall include first-time declarations, declarations serving assignment, annual declarations or additional declarations.

Declarations shall be publicized in confidence voting.

2. Prior to conducting confidence voting, meeting hosts shall publicize declarations as follows:

a) Distribute copies of declarations specified under Clause 1 of this Article to confidence voters;

b) Read or assign others to read declarations serving assignment and conclusion on verifying assets, income (if any).

Declarants shall have the rights to explain feedback related to declarations in the meetings (if any).

3. Publicizing of declarations on assets, income must be recorded in minutes of confidence voting.

Article 13. Publicizing declarations of persons elected to hold managerial positions in state enterprises

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Publicizing of declarations of persons to be elected to hold managerial positions in state enterprises shall conform to Article 12 of this Decree.

Chapter V

DEVELOPMENT AND APPROVAL OF PLANS FOR VERIFYING ASSETS, INCOME

Article 14. Developing annual plans for verifying

1. Basis for developing plans:

a) Corruption and anti-corruption affairs in various sections, fields and local divisions;

b) Requirements and direction of competent agencies and organizations in anti-corruption;

c) Government Inspectorates shall take charge and cooperate with relevant agencies in developing orientation for developing verification plans and requesting the Prime Minister to approve before October 31 each year;

d) Ability and conditions for implementing verification objectives are specified under Article 15 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Verification plans must contain following categories:

a) Objectives and requirements of verification plans;

b) Quantity and name of verified agencies and entities;

c) Total number of verified individuals, number of verified individuals within agencies, organizations and affiliated entities;

d) Organization of verification plans, individuals assigned to direct implementation, entities assigned to verify and resources for verification.

Article 15. Approval and implementation of verification plans

1. Before January 31 each year, heads of asset, income controlling bodies specified under Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, and 8 Article 30 of Law on Anti-corruption shall approve and issue annual verification plans; Chief Inspectors of provinces shall issue annual verification plans after requesting Chairpersons of People’s Committees of provinces to approve the plans.

2. Annual verification plans of asset, income controlling bodies must ensure that at least 20% of agencies, organizations and entities under their management are subject to verification and at least 10% for Ministry of Public Security, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs and Ministry of Finance.

3. Within 10 days from the date on which verification plans are issued. Asset, income controlling bodies shall select individual subject to verification on a random basis. Selection shall be made publicly in form of raffle or computer software.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Number of individuals selected for random selection must equal at least 10% of number of persons obliged to make declarations annually in each verified agency, organization and entity, at least 1 individual among whom is head or vice of the agency, organization or entity.

Article 16. Criteria for selecting verified individuals according to plan

Selection of persons obliged to make declaration verified according to annual plans must be based on following criteria:

1. Persons obliged to make declaration must declare assets, income annually.

2. Persons obliged to make obligations have not been verified regarding assets, income for the last 4 years.

3. Persons obliged to make declarations do not fall under any of following cases:

a) Persons who are being investigated, prosecuted or trialed;

b) Persons who are receiving treatment for severe diseases confirmed by competent medical agencies;

c) Persons who are studying or working abroad for at least 12 months.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

PROTECTION, PRESERVATION, EXTRACTION AND PROVISION OF NATIONAL DATABASE INFORMATION ON CONTROLLING ASSETS, INCOME

Article 17. Principles for protection, preservation, extraction and provision of national database information on controlling assets, income

1. National database information on controlling assets, income must be fully and accurately collected; extracted and used for the right purposes, effectively and in a manner that is compliant with regulations and law; guarantee requirements of controlling assets, income and state management regarding anti-corruption and officer management affairs.

2. National database on controlling assets, income must be closely and safely protected as per the law; comply with technical standards and technical regulations on information technology; ensure compatibility, safety and coherence throughout systems of databases on controlling assets, income.

Article 18. Responsibilities for protection, preservation, extraction and provision of national database information on controlling assets, income

1. Government Inspectorates are responsible for:

a) developing and operating technical infrastructure of national database on controlling assets, income;

b) organizing structure and specialized officers operating national database on controlling assets, income according to regulations of the Government and Prime Minister;

c) adopting information safety and security of national databases on controlling assets, income;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) adopting maintenance measures to ensure regular and stable operations of national databases on controlling assets, income.

2. Ministry of Public Security, Ministry of National Defense and Ministry of Information and Communications are responsible for guiding and cooperating with Government Inspectorate in protecting and storing information of national databases on controlling assets, income.

Article 19. Extraction and provision of national database information on controlling assets, income

1. Government Inspectorate and other asset, income controlling bodies shall provide information extracted from database on controlling asset, income at request of Standing Committee of National Assembly, President, Prime Minister, Chief Justice of Supreme People’s Court, Chief Procurator of Supreme People's Procuracy, National Voting Council and other agencies, organizations according to Points d, c, g, h, and i Clause 1 Article 42 of Law on Anti-corruption.

2. Government Inspectorate and other asset, income controlling bodies shall provide information extracted from database on controlling assets, income at request of competent agencies, organizations and entities in charge of officer organization affairs and examination of the Communist Party, National Assembly and central agencies of socio-political organizations.

3. Asset, income controlling bodies shall provide information extracted from databases on controlling assets, income at request of inspecting authorities, State Audit Office of Vietnam, investigating authorities, People’s Procuracy and People’s Court.

4. Provision of information of database on controlling assets, income of individuals subject to control of multiple asset, income controlling bodies shall conform to Regulations on cooperations specified under Clause 2 Article 1 of this Decree.

Chapter VII

PENALTIES AGAINST ASSET, INCOME CONTROLLING VIOLATIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Persons obliged to make declarations who fail to stay truthful or truthfully explain origin of additional assets and income shall be met with penalties depending on nature and severity of the violations according to Article 51 of Law on Anti-corruption.

2. Persons obliged to make declarations who disperse or conceal assets, income or obstruct financial, income control or refuse to submit declarations after being expedited twice in writing shall be met with warnings, reduced pay rate, demotion, dismissal or discharge after being expedited twice in writing depending on severity and nature of the violations.

Article 21. Penalties against other violations in asset, income control

1. Heads of agencies, organizations and entities which are irresponsible in organizing declaration, publicizing declaration or submitting declaration shall be met with reprimands, warnings or demotion depending on severity and nature.

2. Heads of asset, income controlling bodies, heads and members of asset, income controlling teams who commit violations in receiving declarations, managing and using databases on controlling assets, income, verifying, concluding verification or publicizing verification shall be met with reprimands, warnings, demotion or dismissal depending on nature and severity.

3. Agencies, organizations, entities and individuals that fail to adequately and promptly perform request of asset, income controlling bodies shall be met with administrative penalties or disciplinary actions as per the law depending on nature and severity.

4. Violations specified under Article 20, Clauses 1, 2, and 3 of this Article shall be criminally prosecuted in case of crimes constitution as per the law.

Article 22. Entitlement, procedures for disciplining persons committing violations regarding asset, income control

1. Disciplining individuals who are officials and employees committing violations shall conform to regulations and law on disciplining officials and employees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Disciplining individuals who are members of political organizations, socio-political organizations committing violations shall conform to regulations of said organizations.

Article 23. Publicizing decisions on penalty

1. Decisions on disciplining persons committing violations on controlling assets, income shall be posted publicly in agencies, organizations and entities where the disciplined individuals regularly work for 15 days.

In addition to public posting, competent individuals capable of imposing disciplinary actions may choose to inform in officer and employee meetings of agencies, organizations or entities, or upload on websites of the agencies, organizations and entities.

2. Administrative penalties and criminal prosecution for other violations regarding controlling assets, income must be made public as per the law.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION

Article 24. Entry into force

This Decree comes into force from December 20, 2020.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 25. Responsibilities for implementation

Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities, relevant agencies, organizations, entities and individuals are responsible for the implementation of this Decree./.

 

 

PP. GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


640.688

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.76.183
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!