Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 112/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Số hiệu: 112/2021/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Vũ Đức Đam
Ngày ban hành: 10/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về:

1. Điều kiện, hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo khoản 2 Điều 10; khoản 4 Điều 12; khoản 4 Điều 16; khoản 6 Điều 17; khoản 2 Điều 74.

2. Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số thị trường, ngành, nghề, công việc theo khoản 2 Điều 8.

3. Mức ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo khoản 3 Điều 24; khoản 2 Điều 36.

4. Mức trần tiền ký quỹ, quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động theo khoản 5 Điều 25; điểm c khoản 1 Điều 43.

5. Điều kiện, thủ tục đăng ký trực tuyến hợp đồng lao động giao kết sau khi xuất cảnh theo khoản 2 Điều 54.

6. Các biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký với đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động hợp pháp sau khi xuất cảnh.

3. Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ).

4. Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.

5. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là đơn vị sự nghiệp).

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

Điều 3. Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là Giấy phép) do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp cho doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định này.

2. Giấy phép có hoa văn màu vàng nhạt, nền trống đồng, hình Quốc huy và tên viết tắt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng tiếng Anh (MOLISA) được in chìm, trên giấy bìa cứng kích thước khổ A4 (21 cm x 29,7 cm), khung viền màu xanh theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 4. Điều kiện về nhân viên nghiệp vụ

1. Đối với mỗi nội dung hoạt động quy định tại Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp phải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ chịu trách nhiệm thực hiện, đáp ứng một trong những tiêu chuẩn sau:

a) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhân văn, dịch vụ xã hội, khoa học xã hội và hành vi hoặc kinh doanh và quản lý;

b) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên không thuộc nhóm ngành đào tạo tại điểm a khoản này và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Nhân viên nghiệp vụ phải có giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp, trừ trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Chi nhánh được doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ thực hiện một số nội dung hoạt động quy định tại Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ chịu trách nhiệm đối với mỗi nội dung hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 5. Điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động

1. Cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng phải đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 học viên tại một thời điểm; có nơi sơ cứu, cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu;

b) Phòng học có diện tích tối thiểu 1,4 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập;

c) Phòng nội trú có diện tích tối thiểu 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt nội trú; bố trí không quá 12 học viên/phòng; khu vực nội trú bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh.

2. Trường hợp doanh nghiệp thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 02 năm tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

3. Chi nhánh được doanh nghiệp dịch vụ giao tổ chức giáo dục định hướng phải có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh, có phòng học và phòng nội trú đáp ứng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này và thời hạn thuê (nếu chi nhánh thuê cơ sở vật chất) phải tối thiểu là 02 năm.

4. Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì quyền sử dụng hợp pháp cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng trong suốt thời gian hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 6. Điều kiện về trang thông tin điện tử

1. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải có tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, đăng tải thông tin cơ bản của doanh nghiệp, đăng hình ảnh Giấy phép sau khi được cấp và nội dung thông tin về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có thay đổi về thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp dịch vụ phải cập nhật lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Điều 7. Mẫu văn bản đề nghị cấp Giấy phép và giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

a) 01 bản sao Điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép và giấy tờ chứng minh việc góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp; 01 bản sao sổ đăng ký cổ đông mới nhất đối với công ty cổ phần;

b) 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) 01 bản sao Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép; 01 bản sao bằng cấp chuyên môn và 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm (quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của người đại diện theo pháp luật;

d) 01 bản chính Danh sách nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; 01 bản sao bằng cấp chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có) và 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (nếu có) của một trong các văn bản sau: hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc của mỗi nhân viên nghiệp vụ;

đ) 01 bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng, kèm theo bảng kê do doanh nghiệp xác nhận về trang thiết bị, sơ đồ mặt bằng phòng học và khu vực nội trú.

3. Trường hợp có sự thay đổi về nhân viên nghiệp vụ, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có sự thay đổi, doanh nghiệp dịch vụ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giấy tờ chứng minh quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp có sự thay đổi về cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có sự thay đổi, doanh nghiệp dịch vụ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giấy tờ chứng minh quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 8. Liên thông trong việc cấp Giấy phép qua mạng thông tin điện tử

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thông tin về tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ, chủ sở hữu, danh sách thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phục vụ hoạt động cấp Giấy phép.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ thông tin về Giấy phép đã cấp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

3. Việc phối hợp liên thông giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin.

Điều 9. Nộp lại Giấy phép

1. Đối với doanh nghiệp dịch vụ bị hợp nhất, bị sáp nhập hoặc bị chia theo quy định của Luật Doanh nghiệp:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tình trạng pháp lý của doanh nghiệp dịch vụ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được chuyển sang đã bị hợp nhất, bị sáp nhập hoặc bị chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập, các công ty được chia nộp lại Giấy phép cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thực hiện báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Đối với doanh nghiệp dịch vụ giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được chuyển sang đang làm thủ tục giải thể, đã phá sản hoặc 05 ngày làm việc kể từ ngày Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết, quyết định về việc chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp nộp lại Giấy phép cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thực hiện báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Doanh nghiệp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng văn bản về các hợp đồng cung ứng lao động còn hiệu lực; danh sách người lao động đang làm việc ở nước ngoài; danh sách người lao động đã tuyển chọn, đang tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; tiền ký quỹ và các khoản đã thu từ người lao động và việc đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Điều 10. Thu hồi Giấy phép

1. Trường hợp cơ quan công an có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bản chính các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép có văn bản khẳng định nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép là giả mạo, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định thu hồi Giấy phép.

2. Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 hoặc vi phạm quy định tại một trong các khoản 1, 2, 5, 6, 7, 8, 11, 12, 13 Điều 7 hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, tinh thần đối với người lao động do doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điểm c, e, g, h và i khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền lập biên bản về hành vi vi phạm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định thu hồi Giấy phép.

3. Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục mà không phải do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác dẫn đến bên nước ngoài không thể tiếp nhận người lao động, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cuối cùng của tháng thứ 24, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định thu hồi Giấy phép.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định thu hồi Giấy phép, doanh nghiệp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng văn bản về các hợp đồng cung ứng lao động còn hiệu lực; danh sách người lao động đang làm việc ở nước ngoài; danh sách người lao động đã tuyển chọn, đang tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; tiền ký quỹ, các khoản đã thu từ người lao động và việc đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Điều 11. Hồ sơ, thủ tục đổi Giấy phép theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 74 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Hồ sơ:

a) Văn bản đề nghị đổi Giấy phép theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Báo cáo về việc đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 1 Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Mẫu số 06 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bản chính Giấy phép còn hiệu lực đã được cấp theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11.

2. Thủ tục:

a) Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn);

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, cấp đổi Giấy phép cho doanh nghiệp dịch vụ. Trường hợp không cấp đổi Giấy phép, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chương III

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH, NGHỀ, CÔNG VIỆC

Mục 1. ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC TẠI ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)

Điều 12. Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)

Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đáp ứng các điều kiện:

1. Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5 hoặc tương đương;

b) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động quản lý người lao động có năng lực tiếng Trung trình độ tối thiểu HSK5 hoặc tương đương và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc);

c) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).

2. Không bị xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời hạn 02 năm tính đến ngày đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc).

Điều 13. Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)

1. Hồ sơ:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) 01 bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của nhân viên nghiệp vụ quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

2. Thủ tục:

a) Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn);

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản giới thiệu doanh nghiệp dịch vụ với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc). Trường hợp không giới thiệu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 14. Xác nhận danh sách người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)

1. Trước khi đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp dịch vụ phải nộp danh sách người lao động đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác nhận.

2. Chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi nộp hồ sơ đề nghị cấp thị thực cho người lao động, doanh nghiệp dịch vụ gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn) danh sách người lao động (bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi thường trú, số hộ chiếu/căn cước công dân, số điện thoại của người lao động, bên nước ngoài tiếp nhận người lao động, tổng chi phí xuất cảnh dự kiến) theo các hợp đồng cung ứng lao động đã được chấp thuận.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận danh sách. Trường hợp không xác nhận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 2. ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN

Điều 15. Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản

Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đáp ứng các điều kiện:

1. Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương;

b) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động quản lý người lao động có năng lực tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản;

c) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.

2. Đáp ứng các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản.

Điều 16. Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản

1. Hồ sơ:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) 01 bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của nhân viên nghiệp vụ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.

2. Thủ tục:

a) Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn);

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận và có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 17. Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nghề hộ lý tại Nhật Bản

Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đáp ứng các điều kiện:

1. Đang thực hiện hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.

2. Có cơ sở đào tạo của doanh nghiệp để tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề hộ lý, bồi dưỡng ngoại ngữ hoặc liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có trang thiết bị nghe nhìn cơ bản để đào tạo tiếng Nhật; có phòng thực hành được trang bị xe lăn, khung hỗ trợ di chuyển, giường y tế, bàn ghế ăn, tay vịn gắn tường, ghế tắm, bồn tắm, bồn cầu tự động và tủ đựng dụng cụ y tế để bồi dưỡng kỹ năng nghề hộ lý theo chương trình của Nhật Bản;

b) Có ít nhất 01 giáo viên để bồi dưỡng kỹ năng nghề hộ lý cho người lao động theo chương trình của Nhật Bản;

c) Có ít nhất 01 giáo viên tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương để bồi dưỡng tiếng Nhật cho người lao động theo chương trình của Nhật Bản.

Điều 18. Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nghề hộ lý tại Nhật Bản

1. Hồ sơ:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 09 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Hình ảnh trang thiết bị, phòng thực hành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định này;

c) 01 bản sao bằng cấp chuyên môn điều dưỡng của giáo viên bồi dưỡng kỹ năng nghề hộ lý và 01 bản sao văn bằng, chứng chỉ tiếng Nhật của giáo viên tiếng Nhật quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 17 Nghị định này.

2. Thủ tục:

a) Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn);

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp tham gia đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nghề hộ lý tại Nhật Bản. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 19. Xác nhận danh sách người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản

1. Trước khi đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, doanh nghiệp dịch vụ phải nộp danh sách người lao động đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác nhận.

2. Doanh nghiệp dịch vụ gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn) danh sách người lao động (bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số hộ chiếu/căn cước công dân, bên nước ngoài tiếp nhận lao động, người sử dụng lao động, ngành nghề, ngày dự kiến xuất cảnh) theo các hợp đồng cung ứng lao động đã được chấp thuận.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận danh sách. Trường hợp không xác nhận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 3. ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 20. Điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài

Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đáp ứng các điều kiện:

1. Đang thực hiện hợp đồng cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.

2. Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện nội dung hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn sau:

a) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ngoài nước có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận;

b) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thường trực ở nước ngoài để thực hiện hoạt động quản lý người lao động, có năng lực ngoại ngữ phù hợp với nước tiếp nhận lao động và ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận;

c) Có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động giáo dục định hướng có ít nhất 01 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước tiếp nhận.

3. Phải bảo đảm người lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình ở nước ngoài hoặc có kiến thức làm giúp việc gia đình và trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 21. Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình

1. Hồ sơ:

a) Văn bản đề nghị theo Mẫu số 10 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) 01 bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của nhân viên nghiệp vụ quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này.

2. Thủ tục:

a) Doanh nghiệp dịch vụ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn);

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 22. Xác nhận danh sách người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài

1. Trước khi đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài, doanh nghiệp phải nộp danh sách người lao động đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác nhận.

2. Chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi nộp hồ sơ cấp thị thực cho người lao động, doanh nghiệp dịch vụ gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn) danh sách người lao động (bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số hộ chiếu/căn cước công dân, thời gian đã được bồi dưỡng kỹ năng nghề giúp việc gia đình và ngoại ngữ hoặc kinh nghiệm làm việc phù hợp, số điện thoại của người lao động, ngày dự kiến xuất cảnh, tên, địa chỉ của bên nước ngoài tiếp nhận người lao động và người sử dụng lao động) theo hợp đồng cung ứng lao động đã được chấp thuận.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận danh sách. Trường hợp không xác nhận, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chương IV

MỨC KÝ QUỸ, VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP

Mục 1. TIỀN KÝ QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ

Điều 23. Mức ký quỹ

1. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây viết tắt là ngân hàng nhận ký quỹ).

2. Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.

Điều 24. Quản lý tiền ký quỹ

1. Doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ ký kết hợp đồng ký quỹ bao gồm các nội dung sau: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng nhận ký quỹ; số tiền ký quỹ; mục đích ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ theo thỏa thuận; hình thức trả lãi tiền ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; tất toán tài khoản ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng nhận ký quỹ xác nhận bằng văn bản về việc ký quỹ của doanh nghiệp theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Tiền ký quỹ được ngân hàng nhận ký quỹ phong tỏa theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Sử dụng tiền ký quỹ

1. Tiền ký quỹ chỉ được sử dụng theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ được quy định tại điểm c, đ và h khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quy định tại các điểm e, g khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

c) Doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ khác trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Sau 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, nếu doanh nghiệp dịch vụ không hoàn trả số tiền ký quỹ đã sử dụng và đảm bảo mức ký quỹ theo quy định, ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Doanh nghiệp được nhận lại tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Doanh nghiệp nộp lại 02 bản chính giấy xác nhận ký quỹ cho ngân hàng nhận ký quỹ để nhận lại tiền ký quỹ.

b) Doanh nghiệp không được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc doanh nghiệp đã ký quỹ tại tài khoản khác và đề nghị tất toán tài khoản đã ký quỹ trước đó hoặc doanh nghiệp dịch vụ đã giải thể theo quy định:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị ngân hàng nhận ký quỹ trả lại tiền ký quỹ cho doanh nghiệp.

c) Doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sau khi nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Doanh nghiệp gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo kèm theo tài liệu chứng minh việc đã hoàn thành nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đóng góp đầy đủ vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị ngân hàng nhận ký quỹ trả lại tiền ký quỹ cho doanh nghiệp. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Doanh nghiệp dịch vụ chấm dứt giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho chi nhánh hoặc chi nhánh chấm dứt hoạt động:

Doanh nghiệp dịch vụ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về việc chấm dứt giao nhiệm vụ cho chi nhánh hoặc chi nhánh chấm dứt hoạt động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị ngân hàng nhận ký quỹ trả lại phần ký quỹ của doanh nghiệp đã thực hiện đối với chi nhánh.

Mục 2. TIỀN KÝ QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI ĐÀO TẠO, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ, KỸ NĂNG NGHỀ Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 26. Mức tiền ký quỹ

1. Doanh nghiệp thực hiện việc ký quỹ tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây viết tắt là ngân hàng nhận ký quỹ).

2. Mức tiền ký quỹ bằng 10% một lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập.

Điều 27. Quản lý tiền ký quỹ

1. Doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ ký kết hợp đồng ký quỹ bao gồm các nội dung sau: tên, mã số, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng nhận ký quỹ; số tiền ký quỹ; mục đích ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; hình thức trả lãi tiền ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; tất toán tài khoản ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng nhận ký quỹ xác nhận bằng văn bản việc ký quỹ của doanh nghiệp theo Mẫu số 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Tiền ký quỹ được ngân hàng nhận ký quỹ phong tỏa theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Sử dụng tiền ký quỹ

1. Tiền ký quỹ được sử dụng để bảo đảm các nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại điểm đ, h, k và m khoản 2 Điều 41 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chỉ được sử dụng theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Hợp đồng đào tạo nghề có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài từ 90 ngày trở lên) hoặc văn bản của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (đối với Hợp đồng đào tạo nghề có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài dưới 90 ngày).

2. Sau 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, nếu doanh nghiệp không hoàn trả tiền ký quỹ đã sử dụng và đảm bảo mức ký quỹ theo quy định, ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Hợp đồng đào tạo nghề có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài từ 90 ngày trở lên) hoặc cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (đối với Hợp đồng đào tạo nghề có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài dưới 90 ngày).

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp về việc đã thanh lý Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài với người lao động kèm theo tài liệu chứng minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Hợp đồng đào tạo nghề có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài từ 90 ngày trở lên) hoặc cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (đối với Hợp đồng đào tạo nghề có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài dưới 90 ngày) có văn bản gửi ngân hàng nhận ký quỹ đề nghị trả tiền ký quỹ cho doanh nghiệp.

Chương V

MỨC TRẦN TIỀN KÝ QUỸ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ HOÀN TRẢ TIỀN KÝ QUỸ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Mục 1. TIỀN KÝ QUỸ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VỚI DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ

Điều 29. Mức trần tiền ký quỹ của người lao động

Doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và phải được ghi rõ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 30. Thực hiện ký quỹ

1. Người lao động, doanh nghiệp dịch vụ và ngân hàng nhận ký quỹ thỏa thuận ký kết hợp đồng ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm các nội dung sau: tên, số căn cước công dân/hộ chiếu và địa chỉ của người lao động; tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng nhận ký quỹ; tên, mã số, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp; số tiền ký quỹ; mục đích ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; hình thức trả lãi tiền ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; tất toán tài khoản ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Việc ký quỹ chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp dịch vụ và người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh nước hoặc vùng lãnh thổ làm việc.

Điều 31. Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ

1. Tiền ký quỹ của người lao động được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra đối với doanh nghiệp dịch vụ theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

2. Doanh nghiệp dịch vụ và người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền thỏa thuận thống nhất về mức bù đắp thiệt hại của người lao động và ghi trong văn bản thanh lý hợp đồng.

Điều 32. Hoàn trả tiền ký quỹ

1. Các trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động

a) Người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trước thời hạn nhưng không gây thiệt hại cho doanh nghiệp; người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Người lao động đã nộp tiền ký quỹ nhưng doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn đã cam kết hoặc quá thời hạn chờ xuất cảnh và người lao động không còn nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài;

c) Các trường hợp người lao động không gây thiệt hại cho doanh nghiệp;

d) Tiền ký quỹ của người lao động còn lại sau khi đã bù đắp thiệt hại phát sinh đối với doanh nghiệp do lỗi của người lao động gây ra theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

2. Thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động

a) Trong trường hợp nêu tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này, căn cứ văn bản thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) cho người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền;

b) Trường hợp nêu tại điểm d khoản 1 Điều này, ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động (bao gồm cả gốc và lãi) căn cứ vào văn bản thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật hoặc theo văn bản hòa giải thành hoặc quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án.

3. Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không làm thủ tục để người lao động nhận lại tiền ký quỹ theo quy định hoặc không đạt được thỏa thuận với người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định này thì người lao động có quyền kiến nghị bằng văn bản đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp có Giấy phép khác theo quy định tại khoản 3 Điều 28 hoặc điểm a khoản 3 Điều 29 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trách nhiệm thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để người lao động được hoàn trả tiền ký quỹ thuộc về doanh nghiệp tiếp nhận.

5. Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản bàn giao hồ sơ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi ngân hàng nhận ký quỹ về việc hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động.

Mục 2. KÝ QUỸ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP

Điều 33. Biện pháp ký quỹ

1. Đơn vị sự nghiệp và người lao động thỏa thuận về biện pháp ký quỹ phù hợp với thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Trường hợp thỏa thuận quốc tế không có quy định về biện pháp ký quỹ thì đơn vị sự nghiệp và người lao động thỏa thuận về việc ký quỹ theo quy định của pháp luật dân sự nhưng giá trị không vượt quá mức trần tiền ký quỹ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 34. Thực hiện ký quỹ

1. Người lao động, đơn vị sự nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ thỏa thuận ký kết hợp đồng ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ trong Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm các nội dung sau: tên, số căn cước công dân/hộ chiếu và địa chỉ của người lao động; tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của đơn vị sự nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng nhận ký quỹ; giá trị ký quỹ; mục đích ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ và hình thức trả lãi tiền ký quỹ (nếu ký quỹ bằng tiền); sử dụng ký quỹ; hoàn trả ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Việc ký quỹ chỉ được thực hiện sau khi đơn vị sự nghiệp và người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực.

Điều 35. Quản lý và sử dụng tài sản ký quỹ

1. Ký quỹ của người lao động được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra đối với đơn vị sự nghiệp theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

2. Đơn vị sự nghiệp và người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền thỏa thuận thống nhất về mức bù đắp thiệt hại và ghi trong văn bản thanh lý hợp đồng.

Điều 36. Hoàn trả ký quỹ

1. Các trường hợp hoàn trả ký quỹ của người lao động

a) Người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trước thời hạn nhưng không gây thiệt hại cho đơn vị sự nghiệp; người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Người lao động đã thực hiện việc ký quỹ nhưng đơn vị sự nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

c) Các trường hợp người lao động không gây thiệt hại cho đơn vị sự nghiệp;

d) Sau khi người lao động đã bù đắp thiệt hại phát sinh đối với đơn vị sự nghiệp do lỗi của người lao động gây ra theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

2. Thủ tục hoàn trả ký quỹ của người lao động

a) Trong trường hợp nêu tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này, căn cứ vào văn bản thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi - nếu ký quỹ bằng tiền) cho người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền;

b) Trường hợp nêu tại điểm d khoản 1 Điều này, ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả ký quỹ cho người lao động (bao gồm cả gốc và lãi - nếu ký quỹ bằng tiền) căn cứ vào văn bản thanh lý Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật hoặc theo văn bản hòa giải thành hoặc quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án.

3. Trường hợp đơn vị sự nghiệp không làm thủ tục để người lao động nhận lại ký quỹ hoặc không đạt được thỏa thuận với người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 35 thì người lao động có quyền kiến nghị đến cơ quan chủ quản của đơn vị sự nghiệp để được giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG GIAO KẾT SAU KHI XUẤT CẢNH

Điều 37. Điều kiện đăng ký hợp đồng lao động giao kết sau khi xuất cảnh

1. Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Có hợp đồng lao động hợp pháp.

3. Cư trú hợp pháp ở nước sở tại trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động.

Điều 38. Thủ tục đăng ký trực tuyến hợp đồng lao động và đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

1. Người lao động thực hiện việc đăng ký trực tuyến hợp đồng lao động tại Cổng thông tin điện tử (www.dolab.gov.vn) theo Mẫu số 12 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; tải văn bản điện tử của hợp đồng lao động, trang hộ chiếu có thông tin cá nhân và chữ ký, giấy phép cư trú hoặc giấy tờ khác chứng minh việc cư trú hợp pháp của người lao động ở nước sở tại trong thời gian thực hiện hợp đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký hợp đồng trực tuyến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời việc tiếp nhận đăng ký hợp đồng trực tuyến, đồng thời thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại. Trường hợp không chấp thuận đăng ký hợp đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải nêu rõ lý do.

3. Sau khi nhận được thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chấp thuận đăng ký hợp đồng, người lao động thực hiện đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước bằng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản của Quỹ.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 39. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển thị trường lao động ngoài nước.

3. Đàm phán, đề nghị cấp có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế về lao động theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế; ký kết các thỏa thuận quốc tế về lao động theo quy định của pháp luật về thỏa thuận quốc tế.

4. Tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với nhân viên nghiệp vụ của doanh nghiệp dịch vụ.

5. Quyết định việc cấp và thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

6. Xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

7. Duy trì và thường xuyên cập nhật trên Cổng thông tin điện tử (www.molisa.gov.vn, www.dolab.gov.vn) về chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin về các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật của thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam; danh sách doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; danh sách doanh nghiệp nộp lại hoặc bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

8. Tổ chức, hướng dẫn việc báo cáo, đăng ký hợp đồng của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước theo hợp đồng; giám sát việc thực hiện báo cáo và các hợp đồng đã đăng ký.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật.

10. Tổ chức và thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

11. Phối hợp với Bộ Ngoại giao cử công chức, tổ chức quản lý và chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

12. Tổ chức thực hiện công tác thống kê và thông tin về lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

13. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan khác trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

14. Chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước địa phương trong công tác quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 40. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về chủ trương, chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các công tác sau:

a) Bảo hộ lãnh sự, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước sở tại phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước xử lý những vấn đề phát sinh ở nước sở tại liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nghiên cứu và cung cấp thông tin để phát triển thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

c) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thị trường lao động ngoài nước;

d) Khai thác thông tin về người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

đ) Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Vận động người lao động Việt Nam ở nước ngoài đăng ký hợp đồng giao kết sau khi xuất cảnh.

Điều 41. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chỉ đạo lực lượng công an các cấp chủ động phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn xã hội liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp hoặc lợi dụng hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để xuất cảnh hoặc đưa người Việt Nam sang nước ngoài với mục đích khác.

3. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan liên quan của nước tiếp nhận lao động trong việc tiếp nhận người lao động Việt Nam bị phía nước tiếp nhận lao động trục xuất hoặc bị buộc về nước.

Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Chia sẻ thông tin về tên, mã số, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ, chủ sở hữu, danh sách thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép và doanh nghiệp dịch vụ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Thông tin cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cấp, điều chỉnh và chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cấp, điều chỉnh hoặc ban hành Quyết định chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phối hợp quản lý về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký với các tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài.

Điều 43. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam do đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý đưa đi làm việc ở nước ngoài.

2. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc đặc thù thuộc lĩnh vực do bộ, ngành quản lý.

Điều 44. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Thực hiện quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương.

2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới:

a) Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đơn vị sự nghiệp tuyển lao động tại địa phương và quản lý người lao động của địa phương làm việc ở nước ngoài;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo thẩm quyền quy định của pháp luật;

d) Thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm tại địa phương của các tổ chức và cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

đ) Tổ chức tiếp nhận đăng ký hợp đồng của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài và cập nhật trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Tổ chức tiếp nhận đăng ký hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề có thời gian dưới 90 ngày.

3. Báo cáo định kỳ hàng năm tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và báo cáo đột xuất theo yêu cầu về tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại địa phương.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 45. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

2. Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 04 tháng 9 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 46. Quy định chuyển tiếp

1. Doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trước ngày Nghị định này có hiệu lực có trách nhiệm rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b, d, đ và e khoản 1 Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định này, báo cáo theo Mẫu số 06 Phụ lục I và xác nhận việc ký quỹ theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2023.

2. Doanh nghiệp dịch vụ đã được chấp thuận để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và làm giúp việc gia đình ở nước ngoài tiếp tục được đưa người lao động đi làm việc tại các thị trường, ngành, nghề, công việc này đồng thời có trách nhiệm rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Chương III Nghị định này trước ngày 01 tháng 01 năm 2023.

3. Thỏa thuận ký quỹ của người lao động với doanh nghiệp dịch vụ hoặc đơn vị sự nghiệp đã được giao kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Điều 47. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

PHỤ LỤC I

CÁC BIỂU MẪU
(Kèm theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Mẫu số 02

Văn bản đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Mẫu số 03

Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Mẫu số 04

Danh sách nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Mẫu số 05

Văn bản đề nghị đổi Giấy phép đã được cấp theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11

Mẫu số 06

Báo cáo về việc đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 1 Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Mẫu số 07

Văn bản đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)

Mẫu số 08

Văn bản đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản

Mẫu số 09

Văn bản đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nghề hộ lý tại Nhật Bản

Mẫu số 10

Văn bản đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài

Mẫu số 11

Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập

Mẫu số 12

Mẫu đăng ký trực tuyến hợp đồng lao động giao kết trực tiếp sau khi xuất cảnh

Mẫu số 01

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ......./LĐTBXH-GP

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

Cấp ngày ... tháng ... năm ...1

Điều chỉnh thông tin lần thứ ... ngày ... tháng ... năm...

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số .../2021/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Theo đề nghị của ………… và Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp Giấy phép đối với

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt2 .........................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài ..............................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt .............................................................................................

Mã số doanh nghiệp: ................. đăng ký lần đầu ngày ... tháng ... năm ...; nơi cấp ......

...................................................................................................................................

Người đại diện theo pháp luật trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Ông/Bà ..........................................................................................

Điều 2. Địa điểm hoạt động

1. Trụ sở chính:

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………..

Điện thoại: ......................................... Email: ..............................................................

2. Cơ sở vật chất để giáo dục định hướng:

Địa chỉ:

Điện thoại: ................................ Email: ..........................................

3. Địa chỉ trang thông tin điện tử:

Điều 3. Nghĩa vụ của doanh nghiệp

1. Duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động.

2. Thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 4. Hiệu lực

Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Giấy phép này được lập thành 03 bản gốc, 01 bản cấp cho doanh nghiệp, 01 bản lưu tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 01 bản lưu tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.

BỘ TRƯỞNG
(Hoặc người được ủy quyền)

_____________________

1 Được đổi từ Giấy phép số ............/LĐTBXH-GP cấp ngày ……….. thay đổi lần thứ …. ngày …… theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11.

2 Ghi bằng chữ in hoa.

Mẫu số 02

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

V/v đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

......, ngày ... tháng... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt1: ....................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài: .............................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt: ............................................................................................

Mã số doanh nghiệp: ................. đăng ký lần đầu ngày .... tháng... năm ..., nơi cấp ......

...................................................................................................................................

2. Địa chỉ trụ sở chính: .................................................................................................

Điện thoại: ..................................... Email: ..................................................................

Địa chỉ trang thông tin điện tử: .....................................................................................

3. Vốn điều lệ: .............................................................................................................

4. Người đại diện theo pháp luật trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ông/bà ........................ chức vụ ............................

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và giới thiệu với cơ quan thẩm quyền của2... để đưa người lao động đi làm việc tại3....

Hồ sơ kèm theo gồm:

1 ................................................................................................................................

2 ................................................................................................................................

...................................................................................................................................

Doanh nghiệp cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ gửi kèm theo.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

___________________

1 Ghi bằng chữ in hoa.

2 Nhật Bản hoặc/và Đài Loan (Trung Quốc)

3 Nhật Bản hoặc/và Đài Loan (Trung Quốc)

Mẫu số 03

TÊN NGÂN HÀNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

GIẤY XÁC NHẬN NỘP TIỀN KÝ QUỸ

HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

Căn cứ Nghị định số.../2021/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Hợp đồng ký quỹ số ... ngày... tháng ... năm ... đã ký kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Ngân hàng ..................................................................................................................

Địa chỉ: .......................................................................................................................

Điện thoại liên hệ: ........................................................................................................

Fax: ............................................................................................................................

XÁC NHẬN

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt: .........................................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt .............................................................................................

Mã số doanh nghiệp: ...................................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: .....................................................................................................

Điện thoại: ................................... Fax: .......................................................................

Chủ tài khoản: ................................... Chức danh: .......................................................

Đã nộp đủ số tiền ký quỹ ............................. (Bằng chữ: .................................) vào tài khoản ký quỹ số …………… tại Ngân hàng.

Tài khoản ký quỹ nêu trên được phong tỏa kể từ ngày …………………….

Ngân hàng ........................................................... chịu trách nhiệm quản lý tài khoản ký quỹ nêu trên theo quy định tại Nghị định số..../2021/NĐ-CP.

Giấy xác nhận được lập thành 03 bản: 02 bản giao doanh nghiệp, trong đó 01 bản doanh nghiệp giữ và 01 bản nộp vào hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 01 bản lưu tại ngân hàng.

..., ngày ... tháng... năm ...
NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi họ tên và đóng dấu)

Mẫu số 04

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

..., ngày... tháng... năm ...

DANH SÁCH NHÂN VIÊN NGHIỆP VỤ THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

(Kèm theo văn bản số... ngày... tháng... năm ... đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng)

Doanh nghiệp cam kết nội dung thông tin về nhân viên nghiệp vụ trong Danh sách kèm theo là chính xác.

STT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

Giới tính

Số CCCD /CMT

Vị trí nghiệp vụ

Trình độ chuyên môn

Năng lực ngoại ngữ

Kinh nghiệm làm việc

Mã số BHXH

Ngày bắt đầu tham gia BHXH tại doanh nghiệp

Thông tin về hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp

Ngày ký hợp đồng lao động

Thời gian làm việc

Thời hạn hợp đồng

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

Mẫu số 05

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

V/v đề nghị đổi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

..., ngày... tháng... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt1: ....................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài: .............................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt: ............................................................................................

Mã số doanh nghiệp: ................. đăng ký lần đầu ngày ... tháng ...năm ..., thay đổi lần thứ ... ngày ... tháng ... năm ... nơi cấp .............................................................................................................................

2. Thông tin về Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được cấp: Số ............/LĐTBXH-GP cấp ngày... tháng ... năm ... cấp đổi lần thứ ... ngày ... tháng ... năm ...

3. Địa chỉ trụ sở chính: .................................................................................................

Điện thoại: ................................ Email: .......................................................................

Địa chỉ trang thông tin điện tử ......................................................................................

4. Vốn điều lệ tại thời điểm đề nghị đổi Giấy phép: .......................................................

5. Người đại diện theo pháp luật trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ông/bà ........................ chức vụ ............................

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đổi Giấy phép theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 74 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hồ sơ kèm theo gồm:

...

Doanh nghiệp cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ gửi kèm theo.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

____________________

1 Ghi bằng chữ in hoa.

Mẫu số 06

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

..., ngày... tháng... năm ...

BÁO CÁO VỀ VIỆC ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN THEO QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 1 ĐIỀU 10 CỦA LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

I. Thông tin chung về doanh nghiệp

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt1: ....................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài (nếu có) ..................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt (nếu có):................................................................................

Mã số doanh nghiệp: ................. đăng ký lần đầu ngày ... tháng ... năm ..., nơi cấp ......

...................................................................................................................................

2. Thông tin về Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được cấp: Số ............/LĐTBXH-GP cấp ngày... tháng ... năm ... cấp đổi lần thứ ... ngày ... tháng ... năm ...

II. Chi nhánh, địa điểm kinh doanh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (nếu có)

1. Chi nhánh: (tên, địa chỉ, mã số chi nhánh, ngày đăng ký hoạt động, quyết định giao nhiệm vụ cho chi nhánh, người đứng đầu chi nhánh, danh sách nhân viên nghiệp vụ)

2. Địa điểm kinh doanh: (tên, địa chỉ, ngày đăng ký hoạt động, mã số địa điểm kinh doanh)

III. Vốn điều lệ

1. Vốn điều lệ: .................................. (Bằng chữ ............................................)

2. Thành viên/cổ đông là người nước ngoài: Có/Không có

IV. Người đại diện pháp luật trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

(Trong trường hợp người đại diện pháp luật thay đổi so với người có tên trên Giấy phép tại Mục I.2 trên đây, doanh nghiệp cung cấp thông tin kèm theo giấy tờ chứng minh về người đại diện pháp luật mới: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD/CMT, bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm, lý lịch tư pháp)

V. Nhân viên nghiệp vụ

Danh sách nhân viên nghiệp vụ theo Mẫu số 04 Phụ lục I

(Trong trường hợp nhân viên nghiệp vụ mới bổ sung sau thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy phép tại Mục I.2 trên đây, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ liên quan của nhân viên nghiệp vụ mới: bằng cấp chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có) và kinh nghiệm làm việc (nếu có))

VI. Cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động

Tên: ............................................................................................................................

Địa chỉ: .......................................................................................................................

Diện tích khu vực phòng học, khu vực nội trú: ..............................................................

(Trong trường hợp cơ sở vật chất mới bổ sung sau thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy phép tại Mục I.2 trên đây, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ liên quan về cơ sở vật chất: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất; bảng kê do doanh nghiệp xác nhận về trang thiết bị, sơ đồ mặt bằng phòng học và khu vực nội trú)

VII. Thông tin về trang thông tin điện tử

Địa chỉ trang thông tin điện tử: .....................................................................................

Thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Luật số 69/2020/QH14 được đăng tải và cập nhật thường xuyên tại địa chỉ:

VIII. Thông tin về ký quỹ

Ngân hàng nhận ký quỹ: ..............................................................................................

Số tài khoản ký quỹ ....................................................................................................

(Doanh nghiệp gửi kèm theo Giấy xác nhận ký quỹ Mẫu số 03 Phụ lục I)

Trên đây là báo cáo của doanh nghiệp............................................... về việc rà soát, thay đổi, bổ sung đáp ứng các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

___________________

1 Ghi bằng chữ in hoa.

Mẫu số 07

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

V/v đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)

..., ngày... tháng... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt1: ....................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài: .............................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt: ............................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: .....................................................................................................

Điện thoại: ............................................ Email: ...........................................................

Địa chỉ trang thông tin điện tử: .....................................................................................

Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Số ............/LĐTBXH-GP cấp ngày ... tháng ... năm ...

2. Nhân viên nghiệp vụ thị trường Đài Loan (Trung Quốc):

STT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

Giới tính

Số CCCD/ CMT

Vị trí nghiệp vụ

Trình độ chuyên môn

Năng lực ngoại ngữ

Kinh nghiệm làm việc

3. Trong 02 năm trở lại đây, doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Tài liệu gửi kèm theo:

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ: .............. bản

- Bản sao tài liệu thể hiện kinh nghiệm làm việc: .............. bản

Doanh nghiệp cam kết thông tin đã khai và tài liệu kèm theo là chính xác.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan (Trung Quốc) để được thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

________________

1 Ghi bằng chữ in hoa.

Mẫu số 08

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

V/v đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản

..., ngày... tháng... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt1: ....................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài: .............................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt: ............................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: .....................................................................................................

Điện thoại: .......................................... Email: .............................................................

Trang thông tin điện tử ................................................................................................

Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Số.../LĐTBXH-GP cấp ngày ... tháng ... năm ...

2. Nhân viên nghiệp vụ thị trường Nhật Bản:

STT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

Giới tính

Số CCCD/ CMT

Vị trí nghiệp vụ

Trình độ chuyên môn

Năng lực ngoại ngữ

Kinh nghiệm làm việc

3. Tài liệu gửi kèm theo:

- Bảng thông tin khái quát về doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản (theo mẫu).

- Bản sao bằng cấp chuyên môn: .............. bản

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ: .............. bản

- Bản sao tài liệu thể hiện kinh nghiệm làm việc: .............. bản

Doanh nghiệp cam kết:

1. Đáp ứng các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản.

2. Các thông tin đã cung cấp và giấy tờ kèm theo là chính xác.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản để được thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

____________________

1 Ghi bằng chữ in hoa.

THÔNG TIN KHÁI QUÁT VỀ DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN

Tên doanh nghiệp: .......................................................................................................

Tên người đại diện theo pháp luật: ...............................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: .....................................................................................................

Điện thoại: ................................ Email: ................................... Website:......................

Ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: .............................................

Ngành nghề kinh doanh chính: .....................................................................................

Vốn ............................................................................................................................

Doanh thu (năm gần nhất): ...........................................................................................

Số nhân viên chính thức (trong đó số nhân viên phụ trách đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản):

Tên người chịu trách nhiệm: .........................................................................................

Chức vụ: .....................................................................................................................

Địa chỉ cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng: ...............................................

Điện thoại: ............................ Email: ..................................... Website: .......................

Liên hệ tại Nhật Bản:.....................................................................................................

Họ và tên (trường hợp là cá nhân): ...............................................................................

Người đại diện (trường hợp là pháp nhân): ...................................................................

Điện thoại: ........................ Fax: ........................ Email: ................... Website: .............

Mẫu số 09

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

V/v đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nghề hộ lý tại Nhật Bản

..., ngày... tháng... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt1: ....................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài: .............................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt: ............................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: .....................................................................................................

Điện thoại: ................................ Email: .......................................................................

Trang thông tin điện tử ................................................................................................

Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Số.../LĐTBXH-GP cấp ngày ... tháng ... năm ...

2. Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề hộ lý và tiếng Nhật (hoặc liên kết đào tạo) cho người lao động đi làm việc nghề hộ lý tại Nhật Bản:

Tên cơ sở: ..................................................................................................................

Địa chỉ: .......................................................................................................................

Người phụ trách: .........................................................................................................

- Trang thiết bị nghe nhìn cơ bản để đào tạo tiếng Nhật: ................................................

- Phòng thực hành có trang thiết bị, dụng cụ bao gồm: .................................................

3. Thông tin về giáo viên bồi dưỡng kỹ năng nghề hộ lý:

Họ và tên: ...................................................................................................................

Bằng cấp và kinh nghiệm: ............................................................................................

4. Thông tin về giáo viên tiếng Nhật:

Họ và tên: ...................................................................................................................

5. Tài liệu gửi kèm theo:

- Bản sao bằng cấp chuyên môn điều dưỡng: .............. bản

- Bản sao văn bằng/chứng chỉ tiếng Nhật: .............. bản

- Hình ảnh phòng thực hành và cơ sở đào tạo: .............................................................

Doanh nghiệp cam kết các thông tin đã khai và giấy tờ kèm theo là chính xác.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý để doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nghề hộ lý tại Nhật Bản.

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

___________________

1 Ghi bằng chữ in hoa.

Mẫu số 10

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

V/v đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài

..., ngày... tháng... năm ...

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt1: ....................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài: .............................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt: ............................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: .....................................................................................................

Điện thoại: .................................. Email: .....................................................................

Trang thông tin điện tử ................................................................................................

Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Số.../LĐTBXH-GP cấp ngày ... tháng ... năm ...

2. Nhân viên nghiệp vụ:

STT

Họ và tên

Ngày tháng năm sinh

Giới tính

Số CCCD /CMT

Vị trí nghiệp vụ

Trình độ chuyên môn

Năng lực ngoại ngữ

Kinh nghiệm làm việc

3. Tài liệu gửi kèm theo:

- Bản sao văn bằng/chứng chỉ ngoại ngữ: .............. bản

- Bản sao tài liệu thể hiện kinh nghiệm làm việc: .............. bản

Doanh nghiệp cam kết các thông tin đã khai và giấy tờ kèm theo là chính xác.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý để doanh nghiệp tham gia đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình tại...

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên và chức danh)

_____________________

1 Ghi bằng chữ in hoa.

Mẫu số 11

TÊN NGÂN HÀNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............

GIẤY XÁC NHẬN NỘP TIỀN KÝ QUỸ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG NHẬN LAO ĐỘNG THỰC TẬP

Căn cứ Nghị định số.../2021/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Hợp đồng ký quỹ số ... ngày ... tháng ... năm ... đã ký kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Ngân hàng ..................................................................................................................

Địa chỉ: .......................................................................................................................

Điện thoại liên hệ: ...................................... Fax: .........................................................

XÁC NHẬN

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt: .........................................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt .............................................................................................

Mã số doanh nghiệp: ...................................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: .....................................................................................................

Điện thoại: ............................... Fax: ...........................................................................

Chủ tài khoản: .................................. Chức danh: ........................................................

Đã nộp số tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập …………………… (Bằng chữ: .................................) vào tài khoản số ……………… tại Ngân hàng.

Tài khoản ký quỹ nêu trên được phong tỏa kể từ ngày ..................................................

Ngân hàng .......................................... chịu trách nhiệm quản lý tài khoản ký quỹ nêu trên theo quy định tại Nghị định số..../2021/NĐ-CP.

Giấy xác nhận được lập thành 03 bản: 01 bản giao doanh nghiệp, 01 bản gửi .................................1 và 01 bản lưu tại ngân hàng.

..., ngày... tháng... năm ...
NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP
(Ký, ghi họ tên và đóng dấu)

____________________

1 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với Hợp đồng đào tạo nghề có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài từ 90 ngày trở lên) hoặc cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (đối với Hợp đồng đào tạo nghề có thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài dưới 90 ngày).

Mẫu số 12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG GIAO KẾT TRỰC TIẾP SAU KHI XUẤT CẢNH

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Họ và tên: ...............................................................................................................

2. Số CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu: ..................................................................

3. Ngày, tháng, năm sinh: ........./ ......../ ...............

4. Giới tính: .................................................................................................................

5. Nơi sinh: .................................................................................................................

6. Địa chỉ thường trú tại Việt Nam trước khi xuất cảnh: ..................................................

7. Số điện thoại liên hệ ở nước ngoài: ..........................................................................

8. Email: .....................................................................................................................

9. Hợp đồng lao động số... đã ký ngày ........./ ......../ ............... tại ..............................

10. Thông tin người sử dụng lao động:

- Địa chỉ: .....................................................................................................................

- Điện thoại: ...................................... Email: ...............................................................

11. Nội dung chính của hợp đồng lao động:

- Ngành, nghề, công việc: ............................................................................................

- Thời hạn hợp đồng: ...................................................................................................

- Địa điểm làm việc: .....................................................................................................

- Tiền lương, tiền công: ...............................................................................................

Tôi xin cam kết chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nước đến làm việc, chịu trách nhiệm về hợp đồng lao động mà tôi đã ký và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của công dân Việt Nam theo quy định pháp luật.

..., ngày ... tháng ... năm ...
NGƯỜI ĐĂNG KÝ

PHỤ LỤC II

MỨC TRẦN TIỀN KÝ QUỸ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG, NGÀNH, NGHỀ
(Kèm theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ)

TT

THỊ TRƯỜNG

NGÀNH, NGHỀ

MỨC TRẦN TIỀN KÝ QUỸ (bằng tiền VNĐ)

1

Đài Loan (Trung Quốc)

Thuyền viên tàu cá xa bờ và tàu vận tải

Không ký quỹ

Các ngành, nghề khác

12.000.000 đồng

2

Hàn Quốc

Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải

Không ký quỹ

Các ngành, nghề khác

36.000.000 đồng

3

Nhật Bản, các nước thuộc khu vực châu Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông

Mọi ngành, nghề

Không ký quỹ

4

Các quốc gia và khu vực khác

Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải

Không ký quỹ

Các ngành, nghề khác

Tương đương giá trị 01 lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 112/2021/ND-CP

Hanoi, December 10, 2021

 

DECREE

ELABORATION OF SOME ARTICLES AND MEASURES FOR EXECUTING LAW ON VIETNAMESE GUEST WORKERS

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to some Articles of Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Investment dated June 17, 2020;

Pursuant to the Law on Enterprises dated June 17, 2020;

Pursuant to the Law on Vietnamese Guest Workers dated November 13, 2020;

At the request of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs;

The Government promulgates Decree on elaboration of some Articles and measures for executing Law on Vietnamese Guest Workers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree elaborates some Articles and measures for executing the Law on Vietnamese Guest Workers. To be specific:

1. Requirements and application for issuance of license for provision of Vietnamese guest worker service according to Clause 2 Article 10; Clause 4 Article 12; Clause 4 Article 16; Clause 6 Article 17; and Clause 2 Article 74.

2. Requirements for provision of Vietnamese guest worker service in some markets, professions and sectors according to Clause 2 Article 8.

3. Deposits and management, use thereof of enterprises according to Clause 3 Article 24, Clause 2 Article 36.

4. Top limit of deposits, management, use and return of deposits of workers according to Clause 5 Article 25, Point c Clause 1 Article 43.

5. Requirements and procedures for online registration of employment contracts which have been concluded after exit according to Clause 2 Article 54.

6. Measures for executing Law on Vietnamese Guest Workers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Vietnamese guest workers under employment contracts signed with service providers and Vietnamese enterprises providing Vietnamese guest worker service.

2. Vietnamese citizens concluding legal employment contracts after exit.

3. Vietnamese enterprises providing Vietnamese guest worker service (hereinafter referred to as “service enterprises”).

4. Vietnamese enterprises sending Vietnamese workers abroad for training, improvement and enhancement.

5. Public service providers affiliated to ministries, ministerial agencies, Governmental agencies assigned to send Vietnamese abroad as guest workers (hereinafter referred to as “service providers”).

6. Agencies, organizations and individuals related to provision of Vietnamese guest worker service.

Chapter II

REQUIREMENTS AND APPLICATION FOR ISSUANCE OF LICENSE FOR PROVISION OF VIETNAMESE GUEST WORKER SERVICE

Article 3. License for provision of Vietnamese guest worker service

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The license has bright yellow pattern, a background of bronze drum, the national emblem and abbreviated name of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs in English language (MOLISA) imprinted. The license shall be printed on kraft paper in A4 size (21 cm x 29,7 cm) with blue outline according to Form No. 01 Appendix I attached to this Decree.

Article 4. Eligibility of professional employees

1. As for each detail specified in Article 9 of the Law on Vietnamese Guest Workers, an enterprise shall have at least 01 professional employee in charge of performance. The professional employee shall:

a) Hold a college degree or higher in either law, humanities, social services, social and behavioral sciences, or business and management;

b) Hold a college degree or higher in a discipline other than that specified in Point a of this Clause and have at least 02 years of experience in sending Vietnamese abroad as guest workers.

2. The professional employee shall conclude an employment contract and participate in compulsory social insurance at the enterprise, except for case where the professional employee is not required to participate in compulsory social insurance as specified in the law on social insurance.

Article 5. Requirements for facilities serving organization of orientation education for workers

1. Facilities serving organization of orientation education shall meet safety and hygiene conditions and the following requirements:

a) It is required to have adequate study rooms and boarding rooms for at least 100 trainees at any given time; places for first aid and emergency with first aid and emergency equipment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The area of a boarding room is at least 3,5 m2/trainee with basic amenities; there must be no more than 12 trainees per room; there are separate boarding areas for male and female trainees, each with their own bathrooms and restrooms.

2. If the enterprise hires facilities to organize orientation education, the remaining hiring duration shall be at least 02 years at the time when the enterprise submits application for issuance of the license.

3. The branch assigned by the service enterprise to organize orientation education shall have facilities that meet safety and hygiene conditions, study rooms and boarding rooms in accordance with regulations in Point b and Point c Clause 1 of this Article and the hiring duration shall be at least 02 years if the branch hires facilities.

4. The service enterprise shall maintain the right to legally use facilities to organize orientation education during the period of provision of Vietnamese guest worker service.

Article 6. Requirements for website

1. The website of the enterprise shall have “.vn” domain name and upload basic information of the enterprise, image of the issued license and information about provision of Vietnamese guest worker service.

2. The website shall operate regularly and continuously in accordance with regulations of the law on management, provision and use online information.  Within 07 days from the date of change in information specified in Point b, Clause 2 Article 26 of the Law on Vietnamese Guest Workers, the service enterprise shall update the changed information on its website.

Article 7. Written application for issuance of license and documents proving satisfaction of requirements for provision of Vietnamese guest worker service

1. Written application for issuance of license shall use Form No. 02 under Appendix I attached to this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) 01 copy of Charter of the enterprise at the time of application for issuance of license and documents proving capital contribution in accordance with regulations of the Law on Enterprise; 01 copy of the latest partner/shareholder register in case of a joint stock company;

b) 01 authentic copy of written confirmation of deposit payment for provision of Vietnamese guest worker service using Form No. 03 Appendix I attached to this Decree;

c) 01 copy of criminal record certificate issued no sooner than 06 months before the date of application for issuance of the license; 01 copy of specialized degree and 01 copy of document proving working experience (appointment decision or employment contract, document on termination of the employment contract or participation in social insurance or a document confirming work experience issued by the former workplace) of the legal representative;

d) 01 authentic copy of list of professional employees in charge of provision of Vietnamese guest worker service using Form No. 04 Appendix I attached to this Decree; 01 copy of specialized degree, diploma or foreign language certificate (if any) and 01 copy of document proving working experience (if any) of employment contract, document on termination of the employment contract or participation in social insurance or a document confirming work experience issued by the former workplace of each professional employee;

dd) 01 copy of certificate of ownership of houses and other land-attached assets or contract for hiring facilities serving organization of orientation education, enclosed with packing list of facilities certified by the enterprise, floor plan of study rooms and boarding areas.

3. In case of change in professional employees, within 07 days from the date of change, the service enterprise shall send proving documents specified in Point d, Clause 2 of this Article to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

4. In case of change in facilities serving organization of orientation education, within 07 days from the date of change, the service enterprise shall send proving documents specified in Point dd, Clause 2 of this Article to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Article 8. Cooperation in issuing license via electronic network

1. The Ministry of Planning and Investment shall share information about name, code, address of the headquarter, legal representative, charter capital, owner, list of members/partners/shareholders of an enterprise applying for license with the Labor, War Invalids and Social Affairs to serve issuance of the license.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The cooperation between the Labor, War Invalids and Social Affairs and the Ministry of Planning and Investment shall be made in form of connecting and sharing data among information technology systems.

Article 9. License return

1. Regarding a service enterprise that is consolidated, merged or fully divided according to regulations in the Law on Enterprises:

Within 15 days from the date in which the legal status of the service enterprise in the National Business Registration Database is changed to theconsolidated, merged or fully divided” status, the consolidated company, the acquiring securities company and fully divided companies shall return their licenses to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and make reports as prescribed in Clause 3 of this Article.

2. Regarding a service enterprise that is dissolved, bankrupt or shut down:

Within 15 days from the date in which the legal status of the service enterprise in the National Business Registration Database is changed to the “undergoing dissolution or bankruptcy” status or within 05 working days from the date in which the Board of Directors, the owner or the General Meeting of Shareholders approves the resolution and the decision to terminate provision of Vietnamese guest worker service, the enterprise shall return its license to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and make report as prescribed in Clause 3 of this Article.

3. The enterprise shall make a report on labor supply contracts that are still valid; list of current guest workers; list of workers already recruited and undergoing vocational training, foreign language training or orientation education; deposits and amounts collected from workers and contribution to Overseas Employment Support Fund; and then submit the report to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Article 10. License revocation

1. In case the supervisory police authority or the competent authority issuing authentic copies of documents of the application for issuance of the license provides written confirmation stating that the declared information in the application is untruthful, within 10 working days from the date of receipt of the written confirmation, the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall decide to revoke the license.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If the service enterprise fails to provide Vietnamese guest worker service for 24 months consecutively for reasons other than natural disasters, conflict, political unrest, economic depression or force majeure which causes foreign countries to be unable to receive workers, within 10 days from the last day of the 24th month, the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall decide to revoke the license.

4. Within 15 days from the date in which the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs decides to revoke the license, the enterprise shall make a report on labor supply contracts that are still valid; list of current guest workers; list of workers already recruited and undergoing vocational training, foreign language training or orientation education; deposits and amounts collected from workers and contribution to Overseas Employment Support Fund; and then submit the report to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Article 11. Application and procedures for reissuance of license specified in Point b, Clause 1 Article 74 of the Law on Vietnamese Guest Workers

1. An application includes:

a) Written application for reissuance of license using Form No. 05 under Appendix I attached to this Decree;

b) Report on satisfaction of requirements specified in Points a, b, d, dd and e, Clause 1, Article 10 of the Law on Vietnamese Guest Workers using Form No. 06, Appendix I attached to this Decree;

c) An authentic copy of the license that is still valid and has been issued in accordance with regulations of the Law No. 72/2006/QH11 on Vietnamese Guest Workers.

2. Procedures:

a) The service enterprise shall submit an application in person or by post to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs or by online form at www.dolab.gov.vn;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter III

REQUIREMENTS FOR PROVISION OF VIETNAMESE GUEST WORKER SERVICE IN SOME MARKETS, PROFESSIONS AND SECTORS

Section 1. REQUIREMENTS FOR SENDING VIETNAMESE WORKERS TO WORK IN TAIWAN (CHINA)

Article 12. Requirements for sending Vietnamese workers to work in Taiwan (China)

The service enterprise shall maintain fulfillment of requirements specified in Article 10 of the Law on Vietnamese Guest Workers and fulfill the following requirements:

1. Having adequate number of professional employees to implement specific tasks and meet the following standards:

a) Having at least 01 professional employee in charge of search and development of overseas labor market, holding at least HSK5 certificate (Chinese proficiency certificate) or equivalent certificate;

b) Having at least 01 professional employee in charge of management of workers, holding at least HSK5 certificate (Chinese proficiency certificate) or equivalent certificate and gaining at least 01 year of experience in sending Vietnamese workers to work in Taiwan (China);

c) Having at least 01 professional employee in charge of orientation education, gaining at least 01 year of experience in sending Vietnamese workers to work in Taiwan (China);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 13. Application and procedures for sending Vietnamese workers to work in Taiwan (China)

1. An application includes:

a) Written application using Form No. 07 under Appendix I attached to this Decree;

b) 01 copy of diploma, foreign language certificate; 01 copy of document proving working experience (employment contract, document on termination of the employment contract or participation in social insurance or a document confirming work experience issued by the former workplace) of the professional employee specified in Clause 1 Article 12 of this Decree.

2. Procedures:

a) The service enterprise shall submit an application in person or by post to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs or by online form at www.dolab.gov.vn;

b) Within 05 days from the date of receipt of the complete application as prescribed, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall send a written introduction of service enterprise to the competent authority of Taiwan (China). In case of refusal, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply in writing and clearly state reasons.

Article 14. Confirmation of list of Vietnamese workers sent to work in Taiwan (China)

1. Before sending Vietnamese workers to work in Taiwan (China), the service enterprise shall submit the list of workers to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs for confirmation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Within 05 days from the date of receipt of the list, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall consider and confirm the list. In case of failure to make confirmation, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply in writing and clearly state reasons.

Section 2. REQUIREMENTS FOR SENDING VIETNAMESE WORKERS TO WORK IN JAPAN

Article 15. Requirements for sending Vietnamese workers to work in Japan

The service enterprise shall maintain fulfillment of requirements specified in Article 10 of the Law on Vietnamese Guest Workers and fulfill the following requirements:

1. Having adequate number of professional employees to implement specific tasks and meet the following standards:

a) Having at least 01 professional employee in charge of search and development overseas labor market, holding at least JLPT N2 certification (Japanese proficiency certification) or equivalent certificate;

b) Having at least 01 professional employee in charge of management of workers, holding at least JLPT N2 certification (Japanese proficiency certification) or equivalent certificate and gaining at least 01 year of experience in sending Vietnamese workers to work in Japan;

c) Having at least 01 professional employee in charge of orientation education, gaining at least 01 year of experience in sending Vietnamese workers to work in Japan;

2. Meeting standards applicable to service enterprises sending Vietnamese workers to work in Japan under agreement between the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and the competent authority in Japan.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An application includes:

a) Written application using Form No. 08 under Appendix I attached to this Decree;

b) 01 copy of diploma, foreign language certificate; 01 copy of document proving working experience (employment contract, document on termination of the employment contract or participation in social insurance or a document confirming work experience issued by the former workplace) of the professional employee specified in Clause 1 Article 15 of this Decree.

2. Procedures:

a) The service enterprise shall submit an application in person or by post to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs or by online form at www.dolab.gov.vn;

b) Within 05 days from the date of receipt of the complete application as prescribed, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall make approval and send the written approval to the competent authority of Japan. In case of disapproval, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply in writing and clearly state reasons.

Article 17. Requirements for sending Vietnamese workers to work as hospital orderlies in Japan

The service enterprise shall maintain fulfillment of requirements specified in Article 10 of the Law on Vietnamese Guest Workers and fulfill the following requirements:

1. The labor supply contract for sending Vietnamese workers to work in Japan is being executed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Having audio and video devices in service of training in Japanese; and practical rooms equipped with wheelchairs, mobility aids, medical beds, dining tables and chairs, wall-mounted handrails, shower chairs, bathtubs, automatic toilets and medical cabinets in order to provide training in skills for hospital orderlies under the program of Japan.

b) Having at least 01 teacher who provides training in skills for hospital orderlies under the program of Japan.

c) Having at least 01 teacher who teaches Japanese and holds at least JLPT N2 certification (Japanese proficiency certification) or equivalent certificate under the program of Japan.

Article 18. Application and procedures for sending Vietnamese workers to work as hospital orderlies in Japan

1. An application includes:

a) Written application using Form No. 09 under Appendix I attached to this Decree;

b) Images of equipment and devices, and practical rooms specified in Point a, Clause 2 Article 17 of this Decree;

c) 01 copy of nursing diploma of the teacher who provides training in skills for hospital orderlies and 01 copy of JLPT N2 certification of the teacher who teaches Japanese according to regulations in Point b and Point c Clause 2 Article 17 of this Decree.

2. Procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Within 05 days from the date of receipt of the complete application as prescribed, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall make approval so that the enterprise participates in sending Vietnamese workers to work as orderlies in Japan.  In case of disapproval, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply in writing and clearly state reasons.

Article 19. Confirmation of list of Vietnamese workers sent to work in Japan

1. Before sending Vietnamese workers to work in Japan, the service enterprise shall submit the list of workers to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs for confirmation.

2. The service enterprise shall send the list of workers (including full name, date of birth, gender, place of permanent residence, passport number/ID card number, phone number of each worker, the receiving country, the employer, professions, and the expected date of exit) under labor supply contracts that have been approved in person or by post to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs or by online form at www.dolab.gov.vn.

3. Within 05 days from the date of receipt of the list, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall consider and confirm the list. In case of failure to make confirmation, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply in writing and clearly state reasons.

Section 3. REQUIREMENTS FOR PROVISION OF VIETNAMESE GUEST WORKERS AS DOMESTIC WORKERS

Article 20. Requirements for provision of Vietnamese guest workers as domestic workers

The service enterprise shall maintain fulfillment of requirements specified in Article 10 of the Law on Vietnamese Guest Workers and fulfill the following requirements:

1. The labor supply contract for sending Vietnamese workers to work in the receiving country is being executed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Having at least 01 professional employee in charge of search and development of overseas labor market, having foreign-language capacity in conformity with the language requirement of the receiving country and gaining at least 01 year of experience in sending Vietnamese workers to work in the receiving country;

b) Having at least 01 standing and professional employee in charge of management of workers in the receiving country, having foreign-language capacity in conformity with the language requirement of the receiving country and gaining at least 01 year of experience in sending Vietnamese workers to work in the receiving country;

c) Having at least 01 professional employee in charge of orientation education, gaining at least 01 year of experience in sending Vietnamese workers to work in the receiving country;

3. The workers shall have experience in working abroad as domestic workers or knowledge of domestic works and foreign-language capacity in conformity with the language requirement of the receiving country under guidelines provided by the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Article 21. Application and procedures for provision of Vietnamese guest workers as domestic workers

1. An application includes:

a) Written application using Form No. 10 under Appendix I attached to this Decree;

b) 01 copy of diploma, foreign language certificate; 01 copy of document proving working experience (employment contract, document on termination of the employment contract or participation in social insurance or a document confirming work experience issued by the former workplace) of the professional employee specified in Clause 2 Article 20 of this Decree.

2. Procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Within 05 days from the date of receipt of the complete application as prescribed, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall make approval so that the enterprise participates in provision of Vietnamese guest workers as domestic workers.  In case of disapproval, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply in writing and clearly state reasons.

Article 22. Confirmation of list of Vietnamese guest workers as domestic workers

1. Before provision of Vietnamese guest workers as domestic workers, the service enterprise shall submit the list of workers to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs for confirmation.

2. Within 05 working days before submitting the application for issuance of visas for the workers, the service enterprise shall send the list of workers (including full name, date of birth, gender, passport number/ID card number, the period on which every worker has undergone training in skills for domestic works and foreign language or appropriate working experience, phone number of each worker, the expected date of exit, name and address of the receiving country and the employer) under labor supply contracts that have been approved in person or by post to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs or by online form at www.dolab.gov.vn.

3. Within 05 days from the date of receipt of the list, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall consider and confirm the list. In case of failure to make confirmation, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply in writing and clearly state reasons.

Chapter IV

DEPOSIT AND MANAGEMENT, USE THEREOF OF ENTERPRISE

Section 1. DEPOSIT OF SERVICE ENTERPRISE

Article 23. Deposit

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The service enterprise assigning its branches to provide Vietnamese guest worker service shall make an additional deposit of VND 500.000.000 for each branch.

Article 24. Deposit management

1. The enterprise and the custodian bank shall sign a deposit contract that specifies contents, including name, code, address, legal representative of the enterprise; name, address, legal representative of the custodian bank; deposit; deposit purpose; interest rate of deposit as agreed; interest payment form; deposit use; deposit withdrawal; closure of deposit account; responsibilities of related parties, and other contents in accordance with regulations of the law.

2. The custodian bank shall make a written certification of deposit of the enterprise using Form No. 03 under Appendix I attached to this Decree;

3. The deposit shall be frozen by the custodian bank in accordance with regulations of the law.

Article 25. Deposit use

1. The deposit may only be used upon written request made by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs in the following cases:

a) The service enterprise does not fulfil or fully fulfil the obligations specified in Points c, dd and h, Clause 2, Article 26 of the Law on Vietnamese Guest Workers.

b) The deposit is used upon request made by the competent authority so as to comply with regulations in Points e and g Clause 2 Article 26 of the Law on Vietnamese Guest Workers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. After 30 days from the date in which the deposit is used, if the service enterprise does not return the used deposit and ensure the deposit according to regulations, the custodian bank shall be responsible for notifying in writing the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

3. The enterprise may take back its deposit in the following cases:

a) The enterprise does not submit the application for issuance of the license for provision of Vietnamese guest worker service:

The enterprise shall submit 02 authentic copies of the deposit certificate to the custodian bank in order to take back its deposit.

b) The enterprise is not issued with a license for provision of Vietnamese guest worker service or the enterprise has deposited in another account and requested closure of the account that the enterprise has previously made its deposit or the service enterprise has been dissolved according to regulations of the law:

The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall request in writing the custodian bank to return the deposit to the enterprise.

c) The enterprise fulfils all obligations in provision of Vietnamese guest worker service after returning its license or having its license revoked:

The enterprise shall send a report enclosed with documents proving the fulfillment of the obligations specified in Clause 1, Article 27 of the Law on Vietnamese Guest Workers and full contribution to the Overseas Employment Support Fund to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.  Within 15 days from the date of receipt of the report, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall request in writing the custodian bank to return the deposit to the enterprise. In case of disapproval, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply in writing and clearly state reasons.

d) The service enterprise terminates assignment of provision of Vietnamese guest worker service to its branches or these branches terminate provision of Vietnamese guest worker service:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 2. Deposit of Vietnamese enterprise sending Vietnamese workers abroad for training, improvement and enhancement.

Article 26. Deposit

1. The enterprise shall make a deposit at a bank or foreign bank branch established and legally operated in Vietnam (hereinafter referred to as “custodian bank”).

2. The deposit is equal to 10% of the value of a one-way flight ticket (economy class) from the workplace to Vietnam, multiplied by the number of guest workers under the contract for receiving intern workers.

Article 27. Deposit management

1. The enterprise and the custodian bank shall sign a deposit contract that specifies contents, including name, code, address, legal representative of the enterprise; name, address, legal representative of the custodian bank; deposit; deposit purpose; interest rate of deposit; interest payment form; deposit use; deposit withdrawal; closure of deposit account; responsibilities of related parties, and other contents in accordance with regulations of the law.

2. The custodian bank shall make a written certification of the deposit of the enterprise using Form No. 11 under Appendix I attached to this Decree;

3. The deposit shall be frozen by the custodian bank in accordance with regulations of the law.

Article 28. Deposit use

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. After 30 days from the date in which the deposit is used, if the enterprise does not return the used deposit and ensure the deposit according to regulations, the custodian bank shall be responsible for notifying in writing the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs (for vocational training contracts for overseas training, improvement and enhancement with a period of 90 days or more) or the labor authority under the People's Committee of province where the headquarter of the enterprise is located (for vocational training contracts for overseas training, improvement and enhancement with a period of less than 90 days).

3. Within 05 working days from the date of receipt of the enterprise's report on liquidation of the contract for overseas vocational training with workers enclosed with proving documents, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs (for vocational training contracts for overseas training, improvement and enhancement with a period of 90 days or more) or the labor authority under the People's Committee of province where the headquarter of the enterprise is located (for vocational training contracts for overseas training, improvement and enhancement with a period of less than 90 days) shall request in writing the custodian bank to return the deposit to the enterprise.

Chapter V

TOP LIMIT OF DEPOSIT, MANAGEMENT, USE AND RETURN OF DEPOSIT OF WORKERS

Section 1. Deposit paid by workers to service enterprises

Article 29. Top limit of deposit of workers

The service enterprise and the workers shall reach agreement on the custodian bank and the making of deposit in which the deposit does not exceed the top limit specified in Appendix II issued with this Decree and it must be clearly stated in the contract for provision of Vietnamese guest worker service.

Article 30. Deposit making

1. The worker, the service enterprise and the custodian bank shall agree to sign a deposit contract to fulfil the obligations in the contract for provision of Vietnamese guest worker service, specifying name, passport number/ID card number and address of the worker; name, address, legal representative of the custodian bank; name, code, address, legal representative of the enterprise; deposit; deposit purpose; interest rate of deposit; interest payment form; deposit use; deposit withdrawal; closure of deposit account; responsibilities of related parties and other contents in accordance with regulations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 31. Deposit management and use

1. The deposit of the worker shall be used to pay for damage arising due to his/her faults to the service enterprise according to the contract for provision of Vietnamese guest worker service

2. The service enterprise and the worker or the person authorized by the worker shall agree on compensation for damage arising due to worker’s faults and record it in the contract liquidation document.

Article 32. Deposit return

1. The deposit shall be returned in the following cases

a) The worker completes the contract or terminates the contract for provision of Vietnamese guest worker service by the deadline and does not cause any damage to the enterprise; the worker unilaterally terminates the contract for provision of Vietnamese guest worker service according to regulations in Point dd, Clause 1, Article 6 of the Law on Vietnamese Guest Workers;

b) The worker has paid a deposit but the enterprise fails to send the worker to work abroad within the period as committed or after the exit pending period and the worker no longer needs to work abroad;

c) The worker does not cause any damage to the enterprise;

d) The remaining deposit shall be returned after the compensation for damage arising due to worker’s faults to the enterprise under the contract for provision of Vietnamese guest worker service is paid.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) In cases mentioned in Points a, b and c, Clause 1 of this Article, according to the document on liquidation of the contract for provision of Vietnamese guest worker service, the custodian bank shall return the deposit (including both principle and interest) to the worker or the person authorized by the worker;

b) In the case mentioned in Point d, Clause 1 of this Article, the custodian bank shall return the deposit to the worker (including principle and interest) according to the document on liquidation of the contract for provision of Vietnamese guest worker service or the legally effective decision on complaint settlement or the successful mediation record or the effective decision made by the Court.

3. In case the service enterprise does not carry out procedures so that the worker may take back his/her deposit according to regulations or does not reach an agreement with the worker as prescribed in Clause 2, Article 31 of this Decree, the worker has the right to request in writing to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs to reach resolution according to procedures for resolution to complaints or institution of legal proceedings according to regulations of the law.

4. In case the enterprise transfers rights and obligations to an another enterprise issued with license as prescribed in Clause 3, Article 28 or Point a, Clause 3, Article 29 of the Law on Vietnamese Guest Workers, the transferee shall be responsible for liquidating the contract for provision of Vietnamese guest worker service so that the worker can take back his/her deposit.

5. In case the enterprise goes bankrupt and hands over dossiers to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs according to regulations in Point b, Clause 3, Article 29 of the Law on Vietnamese Guest Workers, the Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs shall send a document on return of the deposit to the worker to the custodian bank.

Section 2. Deposit paid by workers to service providers

Article 33. Deposit method

1. Service providers and workers shall agree on deposit methods in accordance with international agreements specified in Clause 1, Article 42 of the Law on Vietnamese Guest Workers.

2. In case international agreements do not contain regulations on deposit methods, service providers and workers shall agree on making deposit according to regulations of the civil law but the value does not exceed the top limit of deposit specified in Appendix II issued with this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The worker, the service provider and the custodian bank shall agree to sign a deposit contract to fulfil the obligations in the contract for provision of Vietnamese guest worker service, specifying name, passport number/ID card number and address of the worker; name, address, legal representative of the custodian bank; name, address, legal representative of the service provider; deposit value; deposit purpose; interest rate of deposit; interest payment form (in case of cash deposit); deposit use; deposit return; responsibilities of related parties and other contents in accordance with regulations of the law.

2. The deposit shall be only made after the service provider and the worker sign a contract for provision of Vietnamese guest worker service and the worker has been accepted to work by the receiving country or issued with a visa.

Article 35. Deposited asset management and use

1. Deposited assets of the worker shall be used to pay for damage arising due to his/her faults to the service provider according to the contract for provision of Vietnamese guest worker service.

2. The service provider and the workers or the person authorized by the worker shall agree on compensation for damage arising due to worker’s faults and record it in the contract liquidation document.

Article 36. Deposit return

1. The deposit shall be returned in the following cases

a) The worker completes the contract or terminates the contract for provision of Vietnamese guest worker service by the deadline and does not cause any damage to the service provider; the worker unilaterally terminates the contract for provision of Vietnamese guest worker service according to regulations in Point dd, Clause 1, Article 6 of the Law on Vietnamese Guest Workers;

b) The worker has made the deposit but the service provider fails to send him/her to work abroad;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The deposit shall be returned to the worker after he/she has paid compensation for damage arising due to his/her faults to the service provider under the contract for provision of Vietnamese guest worker service.

2. Deposit return procedures

a) In cases mentioned in Points a, b and c, Clause 1 of this Article, according to the document on liquidation of the contract for provision of Vietnamese guest worker service, the custodian bank shall return the deposit (including both principle and interest) to the worker or the person authorized by the worker;

b) In the case mentioned in Point d, Clause 1 of this Article, the custodian bank shall return the deposit to the worker (including principle and interest in case of cash deposit) according to the document on liquidation of the contract for provision of Vietnamese guest worker service or the legally effective decision on complaint settlement or the successful mediation record or the effective decision made by the Court.

3. In case the service enterprise does not carry out procedures so that the worker may take back his/her deposit or does not reach an agreement with the worker as prescribed in Clause 2, Article 35, the worker has the right to request in writing to the governing body of the service provider to reach resolution according to procedures for resolution to complaints or institution of legal proceedings according to regulations of the law.

Chapter IV

REQUIREMENTS AND PROCEDURES FOR ONLINE REGISTRATION OF EMPLOYMENT CONTRACTS WHICH HAVE BEEN CONCLUDED AFTER EXIT.

Article 37. Requirements for registration of employment contracts which have been concluded after exit.

1. Being not listed under cases of prohibited from making exit, ineligible for making exit and suspended from making exit as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Legally residing in the host country during the duration for execution of employment contracts.

Article 38. Procedures for online registration of employment contracts and contribution to Overseas Employment Support Fund

1. The workers may make online registration of their employment contracts at the web portal (www.dolab.gov.vn) using Form No. 12, Appendix I issued with this Decree; and download electronic employment contracts, passport pages containing personal information and signatures, residence permits or other documents proving legal residence of the workers in the host country during the duration for execution of employment contracts.

2. Within 05 days from the date of receipt of the online registration of employment contracts, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall reply to the receipt of online registration, and at the same time notify the Vietnamese diplomatic mission in the host country. In case of refusal, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall clearly state reasons.

3. After receiving notification from the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs of the approval for contract registration, the workers shall make contribution to the Overseas Employment Support Fund in the form of cash payment or transfer to the Fund’s account.

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 39. Responsibility of Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs

1. Develop legal documents on Vietnamese guest workers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Negotiate and request competent authorities to sign international labor treaties according to regulations of the law on international treaty; sign international labor agreements in accordance with the law on international agreement.

4. Organize training courses on provision of Vietnamese guest worker service for professional employees of service enterprises.

5. Decide the issuance and revocation of licenses for provision of Vietnamese guest worker service.

6. Build and upgrade information technology systems to connect and share digital data among state management agencies according to regulations of this Decree and relevant legal documents.

7. Maintain and regularly update policies and legal documents on Vietnamese guest workers; information about international treaties and agreements on Vietnamese guest workers to which Vietnam is a signatory; policies and laws of the receiving countries; list of service enterprises; list of enterprises that have returned their licenses or have their licenses revoked to the web portal (www.molisa.gov.vn, www.dolab.gov.vn).

8. Organize and provide guidance on report and registration of contracts of Vietnamese organizations and individuals making outward investment, enterprises and Vietnamese guest workers; supervise implementation of reports and contracts that have been registered.

9. Resolve complaints and denunciations of provision of Vietnamese guest worker service according to regulations of the law.

10. Organize and carry out inspection and examination of provision of Vietnamese guest worker service.

11. Cooperate with the Ministry of Foreign Affairs in appointing officials, organizing management, directing and providing professional guidance on management and protection of the legal rights and interests of Vietnamese guest workers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



13. Cooperate with the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Public Security, the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment, State Bank of Vietnam, local authorities and other relevant agencies and organizations in the field of Vietnamese guest workers.

14. Direct, provide guidance and cooperate with local state management agencies in state management of Vietnamese guest workers.

Article 40. Responsibility of Ministry of Foreign Affairs

1. Cooperate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and relevant ministries and central authorities in researching and proposing guidelines and policies on Vietnamese guest workers to the Government.

2. Direct and provide guidance for overseas Vietnamese diplomatic missions on the following tasks:

a) Providing consular protection and protection of the legal rights and interests of Vietnamese workers working in the host country in accordance with Vietnamese law, the law of the host country and international treaties to which Vietnam and that country are signatories;

b) Cooperating with domestic authorities in handling issues on Vietnamese guest workers that arise in the host country, researching and providing information to develop the market of provision of Vietnamese guest worker service;

c) Cooperating with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and relevant agencies in organizing overseas labor market promotion activities;

d) Extracting information about Vietnamese workers working overseas on the database system of Vietnamese guest workers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Encourage overseas Vietnamese workers to register employment contracts which have been concluded after exit.

Article 41. Responsibility of Ministry of Public Security

1. Direct police forces at all levels to proactively prevent, detect and promptly handle violations against regulations on security, order and social safety related to Vietnamese guest workers.

2. Promptly detect and handle acts of illegally providing Vietnamese guest worker service or taking advantage of guest worker programs for exit or other purposes.

3. Cooperate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, overseas Vietnamese diplomatic missions and relevant agencies of receiving countries in receiving Vietnamese workers rejected by receiving countries or forced to return to their home country.

Article 42. Responsibility of Ministry of Planning and Investment

1. Share information about name, code, address of the headquarter, legal representative, charter capital, owner, list of members, shareholders of the enterprise applying for a license and the service enterprise with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs to carry out state management of provision of Vietnamese guest worker service.

2. Provide information for the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs on issuance, adjustment and termination of the validity of outward investment registration certificates within 05 days from the date of issuance, adjustment or promulgation of Decision on termination of the validity of outward investment registration certificates in order to cooperate in management of Vietnamese guest workers under contracts signed with organizations and individuals making outward investment.

Article 43. Responsibilities of ministries, ministerial agencies and Governmental agencies

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Resolve complaints and denunciations related to service providers providing Vietnamese guest worker service under their management according to regulations of the law.

3. Cooperate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs in managing Vietnamese guest workers in some industries, professions and specific jobs in the fields managed by ministries and central authorities.

Article 44. Responsibilities of People’s Committees of central-affiliated cities and provinces

1. Perform state management regarding guest workers in provinces and central-affiliated cities.

2. Direct affiliated specialized agencies and People’s Committee of lower levels to:

a) Propagate and disseminate the State's policies, guidelines and laws on Vietnamese guest workers;

b) Enable service enterprises and providers to employ local workers and manage local guest workers;

c) Deal with complaints and accusations of organizations and individuals related to Vietnamese guest workers as per the law;

d) Examine, inspect and promptly deal with violations committed by local service enterprises and providers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Receive applications for contracts of Vietnamese enterprises providing Vietnamese guest worker service in the form of training, improvement and enhancement for a period of less than 90 days.

3. Send annual reports to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and adhoc reports upon request on the situation of Vietnamese guest workers in provinces and cities.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 45. Entry into force

1. This Decree comes into force from January 01, 2022.

2. The Government’s Decree No. 38/2020/ND-CP dated April, 03 2020 on elaboration of Law on Vietnamese Guest Workers; and Joint Circular No. 17/2007/TTLT-BLDTBXH-NHNNVN dated September, 04 2007 of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs – State Bank of Vietnam on management and use of deposits of enterprises and Vietnamese guest workers shall cease to be effective from the effective date of this Decree.

Article 46. Transition clauses

1. Enterprises that have been issued with licenses for provision of Vietnamese guest worker service before the effective date of this Decree shall be responsible for review and amendment to meet the requirements specified at Points a, b, d, dd and e, Clause 1, Article 10 of the Law on Vietnamese Guest Workers and regulations of Article 4, Article 5 and Article 6 of this Decree, report using Form No. 06 Appendix I and confirmation of deposit using Form No. 03 Appendix I issued with this Decree, and then send to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs before January 01, 2023.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Deposit agreements between workers and service enterprises or service providers that have been concluded before the effective date of this Decree will continue to be executed according to agreements and law regulations.

Article 47. Implementation responsibilities

Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of People’s Committees of central-affiliated cities and provinces and regulated entities of this Decree shall be responsible for implementation of this Decree.

 

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Vu Duc Dam

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 112/2021/NĐ-CP ngày 10/12/2021 hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


49.813

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.45.187
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!