ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3809/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 23
tháng 10 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 166-KH/TU NGÀY 23 THÁNG 9
NĂM 2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37-CT/TW, NGÀY 10 THÁNG
7 NĂM 2024 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG “VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ
CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP,
NÔNG THÔN”
Triển khai thực hiện Kế hoạch số
166-KH/TU ngày 23 tháng 9 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị
số 37-CT/TW, ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về đổi
mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” (Kế hoạch số 166-KH/TU), Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích: Quán triệt
và cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 37-CT/TW, Kế hoạch
166-KH/TU đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tiếp tục triển khai
thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đổi mới và đáp
ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu:
- Việc xây dựng và triển
khai thực hiện Kế hoạch phải bám sát nội dung Kế hoạch 166-KH/TU và các quy định
pháp luật liên quan; phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, địa
phương. Xác định cụ thể nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương trong quá trình
triển khai thực hiện và làm căn cứ để đánh giá việc triển khai thực hiện trên địa
bàn tỉnh.
- Triển khai công tác đào tạo
nghề cho lao động nông thôn phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh
tế - xã hội tại địa phương; ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của người
lao động và gắn với hiệu quả giải quyết việc làm sau học nghề và chỉ tổ chức dạy
những nghề xác định được nơi làm việc và có khả năng nâng cao thu nhập cho người
lao động sau học nghề.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Tổ chức
tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt
Chỉ thị số 37-CT/TW, Kế hoạch 166-KH/TU và Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu và cán bộ, đảng
viên, các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào
tạo nghề cho lao động nông thôn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tác động của
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế nông nghiệp, cơ cấu
ngành nghề và trình độ sản xuất tại khu vực nông thôn. Xác định công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nông dân là chủ thể, là trung tâm của
quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
* Đơn vị thực hiện: Các
Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
triển khai, thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
* Thời gian thực hiện: Hoàn
thành trong tháng 10/2024.
b) Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề
cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong
tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều hình
thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng.
* Đơn vị thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Trường
Cao đẳng Kon Tum, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề
nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện và các đơn vị liên quan.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
c) Rà soát, bổ sung, đưa các
tiêu chí, chỉ tiêu, giải pháp về đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Chương
trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, địa phương,
đơn vị, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết theo quy định.
* Đơn vị thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế
hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ
triển khai thực hiện theo quy định.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
d) Triển khai thực hiện có hiệu
quả Kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn tỉnh
Kon Tum[1]. Xây dựng kế hoạch
đào tạo nghề hàng năm và giai đoạn phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân và công
tác bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn;
tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng
tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng quy mô sản xuất. Kịp thời biểu dương, nhân
rộng các mô hình hay cách làm hiệu quả về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
* Đơn vị thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố triển khai thực hiện.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
2. Tham gia
hoàn thiện và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến đào tạo
nghề cho lao động nông thôn
a) Thường xuyên rà soát, kiến
nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách,
pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn bảo đảm phù hợp với tình hình
thực tế.
* Đơn vị thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở,
ngành, địa phương liên quan.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
b) Tiếp tục triển khai đồng bộ,
hiệu quả, đúng quy định các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển, nâng
cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ
các Chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo,
khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn; các chương
trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến
đổi khí hậu và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phù hợp với yêu
cầu thực tiễn của tỉnh.
* Đơn vị thực hiện: Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực
hiện theo quy định.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
c) Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề,
hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện
đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu
số, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khoẻ, thanh niên hoàn thành
nghĩa vụ công an, quân sự, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối
tượng yếu thế có nhu cầu tham gia thị trường lao động.
* Đơn vị thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, liên quan
và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo quy định.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
3. Nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông
thôn
a) Đổi mới toàn diện, nâng cao
chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Thường xuyên cập nhật nghề,
chuẩn hoá nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Tăng cường
giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp
luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động
nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông
thôn. Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
- Tăng cường ứng dụng khoa học
công nghệ, chuyển đổi số trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất
là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người lao động, góp phần phát triển
kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo phương thức
sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu
cơ, nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy tích hợp đa giá trị, nâng cao giá trị
gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương.
- Nghiên cứu, tổ chức đào tạo
trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa
phương, người học. Phát huy tính chủ động của người học, gắn kết đào tạo nghề với
học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn.
* Đơn vị thực hiện: Trường
Cao đẳng Kon Tum; Ủy ban nhân dân các huyện (chỉ đạo các Trung tâm GDNN-GDTX
thuộc địa phương quản lý) triển khai thực hiện.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
- Xây dựng các mô hình kết nối giáo
dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng địa phương: Tổ chức hoạt động
hiệu quả Tổ kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa
bàn tỉnh Kon Tum[2]; nâng
cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn nghề; thực hiện cơ chế đặt hàng,
giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề.
- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý giáo dục
nghề nghiệp; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân,
người sản xuất giỏi, lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động
nông thôn.
- Tăng cường công tác phân luồng
học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và định hướng nghề nghiệp cho học sinh
trung học phổ thông. Đẩy mạnh triển khai việc vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn
hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
* Đơn vị thực hiện: Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo,
Trường Cao đẳng Kon Tum, Ủy ban nhân dân các huyện theo chức năng, nhiệm vụ chỉ
đạo, triển khai thực hiện theo quy định.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
b) Tiếp tục rà soát, sắp xếp,
nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp gắn
với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm
quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, có phân tầng chất lượng
phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xu hướng
phát triển của thị trường lao động. Phát huy tối đa vai trò của Trường Cao đẳng
Kon Tum, các cơ sở, đơn vị có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong
công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
* Đơn vị thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục
và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Cao Đẳng Kon Tum, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện
theo quy định.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
- Tiếp tục đầu tư đồng bộ, bảo
đảm cơ sở vật chất cho đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ
cấu kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn
* Đơn vị thực hiện: Sở Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội, Trường Cao đẳng Kon Tum và các địa phương, đơn vị có liên quan tham
mưu cấp có thẩm quyền thực hiện theo quy định.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
- Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động
và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là những
ngành, nghề trọng điểm và những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông
thôn.
* Đơn vị thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở, ngành, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố liên quan.
* Thời gian thực hiện: Thường
xuyên hằng năm.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
- Chủ trì theo dõi, hướng dẫn,
đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hằng
năm (vào tháng 12 ) và đột xuất (khi có yêu cầu) tổng hợp báo cáo
kết quả thực hiện Kế hoạch này gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thường
trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị có liên quan tham mưu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm
tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 166-KH/TU và tham mưu sơ kết,
tổng kết theo quy định.
2. Các Sở, ban, ngành; Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ nội dung Kế hoạch này và các Kế
hoạch có liên quan của Ủy ban nhân dân tỉnh[3] xây dựng Kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện
đảm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp, đúng quy định.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Theo chức
năng, nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch này. Tăng cường công tác
giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về đào tạo nghề cho
lao động nông thôn; phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các
tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các chương trình, chính sách về
giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao
thu nhập, cải thiện cuộc sống, gắn với việc triển khai có hiệu quả Cuộc vận động
“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng
bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, các
đơn vị, địa phương triển khai thực hiện theo quy định; định kỳ hằng năm (trước
ngày 15 tháng 12) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), báo cáo kết quả
thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, tổng hợp báo cáo
theo quy định. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh
về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân xem
xét, điều chỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
(b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (đ/b);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (p/h);
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (p/h);
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (p/h);
- Các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- Trường Cao đẳng Kon Tum (t/h);
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ CVP, các PCVP;
+ Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.NTMD
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Ngọc
|
[1]
Theo Kế hoạch số 1637/KH-UBND ngày 14/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
[2] Quyết định số
531/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc
thành lập Tổ kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa
bàn tỉnh Kon Tum.
[3] Kế hoạch số 2312/KH-UBND
ngày 20/7/2022 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch
số 3101/KH-UBND ngày 15/9/2023 Triển khai thực hiện Kế hoạch số 105-KH/TU ngày
11 tháng 7 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW
ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới,
phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045”; Kế hoạch số 1637/KH-UBND ngày 14/5/2024 về đào tạo nghề cho lao
động giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.