ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3691/KH-UBND
|
Lai Châu, ngày 27
tháng 9 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THU THẬP, CẬP NHẬT, CHỈNH SỬA, TỔNG HỢP THÔNG TIN VỀ NGƯỜI
LAO ĐỘNG GẮN VỚI CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ VÀ CÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU KHÁC
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
Thực hiện Quyết định số
06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng
dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc
gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày
18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày
30/6/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung thực
hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài
chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân
sách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Công văn
số 222/LĐTBXH-VL ngày 31/01/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc
thực hiện tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc
gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về quản lý lao động gắn với Cơ sở dữ
liệu Quốc gia về dân cư và triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ; Công văn số
907/CVL-QLLĐ ngày 05/9/2023 của Cục Việc làm về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động
quản lý lao động gắn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. UBND tỉnh ban hành Kế
hoạch thực hiện thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao
động gắn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu khác trên địa
bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2023 - 2025, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Thu thập thông tin cơ bản,
chính xác về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp của người lao động,
thông tin về thực trạng sử dụng lao động để làm cơ sở hoạch định chính sách việc
làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động
trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng và hình thành cơ sở dữ
liệu của tỉnh về thị trường lao động gắn với việc chuyển đổi số của tỉnh đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân
cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn
2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của
Thủ tướng Chính phủ.
2. Yêu cầu
Công tác triển khai của các cấp
địa phương, đơn vị liên quan đảm bảo về thời gian, tiến độ, kịp thời, trung thực,
khoa học, khách quan và kế thừa.
Việc thu thập, cập nhật, chỉnh
sửa, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân
cư và các Cơ sở dữ liệu khác đảm bảo nguyên tắc “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”;
quản lý, lưu trữ, bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin theo các quy định
của pháp luật.
Bảo đảm phục vụ kịp thời công
tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế
- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm dữ liệu được
thu thập, cập nhật chính xác, đầy đủ, có hệ thống; đáp ứng yêu cầu nhập dữ liệu
vào phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Chương trình
Chuyển đổi số quốc gia.
Lồng ghép với các hoạt động
theo chức năng, nhiệm vụ và không trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ. Bảo đảm thực
hiện hiệu quả, khả thi, tiết kiệm kinh phí, nguồn lực.
II. PHẠM VI,
ĐỐI TƯỢNG THU THẬP THÔNG TIN
1. Phạm vi: Thu thập, cập
nhật, tổng hợp thông tin về người lao động được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Đối tượng: Người lao
động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên đang cư trú tại địa bàn tỉnh.
III. THU THẬP,
CẬP NHẬT, CHỈNH SỬA, TỔNG HỢP VÀ KHAI THÁC THÔNG TIN VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Thu thập
thông tin, xác lập cơ sở dữ liệu ban đầu (dữ liệu gốc)
a) Đối tượng thu thập thông
tin: người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên đang cư trú tại
địa bàn tỉnh.
b) Nội dung thông tin thu thập:
Phiếu thông tin về người lao động theo Mẫu số 03-Phụ lục ban hành kèm theo
Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội (sau đây gọi tắt là: Phiếu).
c) Quy trình thực hiện
Năm 2023 là năm đầu tiên xác lập
cơ sở dữ liệu ban đầu (dữ liệu gốc), căn cứ vào số lượng đối tượng dự kiến thu
thập thông tin và khối lượng công việc thực hiện, UBND cấp huyện ban hành kế hoạch
thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thuộc phạm vi quản lý với những công việc,
cụ thể như sau:
- Điều tra ghi Phiếu: Điều tra
viên (sau đây viết tắt là: ĐTV) là Trưởng bản/Tổ trưởng tổ dân phố hoặc
tương đương trực tiếp phỏng vấn, thu thập thông tin người lao động và ghi đầy đủ,
đúng thực tế thông tin từng người lao động vào Phiếu điều tra đảm bảo hoàn
thành việc thu thập thông tin trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bắt đầu điều
tra.
- Tổng hợp và bàn giao Phiếu điều
tra: ĐTV chịu trách nhiệm tổng hợp Phiếu điều tra đảm bảo đối tượng điều tra tại
địa bàn đầy đủ, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót và nộp Phiếu về UBND cấp xã. Thời
gian trong 05 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc điều tra.
- Kiểm tra, hoàn chỉnh Phiếu điều
tra: UBND cấp xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiếp nhận Phiếu điều tra, thực hiện
kiểm tra thông tin đã ghi trên Phiếu đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, nội dung
ghi đúng nghiệp vụ hướng dẫn của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội. Nếu
phát hiện sai hoặc thiếu sót thông tin, công chức chuyên trách về lĩnh vực Lao
động - Thương binh và Xã hội cấp xã và ĐTV tiến hành thu thập thông tin và ghi
Phiếu mới. Thời gian thực hiện 05 ngày, kể từ ngày nhận Phiếu điều tra.
- Bàn giao Phiếu điều tra và nhập
tin:
+ Sau khi kiểm tra và hoàn chỉnh
Phiếu, trong thời gian 03 ngày, công chức chuyên trách về lĩnh vực Lao động -
Thương binh và Xã hội cấp xã bàn giao Phiếu điều tra cho lực lượng Công an cấp
xã cập nhật vào phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (theo
tài liệu hướng dẫn của Bộ Công an); trường hợp thông tin có sai sót phối hợp
với công chức phụ trách lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra bổ
sung, chỉnh sửa theo quy định. Thời gian thực hiện nhập tin trong 30 ngày, kể từ
ngày nhận bàn bàn giao Phiếu điều tra.
+ Công chức phụ trách lĩnh vực
Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã thường xuyên phối hợp với ĐTV cung cấp
đầy đủ thông tin thay đổi hoặc bổ sung các công dân chưa có thông tin cho Công
an cấp xã cập nhật vào phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư
đảm bảo kịp thời, chính xác.
d) Tổng hợp kết quả điều tra,
thu thập, cập nhật thông tin
Kết quả điều tra, thu thập, cập
nhật thông tin người lao động được cập nhật hằng ngày trên hệ thống Cơ sở dữ liệu
Quốc gia về dân cư. Sau khi toàn bộ người lao động từ đủ 15 tuổi được nhập vào
phần mềm trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan Công an các cấp
chịu trách nhiệm quản lý thông tin đã được nhập vào hệ thống. Đồng thời, cung cấp
thống kê, báo cáo tình hình biến động của người lao động cho đơn vị chuyên
trách cùng cấp để phục vụ công tác quản lý khi có yêu cầu.
2. Cập nhật
thông tin, cơ sở dữ liệu
a) Cập nhật, chỉnh sửa thông
tin, cơ sở dữ liệu
Hoạt động cập nhật, chỉnh sửa
thông tin về người lao động được thực hiện thường xuyên trong những năm tiếp
theo sau khi cơ sở dữ liệu ban đầu (dữ liệu gốc) được xác lập và thông tin
trong cơ sở dữ liệu về người lao động được cập nhật, điều chỉnh từ các nguồn:
- Kết quả của quá trình thực hiện
các thủ tục hành chính, nghiệp vụ liên quan đến quản lý lao động.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung của
cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thay đổi hoặc phát hiện các thông tin trong cơ sở
dữ liệu về người lao động chưa đầy đủ, chính xác.
- Từ các cơ sở dữ liệu khác có
liên quan khi có thay đổi.
Trường hợp người lao động phát
hiện có sự thay đổi thông tin về nhân khẩu học, việc làm, quan hệ lao động của
bản thân, UBND cấp xã tổ chức hướng dẫn người lao động khai báo, ghi thông tin
cần thay đổi hoặc điều chỉnh vào Phiếu và tiến hành nhập dữ liệu thay đổi vào
phần mềm hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Căn cứ vào Phiếu đề nghị bổ
sung của công dân chưa có thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân
cư hoặc Phiếu thay đổi thông tin do công dân đến kê khai tại UBND cấp xã, công
chức chuyên trách về lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã phối hợp
kiểm tra thông tin và chuyển Phiếu cho Công an cấp xã cập nhật vào phần mềm
trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đảm bảo kịp thời, chính xác theo
quy định.
b) Cập nhật, bổ sung thông tin,
cơ sở dữ liệu định kỳ hàng năm
Hàng năm, UBND cấp huyện xây dựng
kế hoạch thu thập thông tin, ghi Phiếu điều tra và tổ chức cập nhật thông tin,
cơ sở dữ liệu theo quy định.
c) Phương thức thực hiện
Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa,
tổng hợp thông tin về người lao động của địa phương.
UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn
UBND cấp xã thực hiện việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao
động cư trú trên địa bàn quản lý.
Hằng năm, UBND cấp xã căn cứ
vào nguồn lực, hướng dẫn của UBND cấp trên và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
để thực hiện: Lập kế hoạch và tổ chức thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về
người lao động cư trú trên địa bàn quản lý; xử lý các vấn đề phát sinh; thiết lập
cơ chế chia sẻ dữ liệu người lao động thu thập với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về
dân cư và các Cơ sở dữ liệu khác là cơ sở để xác thực hoàn thiện và cung cấp sổ
lao động điện tử của người lao động.
3. Khai
thác thông tin về người lao động
Các thông tin từ cơ sở dữ liệu
về người lao động được sử dụng để làm cơ sở quản lý lao động và thiết lập sổ
lao động điện tử cho người lao động.
Cơ quan quản lý nhà nước về lao
động, việc làm ở trung ương, địa phương khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ các
hoạt động quản lý nhà nước về lao động theo thẩm quyền.
Người lao động sử dụng sổ lao động
điện tử để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính liên quan đến đào tạo,
tuyển dụng lao động, tham gia các chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và
các hoạt động của cơ quan liên quan khác.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khai
thác, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu người lao động qua Cổng thông tin điện tử
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cổng thông tin điện tử của địa phương
và các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Cơ quan Công an cùng cấp quản
lý thông tin nhập vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và cung cấp các
thống kê, báo cáo tình hình biến động của người lao động cho đơn vị chuyên
trách cùng cấp, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phục vụ công
tác quản lý khi có yêu cầu.
IV. THỜI ĐIỂM
THU THẬP, CẬP NHẬT
1. Thời điểm thu thập, cập
nhật hằng năm bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 và hoàn thành trước tháng 10 để tổng hợp
báo cáo cáo kết quả thực hiện trong năm.
2. Riêng năm 2023, xác lập
cơ sở dữ liệu ban đầu (dữ liệu gốc) thực hiện bắt đầu từ tháng 10 và
hoàn thành việc nhập dữ liệu vào phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia
về dân cư theo tiến độ như sau:
- Từ ngày 20/10/2023 đến
20/11/2023: Hoàn thành xong nội dung thu thập, cập nhật thông tin vào Phiếu điều
tra (theo Mẫu số 03-Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số
11/2022/TT-BLĐTBXH).
- Từ ngày 25/11/2023 đến
25/12/2023: Hoàn thành xong nội dung cập nhật thông tin Phiếu điều tra vào phần
mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
V. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí: Từ
nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2021-2025; nguồn kinh phí lồng ghép thực hiện các Chương trình, Đề
án, Kế hoạch có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
2. Nội dung và mức chi:
Thực hiện theo quy định hiện hành. Việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán
kinh phí thực hiện đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản
pháp luật khác có liên quan.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; thực hiện tổng
hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ
thu thập, cập nhật dữ liệu thông tin người lao động theo quy định. Kiểm tra,
giám sát tình hình thu thập, cập nhật thông tin người lao động trên địa bàn tỉnh,
công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong quá trình tổ chức
thực hiện.
Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí
được giao thực hiện kế hoạch này đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, theo đúng các quy
định của pháp luật hiện hành.
2. Công an tỉnh
Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội triển khai Kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công.
Chỉ đạo Công an cấp xã tiếp nhận
Phiếu thu thập thông tin về người lao động từ công chức phụ trách lĩnh vực Lao
động - Thương binh và Xã hội cấp xã và chịu trách nhiệm nhập thông tin từ Phiếu
thông tin vào phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đảm bảo kịp
thời, chính xác (theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Công an). Đồng thời tham
gia kiểm tra, giám sát, đôn đốc kết quả thu thập, cập nhật thông tin người lao
động lên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Chỉ đạo các đơn vị chức
năng Công an cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã quản lý thông tin người lao động đã
cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; cung cấp các thống kê,
báo cáo tình hình biến động của người lao động cho đơn vị Lao động - Thương
binh và Xã hội cùng cấp khi có yêu cầu.
Tổng hợp, chia sẻ thông tin Cơ
sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thuộc phạm vi quản lý theo quy định.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, thẩm
tra và tham mưu UBND tỉnh xem xét, phân bổ kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, đơn vị liên quan
tham mưu UBND tỉnh cân đối, phân bổ nguồn vốn đầu tư công theo quy định (nếu
có).
5. Sở Thông tin và Truyền
thông
Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các cơ quan
báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tuyên
truyền, phổ biến nội dung Kế hoạch này và thường xuyên thông tin thị trường lao
động trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp các sở, ngành, địa
phương hướng dẫn kết nối hệ thống, dữ liệu và đảm bảo an toàn an ninh thông tin
cho việc cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm.
6. UBND các huyện, thành phố
Hằng năm, xây dựng kế hoạch, dự
trù kinh phí triển khai thực hiện thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin của người
lao động trên địa bàn quản lý . Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
triển khai các hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp xã trong công tác điều
tra, thu thập, cập nhật , tổng hợp, xử lý thông tin và lập báo cáo thống kê
thông tin thu thập.
Thực hiện kiểm tra, giám sát
quá trình thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cập nhật thông tin của người lao động tại
địa phương; đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo theo quy định và hướng
dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí
giao thực hiện kế hoạch này đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, theo đúng các quy định
của pháp luật hiện hành.
Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương
binh và xã hội và UBND cấp xã:
- Phối hợp với Công an cùng cấp
và các phòng ban, đơn vị, đoàn thể cùng cấp ở địa phương tổ chức triển khai thực
hiện Kế hoạch thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động
trên địa bàn quản lý bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực.
- Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội thực hiện in, cấp Phiếu điều tra cho UBND cấp xã đảm bảo đúng mẫu, đủ
số lượng Phiếu theo đối tượng được điều tra; phối hợp với các cơ quan, đơn vị,
cá nhân có liên quan thực hiện thanh, quyết toán kinh phí công tác điều tra,
thu thập thông tin người lao động đúng theo quy định hiện hành.
- UBND cấp xã thường xuyên cung
cấp các thông tin thay đổi hoặc bổ sung các công dân chưa có thông tin cho Công
an cùng cấp cập nhật vào phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân
cư đảm bảo kịp thời, chính xác.
7. UBND cấp xã
Xây dựng Kế hoạch và tổ chức
thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về người lao động cư trú trên địa bàn
quản lý.
Chỉ đạo công chức chuyên trách
về lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận Phiếu thu thập thông tin
người lao động; hướng dẫn, phối hợp với các ĐTV tiến hành thu thập Phiếu thông
tin người lao động và chuyển cho Công an cấp xã thực hiện triển khai nhập vào
phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Tổng hợp kinh phí thu
thập, thủ tục gửi UBND huyện, thành phố (qua Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội) để thanh quyết toán theo quy định.
Chỉ đạo công chức phụ trách
lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã thường xuyên cung cấp các
thông tin thay đổi hoặc bổ sung các công dân chưa có thông tin cho Công an cấp
xã cập nhật vào phần mềm trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đảm bảo
kịp thời, chính xác.
Lựa chọn điều tra viên thu thập,
cập nhật thông tin người lao động là Trưởng bản/Tổ trưởng tổ dân phố hoặc tương
đương trên địa bàn tham gia tập huấn nghiệp vụ và trực tiếp thu thập, cập nhật,
chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động của địa phương; thực hiện kiểm
tra giám sát, làm sạch thông tin ghi chép; tổng hợp Phiếu thu thập gửi về công
chức phụ trách lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã.
Thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu
người lao động đã thu thập với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ
liệu khác là cơ sở để xác thực hoàn thiện và cung cấp sổ lao động điện tử của
người lao động.
Căn cứ nội dung Kế hoạch này,
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp
triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng
mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với
tình hình thực tế./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH (B/c);
- Bộ Công an (B/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Báo Lai Châu, Đài PTTH Lai Châu;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- V: V1, V4, CB, VX, KTN;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KS.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Thanh Hải
|