KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU TRẺ EM LAO ĐỘNG TRÁI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP
LUẬT GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Thực hiện Quyết định số 782/QĐ-TTg
ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định
của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi là
Chương trình), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình
trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (sau đây gọi là Kế hoạch) như sau:
I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
1. Mục tiêu chung: Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động
trái quy định của pháp luật. Giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc
hại, nguy hiểm.
2. Mục tiêu cụ
thể đến năm 2025
a) Mục tiêu 1: Phòng ngừa, phát hiện,
hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (sau đây gọi là
lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em
và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%.
- 100% trẻ em có nguy cơ, lao động
trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo
được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi.
- Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao
động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
b) Mục tiêu 2: Truyền thông về phòng
ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
- 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ
sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; 70% cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được
cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
- 70% trẻ em được cung cấp thông tin,
kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
- 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
gia đình, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong
các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao
động trẻ em.
c) Mục tiêu 3: Đào tạo, tập huấn về
phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
- 90% công chức, viên chức cấp tỉnh,
huyện và 70% cán bộ, công chức cấp xã thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã
hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề lao động trẻ em được tập huấn
kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm
thiểu lao động trẻ em.
- 90% doanh nghiệp, đặc biệt là doanh
nghiệp vừa và nhỏ, 70% hợp tác xã, hộ gia đình, đặc biệt là hợp tác xã, hộ gia
đình trong các làng nghề được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa,
phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu sử dụng lao động là trẻ em.
3. Định hướng đến năm 2030: Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến
17 tuổi xuống 3,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên
làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người
chưa thành niên.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
2. Truyền thông, giáo dục, vận động
xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ
em. Đa dạng các phương thức thông tin tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, giáo
dục hỗ trợ quyền trẻ em phù hợp với từng địa phương, cộng đồng, dân tộc.
3. Nâng cao năng lực của Ủy ban nhân
dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là người sử dụng
lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Xây dựng hoặc nhân bản
tài liệu và tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác trẻ em
ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ
em.
4. Xây dựng cơ chế phối hợp liên
ngành; các cấp, các ngành tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp
lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trong lĩnh vực nông
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng. Phòng, chống
tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Triển khai quy trình,
mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có
nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em. Hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở
thành lao động và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo,
an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Triển khai các mô
hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
5. Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh
nghiệm và vận động nguồn lực trong nước và quốc tế; huy động sự tham gia của
các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao
động trẻ em.
6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính
sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các
trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu theo dõi,
đánh giá việc thực hiện Chương trình và phối hợp thực hiện khảo sát quốc gia về
lao động trẻ em theo kế hoạch của Trung ương.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước bố trí trong dự
toán hằng năm của các sở, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành;
lồng ghép các chương trình, dự án, đề án liên quan khác theo quy định của pháp
luật về ngân sách nhà nước.
2. Các nguồn huy động hợp pháp khác
theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
- Chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực
hiện Kế hoạch; tham mưu triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng sử dụng lao động trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em; theo dõi,
đánh giá, sơ kết, tổng kết Kế hoạch.
- Xây dựng cơ chế phối hợp liên
ngành; thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng
sử dụng lao động trẻ em. Triển khai mô hình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện,
hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động gắn
với hệ thống bảo vệ trẻ em. Hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành
lao động và gia đình được tiếp cận các chính sách, chương trình giảm nghèo, đào
tạo nghề, an sinh xã hội.
- Tổ chức truyền thông, phổ biến,
giáo dục, nâng cao năng lực, kiến thức về lao động trẻ em, phòng ngừa, giảm
thiểu tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Xây dựng tài liệu hoặc sao chép, nhân
bản các sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng sử dụng
lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng trẻ em lao động
trái pháp luật.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì công tác phòng ngừa, giảm
thiểu lao động trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Triển khai các giải
pháp nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bỏ học.
- Cung cấp thông tin, kiến thức về
phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho học sinh, giáo viên. Hỗ trợ trẻ em
có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, lao động trẻ em được tiếp cận với giáo
dục phổ thông và triển khai mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em theo
chức năng, nhiệm vụ.
3. Công an tỉnh: Chủ trì công tác phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc
lột sức lao động. Phối hợp với các ngành chức năng trong hoạt động kiểm tra,
phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em; điều tra
làm rõ các vụ có dấu hiệu hình sự để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ, hỗ
trợ hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị bóc lột sức lao động.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia
đình; tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho gia đình về các quy định của pháp
luật về lao động trẻ em; vận động gia đình không để trẻ em bỏ học, không để trẻ em tham gia lao động trái quy
định của pháp luật.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức
về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong lĩnh vực
nông nghiệp. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về lao động trẻ em trong lĩnh vực
được giao.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ
quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
7. Sở Công thương: Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động về tình trạng sử dụng lao động trẻ em để ngăn ngừa,
góp phần bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật.
8. Sở Tài chính: Hằng năm, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, phối hợp với Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tham mưu bố trí kinh phí
thực hiện Kế hoạch.
9. Các cơ quan, đơn vị liên quan
khác: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được
giao có trách nhiệm đưa hoặc lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch vào
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị mình.
10. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã
- Xây dựng triển khai thực hiện Kế
hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của địa phương giai đoạn 2021 -
2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, mô hình phù
hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt là ở các địa bàn, khu vực,
làng nghề có trẻ em tham gia lao động, lao động trẻ em hoặc có nguy cơ phát
sinh lao động trẻ em.
- Bố trí ngân sách, vận động các
nguồn lực hoặc lồng ghép kinh phí từ các chương trình, đề án có liên quan quan
để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch tại địa phương.
- Kiểm tra, thanh tra, giám sát định
kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao
động trẻ em; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về lao
động trẻ em.
- Định kỳ, đột xuất báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về kết quả thực hiện Kế
hoạch.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức hội các cấp: Tuyên
truyền, vận động, tư vấn pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng
lớp nhân dân, nhất là người sử dụng lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm về
phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; giám sát, phản biện việc thực hiện Kế
hoạch.
12. Đề nghị Liên đoàn Lao động
tỉnh: Tổ chức truyền thông, giáo dục, tư vấn pháp luật, chính sách về lao động trẻ em
cho cán bộ, đoàn viên, người chưa thành niên, trẻ em tham gia lao động.
13. Đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh:
Triển khai thực hiện Kế hoạch đến người sử dụng lao động và người lao động
trong các Tổ hợp tác, Hợp tác xã bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật
về lao động trẻ em. Lồng ghép hướng dẫn và triển khai mô hình phòng ngừa, giảm
thiểu lao động trẻ em trong khu vực kinh tế tập thể và Hợp tác xã.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương
trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai
đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Yêu cầu các
sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
triển khai thực hiện nghiêm túc. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đôn
đốc, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH (báo
cáo);
- TTr. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- CVP, PCVP Trần Tuấn Nghĩa;
- Trung tâm CB-TH;
- Lưu: VT, VX2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Châu
|