ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 210/KH-UBND
|
Đắk Nông,
ngày 27 tháng 4 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
CHĂM SÓC, NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH NGHỀ
NGHIỆP TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2020-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Phần I
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI
LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP 2016-2019 ĐẮK NÔNG
1. Tình hình hệ thống y tế chăm sóc sức
khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động
và phòng, chống bệnh nghề nghiệp là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất.
Các doanh nghiệp đã từng bước có đầu tư mua sắm, trang bị đồ bảo hộ lao động, bồi
dưỡng kiến thức về an toàn lao động để giảm thiểu những tác hại đến sức khỏe của
người lao động.
Tính đến 31/12/2019, có khoảng 4.666
cơ sở lao động được quản lý, theo dõi chăm sóc sức khỏe người lao động và
phòng, chống bệnh nghề nghiệp (chiếm 17,6% trên tổng số cơ sở lao động trên địa
bàn), với khoảng 25.512 người lao động. Trong đó, có 153 cơ sở lao động có yếu
tố nguy hiểm với khoảng 3.869 người lao động được quản lý, tập trung chủ yếu là
người lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng,
nhà hàng, khách sạn, dịch vụ sửa chữa, giáo dục và đào tạo với khoảng 13.093
người, chiếm 51,3%.
Về quy mô cơ sở: Có 11 cơ sở có quy
mô trên 200 lao động/cơ sở (5 cơ sở trực thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn tỉnh)
với 3.497 người lao động (chiếm 13,7%); có 43 cơ sở lao động có từ 50 đến 200
người lao động/cơ sở với 3.053 người lao động (chiếm 12%); còn lại là cơ sở dưới
50 người lao động/cơ sở, với 18.962 người lao động (chiếm 74,3%).
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 11
đơn vị đủ điều kiện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (Bệnh viện
đa khoa tỉnh, 07 Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk
Nông và 02 cơ sở y tế tư nhân); chưa có đơn vị đủ điêu kiện thực hiện khám phát
hiện bệnh nghề nghiệp và tư vấn điều trị các bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Do đó, công tác triển khai các hoạt động quản lý, tư vấn, điều trị bệnh nghề
nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp
luật, huấn luyện vệ sinh lao động
Sau khi Luật An toàn, vệ sinh lao động
số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban ngành, đơn vị,
địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tuyên truyền phổ biến sâu rộng cho
người lao động với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như trên các phương tiện
thông tin, truyền thông, qua các tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động hàng
năm, tổ chức tập huấn, huấn luyện, nói chuyện chuyên đề phổ biến pháp luật,
phát tờ rơi, áp phích. Thông qua kết quả các cuộc điều tra, kiểm tra cho thấy
việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đã được cải thiện qua từng
năm.
3. Thực trạng môi trường lao động
So sánh các kết quả thực hiện năm
2019 so với năm 2016 cho thấy, môi trường lao động trong các cơ sở sản xuất,
kinh doanh từng bước đã có sự cải thiện, ghi nhận về yếu tố vi khí hậu vượt
tiêu chuẩn cho phép giảm, cụ thể: Tiếng ồn giảm trên 50%, điều kiện nhiệt độ tại
nơi làm việc giảm trên 80%, độ ẩm giảm 39%. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố có
hại khác đang có xu hướng gia tăng như điều kiện ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt
không giảm, hơi khí độc, điện từ trường, các dung môi, các chất gây ung thư
chưa được quan trắc vì thiếu trang thiết bị chuyên dùng.
Phần II
KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2020-2025, TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2030
I. Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày
15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An
toàn, vệ sinh lao động.
- Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày
15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh
lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn,
vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.
- Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày
31/12/2017 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và
nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày
30/6/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao
động.
- Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày
30/6/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.
- Quyết định số 04/QĐ-MT ngày
12/02/2018 của Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn kiểm tra việc chấp hành
các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động,
phòng, chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động.
- Kế hoạch số 447/KH-UBND ngày
28/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông thực hiện Chương trình hành động số
28-CTr/TU ngày 08/5/2018 của Tỉnh ủy Đắk Nông về tăng cường công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường công tác vệ sinh lao động,
chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động nói chung
và nhân viên y tế nói riêng; nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động;
chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người lao động mắc bệnh
nghề nghiệp, tai nạn lao động, góp phần vào thực hiện có hiệu quả công tác bảo
vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm
2025 và tầm nhìn đến năm 2030
a) Nhóm chỉ tiêu nâng cao năng lực
ngành y tế
- Tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực
quan trắc môi trường lao động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông,
đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, đồng thời thành lập phòng khám bệnh
nghề nghiệp đủ điều kiện theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh về công tác vệ sinh
lao động và xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp và môi trường lao động
trên địa bàn tỉnh.
- Trên 65% người làm công tác y tế cơ
sở được huấn luyện, cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động và đạt
trên 75% năm 2030.
- Trên 90% người thuộc lực lượng sơ cứu
cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện, cập nhật về sơ cứu, cấp cứu và đạt
trên 95% năm 2030.
b) Nhóm chỉ tiêu chuyên môn về y tế
lao động và bệnh nghề nghiệp
- 100% doanh nghiệp lớn và 50% doanh
nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc công
tác quan trắc môi trường lao động theo quy định hiện hành và lập hồ sơ vệ sinh
môi trường lao động1. Đến năm 2030, có trên 65% doanh nghiệp
vừa và nhỏ thực hiện công tác quan trắc môi trường theo quy định.
- Trên 60% cơ sở lao động được thực
hiện khám phân loại sức khỏe người lao động theo quy định và đạt trên 70% đến
năm 2030. Trong đó, có 40% cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ bị bệnh nghề
nghiệp tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định và đạt
trên 60% vào năm 2030.
- 50% cơ sở có từ 50 lao động trở lên
tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung về công tác an toàn, vệ sinh lao động
trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đạt 70% vào năm 2030.
- 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh phải
đảm bảo nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế về sơ cứu, cấp cứu và các quy định
về công trình phúc lợi thực hiện các hoạt động nâng cao sức khỏe người lao động
tại nơi làm việc và đạt 70% vào năm 2030.
- 100% người lao động bị tai nạn lao
động, người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh liên
quan đến nghề nghiệp được sơ cứu, cấp cứu, điều trị và phục hồi chức năng theo
quy định.
- Có trên 50% các cơ sở sản xuất,
kinh doanh, đạt 70% đến năm 2030 và 100% các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành
phố thực hiện tốt công tác báo cáo việc chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động,
chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Đưa nội dung này vào trong
báo cáo thường kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp được quy định tại khoản 3, Điều
86 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
c) Nhóm chỉ tiêu về thông tin truyền
thông
- Mỗi năm có trên 70% làng nghề, hợp
tác xã có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận với các thông tin về
chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp và đạt trên 85%
vào năm 2030.
- Trên 90% người làm công tác quản
lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động cấp huyện,
thành phố và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu công nghệ cao được truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực về vệ sinh
lao động và kiểm soát bệnh nghề nghiệp, đến năm 2030 đạt trên 95%.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP
1. Tăng cường sự
lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của UBND các cấp, của các Sở Ban, ngành trong việc
chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh
nghề nghiệp cho người lao động
a) Sở Y tế chủ trì:
- Định kỳ hàng năm rà soát và tham
mưu UBND tỉnh bổ sung kịp thời các giải pháp vào kế hoạch chương trình phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết và
khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác chấp hành pháp
luật vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
- Hàng năm căn cứ các văn bản chỉ đạo
của cơ quan Trung ương và cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn các địa phương,
đơn vị thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì: Triển khai thực hiện nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn, vệ
sinh lao động. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở lao động thực hiện Luật Lao động,
và Luật an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời tổ chức huấn luyện, đào tạo về an
toàn, vệ sinh lao động.
c) Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí, các trang, cổng
thông tin điện tử các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác
tuyên truyền các nội dung về Luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động.
2. Nâng cao năng lực
thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề
nghiệp cho người lao động
Nội dung hoạt động chính cần triển
khai gồm: (1) Đào tạo về chuyên môn thực hiện về công tác an toàn, vệ sinh lao
động cho các đơn vị quản lý nhà nước, cho đội ngũ quản lý và cán bộ y tế các cấp.
(2) Tăng cường trang thiết bị thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức
khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp. (3) Hướng dẫn triển khai các hoạt động
chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. (4) Nâng
cao năng lực giám sát và chẩn đoán các bệnh liên quan đến amiăng cho các cơ sở
y tế tuyến tỉnh, huyện.
a) Sở Y tế chủ trì:
- Tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng nhân
dân tỉnh việc huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất
cho hoạt động quan trắc môi trường lao động, giám sát sức khỏe, sàng lọc, phát
hiện chẩn đoán sớm, điều trị, giám định, phục hồi chức năng và chi trả đền bù
các trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu cấp thiết của
tỉnh.
- Chỉ đạo, thực hiện hệ thống quản
lý, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ
chẩn đoán, điều trị bệnh nghề nghiệp hiệu quả.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với
Sở Y tế để vận động, huy động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật
chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống
cháy nổ, phòng, chống yếu tố nguy cơ bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
c) Sở Tài chính: Hướng dẫn, kiểm tra
và giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định của Luật ngân sách
Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
3. Đẩy mạnh quản lý,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động
a) Sở Y tế chủ trì:
- Điều tra, triển khai các hoạt động
phòng, chống các bệnh liên quan đến ung thư, bệnh tim mạch, bệnh tắc nghẽn mạn
tính; hướng dẫn chăm sóc thai nghén, nữ lao động nuôi con nhỏ, về dinh dưỡng
phòng, chống tác hại do thuốc lá, rượu bia và các chất gây nghiện lồng ghép vào
trong các chương trình dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
- Tuyên truyền và tổ chức khám sức khỏe
định kỳ người lao động, khám phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp theo đúng
quy định hiện hành.
- Tổ chức các hoạt động quan trắc môi
trường lao động cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với đơn vị, địa phương
liên quan thực hiện thanh, kiểm tra về vệ sinh lao động, lồng ghép kiểm tra an
toàn, vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa
bàn tỉnh, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với các bếp
ăn tập thể.
b) Sở Lao động Thương binh và Xã hội
chủ trì:
- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa
phương liên quan tổ chức điều tra, kiểm tra về điều kiện thực hiện chi trả cho
người lao động khám chữa bệnh ngoài giờ đối với các cơ sở lao động có đăng ký với
cơ quan bảo hiểm y tế.
- Điều tra việc thực hiện các chế độ
bảo hiểm về bệnh nghề nghiệp.
- Giám sát việc thực hiện chính sách
về người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động,
các cơ quan quản lý an toàn, vệ sinh lao động tuyến huyện, xã.
c) Các tổ chức chính trị - xã hội
liên quan
- Đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh chỉ
đạo công đoàn các cấp tăng cường truyền thông về chăm sóc và nâng cao sức khỏe
người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp; phổ biến Luật An toàn, vệ sinh
lao động. Tổ chức tập huấn hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công
đoàn.
- Đề nghị Hội Nông dân tỉnh tăng cường
truyền thông về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh
nghề nghiệp, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng lao động phi
kết cấu trong nông nghiệp.
4. Triển khai xây dựng
mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Sở Y tế căn cứ hướng dẫn của các Viện,
Cục chuyên ngành thuộc Bộ Y tế và phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương
liên quan triển khai xây dựng mô hình phòng, chống bệnh nghề nghiệp theo tình
hình của tỉnh gồm mô hình phòng, chống bệnh điếc nghề nghiệp ở các cơ sở lao động
có phát sinh tiếng ồn và bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp tại bệnh viện đa khoa, từ
đó đánh giá hiệu quả mô hình tiến hành nhân rộng trên địa tỉnh.
- Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, lựa chọn địa bàn, quy
mô triển khai mô hình phù hợp.
5. Đảm bảo an toàn,
vệ sinh lao động đối với nhân viên y tế
a) Sở Y tế chủ trì:
- Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo,
giám sát việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động và công tác an toàn, vệ sinh
lao động và phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa
bàn tỉnh.
- Triển khai lồng ghép các nội dung đảm
bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với nhân viên y tế trong tiêu chí đánh giá chất
lượng bệnh viện.
- Tập huấn, phổ biến kiến thức pháp
luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho nhân viên
y tế; các lớp huấn luyện cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh lao động, thẻ an
toàn lao động cho người lao động trong ngành y tế.
b) Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh:
Quản lý, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt các
quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động
và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc,
giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở có sử dụng người lao động thực hiện
đúng, đầy đủ công tác an toàn, vệ sinh lao động.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Ngân sách nhà nước được bố trí trong
dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân
sách nhà nước hiện hành (có bảng dự kiến kinh phí thực hiện hàng năm kèm theo).
2. Hàng năm, căn cứ nội dung Kế hoạch,
quy định hướng dẫn của Trung ương, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan lập
dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính tổng hợp, thẩm định để tham mưu UBND tỉnh bố
trí ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách
Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Riêng năm 2020, ngành Y tế chủ
động sử dụng kinh phí đã được bố trí trong dự toán đầu năm để triển khai thực
hiện.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế: Chịu trách nhiệm hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch; tham mưu, đề
xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan.
2. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên
quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
- Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
được giao, trên cơ sở Kế hoạch này khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện
(hoàn thành trước ngày 20/5/2020 và gửi về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh),
trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu gắn với chức năng nhiệm vụ,
tình hình thực tế của đơn vị, địa phương để thực hiện.
- Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ
của Kế hoạch này vào tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của Sở,
Ban, ngành, địa phương.
- Định kỳ 6 tháng (trước 18/6) và hằng
năm (trước 20/12) các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất kiến nghị, giải
pháp để thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch và gửi Sở Y tế để tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- UBND các huyện, thành phố hỗ trợ
kinh phí từ ngân sách địa phương đã được phân cấp theo quy định để thực hiện
hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch này.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể tỉnh phối hợp với
các Sở, Ban, ngành tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức
pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp;
thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội việc chấp hành các quy định của
pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp
tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương.
Trên đây là Kế hoạch chăm sóc, nâng
cao sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn
2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu cần sửa
đổi, bổ sung nội dung Kế hoạch, các Sở, Ban, ngành, địa phương chủ động đề xuất
gửi về Sở Y tế tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Ban đảng của Tỉnh ủy;
- Các Sở, Ban, ngành tỉnh;
- Các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các hội, đoàn thể tỉnh;
- Đài PT&TH tỉnh, Báo Đắk Nông;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX(Hp).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|