ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1245/KH-UBND
|
Gia Lai, ngày 15
tháng 6 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THU THẬP, LƯU TRỮ, TỔNG HỢP THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI NĂM 2022
Thực hiện Thông tư số
01/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị
trường lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2022 cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thu thập thông tin cơ bản về
nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh
vực giáo dục đào tạo và tình trạng việc làm của người lao động, phục vụ cho
công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm (gọi tắt là thông tin về
cung lao động).
- Thu thập thông tin cơ bản về
loại hình, ngành nghề kinh tế, việc sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu
cầu đào tạo của người sử dụng lao động, làm cơ sở định hướng ngành nghề đào tạo
và tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, xây dựng dữ liệu việc làm trống để
kết nối cung cầu lao động (gọi tắt là thông tin về cầu lao động).
2. Yêu cầu
- Thu thập thông tin thị trường
lao động phải đảm bảo tính kịp thời, chính xác, trung thực, khoa học, khách
quan và kế thừa.
- Thông tin, dữ liệu thị trường
lao động được quản lý, lưu trữ, bảo mật theo các quy định của pháp luật về lưu
trữ, bảo vệ bí mật nhà nước.
- Đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch
đề ra, thực hiện hiệu quả, tiết kiệm.
II. ĐỐI TƯỢNG,
NỘI DUNG THU THẬP THÔNG TIN VỀ CUNG, CẦU LAO ĐỘNG
1. Thu thập thông tin về
cung lao động
a) Đối tượng: người lao động từ
15 tuổi trở lên đang thực tế thường trú tại địa bàn nơi thực hiện thu thập
thông tin.
b) Nội dung thu thập:
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; số định danh cá nhân.
- Trình độ giáo dục phổ thông
cao nhất; trình độ chuyên môn kỹ thuật và chuyên ngành đào tạo.
- Công việc chính đang làm (tên
công việc; vị thế việc làm; nơi làm việc (tên, loại hình, ngành kinh tế, địa chỉ)).
- Tình trạng thất nghiệp (công
việc chính trước khi thất nghiệp, thời gian thất nghiệp).
- Lý do không tham gia hoạt động
kinh tế.
- Nhu cầu đào tạo, việc làm.
2. Thu thập thông tin về Cầu
lao động
a) Đối tượng: người sử dụng lao
động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có
thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
b) Nội dung thu thập:
- Thông tin người sử dụng lao động:
tên, mã số đăng ký kinh doanh, loại hình, địa chỉ, ngành nghề sản xuất kinh
doanh.
- Quy mô lao động.
- Nhu cầu tuyển dụng lao động.
- Nhu cầu đào tạo, ngành nghề
đào tạo.
III. LỰC LƯỢNG
ĐIỀU TRA, GIÁM SÁT, NHẬP TIN
1. Điều tra viên
- Thu thập thông tin về cung
lao động: Điều tra viên là người có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công
việc và có khả năng vận động quần chúng, được huấn luyện về nghiệp vụ điều tra,
bao gồm đội ngũ cán bộ phụ trách công tác văn hóa - xã hội, trưởng thôn, tổ trưởng
tổ dân phố, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị xã hội của các xã, phường,
thị trấn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
- Thu thập thông tin về cầu lao
động: Điều tra viên là người có chuyên môn và kinh nghiệm tham gia các cuộc điều
tra, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, được huấn luyện về
nghiệp vụ điều tra. Lực lượng điều tra viên do các huyện, thị xã, thành phố chủ
động lựa chọn đáp ứng được yêu cầu của công việc.
2. Giám sát viên
- Giám sát viên cấp tỉnh là Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch tại
địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn và tại doanh
nghiệp.
- Giám sát viên cấp huyện là
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố, giám sát
việc triển khai thu thập, cập nhật, ghi chép thông tin về cung, cầu lao động tại
các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
3. Lực lượng nhập tin vào phần
mềm
- Nhập thông tin về cung lao động:
Lực lượng nhập tin vào phần mềm là cán bộ phụ trách công tác văn hóa - xã hội
hoặc người có chuyên môn về công nghệ thông tin. Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn chủ động lựa chọn người nhập tin nhằm đảm bảo chất lượng, chính xác và
tiến độ theo kế hoạch.
- Nhập thông tin về cầu lao động:
Là viên chức, người lao động thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
IV. THỜI
GIAN THỰC HIỆN
1. Từ ngày 01/7/2022 đến
ngày 31/7/2022: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thu thập
thông tin về cung, cầu lao động; Thành lập Tổ thu thập thông tin về cung lao động
ở xã, phường, thị trấn. Phân công cụ thể trách nhiệm cho từng điều tra viên và
lực lượng nhập tin. Tổ chức tập huấn hướng dẫn điều tra viên thu thập thông tin
về cung, cầu lao động trên địa bàn tỉnh năm 2022.
2. Từ ngày 01/8/2022 đến
ngày 31/8/2022: Điều tra viên tiến hành triển khai thu thập, ghi chép thông
tin về cung, cầu lao động trên địa bàn quản lý. Tổ chức kiểm tra, giám sát quá
trình thu thập, ghi chép thông tin của điều tra viên.
3. Từ ngày 01/9/2022 đến
ngày 30/10/2022: Tổ chức nhập thông tin về cung lao động vào dữ liệu nguồn
nhân lực. Tổng hợp, gửi phiếu thu thập thông tin về cầu lao động về Trung tâm Dịch
vụ việc làm để tổng hợp, nhập tin. Tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát quá
trình thu thập, ghi chép và nhập tin tại các địa bàn chưa hoàn thành.
4. Từ ngày 01/11/2022 đến
ngày 31/12/2022: Tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thu thập thông tin về
cung, cầu lao động thuộc địa bàn quản lý về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển
khai thu thập thông tin về cung, cầu lao động.
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ
ghi chép, cập nhật thông tin về cung, cầu lao động cho cán bộ Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ làm công tác Lao động
- Thương binh và Xã hội các xã, phường, thị trấn.
- Phân bổ kinh phí điều tra cho
các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện. Cung cấp danh sách các
doanh nghiệp, biểu mẫu ghi chép, cập nhật thông tin về cung, cầu lao động.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát
công tác triển khai thu thập, cập nhật, ghi chép và nhập thông tin biến động
vào phần mềm của các địa phương. Tổng hợp, báo cáo thông tin thị trường lao động
theo quy định và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thu
thập thông tin về cung, cầu lao động về Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội) và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Ban hành Kế hoạch triển khai
thu thập thông tin về cung, cầu lao động. Giao nhiệm vụ cho Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức
năng triển khai thực hiện kế hoạch này trên địa bàn. Thường xuyên quan tâm chỉ
đạo, đôn đốc các phòng ban liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
trên địa bàn để chuẩn bị cho công tác điều tra và thu thập thông tin người lao
động và người sử dụng lao động.
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền
cho người dân và người sử dụng lao động trên địa bàn nắm bắt đầy đủ về mục
đích, ý nghĩa của việc thu thập thông tin về cung, cầu lao động, phối hợp cung
cấp thông tin cho điều tra viên.
- Cử cán bộ Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội cấp huyện và cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh
và Xã hội các xã, phường, thị trấn tham gia hội nghị tập huấn do Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tổ chức.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn
nghiệp vụ ghi chép, cập nhật thông tin về cung lao động cho điều tra viên ở các
thôn, làng, tổ dân phố. Chủ động lựa chọn, phân công, bố trí cán bộ tham gia điều
tra cầu lao động.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát
công tác triển khai thu thập, ghi chép và nhập thông tin vào dữ liệu nguồn nhân
lực. Tổng hợp kết quả thu thập thông tin về cầu lao động và Phiếu thu thập
thông tin về cầu lao động, gửi về Trung tâm Dịch vụ việc làm theo đúng thời
gian quy định để tổng hợp và nhập tin.
- Thông qua kết quả điều tra, nắm
chắc số liệu về số hộ, lực lượng lao động từ 15 tuổi, số người thất nghiệp, số
lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động đi làm việc ngoài tỉnh,
trình độ đào tạo, cơ cấu lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động và nhu cầu đào tạo
nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn cấp huyện để nắm bắt triển khai các giải
pháp kết nối giới thiệu việc làm.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban
nhân dân tỉnh về tiến độ và kết quả triển khai. Định kỳ, đột xuất báo cáo kết
quả triển khai điều tra Cung, Cầu lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
để tổng hợp.
3. Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn:
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền,
giải thích về mục đích, ý nghĩa của việc cập nhật cơ sở dữ liệu thị trường lao
động hàng năm đến người dân và người sử dụng lao động trên địa bàn để thuận lợi
cho công tác thu thập thông tin về cung cầu lao động.
- Thành lập Tổ công tác thu thập
thông tin cung lao động của xã, phường, thị trấn (đại diện lãnh đạo Ủy ban
nhân dân làm Tổ trưởng, cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội
làm Tổ phó Thường trực; Điều tra viên và người nhập tin làm thành viên Tổ công
tác thu thập thông tin).
- Chủ động lựa chọn, phân công
nhiệm vụ cho điều tra viên và người nhập tin. Việc phân công cho điều tra viên
phải gắn với từng địa bàn cụ thể nhằm hạn chế trùng lắp và bỏ sót thông tin.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
công việc của điều tra viên và người nhập tin, chịu trách nhiệm về toàn bộ công
tác điều tra trên địa bàn quản lý. Thông qua kết quả điều tra, nắm chắc số liệu
về số hộ, lực lượng lao động từ 15 tuổi, số người thất nghiệp, số lao động đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động đi làm việc ngoài tỉnh, trình độ
đào tạo, cơ cấu lao động trên địa bàn quản lý.
- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố về tiến độ và kết quả điều tra. Định kỳ, đột
xuất báo cáo kết quả triển khai thu thập thông tin về cung lao động về Ủy ban
nhân dân cấp huyện (qua Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội) để tổng
hợp, kiểm tra.
4. Ban quản
lý khu kinh tế tỉnh:
Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện
Đức Cơ và Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku tuyên truyền cho các doanh nghiệp
trong Khu công nghiệp Trà Đa và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phối hợp
cung cấp thông tin điều tra Cầu lao động cho điều tra viên.
5. Trung
tâm dịch vụ việc làm tỉnh:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức
thu thập thông tin thị trường lao động thuộc phạm vi, trách nhiệm được giao.
- Tổ chức thu thập, cập nhật,
lưu trữ và tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động vào
hệ thống cơ sở dữ liệu việc làm trống để kết nối cung - cầu lao động.
- Báo cáo công tác thu thập,
lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động thuộc phạm vi phụ trách gửi Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, tổng hợp.
6. Trách
nhiệm của người cung cấp thông tin:
- Người lao động có trách nhiệm
cung cấp thông tin về tình hình lao động, việc làm kịp thời, đầy đủ cho người
trực tiếp thực hiện thu thập thông tin thị trường lao động.
- Người sử dụng lao động có
trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin về việc sử dụng và nhu cầu tuyển dụng
lao động cho điều tra viên.
V. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội lập dự toán, phân bổ kinh phí cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố từ nguồn ngân sách tỉnh cấp (theo Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày
19/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách năm
2022 cho các đơn vị dự toán cấp tỉnh). Ngoài kinh phí hỗ trợ nêu trên, đề
nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cân đối, bố trí bổ sung kinh
phí địa phương để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai thu thập thông tin
Cung, Cầu lao động năm 2022 trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch thu thập,
lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm
2022, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp theo
chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời
về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xử lý theo thẩm quyền; nếu vượt thẩm quyền
báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: LĐ-TB&XH; Tài Chính; KH&ĐT;
- BQL khu kinh tế tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Gia Lai, Đài PT-TH Gia Lai;
- Lưu: VT, KTTH, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thanh Lịch
|