BAN
CHỈ ĐẠO TUẦN LỄ QUỐC GIA ATVSLĐ-PCCN TRUNG ƯƠNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
4280/BCĐTLQG -ATLĐ
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2006
|
HƯỚNG DẪN
TỔ CHỨC TUẦN LỄ QUỐC GIA AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG - PHÒNG CHỐNG
CHÁY NỔ HÀNG NĂM
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 722 /CP-VX
ngày 14 tháng 7 năm 1999 về việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ
sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) hàng năm, từ năm 1999 đến nay
Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN đã được tổ chức liên tục. Việc tổ chức Tuần lễ quốc
gia hàng năm đã đạt được hiệu quả tích cực: nhận thức và trách nhiệm của các cấp
quản lý, các tổ chức và cá nhân trong việc đảm bảo ATVSLĐ-PCCN được nâng cao; điều
kiện lao động, môi trường lao động trong các doanh nghiệp được cải thiện; tần
suất tai nạn lao động có xu hướng giảm… Tuy nhiên, qua 8 năm tổ chức Tuần lễ quốc
gia đã bộc lộ một số hạn chế cần đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Tuần
lễ an toàn, vệ sinh lao động.
Sau khi lấy ý kiến của các Bộ,
ngành, địa phương liên quan, Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN Trung
ương hướng dẫn đổi mới tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN hàng năm như
sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU VÀ THỜI GIAN TỔ CHỨC
1. Mục đích
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm
của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành đối với công
tác ATVSLĐ-PCCN; đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi
làm việc, hướng tới “Xây dựng và phát triển văn hoá an toàn trong lao động”,
góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
2. Yêu cầu
Việc đổi mới tổ chức Tuần lễ quốc
gia ATVSLĐ-PCCN phải đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và hướng về cơ sở trực
tiếp sản xuất; thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo người
sử dụng lao động, người lao động và toàn thể xã hội vào công tác ATVSLĐ-PCCN.
3. Thời gian tổ chức:
Một tuần (7 ngày) vào trung tuần
tháng 3 hàng năm (thời gian cụ thể sẽ có thông báo chính thức của từng năm).
II. CHỦ ĐỀ VÀ
HÌNH THỨC TỔ CHỨC
1. Chủ đề: Hàng năm, Ban
chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương chọn chủ đề chung để phát động Tuần lễ. Các
Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tùy theo đặc điểm sản xuất và trọng tâm
công tác ATVSLĐ –PCCN của từng năm có thể lựa chọn chủ đề riêng phù hợp với đơn
vị.
2. Hình thức tổ chức
2.1. Phát động Tuần lễ quốc
gia ATVSLĐ-PCCN của Trung ương
Do Thủ tướng Chính phủ phát động
vào ngày đầu tiên của Tuần lễ.
a) Địa điểm tổ chức:
Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc
gia địa phương trọng điểm lựa chọn địa điểm tổ chức Lễ phát động (Hướng về tổ
chức tại một khu công nghiệp tập trung hay tại một doanh nghiệp).
b) Các nội dung chính của
Lễ phát động:
- Thường trực Ban chỉ đạo
Tuần lễ quốc gia báo cáo tóm tắt công tác ATVSLĐ-PCCN năm trước (15 phút);
- Thủ tướng Chính phủ phát động
Tuần lễ quốc gia (10 phút);
- Đại diện tổ chức Lao động quốc
tế (ILO) phát biểu (10 phút gồm cả thời gian dịch);
- Công bố Quyết định khen thưởng,
tặng Cờ, Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích tốt về công tác
ATVSLĐ-PCCN (20 phút);
- Một số doanh nghiệp của Trung
ương và doanh nghiệp của địa phương trọng điểm ký cam kết thi đua đảm bảo
ATVSLĐ-PCCN, cải thiện điều kiện lao động (20 phút);
c) Thành phần tham dự:
- Đại biểu Nhà nước, Quốc hội,
Chính phủ;
- Thành viên Ban Chỉ đạo Tuần lễ
quốc gia Trung ương và đại biểu đại diện cho các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo
(30 người);
- Đại diện một số tổ chức quốc tế;
- Lãnh đạo tỉnh, thành phố nơi tổ
chức lễ phát động; thành viên Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia và đại biểu đại diện
cho các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo địa phương (do tỉnh bố trí khoảng 20
người);
- Đại diện công nhân, lao động
các doanh nghiệp trên địa bàn địa phương (1500 – 2000 người).
2.2. Hoạt động hưởng ứng Tuần
lễ quốc gia
a) Tại các Bộ, ngành, địa
phương, các tổ chức chính trị - xã hội
Tuỳ theo tình hình từng năm, các
Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các
đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động của Tuần lễ và các hoạt động hưởng ứng
tại các cơ sở trọng điểm (Nội dung các hoạt động hướng dẫn tại Mục III ).
b) Tại các doanh nghiệp:
Tập trung vào các hoạt động cụ thể như: xây dựng chương trình hành động
ATVSLĐ-PCCN; thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động; cam kết thi
đua giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức kiểm tra và tự kiểm tra an
toàn máy, thiết bị, trang bị bảo hộ lao động; tổ chức các hội thi, hội thao
ATVSLĐ-PCCN tại doanh nghiệp; khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích
trong công tác ATVSLĐ-PCCN...
III. CÁC HOẠT
ĐỘNG TRONG TUẦN LỄ QUỐC GIA
1. Đẩy mạnh công tác thông
tin, tuyên truyền; phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, hướng dẫn về ATVSLĐ-PCCN
a) Xây dựng nội dung ATVSLĐ - PCCN
phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và
Truyền hình các địa phương với các hoạt động như:
- Đưa tin, phóng sự, xây dựng
các phim chuyên đề, phim tư liệu về vấn đề ATVSLĐ- PCCN (tập trung vào một số
ngành, nghề có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ;
khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân, sản xuất nông nghiệp và các làng nghề);
nêu gương các điển hình thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN; phê phán các hiện
tượng vi phạm pháp luật về ATVSLĐ-PCCN...;
- Đưa tin về Tuần lễ quốc gia
ATVSLĐ-PCCN trên mục Điểm tin sự kiện của tháng, tuần;
- Cảnh báo về tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp, cháy nổ;
- Xây dựng chuyên mục, chương
trình giải trí trên truyền hình có nội dung về ATVSLĐ- PCCN.
b) Xây dựng các chuyên mục
ATVSLĐ-PCCN trên các báo, tạp chí…
c) Tăng cường hoạt động thông
tin tuyên truyền trên các trang WEB về ATVSLĐ-PCCN và hoạt động của Mạng thông
tin quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (OSH Net).
d) Phát hành các ấn phẩm thông
tin, tuyên truyền về ATVSLĐ-PCCN: băng hình, tranh áp phích, tờ rơi đến tận các
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức các xe tuyên truyền lưu động
về thôn, bản để cổ động, tuyên truyền, phổ biến các qui định của pháp luật về
ATVSLĐ-PCCN cho đông đảo quần chúng nhân dân lao động.
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh
nghiệp cần xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh
doanh và yêu cầu của công tác ATVSLĐ- PCCN của đơn vị.
2. Tổ chức trưng bày, triển
lãm về ATVSLĐ-PCCN
Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng
năm, Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương và Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia
các Bộ, ngành, địa phương có thể tổ chức trưng bày, triển lãm về ATVSLĐ-PCCN.
- Thời gian tổ chức: trước
hoặc trong thời gian tổ chức Tuần lễ quốc gia.
- Hình thức: bằng tranh, ảnh,
trang thiết bị kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ; thiết bị kiểm tra các yếu
tố vệ sinh môi trường lao động; các phương tiện bảo vệ cá nhân có chất lượng
cao; sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc. Có thể kết hợp trưng bày, triển
lãm về ATVSLĐ-PCCN với các hoạt động khác như trưng bày, giới thiệu quảng
cáo sản phẩm ...
- Có thể tổ chức thi, chấm điểm,
trao giải thưởng cho các sản phẩm, gian triển lãm có nội dung hay và ý tưởng độc
đáo nhằm khuyến khích, động viên các đơn vị tham gia có hiệu quả và thu hút được
nhiều người tham quan.
3. Thi tìm hiểu về công tác
ATVSLĐ-PCCN, thi an toàn vệ sinh viên giỏi từ cấp doanh nghiệp đến cấp quận,
huyện, tỉnh, thành phố, toàn quốc hoặc theo ngành, lĩnh vực.
4. Hội thao, thao diễn xử lý
sự cố kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ, thao diễn cấp cứu người bị TNLĐ trong
các ngành, đơn vị, doanh nghiệp.
5. Hội thảo, hội nghị về
ATVSLĐ-PCCN: chủ đề của hội thảo, hội nghị là những vấn đề nổi cộm về công
tác ATVSLĐ-PCCN của ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc theo chủ đề phát động của
Tuần lễ. Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tuỳ theo điều kiện có thể tổ
chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm, tuyên dương, khen thưởng các điển hình
tiên tiến trong công tác ATVSLĐ – PCCN...
6. Các hoạt động khác: Thăm
một số nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN; thăm doanh nghiệp, cơ sở sản
xuất kinh doanh điển hình thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN; tổ chức văn nghệ
quần chúng lồng ghép nội dung công tác ATVSLĐ-PCCN…; tạo điều kiện thuận lợi để
các tổ chức quốc tế tham gia các hoạt động của Tuần lễ nhằm trao đổi kinh nghiệm
và tranh thủ sự hợp tác của quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ-PCCN.
IV. CÁC HOẠT
ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN TRONG NĂM
1. Tổ chức huấn luyện về
ATVSLĐ-PCCN
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh
nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện về
ATVSLĐ-PCCN cho người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là đối với
các đối tượng sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn lao động, người nông dân trong sản xuất nông nghiệp; tập huấn về sơ
cấp cứu ban đầu tai nạn lao động.
2. Chăm lo cải thiện điều kiện
làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thường xuyên tự kiểm
tra điều kiện lao động, môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục ngay
khi các điều kiện lao động không bảo đảm an toàn cho người lao động.
3. Chăm sóc sức khoẻ người
lao động: tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và khám phát hiện sớm bệnh
nghề nghiệp cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố độc hại gây bệnh nghề
nghiệp và tổ chức kiểm tra, đánh giá môi trường lao động, đưa ra giải pháp khắc
phục.
4. Thanh tra, kiểm tra về
ATVSLĐ-PCCN và tự kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
a) Ban chỉ đạo Trung ương phối hợp
với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại các
ngành, lĩnh vực, địa phương có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
và cháy nổ.
b) Các Bộ, ngành, địa phương chỉ
đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên
ngành về công tác ATVSLĐ-PCCN trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề…
c) Tại các doanh nghiệp, thực hiện
tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục các nguy cơ dẫn đến TNLĐ-BNN, đảm bảo điều
kiện làm việc an toàn vệ sinh cho người lao động.
V. TRÁCH NHIỆM
CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG, DOANH NGHIỆP
1. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo
Trung ương
- Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa
phương, doanh nghiệp trong công tác chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện Tuần
lễ quốc gia hàng năm;
- Lựa chọn chủ đề chung, thời
gian cụ thể phát động Tuần lễ quốc gia;
- Lựa chọn địa phương trọng điểm
(có tính đặc thù riêng và phù hợp với chủ đề phát động của từng năm) và phối hợp
với địa phương trọng điểm để tổ chức Lễ phát động Tuần lễ quốc gia;
- Thống nhất kế hoạch triển
khai, công tác phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể cho một số cơ quan
thành viên Ban chỉ đạo (Xem Phụ lục kèm theo) trong tổ chức các hoạt động của
Tuần lễ;
- Tổ chức các hoạt động
thông tin, tuyên truyền; tổ chức họp báo công bố tình hình tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp, cháy nổ và công tác ATVSLĐ-PCCN;
- Chỉ đạo việc xây dựng và thực
hiện chương trình hành động, cam kết thi đua ATVSLĐ – PCCN của các ngành, các
doanh nghiệp;
- Tổng kết, đánh giá rút kinh
nghiệm để hoàn thiện tổ chức Tuần lễ.
2. Trách nhiệm của các Bộ,
ngành, đoàn thể
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị
trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia;
- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng
tại các cơ sở trọng điểm;
- Lập kế hoạch tổ chức và kinh
phí thực hiện các hoạt động Tuần lễ quốc gia, đưa vào kế hoạch kinh phí hoạt động
thường xuyên hàng năm hoặc kinh phí Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động,
an toàn lao động, vệ sinh lao động của Bộ, ngành, đoàn thể; trực tiếp tổ chức một
số hoạt động hưởng ứng Tuần lễ;
- Tổng kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm và báo cáo cho Thường trực Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về hoạt động của
đơn vị.
3. Trách nhiệm của các địa
phương
- Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo
Tuần lễ quốc gia của địa phương để chỉ đạo và phối hợp với các ban, ngành,
doanh nghiệp ở địa phương trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc
gia (Qui định tại Mục III). Thành phần Ban chỉ đạo gồm:
+ Trưởng ban: Chủ tịch
(hoặc Phó chủ tịch) UBND tỉnh, thành phố.
+ Các phó ban: Lãnh đạo Sở
Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh (thành phố)
và Công an tỉnh (thành phố).
+ Các Ủy viên: Lãnh đạo
các Sở, ngành: Văn hóa- Thông tin, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp,
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đài phát thanh và truyền hình địa phương,
Liên minh các Hợp tác xã, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Hội Nông dân Việt
Nam.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các ban,
ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tổ chức
tốt các hoạt động hưởng ứng tại địa phương;
- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng
tại các cơ sở trọng điểm;
- Lập kế hoạch và kinh phí để tổ
chức các hoạt động hưởng ứng, đưa vào kế hoạch kinh phí hoạt động thường xuyên
hàng năm của địa phương;
- Tổng kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm và báo cáo công tác tổ chức Tuần lễ của địa phương cho thường trực Ban
chỉ đạo Tuần lễ quốc gia.
4. Trách nhiệm của Tập đoàn,
Tổng công ty, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi chung là doanh
nghiệp)
- Xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tuần
lễ quốc gia và các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp; tổ
chức thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN;
- Tổ chức, phát động người lao động
trong doanh nghiệp và chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị thành viên hưởng ứng Tuần lễ
quốc gia và chương trình hành động của doanh nghiệp bằng một kế hoạch cụ thể,
sát thực phù hợp với tình hình và điều kiện doanh nghiệp;
- Lập kế hoạch kinh phí tổ chức
các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ đưa vào trong kế hoạch Bảo hộ lao động hàng năm
của doanh nghiệp;
- Tổng kết, đánh giá, rút kinh
nghiệm và báo cáo công tác tổ chức Tuần lễ quốc gia cho Thường trực Ban chỉ đạo
Tuần lễ quốc gia (đối với các tập đoàn, tổng công ty 91) và báo cáo cho Ban chỉ
đạo tỉnh/thành phố (đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa
bàn địa phương).
Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia đề
nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh
nghiệp triển khai thực hiện tốt Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN theo ý kiến chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ; tổng kết, đánh giá và gửi báo cáo về Bộ Lao động-
Thương binh và Xã hội trước ngày 30 tháng 04 hàng năm để tổng hợp báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
Công văn này thay thế cho Công
văn số 3263/LĐTBXH - BHLĐ ngày 24 tháng 9 năm 1999 của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội về Hướng dẫn tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN hàng năm./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- Các thành viên Ban chỉ đạo TW;
- Các Tập đoàn, TCT Nhà nước;
- Các Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu VP, Cục ATLĐ (10).
|
KT.
TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
Lê Bạch Hồng
THỨ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
|
PHỤ LỤC
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TUẦN LỄ QUỐC GIA VỀ ATVSLĐ-PCCN
(Kèm theo Công văn số 4280 /BCĐTLQG-ATLĐ ngày 30 tháng 11 năm 2006 của
Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN )
I. Các cơ quan quản lý Nhà nước
về ATVSLĐ-PCCN
1. Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương,
có trách nhiệm:
- Hướng dẫn các Bộ,
ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN
hàng năm: thời gian, các hoạt động hưởng ứng, việc tổng kết, báo cáo…
- Chủ trì và phối hợp với
Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Văn hoá- Thông tin, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn
chủ đề, thời gian, địa phương trọng điểm tổ chức Lễ phát động Tuần lễ;
- Chỉ đạo, hướng dẫn Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức và phối hợp với các ngành
có liên quan thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ;
- Làm đầu mối, phối hợp với các
Bộ, ngành liên quan tổ chức họp Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia Trung ương, họp
báo về tổ chức Tuần lễ quốc gia, cung cấp số liệu tình hình tai nạn lao động
hàng năm tại buổi họp báo;
- Chuẩn bị nội dung, chương
trình của Lễ phát động; phối hợp với địa phương trọng điểm được chọn và các cơ
quan thành viên ban chỉ đạo để tổ chức Lễ phát động Tuần lễ quốc gia
ATVSLĐ-PCCN;
- Phối hợp với Đài Truyền hình
Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Bộ, ngành, liên quan xây dựng và triển
khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các báo, đài phát
thanh và truyền hình; phát hành tờ rơi, tranh áp phích, các ấn phẩm thông tin
tuyên truyền về Tuần lễ quốc gia và công tác ATVSLĐ-PCCN;
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo
chuyên đề và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức toạ đàm, hội thảo, hội
nghị liên ngành về công tác Bảo hộ lao động, ATVSLĐ; tham gia triển lãm về
ATVSLĐ-PCCN;
- Tổ chức các hoạt động thanh
tra, kiểm tra, thông tin, huấn luyện ATVSLĐ;
- Tổng hợp báo cáo kết quả tổ chức
Tuần lễ quốc gia của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước và báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
2. Bộ Y tế
- Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế các
địa phương tổ chức và phối hợp thực hiện các hoạt động hưởng ứng tại địa
phương;
- Phối hợp với các cơ quan thành
viên Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Tuần lễ quốc gia;
- Cung cấp số liệu bệnh nghề
nghiệp, công tác chăm sóc sức khoẻ người lao động tại buổi họp báo;
- Thông tin, tuyên truyền về
công tác vệ sinh lao động, tình hình bệnh nghề nghiệp trên các báo, tạp
chí, đài phát thanh và truyền hình; phát hành tờ rơi, tranh áp phích, các ấn phẩm
thông tin tuyên truyền về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo
chuyên đề về vệ sinh lao động; phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên
quan tổ chức toạ đàm, hội thảo, hội nghị liên ngành về công tác ATVSLĐ-PCCN;
tham gia triển lãm về ATVSLĐ-PCCN;
- Tổ chức thao diễn cấp cứu người
bị tai nạn lao động;
- Chỉ đạo việc thực hiện kiểm
tra, giám sát môi trường lao động, khám sức khoẻ người lao động.
3. Bộ Công an
- Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các
địa phương tổ chức và phối hợp thực hiện các hoạt động hưởng ứng tại các địa
phương;
- Phối hợp với các cơ quan thành
viên Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Tuần lễ quốc gia;
- Cung cấp số liệu tình hình
cháy nổ hàng năm và công tác phòng chống cháy nổ tại buổi họp báo;
- Thông tin, tuyên truyền về
công tác phòng chống cháy nổ trên các báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền
hình; phát hành tờ rơi, tranh áp phích, các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về
công tác phòng chống cháy nổ;
- Phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan tổ chức toạ đàm, hội thảo, hội nghị liên ngành về công tác
ATVSLĐ-PCCN; tham gia triển lãm về ATVSLĐ-PCCN;
- Chủ trì, phối hợp với
một số ngành, địa phương tổ chức hội thao, thao diễn phòng cháy chữa cháy;
- Chỉ đạo việc thực hiện kiểm
tra, giám sát tình hình thực hiện an toàn phòng chống cháy, nổ.
II. Đại diện người sử dụng
lao động và người lao động
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt
Nam
- Chỉ đạo, hướng dẫn Liên đoàn
Lao động các tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương tổ chức và phối hợp
thực hiện các hoạt động hưởng ứng;
- Phối hợp với các cơ quan thành
viên Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Tuần lễ quốc gia;
- Cung cấp số liệu về tình hình
hoạt động của tổ chức công đoàn, tham gia của người lao động trong các hoạt động
bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động tại buổi họp báo;
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền
về hoạt động của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ - PCCN trên các báo, tạp
chí, đài phát thanh và truyền hình Trung ương và các địa phương...; phát hành tờ
rơi, tranh áp phích, các ấn phẩm tuyên truyền về ATVSLĐ - PCCN;
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo
chuyên đề và phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức toạ
đàm, hội thảo, hội nghị liên ngành về công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ;
- Chỉ đạo các liên đoàn lao động
địa phương tham gia triển lãm; tổ chức triển lãm ATVSLĐ-PCCN có sự tham gia của
các Bộ, ngành liên quan.
- Chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam phát động và tổ chức thi tìm
hiểu về ATVSLĐ-PCCN; thi an toàn vệ sinh viên giỏi; phát động các phong trào quần
chúng thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN…
- Tổ chức các hoạt động kiểm
tra, giám sát, huấn luyện về bảo hộ lao động.
2. Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam
- Chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị
trực thuộc, các hội viên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ, đặc biệt là
trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân;
- Phối hợp với các cơ quan thành
viên Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Tuần lễ quốc gia;
- Phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan tổ chức triển lãm về ATVSLĐ – PCCN;
- Tổ chức thao diễn kỹ thuật,
thi ATVSLĐ trong các doanh nghiệp.
3. Liên minh Hợp tác xã Việt
Nam
- Chỉ đạo, hướng dẫn Liên minh Hợp
tác xã các tỉnh, thành phố trong cả nước phối hợp với các cơ quan chức năng của
địa phương tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia tại địa phương;
- Phối hợp với các cơ quan thành
viên Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN có tính chất quốc
gia;
- Tham gia triển lãm về BHLĐ,
ATVSLĐ, PCCN.
III. Đài truyền hình Việt
Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam
Lập kế hoạch và phối hợp với các
cơ quan chức năng thực hiện công tác thông tin, truyên truyền về ATVSLĐ –PCCN,
tập trung một số nội dung chủ yếu sau:
- Xây dựng chuyên mục thường
xuyên, phóng sự, chuyên đề về ATVSLĐ-PCCN;
- Truyền hình Lễ phát động Tuần
lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN do Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) Chính phủ phát động
và đưa tin trên kênh truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam;
- Đưa tin về các hoạt động hưởng
ứng Tuần lễ ở các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp;
- Thực hiện các chương trình cảnh
báo về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; điểm tin sự kiện tuần, tháng nhân sự
kiện tổ chức Tuần lễ quốc gia...;
- Thông tin, tuyên truyền nâng
cao nhận thức và phổ biến kiến thức ATVSLĐ - PCCN thông qua các hoạt động: xây
dựng chương trình giao lưu, toạ đàm với các cán bộ làm công tác ATVSLĐ-PCCN;
xây dựng phim khoa giáo, tiểu phẩm vui về ATVSLĐ./.