CỤC
QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
VỚI NƯỚC NGOÀI
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
360/QLLĐNN-TTLĐ
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2000
|
HƯỚNG DẪN
VỀ ĐƯA LAO ĐỘNG VIỆT NAM SANG LÀM VIỆC TẠI ĐÀI LOAN
Ngoài các quy định hiện hành của
Nhà nước trong việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, căn cứ
Thoả thuận ngày 6 tháng 5 năm 1999 về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc
Đài Loan, sau một thời gian thực hiện hướng dẫn số 388/QLLĐNN ngày 2 tháng 8
năm 1999, Cục Quản lý lao động với nước ngoài hướng dẫn về việc tổ chức thực hiện
đưa lao động sang làm việc có thời hạn tại Đài Loan như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG
THAM GIA ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI ĐÀI LOAN
1. Các doanh nghiệp có giấy phép
hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã được phía Đài
Loan chấp nhận.
2. Các doanh nghiệp có hợp đồng
nhận thầu, khoán công trình, dự án cần đưa lao động sang Đài Loan để thực hiện
hợp đồng.
Chỉ các doanh nghiệp đã được Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép mới được thí điểm đưa lao động sang
làm việc trong các gia đình Đài Loan.
II. HỢP ĐỒNG
ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI ĐÀI LOAN
1. Hình thức ký
hợp đồng:
a/ Hợp đồng cung ứng lao động ký
với chủ sử dụng lao động Đài Loan
b/ Hợp đồng cung ứng lao động ký
với công ty dịch vụ lao động Đài Loan
c/ Hợp đồng nhận thầu, khoán ký
với chủ thầu công trình, dự án tại Đài Loan
2. Đối tác Đài
Loan ký hợp đồng:
a/ Đối tác là chủ sử dụng lao động:
Phải có giấy phép nhận lao động nước ngoài do Uỷ ban lao động Đài Loan cấp.
b/ Đối tác là công ty dịch vụ
lao động: Phải có giấy phép hành nghề do Uỷ ban lao động Đài Loan cấp. Mỗi đợt
nhận lao động cụ thể phải có giấy phép nhận lao động nước ngoài do Uỷ ban lao động
Đài Loan cấp cho chủ sử dụng lao động, giấy uỷ quyền (Power of Attomey) và phiếu
yêu cầu tuyển lao động (Demand Letter hoặc Job Order) của chủ sử dụng lao động.
c/ Đối tác là chủ thầu công
trình, dự án tại Đài Loan: Phải có văn bản chứng minh tư cách pháp nhân, hợp đồng
nhận thầu công trình, dự án và giấy phép của Uỷ ban lao động Đài Loan cho nhận
lao động nước ngoài vào thực hiện công trình, dự án.
3. Các điều kiện
cơ bản tối thiểu của hợp đồng:
3.1. Đối với lao động làm việc
trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xây dựng và tại các trung tâm y tế, trung
tâm điều dưỡng:
a/ Mức lương: Không thấp hơn mức
lương tối thiểu pháp định của Đài Loan.
b/ Vé máy bay đi và về: Tối thiểu
chủ sử dụng trả một lượt vé máy bay.
c/ Chi phí ăn và ở: Chủ sử dụng
lao động chi.
d/ Bảo hiểm và các loại thuế: Thực
hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật Đài Loan.
đ/ Các loại phí thu của người
lao động:
- Không quá 30.000 NT$/người/hợp
đồng có thời hạn từ 02 năm trở lên (bao gồm cả thời gian chính thức và thời gian
gia hạn).
- Không quá 20.000 NT$/người/hợp
đồng có thời hạn dưới 02 năm (bao gồm cả thời gian chính thức và thời gian gia
hạn).
+ Phí quản lý: Không quá 1.000
NT$/người/tháng.
+ Phí làm các thủ tục cư trú,
làm việc...: Theo quy định của Đài Loan.
+ Phí khám sức khoẻ định kỳ cho
người lao động: Người lao động tự chi theo mức quy định của bệnh viện Đài Loan.
Các doanh nghiệp có thể ký hợp đồng
với các điều khoản cụ thể khác, nhưng tổng mức phí người lao động phải nộp cho
đối tác nước ngoài không được cao hơn tổng các mức phí quy định trên đây. Ngoài
ra, tuỳ theo đòi hỏi thực tế của thị trường, các doanh nghiệp có thể trích từ
nguồn thu dịch vụ 12% của mình để chi phí môi giới cho đối tác. Tổng mức tối đa
của các khoản phí trên không được cao hơn 95.000 NT$/người lao động/hợp đồng có
thời hạn từ 02 năm trở lên và 75.000 NT$/người lao động/hợp đồng có thời hạn dưới
02 năm.
3.2. Đối với lao động giúp việc
gia đình, chăm sóc người già, bệnh nhân tại gia đình: Các điều kiện của hợp đồng
áp dụng như quy định tại mục 3.1. trên đây. Các doanh nghiệp có thể ký hợp đồng
với các điều khoản cụ thể khác, nhưng tổng mức phí người lao động phải nộp cho
đối tác nước ngoài không được cao hơn 66.000 NT$/người lao động/hợp đồng có thời
hạn từ 02 năm trở lên và không được cao hơn 44.000 NT$/người lao động/hợp đồng
có thời hạn dưới 2 năm.
Các khoản phí xin và gia hạn giấy
phép cư trú, phí khám sức khoẻ định kỳ và phí bảo hiểm do chủ sử dụng Đài Loan
chi.
Tiêu chuẩn đối với lao động nữ
đi làm việc trong gia đình:
- Đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở;
- Từ đủ 27 tuổi trở lên;
- Có kinh nghiệm trong việc chăm
sóc gia đình.
3.3. Đối với các hợp đồng nhận
thầu, khoán công trình, dự án: phải bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động
tương đương với mức thu nhập thực tế của người lao động của ngành/nghề đi theo
hợp đồng cung ứng lao động nói trên.
4. Thẩm định hợp
đồng:
Các đối tác Đài Loan sau khi ký
hợp đồng nhận lao động Việt Nam phải trình các hồ sơ sau đây cho Văn phòng Kinh
tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc để thẩm định:
a/ Giấy phép của Uỷ ban lao động
Đài Loan cho phép nhận lao động nước ngoài (bản chính);
b/ Giấy phép hoạt động của công
ty dịch vụ lao động Đài Loan (bản sao có công chứng của Đài Loan);
c/ Giấy uỷ quyền của chủ sử dụng
lao động - Power of Attorney (bản sao có công chứng của Đài Loan);
d/ Phiếu yêu cầu tuyển lao động
- Demand Letter/Job Order (bản sao có công chứng của Đài Loan).
5. Đăng ký hợp
đồng tại Cục Quản lý lao động với nước ngoài:
a/ Hồ sơ hợp đồng sau khi đã được
thẩm định về tư cách của đối tác Đài Loan sẽ được gửi lên đăng ký thẩm định tại
Phòng Thị trường - Cục Quản lý lao động với nước ngoài bao gồm những giấy tờ
sau:
+ Phiếu đăng ký thực hiện hợp đồng
theo mẫu số 5 của Thông tư 28.
+ Hợp đồng cung ứng lao động ký
giữa công ty cung ứng lao động của Việt Nam và công ty dịch vụ lao động Đài
Loan bản tiếng Hoa hoặc tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt có xác nhận sao y bản
chính của doanh nghiệp, có đóng dấu giáp lai ở tất cả các trang. Phụ lục hợp đồng
và các văn bản kèm theo (nếu có). Trong hoạt động cung ứng lao động sang Đài
Loan yêu cầu phải có quy định cụ thể về mức phí môi giới và phí quản lý mà người
lao động sẽ phải nộp.
+ Phiếu thẩm định hồ sơ thuê lao
động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt
Nam tại Đài Bắc cấp có gửi kèm theo các loại giấy tờ như đã nêu ở mục trên.
b/ Đối với các hợp đồng khung,
khi đăng ký từ đợt 02 trở đi không phải trình lại hợp đồng, nhưng phải có báo
cáo về việc thực hiện hợp đồng đăng ký đợt trước theo mẫu số 11 của Thông tư số
28.
Đối với Phiếu đăng ký thực hiện
hợp đồng, đề nghị các công ty ghi đầy đủ các thông tin như trong hợp đồng theo
hướng dẫn trong Thông tư số 28. Đối với hợp đồng đăng ký đợt 02, đề nghị phải
ghi rõ là xin đăng ký thực hiện đợt 02.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
1. Tuyển chọn
lao động:
Doanh nghiệp phải tuyển chọn trực
tiếp theo các quy định hiện hành.
2. Khám sức
khoẻ cho người lao động:
a/ Người lao động phải được khám
sức khoẻ tại 1 trong các bệnh viện đã được phía Đài Loan chấp nhận (có danh mục
kèm theo hướng dẫn này).
b/ Ngoài các tiêu chuẩn sức khoẻ
đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện hành của Việt Nam, người
lao động phải đảm bảo các tiêu chuẩn sức khoẻ của phía Đài Loan; trong đó kết
quả khám/xét nghiệm phi lâm sàng dưới đây phải bình thường:
- Khám X-quang phổi;
- Kiểm tra HIV/AIDS;
- Thử máu kiểm tra giang mai, lậu...;
- Kiểm tra virus viêm gan B;
- Thử máu kiểm tra sốt rét;
- Thử phân kiểm tra ký sinh
trùng đường ruột;
- Thử nước tiểu kiểm tra cần sa,
Amphetamin, moocphin;
- Khám thai nghén đối với lao động
nữ;
- Các tiêu chuẩn khác theo quy định
của Đài Loan.
3. Đào tạo,
giáo dục định hướng trước khi đi:
Doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo
và giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh theo những quy định
trong “Quy chế đào tạo và giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi
làm việc có thời hạn ở nước ngoài” ban hành kèm theo Quyết định số
1635/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 13/12/1999 và “Quy chế tạm thời về cấp và quản lý chứng
chỉ đào tạo và giáo dục định hướng cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước
ngoài” ban hành kèm theo Quyết định số 179/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 22/02/2000 của
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đối với lao động làm việc trong
các gia đình: Ngoài chương trình giáo dục định hướng chung, doanh nghiệp phải
phối hợp với phía đối tác tổ chức huấn luyện để người lao động thực hành thuần
thục các kỹ năng làm các công việc trong gia đình; phải dạy tiếng Hoa để người
lao động đủ khả năng giao tiếp thông thường với chủ sử dụng lao động.
Doanh nghiệp phải đảm bảo mức tối
thiểu theo quy định của Cục Quản lý lao động với nước ngoài về chương trình, nội
dung và thời lượng giáo dục định hướng và học tiếng Hoa cho lao động đi làm việc
ở Đài Loan.
4. Quản lý
lao động ở nước ngoài:
a/ Người lao động Việt Nam làm
việc tại Đài Loan và hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam có lao động tại
Đài Loan chịu sự quản lý Nhà nước thống nhất của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa
Việt Nam tại Đài Bắc (Bộ phận Quản lý lao động).
b/ Doanh nghiệp đưa lao động
sang Đài Loan phải thoả thuận với đối tác để cử cán bộ sang quản lý lao động,
có biện pháp phối hợp với bên đối tác bảo đảm quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp
pháp của người lao động ở Đài Loan. Khi có tranh chấp xảy ra, phải kịp thời phối
hợp với bên đối tác xử lý theo hợp đồng, không để kéo dài, gây hậu quả xấu. Đặc
biệt chú trọng các biện pháp ngăn ngừa lao động tự ý bỏ hợp đồng.
c/ Doanh nghiệp phải báo cáo với
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc về danh sách lao động đã đưa
đi, địa chỉ nơi làm việc của người lao động tại Đài Loan, các tranh chấp xảy ra
có liên quan đến người lao động và chấp hành sự chỉ đạo của Văn phòng Kinh tế
và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc.
IV. QUY ĐỊNH
VỀ TÀI CHÍNH
1. Phí dịch vụ,
phí môi giới, phí quản lý:
a/ Doanh nghiệp thu phí dịch vụ
theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 16/2000/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày
28/02/2000 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b/ Nếu phải thu trước phí môi giới
và phí quản lý (theo quy định tại điểm d mục 3 phần II trên đây) thì doanh nghiệp
không được thu quá 30% trước khi đi, phần còn lại được trích từ lương năm thứ
nhất của người lao động.
2. Quỹ dự
phòng:
Khi đưa lao động đi làm việc tại
Đài Loan, các doanh nghiệp phải lập quỹ dự phòng theo nội dung điều 10 của Thoả
thuận giữa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng Kinh
tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội về việc gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam
sang làm việc có thời hạn tại Đài Loan.
a/ Mục đích lập quỹ: dùng để chi
các chi phí phát sinh cho những lao động đã tự ý bỏ hợp đồng, gồm:
- Các khoản chi về y tế do người
lao động không được hưởng bảo hiểm;
- Chi vé máy bay khi người lao động
vi phạm bị trục xuất.
b/ Nguồn tài chính lập quỹ: Quỹ
dự phòng được lấy từ nguồn vốn của doanh nghiệp, không được thu tiền của người
lao động để lập quỹ.
c/ Thời gian lập quỹ: 15 ngày
trước khi đưa lao động đi đợt đầu.
d/ Mức tiền: bước đầu 10.000 đô
la Mỹ. Sau khi đưa lao động đi, sẽ bổ sung định kỳ hàng quý để quỹ luôn đạt mức
10% tiền vé máy bay Hà Nội - Đài Bắc theo tổng số lao động do doanh nghiệp cử
đi.
e/ Nơi mở tài khoản lập quỹ: Kho
bạc Nhà nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
Khi liên hệ mở tài khoản quỹ dự
phòng, doanh nghiệp phải thông báo cho Cục Quản lý lao động với nước ngoài biết
để phối hợp với kho bạc Nhà nước kiểm soát.
f/ Sử dụng quỹ: doanh nghiệp chỉ
được rút tiền từ quỹ này cho các mục đích nêu trên.
Hướng dẫn này thay thế hướng dẫn
số 388/QLLĐNN ngày 2 tháng 8 năm 1999 của Cục Quản lý lao động với nước ngoài
và có giá trị thực hiện kể từ ngày 01 tháng 09 năm 2000.
Đề nghị các cơ quan chủ quản của
doanh nghiệp quán triệt, chỉ đạo doanh nghiệp trực thuộc thực hiện.
Các doanh nghiệp đưa lao động Việt
Nam sang làm việc có thời hạn tại Đài Loan phải thực hiện đúng các quy định
trên đây.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc đề nghị phản ánh về Cục Quản lý lao động với nước ngoài để xem xét
giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng (để b/cáo);
- Các Bộ, ngành, địa phương có DN XKLĐ:
- Các doanh nghiệp có giấy phép XKLĐ;
- Lưu Văn phòng, các đơn vị trực thuộc.
|
CỤC
TRƯỞNG
CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG VỚI NƯỚC NGOÀI
Trần Văn Hằng
|