BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
|
Số: 66/2010/SL-LPQT
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2010
|
Hiệp định giữa
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ
về việc thân nhân thành viên Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự và
Phái đoàn thường trực làm việc có thu nhập, ký tại Bern ngày 18 tháng 5 năm
2010, có hiệu lực từ ngày 08 tháng 11 năm 2010./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Minh Nguyệt
|
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ HỘI
ĐỒNG LIÊN BANG THỤY SỸ VỀ VIỆC THÂN NHÂN THÀNH VIÊN CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI
GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ VÀ PHÁI ĐOÀN THƯỜNG TRỰC LÀM VIỆC CÓ THU NHẬP
Chính phủ nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ, sau đây gọi
là “các Bên ký kết”;
Nhằm mục đích
cải thiện mức sống của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự
và phái đoàn thường trực thông qua việc cho phép thân nhân của họ được tiếp cận
thị trường lao động;
Đã thỏa thuận
như sau:
Điều 1. Cho phép làm việc
có thu nhập
Thân nhân sống
chung cùng một hộ với thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của
Bên ký kết này được chính thức bổ nhiệm tại Bên ký kết kia hoặc với thành viên
phái đoàn thường trực của Bên ký kết này tại tổ chức quốc tế có trụ sở đóng
trên lãnh thổ Bên ký kết kia (sau đây gọi chung là “Cơ quan đại diện”), được
phép làm việc có thu nhập tại Nước tiếp nhận trên cơ sở có đi có lại và phù hợp
với Hiệp định này. Pháp luật quốc gia của Nước tiếp nhận liên quan đến các điều
kiện làm các công việc cụ thể có thu nhập vẫn được áp dụng.
Điều 2. Định nghĩa
Vì mục đích của
Hiệp định này:
a) “Thành
viên cơ quan đại diện ngoại giao”, “thành viên cơ quan lãnh sự” và “thành
viên phái đoàn thường trực tại tổ chức quốc tế” được hiểu theo định nghĩa của
Công ước Viên ngày 18 tháng 4 năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên
ngày 24 tháng 4 năm 1963 về quan hệ lãnh sự hoặc bất kỳ điều ước quốc tế nào
khác được áp dụng;
b) “Thân
nhân” có nghĩa là:
i) vợ hoặc chồng;
ii) con độc
thân dưới 25 tuổi của thành viên cơ quan đại diện, nếu vào thời điểm nhập cảnh
Nước tiếp nhận với tư cách chính thức là người đi theo, người này dưới 21 tuổi;
hoặc
iii) bất kỳ
thành viên gia đình nào khác là người đi theo thành viên cơ quan đại diện mà Nước
tiếp nhận, phù hợp với nội luật của mình, có thẻ cho phép người này được làm việc
có thu nhập.
Điều 3. Thủ tục
1. Tại Việt
Nam, khi thân nhân muốn làm việc có thu nhập, Cơ quan đại diện của Thụy Sỹ phải
có đề nghị bằng văn bản xin phép Bộ Ngoại giao Việt Nam qua đường ngoại giao.
Trong văn bản đề nghị phải có các thông tin chứng minh người được đề nghị là
thân nhân và giải thích ngắn gọn về loại công việc người đó dự định thực hiện.
Bộ Ngoại giao
Việt Nam, sau khi kiểm tra người được đề nghị đúng là thân nhân theo định nghĩa
của Hiệp định này và căn cứ các quy định nội luật có liên quan, sẽ thông báo bằng
văn bản cho Cơ quan đại diện của Thụy Sỹ, trong thời hạn ba mười (30) ngày kể từ
ngày nhận được văn bản đề nghị, về việc thân nhân đó có được phép làm việc có
thu nhập hay không. Trên cơ sở hợp đồng lao động, đề nghị tuyển dụng hoặc tờ
khai về ý định bắt đầu thực hiện một công việc riêng và chi tiết liên quan đến
công việc này, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ cấp giấy phép lao động và
giấy phép cư trú mới cho thân nhân này nếu thấy cần thiết và trên cơ sở các quy
định nội luật có liên quan đang có hiệu lực.
Tương tự, Cơ
quan đại diện của Thụy Sỹ phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam biết về việc
thân nhân đã chấm dứt thực hiện một công việc có thu nhập cũng như phải có văn
bản đề nghị mới trong trường hợp người này quyết định chấp nhận làm một công việc
mới.
2. Tại Thụy Sỹ,
theo đơn đề nghị của thân nhân, Bộ Ngoại giao Liên bang, trong thời hạn ba mươi
(30) ngày kể từ ngày nhận đơn, sẽ cấp văn bản xác nhận rằng người này không thuộc
diện bị hạn chế về số lượng áp dụng đối với lao động nước ngoài. Trên cơ sở hợp
đồng lao động, đề nghị tuyển dụng hoặc tờ khai về ý định bắt đầu thực hiện một
công việc riêng và chi tiết liên quan đến công việc này, thân nhân phải được cơ
quan có thẩm quyền của bang cấp giấy phép loại Ci cho phép họ bắt đầu làm việc
có thu nhập. Giấy phép loại Ci có giá trị tối đa là hai (02) năm và có thể được
gia hạn nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại thời điểm gia hạn.
Điều 4. Chấm dứt việc cho phép
làm việc
Việc cho phép
làm việc có thu nhập chấm dứt khi:
a) Đương sự
không còn quy chế thân nhân theo định nghĩa của Hiệp định này;
b) Đương sự
chấm dứt thực hiện công việc có thu nhập;
c) Thành viên
cơ quan đại diện mà đương sự là thân nhân chấm dứt nhiệm kỳ công tác; hoặc
d) Đương sự
không còn cư trú tại Nước tiếp nhận với tư cách là thân nhân đi theo và sống
chung cùng một hộ với thành viên cơ quan đại diện;
Điều 5. Quyền ưu đãi và miễn trừ
1. Khi thân
nhân được phép làm việc có thu nhập thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ xét xử
về dân sự hoặc hành chính của Nước tiếp nhận theo Công ước Viên ngày 18 tháng 4
năm 1961 về quan hệ ngoại giao hay các điều ước quốc tế khác có thể được áp dụng,
quyền miễn trừ này sẽ không được áp dụng đối với các hành vi liên quan trực tiếp
đến việc thực hiện công việc có thu nhập.
2. Nước cử phải
xem xét nghiêm túc bất kỳ yêu cầu nào của Nước tiếp nhận về việc từ bỏ quyền miễn
trừ xét xử về hình sự đối với thân nhân đi theo bị truy tố vì thực hiện hành vi
phạm tội hình sự trong khi thực hiện công việc có thu nhập. Trong trường hợp Nước
cử khước từ việc từ bỏ quyền miễn trừ và Nước tiếp nhận coi đây là vấn đề
nghiêm trọng, Nước tiếp nhận có thể yêu cầu rút thân nhân đó về nước.
Điều 6. Chế độ thuế và bảo hiểm
xã hội
1. Trong phạm
vi điều chỉnh của các điều ước quốc tế, đặc biệt là Hiệp định giữa Chính phủ nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ ký ngày 06
tháng 5 năm 1996 về tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế liên quan đến
thu nhập và tài sản, thân nhân đi theo được phép làm việc có thu nhập phải nộp
thuế tại Nước tiếp nhận đối với khoản thu nhập có được từ công việc có thu nhập
phù hợp với các quy định pháp luật về thuế của Nước tiếp nhận.
2. Thân nhân
đi theo làm việc có thu nhập theo Hiệp định này chịu sự điều chỉnh của pháp luật
về bảo hiểm xã hội của Nước tiếp nhận.
Điều 7. Giải quyết tranh chấp
Mọi tranh chấp
giữa các Bên ký kết liên quan đến việc thực hiện hoặc giải thích Hiệp định này
sẽ được giải quyết qua đường ngoại giao.
Điều 8. Thời hạn và việc chấm dứt
hiệu lực của Hiệp định
1. Hiệp định
này có hiệu lực sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được công hàm ngoại giao
sau cùng giữa các Bên ký kết thông báo về việc đã hoàn tất các thủ tục nội luật
cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực.
2. Hiệp định
này có giá trị vô thời hạn.
3. Mỗi Bên ký
kết có thể hủy bỏ Hiệp định này vào bất cứ thời điểm nào bằng cách thông báo bằng
văn bản cho Bên ký kết kia qua đường ngoại giao về quyết định hủy bỏ này. Hiệp
định sẽ chấm dứt hiệu lực sau sáu (6) tháng kể từ ngày nhận được thông báo này.
Làm tại Bern,
ngày 18 tháng 5 năm 2010 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh
và tiếng Pháp. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ
được dùng để đối chiếu./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
Nguyễn Quốc Cường
|
THAY MẶT HỘI ĐỒNG
LIÊN BANG THỤY SỸ
ĐẠI SỨ THỤY SỸ TẠI VIỆT NAM
Jean-Hubert Lebet
|