ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/2014/CT-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 23 tháng 06 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC QUÁN
TRIỆT, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 60/2013/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 6 NĂM 2013
CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT KHOẢN 3 ĐIỀU 63 CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ THỰC
HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC
Ngày 18 tháng 6 năm 2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ
họp thứ 3 thông qua Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 5 năm 2013. Nhằm cụ thể hóa Khoản 3, Điều 63 của Bộ luật Lao động, ngày
19 tháng 6 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm
2013 quy định chi tiết về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị
định số 60/2013/NĐ-CP nêu rõ: người sử dụng lao động công khai kế hoạch sản
xuất, kinh doanh, tình hình sản xuất kinh doanh; quy chế tuyển dụng, sử dụng
lao động, định mức, trợ cấp thôi việc, mất việc, đào tạo, đào tạo lại, bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; điều lệ hoạt động của doanh nghiệp; nội dung thỏa
ước lao động tập thể; trích nộp và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ
do người lao động đóng góp; tình hình trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,
bảo hiểm tai nạn cho người lao động; công khai tài chính hàng năm của doanh
nghiệp... Trên cơ sở đó doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị phải tổ chức đối thoại
với người lao động mỗi quý một lần là yếu tố quan trọng để giúp người lao động
và người sử dụng lao động hiểu nhau hơn, hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp trong quan hệ lao động và người lao động cảm thấy
được quan tâm, từ đó gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Việc triển khai quán triệt Nghị định số
60/2013/NĐ-CP góp phần nâng cao hiểu biết về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
tại nơi làm việc, từ đó giúp người sử dụng lao động hiểu rõ hơn việc thực hiện
quy chế dân chủ cơ sở, giúp người lao động và người sử dụng lao động hiểu nhau
hơn, kịp thời giải quyết ngay những vấn đề bức xúc của người lao động, hạn chế
tranh chấp lao động, ngừng việc xảy ra. Để tiếp tục đảm bảo và phát huy quyền
làm chủ của người lao động tại các doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ
thị như sau:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, xây dựng kế hoạch, chương trình và nội
dung tuyên truyền phổ biến Nghị định số 60/2013/NĐ-CP đến người sử dụng lao
động, người lao động để nâng cao nhận thức và hiểu biết về quyền và nghĩa vụ
của người lao động và người sử dụng lao động. Nội dung tuyên truyền cần được xây
dựng phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền;
b) Tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Nghị
định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ đến người sử dụng lao động;
c) Phối hợp với
Liên đoàn Lao động Thành phố và các cơ quan có liên quan, định kỳ tổ chức giám
sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo quy định và đề xuất khen thưởng
những trường hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Thực
hiện thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp người sử
dụng lao động cố tình không thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo quy định;
d) Theo dõi, đôn đốc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị
này; chịu trách nhiệm báo cáo trước Ủy ban
nhân dân Thành phố về tình hình thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại doanh
nghiệp.
2. Liên đoàn Lao động Thành
phố:
a) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng và xây dựng Kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ tới
các cấp công đoàn, tới toàn thể người lao động và người sử dụng lao động trong các
loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
b) Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng đối
thoại, giải quyết tranh chấp lao động cho chủ doanh nghiệp. Hướng dẫn các doanh
nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ ít nhất 03 tháng một lần, đảm bảo thời gian 12
tháng tổ chức Hội nghị người lao động một lần.
c) Đôn đốc, kiểm tra Liên đoàn Lao động các quận -
huyện; công đoàn ngành; công đoàn Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế
xuất; công đoàn trong các doanh nghiệp về việc quán triệt, triển khai thực hiện
Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng quý xây dựng kế
hoạch tổ chức kiểm tra công đoàn cơ sở trong
việc giám sát thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động, thực hiện quy
chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp.
d) Định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm
báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị cho cơ quan thường trực là Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân Thành phố.
3. Ban Quản
lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố; Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã Thành phố;
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố:
a) Tổ chức quán triệt, triển khai
thực hiện nội dung của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của
Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy
chế dân chủ ở tại nơi làm việc và các văn bản pháp luật có liên quan đến thực
hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia
đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc phạm vi quản lý. Tăng
cường vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức tập thể, cá nhân theo quy định của pháp luật, nhất là việc kiểm tra,
giám sát thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, tránh hình
thức, phô trương.
b) Tăng cường vai trò lãnh đạo của
cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa
các tổ chức đoàn thể trong triển khai,
thực hiện Nghị định; phát huy quyền làm chủ tập thể của người lao động trong
thực hành dân chủ; xây dựng phương thức làm việc theo hướng dân chủ công khai.
c) Định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm
báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị cho cơ quan thường trực là Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
d) Khi phát hiện những trường hợp
vi phạm các quy định về thực hiện Quy chế
dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc cần báo cáo kịp thời cho Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố để xử lý theo quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố:
a) Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ
biến Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho người lao động và người sử
dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
b) Chỉ đạo các cơ quan thông tin
đại chúng tăng cường số lượng tin, bài viết về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ
sở tại nơi làm việc.
c) Phối hợp với các tổng công ty,
công ty có nhu cầu thực hiện giải pháp kết nối thông tin về công khai thông tin
tài chính theo quy định.
d) Định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm
báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị cho cơ quan thường trực là Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân Thành phố.
5. Sở Tài chính:
Hướng dẫn các doanh nghiệp do nhà
nước là chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện việc giám sát tài
chính, đánh giá hiệu quả hoạt động công khai tài chính theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân
quận - huyện:
a) Tăng cường chỉ đạo các cơ quan,
đoàn thể ở địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số
60/2013/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn quản lý; hướng dẫn xây dựng quy chế
dân chủ cơ sở, quy chế đối thoại tại nơi làm việc, quy chế tổ chức hội nghị
người lao động; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý;
b) Thực hiện báo cáo định kỳ hàng
quý về tình hình thực hiện Chỉ thị này về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành
phố.
c) Kịp thời khen thưởng các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực, có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt quy định về quy chế
dân chủ cơ sở tại nơi làm việc ở địa phương.
7. Các doanh nghiệp, tổ chức,
hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc
theo hợp đồng lao động:
a) Xây dựng và thực hiện công khai
minh bạch quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao
động; tôn trọng, bảo đảm các quyền dân chủ của người lao động tại nơi làm việc.
Thường xuyên rà soát quy chế, quy định, thực hiện công khai quy chế đến từng
công nhân lao động.
b) Ban hành quy chế đối thoại định
kỳ tại nơi làm việc và tổ chức đối thoại định kỳ ít nhất 03 tháng một lần để
trao đổi, thảo luận các nội dung quy định đã được đề ra trong quy chế; khoảng
cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày. Hội nghị
người lao động được tổ chức 12 tháng một lần.
c) Người sử dụng lao động có trách
nhiệm niêm yết công khai biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc tại
doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, đội sản xuất và đăng tải trên hệ thống truyền thanh, thông tin nội bộ
hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành Thành phố, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện,
các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Chỉ thị có hiệu lực thi hành sau
10 (mười) ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Các Đoàn thể Thành phố;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- Các Tổng Công ty, Công ty TNHH Một thành viên thuộc Thành phố;
- Ủy ban nhân dân quận huyện;
- VPUB: CPVP;
- Các Phòng CV, TTCB;
- Lưu: VT, (VX-VN) H.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hứa Ngọc Thuận
|