ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/2015/CT-UBND
|
Bà Rịa, ngày 26 tháng 01 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC QUÁN TRIỆT, TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 60/2013/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 6 NĂM 2013 CỦA CHÍNH
PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT KHOẢN 3 ĐIỀU 63 CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ THỰC HIỆN QUY CHẾ
DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC
Bộ luật Lao động 2012 được Quốc hội khóa XIII kỳ
họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 5 năm 2013. Để thực hiện Khoản 3, Điều 63 của Bộ luật Lao động, ngày 19 tháng
6 năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết
về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Nghị định số 60/2013/NĐ-CP quy định nội dung quy
chế dân chủ ở cơ sở và hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc ở các doanh
nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao
động làm việc theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp); trong đó quy
định rõ nhiều nội dung quan trọng và cần thiết để thực hiện tốt quy chế dân chủ
tại doanh nghiệp giúp người lao động và người sử dụng lao động hiểu nhau hơn,
hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp trong quan hệ lao động nhằm xây dựng quan hệ lao
động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần xây dựng doanh nghiệp hoạt động ổn
định và phát triển.
Việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện
Nghị định số 60/2013/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được các cấp,
ban, ngành và các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên vẫn còn một số
doanh nghiệp chưa chấp hành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; để
đảm bảo điều kiện nhằm phát huy quyền dân chủ của người lao động trong việc
thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, sau khi thống nhất với
Liên đoàn Lao động tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị như sau:
1. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tỉnh:
a) Chủ trì, xây dựng kế hoạch, chương trình và nội
dung tuyên truyền phổ biến Nghị định số 60/2013/NĐ-CP đến người sử dụng lao
động, người lao động để nâng cao nhận thức và hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của
người lao động và người sử dụng lao động. Nội dung tuyên truyền cần được xây
dựng phù hợp với từng đối tượng;
b) Chủ trì tổ chức triển khai và hướng dẫn thực
hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ đến người sử dụng lao động; hướng
dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ ít nhất 03 tháng một
lần, đảm bảo thời gian 12 tháng tổ chức hội nghị người lao động một lần;
c) Chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh
và các cơ quan có liên quan định kỳ tổ chức giám sát việc thực hiện quy chế dân
chủ ở cơ sở theo quy định và đề xuất khen thưởng những trường hợp thực hiện tốt
quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Thực hiện thanh tra, kiểm tra pháp
luật lao động và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình không thực
hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định;
d) Chủ trì, theo dõi, đôn đốc thực hiện có hiệu
quả Chỉ thị này; chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm trước
Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh
nghiệp.
2.
Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:
a) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng và xây dựng kế
hoạch quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ
tới các cấp công đoàn, người lao động và công đoàn cơ sở trong các loại hình
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
b) Chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng đối thoại, giải quyết tranh
chấp lao động cho ban chấp hành công đoàn cơ sở, các thành viên đại diện tập thể
tham gia đối thoại định kỳ tại các doanh nghiệp;
c) Đôn đốc, kiểm tra liên đoàn lao động các
huyện, thành phố; công đoàn ngành; Công đoàn các khu công nghiệp; công đoàn cơ
sở trong các doanh nghiệp về việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số
60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng quý xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra công
đoàn cơ sở trong việc giám sát thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động,
thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp;
d) Tham gia với Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật lao
động và quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp;
e) Định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm thông báo
tình hình thực hiện Chỉ thị cho cơ quan thường trực là Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Đề
nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Vũng Tàu; Liên minh
Hợp tác xã, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
a) Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nội
dung của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy
định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ
ở tại nơi làm việc và các văn bản pháp luật có liên quan đến thực hiện quy chế
dân chủ cơ sở ở các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có
thuê mướn, sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc phạm vi quản
lý. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức tập thể, cá nhân theo quy
định của pháp luật, nhất là việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ
trong hoạt động của doanh nghiệp, tránh hình thức, phô trương;
b) Tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và
sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể trong triển khai, thực hiện Nghị
định; phát huy quyền làm chủ tập thể của người lao động trong việc thực hành
dân chủ; xây dựng phương thức làm việc theo hướng dân chủ, công khai;
c) Định kỳ hàng quý, 06
tháng, năm gửi báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị cho cơ quan thường trực là
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
d) Khi phát hiện những trường hợp vi phạm các
quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc cần thông báo
kịp thời cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh để có
biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Sở
Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa- Vũng
Tàu:
a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến Nghị định số
60/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho người lao động và người sử dụng lao động trong
các loại hình doanh nghiệp;
b) Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng
cường thời lượng tuyên truyền về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm
việc. Nêu những gương điển hình tại những nơi doanh nghiệp thực hiện tốt, phê
phán những doanh nghiệp vi phạm không chấp hành việc thực hiện các quy định của
pháp luật...
c) Định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm gửi báo cáo
tình hình thực hiện Chỉ thị cho cơ quan thường trực là Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Sở
Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
Tuyên truyền Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19
tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật
Lao động về thực hiện quy chế dân chủ bằng panô, áp phích trên các tuyến đường
vào khu công nghiệp.
6. Sở
Tài chính tỉnh:
Hướng dẫn các doanh nghiệp do Nhà nước là chủ sở
hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện việc giám sát tài chính, đánh giá
hiệu quả hoạt động công khai tài chính theo quy định.
7. Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố:
a) Tăng cường chỉ đạo phối hợp với các cơ quan, đoàn thể ở
địa phương xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền và thực hiện Nghị định số
60/2013/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn quản lý; hướng dẫn xây dựng quy chế
dân chủ cơ sở, quy chế đối thoại tại nơi làm việc, quy chế tổ chức hội nghị
người lao động; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý;
b) Thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm về tình
hình thực hiện Chỉ thị này về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
c) Kịp thời khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
đóng góp tích cực, có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt quy định về
quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc ở địa phương.
8.
Các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử
dụng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp):
a) Xây dựng và thực hiện công khai minh bạch quy
chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của
người lao động, người sử dụng lao động; tôn trọng, bảo đảm các quyền dân chủ
của người lao động tại nơi làm việc. Thường xuyên rà soát quy chế, quy định,
thực hiện công khai quy chế đến người lao động;
b) Ban hành quy chế đối thoại định kỳ tại nơi
làm việc và tổ chức đối thoại định kỳ ít nhất 03 tháng một lần để trao đổi,
thảo luận các nội dung quy định đã được đề ra trong quy chế; khoảng cách giữa
hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày;
c) Ban hành quy chế tổ chức hội nghị người lao
động, đảm bảo thực hiện tổ chức hội nghị người lao động đúng nội dung và thời
gian ít nhất 12 tháng một lần (đối với doanh nghiệp Nhà nước phải tiến hành bầu
Ban thanh tra nhân dân);
d) Người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai
biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, đội
sản xuất và đăng tải trên hệ thống truyền thanh, thông tin nội bộ hoặc trang
thông tin điện tử của doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Thủ trưởng
các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Dũng
|