Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Văn bản hợp nhất 41/VBHN-BTC 2020 Thông tư đăng ký quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên

Số hiệu: 41/VBHN-BTC Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Tạ Anh Tuấn
Ngày ban hành: 07/10/2020 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2020

THÔNG TƯ[1]

HƯỚNG DẪN VỀ ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ VÀ CÔNG KHAI DANH SÁCH KIỂM TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ KIỂM TOÁN

Thông tư số 202/2012/TT-BTC ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013, được sửa đổi bổ sung bởi:

Thông tư số 39/2020/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung chế độ báo cáo tại một số Thông tư trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Căn cứ Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29 tháng 3 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán.[2]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 11 Luật kiểm toán độc lập.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kiểm toán).

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KIỂM TOÁN

Điều 3. Đăng ký hành nghề kiểm toán

1. Điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán:

a) Là kiểm toán viên;

b) Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu (36) tháng trở lên theo quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Đủ giờ cập nhật kiến thức theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Kiểm toán viên bảo đảm quy định tại khoản 1 Điều này và có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán theo quy định tại khoản 3 Điều này thì được đăng ký hành nghề kiểm toán.

3. Kiểm toán viên được coi là có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán khi:

a) Hợp đồng lao động ký kết giữa kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải bảo đảm các yếu tố theo quy định của Bộ Luật lao động;

b) Thời gian làm việc quy định trong hợp đồng và thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần của kiểm toán viên bảo đảm đúng và phù hợp với thời gian làm việc hàng ngày, hàng tuần của doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên đăng ký hành nghề;

Ví dụ: thời gian làm việc của doanh nghiệp kiểm toán từ 08h00 - 17h00 và 06 ngày/tuần thì kiểm toán viên phải làm việc đầy đủ thời gian từ 08h00 - 17h00 hàng ngày và 06 ngày/tuần không bao gồm thời gian làm thêm, ngày nghỉ, ngày lễ.

c) Không đồng thời làm đại diện theo pháp luật, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh khác tại đơn vị, tổ chức khác trong thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần tại doanh nghiệp kiểm toán theo quy định tại điểm b khoản này.

4. Xác định thời gian thực tế làm kiểm toán:

a) Thời gian thực tế làm kiểm toán được tính là thời gian đã làm kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán theo hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian;

b) Thời gian thực tế làm kiểm toán được tính cộng dồn trong khoảng thời gian kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo nguyên tắc tròn tháng;

c) Thời gian thực tế làm kiểm toán phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên đã thực tế làm việc. Trường hợp doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên làm việc đã giải thể, phá sản, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu thì phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán phù hợp với thời gian mà kiểm toán viên đã làm việc tại doanh nghiệp kiểm toán đó. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán thời điểm đó đã không còn hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán độc lập thì phải có Bản giải trình kèm theo các tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán như bản sao sổ bảo hiểm xã hội, bản sao hợp đồng lao động.

Điều 4. Hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán

1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán.

3. Giấy xác nhận về thời gian thực tế làm kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này hoặc tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán hoặc Bản giải trình kèm theo tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán (trừ các trường hợp quy định tại Điều 16 Thông tư này).

4. Bản thông tin cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

6. Bản sao Chứng chỉ kiểm toán viên.

7. Hai ảnh màu cỡ 3 x 4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

8. Bản sao Quyết định thôi việc hoặc Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại nơi làm việc trước doanh nghiệp kiểm toán.

9. Bản sao Giấy phép lao động tại Việt Nam của kiểm toán viên là người nước ngoài trừ trường hợp pháp luật lao động Việt Nam quy định không cần phải có giấy phép lao động.

10. Tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức của kiểm toán viên tại các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đối với trường hợp có tính giờ cập nhật kiến thức.

Điều 5. Trình tự đăng ký hành nghề kiểm toán

1. Kiểm toán viên phải lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư này gửi đến Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kiểm toán. Các văn bằng, chứng chỉ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt đã được công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm về các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán. Doanh nghiệp kiểm toán và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác nhận thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề của kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực của thông tin đã xác nhận.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán có trách nhiệm xem xét, rà soát hồ sơ bảo đảm các kiểm toán viên đủ điều kiện đăng ký hành nghề tại tổ chức mình và ký xác nhận trên Đơn đăng ký hành nghề của từng kiểm toán viên.

3. Doanh nghiệp kiểm toán đề nghị Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại đơn vị mình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo hồ sơ đăng ký hành nghề của từng kiểm toán viên. Hồ sơ gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Tài chính.

4. Trường hợp cần làm rõ các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu kiểm toán viên hoặc doanh nghiệp kiểm toán giải trình hoặc cung cấp tài liệu (sổ bảo hiểm xã hội, tài liệu khác) phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh quá trình làm việc và các thông tin khác trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán. Trường hợp kiểm toán viên không bổ sung tài liệu giải trình hoặc tài liệu giải trình không chứng minh đầy đủ các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề là xác thực, Bộ Tài chính có quyền từ chối đăng ký hành nghề kiểm toán. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và đảm bảo đủ điều kiện, Bộ Tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định. Ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán không sớm hơn ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán.

Mục 2. CẤP, CẤP LẠI, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ KIỂM TOÁN

Điều 6. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán

1. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Họ và tên, năm sinh, quê quán hoặc quốc tịch, ảnh của người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;

b) Số và ngày cấp chứng chỉ kiểm toán viên;

c) Tên doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên đăng ký hành nghề;

d) Số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;

đ) Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

2. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán có thời hạn tối đa là 5 năm (60 tháng) nhưng không quá ngày 31/12 của năm thứ năm kể từ năm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

3. Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán được quy định tại Phụ lục số 07/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Cấp và sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán

1. Kiểm toán viên hành nghề bảo đảm quy định tại Điều 3, nộp đủ hồ sơ quy định tại Điều 4, đúng trình tự quy định tại Điều 5 Thông tư này và nộp đủ lệ phí được Bộ Tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

2. Chỉ các kiểm toán viên hành nghề được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán mới được ký tên trên báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét.

3. Kiểm toán viên hành nghề phải ghi rõ số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trên báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét.

4. Kiểm toán viên hành nghề không được ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét khi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.

Điều 8. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị

1. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các trường hợp sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết thời hạn;

b) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán bị thu hồi;

c) Trong thời gian kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán;

d) Kiểm toán viên hành nghề không còn làm việc và chấm dứt hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;

đ) Hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán hết thời hạn hoặc bị chấm dứt hoặc có các thay đổi dẫn đến không còn bảo đảm là hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này;

e) Giấy phép lao động tại Việt Nam của kiểm toán viên hành nghề là người nước ngoài hết hiệu lực hoặc không còn giá trị;

g) Kiểm toán viên hành nghề không tiếp tục hành nghề kiểm toán;

h) Doanh nghiệp kiểm toán bị chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu;

i) Kiểm toán viên hành nghề bị phạt tù giam theo tuyên bố của Tòa án;

k) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Kiểm toán viên hành nghề sẽ bị xóa tên khỏi danh sách kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.

Điều 9. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán

1. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán được cấp lại trong các trường hợp sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết thời hạn;

b) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán bị mất;

c) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán bị hỏng.

2. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết thời hạn, nếu kiểm toán viên hành nghề muốn tiếp tục hành nghề kiểm toán thì nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Thời hạn nộp hồ sơ đề nghị cấp lại chậm nhất là 60 ngày trước ngày hết hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đối với trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết thời hạn bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 02 ảnh màu 3 x 4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán;

c) Các tài liệu quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 8, khoản 9 Điều 4 Thông tư này nếu có thay đổi so với lần đăng ký hành nghề gần nhất.

4. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đối với trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán bị mất, hỏng bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 02 ảnh màu 3 x 4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán;

c) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cũ đối với trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán bị hỏng.

5. Bộ Tài chính xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho kiểm toán viên hành nghề trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và kiểm toán viên hành nghề đảm bảo đủ điều kiện, nộp đủ lệ phí và đúng trình tự quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cấp lại đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này; đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này là thời hạn của Giấy chứng nhận đã bị mất, bị hỏng.

Điều 10. Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán

1. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán được điều chỉnh khi kiểm toán viên thay đổi nơi đăng ký hành nghề kiểm toán mà Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề đã được cấp vẫn còn thời hạn.

2. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán bao gồm:

a) Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 02 ảnh màu 3 x 4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán;

c) Các tài liệu quy định tại khoản 2, khoản 8, khoản 9 Điều 4 Thông tư này;

d) Tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này nếu có thay đổi so với lần đăng ký hành nghề gần nhất;

đ) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cũ trừ trường hợp đã nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề khi hết hiệu lực hoặc không còn giá trị theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư này.

3. Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho kiểm toán viên hành nghề trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và kiểm toán viên hành nghề đảm bảo đủ điều kiện, nộp đủ lệ phí và đúng trình tự quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán điều chỉnh là thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cũ.

Mục 3. QUẢN LÝ VÀ CÔNG KHAI DANH SÁCH KIỂM TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ KIỂM TOÁN

Điều 11. Công khai thông tin về kiểm toán viên hành nghề

1. Bộ Tài chính cập nhật thường xuyên và công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính các thông tin sau:

a) Danh sách kiểm toán viên hành nghề tại từng doanh nghiệp kiểm toán;

b) Danh sách kiểm toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề kiểm toán;

c) Danh sách kiểm toán viên hành nghề bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;

d) Danh sách kiểm toán viên hành nghề có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.

2. Bộ Tài chính sẽ bổ sung tên kiểm toán viên hành nghề vào danh sách công khai kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại từng doanh nghiệp kiểm toán trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán được cấp, cấp lại, điều chỉnh hoặc sẽ xóa tên kiểm toán viên hành nghề khỏi danh sách công khai kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại từng doanh nghiệp kiểm toán trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.

Điều 12. Đình chỉ hành nghề kiểm toán

1. Kiểm toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:

a) Có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán;

b) Không chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến hoạt động hành nghề kiểm toán;

c) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kiểm toán độc lập hai lần trong thời hạn ba mươi sáu (36) tháng liên tục;

d) Kiểm toán viên hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính;

đ) Kiểm toán viên hành nghề không thực hiện trách nhiệm của kiểm toán viên hành nghề quy định tại Điều 14 Thông tư này;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Tài chính có thẩm quyền đình chỉ hành nghề kiểm toán và gửi quyết định cho người bị đình chỉ, doanh nghiệp kiểm toán nơi người đó đăng ký hành nghề.

3. Trong thời gian bị đình chỉ hành nghề kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không được tiếp tục ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét. Khi hết thời gian đình chỉ hành nghề kiểm toán:

a) Kiểm toán viên hành nghề nếu bảo đảm các quy định tại Điều 3 Thông tư này và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đã được cấp còn thời hạn và giá trị thì được tiếp tục hành nghề kiểm toán. Bộ Tài chính sẽ bổ sung tên kiểm toán viên hành nghề vào danh sách công khai kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời gian đình chỉ hành nghề kiểm toán;

b) Kiểm toán viên hành nghề vẫn bảo đảm các quy định tại Điều 3 Thông tư này nhưng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết thời hạn thì làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư này;

c) Kiểm toán viên hành nghề có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán còn thời hạn nhưng không còn bảo đảm các quy định tại Điều 3 Thông tư này thì không được tiếp tục hành nghề kiểm toán.

Điều 13. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán

1. Kiểm toán viên hành nghề bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong các trường hợp sau:

a) Gian lận, giả mạo hồ sơ đăng ký hành nghề để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;

b) Bị đình chỉ hành nghề kiểm toán hai lần trong ba mươi sáu (36) tháng liên tục;

c) Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

d) Bị thu hồi Chứng chỉ kiểm toán viên;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Tài chính có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và gửi quyết định cho người bị thu hồi Giấy chứng nhận, doanh nghiệp kiểm toán nơi người đó đăng ký hành nghề.

3. Người bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán không được tiếp tục ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét và phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư này.

4. Người bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán không được đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư này.

Điều 14. Trách nhiệm của kiểm toán viên hành nghề

1.[3]. Gửi Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm với những nội dung sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm.

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: Kê khai việc duy trì từng điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán hàng năm của kiểm toán viên hành nghề, cụ thể:

- Thông tin cơ bản của kiểm toán viên hành nghề;

- Số, ngày cấp chứng chỉ kiểm toán viên;

- Số, ngày cấp, thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán;

- Số giờ cập nhật kiến thức từ ngày 16/8 năm trước đến ngày 15/8 năm báo cáo;

- Thời hạn của hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán;

- Việc có thay đổi hay không trong hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian ký kết với doanh nghiệp kiểm toán trong năm so với lần gần nhất;

- Tình hình chấp hành pháp luật về kiểm toán độc lập từ ngày 16/8 năm trước đến ngày 15/8 năm báo cáo.

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Kiểm toán viên hành nghề.

d) Cơ quan nhận báo cáo: Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán).

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc bản sao điện tử, được gửi bằng một trong các phương thức sau:

- Gửi trực tiếp;

- Gửi qua dịch vụ bưu chính;

- Gửi qua hệ thống thư điện tử;

- Các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

e) Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 31/8 năm báo cáo.

g) Tần suất thực hiện báo cáo: Báo cáo định kỳ hàng năm.

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 16/8 năm trước đến ngày 15/8 năm báo cáo.

i) Mẫu đề cương báo cáo: Theo Phụ lục số 10/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

k) Mẫu biểu số liệu báo cáo: Theo Phụ lục số 10/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

l) Hướng dẫn quy trình thực hiện báo cáo: Hàng năm, kiểm toán viên hành nghề kê khai thông tin về việc duy trì các điều kiện để hành nghề kiểm toán theo mẫu và gửi về Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kiểm toán theo thời hạn quy định.

2. Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp quy định tại điểm d, đ, e, h khoản 1 Điều 8 Thông tư này theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Có văn bản gửi doanh nghiệp kiểm toán về việc không tiếp tục hành nghề kiểm toán theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 8 Thông tư này chậm nhất là 15 ngày trước ngày không tiếp tục hành nghề kiểm toán.

4. Nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cũ cho Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kiểm toán chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp quy định tại điểm b, d, đ, e, g, h khoản 1 Điều 8 Thông tư này trừ trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đã được nộp trong hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

5. Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính khi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.

6. Không được sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đã bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kiểm toán.

7. Kiểm toán viên đang đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán mà còn đồng thời làm đại diện theo pháp luật, giám đốc (phó giám đốc), chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh khác tại đơn vị, tổ chức khác thì kiểm toán viên hành nghề phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu hoặc ngừng tham gia các công việc hoặc có thay đổi về thời gian làm việc, chức danh tại các đơn vị đó.

8. Cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất liên quan đến hoạt động hành nghề kiểm toán của mình theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

9. Chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra việc đăng ký hành nghề kiểm toán của Bộ Tài chính.

10. Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán

1. Quản lý kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán tại đơn vị mình.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán có trách nhiệm xem xét, rà soát và ký xác nhận vào các tài liệu phục vụ đăng ký hành nghề kiểm toán và Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề hàng năm của các kiểm toán viên đăng ký tại tổ chức mình.

3.[4] Gửi báo cáo Tổng hợp tình hình duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm với những nội dung sau:

a) Tên báo cáo: Tổng hợp tình hình duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm.

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: Tổng hợp thông tin duy trì về điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán trong năm của các kiểm toán viên hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, cụ thể:

- Tình hình cập nhật kiến thức và thời hạn hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề từ ngày 16/8 năm trước đến 15/8 năm báo cáo;

- Tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập trong thời gian từ ngày 16/8 năm trước đến 15/8 năm báo cáo.

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Doanh nghiệp kiểm toán.

d) Cơ quan nhận báo cáo: Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán);

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc bản sao điện tử, được gửi bằng một trong các phương thức sau:

- Gửi trực tiếp;

- Gửi qua dịch vụ bưu chính;

- Gửi qua hệ thống thư điện tử;

- Các phương thức khác theo quy định của pháp luật.

e) Thời hạn gửi báo cáo: Chậm nhất là ngày 31/8 năm báo cáo.

g) Tần suất thực hiện báo cáo: Báo cáo định kỳ hàng năm.

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 16/8 năm trước đến ngày 15/8 năm báo cáo.

i) Mẫu đề cương báo cáo: Theo Phụ lục số 11/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

k) Mẫu biểu số liệu báo cáo: Theo Phụ lục số 11/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

l) Hướng dẫn quy trình thực hiện báo cáo: Doanh nghiệp kiểm toán lập báo cáo Tổng hợp tình hình duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm từ Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm của các kiểm toán viên đang hành nghề tại đơn vị theo mẫu. Doanh nghiệp kiểm toán gửi báo cáo Tổng hợp tình hình duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm kèm theo Báo cáo duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm của từng kiểm toán viên về Bộ Tài chính theo thời hạn quy định.

4. Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp quy định tại điểm d, đ, e, g, h, i khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

5. Nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cũ cho Bộ Tài chính chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp quy định tại điểm b, d, đ, e, g, h, i khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

6. Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày có thay đổi danh sách kiểm toán viên hành nghề đã đăng ký với Bộ Tài chính kể cả thay đổi giữa trụ sở chính với các chi nhánh hoặc giữa các chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 09/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán còn thời hạn nhưng hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian của kiểm toán viên hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán hết thời hạn và kiểm toán viên hành nghề vẫn tiếp tục hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán đó thì phải tiếp tục ký kết hợp đồng lao động mới hoặc gia hạn hợp đồng lao động. Doanh nghiệp kiểm toán phải gửi bản sao hợp đồng lao động mới cho Bộ Tài chính chậm nhất là mười (10) ngày trước ngày hợp đồng lao động hết thời hạn.

8. Khi có thay đổi về thời gian làm việc quy định tại hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính kèm theo bản sao hợp đồng lao động mới ký kết với kiểm toán viên chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày có thay đổi.

9. Doanh nghiệp kiểm toán không được sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề đã chuyển khỏi đơn vị mình hoặc Giấy chứng nhận đã hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kiểm toán.

10. Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp

Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực, người đã được cấp chứng chỉ kiểm toán viên trước ngày 01/01/2012 được đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Thông tư này mà không cần bảo đảm điều kiện về thời gian thực tế làm kiểm toán quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

Điều 17. Hiệu lực thi hành[5]

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2013.

2. Kiểm toán viên đã đăng ký hành nghề cho năm 2013 trước ngày 01/3/2013 chỉ được ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét đến hết ngày 30/6/2013.

3. Từ ngày 01/7/2013 trở đi, chỉ có các kiểm toán viên hành nghề được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định tại Thông tư này mới được ký báo cáo kiểm toán và báo cáo kết quả công tác soát xét.

4. Các quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên và quản lý kiểm toán viên hành nghề quy định tại Thông tư số 64/2004/TT-BTC ngày 29/6/2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Tạ Anh Tuấn



[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Thông tư sau:

- Thông tư số 202/2012/TT-BTC ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013.

- Thông tư số 39/2020/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung chế độ báo cáo tại một số Thông tư trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 (Sau đây gọi là Thông tư số 39/2020/TT-BTC) (Thông tư số 39/2020/TT-BTC được đính chính bởi Công văn số 10965/BTC-QLKT ngày 10/9/2020 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 39/2020/TT-BTC).

Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Thông tư nêu trên.

[2] Thông tư số 39/2020/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011;

Căn cứ Luật kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;

Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chế độ báo cáo tại một số Thông tư trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.”

[3] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 39/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[4] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 39/2020/TT-BTC , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

[5] Điều 8 Thông tư số 39/2020/TT-BTC quy định như sau:

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 41/VBHN-BTC ngày 07/10/2020 hợp nhất Thông tư hướng dẫn về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.980

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.102.43
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!