BỘ
TÀI CHÍNH
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
56/2007/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2007
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, CẤP PHÁT TRANG PHỤC; TRÍCH LẬP VÀ SỬ
DỤNG NGUỒN KINH PHÍ ĐƯỢC TRÍCH 2% TRÊN SỐ TIỀN THỰC NỘP VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
DO KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC PHÁT HIỆN
Căn cứ Điều 67 của Luật Kiểm
toán nhà nước về kinh phí hoạt động của Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH 11 ngày 03/3/2006 của Uỷ ban Thường vụ
Quốc hội Phê chuẩn bảng lương và phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Kiểm
toán nhà nước; bảng lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức Kiểm
toán nhà nước; chế độ ưu tiên đối với Kiểm toán viên nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ về chế độ tiền
lương, chế độ trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước
và chế độ ưu tiên đối với Kiểm toán viên nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ về quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, sử dụng trang phục đối với cán bộ,
công chức Kiểm toán Nhà nước; trích lập và sử dụng nguồn kinh phí được trích 2%
trên số tiền thực nộp vào Ngân sách nhà nước do Kiểm toán nhà nước phát hiện
ngoài số thu ngân sách nhà nước do cơ quan có nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đảm
nhận (sau đây gọi tắt là nguồn kinh phí 2%) như sau:
I. QUY ĐỊNH VỀ
QUẢN LÝ, CẤP PHÁT VÀ SỬ DỤNG TRANG PHỤC ĐỐI VỚI KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC:
1. Cán bộ, công chức thuộc Kiểm toán nhà
nước được cấp phát trang phục để sử dụng khi thi hành công vụ theo số lượng,
niên hạn sử dụng trang phục được quy định tại Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH
11 ngày 03/3/2006 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI.
Hình thức, màu sắc, kiểu dáng của
trang phục trong ngành Kiểm toán nhà nước do Tổng Kiểm toán nhà nước quy định.
2. Nguồn kinh phí may sắm trang phục:
Hàng năm căn cứ vào đối tượng được
cấp trang phục, số lượng chủng loại trang phục đến niên hạn, Kiểm toán nhà nước
lập dự toán kinh phí mua sắm trang phục. Kinh phí để thực hiện chế độ trang phục
của cán bộ, công chức Kiểm toán nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách
nhà nước hàng năm của Kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà
nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Nguyên tắc cấp phát:
- Việc cấp phát, sử dụng trang
phục phải đúng mục đích, đối tượng theo quy định của Kiểm toán nhà nước; phải mở
sổ sách theo dõi việc quản lý, cấp phát đến từng công chức bảo đảm chính xác,
tránh nhầm lẫn, trùng lắp.
- Trang phục bị hư hỏng, mất mát
vì lý do khách quan thì được cấp bổ sung. Trường hợp hư hỏng, mất mát không có
lý do chính đáng, cá nhân phải đăng ký để được cấp bổ sung và phải chịu chi phí
cấp bổ sung hoặc tự mua sắm, đảm bảo yêu cầu trang phục để sử dụng khi thi hành
công vụ.
- Đối với các trường hợp thôi việc,
nghỉ hưu, nghỉ mất sức, chuyển công tác khác mà trang phục được cấp chưa hết
niên hạn thì không phải thu hồi.
- Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Tổng
Kiểm toán Nhà nước có thể quyết định may sắm, cấp phát trang phục cho từng cán
bộ, công chức hoặc có thể xem xét, quyết định cấp tiền cho công chức tự may sắm
trên cơ sở giá mua, tiêu chuẩn và mẫu do Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định.
- Nghiêm cấm việc sử dụng tiền
may trang phục cho cán bộ, công chức sai mục đích, trái quy định.
4. Việc thanh toán, quyết toán kinh phí
may sắm trang phục đối với cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
II. QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC TRÍCH LẬP, SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ 2%:
Hàng năm, căn cứ vào kết luận của
Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước được trích 2% số tiền thực nộp vào Ngân
sách nhà nước ngoài số thu ngân sách nhà nước do cơ quan có nhiệm vụ thu ngân
sách nhà nước đảm nhiệm để đầu tư cơ sở vật chất tăng cường năng lực hoạt động
trong ngành và khen thưởng trong hoạt động kiểm toán.
1. Các khoản tiền thực
nộp vào ngân sách nhà nước do Kiểm toán Nhà nước phát hiện được trích 2% theo
quy định tại Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH 11 và Nghị định số
162/2006/NĐ-CP ; bao gồm:
- Các khoản tăng thu cho ngân
sách nhà nước do Kiểm toán nhà nước phát hiện đã nộp ngân sách nhà nước (thuế,
phí, lệ phí, các khoản thu khác);
- Các khoản kinh phí chi sai chế
độ đã nộp lại ngân sách nhà nước;
- Các khoản chi sai chế độ giảm
trừ quyết toán (đầu tư xây dựng, quyết toán ngân sách) phải thu hồi đã thực nộp
vào ngân sách nhà nước;
- Kinh phí thừa và các khoản giảm
chi khác mà đơn vị đã chi sử dụng trái quy định, phải thu hồi đã thực nộp vào
ngân sách nhà nước.
2. Căn cứ để trích 2%
số tiền thực nộp vào Ngân sách nhà nước:
a) Đối với Kiểm toán Nhà nước và
các Đoàn Kiểm toán Nhà nước:
- Khi tổng hợp kết quả kiểm
toán, các Đoàn Kiểm toán Nhà nước lập bảng tổng hợp các kiến nghị tăng thu ngân
sách nhà nước, gồm có các nội dung:
+ Kiến nghị thu từ các khoản ẩn
lậu tại các đối tượng phải nộp ngân sách nhà nước đã được Đoàn Kiểm toán phát
hiện.
+ Các khoản chi sai chế độ nộp lại
ngân sách nhà nước.
+ Các khoản chi sai chế độ phải
giảm trừ dự toán, giảm cấp phát từ ngân sách nhà nước.
- Bảng tổng hợp phải chi tiết
theo từng đơn vị dự toán có sai phạm và tên Kho bạc nơi đơn vị giao dịch.
- Đồng thời, trong kết luận kiểm
toán, các Đoàn Kiểm toán Nhà nước cần yêu cầu rõ: Khi đơn vị thực hiện các kiến
nghị của Kiểm toán Nhà nước về nộp ngân sách nhà nước, giảm chi ngân sách nhà
nước thì phải ghi rõ nội dung và số tiền thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán
Nhà nước trên chứng từ thu ngân sách nhà nước.
b) Đối với đơn vị được kiểm toán:
Đơn vị được kiểm toán ghi đúng bản
chất kinh tế (Ví dụ: nộp... đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại văn bản
số... ngày... tháng... năm về...).
Mẫu chứng từ nộp tiền thực hiện
theo quy định tại Quyết định số 24/2006/QĐ-BTC ngày 06/4/2006 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán nhà nước và nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.
c) Kho bạc nhà nước, nơi đơn vị
được cơ quan kiểm toán thực hiện kiểm toán mở tài khoản giao dịch, mở sổ sách
ghi chép chi tiết kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo đơn vị
được kiểm toán và theo nội dung sai phạm (đã được ghi rõ trên chứng từ, chi tiết
theo năm kiểm toán) và tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà
nước.
Cuối năm, Kho bạc nhà nước tổng
hợp số tiền thực nộp vào kho bạc nhà nước do Kiểm toán Nhà nước phát hiện (theo
số luỹ kế năm, bao gồm cả số kiến nghị nộp ngân sách của Kiểm toán Nhà nước các
năm trước nhưng đến năm nay đơn vị được kiểm toán mới thực nộp vào ngân sách
nhà nước) trong phạm vi toàn quốc theo từng Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương
theo danh mục đơn vị được kiểm toán theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước
về kế hoạch kiểm toán hàng năm, gửi báo cáo về Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước,
làm cơ sở thực hiện Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội.
d) Căn cứ vào báo cáo kết quả thực
hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước do Kho bạc nhà nước lập, Bộ Tài chính thực
hiện trích 2% trên số tiền đã thực nộp ngân sách nhà nước cho Kiểm toán Nhà nước
theo quy định tại điểm 4 Mục II Thông tư này.
3. Về việc sử dụng nguồn
kinh phí 2%:
Việc sử dụng nguồn kinh phí 2% từ
kết quả hoạt động kiểm toán được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số
1003/2006/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chi khuyến khích, thưởng đối với
cán bộ, công chức từ nguồn kinh phí được trích 2% cộng với tiền lương cấp bậc,
chức vụ được đảm bảo từ kinh phí ngân sách nhà nước cấp, tối đa không vượt quá
1,8 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm
vụ kiểm toán viên, không quá 1,6 lần đối với những cán bộ, công chức khác, bao
gồm cả chế độ phụ cấp theo nghề mức từ 15% đến 25% tuỳ theo từng đối tượng đã
quy định trong Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
4. Về việc bố trí kinh phí 2% trong dự
toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Kiểm toán Nhà nước:
Hàng năm, vào thời điểm xây dựng
dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; Kiểm toán Nhà nước căn cứ vào ước thực hiện
số tiền thực thu nộp vào ngân sách nhà nước do Kiểm toán Nhà nước phát hiện của
năm đó để xác định kinh phí trích 2% của năm kế hoạch, tổng hợp chung trong dự
toán thu, chi ngân sách của Kiểm toán nhà nước, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp
chung vào dự toán ngân sách nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội
phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực
hiện.
Kết thúc năm, trên cơ sở xác nhận
số tiền thực nộp vào ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ
xem xét giải quyết số chênh lệch giữa số được trích trên số thực nộp vào ngân sách
nhà nước cao hơn hoặc thấp hơn số đã bố trí trong dự toán chi ngân sách, cụ thể
như sau:
- Trường hợp số thực nộp cao hơn
số đã bố trí trong dự toán năm thì số thiếu sẽ được bố trí vào dự toán của năm
sau nữa (ví dụ: số thiếu của năm 2006 được bố trí vào dự toán của năm 2008);
- Trường hợp số thực nộp thấp
hơn số đã bố trí trong dự toán năm thì số đã bố trí thừa sẽ được trừ vào số phải
bố trí của năm sau nữa (ví dụ: số thừa của năm 2006 được trừ vào số được trích
2% bố trí trong dự toán của năm 2008);
5. Về phân bổ, giao dự toán, sử dụng và
quyết toán kinh phí được trích 2% trên số thực nộp vàp ngân sách nhà nước thực
hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện
hiện hành.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để
nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Viện kiểm sát ND tối cao;
- Toà án ND tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ TC;
- Lưu: VT, Vụ HCSN.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|