THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
******
|
VIỆT NAM DÂN CHỦ
CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 097-TTg
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 02 năm 1959
|
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC CHUYỂN SỔ SÁCH KẾ TOÁN, CHỨNG TỪ, HÓA ĐƠN, KHẾ ƯỚC,
HỢP ĐỒNG, BIỂU GIÁ, BIỂU THUẾ, V.V… TỪ ĐƠN VỊ TIỀN CŨ SANG ĐƠN VỊ TIỀN MỚI
Trên cơ sở những thắng lợi to lớn
của thời kỳ khôi phục kinh tế và năm đầu thực hiện kế hoạch 3 năm, hiện nay
tình hình vật giá và tiền tệ đã căn bản ổn định, nền kinh tế quốc dân đương
trên đà phát triển. Đảng và Chính phủ xét thấy cần thiết phải thay đổi đơn vị
tiền tệ để thuận tiện cho việc tính toán tài chính, mở rộng giao lưu hàng hóa,
đẩy mạnh sản xuất, cải thiện thêm một bước đời sống nhân dân, đồng thời củng cố
chính quyền dân chủ nhân dân, đề cao hơn nữa tính chất ưu việt của chế độ ta.
Đơn vị tiền tệ thay đổi theo tỷ
lệ 1 đồng tiền mới ăn 1.000 đồng tiền cũ, nhưng giá trị hàng hóa không thay đổi,
nghĩa là với 1 đồng tiền mới vẫn mua được số hàng giá trị bằng 1.000 đồng tiền
cũ.
Để thống nhất việc tính toán tài
chính và việc ghi chép kế toán theo đơn vị tiền mới, Thủ tướng phủ quy định những
cách thức cụ thể như sau:
1. Chuyển sổ
sách kế toán từ đơn vị tiền cũ sang đơn vị tiền mới.
Ngay sau khi phát hành tiền mới,
các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bộ đội, trường học, xí nghiệp công và tư, hợp tác
xã, v,v… phải khóa sổ sách kế toán và căn cứ tỷ lệ 1/1000 mà chuyển các số dư
tài khoản và tiểu khoản sang đơn vị tiền mới.
Việc chuyển các số dư từ đơn vị
tiền cũ sang đơn vị tiền mới theo nguyên tắc là: nếu số tiền chuyển qua đơn vị
tiền mới có số lẻ trên 5 phần mười xu thì nhắc lên thành 1 xu, còn số lẻ từ 5
phần mười xu trở xuống thì coi như không có và bỏ đi.
Ví dụ: Số dư tài khoản theo đơn
vị tiền cũ là 6.656 đ, chuyển sang đơn vị tiền mới sẽ là 6đ656. Trường hợp này,
phải nhắc 6 phần mười xu lên thành 1 xu và số tiền chuyển sang đơn vị tiền mới
phải ghi là 6đ66.
Những số dư đã chuyển sang đơn vị
tiền mới phải dùng mực đỏ ghi vào đầu trang sau và thành khởi điểm cho việc ghi
chép tiếp tục bằng đơn vị tiền mới.
Việc khóa sổ phải được Kế toán
trưởng và phụ trách cơ quan, xí nghiệp, v.v… xác nhận là đúng.
Kể từ ngày bắt đầu phát hành tiền
mới, tất cả những hóa đơn, chứng từ kế toán đều phải lập theo đơn vị tiền mới.
Những hóa đơn, chứng từ kế toán lập
trước ngày phát hành tiền mới do các cơ quan, xí nghiệp khác gửi đến sau ngày
khóa sổ, đều phải đóng dấu hoặc ghi bằng mực đỏ: “Đơn vị tiền cũ” và được kế
toán trưởng, phụ trách cơ quan, xí nghiệp kiểm soát và xác nhận việc chuyển số
liệu từ đơn vị tiền cũ sang đơn vị tiền mới.
- Đối với Ngân hàng quốc gia Việt
Nam,
sổ phát hành phải chia ra 2 sổ: một sổ tiền cũ và một sổ tiền mới. Những nghiệp
vụ tiền mới phải ghi vào sổ tiền mới và những nghiệp vụ tiền cũ phải ghi vào sổ
tiền cũ. Sau khi kết thúc thu đổi tất cả các loại tiền cũ (kể cả giấy
100đ, 50đ, 20đ và 10đ) thì mới kết toán sổ phát hành tiền cũ.
Để đề phòng nhầm lẫn và rối loạn
về sổ sách, ngay sau khi có công bố của Chính phủ về việc thay đổi đơn vị tiền
tệ, phát hành tiền mới, thu đổi tiền cũ, các Chi nhánh Ngân hàng có Kho phát
hành và Ngân hàng Trung ương phải lập hội đồng để kiểm soát các Chi kho và Tổng
kho phát hành xem những số tiền tồn kho có phù hợp với sổ sách không. Hội đồng
phải xác nhận kết quả việc kiểm soát ngay trên sổ sách.
- Kể từ ngày bắt đầu phát hành
tiền mới, các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức chịu sự quản lý tiền mặt của Ngân
hàng quốc gia Việt Nam phải đem tồn quỹ tiền mặt đến Ngân hàng có tài khoản của
mình đổi lấy tiền mới. Những thu nhập bằng tiền cũ phải nộp hết vào Ngân hàng,
mọi việc chi tiêu phải dùng tiền mới.
Đối với Ngân hàng, những số tiền
cũ do quỹ nghiệp vụ thu vào, đến cuối mỗi ngày, phải đem đổi lấy tiền mới và
ghi vào sổ quỹ coi như thu bằng tiền mới. Mọi khoản chi ra phải dùng tiền mới.
2. Chuyển
các khế ước, hợp đồng, giấy vay mượn, giấy cổ phần các hợp tác xã và xí nghiệp
công tư hợp doanh, công phiếu kháng chiến, v.v…
Các giấy tờ trên đây lập trước
ngày phát hành tiền mới vẫn tiếp tục có hiệu lực, nhưng phải căn cứ vào tỷ lệ
1/1.000 mà tính sang đơn vị tiền mới.
Để tránh khỏi nhầm lẫn, cần phải
đóng dấu hoặc ghi bằng mực đỏ “Đơn vị tiền cũ” lên trên tất cả các giấy tờ nói
trên và lấy ngày lập các giấy tờ đó để phân biệt đơn vị tiền cũ với đơn vị tiền
mới.
Trong nhân dân, ai có khế ước, hợp
đồng, giấy vay mượn lẫn nhau đều có thể xin Ủy ban hành chính các cấp xác nhận
việc chuyển đơn vị tiền cũ sang đơn vị tiền mới.
3. Chuyển
các biểu giá, biểu thuế, biểu cước phí, tem bưu điện, vé tàu, vé xe, v.v… từ
đơn vị tiền cũ sang đơn vị tiền mới.
Vé giá cả hàng hóa, cần cố gắng
làm tròn giá đơn vị hàng bằng tiền mới để tiện lợi cho việc tính toán. Trường hợp
giá đơn vị không làm tròn được thì lấy giá 10 đơn vị cho tròn và làm thành đơn
vị giá cả. Ví dụ: 1 vuông vải khổ hẹp giá là 163 đ tiền cũ, tức là 0đ163 tiền mới,
thì tính 10 vuông làm một đơn vị giá cả theo tiền mới là 0đ163 x 10 = 1đ63.
Về thuế, cần dựa vào giá của Mậu
dịch quốc doanh để tính và lập thành biểu thuế theo tiền mới.
Các thứ vé tàu, vé xe, tem bưu
điện, tem thuế, vé rạp hát, chiếu bóng, v.v… ghi bằng tiền cũ khi bán ra phải
tính theo tỷ lệ 1/1.000. Tùy theo khả năng có thể đóng dấu giá mới lên trên giá
cũ. Nhưng nếu phải in thêm hoặc in cái mới thì nhất thiết phải in theo đơn vị
tiền mới.
Kể từ ngày bắt đầu phát hành tiền
mới, cần phải niêm yết rộng rãi các biểu giá, biểu thuế, biểu cước phí, v.v… bằng
đơn vị tiền cũ và đối chiếu bằng đơn vị tiền mới. Cần lưu ý kiểm tra việc thi
hành, không để xảy ra tình trạng nhầm lẫn, lợi dụng, gian lận.
4. Chuyển
các số liệu thống kê.
Kể từ ngày bắt đầu phát hành tiền
mới, tất cả các biểu thống kê phải lập theo đơn vị tiền mới. Trên các biểu thống
kê cần phải ghi rõ “đơn vị tiền mới”.
Để tiện cho việc theo dõi và so
sánh số liệu cả năm 1959, các biểu thống kê từ đầu năm 1959 lập theo đơn vị tiền
cũ cần phải chuyển sang đơn vị tiền mới. Các biểu thống kê chuyển sang đơn vị
tiền mới phải được người phụ trách cơ quan kiểm soát lại và xác nhận đúng.
Công việc chuyển đơn vị tiền cũ
sang đơn vị tiền mới là một công việc quan trọng và phiền phức. Yêu cầu các vị
Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Ủy ban hành chính địa phương chú ý lãnh đạo các cấp
và tổ chức trực thuộc, đề cao tinh thần trách nhiệm, làm thật tốt công việc
chuyển này, quyết tránh những khó khăn trong việc tính toán, ghi chép, so sánh
số liệu, ngăn ngừa những việc nhầm lẫn, lợi dụng, gian lận.
Tùy theo sự cần thiết, các Bộ có
thể hướng dẫn cụ thể làm thêm cho các cấp và tổ chức trực thuộc thi hành thông
tư này cho được chu đáo.
|
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phạm Văn Đồng
|