KIỂM TOÁN NHÀ
NƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1427/QĐ-KTNN
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 11 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH HƯỚNG DẪN VIỆC CHUẨN BỊ Ý KIẾN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm
toán nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 220/QĐ-KTNN ngày 02 tháng 3 năm 2023 của Tổng Kiểm
toán nhà nước về Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn việc chuẩn bị ý
kiến của Kiểm toán nhà nước về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc
gia, dự án quan trọng quốc gia (gọi chung là Hướng dẫn).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo KTNN;
- Các đơn vị trực thuộc KTNN;
- Lưu: VT.
|
TỔNG KIỂM TOÁN
NHÀ NƯỚC
Ngô Văn Tuấn
|
HƯỚNG DẪN
VIỆC
CHUẨN BỊ Ý KIẾN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC
TIÊU QUỐC GIA, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
(Kèm theo Quyết định số 1427/QĐ-KTNN ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Tổng Kiểm
toán nhà nước)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Hướng dẫn này quy định nhiệm vụ, trình tự, thủ tục
nội dung chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về chủ trương đầu tư
chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), dự án quan trọng quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ
chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư CTMTQG, dự án quan trọng quốc
gia.
2. Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và các cá nhân có
liên quan được giao nhiệm vụ tại khoản 1 Điều này.
Điều 3. Yêu cầu đối với việc
chuẩn bị ý kiến
1. Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ
được giao, trực tiếp chỉ đạo thu thập thông tin, chuẩn bị ý kiến và hoàn thành
Báo cáo ý kiến của KTNN đối với báo cáo của Chính phủ về chủ trương đầu tư
CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội.
2. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, tổ chức,
cá nhân được giao nhiệm vụ phải tuân thủ các quy định về Bảo mật thông tin theo
quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và
các văn bản quy định, hướng dẫn của KTNN.
Chương II
NHIỆM VỤ, TRÌNH TỰ CHUẨN
BỊ Ý KIẾN
Điều 4. Nhiệm vụ
1. Vụ Tổng hợp tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước
phân giao nhiệm vụ đơn vị chủ trì chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư
CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị.
2. Đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước giao chủ
trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng Báo cáo ý kiến của KTNN
về chủ trương đầu tư CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 5 của Hướng dẫn này, trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt
để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền theo
quy định.
3. Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng
kiểm toán, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan (nếu có) có trách nhiệm tham gia
ý kiến đối với nội dung dự thảo Báo cáo ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư
CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia trước khi đơn vị được giao chủ trì hoàn thiện,
trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.
Điều 5. Trình tự chuẩn bị, xây
dựng Báo cáo ý kiến
1. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện: đơn vị được
Tổng Kiểm toán nhà nước giao chủ trì xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước kế
hoạch tổ chức thực hiện trong đó nêu rõ các bước công việc, trách nhiệm các đơn
vị phối hợp và thời gian thực hiện.
2. Thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu: thực hiện
theo quy định tại Điều 6 của Hướng dẫn này.
3. Đánh giá chủ trương đầu tư CTMTQG, dự án quan trọng
quốc gia: thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Hướng dẫn này.
4. Xây dựng, hoàn thiện Báo cáo ý kiến của KTNN về chủ
trương đầu tư CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia: thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Hướng dẫn này.
Thủ tục, nội dung các bước công việc thực hiện theo
quy định tại Chương III Hướng dẫn này và yêu cầu, hướng dẫn của Tổng Kiểm toán
nhà nước căn cứ theo tình hình thực tế (nếu có).
Chương III
XÂY DỰNG BÁO CÁO Ý KIẾN
CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, DỰ
ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Điều 6. Thu thập thông tin, hồ
sơ, tài liệu
1. Thông tin cần thu thập
- Thông tin tổng quan về CTMTQG, dự án quan trọng
quốc gia: mục tiêu, phạm vi, quy mô; nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn, kế hoạch vốn,
phương án huy động vốn; phương án phân chia các dự án thành phần, tiểu dự án;
giải pháp tổ chức thực hiện. Riêng đối với dự án quan trọng quốc gia cần thu thập
thêm thông tin về hình thức đầu tư; công nghệ, kỹ thuật, các điều kiện cung cấp
vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; phương án đầu tư
và quy mô các hạng mục đầu tư; tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu
tư; phương án giải phóng mặt bằng tái định cư, biện pháp bảo vệ môi trường.
- Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và quy hoạch:
quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược (các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã
hội, môi trường), phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội;
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 05 năm; quy hoạch ngành, vùng có
liên quan đến CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia.
- Kết quả đạt được trong việc triển khai, thực hiện
các CTMTQG, các dự án quan trọng quốc gia trong giai đoạn trước; những khó
khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và quản lý chương trình, dự án (nếu
có).
- Thông tin về tình hình NSNN: thông tin tổng quát
về kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân
bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 05 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn
05 năm có liên quan.
- Thông tin kết quả, kiến nghị kiểm toán, thực hiện
kiến nghị kiểm toán liên quan đến các CTMTQG và dự án quan trọng quốc gia.
- Các thông tin, số liệu cần thiết khác (nếu có).
2. Nguồn thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu
- Hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQG, dự
án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu
tư công; các hồ sơ tài liệu chủ yếu làm căn cứ để lập báo cáo đề xuất chủ
trương đầu tư CTMTQG, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia
theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản quy định, hướng dẫn
liên quan.
- Các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Chính phủ; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản
khác của Quốc hội, Chính phủ về quản lý, điều hành NSNN, phát triển kinh tế -
xã hội có liên quan đến CTMTQG và dự án quan trọng quốc gia.
- Các báo cáo thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương
đầu tư các CTMTQG, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia của
Hội đồng thẩm định thuộc cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình, dự án
và của Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập; các báo
cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu
tư các CTMTQG, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia; các
báo cáo giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội liên quan đến việc tổ chức,
thực hiện các CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia (nếu có).
- Báo cáo của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung
ương, địa phương liên quan đến tình hình thực hiện CTMTQG, dự án quan trọng quốc
gia có liên quan; các văn bản liên quan đến việc triển khai tổ chức thực hiện
các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia
đang xin ý kiến.
- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử
của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các CTMTQG; dự án quan trọng quốc
gia.
- Cơ sở dữ liệu của KTNN có liên quan đến CTMTQG, dự
án quan trọng quốc gia.
- Các nguồn thông tin khác: kế hoạch, chương trình;
báo cáo của các cơ quan trung ương, địa phương hàng năm; các phiên thảo luận và
chất vấn của Quốc hội; các nội dung được đăng tải trên các phương tiện thông
tin truyền thông, mạng xã hội, thông tin đại chúng; các công trình khoa học,
tài liệu, thông tin liên quan đến quan điểm của chuyên gia; văn bản liên quan đến
chiến lược, quy hoạch; các tài liệu khác có liên quan đến CTMTQG, dự án quan trọng
quốc gia.
3. Phương pháp thu thập hồ sơ, tài liệu, thông tin
- Gửi văn bản yêu cầu cung cấp.
- Thu thập thông tin, tài liệu tại các hội nghị, hội
thảo; các cuộc giám sát trực tiếp tại các địa phương/đơn vị có liên quan đến
CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia (nếu có).
- Phỏng vấn trực tiếp các nhà quản lý, các tổ chức,
cá nhân có liên quan.
- Sử dụng các thông tin, tài liệu có liên quan tại
các báo cáo kiểm toán đã phát hành và thông tin, tài liệu thu thập được qua quá
trình kiểm toán.
- Khai thác trên các phương tiện thông tin đại
chúng; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của KTNN và các cơ quan, tổ chức có liên
quan.
- Các phương pháp khác phù hợp với quy định của
pháp luật và của KTNN.
Điều 7. Đánh giá chủ trương đầu
tư CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia
Trên cơ sở thông tin, hồ sơ tài liệu đã thu thập,
đơn vị chủ trì chuẩn bị ý kiến đánh giá báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư
CTMTQG, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia theo yêu cầu
khung về nội dung Báo cáo ý kiến của KTNN quy định tại Điều 8 của
Hướng dẫn này, trong đó tập trung đánh giá tính tuân thủ, trình tự, thủ tục
theo một số nội dung sau:
- Việc tuân thủ các quy định về điều kiện quyết định
chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
- Việc đáp ứng tiêu chí xác định CTMTQG, dự án quan
trọng quốc gia.
- Sự cần thiết đầu tư chương trình, dự án.
- Việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
- Sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy
hoạch.
- Những thông số cơ bản của chương trình, dự án,
bao gồm mục tiêu, quy mô, hình thức đầu tư, phạm vi, địa điểm, diện tích đất cần
sử dụng, thời gian, tiến độ thực hiện, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải
pháp bảo vệ môi trường, nguồn vốn, khả năng thu hồi vốn và trả nợ vốn vay (nếu
có).
- Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc
phòng, an ninh và phát triển bền vững (nếu có).
- Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất,
phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch có liên quan, quy hoạch
khác có liên quan đến tài nguyên, phương án di dân, tái định canh, định cư đối
với dự án quan trọng quốc gia đầu tư trong nước.
- Đánh giá về các giải pháp tổ chức thực hiện dự
án: xác định chủ đầu tư (nếu có); hình thức quản lý dự án.
- Đánh giá mức độ rủi ro tại quốc gia đầu tư đối với
dự án quan trọng quốc gia đầu tư tại nước ngoài.
- Đánh giá về cơ chế đặc thù đối với chương trình,
dự án (nếu có).
Điều 8. Yêu cầu khung về nội
dung Báo cáo ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư CTMTQG, dự án quan trọng quốc
gia
1. Báo cáo ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư
CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia cần đảm bảo một số nội dung chủ yếu sau:
1.1. Đối với báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư
CTMTQG
a) Sự phù hợp với các tiêu chí xác định chương
trình đầu tư công.
b) Sự phù hợp với các mục tiêu chiến lược; kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch có
liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
c) Một số nội dung cơ bản của chương trình:
- Sự cần thiết của chương trình để thực hiện các mục
tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Mục tiêu, phạm vi và quy mô chương trình.
- Dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực thực hiện
chương trình (danh mục dự án hoặc đối tượng đầu tư), dự kiến khả năng cân đối
nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn và nguồn lực khác.
- Dự kiến tiến độ thực hiện chương trình phù hợp với
điều kiện thực tế và khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên bảo đảm
đầu tư tập trung, có hiệu quả.
- Xác định chi phí liên quan trong quá trình thực
hiện và chi phí vận hành sau khi chương trình kết thúc.
- Việc phân chia các dự án thành phần hoặc các nhiệm
vụ của chương trình theo quy định của pháp luật.
- Các giải pháp tổ chức thực hiện.
- Các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện chương
trình.
- Ngoài ra, xem xét có ý kiến đối với: đối tượng thụ
hưởng của chương trình; việc triển khai xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu
tư chương trình; tình hình thực hiện chương trình, dự án giai đoạn trước (nếu
chuyển từ giai đoạn trước sang); việc thẩm định chủ trương đầu tư của các cấp
liên quan.
d) Tình hình tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan được
giao chuẩn bị đầu tư đối với ý kiến tham gia của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
e) Hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và
phát triển bền vững
1.2. Đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án
quan trọng quốc gia
a) Đối với dự án quan trọng quốc gia có cấu phần
xây dựng
- Việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án
quan trọng quốc gia;
- Sự cần thiết đầu tư và các điều kiện để thực hiện
đầu tư xây dựng.
- Dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu
tư xây dựng.
- Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên, trong đó lưu ý
đến dự kiến diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cần
chuyển đổi mục đích sử dụng để làm dự án đầu tư xây dựng (nếu có)
- Phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết
minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp.
- Dự kiến thời gian thực hiện dự án.
- Sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; khả
năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có).
- Xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh
giá tác động của dự án khi hoàn thành.
- Phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng,
tái định cư, biện pháp bảo vệ môi trường.
- Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường,
xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh (nếu có).
- Phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu
có).
- Giải pháp tổ chức thực hiện: xác định chủ đầu tư;
hình thức quản lý.
- Đối với dự án khu đô thị, nhà ở cần có thuyết
minh việc triển khai dự án đầu tư đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển đô thị,
chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn (nếu
có); sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội;
sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong dự án và kết nối
với hạ tầng ngoài phạm vi dự án đối với dự án khu đô thị.
b) Đối với dự án quan trọng quốc gia không có cấu
phần xây dựng:
- Việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án
quan trọng quốc gia.
- Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu
tư, đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật
về quy hoạch, kế hoạch đầu tư.
- Dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục
tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư.
- Khu vực, địa điểm đầu tư, dự kiến nhu cầu diện
tích sử dụng đất và nhu cầu sử dụng tài nguyên khác.
- Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật
và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ
tầng.
- Phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và
quy mô các hạng mục đầu tư.
- Phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng,
tái định cư, biện pháp bảo vệ môi trường.
- Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường,
xã hội;
- Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động
vốn, cơ cấu nguồn vốn; dự kiến kế hoạch bố trí vốn.
- Xác định sơ bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy
tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác dự án.
- Tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu
tư.
- Xác định sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội
của dự án.
- Phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu
có).
- Giải pháp tổ chức thực hiện.
- Tình hình tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan được
giao chuẩn bị đầu tư đối với ý kiến tham gia của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
1.3. Ý kiến đối với các nội dung đề xuất, kiến nghị
của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội (nếu có): căn cứ vào các
đề xuất của Chính phủ để nghiên cứu có ý kiến đối với từng nội dung cụ thể,
trong đó tập trung vào các nội dung Chính phủ đề xuất liên quan đến thẩm quyền
(của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các Luật chuyên ngành liên
quan; một số các nội dung chưa có quy định cụ thể (nếu có)...
2. Đơn vị được giao chủ trì xây dựng Báo cáo ý kiến
của KTNN về chủ trương đầu tư CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia đảm bảo đầy đủ
nội dung yêu cầu khung theo hướng dẫn. Trường hợp không đủ cơ sở để đưa ra ý kiến,
đơn vị chủ trì phải trình bày rõ lý do và kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà
nước xem xét, quyết định.
3. Mẫu Báo cáo ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư
CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia theo Phụ lục 1 đính kèm.
PHỤ LỤC 1
MẪU BÁO CÁO Ý KIẾN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU
TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
(Kèm theo Quyết định số 1427/QĐ-KTNN ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Tổng Kiểm
toán nhà nước)
KIỂM TOÁN NHÀ
NƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/BC-KTNN
|
Hà Nội,
ngày tháng năm
|
BÁO CÁO
Ý kiến về chủ
trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia/ dự án quan trọng quốc gia ...1
Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước có
ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc
gia/ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia...2 như sau:
I. Hồ sơ tài liệu (Các tài liệu KTNN thu thập được
đến thời điểm xây dựng báo cáo ý kiến của KTNN)
II. Căn cứ pháp lý (Nêu các căn cứ pháp lý làm
cơ sở xây dựng báo cáo ý kiến của KTNN)
III. Ý kiến của Kiểm toán nhà nước
Ý kiến của KTNN có thể gồm một số nội dung cơ bản
sau:
1. Việc đáp ứng tiêu chí xác định chương trình mục
tiêu quốc gia/dự án quan trọng quốc gia
2. Sự cần thiết đầu tư, phù hợp với quy hoạch...
3. Phạm vi, quy mô đầu tư
4. Tổng mức đầu tư, nguồn vốn.
5. Tiến độ thực hiện chương trình/dự án
...
Các nội dung ý kiến khác phù hợp với yêu cầu
khung của Báo cáo được quy định tại Điều 8 của Hướng dẫn này.
IV. Kiến nghị (nếu có)
Trên đây là ý kiến tham gia của Kiểm toán nhà nước
về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia/ dự án ...3. Kiểm toán nhà nước trân trọng báo cáo./.
Nơi nhận4:
- Quốc hội;
- UBTV Quốc hội;
- Cơ quan của Quốc hội chủ trì thẩm tra;
- Văn phòng Quốc hội;
- Chính phủ;
- Cơ quan của Chính phủ chủ trì tham mưu trình;
- Tổng Kiểm toán nhà nước;
- Các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước;
- Các Vụ: Tổng hợp, Pháp chế; CĐ&KSCLKT;
- Các đơn vị liên quan (nếu có);
- Đơn vị chủ trì chuẩn bị ý kiến;
- Văn phòng KTNN (TK-TH);
- Lưu: Văn thư.
|
TỔNG KIỂM TOÁN
NHÀ NƯỚC
|
1 Ghi tên CTMTQG/
dự án theo Tờ trình của Chính phủ
2 Ghi tên CTMTQG/
dự án theo Tờ trình của Chính phủ
3 Ghi tên CTMTQG/ dự
án theo Tờ trình của Chính phủ
4 Đơn vị được giao
chủ trì tham mưu gửi các cơ quan, tổ chức căn cứ theo yêu cầu thực tế.