QUY CHẾ
SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ ĐƯỢC TRÍCH 5%
TRÊN SỐ TIỀN ĐÃ NỘP VÀO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DO KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
PHÁT HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1285 /QĐ-KTNN ngày 22 tháng 07 năm 2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy
định việc trích lập và sử dụng nguồn kinh phí được trích 5% trên số
tiền do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị đã được thực hiện, (gọi
tắt là nguồn kinh phí 5%) gồm:
- Việc trích lập và sử dụng nguồn kinh phí 5%;
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
thuộc kiểm toán nhà nước được hưởng chế độ ưu tiên.
2. Đối tượng áp dụng:
- Văn phòng Kiểm toán nhà nước;
- Các đơn vị thuộc bộ máy điều hành;
- Kiểm toán nhà nước chuyên ngành;
- Kiểm toán nhà nước khu vực và đơn vị sự nghiệp
công lập;
- Các cơ quan đơn vị có liên quan.
Điều 2.
Nguồn kinh phí 5%
Hàng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện kiến
nghị kiểm toán, Kiểm toán nhà nước được trích 5% trên số tiền do Kiểm
toán nhà nước phát hiện và kiến nghị đã được thực hiện, gồm:
- Các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế,
phí, lệ phí và các khoản thu khác;
- Các khoản đã thực chi ngân sách sai chế độ đã
nộp lại ngân sách nhà nước (đối với các khoản chi đã quyết toán);
- Các khoản đã thực chi ngân sách sai chế độ đã
được cơ quan có thẩm quyền xử lý giảm chi, giảm thanh toán;
- Các khoản kinh phí bố trí dự toán vượt định mức
phân bổ, sai nguồn do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị đã được cơ quan
có thẩm quyền xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước.
Điều 3. Sử
dụng kinh phí được trích
1. Chi khuyến khích, thưởng đối với cán bộ, công
chức, viên chức và người lao động không vượt quá 0,8 lần tiền lương cấp bậc, chức
vụ, vượt khung và chế độ phụ cấp theo nghề mức từ 15% đến 25% tuỳ theo từng đối
tượng đã quy định trong Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ
Quốc hội.
2. Số kinh phí còn lại sau khi chi khuyến khích,
thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước
được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực hoạt động của ngành.
Điều 4.
Nguyên tắc thực hiện chi trả
1. Thực hiện chi đúng theo từng nội dung
được quy định trong Quy chế này; đảm bảo công khai, minh bạch, tiết
kiệm và có hiệu quả.
2. Mức chi khuyến khích, thưởng đối với
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chi đầu tư cơ sở vật
chất, tăng cường năng lực hoạt động của ngành quy định tại Quy chế này
là mức chi tối đa. Hàng năm, căn cứ vào nguồn kinh phí 5% được trích,
Văn phòng Kiểm toán nhà nước tính toán, cân đối các nội dung chi cho
phù hợp, theo đúng quy định trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết
định mức chi cho từng nội dung.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Nội dung, mức chi
khuyến khích, thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
1. Chi lễ, tết cho cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động (kể cả hợp đồng
khoán gọn) theo mức tối đa như sau:
- Ngày Giải phóng Miền Nam
30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5; ngày Quốc khánh 2/9; ngày giỗ tổ Hùng
Vương (10/3 âm lịch); ngày thành lập ngành 11/7: 1.000.000
đồng/người/ngày
- Tết dương lịch: 1.500.000 đồng/người
- Tết âm lịch: 2.000.000 đồng/người
Đối với nội dung chi các ngày lễ:
chi theo danh sách có mặt trên bảng lương của tháng đó và không
chi cho các đối tượng đi học nước ngoài hưởng 40% lương hoặc đi học nước ngoài
tự túc không hưởng lương; đối với nội dung chi ngày tết dương lịch và âm lịch,
cán bộ công chức, viên chức và người lao động có thời gian
làm việc tại Kiểm toán nhà nước đủ 6 tháng trở lên được hưởng
100% mức chi, dưới 06 tháng được hưởng 50% mức chi. Riêng các trường hợp
thôi việc, chuyển công tác ra khỏi ngành không được chi tiền lễ, tết.
2. Chi khen thưởng đột xuất
Tối đa 5% nguồn kinh phí chi khuyến
khích, thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động.
a) Nội dung chi: Thưởng đột xuất cho
các cuộc kiểm toán, các đơn vị trong ngành, cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động có đóng góp thành tích trong hoạt động kiểm toán, trong
việc xác định nguồn kinh phí được trích.
b) Mức chi, đối tượng chi do Tổng
Kiểm toán nhà nước quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội
đồng thi đua khen thưởng, Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
3. Chi thưởng thường xuyên theo quỹ
lương
a) Căn cứ quỹ lương ngạch bậc, phụ
cấp chức vụ, vượt khung và nguồn kinh phí chi khuyến khích, thưởng đối với cán
bộ, công chức, viên chức và người lao động sau khi đã trừ
đi các nội dung chi tại Khoản 1, Khoản 2 của Điều này để chi thưởng thường xuyên cho cán bộ, công chức,
viên chức và người lao động; mức chi không quá 0,65 lần lương cấp
bậc, phụ cấp chức vụ, vượt khung.
b) Các đối tượng sau đây không được
thưởng thường xuyên theo quỹ lương:
- Nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ việc
hoặc được thuyên chuyển, điều động sang cơ quan khác không thuộc Kiểm toán nhà
nước;
- Thời gian đi công tác, làm việc,
học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày
14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên
chức và lực lượng vũ trang;
- Thời gian đi học tự túc ở nước
ngoài không hưởng lương;
- Thời gian đi học tập trung trong
nước từ 03 tháng liên tục trở lên;
- Thời gian nghỉ việc riêng không
hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên;
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản
vượt quá thời hạn theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội;
- Thời gian bị đình chỉ công tác.
4. Chi thưởng theo thành tích
trong năm của các đơn vị trong ngành
a) Phần kinh phí còn lại sau khi
đã trừ đi các nội dung chi tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 của Điều này dùng để
chi thưởng cho các đơn vị trong ngành theo thành tích trong hoạt động kiểm toán
và phục vụ cho hoạt động kiểm toán.
Mức chi cho từng đơn vị do Tổng Kiểm
toán nhà nước quyết định trên cơ sở thành tích đóng góp của các đơn vị và đề
nghị của Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà
nước. Mức chi và nội dung chi cho từng cá nhân tại đơn vị
trực thuộc do thủ trưởng đơn vị quyết định, trên cơ sở thành tích đóng góp của
cá nhân.
b) Các đối tượng
sau đây không được thưởng theo thành tích trong năm:
- Thôi việc, nghỉ việc, bị đình chỉ
công tác hoặc được thuyên chuyển, điều động sang cơ quan khác không thuộc Kiểm
toán nhà nước;
- Thời gian đi công tác, làm việc,
học tập ở nước ngoài trên 06 tháng trong năm hưởng 40% tiền lương theo quy định
tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công
chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Thời gian đi học tự túc ở trong
nước hoặc nước ngoài không hưởng lương trên 06 tháng trong năm.
Điều 6. Nội dung, mức chi
đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực hoạt động của ngành
1. Nội dung chi
a) Chi tăng cường đầu tư xây dựng trụ sở làm việc
của Kiểm toán nhà nước; mua sắm, sửa chữa tài sản, máy móc, trang thiết bị,
phương tiện làm việc, phương tiện đi lại phục vụ công tác kiểm toán;
b) Bổ sung chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
nâng cao nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm trong nước: mức hỗ trợ được xác
định trên cơ sở kế hoạch đào tạo trong năm và một số trường hợp đột xuất
phát sinh được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt do nguồn kinh phí ngân
sách cấp theo kế hoạch không đủ;
c) Bổ sung chi học tập kinh nghiệm ở nước
ngoài: mức hỗ trợ được xác định trên cơ sở kinh phí chi cho các đoàn
ra trong năm được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt do nguồn kinh phí
ngân sách cấp theo kế hoạch không đủ;
d) Bổ sung chi nghiên cứu khoa học: mức hỗ
trợ được xác định trên cơ sở các đề tài nghiên cứu trong năm
được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt do nguồn kinh phí ngân sách cấp
theo kế hoạch không đủ;
đ) Bổ sung chi công nghệ thông tin: mức hỗ trợ
được xác định trên cơ sở kinh phí chi cho công nghệ thông tin do nguồn kinh phí
ngân sách cấp theo kế hoạch không đủ;
e) Chi chính sách thu hút nhân tài về công tác tại
Kiểm toán nhà nước theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước;
g) Chi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức đoàn
thể phục vụ hoạt động của ngành;
h) Chi bổ sung các hoạt động nghiệp vụ phục vụ
cho công tác kiểm toán;
i) Chi giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thực
hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước;
k) Chi động viên, khuyến khích các tập thể, cá
nhân trong và ngoài cơ quan Kiểm toán nhà nước đã tích cực phối hợp trong công
tác thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước;
l) Các nội dung chi khác có liên quan tới
tăng cường năng lực hoạt động của ngành.
2. Mức chi cụ thể do Tổng Kiểm toán nhà
nước quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh Văn phòng Kiểm
toán nhà nước.
Chương III
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, THANH TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN
Điều 7. Quản lý, sử
dụng, thanh toán và quyết toán
1. Quản lý và sử dụng
- Nguồn kinh phí được trích
5% số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước từ kết quả kiểm toán của
Kiểm toán nhà nước được quản lý và sử dụng theo quy định tại Nghị
quyết số 794/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 22/6/2009 sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối
với cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm
theo Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03/3/2006 của Uỷ ban Thường
vụ Quốc hội; Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ và
Nghị định số 02/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ; Thông tư số 165/2015/TT-BTC ngày
05/11/2015 của Bộ Tài chính.
- Kinh phí được trích trong năm
chi không hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
2. Thanh toán và quyết toán
Nguồn kinh phí được trích
5% trên số tiền do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị đã được thực hiện,
được thanh toán, quyết toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà
nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà
nước có trách nhiệm phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện quy chế này tại
đơn vị.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề
phát sinh mới hoặc khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về
Văn phòng Kiểm toán nhà nước để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà
nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.