CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội,
ngày tháng năm
2017
|
DỰ THẢO
|
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN
NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 24 tháng
6 năm 2015;
Theo đề nghị của Tổng Kiểm toán nhà nước;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm
hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm
quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán
nhà nước quy định tại Nghị định này, bao gồm: Vi phạm về điều cấm quy định tại
khoản 2, khoản 3 Điều 8; vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm
toán quy định tại Điều 57, Điều 58 và vi phạm về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức,
cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 68 của Luật
Kiểm toán nhà nước năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đơn vị được kiểm toán; tổ chức, cá nhân thuộc
đơn vị được kiểm toán.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến
hoạt động kiểm toán nhà nước.
3. Người có thẩm quyền lập
biên bản, người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có
thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính và tổ chức, cá nhân
khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định
này.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Vi phạm hành chính trong
lĩnh vực kiểm toán nhà nước là hành vi có lỗi do đơn vị được kiểm toán, tổ chức,
cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
hoạt động kiểm toán nhà nước thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về kiểm
toán nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải
bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là việc người có thẩm quyền áp dụng hình thức
xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định này đối với
đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước thực hiện hành vi
vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Điều 4.
Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm
hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu
một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ
vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch
thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
3. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn
có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ
thể tại khoản 5 Điều 6, khoản 5 Điều 7, khoản 4 Điều 8 của Nghị định này.
Điều 5. Quy định về mức phạt
tiền
1. Mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm
hành chính được quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 của
Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng
hai lần mức phạt đối với cá nhân.
2. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán
nhà nước đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.
3. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán
nhà nước đối với tổ chức là 200.000.000 đồng.
4. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành
chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước
hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt. Trường hợp xử phạt tổ
chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá
nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý và nộp lại khoản tiền phạt tương ứng với mức độ vi
phạm của cá nhân đó.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH
CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH
VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều
6. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm, của đơn
vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt
tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau
đây:
a) Cung cấp không đầy đủ
hoặc không kịp thời: Báo cáo tài chính; báo cáo tình hình thực hiện, quyết toán
vốn, quản lý dự án đầu tư; kế hoạch thu, chi; báo cáo tình hình chấp hành và
quyết toán ngân sách theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước;
b) Cung cấp không đầy đủ
hoặc không kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện kiểm toán
theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán
viên nhà nước; báo cáo không đầy đủ hoặc không kịp thời thông tin liên quan đến
cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán
viên nhà nước;
c) Giải trình không đầy
đủ hoặc không kịp thời các vấn đề do Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán
viên nhà nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán;
d) Bố trí không kịp thời
người có trách nhiệm liên quan làm việc với Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán,
Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
2. Phạt tiền từ
10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp các thông
tin, tài liệu không chính xác cho Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm
toán, Kiểm toán viên nhà nước;
b) Giải trình không
chính xác các vấn đề do Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm
toán viên nhà nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán;
c) Báo cáo sai lệch
thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
3. Phạt tiền từ
30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không cung cấp thông
tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm
toán, Kiểm toán viên nhà nước;
b) Không bố trí người có
trách nhiệm liên quan làm việc với Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm
toán, Kiểm toán viên nhà nước;
c) Không giải trình các
vấn đề do Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà
nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán;
d) Không ký biên bản kiểm
toán, biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của Kiểm toán viên nhà
nước, biên bản làm việc liên quan khác;
đ) Che giấu các hành vi
vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công;
e) Mua chuộc, đưa hối lộ
thành viên Đoàn kiểm toán mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
g) Cản trở công việc của
Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;
h) Không gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết
toán ngân sách, dự toán kinh phí năm sau; báo cáo thực hiện dự toán thu, chi
ngân sách năm cho Kiểm toán nhà nước theo quy định.
4. Phạt tiền từ
60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không chấp hành quyết
định kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;
b) Từ chối cung cấp
thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà
nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước;
c) Đe dọa thành viên
Đoàn kiểm toán mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Can thiệp trái pháp
luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm
toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
5. Biện pháp khắc phục hậu
quả:
a) Buộc chấp hành quyết
định kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm
a khoản 4 Điều này;
b) Buộc cung cấp đầy
đủ, chính xác thông tin, tài liệu đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm b khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều này;
c) Buộc gửi đầy đủ báo
cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí năm sau; báo cáo
thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm cho Kiểm toán nhà nước đối với hành vi
vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 và điểm h khoản 3 Điều này;
d) Buộc giải trình đầy
đủ, chính xác các vấn đề do Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm
toán, Kiểm toán viên nhà nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán đối với
hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm c
khoản 3 Điều này;
c) Buộc bố trí người có
trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán làm việc với Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm
toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định
tại điểm d khoản 1 Điều này;
d) Buộc ký biên bản kiểm
toán, biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của kiểm toán viên nhà
nước, biên bản làm việc liên quan khác đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm d khoản 3 Điều này.
Điều
7. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm, điều cấm của cơ quan, tổ chức,
cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng
đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không kịp thời
thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm
toán, Kiểm toán viên nhà nước (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 điều
này).
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác theo yêu cầu của
Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp không đầy đủ hoặc không kịp thời các
thông tin, tài liệu để phục vụ cho Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ quy định
tại khoản 4 Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015;
b) Không cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu
của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước;
c) Không ký biên bản làm việc với Đoàn kiểm
toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa tin, bài phản ảnh về kết quả kiểm toán
không chính xác;
b) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm
toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán,
Kiểm toán viên nhà nước.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cung cấp đầy đủ, chính xác thông
tin, tài liệu cho Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên
nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm b
khoản 3 Điều này;
b) Buộc ký biên bản làm việc với Đoàn kiểm toán,
Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm c khoản 3 Điều này;
c) Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với
hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.
Điều
8. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
của Kiểm toán nhà nước
1. Phạt tiền từ
10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không báo cáo bằng
văn bản về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho Kiểm toán nhà nước
theo quy định;
b) Cung cấp không đầy đủ
hoặc không kịp thời các thông tin, tài liệu về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm
toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.
2. Phạt tiền từ
30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Báo cáo không chính
xác về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;
b) Không cung cấp thông
tin, tài liệu về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm
toán nhà nước;
c) Thực hiện không đầy đủ
hoặc không kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
3. Phạt tiền từ
60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kết luận,
kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
4. Biện pháp khắc phục hậu
quả:
a) Buộc cung cấp đầy đủ, chính xác thông
tin, tài liệu về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước
đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2
Điều này;
b) Buộc báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến
nghị kiểm toán cho Kiểm toán nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại
điểm a khoản 1 Điều này;
c) Buộc thực hiện đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm
toán của Kiểm toán nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c
khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Chương III
THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN
VÀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều 9. Thẩm quyền lập biên
bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành
chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, gồm:
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 10 của Nghị định
này;
b) Công chức được giao nhiệm vụ kiểm toán, kiểm
tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
2. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại
khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập biên bản và chuyển hồ sơ trình cấp có thẩm
quyền quy định tại Điều 10 của Nghị định này ra quyết định xử phạt.
Điều 10. Thẩm quyền xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
1. Kiểm toán trưởng, thủ trưởng đơn vị trực thuộc
Kiểm toán nhà nước có liên quan có quyền:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 70.000.000 đồng
đối hành vi quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Nghị
định này;
b) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định
tại khoản 5 Điều 6, khoản 5 Điều 7, khoản 4 Điều 8 của Nghị
định này.
2. Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa đối
với hành vi quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Nghị
định này;
b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định
tại khoản 5 Điều 6, khoản 5 Điều 7, khoản 4 Điều 8 của Nghị
định này.
Chương IV
THỦ TỤC XỬ PHẠT, THI
HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT
Điều 11. Thủ tục xử phạt và
thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện theo
quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Điều 12. Thẩm quyền ra quyết
định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 10 của Nghị định này có thẩm
quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 13. Thi hành quyết định
cưỡng chế
1. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước do Kiểm toán nhà nước chủ
trì, cơ quan Công an nhân dân, Ngân hàng,
Kho bạc nhà nước có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
2. Việc thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện
theo quy định tại Điều 88 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm quản
lý công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Kiểm toán nhà nước quản lý công tác xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn sau
đây:
1. Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành
văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm
toán nhà nước;
2. Hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
3. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực
hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
4. Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
5. Cung cấp thông tin về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định
của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Điều 15. Trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
kiểm toán nhà nước
1. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ,
thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và thủ trưởng cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương,
Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện xử
lý kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm chỉnh
quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo quy định tại
Nghị định này.
2. Các cơ quan chức năng của Nhà nước, các tổ chức,
cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà
nước có trách nhiệm chuyển hồ sơ (nếu có) hoặc thông báo tới người có thẩm quyền
xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này để xem xét, xử lý.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày tháng năm
2017.
Điều 17. Trách nhiệm thi
hành
Tổng Kiểm toán nhà nước, các bộ trưởng, thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân
các cấp và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung
ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, PC (05).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|