BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/VBHN-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2020
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU VÀ ĐIỀU
HÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT
Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT ngày 07
tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng biểu
đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt, có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018 được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13
tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều
của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt,
có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020[1].
Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16
tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10
tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục
trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông tư quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải
đường sắt.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc xây dựng, công bố biểu
đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên
đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; điều
hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng; giá dịch vụ điều
hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu
tư.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá
nhân có liên quan đến việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm
tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt
chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; điều hành giao thông vận tải đường
sắt trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, giá dịch vụ điều hành giao
thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt:
Là khả năng thông qua của kết cấu hạ tầng được xác định bởi các yếu tố tải trọng
trục, tải trọng rải đều, tốc độ chạy tàu lớn nhất (Vmax) trên một đoạn tuyến đường
sắt; năng lực thông qua của tuyến đường sắt, của nhà ga, của hệ thống thông tin
tín hiệu đường sắt.
2. Tác nghiệp kỹ thuật: Là các tác nghiệp
phục vụ cho đoàn tàu chạy an toàn và đảm bảo chất lượng phục vụ.
3. Thời gian chạy tàu lữ hành: Là thời
gian chạy tàu tính từ ga xuất phát đến ga cuối cùng, bao gồm cả thời gian chạy
trên đường và thời gian dừng để tránh vượt, làm tác nghiệp kỹ thuật, tác nghiệp
hành khách, hàng hóa.
Chương II
XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ
CHẠY TÀU VÀ TỔ CHỨC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU
Mục 1. XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU
ĐỒ CHẠY TÀU
Điều 4. Quy định chung
1. Cơ sở của công tác tổ chức chạy tàu là biểu đồ
chạy tàu. Biểu đồ chạy tàu là mệnh lệnh đối với tất cả nhân viên đường sắt và
các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Khi có chạy tàu từ đường sắt quốc gia vào đường
sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia và ngược lại thì phải được sự
thỏa thuận và thống nhất giữa doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
quốc gia với chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia
về hành trình và các biện pháp đảm bảo an toàn.
Điều 5. Biểu đồ chạy tàu phải
đạt được các yêu cầu sau
1. Bảo đảm an toàn trong tổ chức chạy tàu.
2. Đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách,
hàng hóa.
3. Mật độ chạy tàu, tốc độ chạy tàu tương ứng với
năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt.
4. Sử dụng có hiệu quả phương tiện giao thông đường
sắt.
5. Dành được khoảng trống thời gian không chạy
tàu trên một số khu gian, khu đoạn để phục vụ thi công, sửa chữa, bảo trì kết cấu
hạ tầng đường sắt.
6. Bảo đảm thứ tự ưu tiên các nhóm tàu quy định
tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
7. Chỉ huy điều hành dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo
tỷ lệ tàu đi đến đúng giờ.
8. Bảo đảm thời gian và hành trình hợp lý trên
các khu gian.
9. Có đủ thời gian dừng, đỗ tàu để thực hiện các
tác nghiệp kỹ thuật hành khách, hàng hóa theo quy định tại các ga dừng, đỗ tàu.
Điều 6. Loại tàu và thứ tự
ưu tiên của các loại tàu trong xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao
thông vận tải đường sắt
1. Tàu chạy trên đường sắt bao gồm các loại tàu
sau đây:
a) Tàu cứu viện là tàu được tổ chức chạy để phục
vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu;
b) Tàu đặc biệt là tàu được tổ chức chạy đột xuất
nhằm phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền không
có hành trình quy định trong biểu đồ chạy tàu;
c) Tàu khách liên vận quốc tế là tàu có kéo đoàn
toa xe hoặc cụm toa xe khách liên vận quốc tế;
d) Tàu khách nhanh chạy suốt là tàu khách chạy
suốt liên tuyến, trên một tuyến hoặc một số khu đoạn mà có thời gian chạy tàu lữ
hành ngắn và số ga đỗ đón, trả khách ít hơn so với các loại tàu khách khác trên
tuyến;
đ) Tàu khách nhanh chạy trong khu đoạn là tàu
khách có thời gian chạy tàu lữ hành ngắn và có số ga đỗ đón, trả khách ít hơn
so với các loại tàu khách khác chạy trên khu đoạn;
e) Tàu khách thường là tàu khách chạy trên một
hoặc một số khu đoạn, một tuyến hoặc liên tuyến, dừng để tác nghiệp tại tất cả
các ga, trạm, có số ga, trạm dừng để tác nghiệp nhiều hơn các loại tàu khác;
g) Tàu quân dụng, tàu hỗn hợp, tàu chở công nhân
là tàu khách thường có kéo thêm từ 3 xe hàng trở lên, hoặc là tàu chuyên chở công
nhân đi làm;
h) Tàu hàng nhanh chạy suốt là tàu hàng chạy suốt
trên một số khu đoạn, một tuyến hoặc liên tuyến có thời gian chạy tàu lữ hành
ngắn và số ga dừng để tác nghiệp ít hơn so với các loại tàu hàng khác trên tuyến;
i) Tàu hàng trong khu đoạn là tàu hàng chạy
trong một khu đoạn bao gồm tàu hàng khu đoạn chạy nhanh, tàu hàng khu đoạn thường,
tàu hàng có cắt móc toa xe trong khu đoạn;
k) Tàu hàng đường ngắn, tàu thoi là tàu hàng chỉ
chuyên chạy trong một cung, chặng trong một khu đoạn mà dọc đường có dừng cắt
móc, dồn tàu;
l) Tàu chuyên dùng là tàu sử dụng các phương tiện,
thiết bị chuyên dùng chạy trên đường sắt.
2. Các loại tàu chạy trên đường sắt tuân theo thứ
tự ưu tiên theo các nhóm tàu sau đây:
a) Nhóm số 1: Tàu cứu viện;
b) Nhóm số 2: Tàu đặc biệt;
c) Nhóm số 3 gồm tàu khách liên vận quốc tế; tàu
khách nhanh chạy suốt; tàu khách nhanh chạy trong khu đoạn; tàu hàng nhanh chạy
suốt;
d) Nhóm số 4 gồm tàu khách thường; tàu quân dụng,
tàu hỗn hợp, tàu chở công nhân; tàu hàng trong khu đoạn; tàu hàng đường ngắn,
thoi; tàu chuyên dùng.
3. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường
sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng căn cứ vào thứ tự các nhóm tàu
quy định tại khoản 2 Điều này để xác định thứ tự ưu tiên các tàu chạy trên đường
sắt quốc gia, chạy trên đường sắt chuyên dùng trong phạm vi quản lý.
Điều 7. Số hiệu các loại tàu
Mỗi đoàn tàu chạy trên đường sắt phải có số hiệu.
Việc đánh số hiệu tàu thực hiện theo quy định sau:
1. Các đoàn tàu chạy trên các tuyến không có số
hiệu trùng nhau.
2. Các đoàn tàu chạy theo hướng từ Thủ đô Hà Nội
đi các tuyến mang số hiệu lẻ, các đoàn tàu chạy theo hướng từ các tuyến về Thủ
đô Hà Nội mang số hiệu chẵn.
3. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường
sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng quy định cụ thể việc đánh số hiệu
các loại tàu chạy trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng trong phạm vi
quản lý.
Điều 8. Nội dung cơ bản của
biểu đồ chạy tàu
Biểu đồ chạy tàu bao gồm các nội dung cơ bản sau
đây:
1. Tổng số đôi tàu khách, tàu hàng (bao gồm cả
tàu chính thức và tàu dự bị), thành Phần đoàn tàu, chiều dài đoàn tàu chạy, loại
đầu máy kéo tàu trên các khu đoạn, các tuyến đường sắt trong một ngày đêm.
2. Ga đỗ và thời gian đỗ làm tác nghiệp cắt, nối
toa xe hàng, tác nghiệp hành khách, tác nghiệp tránh, vượt tàu và tác nghiệp kỹ
thuật đầu máy, toa xe đối với từng đoàn tàu.
3. Thời gian đi, đến, thông qua các ga, thời
gian chạy trên từng khu gian của từng đoàn tàu.
4. Các quy định cần thiết khác có liên quan đến
việc lập tàu, bảo đảm an toàn chạy tàu, bảo đảm tàu đi, đến đúng giờ, các hướng
dẫn và triển khai thực hiện biểu đồ chạy tàu.
Điều 9. Trình tự xây dựng,
công bố biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia
Việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu trên đường
sắt quốc gia do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực
hiện theo quy định sau đây:
1. Xây dựng biểu đồ chạy tàu:
a) Trước 80 ngày so với ngày dự kiến công bố biểu
đồ chạy tàu, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có trách
nhiệm thông báo bằng văn bản về việc xây dựng biểu đồ chạy tàu tới các doanh
nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
b) Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được thông
báo của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được quy định
tại điểm a của Khoản này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải gửi
yêu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu trên các tuyến đường sắt bằng văn bản tới
doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
c) Căn cứ vào năng lực của kết cấu hạ tầng đường
sắt, năng lực đầu máy, toa xe, yêu cầu của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường
sắt, nội dung của công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã công bố, doanh nghiệp
kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia xây dựng dự thảo biểu đồ chạy tàu
gửi các doanh nghiệp nêu trên để tham gia ý kiến trước 40 ngày so với ngày dự
kiến công bố biểu đồ chạy tàu;
d) Chậm nhất sau 05 ngày, kể từ ngày nhận được dự
thảo biểu đồ chạy tàu, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có ý
kiến đóng góp bằng văn bản đối với dự thảo biểu đồ chạy tàu gửi doanh nghiệp
kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
đ) Trên cơ sở ý kiến tham gia của các doanh nghiệp
kinh doanh vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
quốc gia có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Tiến hành nghiên cứu,
tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo biểu đồ chạy tàu để ban hành và công bố; gửi thông
báo bằng văn bản đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về khả năng
đáp ứng của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đối với
yêu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu, mời các doanh nghiệp kinh doanh vận tải
đường sắt tham gia vận chuyển đối với các tuyến đường sắt còn dư thừa năng lực
chạy tàu.
2. Công bố biểu đồ chạy tàu:
a) Sau khi hoàn chỉnh biểu đồ chạy tàu, doanh
nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có trách nhiệm gửi biểu đồ
chạy tàu tới tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và các tổ chức
có liên quan để triển khai thực hiện, gửi Cục Đường sắt Việt Nam để giám sát việc
thực hiện biểu đồ chạy tàu chậm nhất là 10 ngày trước ngày biểu đồ chạy tàu có
hiệu lực thi hành;
b) Sau khi thực hiện quy định tại điểm a, khoản
2 Điều này, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có trách
nhiệm công bố biểu đồ chạy tàu trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang
thông tin điện tử của doanh nghiệp các nội dung sau: Các đôi tàu tổ chức chạy,
loại tàu, thành phần đoàn tàu chạy trên các tuyến đường sắt; ga xuất phát, ga
cuối cùng của các đoàn tàu; thời gian chạy tàu lữ hành của các đoàn tàu; ga đỗ
nhận khách, thời gian đỗ nhận khách; ga đỗ và thời gian đỗ tác nghiệp cắt nối
toa xe hàng;
c) Sau khi nhận được biểu đồ chạy tàu, doanh
nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy tàu của
các đôi tàu đăng ký chạy tại ga đường sắt có tác nghiệp hành khách, hàng hóa. Nội
dung công bố biểu đồ chạy tàu tại các ga bao gồm các nội dung công bố của doanh
nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia quy định tại điểm b khoản này
và các nội dung sau: Thời gian đi, đến tại các ga của các đoàn tàu trên tuyến;
các quy định cần thiết khác có liên quan đến việc lập tàu, đảm bảo an toàn chạy
tàu, đảm bảo tàu đi, đến đúng giờ, các hướng dẫn và triển khai thực hiện biểu đồ
chạy tàu.
3. Sau khi công bố biểu đồ chạy tàu mà còn có ý
kiến khác nhau về quyền được tham gia tổ chức chạy tàu của các doanh nghiệp
kinh doanh vận tải đường sắt và các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường
sắt thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chủ trì việc
đàm phán để thỏa thuận giải quyết.
4. Trường hợp có từ 02 doanh nghiệp kinh doanh vận
tải đường sắt trở lên cùng đăng ký một hành trình chạy tàu trong biểu đồ chạy
tàu thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trả giá thuê sử dụng kết cấu
hạ tầng đường sắt cao nhất sẽ được phân bổ hành trình chạy tàu theo nhu cầu của
doanh nghiệp.
Điều 10. Trình tự xây dựng,
công bố biểu đồ chạy tàu trên đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc
gia
Việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu trên đường
sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do chủ sở hữu đường sắt
chuyên dùng thực hiện trên đoạn đường sắt chuyên dùng do mình quản lý và được
thực hiện như đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc
gia quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.
Điều 11. Điều chỉnh biểu đồ
chạy tàu và chạy thêm tàu trên đường sắt
1. Trường hợp điều chỉnh biểu đồ chạy tàu có
liên quan đến việc rút ngắn hành trình chạy tàu so với hành trình đã công bố:
Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt
chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia tiến hành điều chỉnh và gửi báo
cáo giải trình lý do rút ngắn hành trình chạy tàu và biểu đồ chạy tàu điều chỉnh
tới Cục Đường sắt Việt Nam trước khi công bố để Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện
kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh, công bố và thực hiện biểu đồ chạy tàu điều
chỉnh.
2. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, tai nạn, sự
cố, trở ngại trên đường hoặc chạy thêm các đoàn tàu đặc biệt mà phải điều chỉnh
ngay hành trình chạy tàu của các đoàn tàu đang chạy trên tuyến: Doanh nghiệp
kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng
có nối ray với đường sắt quốc gia chủ động điều chỉnh để đảm bảo khôi phục
nhanh nhất việc chạy tàu theo biểu đồ chạy tàu đã công bố.
3. Việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu không thuộc
các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này (điều chỉnh cục bộ
hành trình chạy tàu): Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc
gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia tiến
hành điều chỉnh, công bố biểu đồ chạy tàu điều chỉnh và sau đó gửi biểu đồ chạy
tàu điều chỉnh cho Cục Đường sắt Việt Nam trước 05 ngày so với ngày dự kiến thực
hiện biểu đồ chạy tàu điều chỉnh.
4. Việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu quy định tại
các khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều này phải tuân theo các quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
5. Việc công bố biểu đồ chạy tàu điều chỉnh quy
định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này phải thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.
Mục 2. KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC
THỰC HIỆN BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU
Điều 12. Nội dung kiểm tra,
giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu
1. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng, công bố, điều
chỉnh biểu đồ chạy tàu.
2. Kiểm tra, giám sát sự phù hợp của biểu đồ chạy
tàu với công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng của kết cấu hạ tầng đường sắt đã
công bố, với đặc tính kỹ thuật của đầu máy, toa xe vận dụng trên từng khu đoạn,
từng tuyến và toàn mạng lưới đường sắt.
3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên
tắc và nội dung của điều hành giao thông vận tải đường sắt, trách nhiệm thực hiện
điều hành giao thông vận tải đường sắt.
4. Khi kiểm tra phát hiện ra các sai phạm thì
yêu cầu các chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia,
doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện các biện
pháp khắc phục ngay các sai phạm trong việc xây dựng, điều chỉnh, công bố, thực
hiện biểu đồ chạy tàu. Trường hợp các doanh nghiệp nói trên không thực hiện các
biện pháp khắc phục các sai phạm, uy hiếp đến an toàn chạy tàu thì được yêu cầu
doanh nghiệp tạm dừng chạy tàu cho đến khi khắc phục xong các sai phạm.
Điều 13. Cơ quan kiểm tra
giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu
Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan kiểm tra, giám
sát các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng, công bố, điều chỉnh,
thực hiện biểu đồ chạy tàu do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt
quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia
xây dựng, công bố.
Chương III
ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG VẬN
TẢI ĐƯỜNG SẮT, GIÁ ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT
Điều 14. Nguyên tắc của điều
hành giao thông vận tải đường sắt
1. Tập trung, thống nhất, tuân thủ biểu đồ chạy tàu
đã công bố bao gồm:
a) Tàu chạy trên kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp
nào thì doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm chỉ huy, điều hành tàu chạy;
b) Điều hành giao thông vận tải đường sắt phải
tuân thủ biểu đồ chạy tàu đã công bố, không tự ý điều hành giao thông vận tải
đường sắt không đúng với biểu đồ chạy tàu đã công bố khi chưa được Thủ trưởng
doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt
chuyên dùng đồng ý.
2. Bảo đảm giao thông vận tải đường sắt an toàn
thông suốt theo đúng biểu đồ chạy tàu bao gồm:
a) Không để xảy ra tai nạn, sự cố giao thông đường
sắt do chủ quan của công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt;
b) Tuân theo các quy định về chỉ huy chạy tàu được
quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đường sắt.
3. Bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh
doanh vận tải đường sắt bao gồm:
a) Điều hành giao thông vận tải đường sắt phải đảm
bảo thứ tự ưu tiên các nhóm tàu theo quy định tại Thông tư này;
b) Khi điều hành cần phải thay đổi thứ tự ưu
tiên các nhóm tàu hoặc các tàu trong nhóm thì phải có lý do và được Thủ trưởng
của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường
sắt chuyên dùng đồng ý;
c) Khi có thiên tai, tai nạn, sự cố, trở ngại
trên đường hoặc chạy thêm các đoàn tàu đặc biệt mà phải điều chỉnh ngay hành
trình chạy tàu của các đoàn tàu đang chạy trên tuyến thì việc điều hành giao
thông vận tải đường sắt phải đảm bảo việc điều chỉnh hành trình chạy tàu của
các đoàn tàu theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.
Điều 15. Nội dung của điều
hành giao thông vận tải đường sắt
1. Lập, phân bổ và công bố biểu đồ chạy tàu bao
gồm các nội dung sau đây:
a) Xây dựng, phân bổ và công bố biểu đồ chạy tàu
theo quy định tại Thông tư này;
b) Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu khi cần thiết phải
tuân theo các quy định tại Thông tư này.
2. Tổ chức chạy tàu thống nhất, tập trung, bảo đảm
an toàn, thông suốt theo đúng biểu đồ chạy tàu đã công bố, quy định về tín hiệu,
quy tắc giao thông đường sắt và mệnh lệnh chạy tàu bao gồm:
a) Tổ chức đón, gửi tàu, giải thể, lập tàu, dồn
tàu;
c) Tổ chức dồn phục vụ xếp dỡ hàng hóa;
d) Tổ chức chạy tàu, dồn tàu phục vụ thi công sửa
chữa kết cấu hạ tầng đường sắt;
e) Phối hợp chặt chẽ giữa đường sắt quốc gia với
đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia trong việc tổ chức điều
hành giao thông vận tải đường sắt.
3. Chỉ huy giải quyết các sự cố khẩn cấp hoặc bất
thường xảy ra trên đường sắt bao gồm:
a) Huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị
của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và tổ chức chạy tàu, dồn tàu
để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên đường sắt khi xảy ra tai nạn, sự cố
giao thông đường sắt;
b) Điều chỉnh hành trình chạy tàu trên từng khu
đoạn, từng tuyến đường sắt để khôi phục biểu đồ chạy tàu nhanh nhất sau các vụ
tai nạn, sự cố;
c) Tham gia phân tích, xác định nguyên nhân, đề
xuất các giải pháp khắc phục các vụ tai nạn, sự cố giao thông đường sắt;
d) Tạm đình chỉ chạy tàu khi phát hiện có nguy
cơ mất an toàn chạy tàu.
4. Thu nhận và tổng hợp thông tin liên quan đến
công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt gồm các thông tin sau:
a) Các thông tin về hành khách, hàng hóa, tai nạn,
sự cố, thi công, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt;
b) Các thông tin về hành trình chạy tàu thực tế
trên tuyến;
c) Các thông tin về vận dụng đầu máy, toa xe.
5. Phối hợp điều hành giao thông vận tải đường sắt
với các tổ chức đường sắt quốc tế bao gồm:
a) Chủ trì và phối hợp trong việc điều hành giao
thông vận tải đường sắt về tổ chức chạy tàu trong liên vận đường sắt quốc tế tại
các khu gian và ga biên giới thuộc phạm vi quản lý của đường sắt Việt Nam;
b) Chủ trì và phối hợp điều hành giao thông vận
tải đường sắt khi các lực lượng và phương tiện giao thông đường sắt của nước
ngoài vào thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Việt Nam.
6. Lưu trữ dữ liệu liên quan đến công tác điều
hành theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Trách nhiệm thực
hiện điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường
sắt quốc gia chịu trách nhiệm điều hành giao thông vận tải đường sắt trên đường
sắt quốc gia theo biểu đồ chạy tàu đã được công bố.
2. Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng chịu trách
nhiệm điều hành giao thông vận tải đường sắt trên đường sắt chuyên dùng do mình
quản lý theo biểu đồ chạy tàu đã được công bố.
Điều 17. Giá dịch vụ điều
hành giao thông vận tải đường sắt
1. Nhà nước định giá dịch vụ điều hành giao
thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư theo
hình thức giá tối đa theo từng tuyến đường.
2. Thẩm quyền định giá: Bộ Giao thông vận tải
quyết định giá tối đa trên từng tuyến đường sau khi có ý kiến tham gia của Bộ
Tài chính.
Điều 18. Nguyên tắc xây dựng
giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh
thực tế, hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường và chủ trương
chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ.
2. Không tính khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng
đường sắt do nhà nước đầu tư phục vụ công tác điều hành.
3. Không tính giá trị lợi thế thương mại của từng
tuyến đường.
Điều 19. Phương pháp xây dựng
giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Phương pháp định giá: Phương pháp chi phí.
2. Kỳ áp dụng: Năm.
3. Đơn vị tính: Đoàn tàu.Km.
Điều 20. Phê duyệt phương
án giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Hồ sơ phê duyệt, thời hạn thẩm định phương án
giá và quyết định giá thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản
lý giá.
2. Trình, thẩm định và quyết định giá: Doanh
nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia xây dựng phương án giá
trình Cục Đường sắt Việt Nam thẩm định; Bộ Giao thông vận tải quyết định giá tối
đa theo từng tuyến đường sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.
Điều 21. Điều chỉnh giá dịch
vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ điều
hành giao thông vận tải đường sắt có biến động ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống
thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia xây dựng phương
án điều chỉnh giá trình Cục Đường sắt Việt Nam thẩm định; Bộ Giao thông vận tải
quyết định giá tối đa điều chỉnh sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.
2. Việc lập hồ sơ trình, thẩm định, phê duyệt
giá điều chỉnh theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Thông tư này.
3. Khuyến mại, giảm giá dịch vụ: Doanh nghiệp
kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được quyền khuyến mại giảm giá dịch
vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt. Việc khuyến mại giảm giá dịch vụ phải
tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Trách nhiệm của Cục
Đường sắt Việt Nam
1. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực
hiện biểu đồ chạy tàu theo các nội dung quy định tại Thông tư này.
2. Tổ chức thẩm định và trình Bộ Giao thông vận tải
phê duyệt giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt tối đa cho từng
tuyến đường sắt.
3. Tổng hợp kết quả công tác kiểm tra, giám sát
trong năm, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư
để báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Điều 23. Trách nhiệm của
doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc xây
dựng, công bố, điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, điều hành giao thông vận tải đường
sắt, xây dựng phương án giá, phương án điều chỉnh giá dịch vụ điều hành giao
thông vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia quy định tại Thông tư này; cung
cấp các số liệu liên quan làm cơ sở cho việc xây dựng biểu đồ chạy tàu như: Trọng
lượng đoàn tàu, công lệnh sức kéo; thời gian tác nghiệp kỹ thuật, hành khách,
hàng hóa ở các ga; nhu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu của các doanh nghiệp
kinh doanh vận tải đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam.
2. Chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong
phạm vi quản lý thực hiện các quy định liên quan tại Thông tư này.
3. Phối hợp với chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng
có nối ray với đường sắt quốc gia trong việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và chạy
thêm tàu quy định tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư này khi
tai nạn, sự cố giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt chuyên dùng có nối
ray với đường sắt quốc gia, khi có yêu cầu.
4[2]. Gửi báo cáo với những nội dung sau:
a) Tên báo cáo: Báo cáo công
tác xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu;
b) Nội dung yêu cầu báo cáo:
Báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng, công bố, điều chỉnh biểu đồ chạy
tàu; các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; kế hoạch, biện pháp thực
hiện trong năm tới;
c) Đối tượng thực hiện báo cáo:
Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Đường
sắt Việt Nam;
đ) Phương thức gửi, nhận báo
cáo: Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện
tử, được gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống thư điện tử
hoặc qua các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
e) Thời hạn gửi báo cáo: Ngày
15 tháng 12 hằng năm;
g) Tần suất thực hiện báo cáo:
Báo cáo định kỳ hằng năm;
h) Thời gian chốt số liệu báo
cáo: Từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 năm báo cáo;
i) Đề cương báo cáo: Theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 24. Trách nhiệm của chủ
sở hữu đường sắt chuyên dùng
1. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc xây
dựng, công bố, điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, điều hành giao thông vận tải đường
sắt trên đường sắt chuyên dùng quy định tại Thông tư này; chủ sở hữu đường sắt
chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia có trách nhiệm cung cấp các số liệu
liên quan làm cơ sở cho việc xây dựng biểu đồ chạy tàu như: Trọng lượng đoàn
tàu, công lệnh sức kéo; thời gian tác nghiệp kỹ thuật, hành khách, hàng hóa ở
các ga; nhu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu của các doanh nghiệp kinh doanh
vận tải đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam.
2. Chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong
phạm vi quản lý thực hiện các quy định liên quan tại Thông tư này.
3. Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với
đường sắt quốc gia có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu
hạ tầng đường sắt quốc gia trong việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và chạy thêm
tàu quy định tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư này khi tai nạn,
sự cố giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt quốc gia, khi có yêu cầu.
4[3]. Gửi báo cáo với những nội dung sau:
a) Tên báo cáo: Báo cáo công
tác xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu;
b) Nội dung yêu cầu báo cáo:
Báo cáo kết quả thực hiện công tác xây dựng, công bố, điều chỉnh biểu đồ chạy
tàu; các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; kế hoạch, biện pháp thực
hiện trong năm tới;
c) Đối tượng thực hiện báo cáo:
Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng;
d) Cơ quan nhận báo cáo: Cục Đường
sắt Việt Nam;
đ) Phương thức gửi, nhận báo
cáo: Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện
tử, được gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua hệ thống thư điện tử
hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
e) Thời hạn gửi báo cáo: Ngày
15 tháng 12 hằng năm;
g) Tần suất thực hiện báo cáo:
Báo cáo định kỳ hằng năm;
h) Thời gian chốt số liệu báo
cáo: Từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 năm báo cáo;
i) Đề cương báo cáo: Theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 25. Trách nhiệm của
doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt
1. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về
nhu cầu vận tải, năng lực phương tiện, thiết bị vận tải phục vụ cho doanh nghiệp
kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng
để phục vụ cho việc xây dựng, công bố và điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, điều hành
giao thông vận tải đường sắt.
2. Đảm bảo phương tiện giao thông đường sắt luôn
phù hợp với kết cấu hạ tầng đường sắt do các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ
tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng công bố.
3. Thực hiện chạy tàu an toàn, đúng hành trình
đã được phân bổ trong biểu đồ chạy tàu.
4. Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu
hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường
sắt quốc gia trong việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và chạy thêm tàu quy định tại
khoản 2 Điều 11 của Thông tư này khi tai nạn, sự cố giao
thông đường sắt xảy ra trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối
ray với đường sắt quốc gia, khi có yêu cầu.
5. Kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên
quan trong phạm vi quản lý thực hiện các quy định liên quan tại Thông tư này.
6. Thực hiện các yêu cầu của Cục Đường sắt Việt
Nam trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy
tàu, điều hành giao thông vận tải đường sắt quy định tại Thông tư này.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 7 năm 2018.
2. Thông tư số 78/2015/TT-BGTVT ngày 9 tháng 12
năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng, ban hành, công bố công
lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia hết
hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 27. Quy định chuyển tiếp
Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ điều hành
giao thông vận tải đường sắt đã được ký kết theo quy định của pháp luật trước
ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định đến
hết thời hạn của hợp đồng ký kết. Trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng ký kết kể
từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải thực hiện theo quy định tại Thông
tư này.
Điều 28. Tổ chức thực hiện[4]
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ
trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Thể
|
Phụ lục 1[5]
ĐƠN VỊ:............................
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
ĐỀ
CƯƠNG BÁO CÁO
Báo cáo công tác xây dựng, công bố, điều chỉnh
biểu đồ chạy tàu và kết quả thực hiện trong năm...
Kính gửi:.................
I. YÊU CẦU CHUNG
1. Đối tượng phải báo cáo:
Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
2. Cơ quan nhận, tổng hợp báo
cáo: Cục Đường sắt Việt Nam.
3. Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 15
tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 năm báo cáo.
4. Phương thức gửi, nhận báo
cáo: Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc bản sao điện
tử, được gửi bằng một trong các phương thức sau:
- Gửi trực tiếp;
- Gửi qua dịch vụ bưu chính;
- Gửi qua hệ thống thư điện tử;
- Các phương thức khác theo quy
định của pháp luật.
5. Thời hạn gửi báo cáo: 15
tháng 12 hằng năm.
6. Tần suất thực hiện báo cáo:
Báo cáo định kỳ hằng năm.
II. PHẦN NỘI DUNG
1. Tình hình thực hiện: Tổng hợp công tác xây dựng,
công bố, điều chỉnh biểu đồ chạy tàu; kế hoạch chạy tàu.
2. Kết quả đạt được
- Tổng hợp kết quả thực hiện về:
+ Biểu đồ chạy tàu khách (Tổng
số đoàn tàu khách trên các tuyến đường sắt hiện có);
+ Biểu đồ chạy tàu hàng (Tổng số
đoàn tàu hàng trên các tuyến đường sắt hiện có);
+ Điều chỉnh Biểu đồ chạy tàu:
Tổng hợp kết quả điều chỉnh biểu đồ chạy tàu (số lần điều chỉnh, lý do điều chỉnh).
- Tổ chức thực hiện: Báo cáo kết
quả thực hiện phải được người đại diện pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh kết
cấu hạ tầng ký xác nhận và đóng dấu đỏ.
- Biểu mẫu số liệu kèm theo (nếu có)
3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại,
hạn chế: Các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
4. Phương hướng nhiệm vụ; đề xuất, kiến nghị
- Kế hoạch, biện pháp thực hiện
trong năm tới.
- Đề xuất, kiến nghị.
.........,
ngày..... tháng..... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký và đóng dấu)
Phụ lục 2[6]
ĐƠN VỊ:............................
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
ĐỀ
CƯƠNG BÁO CÁO
Báo cáo công tác xây dựng, công bố, điều chỉnh
biểu đồ chạy tàu và kết quả thực hiện trong năm...
Kính gửi:.................
I. YÊU CẦU CHUNG
1. Đối tượng phải báo cáo: Chủ
sở hữu đường sắt chuyên dùng.
2. Cơ quan nhận, tổng hợp báo
cáo: Cục Đường sắt Việt Nam.
3. Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 15
tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 năm báo cáo.
4. Phương thức gửi, nhận báo
cáo: Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc bản sao điện
tử, được gửi bằng một trong các phương thức sau:
- Gửi trực tiếp;
- Gửi qua dịch vụ bưu chính;
- Gửi qua hệ thống thư điện tử;
- Các phương thức khác theo quy
định của pháp luật.
5. Thời hạn gửi báo cáo: 15
tháng 12 hằng năm.
6. Tần suất thực hiện báo cáo:
Báo cáo định kỳ hằng năm.
II. PHẦN NỘI DUNG
1. Tình hình thực hiện:
Công tác xây dựng, công bố, điều
chỉnh biểu đồ chạy tàu; kế hoạch chạy tàu.
2. Kết quả đạt được
- Kết quả thực hiện về biểu đồ
chạy tàu hàng.
- Tổ chức thực hiện: Kế hoạch
chạy tàu có chữ ký xác nhận của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp kinh
doanh kết cấu hạ tầng và dấu đỏ.
- Điều chỉnh Biểu đồ chạy tàu:
Tổng hợp kết quả điều chỉnh biểu đồ chạy tàu (số lần điều chỉnh, lý do điều chỉnh).
- Tổ chức thực hiện: Báo cáo kết
quả thực hiện phải được người đại diện pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh kết
cấu hạ tầng ký xác nhận và đóng dấu đỏ.
- Biểu mẫu số liệu kèm theo (nếu
có).
3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại,
hạn chế: Các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
4. Phương hướng nhiệm vụ; đề xuất, kiến nghị.
- Kế hoạch, biện pháp thực hiện
trong năm tới.
- Đề xuất, kiến nghị.
.........,
ngày..... tháng..... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
[1]
Thông tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về
chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10
tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24
tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành
chính nhà nước;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ và Cục
trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo
cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt.”
[2]
Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông
tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế
độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12
năm 2020.
[3]
Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông
tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế
độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12
năm 2020.
[4]
Điều 7 của Thông tư số
24/2020/TT-BGTVT ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định
kỳ trong lĩnh vực đường sắt, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 12 năm 2020 quy định như sau:
“ Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Chánh Văn phòng
Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, các Cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục
Đường bộ Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình
thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giao
thông vận tải để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.”
[5]
Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông
tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế
độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12
năm 2020.
[6]
Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông
tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ
báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12
năm 2020.