BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/VBHN-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2019
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016, được
sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm
2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30
tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản
lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm
2018.
Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29
tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng
Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng
5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất
đai;
Căn cứ Nghị định số 66/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng
8 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhà chức trách hàng không;
Căn cứ Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng
12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng
giao thông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết
về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay1.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay có hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam.
2. Các nội dung về quy hoạch và quản lý quy hoạch cảng
hàng không, sân bay; quản lý, sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay; yêu cầu
đối với hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay; quản lý xây dựng, cải tạo,
nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình tại cảng hàng không, sân bay; đưa công
trình vào khai thác, đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay; quản lý, khai thác
thiết bị hàng không và phương tiện hoạt động tại cảng hàng không, sân bay; bảo
đảm khai cảng hàng không, sân bay; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại
cảng hàng không, sân bay; kinh doanh dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng
hàng không, sân bay được quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với sân
bay chuyên dùng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên
quan đến hoạt động hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay của Việt
Nam.
Điều 3. Định nghĩa, thuật ngữ,
chữ viết tắt
1. Điểm quy chiếu sân bay (Aerodrome Reference
Point) là điểm đánh dấu vị trí địa lý của sân bay.
2. Khu bay (Airfield) là phần sân bay dùng cho tàu
bay cất cánh, hạ cánh và lăn, bao gồm cả khu cất hạ cánh và các sân đỗ tàu bay.
3. Sân đỗ tàu bay (Apron) là khu vực được xác định
trong sân bay dành cho tàu bay đỗ để phục vụ hành khách lên, xuống; xếp, dỡ
hành lý, bưu gửi, hàng hóa; tiếp nhiên liệu; cung ứng suất ăn; phục vụ kỹ thuật
hoặc bảo dưỡng tàu bay.
4. Đường cất hạ cánh (Runway) là một khu vực hình
chữ nhật được xác định trên mặt đất tại khu bay dùng cho tàu bay cất cánh và hạ
cánh.
5. Vị trí chờ lên đường cất hạ cánh (Runway -
Holding position) là vị trí được lựa chọn trên đường lăn hoặc khu vực tới hạn của
hệ thống thiết bị ILS/MLS mà ở đó tàu bay và phương tiện đang vận hành phải dừng
lại chờ huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu cho phép lăn tiếp, nhằm mục đích
đảm bảo an toàn khai thác cho đường cất hạ cánh, không ảnh hưởng đến bề mặt giới
hạn chướng ngại vật (OLS).
6. Lề đường (Shoulder) là khu vực tiếp giáp với mép
mặt đường được chuẩn bị tốt nhằm đảm bảo chuyển tiếp êm thuận giữa mặt đường và
bề mặt tiếp giáp.
7. Khu vực an toàn tại vị trí đỗ tàu bay (Aircraft
Safety Area on the Parking) là khu vực hạn chế nằm trong ranh giới có đường kẻ
màu đỏ xung quanh vị trí đỗ của tàu bay.
8. Phương tiện chuyên ngành hàng không là phương tiện
hoạt động tại khu vực hạn chế, đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không,
phục vụ trực tiếp cho hoạt động của cảng hàng không, sân bay.
9. Đường giao thông nội bộ trong sân bay là đường để
các phương tiện di chuyển trong khu bay, không bao gồm tàu bay.
10. Đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không
là đường giao thông trong ranh giới cảng hàng không, không bao gồm đường giao
thông do địa phương quản lý và đường giao thông nội bộ trong sân bay.
11. Tài liệu khai thác cảng hàng không, sân bay bao
gồm tài liệu khai thác sân bay và tài liệu khai thác công trình thuộc kết cấu hạ
tầng cảng hàng không, sân bay.
12. Người khai thác công trình là tổ chức, cá nhân
trực tiếp quản lý, khai thác công trình thuộc cảng hàng không, sân bay.
13. Các chữ viết tắt
ACN (Aircraft Classification Number): chỉ số phân cấp
của tàu bay.
AIP (Aeronautical Information Publication): tập
thông báo tin tức hàng không.
ASDA (Accelerate - Stop Distance Available): cự ly
có thể dừng khẩn cấp.
IATA (International Air Transport Association): Hiệp
hội Vận tải hàng không quốc tế.
ICAO (International Civil Aviation Organization): Tổ
chức Hàng không dân dụng quốc tế.
ILS (Instrument Landing System): hệ thống hạ cánh,
bằng thiết bị.
LDA (Landing Distance Available): cự ly có thể hạ
cánh.
MLS (Microwave Landing System): hệ thống hạ cánh bằng
sóng ngắn.
PCN (Pavement Classification Number): chỉ số phân cấp
mặt đường.
TODA (Take - Off Distance Available): cự ly có thể
cất cánh.
TORA (Take - Off Run Available): cự ly chạy đà cất
cánh.
WGS (World Geodetic System): hệ thống đo đạc toàn cầu.
Chương II
QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ QUY
HOẠCH CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 4. Lập và phê duyệt nhiệm
vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng
không, sân bay toàn quốc
1. Nội dung nhiệm vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch
tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc bao gồm:
a) Căn cứ pháp lý và sự cần thiết;
b) Luận cứ, cơ sở hình thành phạm vi, mục tiêu, định
hướng phát triển và thời hạn quy hoạch;
c) Khái quát dự báo nhu cầu vận chuyển hàng không,
nhu cầu phát triển của các ngành có liên quan, kinh, tế xã hội của cả nước;
d) Các yêu cầu trong thu thập số liệu, phân tích,
đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển giao thông vận tải lĩnh vực hàng
không dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, yêu cầu về đánh giá môi trường chiến lược;
đ) Xác định các chỉ tiêu phát triển, chức năng của
từng cảng hàng không; các yêu cầu cụ thể về quy hoạch mạng đường bay, đội tàu
bay, quản lý bảo đảm hoạt động bay, công nghiệp hàng không, nguồn lực và cơ sở
đào tạo, doanh nghiệp hàng không cùng các tiềm năng, động lực phát triển theo từng
giai đoạn;
e) Xác định danh mục, số lượng hồ sơ, sản phẩm;
g) Xác định giải pháp, tiến độ và tổ chức thực hiện;
h) Xác định dự toán, nguồn kinh phí lập quy hoạch.
2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tổ chức lập
và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch
tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Điều 5. Lập và phê duyệt nhiệm
vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay
1. Nội dung nhiệm vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch
chi tiết cảng hàng không, sân bay bao gồm:
a) Luận cứ, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch, điều
chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay, cơ sở căn cứ lập quy hoạch;
xác định mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch;
b) Xác định tính chất, vai trò cảng hàng không, sân
bay. Dự báo sơ bộ tính chất, quy mô cảng hàng không, sân bay cùng các chỉ tiêu
cơ bản về đất đai và hạ tầng kỹ thuật;
c) Xác định yêu cầu và khảo sát, đánh giá hiện trạng,
điều kiện tự nhiên, điều kiện địa hình của khu vực để lựa chọn hướng đường cất
hạ cánh và xây dựng phương thức bay;
d) Xác định yêu cầu, phạm vi, khối lượng khảo sát địa
hình, khối lượng khảo sát địa chất khu vực dự kiến quy hoạch chi tiết cảng hàng
không, sân bay;
đ) Yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược và các
yêu cầu khác phù hợp với mục tiêu phát triển đặc thù của khu vực;
e) Xác định danh mục, số lượng hồ sơ, sản phẩm, tiến
độ và tổ chức thực hiện;
g) Xác định tổng dự toán, nguồn kinh phí lập quy hoạch.
2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tổ chức lập
và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, điều chỉnh
quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay.
Điều 6. Lập và phê duyệt nhiệm
vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng
không, sân bay
1. Nội dung nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, điều chỉnh
quy hoạch xây dựng khu chức năng cảng hàng không, sân bay bao gồm:
a) Xác định ranh giới, diện tích khu vực lập hoặc điều
chỉnh quy hoạch chi tiết; chỉ tiêu sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật;
b) Nguyên tắc cơ bản đối với việc phân tích đánh
giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng; yêu cầu về chiều cao tối đa được phép xây dựng
công trình; yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh, quan, hạ tầng kỹ thuật đảm
bảo phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay;
c) Xác định danh mục, số lượng hồ sơ, sản phẩm; tiến
độ và tổ chức thực hiện;
d) Xác định tổng dự toán, nguồn kinh phí lập quy hoạch
chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng không, sân bay.
2. Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt nhiệm vụ quy
hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng
không, sân bay.
Điều 7. Sử dụng nguồn tài trợ của
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay
1. Nguồn tài trợ kinh phí lập quy hoạch cảng hàng
không, sân bay từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước là nguồn tài trợ tự nguyện
không hoàn lại bằng tiền.
2. Căn cứ nhu cầu lập quy hoạch và khả năng đáp ứng
nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam công bố danh mục
quy hoạch cảng hàng không, sân bay có nhu cầu sử dụng nguồn tài trợ kinh phí
ngoài ngân sách nhà nước để lập quy hoạch.
3. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức tiếp nhận, quản
lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ đối với quy hoạch tổng thể phát triển hệ
thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, quy hoạch chi tiết cảng hàng không,
sân bay, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng không, sân bay
theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 8. Thủ tục lập, điều chỉnh,
trình quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc
1. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập, điều chỉnh
quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trình
Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ đề nghị phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ
thống cảng hàng không, sân bay bao gồm các tài liệu sau:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt quy hoạch;
b) Hồ sơ quy hoạch, bao gồm thuyết minh quy hoạch,
báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và các bản vẽ có liên quan;
c) Văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan;
d) Văn bản giải trình các ý kiến góp ý của các cơ
quan, đơn vị liên quan;
đ) Số lượng bộ hồ sơ: 15 bộ.
2. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên
quan, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Điều 9. Thủ tục lập, điều chỉnh,
thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay
1. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập, điều chỉnh
quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay, trình Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ
đề nghị phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay bao gồm các tài
liệu sau:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt quy hoạch;
b) Hồ sơ quy hoạch, bao gồm thuyết minh quy hoạch
và các bản vẽ có liên quan;
c) Văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan;
d) Văn bản giải trình các ý kiến góp ý của các cơ
quan, đơn vị liên quan;
đ) Số lượng bộ hồ sơ: 15 bộ.
2. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên
quan, tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân
bay.
Điều 10. Thủ tục lập, điều chỉnh,
thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng không,
sân bay
1. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập, điều chỉnh,
phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng không, sân bay.
2. Hồ sơ phê duyệt quy hoạch bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt quy hoạch;
b) Hồ sơ quy hoạch, bao gồm thuyết minh quy hoạch
và các bản vẽ có liên quan;
c) Văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên
quan;
d) Văn bản giải trình các ý kiến góp ý của các cơ
quan, đơn vị liên quan.
Điều 11. Công bố công khai quy
hoạch cảng hàng không, sân bay
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt,
quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải được công bố công khai.
2. Bộ Giao thông vận tải tổ chức công bố quy hoạch
tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; chủ trì phối hợp
với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức công bố quy hoạch chi tiết cảng
hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật.
3. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức công bố quy hoạch
chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng không, sân bay tại cảng hàng không,
sân bay theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm quản lý
quy hoạch của Cục Hàng không Việt Nam
1. Giám sát việc thực hiện quy hoạch cảng hàng
không, sân bay.
2. Cung cấp thông tin quy hoạch cho tổ chức, cá
nhân khi có yêu cầu.
3. Báo cáo Bộ Giao thông vận tải tình hình thực hiện
quy hoạch các cảng hàng không, sân bay hàng năm hoặc khi được Bộ Giao thông vận
tải yêu cầu.
Điều 13. Trách nhiệm quản lý
quy hoạch của Cảng vụ hàng không
1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch cảng
hàng không, sân bay.
2. Cung cấp thông tin quy hoạch cho tổ chức, cá
nhân khi có yêu cầu.
3. Phối hợp với chính quyền địa phương quản lý mốc
giới, ranh giới cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch được duyệt.
4. Báo cáo Cục Hàng không Việt Nam tình hình thực
hiện quy hoạch các cảng hàng không, sân bay hàng năm hoặc khi được Cục Hàng
không Việt Nam yêu cầu.
Chương III
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT TẠI
CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 14. Xác định ranh giới đất
1. Đất tại cảng hàng không, sân bay bao gồm:
a) Đất thuộc khu vực sử dụng riêng cho hoạt động
dân dụng;
b) Đất thuộc khu vực sử dụng riêng cho hoạt động
quân sự;
c) Đất thuộc khu vực sử dụng chung cho hoạt động
dân dụng và quân sự do quân sự quản lý;
d) Đất thuộc khu vực sử dụng chung cho hoạt động
dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý.
2. Căn cứ quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân
bay đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Cục Hàng không Việt Nam chủ trì,
phối hợp với Quân chủng Phòng không Không quân và các đơn vị có liên quan xác định
ranh giới đất thuộc khu vực sử dụng riêng cho hoạt động dân dụng, đất thuộc khu
vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý; báo
cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng để thống nhất và phê duyệt theo quy định.
3. Cảng vụ hàng không thực hiện việc cắm mốc giới
theo ranh giới đất cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi quản lý được cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
Điều 15. Xác định và đăng ký
nhu cầu sử dụng đất trong lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
1. Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng
hàng không, sân bay toàn quốc, quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay đã được
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm xác định
nhu cầu sử dụng đất để xây dựng cảng hàng không, sân bay, báo cáo Bộ Giao thông
vận tải để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
cấp quốc gia, cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc
gia, cấp tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Cảng vụ hàng không xác định
và tổng hợp nhu cầu sử dụng đất trong năm kế hoạch để xây dựng, mở rộng cảng
hàng không, sân bay và gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị
xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) nơi
có đất trước 06 tháng kể từ ngày 01 tháng 01 của năm kế hoạch tiếp theo sau khi
đã có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 16. Căn cứ giao đất, cho
thuê đất
1. Quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay đã
được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư,
đơn đề nghị giao đất, thuê đất.
Điều 17. Thủ tục giao đất tại
cảng hàng không sân bay 2
1. Tổ chức có nhu cầu sử dụng đất gửi 01 bộ hồ sơ đề
nghị giao đất trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu điện hoặc bằng các hình thức khác
đến Cảng vụ hàng không. Hồ sơ đề nghị giao đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị giao đất theo Mẫu
số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối
với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không tại cảng hàng
không, sân bay;
c) 3Bản sao từ sổ gốc
hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực
(trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ
qua đường bưu chính) văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê
duyệt đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
d) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích
đo địa chính thửa đất.
2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì
trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cảng vụ
hàng không thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ
theo quy định.
3. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cảng vụ hàng không thông báo bằng văn bản lý do từ
chối việc giao đất cho tổ chức đề nghị hoặc ban hành quyết định giao đất theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông
tư này; tổ chức bàn giao đất trên thực địa và lập biên bản bàn giao theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông
tư này.
4. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ
ngày có quyết định giao đất, Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi quyết định
giao đất, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đến Cục
Hàng không Việt Nam, Văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa
chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Điều 18. Thủ tục cho thuê đất
không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất tại cảng hàng không, sân
bay4
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất gửi 01 bộ
hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác
đến Cảng vụ hàng không. Hồ sơ đề nghị cho thuê đất bao gồm:
a) Đơn đề nghị cho thuê đất theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông
tư này;
b)5 Bản sao từ sổ gốc
hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực
(trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ
qua đường bưu chính) văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê
duyệt đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
c) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối
với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không tại cảng hàng
không, sân bay;
d) Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích
đo địa chính thửa đất.
2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì
trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cảng vụ
hàng không thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ
theo quy định.
3.6 Trong thời hạn
không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định, Cảng vụ
hàng không ban hành quyết định cho thuê đất theo Mẫu số
03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; tiến hành bàn giao
đất trên thực địa và lập biên bản bàn giao theo Mẫu số
04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; gửi quyết định cho
thuê đất, hồ sơ đề nghị thuê đất của tổ chức, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền
của địa phương để đề nghị ban hành đơn giá thuê đất theo quy định.
4.7 Sau thời hạn 03
ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn giá thuê đất, Cảng vụ hàng không ký hợp
đồng thuê đất theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục
ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ
ngày có quyết định cho thuê đất, Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi quyết định
cho thuê đất, trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa
đất đến Cục Hàng không Việt Nam, Văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật, chỉnh
lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Điều 19. Cho thuê đất theo
hình thức đấu giá quyền sử dụng đất
1. Cảng vụ Hàng không có trách nhiệm tổ chức thực
hiện việc cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của
pháp luật
2. Cảng vụ hàng không phê duyệt kết quả trúng đấu
giá quyền sử dụng đất; gửi quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử
dụng đất, trích lục hoặc trích đo bản đồ địa chính khu đất đến Cục Hàng không
Việt Nam, Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa
chính, cơ sở dữ liệu đất đai; ký hợp đồng thuê đất đối với tổ chức, cá nhân
trúng đấu giá quyền sử dụng đất
Điều 20. Gia hạn cho thuê đất
tại cảng hàng không, sân bay8
1. Việc gia hạn thời gian thuê đất thực hiện trên
cơ sở quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
2. Trước khi hết thời hạn thuê đất tối thiểu là 06
tháng, tổ chức, cá nhân sử dụng đất gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống
bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cảng vụ hàng không. Hồ sơ bao
gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn thời gian thuê đất;
b) 9Bản sao từ sổ gốc
hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực
(trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ
qua đường bưu chính) quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, chứng từ đã thực
hiện xong nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật của năm gần
nhất;
c) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc điều
chỉnh dự án đầu tư đối với trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư mà có thay đổi thời
hạn hoạt động của dự án (nếu có);
d) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc gia hạn
thời hạn của dự án đầu tư.
3. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì
trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cảng vụ
hàng không thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ
theo quy định.
4. 10Trong thời hạn
không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cảng vụ
hàng không ban hành quyết định gia hạn cho thuê đất theo Mẫu
số 11 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; gửi quyết định
gia hạn cho thuê đất, hồ sơ đề nghị thuê đất của tổ chức, cá nhân đến cơ quan
có thẩm quyền của địa phương để đề nghị ban hành đơn giá thuê đất theo quy định.
5.11 Sau thời hạn 03
ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn giá thuê đất, Cảng vụ hàng không ký hợp
đồng thuê đất theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục
ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ
ngày có quyết định gia hạn thuê đất, Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi quyết
định gia hạn thuê đất, đến Cục Hàng không Việt Nam, Văn phòng đăng ký đất đai
nơi có đất để cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Điều 21. Thủ tục thu hồi đất
do vi phạm pháp luật
1. Trường hợp vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất,
khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản
về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.
Trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai không thuộc
trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì cơ quan có thẩm quyền thanh tra,
kiểm tra lập biên bản xác định hành vi vi phạm để làm căn cứ quyết định thu hồi
đất.
2. Trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày lập
biên bản hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra có trách
nhiệm gửi biên bản hành vi vi phạm đến Cảng vụ hàng không.
3. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được biên bản hành vi vi phạm, Cảng vụ hàng không có trách nhiệm thẩm
tra, xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết và ban hành quyết định thu hồi
đất theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành
kèm theo Thông tư này.
4. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ
ngày có quyết định thu hồi đất, Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi quyết định
thu hồi đất, trích lục hoặc trích đo bản đồ địa chính khu đất thu hồi đến Cục
Hàng không Việt Nam, Văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa
chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Điều 22. Thủ tục thu hồi đất
do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất
1. Cảng vụ hàng không thực hiện thủ tục thu hồi đất
do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất khi:
a) Nhận được văn bản trả lại đất của tổ chức, cá
nhân được Cảng vụ hàng không giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất
nay chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
b) Nhận được quyết định giải thể, phá sản của cơ
quan có thẩm quyền đối với tổ chức được Cảng vụ hàng không giao đất không thu
tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất;
c) Nhận được giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố
một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có
người thừa kế của cơ quan có thẩm quyền đối với cá nhân được Cảng vụ hàng không
cho thuê đất.
2. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được các văn bản quy định tại các khoản 1 của Điều này, Cảng vụ hàng
không có trách nhiệm thẩm tra và xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết;
ban hành quyết định thu hồi đất theo Mẫu số 06
quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ
ngày có quyết định thu hồi đất, Cảng vụ hàng không có trách nhiệm gửi quyết định
thu hồi đất, trích lục hoặc trích đo bản đồ địa chính khu đất thu hồi đến Cục
Hàng không Việt Nam, Văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa
chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Điều 23. Quản lý hồ sơ đất đai
tại cảng hàng không, sân bay
1. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm quản lý toàn bộ
hồ sơ đất đai cảng hàng không, sân bay.
2. Hồ sơ đất đai cảng hàng không, sân bay bao gồm:
a) Quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động hàng
không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương cấp cho Cảng vụ hàng không;
b) Hồ sơ đề nghị giao đất, cho thuê đất của các tổ
chức, cá nhân;
c) Các tài liệu khác có liên quan.
Chương IV
QUẢN LÝ KHAI THÁC CẢNG
HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Mục 1. YÊU CẦU ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG
KHAI THÁC CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 24. Yêu cầu chung
1. Cảng hàng không, sân bay, công trình thuộc kết cấu
hạ tầng cảng hàng không, sân bay được thiết kế, khai thác theo tiêu chuẩn của
ICAO, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng và quy định của Thông tư này.
2. Cảng hàng không, sân bay phải có tài liệu khai
thác sân bay, tài liệu khai thác công trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không,
sân bay được phê duyệt, ban hành theo quy định.
3. Công trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng
không, sân bay phải được kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và bảo trì để đảm
bảo đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn khai thác, tài liệu khai thác
đã được ban hành.
4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu
trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm an
toàn hàng không, an ninh hàng không và chất lượng dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn,
điều kiện theo quy định; ban hành và tổ chức thực hiện tài liệu khai thác sân
bay.
5. Người khai thác công trình chịu trách nhiệm tổ
chức quản lý, khai thác công trình thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm an toàn hàng
không, an ninh hàng không và chất lượng dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện
theo quy định; ban hành và tổ chức thực hiện tài liệu khai thác công trình.
6. Cảng vụ hàng không lập phương án, phân định
trách nhiệm xây dựng, quản lý chung hàng rào ranh giới đất cảng hàng không, sân
bay; giao trách nhiệm xây dựng, quản lý hàng rào ranh giới đất thuộc phạm vi quản
lý của các đơn vị, doanh nghiệp tại cảng hàng không, sân bay.
7. Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không có
trách nhiệm xây dựng, lưu trữ, cập nhật hệ thống tài liệu kỹ thuật phục vụ việc
cấp giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay và hoạt động khai thác cảng
hàng không, sân bay, bao gồm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam,
quy định của ICAO, tiêu chuẩn nước ngoài do Cục Hàng không Việt Nam công nhận
hoặc áp dụng liên quan tới việc thiết kế, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sân
bay.
8. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm rà soát,
đánh giá, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khai thác sân bay và thông
báo cho ICAO sự khác biệt giữa các quy định của pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn
của ICAO.
Điều 25. Yêu cầu đối với kết cấu
hạ tầng sân bay
1. Kết cấu hạ tầng sân bay được khai thác chung cho
hoạt động của sân bay, trừ sân đỗ tàu bay được giao đồng bộ cho cơ sở bảo dưỡng
tàu bay.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu
trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng sân bay thuộc
phạm vi được giao quản lý, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tài liệu
khai thác sân bay.
3. Việc khai thác đường cất hạ cánh, đường lăn, sân
đỗ tàu bay phải tuân thủ các thông số kỹ thuật đã được công bố và các quy định
về an toàn khai thác. Cục Hàng không Việt Nam ban hành hướng dẫn thực hiện các
quy định về an toàn khai thác đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay.
4. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay chủ
trì, phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay để lập phương án vận
hành tàu bay trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay.
Người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách
nhiệm phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay lập phương án vận
hành tàu bay trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay; cập nhật vào
tài liệu khai thác sân bay, trừ trường hợp áp dụng tạm thời trong giai đoạn cải
tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình liên quan.
5. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có
trách nhiệm xác định, xác định lại các thông số kỹ thuật chính của đường cất hạ
cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, sơ đồ bố trí vị trí đỗ tàu bay khi có sự thay
đổi; báo cáo Cục Hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam công bố trên Tập thông báo
tin tức hàng không các thông số kỹ thuật chính của cảng hàng không, sân bay
theo tiêu chuẩn của ICAO.
6. Các thông số kỹ thuật chính của đường cất hạ
cánh bao gồm:
a) Ký hiệu đường cất hạ cánh;
b) Chiều dài, chiều rộng đường cất hạ cánh;
c) Chiều dài, chiều rộng lề đường cất hạ cánh;
d) Dải bay, khu vực bảo hiểm 2 đầu cất hạ cánh, đoạn
dừng và khoảng trống đầu đường cất hạ cánh;
đ) Tọa độ ngưỡng đường CHC (theo tọa độ WGS-84);
e) Độ dốc dọc đường cất hạ cánh;
g) Độ dốc ngang đường cất hạ cánh;
h) Sức chịu tải của đường cất hạ cánh;
i) Loại tầng phủ bề mặt đường cất hạ cánh, lề đường
cất hạ cánh;
k) Hệ số ma sát;
l) Các cự ly công bố: TORA, TODA, ASDA, LDA.
7. Các thông số kỹ thuật chính của đường lăn bao gồm:
a) Ký hiệu đường lăn;
b) Chiều dài, chiều rộng đường lăn;
c) Chiều dài, chiều rộng lề đường lăn;
d) Độ dốc dọc đường lăn;
đ) Độ dốc ngang đường lăn;
e) Sức chịu tải của đường lăn;
g) Loại tầng phủ bề mặt của đường lăn;
h) Dải lăn.
8. Phương án khai thác và sơ đồ bố trí vị trí đỗ
tàu bay bao gồm:
a) Phương án vận hành tàu bay từ đường cất hạ cánh,
đường lăn vào sân đỗ và ngược lại;
b) Sơ đồ sơn kẻ bố trí mặt bằng khai thác đường cất
hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và vị trí đỗ tàu bay;
c) Tọa độ vị trí đỗ tàu bay, vị trí của các hệ thống
chỉ dẫn chuyển động tàu bay trên mặt đất (theo tọa độ WGS-84);
d) Loại tàu bay khai thác đối với từng vị trí đỗ;
đ) Quy trình khai thác, phương án cung cấp dịch vụ
đối với từng vị trí đỗ.
9. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải đảm
bảo đường lăn, sân đỗ tàu bay có đầy đủ sơn tín hiệu, biển báo hoặc đèn chỉ dẫn
cho tàu bay tự vận hành lăn an toàn vào vị trí đỗ theo tiêu chuẩn; chỉ cung cấp
dịch vụ xe dẫn đường tàu bay (follow-me) theo yêu cầu của người khai thác tàu
bay. Đối với cảng hàng không, sân bay chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cho việc
tàu bay tự di chuyển an toàn vào vị trí đỗ, người khai thác cảng hàng không,
sân bay có trách nhiệm cung cấp miễn phí dịch vụ xe dẫn đường tàu bay để dẫn dắt
tàu bay vào vị trí đỗ; báo cáo Cục Hàng không Việt Nam kế hoạch khắc phục cơ sở
hạ tầng của sân bay.
10. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải
đánh giá các ảnh hưởng đối với an toàn khai thác khi có sự thay đổi các thông số
kỹ thuật và phương án khai thác của kết cấu hạ tầng sân bay.
11. Người và phương tiện chỉ được vào khu bay để thực
hiện nhiệm vụ và phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Tuân thủ tuyệt đối các quy định về công tác bảo
đảm an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay;
b) Giữ liên lạc thường xuyên, thông suốt bằng bộ
đàm với đài kiểm soát không lưu và đài kiểm soát mặt đất, tuyệt đối tuân thủ huấn
lệnh của kiểm soát viên không lưu;
c) Mặc áo phản quang hoặc áo có gắn dải phản quang;
d) Giữ khoảng cách an toàn tối thiểu với tàu bay
theo tiêu chuẩn của ICAO theo cấp sân bay khi có tàu bay hoạt động.
12. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải
xây dựng, lắp đặt hệ thống biển báo, đèn, biển chỉ dẫn, sơn kẻ tín hiệu, biển cấm
đối với hạ tầng sân bay nhằm hướng dẫn, bảo đảm an toàn khai thác; thực hiện
các biện pháp chống sự xâm nhập uy hiếp an toàn vào đường cất hạ cánh, đường
lăn, sân đỗ; thiết lập các khu vực chờ tại đường ngang giao giữa đường lăn và
đường cất hạ cánh, các vị trí chờ dự bị và vị trí chờ trên đường nội bộ; đánh
giá rủi ro để bảo đảm khu vực xung quanh đường cất hạ cánh được an toàn trong
trường hợp tàu bay chạy quá đà hoặc hạ cánh quá khu vực tiếp đất.
13. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải bố
trí tối thiểu 01 vị trí đỗ tàu bay cách ly phục vụ cho các tình huống khẩn nguy
sân bay, chống dịch bệnh lây lan hoặc trong các tình huống bảo đảm an ninh hàng
không, an ninh quốc phòng. Vị trí đỗ tàu bay cách ly phải bố trí cách xa các vị
trí đỗ tàu bay khác, nhà cửa hoặc các công trình công cộng khác, đảm bảo thuận
lợi cho công tác an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy và xử lý nghiệp vụ.
Không bố trí vị trí đỗ tàu bay cách ly phía trên các công trình, ngầm như bể chứa
nhiên liệu tàu bay, hệ thống đường ống cung cấp nhiên liệu cho tàu bay, tuyến
cáp điện lực hoặc cáp thông tin.
14. Khu vực bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay phải được bố
trí biệt lập so với nhà ga hành khách, hàng hóa để giảm tối đa ảnh hưởng đến
nhà ga hành khách, hàng hóa do tiếng ồn, luồng khí thải, nhiên liệu gây ra; phải
có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, dầu thải và các chất thải độc hại khác
đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
15. Dải, lề bảo hiểm bao gồm dải bảo hiểm 2 đầu cất
hạ cánh, dải bảo hiểm sườn và các dải, lề bảo hiểm khác phải tuân thủ theo tiêu
chuẩn của ICAO và các quy định sau:
a) Đảm bảo độ chặt, độ bằng phẳng; cỏ trên dải, lề
bảo hiểm phải được duy trì không cao quá 30 cm;
b) Việc lắp đặt các thiết bị phụ trợ dẫn đường
trong phạm vi dải, lề bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt
Nam về quản lý chướng ngại vật hàng không và Phụ lục 14 của Công ước Chicago.
16. Việc khai thác tàu bay tại cảng hàng không, sân
bay phải phù hợp với sức chịu tải đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay
đã được công bố. Trong từng điều kiện khai thác cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam
xem xét, quyết định tiêu chuẩn áp dụng đối với việc khai thác tàu bay có chỉ số
ACN lớn hơn chỉ số PCN của đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ.
17. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có
trách nhiệm đo sức chịu tải đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, tẩy vệt
cao su đường cất hạ cánh; đo hệ số ma sát bề mặt đường cất hạ cánh trong trường
hợp xây mới, nâng cấp; đo định kỳ hoặc đột xuất hệ số ma sát của đường cất hạ
cánh theo hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam để đảm bảo hệ số ma sát tối thiểu
cho phép của đường cất hạ cánh. Sức chịu tải đường cất hạ cánh, đường lăn, sân
đỗ tàu bay và hệ số ma sát bề mặt đường cất hạ cánh được công bố trong Tập
thông báo tin tức hàng không, tài liệu khai thác sân bay. Trong trường hợp cần
thiết để đảm bảo an toàn khai thác, Cục Hàng không Việt Nam chỉ định đơn vị có
đủ năng lực và tư cách pháp nhân thực hiện đo sức chịu tải, hệ số ma sát; chi
phí đo do người khai thác cảng hàng không, sân bay đảm bảo.
18. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có
trách nhiệm kiểm tra thường xuyên tình trạng mặt đường cất hạ cánh, đường lăn,
sân đỗ tàu bay nhằm loại bỏ các vật ngoại lai; xác định, công bố tình trạng ngập
nước ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại khu bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ bảo
đảm hoạt động bay để điều hành an toàn hoạt động bay, khai thác mặt đất theo
quy định.
19. Người khai thác cảng hàng không, sân bay thực
hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa tàu bay di chuyển vào các đường cất hạ cánh,
đường lăn, sân đỗ đang đóng cửa.
Điều 26. Yêu cầu đối với giao
thông trong cảng hàng không, sân bay
1. Đường giao thông trong cảng hàng không, sân bay
bao gồm:
a) Đường giao thông nội bộ trong sân bay;
b) Đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu
trách nhiệm xây dựng, bảo trì, sửa chữa đường giao thông nội bộ trong sân bay.
3. Cảng vụ hàng không chịu trách nhiệm lập kế hoạch
và tổ chức thực hiện việc xây dựng, bảo trì đường giao thông nội bộ trong cảng
hàng không theo quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định hoặc
phân bổ chi phí thực hiện cho các đơn vị sử dụng.
4. Giao thông trong sân bay tuân thủ theo tài liệu
khai thác sân bay.
5. Giao thông ngoài sân bay được thực hiện theo quy
định của pháp luật về giao thông.
Điều 27. Yêu cầu đối với nhà
ga hành khách, nhà ga hàng hóa
1. Nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa phải có các
khu vực làm thủ tục cần thiết theo quy trình phục vụ hành khách, hàng hóa; khu
làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; khu vực dành cho khách
không đủ điều kiện nhập cảnh đối với cảng hàng không quốc tế; khu vực thủ tục
hành lý thất lạc; khu vực lưu giữ hành lý thất lạc, hành lý không có người nhận;
khu vực chung để giải quyết khiếu nại giữa hành khách với hãng hàng không và
doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; quầy hoặc thiết bị hướng dẫn thông tin chung cho
hành khách; khu vực trợ giúp y tế, sơ cứu ban đầu đối với hành khách; khu vực
cách ly y tế để ứng phó tình huống khẩn nguy y tế; khu vực và thiết bị phục vụ
hành khách cần sự trợ giúp đặc biệt.
2. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà
ga phải duy trì, đảm bảo các điều kiện vệ sinh tối thiểu như sau:
a) Nhà ga phải được bảo đảm vệ sinh, sạch sẽ, khô
ráo, có các biển cảnh báo bảo đảm an toàn;
b) Các khu vệ sinh của nhà ga hành khách phải có bảng
ghi tên người trực và dọn vệ sinh, thời gian, nội dung công việc được thực hiện.
3. Hệ thống biển báo trong nhà ga phải được lắp đặt
đầy đủ, rõ ràng ở các vị trí làm thủ tục cho hành khách, hàng hóa, khu vực xử
lý hành lý, hàng hóa và các khu vực cần thiết khác theo quy định.
4. Tại các khu vực cải tạo, sửa chữa trong khu vực
nhà ga phải có vách ngăn và các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh, vệ sinh môi
trường và biển thông báo về việc cải tạo, sửa chữa.
5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga
hành khách, hàng hóa phải có phương án phòng chống cháy nổ, tổ chức huấn luyện,
diễn tập, kiểm tra định kỳ phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
6. Quy trình bảo trì, kế hoạch bảo trì các hạng mục
trong nhà ga phải được phê duyệt và thực hiện theo kế hoạch bảo trì được duyệt.
7. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga
hành khách, hàng hóa ban hành, tổ chức phổ biến và giám sát việc tuân thủ tài
liệu khai thác nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa.
8. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga
hành khách bố trí vị trí để quảng bá văn hóa đặc sắc của Việt Nam phù hợp với điều
kiện cụ thể của từng cảng hàng không.
9. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga
hành khách lựa chọn các hãng taxi được nhượng quyền khai thác tại nhà ga theo
nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch; thông báo công khai trong nhà ga
về hãng taxi được nhượng quyền, giá vận chuyển taxi; đảm bảo năng lực phục vụ
taxi đáp ứng nhu cầu thực tế của nhà ga; bảo đảm văn minh, lịch sự, an ninh trật
tự đối với hoạt động khai thác taxi; ban hành quy chế kiểm soát khai thác xe
taxi, có biện pháp xử lý cụ thể đối với hãng taxi, lái xe taxi vi phạm pháp luật
hoặc vi phạm quy chế kiểm soát theo thỏa thuận đã được ký kết; tổ chức quầy điều
phối và lập phương án khai thác đảm bảo an toàn, trật tự, không gây ùn tắc tại
khu vực taxi hoạt động; đảm bảo số lượng xe taxi tối thiểu được nhượng quyền
khai thác đáp ứng nhu cầu sản lượng hành khách thông qua theo khung giờ khai
thác.
Điều 28. Yêu cầu đối với hạ tầng
cung cấp nhiên liệu tàu bay
1. Các hạng mục của hạ tầng cung cấp nhiên liệu tàu
bay bao gồm: kho, bồn chứa nhiên liệu; trạm tiếp nạp, cấp phát nhiên liệu; hệ
thống đường ống cung cấp nhiên liệu.
2. Các kho xăng dầu, bồn chứa, trạm tiếp nạp, hệ thống
đường ống phải được thiết kế theo tiêu chuẩn được áp dụng, có khoảng cách an
toàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn các công trình xăng dầu, an
toàn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
3. Doanh nghiệp được phép cung cấp nhiên liệu tàu
bay tại cảng hàng không, sân bay phải xây dựng phương án cung cấp nhiên liệu,
sơ đồ bố trí vị trí bồn chứa, trạm tiếp nạp, hệ thống đường ống cung cấp nhiên
liệu tàu bay (nếu có).
Điều 29. Yêu cầu đối với hệ thống
cấp điện
1. Các công trình, thiết bị hàng không tại cảng
hàng không, sân bay phải được duy trì nguồn cung cấp điện thường xuyên, dự
phòng theo đúng tài liệu khai thác công trình, thiết bị.
2. Thời gian chuyển đổi từ hệ thống điện sử dụng
thường xuyên sang hệ thống điện dự phòng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định
cho từng hạng mục, từng thiết bị tại cảng hàng không, sân bay.
3. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu
trách nhiệm lập kế hoạch xây dựng, bảo trì hệ thống cấp điện chung của cảng
hàng không, sân bay theo quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay được phê
duyệt; các cơ quan, đơn vị sử dụng phải trả chi phí bảo trì chung cho người
khai thác cảng hàng không, sân bay theo thỏa thuận.
4. Căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng
được phê duyệt, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không được
quyền thiết lập hệ thống cấp điện riêng của doanh nghiệp.
Điều 30. Yêu cầu đối với hệ thống
cấp, thoát nước
1. Người khai thác công trình tổ chức kiểm tra và đảm
bảo chất lượng nước sử dụng được cấp trong phạm vi công trình do mình quản lý đạt
tiêu chuẩn theo quy định.
2. Hệ thống thoát nước khu bay phải được kết nối
thông suốt với hệ thống thoát nước tổng thể cảng hàng không, sân bay và khu vực
lân cận; có phương án thoát nước với lượng mưa cao nhất dự báo có thể xảy ra.
3. Nước thải phải được thu gom và xử lý trước khi xả
ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải
xây dựng hệ thống bảo vệ, quy trình cụ thể chống đột nhập qua hệ thống thoát nước;
chịu trách nhiệm xây dựng, bảo trì, sửa chữa hệ thống cấp nước, thoát nước
chung cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay
được phê duyệt; các cơ quan, đơn vị sử dụng phải trả chi phí bảo trì chung cho
người khai thác cảng hàng không, sân bay theo thỏa thuận.
5. Trường hợp hệ thống cấp nước, thoát nước phục vụ
chủ yếu cho một số đơn vị, doanh nghiệp, Cảng vụ hàng không chỉ định doanh nghiệp
liên quan chịu trách nhiệm xây dựng, bảo trì, sửa chữa hệ thống cấp nước, thoát
nước và phân bổ chi phí thực hiện.
Điều 31. Yêu cầu đối với hạ tầng
bảo đảm an ninh hàng không
1. Tiêu chuẩn đối với hạ tầng bảo đảm an ninh hàng
không thực hiện theo các quy định của pháp luật về an ninh hàng không.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu
trách nhiệm xây dựng, quản lý khai thác các công trình sau:
a) Công trình phục vụ bảo đảm an ninh hàng không,
khẩn nguy sân bay;
b) Công trình hàng rào bảo đảm an ninh hàng không của
khu bay.
Điều 32. Yêu cầu đối với hạ tầng
phục vụ công tác khẩn nguy sân bay, phòng chống cháy nổ tại cảng hàng không,
sân bay
1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải đầu
tư xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay đáp ứng quy định, về công tác phòng chống
cháy nổ và khẩn nguy sân bay, cụ thể:
a) Có nhà tập kết xe cứu hỏa, kho tàng, vật tư, dụng
cụ, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ công tác khẩn nguy sân bay, phòng chống
cháy nổ theo tiêu chuẩn áp dụng; vị trí khu vực tập kết xe cứu hỏa phải được bố
trí trong khu vực hạn chế, có đường giao thông thuận lợi bảo đảm tiếp cận nhanh
chóng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, phù hợp với các phương án khẩn nguy
sân bay;
b) Bảo đảm số lượng xe cứu hỏa, dung tích nước, khối
lượng chất foam, bột phù hợp với cấp cứu hỏa sân bay được duyệt;
c) Thiết lập trung tâm hiệp đồng khẩn nguy sân bay,
trạm báo động khẩn nguy đảm bảo đầy đủ nhân lực, các phương tiện, trang thiết bị,
hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống tài liệu, các phương án xử lý các tình huống
khẩn nguy để thực hiện nhiệm vụ trực và ứng phó với mọi tình huống khẩn nguy;
d) Thiết lập hệ thống đường công vụ phục vụ cho
công tác khẩn nguy sân bay đảm bảo các phương tiện tham gia công tác khẩn nguy
nhanh chóng đến được các vị trí trong khu bay đáp ứng thời gian theo quy định.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay ban
hành quy trình kiểm tra các hạng mục của kết cấu hạ tầng, thiết bị; duy trì vật
tư, vật liệu, nước dự trữ phục vụ công tác khẩn nguy sân bay, phòng chống cháy
nổ tại cảng hàng không, sân bay.
Điều 33. Yêu cầu đối với hệ thống
chiếu sáng sân đỗ tàu bay, hàng rào an ninh hàng không
1. Hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay cung cấp đủ
ánh sáng nhằm hỗ trợ cho phi công điều khiển tàu bay vào, ra khỏi các vị trí dừng
đỗ tàu bay; cung cấp đủ ánh sáng cho việc đón, trả hành khách, chất xếp, dỡ
hành lý, hàng hóa ra khỏi tàu bay, tra nạp nhiên liệu và các dịch vụ khác liên
quan đến tàu bay; đảm bảo an ninh của cảng hàng không, sân bay. Đèn chiếu sáng
sân đỗ không được hướng trực tiếp vào đài kiểm soát không lưu, đài kiểm soát mặt
đất, hướng tàu bay hạ cánh và lăn vào vị trí đỗ; trường hợp sân đỗ không có
phương tiện chiếu sáng cố định thì phải có phương tiện chiếu sáng di động để
chiếu sáng phục vụ tàu bay.
2. Hệ thống chiếu sáng hàng rào và các cổng ra vào
phải bố trí hợp lý, độ sáng phải đủ để kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện
và phát hiện đột nhập vào ban đêm nhưng không làm chói lóa gây khó khăn cho việc
quan sát khi tuần tra của lực lượng chức năng và cho các hoạt động hàng không
khác.
Điều 34. Giám sát viên an toàn
khai thác cảng hàng không, sân bay và giám sát viên chất lượng dịch vụ hàng
không tại cảng hàng không, sân bay
1. Giám sát viên chất lượng dịch vụ hàng không,
giám sát viên an toàn khai thác cảng hàng không, sân bay trực thuộc Cục Hàng
không Việt Nam, Cảng vụ hàng không, được Cục Hàng không Việt Nam cấp thẻ giám
sát viên để thực hiện nhiệm vụ.
2. Người được cấp thẻ giám sát viên an toàn khai
thác cảng hàng không, sân bay phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Tốt nghiệp đại học thuộc chuyên ngành kỹ thuật, xây
dựng hoặc pháp luật;
b) Có tối thiểu 05 năm làm việc trong lĩnh vực quản
lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
c) Có khả năng thành thạo tiếng Anh (TOEIC 450 hoặc
tương đương trở lên);
d) Có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện về tiêu chuẩn
khai thác cảng hàng không, sân bay, công tác giám sát an toàn khai thác cảng
hàng không, sân bay do Cục Hàng không Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo, huấn luyện
nghiệp vụ nhân viên hàng không đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện cấp.
3. Giám sát viên an toàn khai thác cảng hàng không,
sân bay có các quyền hạn sau đây:
a) Giám sát, kiểm tra, điều tra, kiểm chứng đối với
việc tuân thủ các quy định về an toàn khai thác tại cảng hàng không, sân bay;
b) Tiếp cận vào khu vực có hoạt động khai thác tại
cảng hàng không, sân bay vào các thời điểm khi thực hiện nhiệm vụ;
c) Yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp các
tài liệu hoặc vật chứng có liên quan đến sự cố mất an toàn hàng không hoặc phục
vụ điều tra vụ việc vi phạm;
d) Kiểm tra và sao chép các giấy phép, giấy chứng
nhận, chứng chỉ, nhật ký kỹ thuật, tài liệu hoặc hồ sơ liên quan đến việc quản
lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
đ) Đình chỉ tạm thời hoạt động của nhân viên hàng
không tại cảng hàng không, sân bay nhằm phòng ngừa, ngăn chặn khả năng uy hiếp
an toàn hàng không, gây cháy nổ tại cảng hàng không, sân bay, phục vụ điều tra
sự cố; lập biên bản về vụ việc, sự cố xảy ra.
4. Giám sát viên chất lượng dịch vụ hàng không tại
cảng hàng không, sân bay phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Tốt nghiệp đại học thuộc chuyên ngành kinh tế, kỹ
thuật hoặc pháp luật;
b) Có tối thiểu 05 năm làm việc trong lĩnh vực quản
lý, khai thác cảng hàng không, sân bay hoặc vận chuyển hàng không;
c) Có khả năng thành thạo tiếng Anh (TOEIC 450 hoặc
tương đương trở lên);
d) Có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện về tiêu chuẩn
cung cấp dịch vụ hàng không, vận chuyển hàng không do Cục Hàng không Việt Nam
hoặc cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không đủ điều kiện đào
tạo, huấn luyện cấp.
5. Giám sát viên chất lượng dịch vụ hàng không tại
cảng hàng không, sân bay có các quyền hạn sau đây:
a) Giám sát, kiểm tra, kiểm chứng đối với việc thực
hiện các quy định, về chất lượng dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân
bay;
b) Tiếp cận vào khu vực có hoạt động khai thác tại
cảng hàng không, sân bay vào các thời điểm khi thực hiện nhiệm vụ;
c) Yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp các
tài liệu hoặc vật chứng có liên quan đến việc cung cấp dịch vụ hàng không, vận
chuyển hàng không tại cảng hàng không, sân bay hoặc phục vụ xác minh vụ việc vi
phạm quy định của Thông tư này;
d) Kiểm tra và sao chép các giấy phép, giấy chứng
nhận, chứng chỉ, tài liệu hoặc hồ sơ liên quan đến việc cung cấp dịch vụ hàng
không, vận chuyển hàng không tại cảng hàng không, sân bay;
đ) Đình chỉ tạm thời hoạt động của nhân viên hàng
không tại cảng hàng không, sân bay trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng
các cam kết, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân
bay; lập biên bản về vụ việc.
6. Trong các trường hợp phát hiện hành vi vi phạm
quy định của pháp luật về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay làm ảnh
hưởng trực tiếp đến an toàn khai thác, giám sát viên an toàn khai thác cảng
hàng không, sân bay và giám sát viên chất lượng dịch vụ hàng không báo cáo ngay
Cục Hàng không Việt Nam để thực hiện biện pháp khẩn cấp đình chỉ hoạt động khai
thác, cung cấp dịch vụ của tổ chức, cá nhân xây dựng, khai thác công trình,
cung cấp dịch vụ liên quan tại cảng hàng không, sân bay.
7. Giám sát viên an toàn khai thác cảng hàng không,
sân bay và giám sát viên chất lượng dịch vụ hàng không phải chịu trách nhiệm về
quyết định của mình theo quy định của pháp luật.
8. Hồ sơ giám sát, kiểm tra, điều tra, kiểm chứng của
giám sát viên an toàn khai thác cảng hàng không, sân bay và giám sát viên chất
lượng dịch vụ hàng không được lưu trữ tại Cục Hàng không Việt Nam và Cảng vụ
hàng không trong 05 năm.
9. Tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện nghiêm
các quyết định, yêu cầu của giám sát viên khi thực hiện nhiệm vụ.
10. Cục Hàng không Việt Nam ban hành tài liệu hướng
dẫn về quy trình, nội dung kiểm tra, giám sát của giám sát viên an toàn khai
thác cảng hàng không, sân bay và giám sát viên chất lượng dịch vụ hàng không.
Điều 35. Yêu cầu về báo cáo
tai nạn, sự cố, vụ việc an toàn khai thác cảng hàng không, sân bay
1. Phụ thuộc vào tính chất và mức độ uy hiếp an
toàn khai thác cảng hàng không, sân bay, tai nạn, sự cố, vụ việc an toàn khai
thác cảng hàng không, sân bay được phân loại như sau:
a) Tai nạn (mức A): tai nạn tàu bay xảy ra tại cảng
hàng không, sân bay; sự cố gây ra chết người trong quá trình khai thác, cung cấp
dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay;
b) Sự cố nghiêm trọng (mức B): sự cố tàu bay nghiêm
trọng xảy ra tại cảng hàng không, sân bay; sự cố mất an toàn nghiêm trọng dẫn đến
việc đóng cửa tạm thời đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay hoặc đóng cửa
tạm thời cảng hàng không, sân bay; sự cố gây bị thương nặng cho người trong quá
trình khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay;
c) Sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C): sự cố gây hư
hỏng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; gây hư hỏng phương tiện, trang
thiết bị hoạt động trong khu bay hoặc gây uy hiếp an toàn cho người, phương tiện
hoạt động trên khu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khai thác tàu bay;
d) Sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D): sự cố
phương tiện va chạm với phương tiện, trang thiết bị hoặc với người; sự cố làm ảnh
hưởng đến an toàn khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay;
đ) Vụ việc (mức E): các vụ việc không uy hiếp trực
tiếp đến an toàn hàng không nhưng có ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ
hàng không tại cảng hàng không, sân bay.
2. Báo cáo tai nạn, sự cố bao gồm: báo cáo ban đầu;
báo cáo sơ bộ; báo cáo cuối cùng kèm kết quả giảng bình. Cục Hàng không Việt
Nam hướng dẫn cụ thể danh mục, trách nhiệm báo cáo, nội dung báo cáo tai nạn mức
A, sự cố các mức B, C và D, vụ việc mức E.
3. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tổ chức điều
tra, xác minh, giảng bình sự cố mức B, mức C; chỉ đạo xử lý, khắc phục tai nạn,
sự cố; ban hành khuyến cáo phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn, sự cố; báo cáo Bộ
Giao thông vận tải về sự cố mức B bao gồm báo cáo ban đầu, báo cáo cuối cùng;
báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tai nạn mức A.
4. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm tổ chức điều
tra, xác minh, giảng bình sự cố mức D; chỉ đạo xử lý, khắc phục sự cố; ban hành
khuyến cáo phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn, sự cố; báo cáo Cục Hàng không Việt
Nam về sự cố mức D bao gồm báo cáo ban đầu, báo cáo cuối cùng.
5. Cơ quan đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức
giảng bình vụ việc mức E; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn,
sự cố.
6. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích và tạo điều
kiện tự nguyện báo cáo vụ việc có nguy cơ gây mất an toàn khai thác cảng hàng
không, sân bay đến Cục Hàng không Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam có trách
nhiệm bảo đảm:
a) Báo cáo tự nguyện và các phân tích tiếp theo được
sử dụng dưới dạng hạn chế và không tiết lộ hoặc thể hiện thông tin liên quan đến
người, tổ chức báo cáo trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc
tổ chức, cá nhân báo cáo đồng ý tiết lộ;
b) Bảo mật các báo cáo tự nguyện, thông tin sử dụng
từ các báo cáo tự nguyện không làm ảnh hưởng đến người, tổ chức báo cáo;
c) Thực hiện các biện pháp xử lý, kiểm tra, giám
sát an toàn cần thiết xuất phát từ báo cáo tự nguyện.
Mục 2. GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ,
KHAI THÁC CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 36. Thủ tục cấp, cấp lại,
thu hồi giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay
1. Chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng
hàng không, sân bay gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng
hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp
khác đến Cục Hàng không Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng
hàng không, sân bay, theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ
lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b)12 Bản sao từ sổ gốc
hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực
(trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ
qua đường bưu chính) quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp của chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng hàng không, sân bay;
chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của chủ sở hữu
cảng hàng không, sân bay là cá nhân;
c) Bản sao quyết định, chủ trương đầu tư, quyết định
đầu tư cảng hàng không, sân bay;
d) Bản sao tài liệu xác nhận kết cấu hạ tầng của cảng
hàng không, sân bay đã hoàn thành các thủ tục nghiệm thu theo quy định về đầu
tư xây dựng cơ bản.
2. Trong trường hợp cảng hàng không, sân bay đang
xây dựng, chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng hàng không, sân bay nộp
01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời cảng hàng không, sân
bay trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục
Hàng không Việt Nam. Hồ sơ bao gồm các tài liệu nêu tại các điểm a, b, c khoản
1 Điều này.
3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, bao gồm
các nội dung sau:
a) Cảng hàng không, sân bay được xây dựng phù hợp với
quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đã được
phê duyệt;
b) Kết cấu hạ tầng của cảng hàng không, sân bay được
xây dựng, nghiệm thu kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và
năng lực khai thác;
c) Phương án xây dựng kết cấu hạ tầng của cảng hàng
không, sân bay phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định đối với việc đăng
ký tạm thời cảng hàng không, sân bay đang xây dựng và năng lực khai thác.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thẩm
định, Cục Hàng không Việt Nam đăng ký cảng hàng không, sân bay vào Sổ đăng bạ cảng
hàng không, sân bay và cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay
theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục ban hành kèm
theo Thông tư này hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp giấy chứng nhận
đăng ký cảng hàng không, sân bay.
5. Chậm nhất 60 ngày sau khi hoàn thành xây dựng, cảng
hàng không, sân bay đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời phải được đăng
ký theo quy định của Thông tư này.
6. Việc đăng ký cảng hàng không, sân bay có hiệu lực
kể từ thời điểm được Cục Hàng không Việt Nam ghi vào Sổ đăng bạ cảng hàng
không, sân bay.
7. Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay
bị mất, rách, hỏng được đề nghị cấp lại. Người được cấp giấy chứng nhận đăng ký
cảng hàng không, sân bay gửi đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận trực tiếp hoặc
qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác theo Mẫu
số 09 ban hành tại Phụ lục kèm theo Thông tư này đến Cục Hàng không Việt
Nam.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
đơn đề nghị theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam xem xét quyết định cấp lại
giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay hoặc thông báo bằng văn bản lý
do từ chối cấp lại cho người đề nghị.
8. Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay
bị thu hồi trong trường hợp không còn đáp ứng điều kiện để được cấp giấy chứng
nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay.
Điều 37. Lập và quản lý Sổ
đăng bạ cảng hàng không, sân bay
1. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm lập, cập
nhật thông tin, quản lý sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay.
2. Sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay được lập dưới
dạng sổ giấy và sổ điện tử.
3. Sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay bao gồm các
thông tin sau đây:
a) Ngày vào Sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay đối
với từng loại đăng ký;
b) Giấy chứng nhận đã cấp với từng loại đăng ký: số,
ngày cấp;
c) Tên, địa chỉ của chủ sở hữu hoặc người khai thác
cảng hàng không, sân bay;
d) Tên cảng hàng không, sân bay;
đ) Vị trí, tọa độ điểm quy chiếu cảng hàng không,
sân bay;
e) Cấp sân bay;
g) Mục đích khai thác;
h) Năng lực khai thác;
i) Quá trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cảng
hàng không, sân bay.
Điều 38. Sửa đổi nội dung giấy
chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay
1. Người được cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng
không, sân bay phải cập nhật thông tin về những thay đổi của cảng hàng không,
sân bay và đề nghị sửa đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không,
sân bay khi có sự thay đổi về:
a) Tên, địa chỉ của chủ sở hữu hoặc người khai thác
cảng hàng không, sân bay;
b) Tên cảng hàng không, sân bay;
c) Vị trí, tọa độ điểm quy chiếu cảng hàng không,
sân bay;
d) Cấp sân bay;
đ) Mục đích khai thác;
e) Năng lực khai thác.
2. Người được cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng
không, sân bay gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình
thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam bao gồm các tài liệu sau đây:
a) Đơn đề nghị sửa đổi nội dung giấy chứng nhận
đăng ký cảng hàng không, sân bay theo Mẫu số 09
quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tài liệu chứng minh về các thay đổi được đề nghị
sửa đổi.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
đơn đề nghị theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định việc sửa đổi nội
dung giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay; cấp mới giấy chứng nhận
đăng ký cảng hàng không, sân bay; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đã cấp hoặc
thông báo bằng văn bản lý do từ chối sửa đổi.
Điều 39. Thủ tục cấp, cấp lại,
sửa đổi, thu hồi giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay
1. Tổ chức được giao quản lý, khai thác khu bay gửi
01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay trực
tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không
Việt Nam. Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận khai thác cảng
hàng không, sân bay theo Mẫu số 09 quy định tại
Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tài liệu khai thác sân bay.
2.13 Trong thời hạn
08 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có
trách nhiệm thẩm định tài liệu khai thác sân bay, bao gồm các nội dung sau:
a) Các yếu tố bảo đảm an toàn hàng không, an ninh
hàng không, tiêu chuẩn dịch vụ;
b) Việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của sân bay
theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc công
nhận;
c) Danh mục không đáp ứng (nếu có);
d) Kiểm chứng các điều kiện thực tế của sân bay đối
với tài liệu khai thác.
3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn
thành việc thẩm định, Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận khai thác cảng
hàng không, sân bay theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ
lục ban hành kèm theo Thông tư này hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp
cho người đề nghị.
4. Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân
bay được sửa đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi, chuyển đổi người khai thác cảng hàng
không, sân bay;
b) Thay đổi mục đích, năng lực khai thác của cảng
hàng không, sân bay, cấp sân bay.
5. Người khai thác cảng hàng không, sân bay gửi 01
bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay trực
tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không
Việt Nam, bao gồm các tài liệu sau đây:
a) Đơn đề nghị sửa đổi nội dung giấy chứng nhận
khai thác cảng hàng không, sân bay theo Mẫu số 08
quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tài liệu chứng minh về các thay đổi được đề nghị
sửa đổi.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thẩm định, kiểm tra đối chứng
thực tế, phê duyệt sửa đổi giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay
hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối phê duyệt cho người đề nghị.
6. Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân
bay bị mất, rách, hỏng được đề nghị cấp lại. Người khai thác cảng hàng không,
sân bay gửi đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc
bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
đơn đề nghị theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quyết định cấp lại
giấy chứng nhận hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp lại cho người đề
nghị.
7. Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân
bay bị thu hồi theo quy định tại khoản 4 Điều 51 của Luật Hàng không dân dụng
Việt Nam.
Điều 39a. Thủ tục cấp, cấp lại,
hủy bỏ Giấy phép kinh doanh cảng hàng không14
1. Cá nhân, tổ chức đề nghị cấp Giấy phép kinh
doanh cảng hàng không gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc bằng
các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm
về tính chính xác, trung thực của thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo Mẫu số 12 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông
tư này;
b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
c) Bản sao tài liệu chứng minh về tổ chức bộ máy và
nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn
khai thác cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về hàng không
dân dụng;
d) Bản chính văn bản xác nhận vốn;
đ) Phương án về trang bị, thiết bị và các điều kiện
cần thiết khác để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thẩm định, cấp Giấy phép kinh
doanh cảng hàng không theo Mẫu số 13 quy định tại
Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không cấp Giấy phép phải gửi
văn bản trả lời người đề nghị và nêu rõ lý do.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03
ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản trả
lời, hướng dẫn người đề nghị hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
3. Giấy phép kinh doanh cảng hàng không được cấp lại
trong trường hợp mất, hỏng hoặc thay đổi nội dung trong giấy phép.
4. Cá nhân, tổ chức gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại
Giấy phép kinh doanh cảng hàng không trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc bằng
các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm
về tính chính xác, trung thực của thông tin trong hồ sơ. Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép theo Mẫu số 12 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông
tư này;
b) Các tài liệu có liên quan đối với trường hợp
thay đổi nội dung Giấy phép (nếu có).
5. Đối với Giấy phép cấp lại do thay đổi nội dung:
trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục
Hàng không Việt Nam cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không; trường hợp
không cấp Giấy phép phải gửi văn bản trả lời người đề nghị và nêu rõ lý do.
6. Đối với Giấy phép cấp lại do bị mất, hỏng: trong
thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Cục Hàng không Việt Nam
có trách nhiệm xem xét, quyết định cấp lại Giấy phép hoặc thông báo bằng văn bản
lý do từ chối cấp Giấy phép cho người đề nghị.
7. Giấy phép kinh doanh cảng hàng không bị hủy bỏ
hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Cung cấp thông tin không trung thực trong quá
trình đề nghị cấp Giấy phép;
b) Không duy trì mức vốn tối thiểu liên tục trong
quá trình hoạt động;
c) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật
về an ninh, quốc phòng;
d) Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật
hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp;
đ) Vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an
ninh hàng không, an toàn hàng không, điều kiện kinh doanh, giá dịch vụ, phòng
cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường;
e) Không bắt đầu khai thác cảng hàng không trong thời
gian 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép.
8. Cục Hàng không Việt Nam ban hành quyết định hủy
bỏ hiệu lực của Giấy phép, nêu rõ lý do, thời điểm hủy bỏ hiệu lực của Giấy
phép. Doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không phải chấm dứt ngay việc kinh
doanh cảng hàng không theo quyết định đã được ban hành.
9. Cục Hàng không Việt Nam thông báo về việc cấp, cấp
lại, hủy bỏ Giấy phép kinh doanh cảng hàng không cho Cảng vụ hàng không để thực
hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Điều 40. Tài liệu khai thác
sân bay
1. Tài liệu khai thác sân bay bao gồm các nội dung
chính sau:
a) Mục đích, căn cứ xây dựng, điều kiện khai thác
sân bay;
b) Hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của người khai thác cảng hàng không, sân bay; hệ thống nhân sự bảo đảm khai
thác;
c) Thông tin chung về sân bay, bao gồm các sơ đồ về
vị trí, mặt bằng tổng thể, phân khu chức năng, hệ thống thiết bị; tên, vị trí,
tọa độ, độ cao so với mực nước biển và địa thế của sân bay, độ cao so với mực
nước biển của ngưỡng đường cất hạ cánh; tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của
người khai thác cảng hàng không, sân bay;
d) Phương án khai thác và sơ đồ bố trí vị trí đỗ
tàu bay;
đ) Thông số kỹ thuật kết cấu hạ tầng sân bay theo
quy định tại Thông tư này;
e) Thông tin về hệ thống đèn, đài dẫn đường và các
thiết bị phụ trợ dẫn đường, điều hành bay;
g) Sơ đồ bề mặt giới hạn chướng ngại vật sân bay;
sơ đồ chướng ngại vật trong sân bay và vùng lân cận sân bay;
h) Thông tin về hệ thống thiết bị bảo trì khu bay;
thiết bị di chuyển tàu bay không có khả năng di chuyển; thiết bị liên lạc gắn
trên phương tiện khi di chuyển trên khu bay;
i) Sơ đồ vùng ảnh hưởng đến hoạt động bay của đèn
laze, thiết bị chiếu sáng;
k) Quy trình vận hành khai thác và biện pháp đảm bảo
an toàn khai thác trong khu bay;
l) Danh mục không đáp ứng theo các quy chuẩn, tiêu
chuẩn kỹ thuật áp dụng, kèm theo báo cáo đánh giá rủi ro theo hướng dẫn tại tài
liệu hệ thống quản lý an toàn sân bay; phương án, biện pháp giảm thiểu rủi ro
và lộ trình khắc phục danh mục không đáp ứng;
m) Kế hoạch khẩn nguy sân bay; hệ thống quản lý an
toàn sân bay; Chương trình an ninh hàng không; Chương trình an toàn đường cất hạ
cánh; quy trình quản lý chim và động vật hoang dã;
n) Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo
vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường cảng hàng không, sân bay đã được duyệt.
2.15 Người khai thác
cảng hàng không, sân bay phải sửa đổi, bổ sung tài liệu khai thác sân bay khi
có các thay đổi liên quan đến các nội dung của tài liệu khai thác sân bay,
trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt. Hồ sơ đề nghị gồm:
a) Văn bản đề nghị phê duyệt;
b) Dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung tài liệu;
c) Tài liệu chứng minh nội dung sửa đổi, bổ sung;
d) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thẩm định, kiểm tra đối chứng
thực tế, phê duyệt sửa đổi, bổ sung tài liệu hoặc thông báo bằng văn bản lý do
từ chối phê duyệt cho người đề nghị.
3. Căn cứ tiêu chuẩn của ICAO, Cục Hàng không Việt
Nam ban hành hướng dẫn xây dựng tài liệu khai thác sân bay.
Điều 41. Hệ thống quản lý an
toàn sân bay
1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu
trách nhiệm về điều phối chung, bảo đảm an toàn, liên tục, đồng bộ đối với hoạt
động khai thác sân bay; bảo đảm đầy đủ số lượng nhân lực đáp ứng về trình độ kỹ
thuật để bảo đảm hoạt động khai thác bình thường của sân bay; thực hiện công
tác quản lý chướng ngại vật hàng không tại cảng hàng không, sân bay và khu vực
lân cận cảng hàng không, sân bay theo quy định.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải
thiết lập và triển khai thực hiện hệ thống quản lý an toàn sân bay, bao gồm các
nội dung chính sau đây:
a) Mục tiêu và chính sách an toàn khai thác sân
bay;
b) Phạm vi áp dụng của hệ thống quản lý an toàn; cơ
cấu tổ chức của hệ thống quản lý an toàn tại sân bay;
c) Biện pháp bảo đảm an toàn; quản lý nguy cơ rủi
ro an toàn; hệ thống báo cáo về công tác an toàn;
d) Công tác huấn luyện, đào tạo, đào tạo lại về an
toàn.
3. Hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân cung cấp dịch
vụ tại cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ theo hệ thống quản lý an toàn sân
bay đã được phê duyệt.
4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay ban
hành quy tắc, tổ chức phổ biến và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm
an toàn hàng không tại sân bay; phát hiện các vụ việc vi phạm và chuyển giao
cho Cảng vụ hàng không xử lý theo quy định.
5. Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không kiểm
tra, giám sát việc tổ chức thực hiện hệ thống quản lý an toàn sân bay.
Điều 42. Danh mục không đáp ứng
1. Danh mục không đáp ứng bao gồm các công trình,
các thiết bị được xây dựng, lắp đặt tại cảng hàng không, sân bay nhưng không
đáp ứng được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, liên quan đến:
a) Yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng sân bay;
b) Yêu cầu về quản lý chướng ngại vật hàng không.
2. Trong quá trình hoạt động, nếu phát hiện hoặc
khi được khuyến cáo về các hạng mục công trình không đáp ứng theo tiêu chuẩn
khai thác, người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm rà soát,
đánh giá, cập nhật vào tài liệu khai thác sân bay và báo cáo Cục Hàng không Việt
Nam để công bố theo quy định.
Điều 43. Hệ thống nhân sự bảo
đảm khai thác của người khai thác cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải đảm
bảo hệ thống nhân sự đầy đủ để đáp ứng các điều kiện khai thác thực tế và thực
hiện được các quy định về an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ.
2. Hệ thống nhân sự chủ chốt của người khai thác cảng
hàng không, sân bay bao gồm; giám đốc cảng hàng không, sân bay; vị trí phụ
trách khai thác cảng hàng không, sân bay; vị trí phụ trách an toàn hàng không;
vị trí phụ trách an ninh hàng không.
3. Danh sách nhân sự chủ chốt phải được nêu rõ
trong tài liệu khai thác sân bay.
4. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách khai
thác sân bay phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Tốt nghiệp Đại học;
b) Có ít nhất 05 năm công tác liên tục đối với cảng
hàng không quốc tế và 03 năm công tác liên tục đối với cảng hàng không, sân bay
nội địa trong các lĩnh vực quản lý hoạt động bay, quản lý khai thác cảng hàng
không, sân bay hoặc an toàn hàng không;
c) Được đào tạo, huấn luyện về thiết kế và khai
thác sân bay, quy trình cung cấp dịch vụ mặt đất phục vụ tàu bay.
5. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách an toàn
hàng không phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản a, b khoản
4 Điều này;
b) Được đào tạo, huấn luyện về thiết kế và khai
thác sân bay, hệ thống quản lý an toàn hàng không.
6. Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách an ninh
hàng không phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về an ninh
hàng không.
Chương V
QUẢN LÝ XÂY DỰNG, CẢI TẠO,
NÂNG CẤP, BẢO TRÌ, SỬA CHỮA CÔNG TRÌNH TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY; ĐƯA CÔNG
TRÌNH VÀO KHAI THÁC; ĐÓNG TẠM THỜI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 44. Chấp thuận việc xây dựng,
cải tạo, nâng cấp công trình; bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng,
sửa chữa thiết bị tại cảng hàng không, sân bay
1. Chủ đầu tư dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp
công trình; bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị
tại cảng hàng không, sân bay gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận đến Cục Hàng
không Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình;
b) Bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng,
sửa chữa thiết bị làm ngừng hoạt động của công trình, cơ sở cung cấp dịch vụ
hàng không trên 24 giờ, trừ trường hợp đột xuất uy hiếp trực tiếp đến an toàn,
an ninh hàng không cần thực hiện ngay;
c) Bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng,
sửa chữa thiết bị được thực hiện trong thời gian không phục vụ chuyến bay theo
kế hoạch bay liên tục từ 30 ngày trở lên.
2. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận;
b) Phương án tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an
ninh, an toàn và vệ sinh môi trường tại cảng hàng không, sân bay trong quá
trình thi công;
c) Thỏa thuận phương án bảo đảm an toàn khai thác cảng
hàng không, sân bay với cơ quan, đơn vị liên quan.
3.16 Trong thời hạn
12 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có
trách nhiệm thẩm định, ban hành văn bản chấp thuận và triển khai cho các cơ
quan, đơn vị có liên quan đến an toàn khai thác cảng hàng không, sân bay. Trường
hợp từ chối chấp thuận, phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị, có nêu
rõ lý do.
4. Đối với việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo
trì, sửa chữa đưa vào khai thác công trình dùng chung dân dụng và quân sự, đóng
tạm thời cảng hàng không, sân bay, Cục Hàng không Việt Nam thông báo cho Quân
chủng Phòng không - Không quân để thống nhất các vấn đề liên quan đến hoạt động
quân sự.
5. Trường hợp khai thác sân bay trong điều kiện tầm
nhìn hạn chế theo quy định, không được phép thi công xây dựng, bảo trì các công
trình gần hệ thống điện sân bay. Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại
sân bay có trách nhiệm thông báo việc khai thác sân bay trong điều kiện tầm
nhìn hạn chế cho người phụ trách thi công công trình để dừng việc thi công.
6. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức kiểm tra, theo
dõi tiến độ, chất lượng xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng
không, sân bay theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
7. Việc bảo trì, sửa chữa công trình hoặc lắp đặt,
bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị của cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng
hàng không, sân bay phải thông báo trước cho Cảng vụ hàng không về kế hoạch,
phương án thi công, phương án bảo đảm an toàn cho hoạt động tại cảng hàng
không, sân bay và hoạt động bay trong các trường hợp sau:
a) Ngừng hoạt động của công trình, cơ sở cung cấp dịch
vụ hàng không chưa đến 24 giờ;
b) Ngừng hoạt động của công trình, cơ sở cung cấp dịch
vụ hàng không trên 24 giờ trong trường hợp đột xuất uy hiếp trực tiếp đến an
toàn, an ninh hàng không cần thực hiện ngay;
c) Thực hiện trong thời gian không phục vụ chuyến
bay theo kế hoạch bay liên tục dưới 30 ngày.
8. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm, kiểm tra đảm
bảo việc tuân thủ phương án tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an ninh, an
toàn và vệ sinh môi trường trong khu vực thi công, phương án bảo đảm an toàn
khai thác cảng hàng không, sân bay. Trường hợp phát hiện kế hoạch, phương án
thi công, phương án khai thác không đảm bảo an toàn cho hoạt động tại cảng hàng
không, sân bay và hoạt động bay, Cảng vụ hàng không yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng
việc thi công.
Điều 45. Đưa vào khai thác,
đóng tạm thời công trình, một phần kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác công trình thuộc kết cấu hạ tầng
cảng hàng không, sân bay nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị đưa công trình, một phần công
trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay vào khai thác trực tiếp hoặc
qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị gồm:
a) Văn bản đề nghị đưa công trình, một phần công trình,
vào khai thác bao gồm các thông tin: vị trí và phạm vi đưa vào sử dụng; thời
gian đưa vào sử dụng; các thông số kỹ thuật chính của hạng mục công trình; tuổi
thọ công trình;
b) Bản sao hồ sơ liên quan đến việc nghiệm thu đưa
công trình vào khai thác theo quy định của pháp luật;
c) Tài liệu khai thác công trình, cung cấp dịch vụ,
bao gồm các nội dung sau: phương án khai thác, quy trình khai thác, cung cấp dịch
vụ hàng không; sơ đồ mặt bằng hạ tầng cung cấp dịch vụ; quy trình bảo trì.
2. Người khai thác công trình thuộc kết cấu hạ tầng
cảng hàng không, sân bay nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị đóng tạm thời một phần kết cấu
hạ tầng cảng hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình
thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam. Hồ sơ đề nghị bao gồm:
a) Tờ trình xin phép đóng cửa tạm thời một phần kết
cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay bao gồm các thông tin: lý do đóng tạm thời;
vị trí và phạm vi đóng tạm thời; thời gian đóng tạm thời;
b) Bản sao sơ đồ bản vẽ chi tiết khu vực đóng tạm
thời;
c) Phương án bảo đảm duy trì hoạt động liên quan đến
công trình đóng tạm thời;
d) Biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn liên quan đến
công trình đóng tạm thời.
3.17 Trong thời hạn
05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt
Nam xem xét, quyết định việc đưa công trình, một phần công trình thuộc kết cấu
hạ tầng cảng hàng không, sân bay vào khai thác, đóng tạm thời một phần kết cấu
hạ tầng cảng hàng không, sân bay. Trong trường hợp không chấp thuận, Cục Hàng
không Việt Nam phải có văn bản thông báo, nêu rõ lý do.
4. Cảng vụ hàng không thực hiện việc kiểm tra đảm bảo
việc tuân thủ phương án bảo đảm duy trì hoạt động, biện pháp đảm bảo an ninh,
an toàn liên quan đến công trình đóng tạm thời.
Điều 46. Đóng tạm thời cảng
hàng không, sân bay để cải tạo, mở rộng, sửa chữa kết cấu hạ tầng
1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay gửi 01
bộ hồ sơ đề nghị đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua bưu
điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam. Hồ sơ đề
nghị bao gồm:
a) Văn bản đề nghị đóng tạm thời cảng hàng không,
sân bay bao gồm các thông tin: tên cảng hàng không, sân bay; lý do đóng tạm thời
cảng hàng không, sân bay; thời gian đóng cửa tạm thời cảng hàng không, sân bay.
b) Quyết định phê duyệt dự án cải tạo, mở rộng, sửa
chữa kết cấu hạ tầng của cơ quan có thẩm quyền.
c) Phương án tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an
toàn và vệ sinh môi trường.
2. Thủ tục đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay:
a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định và báo cáo kết
quả thẩm định cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được báo cáo kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc
đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay.
Điều 47. Đóng tạm thời cảng
hàng không, sân bay khi giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay bị
thu hồi
1. Cục Hàng không Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị
đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến
Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ đề nghị gồm:
a) Tờ trình xin phép đóng tạm thời cảng hàng không,
sân bay bao gồm các thông tin: tên cảng hàng không, sân bay; lý do đóng tạm thời
cảng hàng không, sân bay; thời gian đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay;
b) Quyết định thu hồi giấy chứng nhận khai thác cảng
hàng không, sân bay;
c) Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân
bay đã cấp.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
đủ hồ sơ của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định
việc đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay.
Điều 48. Đóng tạm thời cảng
hàng không, sân bay trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường,
sự cố, tai nạn hàng không và các tình huống bất thường khác uy hiếp đến an toàn
hàng không, an ninh hàng không
1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay báo cáo
ngay Cảng vụ hàng không đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay trong trường hợp
thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự cố, tai nạn hàng không và các tình
huống bất thường khác uy hiếp đến an toàn hàng không, an ninh hàng không trong
thời gian không quá 24 giờ. Giám đốc Cảng vụ hàng không có trách nhiệm xem xét,
ra quyết định đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay trong thời gian không quá
24 giờ và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam.
2. Thủ tục đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay
trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự cố, tai nạn hàng
không và các tình huống bất thường khác uy hiếp đến an toàn hàng không, an ninh
hàng không với thời gian đóng quá 24 giờ quy định như sau:
a) Người khai thác cảng hàng không, sân bay báo cáo
ngay Cục Hàng không Việt Nam về việc đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay.
Báo cáo bao gồm các thông tin: tên cảng hàng không, sân bay; lý do đóng tạm thời
cảng hàng không, sân bay; thời gian đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay;
b) Ngay khi nhận được báo cáo của người khai thác cảng
hàng không, sân bay, Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải đề nghị
đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay;
c) Trong thời gian 24 giờ khi nhận được tờ trình của
Cục Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông vận tải quyết định việc đóng tạm
thời cảng hàng không, sân bay.
Chương VI
QUẢN LÝ, KHAI THÁC THIẾT
BỊ HÀNG KHÔNG VÀ PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 49. Quy định chung
1. Thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại cảng
hàng không, sân bay phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường được
áp dụng, bao gồm cả tiêu chuẩn của ICAO.
2. Thiết bị thuộc lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay;
thiết bị lắp đặt, hoạt động tại khu bay phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp
giấy phép khai thác.
3. Người quản lý, khai thác thiết bị hàng không,
phương tiện hoạt động tại cảng hàng không, sân bay ban hành và thực hiện các
quy trình khai thác, bảo trì phù hợp với tài liệu khai thác, bảo trì của nhà sản
xuất; có phương án, thiết bị dự phòng thay thế để đảm bảo không gián đoạn việc
cung cấp dịch vụ hàng không; tổ chức huấn luyện, cập nhật cho nhân viên điều
khiển, vận hành về tài liệu kỹ thuật, quy trình khai thác, bảo trì, quy định về
bảo đảm an toàn khai thác tại khu bay.
4. Việc đầu tư, khai thác các thiết bị hàng không,
phương tiện hoạt động tại cảng hàng không, sân bay phải phù hợp với quy hoạch cảng
hàng không, sân bay, điều kiện của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, phạm
vi cung cấp dịch vụ của người khai thác thiết bị, phương tiện, mục đích sử dụng.
5. Niên hạn sử dụng của các phương tiện hoạt động tại
cảng hàng không, sân bay tuân thủ theo tiêu chuẩn áp dụng.
Điều 50. Thủ tục cấp, cấp lại
giấy phép khai thác thiết bị thuộc lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay; thiết bị lắp
đặt, hoạt động tại khu bay
1.18 Người quản lý,
khai thác thiết bị gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác thiết bị trực
tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng
không Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép trong đó giải
trình rõ các nội dung sau: loại thiết bị; mục đích sử dụng; phạm vi, khu vực lắp
đặt, hoạt động, tiêu chuẩn áp dụng; nhân lực khai thác thiết bị;
b) Giấy chứng nhận xuất xứ (CO), giấy chứng nhận chất
lượng (CQ) của thiết bị nhập khẩu;
c) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật đối với
thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không được sản xuất, lắp ráp, cải tiến
tại Việt Nam;
d) Tài liệu hướng dẫn khai thác của nhà sản xuất;
đ) Biên bản hoàn thành các thủ tục lắp đặt, kiểm
tra, kiểm định hệ thống;
e) Các hồ sơ, tài liệu khác theo quy định của pháp
luật chuyên ngành đối với từng loại thiết bị (nếu có).
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thẩm định, quyết định cấp
Giấy phép hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp Giấy phép cho người đề
nghị.
2. Giấy phép khai thác thiết bị bị mất, hỏng được đề
nghị cấp lại. Người quản lý, khai thác thiết bị gửi văn bản đề nghị cấp lại giấy
phép trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục
Hàng không Việt Nam. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản đề
nghị theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam xem xét, quyết định cấp lại giấy
phép hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp cho người đề nghị.
3. Giấy phép khai thác thiết bị hàng không bị thu hồi
trong trường hợp việc khai thác thiết bị có khả năng gây mất an toàn cho hoạt động
tại cảng hàng không, sân bay.
Điều 51. Cấp giấy chứng nhận đủ
điều kiện kỹ thuật đối với thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không được sản
xuất, lắp ráp, cải tiến tại Việt Nam
1. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ
thuật đối với thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không được sản xuất, lắp
ráp, cải tiến tại Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc qua bưu điện
hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam. Hồ sơ đề nghị
gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện
kỹ thuật đối với thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không, trong đó mô tả
sản phẩm và các chỉ tiêu, thông số, giới hạn, tính năng kỹ thuật chính;
b) Bản sao tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường được áp
dụng;
c) Bản sao các tài liệu liên quan: thiết kế kỹ thuật
và chi tiết; vật liệu; phương pháp và quy trình sản xuất; hướng dẫn lắp đặt,
khai thác, bảo dưỡng; lắp ráp của sản phẩm; chỉ tiêu, thông số, giới hạn, tính
năng kỹ thuật chính;
d) Bản sao biên bản nghiệm thu bàn giao hoặc nghiệm
thu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng;
đ) Bản sao biên bản kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá
sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng do cơ sở có đủ điều kiện theo quy định
của pháp luật thực hiện;
e) Báo cáo kết quả khai thác thử theo các chỉ tiêu,
thông số, giới hạn, tính năng kỹ thuật của sản phẩm.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ
sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện các công việc kiểm tra, thử
nghiệm cần thiết, quyết định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật đối với
thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không theo Mẫu
số 10 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này hoặc thông báo bằng
văn bản lý do từ chối cấp giấy chứng nhận cho người đề nghị. Công việc kiểm
tra, thử nghiệm bao gồm các công việc sau:
a) Xác định yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường
được áp dụng;
b) Kiểm tra thực tế sản phẩm; kiểm tra kết quả nghiệm
thu;
c) Thẩm định các chỉ tiêu, thông số, giới hạn, tính
năng kỹ thuật cần thiết chứng minh việc đáp ứng hoặc phù hợp của sản phẩm, với
các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng; bao gồm cả thông tin về vật liệu và
quy trình, phương pháp chế tạo, lắp ráp sản phẩm;
d) Kiểm tra kết quả kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá
sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường được áp dụng; trong trường hợp cần
thiết, thực hiện hoặc yêu cầu người đề nghị cấp giấy chứng nhận thuê tổ chức độc
lập đủ khả năng thực hiện các kiểm tra, thử nghiệm cần thiết để kiểm chứng việc
tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng;
đ) Kiểm tra kết quả khai thác thử.
3. Giấy chứng nhận, đủ điều kiện kỹ thuật đối với
thiết bị, phương tiện chuyên ngành hàng không có giá trị đối với các thiết bị,
phương tiện được sản xuất, lắp ráp, cải tiến theo thiết kế và quy chuẩn, tiêu
chuẩn kỹ thuật áp dụng.
Điều 52. Cấp, thu hồi biển số
của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay
1. Cảng vụ hàng không cấp biển số của phương tiện
chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay, trừ trường hợp phương tiện
có tham gia giao thông thường xuyên ngoài khu vực hạn chế của cảng hàng không,
sân bay.
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không gửi 01
bộ hồ sơ đề nghị cấp biển số của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng
hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp
khác đến Cảng vụ hàng không. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp biển số, trong đó nêu rõ nhu
cầu sử dụng phương tiện; năm sản xuất, số seri của phương tiện; phương tiện đã
qua sử dụng hoặc chưa qua sử dụng;
b) Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo
vệ môi trường.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ, Cảng vụ hàng không cấp biển số cho phương tiện hoặc có văn bản thông báo
lý do từ chối cấp biển số cho phương tiện.
3. Biển số bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Hết niên hạn sử dụng đối với các xe có niên hạn
sử dụng theo quy định của nhà sản xuất;
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không không
còn nhu cầu sử dụng phương tiện để hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.
Điều 53. Quy cách biển số hoạt
động của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng không, sân bay
1. Phần chữ là mã (code) IATA của cảng hàng không
nơi phương tiện hoạt động.
2. Chữ số đầu chỉ đơn vị quản lý khai thác phương
tiện, cụ thể:
a) 1 là phương tiện của người khai thác cảng hàng
không, sân bay;
b) 2 là phương tiện của các hãng hàng không;
c) 3 là phương tiện của các đơn vị cung cấp dịch vụ
hàng không khác.
3. Hai chữ số tiếp theo chỉ loại phương tiện hoạt động
tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay do Cục Hàng không Việt Nam quy
định.
4. Sau hai chữ số chỉ loại phương tiện hoạt động tại
khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay là những chữ số chỉ số thứ tự được
cấp phép của từng loại phương tiện, bắt đầu từ 01.
5. Kích thước, màu sắc biển số đăng ký, chữ và số
trên biển số đăng ký của phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng
hàng không, sân bay làm theo quy định về kích thước biển số đăng ký xe ô tô của
cơ quan Nhà nước.
Điều 54. Khai thác phương tiện
hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay
1. Việc khai thác phương tiện hoạt động tại khu vực
hạn chế của cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ quy trình vận hành tiêu chuẩn
của người sản xuất, người khai thác phương tiện, tài liệu hướng dẫn của IATA nhằm
bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác.
2. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng cảng hàng
không, sân bay, người khai thác cảng hàng không, sân bay quy định cụ thể tốc độ
của phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay để đảm
bảo an toàn khai thác tại khu bay.
3. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn yêu cầu tối
thiểu đối với việc khai thác phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng
hàng không, sân bay.
4. Phương tiện chuyên ngành hàng không, sân bay bị đình
chỉ hoạt động trong trường hợp sau:
a) Không được kiểm định hoặc không đáp ứng yêu cầu
khai thác theo tài liệu kỹ thuật của phương tiện;
b) Gây sự cố, tai nạn hàng không.
5. Phương tiện chuyên ngành hàng không bị đình chỉ
hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều này được khai thác trở lại trong các
trường hợp sau:
a) Đã khắc phục các vi phạm quy định tại điểm a khoản
4 của Điều này;
b) Đã xác định nguyên nhân sự cố, tai nạn liên quan
đến phương tiện.
Điều 55. Bảo trì thiết bị,
phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay
Người khai thác thiết bị, phương tiện hoạt động tại
khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay phải thực hiện việc bảo trì thiết
bị, phương tiện theo quy định, của pháp luật liên quan về bảo trì và tài liệu hướng
dẫn của nhà sản xuất nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình khai thác.
Điều 56. Tài liệu kỹ thuật của
phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay
Người khai thác phương tiện hoạt động tại khu vực hạn
chế của cảng hàng không, sân bay phải lập tài liệu kỹ thuật phương tiện. Tài liệu
kỹ thuật của phương tiện bao gồm: tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; tài liệu khai
thác kỹ thuật; lý lịch và hồ sơ cải tạo, thay đổi kiểu loại.
Điều 57. Tài liệu hướng dẫn kỹ
thuật của phương tiện
1. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật là tài liệu do người
chế tạo hoặc người khai thác phương tiện ban hành để hướng dẫn việc thực hiện
các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo, khai thác, bảo trì
phương tiện. Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật bao gồm:
a) Tài liệu hướng dẫn sử dụng;
b) Tài liệu hướng dẫn bảo trì;
c) Tài liệu huấn luyện kỹ thuật.
2. Tài liệu hướng dẫn sử dụng là tài liệu đưa ra những
thông tin kỹ thuật cần thiết, những quy định, hướng dẫn cụ thể cho người điều
khiển, vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế
của cảng hàng không, sân bay. Tài liệu hướng dẫn sử dụng bao gồm các nội dung
chính sau đây:
a) Loại phương tiện;
b) Giới thiệu về công dụng, thành phần các hệ thống,
trong đó nêu rõ số liệu kỹ thuật từng hệ thống;
c) Giới thiệu các loại nhiên liệu, dầu mỡ bôi trơn,
dầu thủy lực, khí nén, số lượng cần tra nạp mỗi loại;
d) Cấu tạo, nguyên lý làm việc của phương tiện, bao
gồm các cụm tổng thành, các cơ cấu điều khiển: động cơ, ly hợp; hộp số, cơ cấu
truyền lực, các loại đồng hồ đo, các hệ thống như thủy lực, điện, khí nén,
nhiên liệu, bôi trơn, phòng chống cháy;
đ) Sơ đồ nguyên lý làm việc của các cụm và hệ thống;
e) Các sơ đồ lắp ráp, đấu dây các cụm tổng thành,
các hệ thống;
g) Hướng dẫn quy trình vận hành và những yêu cầu về
an toàn kỹ thuật khi vận hành;
h) Những hỏng hóc thường xảy ra, nguyên nhân và biện
pháp khắc phục.
3. Tài liệu hướng dẫn bảo trì phương tiện hoạt động
tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay là tài liệu đưa ra các thông
tin và hướng dẫn cần thiết cho công tác bảo trì phương tiện. Tài liệu hướng dẫn
bảo trì bao gồm các nội dung sau đây:
a) Loại phương tiện;
b) Giới thiệu các dạng bảo dưỡng và chu kỳ tiến
hành;
c) Nội dung cụ thể của từng dạng bảo dưỡng;
d) Sơ đồ bôi trơn, chu kỳ và số lượng, chủng loại dầu
mỡ cần thay mới;
đ) Hướng dẫn phương pháp và trình tự tháo lắp các cụm
tổng thành, các hệ thống và các chi tiết và quy định về an toàn kỹ thuật khi
tháo lắp;
e) Hướng dẫn quy trình bảo trì các hệ thống, bộ phận
có kèm theo sơ đồ, bản vẽ;
g) Nêu các trường hợp hỏng hóc có thể phát sinh hoặc
phát hiện được trong quá trình bảo dưỡng, nguyên nhân và biện pháp khắc phục;
h) Nêu các phương pháp điều chỉnh, kiểm tra, thử
nghiệm trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa;
i) Nêu các dụng cụ, thiết bị đo và cách sử dụng khi
tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa.
4. Tài liệu huấn luyện kỹ thuật bao gồm các tài liệu
được sử dụng trong giảng dạy, hướng dẫn, chuyển loại cho nhân viên kỹ thuật tại
các cơ sở huấn luyện kỹ thuật hoặc các lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nhân
viên hàng không. Tài liệu huấn luyện kỹ thuật có thể do nhà chế tạo, người khai
thác phương tiện hoặc các cơ sở huấn luyện biên soạn và phê chuẩn trước khi sử
dụng.
Điều 58. Tài liệu khai thác kỹ
thuật của phương tiện
1. Tài liệu khai thác kỹ thuật là tài liệu cần thiết
cho quá trình khai thác và quản lý kỹ thuật của phương tiện. Tài liệu khai thác
kỹ thuật do nhà quản lý, khai thác phương tiện phê chuẩn gồm:
a) Nhật ký kỹ thuật, biên bản kỹ thuật;
b) Tài liệu thống kê kỹ thuật;
c) Báo cáo kỹ thuật;
d) Báo cáo đột xuất.
2. Nhật ký kỹ thuật ghi lại tình trạng kỹ thuật
hàng ngày hoặc từng ca của phương tiện.
3. Biên bản kỹ thuật ghi lại những sự cố về kỹ thuật
đối với phương tiện trong quá trình khai thác.
4. Tài liệu thống kê kỹ thuật nhằm tổng hợp, đánh
giá tình trạng hoạt động của phương tiện trong những chu kỳ nhất định, bao gồm
các số liệu thống kê về: số giờ hoạt động, số lần làm việc, số ki lô mét đã chạy,
sự cố kỹ thuật và các chỉ tiêu khác do cơ sở quy định.
5. Báo cáo kỹ thuật là tài liệu tổng hợp báo cáo
tình hình hoạt động kỹ thuật của phương tiện bao gồm: báo cáo số lượng phương
tiện đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và môi trường, được cấp giấy phép hoạt
động; phương tiện không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và môi trường, không
được cấp giấy phép hoạt động, chờ thanh lý; phương tiện được đầu tư mới.
6. Báo cáo đột xuất là báo cáo khi phương tiện hoạt
động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay gây ra sự cố, hỏng hóc đối
với tàu bay. Báo cáo sự cố bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên gọi và ký hiệu phương tiện gây ra sự cố;
b) Ngày, giờ, địa điểm xảy ra sự cố kỹ thuật;
c) Biên bản xác nhận diễn biến và hiện trạng sau
khi xảy ra sự cố kỹ thuật;
d) Sơ bộ xác định nguyên nhân có thể gây ra sự cố
và mức độ hư hại;
đ) Kiến nghị và biện pháp xử lý.
Điều 59. Lý lịch và hồ sơ cải
tạo, thay đổi kiểu loại của phương tiện
1. Lý lịch kỹ thuật của phương tiện là tài liệu ghi
lại nguồn gốc xuất xứ, tên, ký hiệu, chức năng chính, quá trình hoạt động, bảo
trì phương tiện.
2. Lý lịch kỹ thuật do người quản lý, khai thác
phương tiện xây dựng và bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên và địa chỉ của người khai thác;
b) Tên gọi, ký hiệu, số đăng ký của phương tiện;
c) Công dụng;
d) Nước sản xuất;
đ) Số khung, số máy, số các cụm tổng thành chính;
e) Ngày sản xuất, ngày sử dụng;
g) Ngày bảo dưỡng, sửa chữa.
3. Hồ sơ cải tạo, thay đổi kiểu loại phương tiện do
người quản lý, khai thác xây dựng và bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, ký hiệu kiểu loại phương tiện được cải tiến
hoặc thay đổi kiểu loại;
b) Lý do cải tiến hoặc thay đổi;
c) Xác nhận việc cải tiến, thay đổi kiểu loại
phương tiện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
d) Ngày cấp;
đ) Người cấp.
Điều 60. Nhân viên điều khiển,
vận hành phương tiện, thiết bị hàng không hoạt động thường xuyên tại khu vực hạn
chế của cảng hàng không, sân bay
1. Nhân viên điều khiển, vận hành phương tiện, thiết
bị hàng không hoạt động thường xuyên tại khu vực hạn chế của cảng hàng không,
sân bay được đào tạo, huấn luyện định kỳ theo quy định. Trường hợp nhân viên điều
khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hàng không mà không được giao thực hiện
công việc tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay từ 03 tháng trở lên
phải được huấn luyện lại để bảo đảm an toàn khai thác.
2.19 Tổ chức đề nghị
cấp Giấy phép nhân viên điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hàng không đối
với trường hợp cấp lần đầu gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc
bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép của tổ chức quản lý
nhân viên điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hàng không, kèm theo danh
sách nhân viên điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hàng không;
b) Bản sao giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phù hợp
(đối với trường hợp nhân viên điều khiển phương tiện), chứng chỉ đào tạo điều
khiển, vận hành phương tiện, thiết bị phù hợp của nhà sản xuất hoặc cơ sở đủ điều
kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không theo quy định;
c) 02 ảnh màu kích thước 3 x 4 cm, chụp không quá
06 tháng, kiểu chứng minh nhân dân.
Trong thời hạn 18 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ
theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định hồ sơ, tổ chức sát hạch, quyết
định cấp Giấy phép hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp Giấy phép cho
người đề nghị.
3.20 Giấy phép nhân
viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực
hạn chế của cảng hàng không, sân bay được đề nghị cấp lại trong các trường hợp
hết thời hạn hiệu lực của Giấy phép, Giấy phép bị mất, hỏng. Tổ chức đề nghị cấp
lại Giấy phép nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện
hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay gửi 01 bộ hồ sơ trực
tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng
không Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép của tổ chức quản
lý nhân viên điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hàng không, kèm theo
danh sách nhân viên điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hàng không;
b) Bản sao giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phù hợp
(đối với trường hợp nhân viên điều khiển phương tiện), chứng chỉ đào tạo điều
khiển, vận hành thiết bị, phương tiện phù hợp của nhà sản xuất hoặc cơ sở đủ điều
kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không theo quy định;
c) 02 ảnh màu kích thước 3 x 4 cm, chụp không quá
06 tháng, kiểu chứng minh nhân dân.
Trong thời hạn 18 ngày đối với trường hợp giấy phép
hết thời hạn hiệu lực và 05 ngày làm việc đối với trường hợp giấy phép bị mất,
hỏng, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định
hồ sơ, tổ chức sát hạch (đối với trường hợp giấy phép hết thời hạn hiệu lực),
quyết định cấp lại Giấy phép hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp lại
Giấy phép cho người đề nghị.
4. Tổ chức đề nghị cấp bổ sung năng định giấy phép
nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại
khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua
bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam. Hồ
sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp bổ sung năng định của tổ chức quản
lý nhân viên điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hàng không, kèm theo
danh sách nhân viên điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hàng không;
b) Bản sao giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phù hợp
(đối với trường hợp nhân viên điều khiển phương tiện), chứng chỉ đào tạo điều
khiển, vận hành thiết bị, phương tiện phù hợp của nhà sản xuất hoặc cơ sở đủ điều
kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không theo quy định;
c) 02 ảnh màu kích thước 3 x 4 cm, chụp không quá
06 tháng, kiểu chứng minh nhân dân.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thẩm định hồ sơ, quyết định cấp bổ
sung năng định hoặc thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp cho người đề nghị.
5. Cục Hàng không Việt Nam thu hồi giấy phép nhân
viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực
hạn chế của cảng hàng không, sân bay trong trường hợp sau:
a) Giấy phép bị tẩy xóa, được sử dụng không đúng mục
đích;
b) Nhân viên có hành vi vi phạm uy hiếp trực tiếp
an toàn, an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay, có hành vi che dấu vi
phạm quy định về an toàn, an ninh, hàng không;
c) Nhân viên bị phát hiện sử dụng chất gây nghiện;
bị kết án trong các vụ án hình sự; gây mất trật tự, an toàn xã hội trong khu vực
cảng hàng không, sân bay;
d) Nhân viên không được giao thực hiện công việc tại
khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay từ 03 tháng trở lên, không được huấn
luyện lại nhưng vẫn thực hiện công việc theo giấy phép.
6. Người điều khiển, vận hành thiết bị hàng không,
phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay phải thực
hiện các yêu cầu sau đây:
a) Chỉ được thực hiện công việc được ghi trong giấy
phép;
b) Tuân thủ các giới hạn tốc độ theo quy định; làm
chủ tốc độ trong mọi tình huống, điều kiện; không được tăng tốc hoặc phanh đột
ngột khi phương tiện tiếp cận hoặc rời khỏi tàu bay; phải quan sát trước, sau
và làm chủ được tốc độ khi cho phương tiện chuyển bánh, lưu thông trên đường
công vụ, chuyển hướng tiếp cận tàu bay vòng tránh, lùi sau;
c) Chấp hành hướng di chuyển, phương thức di chuyển
tránh va chạm với các phương tiện khác; tuân thủ quy định của người khai thác cảng
hàng không, sân bay về tuyến và hành lang, luồng chạy của các phương tiện hoạt
động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay;
d) Tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động và quy
định phòng chống cháy nổ theo quy định; mặc trang phục làm việc đúng quy định của
đơn vị;
đ) Khi điều khiển phương tiện đi lại trên khu bay
phải có bộ đàm để liên lạc hai chiều và tuân thủ huấn lệnh của kiểm soát viên
không lưu;
e) Khi có nhu cầu di chuyển trên hoặc cắt ngang qua
đường cất hạ cánh, đường lăn phải được phép của kiểm soát viên không lưu; đồng
thời phải liên tục giữ liên lạc và tuân theo hướng dẫn của kiểm soát viên không
lưu;
g) Khi điều khiển phương tiện đi lại trên đường cất
hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay gặp sự cố hoặc bị hư hỏng thì phải báo ngay
cho kiểm soát viên không lưu và nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi khu vực
đang hoạt động để sửa chữa; không được tiến hành sửa chữa trên đường lưu thông
của tàu bay và các phương tiện khác;
h) Khi đã đến vị trí phục vụ, phải kéo phanh tay,
chống chân hoặc chèn bánh; khi gặp biển báo hiệu dừng lại (Stop) trên đường
công vụ, phải dừng lại quan sát, khi thấy không có dấu hiệu gây mất an toàn mới
được đi qua;
i) Phải giảm tốc độ đến mức tối đa hoặc phải dùng
các phương tiện để không gây mất an toàn trong những trường hợp sau đây: khi có
tàu bay đang lăn; khi chạy trên đường công vụ đến đoạn cắt ngang qua đường lăn;
khi đi ngang qua khu vực đỗ tàu bay, khu vực xếp dỡ hành lý, khu vực di chuyển
của hành khách; khi tầm nhìn hạn chế; khi tránh xe ngược chiều hoặc cho xe sau
vượt lên;
k) Xe đầu kéo không được quá 4 đo-ly và tổng chiều
dài các đo-ly không được vượt quá 12,2 m (40 feet), không kể chiều dài cần kéo.
Trước khi kéo phải đảm bảo thùng đựng hàng đã được đậy nắp, chốt của cần kéo đã
được lắp chắc chắn, an toàn; chỉ được tháo các đo-ly ra khỏi đầu kéo khi xe đầu
kéo đã dừng lại hẳn; không được vừa chạy vừa xả các đo-ly;
l) Phải bật đèn chiếu (đèn cốt) và đèn xoay, không
dùng đèn pha khi vận hành các loại phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của
cảng hàng không, sân bay vào ban đêm hoặc khi trời mù, trời mưa;
m) Không được dừng phương tiện trên đường công vụ
trừ các trường hợp được qui định tại điểm h và i Điều này hoặc đỗ sai vị trí
quy định, gây ách tắc cho các loại phương tiện khác; khi cần dừng, người điều
khiển phải đưa phương tiện vào nơi quy định;
n) Không điều khiển phương tiện chạy cắt ngang qua khoảng
cách giữa: xe dẫn tàu bay và tàu bay đang lăn; tàu bay và nhân viên đánh tín hiệu
mặt đất; hệ thống hướng dẫn tàu bay vào điểm đỗ và tàu bay đang lăn vào vị trí
đỗ tàu bay;
o) Không điều khiển phương tiện di chuyển dưới
thân, cánh, động cơ tàu bay, trừ một số phương tiện có chức năng phục vụ phải
di chuyển một phần phía dưới tàu bay trong quá trình phục vụ; không điều khiển
những phương tiện có độ cao trên 3,90 m di chuyển dưới cầu ống dẫn khách; không
sử dụng các phương tiện trái với tính năng và mục đích sử dụng đã được cấp
phép; người điều khiển phương tiện không được rời khỏi vị trí điều khiển khi động
cơ đang hoạt động, ngoại trừ xe tra nạp nhiên liệu có hệ thống phanh, liên động
(interlock);
p) Khi tiếp cận tàu bay, phải tuân theo các quy tắc
sau đây: chỉ được phép tiếp cận khi tàu bay đã dừng hẳn, đã chèn bánh, động cơ
chính đã tắt, đèn nháy cảnh báo đã tắt, trừ trường hợp tàu bay phải có phương
tiện hỗ trợ mới tắt được động cơ; tiếp cận tàu bay theo đúng thứ tự quy định; đỗ
đúng vị trí theo sơ đồ phục vụ của từng loại tàu bay và không được ảnh hưởng đến
hoạt động của các phương tiện khác hoạt động trên khu bay; có người hướng dẫn đối
với các phương tiện tiếp cận tàu bay theo hình thức lùi, trừ các phương tiện có
hệ thống tự động tiếp cận tàu bay;
q) Khi đang nạp nhiên liệu lên tàu bay, các phương
tiện hoạt động trên khu bay đỗ trong phạm vi 15 m tính từ vị trí tra nạp nhiên
liệu trên tàu bay không được khởi động động cơ;
r) Không được hút thuốc trên khu bay;
7. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có
trách nhiệm ban hành, tổ chức phổ biến và thực hiện các quy tắc an toàn trên
khu bay.
Điều 61. Kiểm tra chất lượng
an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện chuyên ngành hàng không
1. Phương tiện chuyên ngành hàng không phải được kiểm
tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường định kỳ (sau đây gọi chung
là kiểm định) theo tài liệu kỹ thuật của phương tiện. Chu kỳ kiểm định phương
tiện được quy định như sau:
a) Đối với phương tiện chưa qua sử dụng, chu kỳ kiểm
định lần đầu là 24 tháng, kể từ ngày được cấp biển số;
b) Đối với phương tiện đã qua sử dụng, chu kỳ kiểm
định là 12 tháng, kể từ ngày được cấp biển số hoặc lần kiểm định trước.
2. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thực hiện hoặc
chỉ định cho tổ chức đủ năng lực thực hiện việc kiểm định phương tiện chuyên
ngành hàng không; hướng dẫn nội dung kiểm định; thực hiện công tác giám sát kiểm
định.
Chương VII
PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ
TÌM KIẾM CỨU NẠN TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 62. Quy định chung
1. Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
tại cảng hàng không, sân bay bao gồm:
a) Công tác phòng chống thiên tai;
b) Công tác khẩn nguy sân bay.
2. Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
tại cảng hàng không, sân bay được thực hiện theo quy định về phòng, chống thiên
tai, tìm kiếm cứu nạn hàng không, tiêu chuẩn của ICAO, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia Việt Nam ban hành hoặc công nhận áp dụng.
3. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chủ
trì, phối hợp các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cảng hàng không, sân bay
trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đối phó ban đầu hành vi
can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải bảo
đảm các thiết bị, phương tiện tối thiểu phục vụ công tác phòng chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn theo tiêu chuẩn áp dụng; người khai thác cảng hàng không,
sân bay được phép huy động thiết bị, phương tiện của các doanh nghiệp hoạt động
trên địa bàn cảng hàng không, sân bay.
5. Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo người khai thác
cảng hàng không, sân bay và các doanh nghiệp khác hoạt động tại cảng hàng
không, sân bay thiết lập hệ thống cơ sở, lực lượng phòng chống thiên tai, tìm
kiếm cứu nạn; công tác diễn tập, ký kết văn bản hiệp đồng liên quan đến công
tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại cảng hàng không, sân bay.
Điều 63. Phòng chống thiên tai
tại cảng hàng không, sân bay
1. Trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không,
sân bay:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch
phòng chống thiên tai của cảng hàng không, sân bay theo quy định;
b) Xây dựng, ký kết các văn bản hiệp đồng về công
tác phòng chống thiên tai với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cảng hàng không
và với chính quyền địa phương theo quy định;
c) Kiểm tra, rà soát, bổ sung, bảo dưỡng phương tiện,
thiết bị phòng chống thiên tai;
d) Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống chằng néo, neo đỗ
tàu bay tại các sân đỗ tàu bay; kiểm tra, tổ chức gia cố các cơ sở, công trình,
nhà xưởng, đài trạm;
đ) Kiểm tra thường xuyên, định kỳ hệ thống thoát nước
tại cảng hàng không và việc kết nối giữa hệ thống thoát nước nội bộ cảng hàng
không với hệ thống thoát nước bên ngoài đảm bảo không bị úng ngập trong mùa mưa
bão;
e) Kiểm tra hệ thống chống sét tại các công trình,
nhà ga, đài, trạm tại khu vực cảng hàng không, sân bay.
2. Trách nhiệm của các doanh nghiệp khác hoạt động
tại cảng hàng không, sân bay:
a) Xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên
tai cụ thể của đơn vị;
b) Kiểm tra, rà soát, bổ sung, bảo dưỡng hệ thống
thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, các cơ sở, công trình, đài, trạm
của đơn vị;
c) Phối hợp với người khai thác cảng hàng không,
sân bay trong phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả.
Điều 64. Công tác khẩn nguy
sân bay
1. Công tác khẩn nguy sân bay bao gồm các tình huống
sau:
a) Tìm kiếm cứu nạn tàu bay lâm nạn ngoài cảng hàng
không, sân bay trong khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của người khai thác cảng
hàng không, sân bay;
b) Khẩn nguy sân bay đối với tàu bay gặp sự cố, tai
nạn trong cảng hàng không, sân bay;
c) Khẩn nguy sân bay liên quan đến tình huống các
công trình, nhà xưởng, đài trạm tại cảng hàng không, sân bay bị cháy, nổ, bị sập
đổ vì bão lốc, ngập úng, bị can thiệp bất hợp pháp, khẩn nguy y tế;
d) Khẩn nguy sân bay trong điều kiện môi trường khắc
nghiệt, địa hình khu vực lân cận sân bay phức tạp, gần biển;
đ) Khẩn nguy can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động
hàng không dân dụng theo quy định.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay xây dựng
kế hoạch khẩn nguy sân bay; xây dựng lực lượng khẩn nguy cảng hàng không, sân
bay chuyên nghiệp theo đúng quy định của ICAO; hợp đồng phối hợp chặt chẽ với
chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác khẩn
nguy sân bay.
3. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không trên địa bàn
cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ lực lượng, phương tiện
theo kế hoạch khẩn nguy sân bay của người khai thác cảng hàng không, sân bay.
4. Kế hoạch khẩn nguy sân bay bao gồm các nội dung
sau:
a) Quy định chung: mục đích, đối tượng áp dụng, phạm
vi trách nhiệm, căn cứ pháp lý để xây dựng, phân loại tình huống khẩn nguy và
quy trình sửa đổi, bổ sung tài liệu;
b) Tổ chức công tác khẩn nguy gồm: ban chỉ huy khẩn
nguy, trung tâm khẩn nguy cảng hàng không, sân bay, trạm báo động khẩn nguy,
ban chỉ huy hiện trường; thiết lập các khu vực, sơ đồ luồng tuyến, cổng cửa ra
vào cho lực lượng, phương tiện tham gia vào công tác ứng phó khẩn nguy;
c) Phân định trách nhiệm cho các đơn vị trong việc
tổ chức, phối hợp và thực hiện công tác khẩn nguy;
d) Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ trong công
tác khẩn nguy;
đ) Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sử dụng
trong công tác khẩn nguy;
e) Điều tra và khôi phục: trách nhiệm của các đơn vị
trong công tác điều tra và khôi phục sự cố, tai nạn;
g) Chế độ trực khẩn nguy và công tác huấn luyện, kiểm
tra, diễn tập;
h) Quy chế báo cáo;
i) Quy chế phối hợp với ban chỉ huy khẩn nguy địa
phương;
k) Các phụ lục gồm: vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu
nạn của cảng hàng không, sân bay; sơ đồ thông báo khi có tình huống khẩn nguy;
sơ đồ thông báo, báo động khi có hành vi can thiệp bất hợp pháp; sơ đồ chỉ huy,
chỉ đạo khi có tình huống khẩn nguy; sơ đồ thông tin liên lạc, mật danh và tần
số quy định cho công tác khẩn nguy; danh bạ điện thoại của các cá nhân, tổ chức
có liên quan trong công tác khẩn nguy; sơ đồ kẻ lưới ô vuông cảng hàng không và
khu vực lân cận cảng hàng không; sơ đồ cổng, cửa, luồng tuyến ra vào của lực lượng,
phương tiện tham gia ứng phó với tình huống khẩn nguy; các tình huống khẩn nguy
giả định.
5. Kế hoạch khẩn nguy sân bay bao gồm khẩn nguy tại
chỗ, khẩn nguy hoàn toàn và được chia thành các giai đoạn:
a) Giai đoạn thu thập thông tin và đánh giá tình huống;
b) Giai đoạn báo động;
c) Giai đoạn khẩn nguy.
6. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chỉ huy,
điều hành các lực lượng hàng không để ứng phó ban đầu với các tình huống khẩn
nguy sân bay, tìm kiếm cứu nạn trong khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm được
giao; bàn giao, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc
tìm kiếm cứu nạn tàu bay trong khu vực trách nhiệm được giao sau khi hoàn thành
công tác ứng phó ban đầu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối
hợp tìm kiếm cứu nạn, ứng phó hành vi can thiệp bất hợp pháp trong lĩnh vực
hàng không dân dụng.
7. Người khai thác cảng hàng không, sân bay triển
khai thực hiện kế hoạch khẩn nguy trong cảng hàng không, sân bay, cụ thể:
a) Triển khai các lực lượng khẩn nguy cứu nạn sẵn
sàng ứng phó, tiếp cận khu vực sự cố, tai nạn;
b) Kích hoạt trung tâm khẩn nguy cảng hàng không;
c) Thông báo cho các đơn vị hiệp đồng liên quan;
d) Dịch vụ y tế và cứu thương sẵn sàng ứng phó, tiếp
cận khu vực sự cố, tai nạn;
đ) Thông báo cho người khai thác tàu bay lâm nguy,
lâm nạn; thu thập thông tin liên quan đến các hàng hóa nguy hiểm trên tàu bay,
thông báo cho những đơn vị liên quan;
e) Báo cáo Cảng vụ hàng không; thiết lập liên lạc với
cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay liên quan đến việc đóng cửa cảng
hàng không, sân bay, chỉ định hành lang bay khẩn nguy, phát hành NOTAM;
g) Thông báo cho các cơ quan điều tra sự cố, tai nạn
tàu bay theo quy định;
h) Thông báo cho bộ phận khí tượng để đưa ra thông
báo khí tượng đặc biệt;
i) Bố trí để thực hiện khảo sát và chụp ảnh ngay lập
tức đường cất hạ cánh bị ảnh hưởng để có các giải pháp xử lý kịp thời;
k) Thông báo cho bộ phận khám nghiệm tử thi trong
trường hợp có tử vong và thiết lập cơ sở nhà xác tạm thời.
8. Diễn tập khẩn nguy sân bay phải được tổ chức định
kỳ tại từng cảng hàng không, sân bay theo các cấp độ như sau:
a) Tổng diễn tập khẩn nguy sân bay phải được tổ chức
thực hiện với tần suất không quá 2 năm/lần;
b) Diễn tập khẩn nguy sân bay cơ sở giữa hai lần tổng
diễn tập để khắc phục những thiếu sót được phát hiện trong lần tổng diễn tập.
Điều 65. Cứu hỏa sân bay
1. Cấp cứu hỏa sân bay được xác định theo tiêu chuẩn
của ICAO. Cấp cứu hỏa sân bay được công bố trong AIP, quy chế bay trong khu vực
sân bay và trong tài liệu khai thác cảng hàng không, sân bay; được triển khai tới
các cơ quan, đơn vị liên quan.
2. Khi hệ thống phương tiện, trang thiết bị cứu hỏa
gặp sự cố làm thay đổi về cấp cứu hỏa sân bay, người khai thác cảng hàng không,
sân bay phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, thông báo cho các cơ sở cung cấp
dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, thực hiện quy trình thông báo tin tức hàng không
để thông báo cho tàu bay đi, đến cảng hàng không, sân bay. Khi khắc phục xong sự
cố, người khai thác cảng hàng không, sân bay phải thông báo lại các thông tin về
cấp cứu hỏa sân bay theo quy định.
Điều 66. Yêu cầu đối với nhân
viên cứu nạn, chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc và báo động, thời gian phản
ứng, phương tiện, thiết bị chữa cháy, khẩn nguy sân bay
1. Nhân viên cứu nạn, chữa cháy phải được huấn luyện
tại cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên ngành, theo chương trình đào tạo, huấn luyện
nhân viên cứu nạn, chữa cháy phù hợp; có chứng chỉ phù hợp; tham gia các cuộc
diễn tập cứu nạn, chữa cháy tại cảng hàng không, sân bay. Chương trình huấn luyện
nhân viên cứu nạn, chữa cháy phải bao gồm huấn luyện kỹ năng hành động của từng
người và khả năng phối hợp trong đội.
2. Nhân viên cứu nạn, chữa cháy phải thường xuyên
được huấn luyện thực hành để có thể sử dụng thành thạo các trang thiết bị chữa
cháy trên xe chữa cháy, đảm bảo vận hành, khai thác các thiết bị với công suất
tối đa trong quá trình chữa cháy, cứu nạn; sử dụng thành thạo dây, thang và các
thiết bị cứu nạn, chữa cháy khác gắn liền với hoạt động cứu nạn, chữa cháy cho
tàu bay.
3. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải bố
trí đủ số lượng nhân viên cứu hỏa phù hợp với cấp sân bay tương ứng; bố trí đầy
đủ trang bị, thiết bị, dụng cụ, quần áo phòng cháy chữa cháy cho nhân viên cứu
nạn, chữa cháy theo phương án phòng cháy chữa cháy của cảng hàng không, sân
bay; bố trí các xe cứu nạn và chữa cháy trực đúng nơi quy định của phương án khẩn
nguy sân bay; bố trí các trạm chữa cháy trung gian (trạm chữa cháy vệ tinh) để
đáp ứng được thời gian phản ứng theo quy định.
4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải đảm
bảo đủ hệ thống thông tin liên lạc trực tiếp giữa một trạm chữa cháy với đài kiểm
soát tại sân bay, với các trạm chữa cháy khác trên sân bay, các xe cứu nạn, chữa
cháy và đài kiểm soát không lưu, đài kiểm soát mặt đất; hệ thống báo động cho
nhân viên cứu nạn, chữa cháy.
5. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải
trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy, khẩn nguy sân bay phù hợp với quy mô
cảng hàng không, tần suất hoạt động của tàu bay và cấp cứu hỏa sân bay, điều kiện
địa hình cảng hàng không và khu vực lân cận cảng hàng không. Đối với cảng hàng
không, sân bay ở vùng có địa hình, môi trường phức tạp, người khai thác cảng
hàng không, sân bay phải trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, khẩn
nguy phù hợp.
6. Xe cứu thương và các phương tiện y tế để vận
chuyển người bị thương từ tàu bay bị nạn phải được chỉ đạo chung bởi người có
thẩm quyền theo phương án khẩn nguy sân bay; được dự phòng trong kế hoạch cứu nạn
với mọi trường hợp xử lý các tình huống khẩn nguy.
7. Thời gian phản ứng là thời gian giữa thời điểm
báo động đầu tiên đến thời điểm khi xe chữa cháy đầu tiên đến vị trí tàu bay
lâm nạn xả bọt với tốc độ tối thiểu là 50% tốc độ xả. Thời gian phản ứng của xe
chữa cháy phải bảo đảm các quy định sau:
a) Các phương tiện chữa cháy phải đảm bảo thời gian
phản ứng không quá 02 phút để đi đến bất cứ điểm nào của các đường cất hạ cánh
đang hoạt động trong điều kiện tầm nhìn tốt và mặt đường sạch, không bị mưa;
b) Các phương tiện chữa cháy phải đảm bảo thời gian
phải ứng không quá 03 phút đi đến bất cứ bộ phận nào của khu bay trong điều kiện
tầm nhìn tốt và mặt đường sạch, không bị mưa.
8. Hệ thống các xe cứu nạn, chữa cháy phải được bảo
dưỡng để đảm bảo thiết bị làm việc hiệu quả và phù hợp với thời gian được quy định
trong suốt thời gian hoạt động của xe.
9. Phương tiện, thiết bị chữa cháy, khẩn nguy sân
bay phải luôn sẵn sàng để kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn nguy xảy ra
trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của cảng hàng không.
Điều 67. Phòng, chống cháy nổ
tại cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay, các tổ
chức hoạt động trên địa bàn cảng hàng không, sân bay phải xây dựng nội quy
phòng, chống cháy nổ, phương án phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật
về phòng cháy chữa cháy, trong đó có các nội dung sau:
a) Tình huống cháy lớn phức tạp và tình huống cháy
đặc trưng khác, dự báo khả năng phát triển của đám cháy;
b) Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức
chỉ huy, áp dụng các biện pháp kỹ, chiến thuật chữa cháy, thoát nạn phù hợp với
từng giai đoạn và từng tình huống cháy;
c) Kế hoạch hợp đồng phối hợp với các cơ quan phòng
cháy và chữa cháy, quân đội, công an và các đơn vị liên quan khác trên địa bàn
khi có tình huống xảy ra cháy nổ tại cảng hàng không, sân bay.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay quản lý
tập trung lực lượng phòng chống cháy nổ, huy động từ các doanh nghiệp hoạt động
trên địa bàn cảng hàng không, sân bay; thành lập đội chữa cháy chuyên ngành,
thường xuyên duy trì chế độ huấn luyện phương pháp chữa cháy, cách sử dụng các
phương tiện chữa cháy được trang bị; bố trí nhân viên kiểm tra công tác đảm bảo
an toàn phòng cháy chữa cháy thường xuyên; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa
phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện phòng chống cháy nổ.
3. Nội dung huấn luyện phòng chống cháy nổ phải phù
hợp với tính chất nguy hiểm cháy đặc thù của cơ sở. Đối với lực lượng chữa cháy
chuyên nghiệp tại các sân bay, ngoài các nội dung huấn luyện chữa cháy khẩn
nguy trên sân bay phải được huấn luyện các chiến thuật chữa cháy tại các khu vực
trong nhà ga.
4. Thiết kế, xây dựng, sửa chữa, cải tạo, khai thác
nhà ga phải tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy hiện hành.
5. Việc sử dụng các thiết bị gas, thiết bị điện để
chế biến thực phẩm trong khu vực nhà ga phải được phép của doanh nghiệp cung cấp
dịch vụ nhà ga và tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
6. Không được phép hút thuốc lá trong cảng hàng
không, sân bay trừ những khu vực dành riêng để hút thuốc.
7. Xưởng sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay phải có hệ thống
thiết bị phòng cháy, chữa cháy tự động, hệ thống phòng chống cháy nổ đối với
tàu bay.
8. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xăng dầu hàng
không phải có hệ thống kho, bồn chứa, phương tiện vận chuyển, tra nạp và cơ sở
hóa nghiệm xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn quy định, được cơ quan chuyên môn có thẩm
quyền kiểm định và cấp phép; có phương án phòng chống cháy nổ được cơ quan
chuyên môn có thẩm quyền phê duyệt.
9. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xăng dầu hàng
không phải có phương án đối phó trong trường hợp có sự cố thiên tai, tràn dầu ảnh
hưởng đến môi trường, phương án và hệ thống thu gom, xử lý dầu thải, dầu tràn;
có văn bản hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn đối với việc xử
lý sự cố cháy nổ, tràn dầu.
Chương VIII
BẢO ĐẢM KHAI THÁC CẢNG
HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 68. Kiểm soát và giảm thiểu
tác hại của chim, động vật hoang dã, vật nuôi
1. Việc kiểm soát và giảm thiểu tác hại của chim, động
vật hoang dã, vật nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam,
tiêu chuẩn của ICAO, tiêu chuẩn, quy chuẩn do Việt Nam ban hành hoặc công nhận
áp dụng.
2. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chủ trì
phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan, có trách
nhiệm:
a) Khảo sát, lập sổ theo dõi tình trạng chim và động
vật hoang dã cư trú tại địa bàn cảng và khu vực lân cận cảng hàng không, sân
bay bao gồm: chủng loại, số lượng theo tháng, mùa;
b) Đánh giá các tác động, yếu tố về môi trường tại
cảng và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay thu hút sự xuất hiện của chim
và động vật hoang dã;
c) Khảo sát tình hình vật nuôi tại địa bàn cảng
hàng không, sân bay và khu vực lân cận;
d) Lập sổ theo dõi các vụ uy hiếp an toàn bay do
chim, động vật hoang dã, vật nuôi gây ra bao gồm các yếu tố: loài, thời gian xảy
ra, phân loại đánh giá sự nguy hiểm của từng loài;
đ) Ban hành, thông báo tới các đơn vị liên quan hoạt
động tại cảng hàng không, sân bay và tổ chức thực hiện chương trình phòng chống
chim, động vật hoang dã, vật nuôi tại từng cảng hàng không, sân bay;
e) Xem xét việc triển khai các dự án, các công
trình nhằm ngăn chặn, hạn chế việc thu hút chim, động vật hoang dã tại cảng
hàng không, sân bay; ngăn chặn việc nuôi động vật tại cảng hàng không, sân bay;
ngăn chặn việc xâm nhập của vật nuôi vào cảng hàng không, sân bay;
g) Báo cáo hàng tháng, hàng quý hoặc đột xuất theo
yêu cầu với Cục Hàng không Việt Nam về kết quả thống kê, khảo sát, đánh giá ảnh
hưởng của chim, động vật hoang dã, vật nuôi tới hoạt động bay tại cảng hàng
không, sân bay.
3. Cục Hàng không Việt Nam thực hiện thông báo các
sự cố tàu bay va đập với chim và động vật hoang dã cho ICAO.
Điều 69. Kiểm soát các thiết bị
chiếu sáng ảnh hưởng đến hoạt động bay
1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay phải
thiết lập sơ đồ các vùng ảnh hưởng đến hoạt động bay của đèn laze, thiết bị chiếu
sáng với cường độ cao trong tài liệu khai thác sân bay; gửi sơ đồ các vùng ảnh
hưởng đến các cơ quan, đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay và chính
quyền địa phương có liên quan để phối hợp kiểm soát.
2. Việc kiểm soát và giảm thiểu các mối nguy hiểm từ
đèn laze, thiết bị chiếu sáng với cường độ cao mà không phải là đèn dẫn đường
hàng không được thực hiện theo quy định của Thông tư này và tiêu chuẩn của
ICAO.
Điều 70. Quản lý chướng ngại vật
hàng không
1. Việc quản lý chướng ngại vật hàng không tại cảng
hàng không, sân bay và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay thực hiện theo
quy định của pháp luật Việt Nam và tiêu chuẩn của ICAO.
2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:
a) Xây dựng bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng
không, độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng
không trong khu vực sân bay, khu vực giới hạn bảo đảm hoạt động bình thường của
các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; giới hạn chướng ngại vật khu vực lân cận
cảng hàng không, sân bay; trình Bộ Tổng tham mưu phê duyệt;
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trực
thuộc Bộ Tổng tham mưu, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý bề mặt
giới hạn chướng ngại vật hàng không, ngăn ngừa và xử lý các công trình vi phạm
bề mặt giới hạn chướng ngại vật ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng; tuyên
truyền, phổ biến tới các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư nơi có sân bay và
khu vực lân cận sân bay để tham gia duy trì, quản lý các bề mặt giới hạn chướng
ngại vật, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động bay;
c) Công bố công khai bề mặt giới hạn chướng ngại vật
hàng không, bản đồ chướng ngại vật trong khu vực hoạt động bay dân dụng, danh mục
chướng ngại vật tự nhiên, nhân tạo có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay.
3. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm:
a) Tổ chức đo đạc, lập sơ đồ, bản đồ chướng ngại vật
trong khu vực hoạt động bay dân dụng; thống kê, đánh dấu danh mục chướng ngại vật
tự nhiên, nhân tạo có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay cập nhật thông
tin về chướng ngại vật; báo cáo Cục Hàng không Việt Nam;
b) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về
quản lý chướng ngại vật hàng không tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân
cận cảng hàng không, sân bay.
Điều 71. Thông tin liên lạc bằng
vô tuyến điện
1. Việc thông tin liên lạc bằng các thiết bị vô tuyến
điện tại cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ các quy định của pháp luật về
quản lý tần số vô tuyến điện, pháp luật về hàng không dân dụng.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị vô tuyến điện
tại cảng hàng không, sân bay sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải
thông báo việc sử dụng với Cảng vụ hàng không.
Điều 72. Yêu cầu về bảo vệ môi
trường
Việc bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay
thực hiện theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động
hàng không dân dụng.
Điều 73. Yêu cầu đối với việc
phòng, chống dịch bệnh
1. Phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động
tại cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng,
chống dịch bệnh tại cảng hàng không, sân bay, phòng, chống dịch bệnh lây lan
qua đường hàng không, tuân theo các chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Nhà ga hành khách phải được đảm bảo các điều kiện
sau đây:
a) Vệ sinh phòng bệnh thông thường; trong trường hợp
có dịch bệnh phải được tăng cường vệ sinh, khử trùng thường xuyên bằng hóa chất
diệt khuẩn được phép sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, ICAO, Bộ
Y tế;
b) Bố trí đủ dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng rửa
tay tại các khu vệ sinh;
c) Bố trí đủ trang thiết bị, bảo hộ, thuốc, hóa chất
để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
3. Trong trường hợp có dịch bệnh lây lan, người
cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách có trách nhiệm bố trí địa điểm kiểm tra để
hành khách khai báo y tế; địa điểm để giám sát tình trạng sức khỏe, đo thân nhiệt
hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra, xử lý y tế khác theo quy định của pháp luật.
Địa điểm kiểm tra được quy định như sau:
a) Đối với hành khách đến: trên tàu bay hoặc trước
khi vào nhà ga; hoặc trong nhà ga nhưng trước khi làm các thủ tục liên quan
khác;
b) Đối với hành khách đi: trong nhà ga trước khi
lên tàu bay.
4. Trong trường hợp có dịch bệnh lây lan, tùy mức độ
cảnh báo dịch của Bộ Y tế, tàu bay thực hiện chuyến bay quốc tế, chuyến bay nội
địa phải được khử trùng bằng hóa chất diệt khuẩn được phép sử dụng theo quy định
của Tổ chức Y tế Thế giới, ICAO, Bộ Y tế. Việc khử trùng được thực hiện như
sau:
a) Tàu bay, người, hàng hóa có dấu hiệu mang dịch
truyền nhiễm nhóm A thì tàu bay phải được cách ly, kiểm tra và xử lý y tế trước
khi làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh;
b) Khi phát hiện hành khách có dấu hiệu mang bệnh
truyền nhiễm nhóm A thì phải tiến hành khử trùng tàu bay trước khi cho hành
khách ra khỏi máy bay.
5. Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh dưới
sự chủ trì, điều hành của Cảng vụ hàng không với sự tham gia của cơ quan kiểm dịch
y tế quốc tế, người khai thác cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch
vụ nhà ga hành khách, các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không quốc tế.
Ban chỉ đạo có trách nhiệm:
a) Triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết
theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc phòng
chống dịch bệnh tại cảng hàng không, sân bay, phòng chống dịch bệnh lây lan qua
đường hàng không;
b) Ban hành phương án phòng chống dịch bệnh tại cảng
hàng không, sân bay, phòng chống dịch bệnh lây lan qua đường hàng không, quy
trình xử lý cụ thể khi phát hiện có người nghi nhiễm dịch bệnh, trên nguyên tắc
ưu tiên tuyệt đối cho quy trình xử lý y tế, đơn giản hóa thủ tục hàng không, thủ
tục xuất nhập cảnh, hải quan theo quy định;
c) Thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức cho cán bộ, nhân viên tại cảng hàng không, sân bay về công tác phòng chống
dịch bệnh, vì sức khỏe cộng đồng;
d) Tổ chức thực hiện các phương án hỗ trợ: bố trí vị
trí đỗ tàu bay phải cách ly; bố trí vị trí đặt thiết bị kiểm tra y tế, bố trí
luồng tuyến vào ra cho hành khách tại cảng hàng không, sân bay; bố trí khu vực
cách ly cho hành khách bị nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm lây lan theo yêu
cầu; bảo đảm an ninh, hỗ trợ thực hiện các biện pháp bắt buộc đối với người,
phương tiện; hỗ trợ về phục vụ kiểm dịch y tế, sát khử trùng, vệ sinh môi trường,
phương tiện vận chuyển; huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động
kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay trong việc thực hiện các biện pháp cấp
bách phục vụ chống dịch bệnh lây lan.
6. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không có trách nhiệm
tuyên truyền cho hành khách khai báo tờ khai y tế một cách đầy đủ, chính xác, hợp
tác với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc phòng chống dịch bệnh lây
lan; thông báo kịp thời cho các cơ quan có trách nhiệm về các chuyến bay xuất
phát hoặc có hạ cánh tại các khu vực dịch bệnh truyền nhiễm lây lan; phối hợp với
các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết hành khách bị nghi ngờ hoặc mắc
dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.
7. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo các
đơn vị thuộc ngành hàng không phối hợp với các cơ quan kiểm dịch y tế triển
khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cảng hàng không, sân
bay, phòng chống dịch bệnh lây lan qua đường hàng không theo hướng dẫn của Tổ
chức Y tế Thế giới, ICAO, quy định của Bộ Y tế.
Điều 74. Hoạt động quảng cáo
1. Việc xây dựng các công trình quảng cáo phải tuân
thủ quy hoạch được phê duyệt, quy định của pháp luật về quảng cáo; quy định của
pháp luật về xây dựng công trình tại cảng hàng không, sân bay; quy chuẩn kỹ thuật
về xây dựng, lắp đặt phương tiện quảng cáo.
2. Người khai thác công trình được thực hiện hoạt động
quảng cáo tại công trình thuộc phạm vi quản lý, khai thác.
3. Việc xây dựng công trình quảng cáo, lắp đặt
phương tiện quảng cáo phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Không làm ảnh hưởng đến mỹ quan, kiến trúc nhà
ga, hệ thống biển báo trong nhà ga;
b) Không đặt biển quảng cáo, sử dụng tờ rơi, âm
thanh để quảng cáo tại khu bay;
c) Không đặt biển quảng cáo tại vị trí cửa thoát hiểm
của các công trình;
d) Không đặt biển quảng cáo ảnh hưởng đến công tác an
toàn hàng không, an ninh hàng không, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông,
cản trở luồng di chuyển của hành khách và hàng hóa;
đ) Không sử dụng âm thanh để quảng cáo tại các công
trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; tại các công trình khác ảnh
hưởng đến việc cung cấp dịch vụ hàng không;
e) Không lắp các đèn hiệu, biển quảng cáo có sử dụng
đèn xoay, đèn laze và các thiết bị chiếu sáng gây ảnh hưởng đến hoạt động bay
trong khu vực cảng hàng không, sân bay;
g) Không quảng cáo bằng khinh khí cầu, bóng bay, diều
và các vật thể bay khác trong khu vực cảng hàng không, sân bay;
h) Không quảng cáo trên phương tiện hoạt động tại
khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, các thiết bị tại sân đỗ tàu bay
làm ảnh hưởng đến hoạt động bay hoặc tính năng hoạt động bình thường của phương
tiện, thiết bị.
4. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm kiểm tra, giám
sát việc xây dựng công trình quảng cáo, hoạt động quảng cáo; đình chỉ việc xây
dựng công trình quảng cáo, hoạt động quảng cáo vi phạm các quy định của pháp luật.
Điều 75. Phân bổ giờ cất hạ
cánh
1. Cục Hàng không Việt Nam thành lập Hội đồng điều
phối giờ cất, hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay để thực hiện khảo sát,
công bố danh mục cảng hàng không, sân bay được điều phối, giới hạn khai thác của
cảng hàng không, sân bay được điều phối theo quy định của pháp luật.
2. Cục Hàng không Việt Nam phân bổ giờ hạ, cất cánh
tại các cảng hàng không, sân bay trên cơ sở đề xuất của Hội đồng điều phối giờ
cất, hạ cánh; việc xác nhận giờ hạ, cất cánh đối với lịch bay thường lệ tại các
cảng hàng không, sân bay được điều phối thực hiện theo tài liệu Hướng dẫn điều
phối giờ hạ, cất cánh toàn cầu (Worldwide Slot Guidelines), tài liệu thông tin
lịch bay tiêu chuẩn (Standard Schedules Information Manual) được cập nhật của
IATA và quy chế điều phối giờ cất, hạ cánh của Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 76. Sân bay căn cứ của
hãng hàng không trong nước
1. Cục Hàng không Việt Nam công bố sân bay căn cứ
theo đề nghị của hãng hàng không trong nước trên cơ sở:
a) Năng lực khai thác sân đỗ tàu bay thực tế tại
sân bay đã có sự điều tiết của người khai thác cảng hàng không, sân bay;
b) Nhu cầu khai thác mạng đường bay của hãng hàng
không trong nước liên quan đến sân bay căn cứ;
c) Bảo đảm an toàn khai thác tàu bay; hạn chế ảnh
hưởng đến kế hoạch khai thác của các hãng hàng không trong nước, kế hoạch khai
thác phục vụ bay của cảng hàng không, sân bay.
2. Trên cơ sở công bố sân bay căn cứ, số lượng vị
trí đỗ qua đêm quy định tại khoản 1 Điều này, người khai thác cảng hàng không,
sân bay bố trí vị trí đỗ tàu bay qua đêm tại sân bay căn cứ của các hãng hàng
không trong nước.
Điều 77. Phân bổ sử dụng quầy
làm thủ tục hàng không
1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga
hành khách phân bổ quầy làm thủ tục hàng không (check-in) cho các hãng hàng
không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trên
nguyên tắc linh hoạt, đảm bảo tận dụng toàn bộ quầy làm thủ tục hàng không tại
nhà ga hành khách trong các khung giờ cao điểm, không để xảy ra tắc nghẽn liên
tục tại quầy làm thủ tục hàng không.
2. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm giám sát việc
thực hiện nguyên tắc phân bổ quầy làm thủ tục hàng không theo quy định tại khoản
1 Điều này.
Điều 78. Di chuyển tàu bay
không có khả năng di chuyển
1. Phương án di chuyển tàu bay hư hỏng trên khu bay
phải được quy định trong tài liệu khai thác sân bay.
2. Tàu bay bị hỏng hóc, mất khả năng di chuyển nằm
trong khu vực có hoạt động bay cần phải được di dời đi nơi khác để không ảnh hưởng
đến hoạt động hàng không bình thường. Việc di dời tàu bay mất khả năng di chuyển
thuộc trách nhiệm của người khai thác tàu bay. Người khai thác tàu bay phải tổ
chức di dời tàu bay bị sự cố theo yêu cầu và chỉ đạo của người khai thác cảng
hàng không, sân bay. Trong trường hợp người khai thác tàu bay không đủ khả năng
để tổ chức di dời, người khai thác tàu bay phải hiệp đồng với người khai thác cảng
hàng không, sân bay để người khai thác cảng hàng không, sân bay tổ chức di dời
với chi phí di dời do người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm thanh toán.
3. Tổ chức di dời tàu bay mất khả năng di chuyển tại
sân bay cần theo thứ tự như sau:
a) Xác định điều kiện mức độ hư hại của tàu bay bị
tai nạn vào thời điểm sớm nhất để thông báo yêu cầu tới công ty cung cấp dịch vụ
di dời nhanh chóng có mặt phục vụ theo hợp đồng đã được thỏa thuận và dự kiến
trước các phương án để phối hợp thực hiện di dời; thông báo cho cơ quan điều
tra tai nạn, công ty bảo hiểm có mặt tại hiện trường;
b) Thiết lập đường để cho các loại xe đặc chủng ra,
vào phục vụ việc di dời tàu bay;
c) Tháo nguồn ắc quy hoặc tháo dây tiếp mát, tháo
nguồn ra khỏi thanh dẫn điện; tổ chức thông gió phần bên trong tàu bay, kiểm
tra dập tắt lửa những chỗ còn cháy khói, tẩy rửa các chất lỏng, bẩn cả bên
trong khoang tàu bay và trên mặt đất trước khi di dời tàu bay đi. Tiến hành giảm
trọng lượng tàu bay như rút dầu, giải tỏa hàng hóa và tháo bớt những bộ phận có
thể tháo của tàu bay để giảm trọng lượng, tạo điều kiện cho việc nâng nhấc tàu
bay đi;
d) Vận chuyển chuyên gia và các thiết bị phục vụ di
dời của công ty dịch vụ đã thuê ra hiện trường; chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng,
phương tiện cùng phối hợp với công ty dịch vụ thực hiện các bước di dời;
đ) Tổ chức nâng nhấc, sửa chữa phục hồi theo phương
án đã được phê duyệt;
e) Sau khi đã di dời tàu bay mất khả năng di chuyển
ra khỏi khu vực, tổ chức san gạt, thu dọn mặt bằng và kiểm tra tổng hợp; nếu đảm
bảo đủ điều kiện an toàn, đưa đường cất hạ cánh, vào khai thác theo quy định.
4. Các yêu cầu trong thời gian tổ chức di dời:
a) Xe cứu hỏa và cứu thương phải trực tại địa điểm
sẵn sàng làm nhiệm vụ;
b) Phải đảm bảo thông tin liên lạc với đài kiểm
soát tại sân bay và với các cơ quan liên quan để không ảnh hưởng đến hoạt động
bay của đường cất hạ cánh còn lại;
c) Tổ chức di dời không làm tàu bay hư hỏng thêm trừ
trường hợp có ý kiến của chủ tàu bay hay người khai thác tàu bay trong trường hợp
tàu bay bị hư hại nhiều không còn khả năng phục hồi sửa chữa;
d) Chọn địa điểm di dời tàu bay đến nơi thuận lợi
và có khả năng phải lưu lại một thời gian dài;
đ) Không hút thuốc lá tại hiện trường và khu vực phụ
cận;
e) Di dời tàu bay đi phải được phép của cơ quan điều
tra tai nạn.
5. Người khai thác tàu bay hiệp đồng với người khai
thác cảng hàng không, sân bay để canh giữ, bảo vệ tàu bay hư hỏng sau khi được
di dời đến vị trí đỗ tàu bay được xác định trong phương án di chuyển tàu bay hư
hỏng để phục vụ công tác điều tra sự cố tàu bay theo quy định.
6. Trong kế hoạch hiệp đồng sẵn sàng xử lý khi có
tình trạng tàu bay mất khả năng di chuyển xảy ra tại cảng hàng không cần phải
nêu rõ địa điểm của ban chỉ huy hiện trường, các số điện thoại quan trọng và chỉ
dẫn các đường ra, vào của các phương tiện phục vụ di dời tàu bay.
Chương IX
KINH DOANH DỊCH VỤ
CHUYÊN NGÀNH HÀNG KHÔNG TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 79. Kinh doanh dịch vụ
hàng không
1. Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép cung cấp dịch
vụ hàng không cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không,
sân bay theo quy định của pháp luật và nguyên tắc chống độc quyền.
2. Tài liệu chứng minh đáp ứng các quy chuẩn, tiêu
chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không,
phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Chương trình an ninh hàng không, quy chế an ninh
hàng không;
b) Tài liệu cung cấp dịch vụ bao gồm các nội dung:
lĩnh vực cung cấp dịch vụ; phạm vi cung cấp dịch vụ (quy mô cung cấp dịch vụ,
sơ đồ mặt bằng hạ tầng cung cấp dịch vụ); quy trình, phương án cung cấp dịch vụ
hàng không; danh mục phương tiện, thiết bị;
c) Văn bản, biên bản nghiệm thu về phòng cháy chữa
cháy của cơ quan phòng cháy chữa cháy; phương án phòng cháy chữa cháy được cấp
có thẩm quyền phê duyệt;
d) Giấy kiểm định phương tiện chuyên ngành hàng
không; giấy phép phương tiện hoạt động trong khu vực hạn chế; giấy chứng nhận đảm
bảo an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường;
đ) Hồ sơ, tài liệu bảo vệ môi trường theo quy định
pháp luật.
3. Hãng hàng không có quyền tự do lựa chọn doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không được phép tại cảng hàng không, sân bay. Vì
lý do an toàn hàng không, an ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam có thể chỉ
định người cung cấp dịch vụ hàng không cho hãng hàng không trên cơ sở:
a) Khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng;
b) Yêu cầu thực hiện các biện pháp an ninh hàng
không đặc biệt.
4. Người sử dụng dịch vụ có quyền thực hiện đánh
giá dịch vụ hàng không được cung cấp tại cảng hàng không, sân bay theo tiêu chuẩn
áp dụng. Kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn an toàn, an ninh hàng không phải được
gửi cho Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không để kiểm tra, giám sát, xử
lý theo quy định.
5. Việc cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng
không, sân bay thực hiện theo tiêu chuẩn của ICAO, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
áp dụng và quy định của Thông tư này.
6. Cầu hành khách được sử dụng cùng các dịch vụ kỹ
thuật đồng bộ kèm theo tại cầu hành khách. Trong trường hợp có sự cố kỹ thuật đối
với cầu hành khách, việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật được thực hiện theo thỏa thuận
giữa người sử dụng và đơn vị được phép cung ứng dịch vụ tại sân bay.
Điều 80. Cung cấp dịch vụ phi
hàng không
1. Việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng
hàng không, sân bay được thực hiện trên nguyên tắc chống độc quyền.
2. Việc sử dụng mặt bằng tổ chức cung cấp dịch vụ
phi hàng không trong nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa phải tuân thủ theo tài
liệu khai thác nhà ga.
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phi hàng không có
trách nhiệm thông báo với Cảng vụ hàng không các nội dung sau:
a) Tên tổ chức cá nhân; loại hình cung cấp dịch vụ,
danh mục sản phẩm, hàng hóa; vị trí, mặt bằng cung cấp dịch vụ;
b) Hợp đồng hoặc văn bản của doanh nghiệp cung cấp
dịch vụ nhà ga chấp nhận doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ phi hàng không tại
cảng hàng không.
4. Cảng vụ hàng không kiểm tra, giám sát việc tổ chức
cung cấp dịch vụ phi hàng không; xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý
các vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ phi hàng không.
Chương X
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 81. Hiệu lực thi hành21
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm
2016 và thay thế Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng
không, sân bay, Thông tư số 19/2011/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
16/2010/TT-BGTVT , Điều 3 Thông tư số 38/2014/TT-BGTVT ngày 05 tháng 9 năm 2014
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu
hàng không tại Việt Nam.
Điều 82. Tổ chức thực hiện22
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng,
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Thể
|
PHỤ
LỤC
Ban hành kèm theo
Thông tư số 17/2016/TT-BGVTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
Số thứ tự
|
Tên các mẫu đơn, quyết định, biên bản, hợp đồng
|
Mẫu số 01
|
Đơn đề nghị giao đất/thuê đất tại cảng hàng
không, sân bay
|
Mẫu số 02
|
Quyết định giao đất
|
Mẫu số 0323
|
Quyết định cho thuê đất
|
Mẫu số 04
|
Biên bản giao đất trên thực địa
|
Mẫu số 05
|
Hợp đồng thuê đất
|
Mẫu số 06
|
Quyết định thu hồi đất
|
Mẫu số 07
|
Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay
|
Mẫu số 08
|
Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân
bay
|
Mẫu số 09
|
Đơn đề nghị cấp, sửa đổi giấy chứng nhận, giấy
phép
|
Mẫu số 10
|
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kỹ thuật
|
Mẫu số 1124
|
Quyết định gia hạn cho thuê đất
|
Mẫu số 1225
|
Tờ khai cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng
hàng không
|
Mẫu số 1326
|
Giấy phép kinh doanh cảng hàng không
|
Mẫu
số 01
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
....., ngày.....
tháng.... năm....
ĐƠN1....
Kính gửi:
Cảng vụ hàng không miền2.......................
1. Tổ chức, cá nhân xin giao đất/thuê đất3............................................................
2. Địa chỉ/trụ sở
chính:..........................................................................................
3. Địa chỉ liên hệ:..................................................................................................
4. Địa điểm khu đất:..............................................................................................
5. Diện tích (m2):...................................................................................................
6. Để sử dụng vào mục đích:4..............................................................................
7. Thời hạn sử dụng:.............................................................................................
8. Cam kết sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành
đúng các quy định của pháp luật đất đai, nộp tiền sử dụng đất/tiền thuê đất (nếu
có) đầy đủ, đúng hạn;
Các cam kết khác (nếu có)....................................................................................
9. Hồ sơ gửi kèm:5................................................................................................
|
Tổ chức/cá nhân
làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu có)
|
_______________
1 Ghi rõ đơn đề nghị giao đất hoặc đề
nghị thuê đất.
2 Ghi rõ tên Cảng vụ hàng không có thẩm
quyền giao đất, cho thuê đất.
3 Ghi rõ họ, tên tổ chức/cá nhân đề
nghị giao đất, cho thuê đất kèm thông tin về cá nhân đối với trường hợp là cá
nhân (số, ngày/tháng/năm, cơ quan cấp Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu...);
thông tin về tổ chức đối với trường hợp là tổ chức (Quyết định thành lập cơ
quan, tổ chức/Giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp/tổ chức kinh tế...).
4 Ghi rõ mục đích sử dụng đất theo
văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án đầu tư, giấy
chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
5 Ghi rõ thành phần hồ sơ gửi kèm
theo yêu cầu của Thông tư này.
Mẫu
số 02
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT
NAM
CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG MIỀN...
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
........./QĐ-CVM...
|
.........,
ngày.... tháng.... năm.....
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc..................................................
CẢNG VỤ HÀNG
KHÔNG MIỀN....
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29
tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5
năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số......./2016/TT-BGTVT ngày.....
tháng...... năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về
quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Xét đề nghị của Phòng....................,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Giao cho... (ghi tên và địa chỉ của
tổ chức, cá nhân được giao đất)... m2 đất tại Cảng hàng không,
sân bay......, xã/phường/thị trấn....., huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh...,
tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương... để sử dụng vào mục đích....
Thời hạn sử dụng đất: Lâu dài.
Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo tờ
trích lục bản đồ địa chính (hoặc tờ trích đo địa chính) số tỷ lệ... do... lập
ngày... tháng... năm... và đã được.... thẩm định.
Hình thức giao đất: Không thu tiền sử dụng đất
Những hạn chế về quyền của người sử dụng đất: Không
được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp,
góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Điều 2. Giao............................ tổ
chức thực hiện các công việc sau đây:
1. Xác định cụ thể mốc giới và giao đất trên thực địa
cho tổ chức, cá nhân được giao đất.
2. Chỉnh lý bản đồ địa chính cảng hàng không, sân
bay.......... và chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ quản lý đất tại cảng hàng không, sân
bay....
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký.
Các ông/bà Trưởng phòng... và tổ chức, cá nhân được
giao đất có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
|
GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
Mẫu
số 0327
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT
NAM
CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG MIỀN...
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
........./QĐ-CVM...
|
.........,
ngày.... tháng.... năm.....
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc..................................................
GIÁM ĐỐC CẢNG VỤ
HÀNG KHÔNG MIỀN....
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29
tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5
năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6
năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay;
Căn cứ Thông tư số....../2018/TT-BGTVT ngày.....
tháng...... năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 quy định chi tiết
về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Xét đề nghị của (ghi tên tổ chức, cá nhân đề nghị
gia hạn cho thuê đất)......
Xét đề nghị của Phòng..............,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cho... (ghi tên và địa chỉ của tổ
chức, cá nhân được thuê đất) thuê.... m2 đất tại cảng hàng
không/sân bay..., xã/phường/thị trấn......, huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh...,
tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương... để sử dụng vào mục đích....
Thời hạn thuê đất là......, kể từ ngày... tháng...
năm... đến ngày... tháng... năm...
Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo tờ
trích lục bản đồ địa chính (hoặc tờ trích đo địa chính) số......., tỷ lệ...
do................... lập ngày... tháng... năm... và đã được.... thẩm định.
Hình thức thuê đất: trả tiền thuê đất hàng năm.
Giá cho thuê đất: được cơ quan có thẩm quyền xác định
theo quy định của pháp luật hiện hành.
Những hạn chế về quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng
đất: không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất,
thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Điều 2.
Giao......................................................... có trách nhiệm tổ
chức thực hiện các công việc sau đây:
1. Xác định cụ thể mốc giới và giao đất trên thực địa.
2. Thông báo cho tổ chức, cá nhân thuê đất về việc
phối hợp làm việc với cơ quan có thẩm quyền xác định giá thuê đất theo quy định
của pháp luật hiện hành và ký hợp đồng thuê đất sau khi xác định được giá thuê
đất.
3. Chỉnh lý bản đồ địa chính cảng hàng không, sân
bay.................. và chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ quản lý đất tại cảng hàng
không, sân bay.....
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký.
Các ông/bà Trưởng phòng...... và tổ chức, cá nhân
được thuê đất có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
|
GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
Mẫu
số 04
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
BIÊN BẢN GIAO ĐẤT TRÊN THỰC ĐỊA
Thực hiện Quyết định số........................
ngày.... tháng.... năm.... của Cảng vụ hàng không miền............... về việc
giao đất/thuê đất, hôm nay ngày.... tháng.... năm........., tại............,
thành phần gồm:
I. Bên giao đất/cho thuê đất - Đại diện Cảng vụ
hàng không miền...:
.............................................................................................................................................
.............................................................................................................................................
II. Bên được nhận đất trên thực địa:
.............................................................................................................................................
III. Các bên tiến hành giao đất, cụ thể như sau:
1. Giao nhận thửa đất số....... tờ bản đồ số.............
tại................ cho (tên tổ chức/cá nhân sử dụng đất) để sử dụng vào
mục đích..............
2. Giao nhận đất theo các mốc giới, ranh giới thửa
đất, diện tích..... m2 trên thực địa xác định theo tờ trích lục bản
đồ địa chính (hoặc tờ trích đo địa chính) số..., tỷ lệ... do.............. lập
ngày... tháng... năm.... và đã được... thẩm định, gồm:
............................................................................................................................................;
.............................................................................................................................................
3. Biên bản lập hồi.... giờ... phút cùng ngày, đã đọc
cho các bên tham dự cùng nghe, nhất trí thông qua ký tên dưới đây.
Biên bản này lập thành... bản có giá trị như nhau,
gửi...................../.
BÊN GIAO ĐẤT
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu)
|
BÊN NHẬN ĐẤT
(Ký, ghi họ tên, đóng dấu - nếu có)
|
Mẫu
số 05
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
........,
ngày..... tháng..... năm....
HỢP ĐỒNG THUÊ ĐẤT
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29
tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5
năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số......../2016/TT-BGTVT ngày......
tháng...... năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về
quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Căn cứ Quyết định số............... ngày...
tháng... năm... của Cảng vụ hàng không miền............ về việc cho thuê đất.............
Căn cứ văn bản số........ ngày... tháng... năm....
của....(ghi rõ cơ quan ban hành đơn giá thuê đất) về việc xác định đơn
giá cho thuê đất;
Căn cứ biên bản giao đất trên thực địa..................................................................
....................................................;
Hôm nay, ngày... tháng... năm... tại...........................,
chúng tôi gồm:
I. Bên cho thuê đất:
...........................................................................................................................................
...........................................................................................................................................
II. Bên thuê đất là: .....................................................................................................................................
(Đối với cá nhân thì ghi tên cá nhân, địa chỉ
nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, số chứng minh nhân dân, tài khoản (nếu có); đối
với tổ chức thì ghi tên tổ chức, địa chỉ trụ sở chính, họ tên và chức vụ người
đại diện, số tài khoản.....).
III. Hai Bên thỏa thuận ký hợp đồng thuê đất với
các điều, khoản sau đây:
Điều 1. Bên cho thuê đất cho Bên thuê đất
thuê khu đất như sau:
1. Diện tích đất... m2 (ghi rõ bằng số
và bằng chữ, đơn vị là mét vuông)
Tại... (ghi tên cảng hàng không/sân bay, xã/phường/thị
trấn; huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh; tỉnh/thành phố trực thuộc Trung
ương nơi có đất cho thuê).
2. Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo tờ
trích lục bản đồ địa chính (hoặc tờ trích đo địa chính) số....., tỷ lệ.........
do.......... lập ngày... tháng... năm... đã được... thẩm định.
3. Thời hạn thuê đất... (ghi rõ số năm hoặc số
tháng thuê đất bằng số và bằng chữ phù hợp với thời hạn thuê đất), kể từ
ngày... tháng... năm... đến ngày... tháng... năm...
4. Mục đích sử dụng đất
thuê:...............................................................................
Điều 2. Bên thuê đất có trách nhiệm trả tiền
thuê đất theo quy định sau:
1. Giá đất tính tiền thuê đất là... đồng/m2/năm,
(ghi bằng số và bằng chữ).
2. Tiền thuê đất được tính từ ngày... tháng...
năm................................................
3. Phương thức nộp tiền thuê đất:.........................................................................
4. Nơi nộp tiền thuê đất:........................................................................................
5. Việc cho thuê đất không làm mất quyền của Nhà nước
là đại diện chủ sở hữu đất đai và mọi tài nguyên nằm trong lòng đất.
Điều 3. Việc sử dụng đất trên khu đất thuê
phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã ghi tại Điều 1 của Hợp đồng này
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
1. Bên cho thuê đất bảo đảm việc sử dụng đất của Bên
thuê đất trong thời gian thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp Bên thuê đất bị thu
hồi đất theo quy định của Luật Đất đai và Thông tư này.
2. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, Bên thuê đất
có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp Bên thuê đất bị thay đổi do chia tách,
sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, bán tài sản gắn liền với đất thuê thì tổ chức,
cá nhân được hình thành hợp pháp sau khi Bên thuê đất bị thay đổi sẽ được tiếp
quyền và nghĩa vụ của Bên thuê đất trong thời gian còn lại theo Hợp đồng này nếu
có nhu cầu, tuy nhiên phải thực hiện lại trình tự thủ tục đề nghị thuê đất theo
quy định để xác định lại đối tượng thuê đất.
Trường hợp Bên thuê đất bị thay đổi do quy hoạch cảng
hàng không, sân bay có sự thay đổi và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bên
thuê đất hoàn trả lại đất cho Cảng vụ hàng không và phối hợp với Cảng vụ hàng
không, các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện phương án giải phóng mặt bằng
tài sản trên đất theo quy định của pháp luật.
3. Trong thời hạn hợp đồng còn hiệu lực thi hành, nếu
Bên thuê đất trả lại toàn bộ hoặc một phần khu đất thuê trước thời hạn thì phải
thông báo cho Bên cho thuê đất biết trước ít nhất là 01 tháng. Thời điểm kết
thúc hợp đồng tính đến ngày bàn giao mặt bằng.
4. Các quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của
các Bên (nếu có)1
.....................................................................................................................................
Điều 5. Hợp đồng thuê đất chấm dứt trong các
trường hợp sau:
1. Hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn thuê
tiếp;
2. Do đề nghị của một bên hoặc các bên tham gia hợp
đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất chấp thuận;
3. Bên thuê đất bị phá sản hoặc bị phát mại tài sản
hoặc giải thể;
4. Bên thuê đất bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thu hồi đất theo quy định, của pháp luật về đất đai.
Điều 6. Việc giải quyết tài sản gắn liền với
đất sau khi kết thúc Hợp đồng này được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Hai Bên cam kết thực hiện đúng quy định
của hợp đồng này, nếu Bên nào không thực hiện thì phải bồi thường cho việc vi
phạm hợp đồng gây ra theo quy định của pháp luật.
Cam kết khác (nếu có)2 .....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Điều 8. Hợp đồng này được lập thành 04 bản
có giá trị pháp lý như nhau, mỗi Bên giữ 01 bản và gửi đến cơ quan thuế, kho bạc
nhà nước nơi thu tiền thuê đất.
Hợp đồng này có hiệu lực kể từ
ngày............................................................... /.
BÊN THUÊ ĐẤT
(Ký, ghi rõ họ, tên, đóng dấu (nếu có)
|
BÊN CHO THUÊ ĐẤT
(Ký, ghi rõ họ, tên, đóng dấu)
|
_______________
1 Phải đảm bảo phù hợp với quy định của
pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan
2 Phải đảm bảo phù hợp với quy định của
pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan
Mẫu
số 06
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT
NAM
CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG MIỀN...
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:........./QĐ-CVM...
|
.........,
ngày.... tháng.... năm.....
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc thu hồi đất1..........................
CẢNG VỤ HÀNG
KHÔNG MIỀN...
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5
năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số......./2016/TT-BGTVT ngày......
tháng...... năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về
quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Xét đề nghị của Phòng................ tại Tờ trình
số.......... ngày... tháng... năm...
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thu hồi... m2 đất của...
(ghi tên tổ chức/cá nhân có đất bị thu hồi), thuộc thửa đất số... (một phần hoặc
toàn bộ thửa đất), thuộc tờ bản đồ số... tại Cảng hàng không/sân
bay................., xã/phường/thị trấn..............., huyện/thành phố thuộc
tỉnh............, tỉnh/thành phố.............
Lý do thu hồi đất:................2
Điều 2. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức
thực hiện việc thu hồi đất, cụ thể như sau:
1. Văn phòng/Phòng.... có trách nhiệm giao quyết định
này cho tổ chức/cá nhân...3
2. Văn phòng Cảng vụ hàng không miền.... có trách
nhiệm đăng Quyết định này trên trang thông tin điện tử của Cảng vụ hàng không
miền.....
Điều 3.
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày.....
tháng...... năm..........
2. Tổ chức/cá nhân bị thu hồi đất có tên tại Điều 2
nêu trên và các ông/bà Chánh Văn phòng, Trưởng phòng....... chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
|
GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
_______________
1 Ghi rõ mục đích thu hồi đất....
(theo Điều 64, 65 của Luật Đất đai)
2 Ghi rõ lý do thu hồi đất như (1)
3 Trường hợp tổ chức/cá nhân... không
nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản; niêm yết quyết định
này tại trụ sở Cảng vụ hàng không miền....
Mẫu
số 07
BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
-------
Số:
/GCNĐK-CHK
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
GIẤY CHỨNG NHẬN
ĐĂNG KÝ CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
|
TÊN CẢNG HÀNG
KHÔNG, SÂN BAY
...............................................
...............................................
|
TỌA ĐỘ
□ Vĩ độ
□ Kinh độ
|
THỜI ĐIỂM ĐĂNG
KÝ
□ Đang xây dựng
□ Đã hoàn thành
xây dựng
|
TÊN, ĐỊA CHỈ
NGƯỜI ĐĂNG KÝ:
...........................................................................................................................................
|
MỤC ĐÍCH KHAI
THÁC:
...........................................................................................................................................
|
TIÊU CHUẨN,
NĂNG LỰC KHAI THÁC:
...........................................................................................................................................
CẤP SÂN BAY:....................................................................................................................
|
GHI CHÚ:
............................................................................................................................................
|
Ngày, tháng, năm
đăng ký vào Sổ:
.........../........../.............
Ngày, tháng, năm cấp:
.........../........../.............
|
CỤC TRƯỞNG
|
|
|
|
|
Mẫu
số 08
BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
-------
Số:
/GCNKT-CHK
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
GIẤY CHỨNG NHẬN
KHAI THÁC CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Cấp lần đầu:.............................
Cấp lần thứ
hai:.........................
|
TÊN CẢNG HÀNG
KHÔNG, SÂN BAY
...............................................
...............................................
|
TỌA ĐỘ
|
Vĩ độ........
|
Kinh độ.......
|
TÊN, ĐỊA CHỈ
NGƯỜI KHAI THÁC CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY:
...........................................................................................................................................
|
MỤC ĐÍCH KHAI
THÁC:
...........................................................................................................................................
|
NĂNG LỰC KHAI
THÁC:
...........................................................................................................................................
CẤP SÂN BAY:..............................................................................................................
|
DỊCH VỤ HÀNG
KHÔNG ĐƯỢC CUNG CẤP:
...........................................................................................................................................
|
GHI CHÚ:
...........................................................................................................................................
|
Ngày, tháng, năm cấp:
.........../........../.............
Ngày, tháng, năm hết
hiệu lực:
.........../........../.............
|
CỤC TRƯỞNG
|
|
|
|
|
Mẫu số 09
TÊN DOANH NGHIỆP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số:..............
V/v đề nghị cấp....
|
.........,
ngày.... tháng.... năm.....
|
Kính gửi: Cục Hàng
không Việt Nam
Căn cứ.....................
Căn cứ.....................
Công ty..................... đề nghị Cục Hàng không
Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay (Giấp chứng nhận
khai thác cảng hàng không, sân bay....) tại cảng hàng không (sân
bay)..............
Thông tin cụ thể như sau:
1. Tên đầy đủ của tổ chức, cá nhân theo giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân, cá nhân (kể
cả tên viết tắt và tên giao dịch quốc tế).
2. Địa chỉ trụ sở chính:
3. Địa chỉ liên lạc: (tên người có trách nhiệm, địa
chỉ thư tín, địa chỉ điện tử, điện thoại, fax).
4. Họ và tên người đại diện theo pháp luật (đối với
tổ chức).
5. Thông tin của người đại diện theo pháp luật (họ
và tên, giới tính, dân tộc, số chứng minh thư nhân dân, nơi cấp, ngày cấp).
6. Loại hình doanh nghiệp: (công ty TNHH, công ty cổ
phần...).
7. Nội dung đề nghị1: yêu cầu nêu rõ nội
dung đề nghị và các thông tin kèm theo tùy theo từng nội dung đề nghị (xem phần
ghi chú).
_______________
1 Ghi chú:
- Đối với đề nghị giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng
nhận đăng ký tạm thời, sửa đổi nội dung đăng ký trong sổ đăng bạ cảng hàng
không, sân bay, giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không: tên, địa chỉ của người
đề nghị cấp tên cảng hàng không, sân bay; vị trí, tọa độ; cấp sân bay; mục đích
khai thác, năng lực khai thác.
- Đối với đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ
hàng không tại cảng hàng không, sân bay: tên, địa chỉ của người đề nghị; loại
hình dịch vụ cung cấp, địa điểm cung cấp dịch vụ; quy mô cung cấp dịch vụ.
Mẫu số 10
BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT
Số:
Căn cứ quy định tại Thông tư số................. của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay, Cục Hàng không Việt Nam chứng nhận sản phẩm dưới đây sản
xuất tại Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật đưa vào khai thác tại cảng hàng
không, sân bay Việt Nam.
Tổ chức đề nghị cấp
giấy chứng nhận
|
|
Nhà sản xuất
|
|
Sản phẩm
|
|
Mã hiệu sản phẩm
|
|
Bộ hồ sơ sản phẩm
gồm có:
Hồ sơ thiết kế
Hồ sơ kiểm tra thử
nghiệm
Hướng dẫn lắp đặt,
khai thác, bảo dưỡng
Đặc tính kỹ thuật
chi tiết
|
|
Tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật áp dụng
|
|
Ngày ban hành
|
|
Giấy chứng nhận này không có giá trị đối với các sản
phẩm:
- Được sản xuất khác với hồ sơ thiết kế được phê
duyệt.
- Không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng./.
Mẫu số 1128
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT
NAM
CẢNG VỤ HÀNG KHÔNG MIỀN...
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số:........./QĐ-CVM...
|
.........,
ngày... tháng... năm...
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc..................................................
GIÁM ĐỐC CẢNG VỤ
HÀNG KHÔNG MIỀN....
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29
tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng
không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5
năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6
năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay;
Căn cứ Thông tư số....../2018/TT-BGTVT ngày.....
tháng...... năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 quy định chi tiết
về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Căn cứ Quyết định số....../QĐ-CVM.... ngày....
tháng.... năm của Cảng vụ hàng không miền........... về việc cho........ (ghi
tên tổ chức, cá nhân được cho thuê đất) thuê đất;
Xét đề nghị của (ghi tên tổ chức, cá nhân đề nghị
gia hạn cho thuê đất)............
Xét đề nghị của Phòng.........,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cho... (ghi tên và địa chỉ của tổ
chức, cá nhân được gia hạn thuê đất) được tiếp tục thuê.... m2 đất
tại cảng hàng không/sân bay..., xã/phường/thị trấn......, huyện/quận/thị
xã/thành phố thuộc tỉnh..., tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương... để sử dụng
vào mục đích....
Thời hạn thuê đất là........., kể từ ngày...
tháng... năm...đến ngày... tháng... năm...
Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo tờ
trích lục bản đồ địa chính (hoặc tờ trích đo địa chính) số......, tỷ lệ... do lập
ngày... tháng... năm... và đã được Cảng vụ hàng không miền..... chấp thuận tại
Quyết định cho thuê đất số......
Hình thức thuê đất: trả tiền thuê đất hàng năm.
Giá cho thuê đất: được cơ quan có thẩm quyền xác định
theo quy định của pháp luật hiện hành.
Những hạn chế về quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng
đất: không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất,
thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Điều 2.
Giao........................................................... có trách nhiệm
thông báo cho tổ chức, cá nhân được gia hạn thuê đất về việc phối hợp làm việc
với cơ quan có thẩm quyền xác định giá thuê đất theo quy định của pháp luật hiện
hành và ký hợp đồng thuê đất sau khi xác định được giá thuê đất.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký.
Các ông/bà Trưởng phòng.................. và tổ chức,
cá nhân được gia hạn thuê đất có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này.
Nơi nhận:
|
GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
|
Mẫu số 1229
TÊN DOANH NGHIỆP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: ...............
V/v đề nghị cấp/cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không
|
......,
ngày......... tháng......... năm......
|
TỜ KHAI CẤP/CẤP LẠI GIẤY PHÉP
KINH DOANH CẢNG HÀNG KHÔNG
Kính gửi: Cục Hàng
không Việt Nam
Căn cứ...................................................................................................................
Căn cứ...................................................................................................................
Công ty.................... đề nghị Cục Hàng không
Việt Nam cấp/cấp lại Giấy phép kinh doanh cảng hàng không với các nội dung chi tiết
như sau:
1. Tên đầy đủ của tổ chức, cá nhân theo giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân, cá nhân (kể
cả tên viết tắt và tên giao dịch quốc tế).
2. Mã số doanh nghiệp:
3. Địa chỉ trụ sở chính:
4. Địa chỉ liên lạc: (tên người có trách nhiệm, địa
chỉ thư tín, địa chỉ điện tử, điện thoại, fax).
5. Họ và tên người đại diện theo pháp luật (đối với
tổ chức).
6. Thông tin của người đại diện theo pháp luật (họ
và tên, giới tính, dân tộc, số chứng minh thư nhân dân (hoặc thẻ căn cước), nơi
cấp, ngày cấp).
7. Loại hình doanh nghiệp: (công ty TNHH, công ty cổ
phần...).
8. Nội dung đề nghị: đề nghị cấp/cấp lại Giấy phép
kinh doanh cảng hàng không.
Mẫu số 1330
BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số:........./GPKDCHK-CHK
|
|
GIẤY PHÉP KINH DOANH CẢNG HÀNG KHÔNG
Cấp lần đầu:..................................
Cấp lần thứ
hai:..............................
Cấp lần thứ
ba:..............................
|
TÊN, ĐỊA CHỈ CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH CẢNG
HÀNG KHÔNG:
...........................................................................................................................................
SỐ, NGÀY CẤP, NƠI CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ
DOANH NGHIỆP CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH CẢNG HÀNG KHÔNG
...........................................................................................................................................
|
GHI CHÚ:
...........................................................................................................................................
|
Ngày, tháng, năm cấp:
......./....../.........
|
CỤC TRƯỞNG
|
|
|
|
1 Thông
tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30
tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về
quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày
05 tháng 11 năm 2018 có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày
29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không
dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Căn cứ Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng
7 năm 2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng
02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị
của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt
Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông
tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay.
2 Tên điều này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 1 Thông tư
số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018
3 Điểm này được sửa
đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
4 Tên điều này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư
số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
5 Điểm này được sửa
đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
6 Khoản này được sửa
đổi, bổ sung theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
7 Khoản này được sửa
đổi, bổ sung theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 1 Thông tư số
51/2018/ TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
8 Tên điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại
điểm a Khoản 3 Điều 1 Thông
tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày
19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý,
khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05
tháng 11 năm 2018.
9 Điểm này được sửa
đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 1 Thông tư số
51/2018/ TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
10 Khoản này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 1 Thông tư
số 51/2018/ TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm
2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không,
sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
11 Khoản này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 1 Thông tư
số 51/2018/ TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm
2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không,
sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
12 Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản
4 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
13 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản
5 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
14 Điều này được bổ sung theo quy định tại Khoản 6 Điều
1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
15 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản
7 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
16 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản
8 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
17 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản
9 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
18 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản
10 Điều 1 Thông tư số
51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng
hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
19 Khoản này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a Khoản 11 Điều 1 Thông
tư số 51/2018/ TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm
2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không,
sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
20 Khoản này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b Khoản 11 Điều 1 Thông
tư số 51/2018/ TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm
2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không,
sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
21 Điều 2 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi
tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018 quy định như sau:
”Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.”
22 Điều
3 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản
lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm
2018 quy định như sau:
”Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ
quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
phát sinh vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Giao thông vận
tải để xem xét, giải quyết./.”
23 Mẫu này được thay thế theo quy định tại Khoản 12 Điều
1 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018
24 Mẫu này được bổ sung theo quy định tại Khoản 13 Điều
1 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018
25 Mẫu này được bổ sung theo quy định tại Khoản 13 Điều
1 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018
26 Mẫu này được bổ sung theo quy định tại Khoản 13 Điều
1 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018
27 Mẫu này được thay thế theo quy định tại Khoản 12 Điều
1 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018.
28 Mẫu này được bổ sung theo quy định tại Khoản 13 Điều
1 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018
29 Mẫu này được bổ sung theo quy định tại Khoản 13 Điều
1 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018
30 Mẫu này được bổ sung theo quy định tại Khoản 13 Điều
1 Thông tư số 51/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2018 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2018