BỘ CÔNG
AN
-------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
58/2009/TT-BCA(C11)
|
Hà Nội,
ngày 28 tháng 10 năm 2009
|
THÔNG
TƯ
QUY
ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THỐNG KÊ, TỔNG HỢP, XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU, CUNG CẤP THÔNG
TIN VỀ TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP
ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Công an;
Bộ Công an quy định và
hướng dẫn việc thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin
về tai nạn giao thông đường bộ như sau:
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định
và hướng dẫn về chỉ tiêu, phân loại, hình thức, thời gian, trách nhiệm báo cáo,
thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về tai nạn
giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là tai nạn giao thông).
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng
đối với Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan
đến việc thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về
tai nạn giao thông.
Điều 3.
Nguyên tắc thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông
1. Bảo đảm khách
quan, chính xác, kịp thời.
2. Thống nhất về chỉ tiêu,
biểu mẫu, kỳ hạn báo cáo, thống kê.
3. Không trùng lặp,
chồng chéo giữa các thông tin thống kê.
4. Bảo đảm bí mật số
liệu thống kê theo quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản
hướng dẫn thi hành.
Điều 4.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin về tai
nạn giao thông
1. Người điều khiển
phương tiện giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là người điều khiển phương
tiện), người liên quan đến tai nạn giao thông hoặc người có mặt tại nơi xảy ra
tai nạn giao thông có trách nhiệm báo ngay cho Cảnh sát giao thông hoặc cơ quan
Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất về tai nạn giao thông và cung cấp đầy đủ,
chính xác các thông tin mà mình biết khi được yêu cầu.
2. Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) khi nhận được tin
báo về tai nạn giao thông có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan Công an
nơi gần nhất để giải quyết, thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tai
nạn giao thông.
3. Cơ quan Cảnh sát điều
tra Công an các cấp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, kết quả điều tra
về vụ tai nạn giao thông cho Cảnh sát giao thông cùng cấp để thống kê, tổng
hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.
Điều 5. Tai
nạn giao thông
1. Tai nạn giao thông
là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao
thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay
gặp phải sự cố bất ngờ gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khoẻ
của con người hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tai nạn giao thông gồm:
a) Va chạm giao thông;
b) Vụ tai nạn giao
thông gây hậu quả ít nghiêm trọng;
c) Vụ tai nạn giao
thông gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Vụ tai nạn giao
thông gây hậu quả rất nghiêm trọng;
đ) Vụ tai nạn giao
thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
2. Va chạm giao thông
là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới
giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường
bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây thiệt hại đến sức khỏe của con người hoặc gây
thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân dưới mức quy định của vụ tai
nạn giao thông gây hậu quả ít nghiêm trọng.
3. Vụ tai nạn giao
thông gây hậu quả ít nghiêm trọng
Gây hậu quả ít nghiêm
trọng trong vụ tai nạn giao thông là một trong các trường hợp sau:
a) Gây tổn hại cho
sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%;
b) Gây tổn hại cho
sức khỏe của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11% nhưng tổng
tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 21% đến dưới 41%;
c) Gây thiệt hại về
tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.
4. Vụ tai nạn giao
thông gây hậu quả nghiêm trọng
Gây hậu quả nghiêm
trọng trong vụ tai nạn giao thông là một trong các trường hợp sau:
a) Làm chết một
người;
b) Gây tổn hại cho
sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở
lên;
c) Gây tổn hại cho
sức khỏe của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng
tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d) Gây tổn hại cho
sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và gây thiệt hại về
tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
đ) Gây tổn hại cho
sức khỏe của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng
tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và gây thiệt
hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e) Gây thiệt hại về
tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
5. Vụ tai nạn giao
thông gây hậu quả rất nghiêm trọng
Gây hậu quả rất
nghiêm trọng trong vụ tai nạn giao thông là một trong các trường hợp sau:
a) Làm chết hai
người;
b) Làm chết một người
và gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d, đ
và e khoản 4 Điều này;
c) Gây tổn hại cho
sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở
lên;
d) Gây tổn hại cho
sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này
từ 101% đến 200%;
đ) Gây tổn hại cho
sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở
lên và gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm c, d,
đ, e khoản 4 Điều này;
e) Gây thiệt hại về
tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
6. Vụ tai nạn giao
thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng trong vụ tai nạn giao thông là một trong các trường hợp sau:
a) Làm chết ba người
trở lên;
b) Làm chết hai người
và gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d, đ
và e khoản 4 Điều này;
c) Làm chết một người
và gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ và
e khoản 5 Điều này;
d) Gây tổn hại cho
sức khỏe của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở
lên;
đ) Gây tổn hại cho
sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên
200%;
e) Gây tổn hại cho
sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở
lên và gây thiệt hại về tài sản quy định tại điểm e khoản 5 Điều này;
g) Gây thiệt hại về
tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.
7. Việc xác định tỷ
lệ phần trăm thương tật của người bị thương do tai nạn giao thông gây ra được
tính theo quy định của Thông tư liên bộ số 12/TTLB
ngày 26/7/1995 của liên bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về
tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới; đồng thời, căn cứ vào Giấy
chứng thương của Bệnh viện để sơ bộ đánh giá.
Chương II
QUY
ĐỊNH VỀ BÁO CÁO, THỐNG KÊ, TỔNG HỢP TAI NẠN GIAO THÔNG
Điều 6.
Chỉ tiêu thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
Chỉ tiêu thống kê,
tổng hợp tai nạn giao thông được áp dụng thống nhất trong toàn quốc, bao gồm
các nhóm chỉ tiêu chính như sau:
1. Nhóm chỉ tiêu
chung về tai nạn giao thông gồm: số vụ, số người chết, số người bị thương,
thiệt hại về tài sản (phương tiện bị hư hỏng, phá hủy hoặc thiệt hại được tính
bằng tiền); số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, rất
nghiêm trọng, nghiêm trọng, ít nghiêm trọng; số vụ va chạm giao thông.
2. Nhóm chỉ tiêu về
tuyến đường, địa bàn xảy ra tai nạn giao thông gồm:
a) Tuyến đường xảy ra
tai nạn giao thông: đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện,
đường xã, đường đô thị, đường khác;
b) Địa bàn xảy ra tai
nạn giao thông: xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Nhóm chỉ tiêu về phương
tiện gây tai nạn giao thông gồm:
a) Ôtô (ôtô con, ôtô
khách, ôtô tải);
b) Môtô, xe máy;
c) Xe thô sơ;
d) Phương tiện khác.
4. Nhóm chỉ tiêu về
giới tính, độ tuổi người gây tai nạn hoặc người bị nạn trong tai nạn giao
thông:
a) Giới tính: nam,
nữ;
b) Độ tuổi: dưới 18
tuổi, từ đủ 18 tuổi đến dưới 27 tuổi, từ đủ 27 tuổi đến dưới 55 tuổi và từ 55
tuổi trở lên.
5. Nhóm chỉ tiêu về thời
gian xảy ra tai nạn giao thông trong ngày gồm: từ 0 giờ đến 6 giờ; từ sau 6 giờ
đến 12 giờ; từ sau 12 giờ đến 18 giờ; từ sau 18 giờ đến 24 giờ.
6. Nhóm chỉ tiêu về nguyên
nhân xảy ra tai nạn giao thông gồm:
a) Nguyên nhân do
người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, vi phạm các
quy định về giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện;
b) Nguyên nhân do
phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật;
c) Nguyên nhân do
công trình giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn kỹ thuật;
d) Nguyên nhân do
người đi bộ;
đ) Các nguyên nhân
khác.
7. Nhóm chỉ tiêu về kết
quả điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gồm:
a) Số vụ xử lý hành
chính: tổng số vụ, số vụ ra quyết định xử phạt, số trường hợp tước giấy phép
lái xe, số tiền phạt;
b) Số vụ khởi tố, điều
tra: tổng số vụ, số bị can, số vụ ra quyết định không khởi tố, số vụ chuyển Quân
đội giải quyết, số vụ đang điều tra làm rõ.
Điều 7. Báo
cáo, thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
1. Báo cáo tai nạn
giao thông thực hiện theo mẫu số 02/TNĐB ban
hành kèm theo Thông tư này. Đối với vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng còn phải thực hiện việc báo cáo ban đầu theo mẫu số 01/TNĐB ban
hành kèm theo Thông tư này.
2. Chế độ, nội dung
báo cáo, thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
a) Chế độ báo cáo,
thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông được thực hiện theo chế độ báo cáo: ngày,
tuần, tháng, 6 tháng, năm;
b) Nội dung báo cáo,
thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
- Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tuần theo mẫu số 03/TNĐB ban hành kèm
theo Thông tư này;
- Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tháng, 6 tháng, năm theo mẫu số 04/TNĐB
và mẫu số 05/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư
này.
3. Ngoài nội dung báo
cáo, thống kê, tổng hợp theo mẫu nêu trên, trong báo cáo tháng, 6 tháng, năm
phải nêu những vấn đề đáng chú ý, phức tạp nổi lên trong tai nạn giao thông và
tình hình có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông; phân tích trách nhiệm
quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, ý thức chấp hành pháp luật của
người tham gia giao thông và các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác, những
yếu tố tác động vào tình hình tai nạn giao thông.
Điều 8. Kỳ
thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
1. Đối với báo cáo
tuần quy định thống kê, tổng hợp số liệu từ ngày thứ năm tuần trước đến thứ tư
tuần làm báo cáo.
2. Đối với báo cáo
tháng quy định thống kê, tổng hợp số liệu từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của
tháng báo cáo.
3. Đối với báo cáo 6
tháng quy định thống kê, tổng hợp số liệu từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng
6 của năm làm báo cáo.
4. Đối với báo cáo
năm quy định thống kê, tổng hợp số liệu từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng
12 của năm làm cáo cáo.
5. Ngoài việc thực
hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, theo yêu cầu nghiệp vụ và phục
vụ công tác an ninh, trật tự, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
(sau đây viết gọn là Công an cấp huyện), Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Phòng Cảnh sát giao thông
Công an cấp tỉnh), Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết
gọn là Công an cấp tỉnh) phải thống kê, tổng hợp tình hình tai nạn giao thông báo
cáo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và Bộ Công an (qua Văn phòng
Bộ) theo mốc thời gian và yêu cầu nội dung quy định tại Thông tư này.
Điều 9. Kỳ
hạn gửi báo cáo, thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
1. Công an cấp huyện
báo cáo Phòng Cảnh sát giao thông và Văn phòng Công an cấp tỉnh:
a) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp ngày vào 13 giờ 30 phút hàng ngày;
Trường hợp vụ tai nạn
giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải báo cáo ngay theo mẫu số
01/TNĐB về trực ban Công an cấp tỉnh, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường
sắt và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội;
b) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tuần chậm nhất vào 11 giờ ngày thứ năm tuần làm báo cáo;
c) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tháng, 6 tháng, năm vào ngày 01 tháng làm báo cáo.
2. Phòng Cảnh sát
giao thông Công an cấp tỉnh báo cáo, thống kê, tổng hợp tình hình số liệu tai
nạn giao thông gửi Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt:
a) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp ngày vào trước 14 giờ 30 phút hàng ngày;
b) Báo cáo, thống kế,
tổng hợp tuần trước 15 giờ ngày thứ năm tuần làm báo cáo;
c) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tháng, 6 tháng, năm trước ngày 03 tháng làm báo cáo.
3. Cục Cảnh sát giao
thông đường bộ - đường sắt báo cáo, thống kê, tổng hợp tình hình, số liệu tai
nạn giao thông gửi Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã
hội và Văn phòng Bộ Công an:
a) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp ngày vào trước 15 giờ 30 phút hàng ngày;
b) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tuần trước 16 giờ ngày thứ năm tuần làm báo cáo;
c) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tháng, 6 tháng, năm trước ngày 05 tháng làm báo cáo.
Điều 10.
Hình thức báo cáo
Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tai nạn giao thông của Công an các đơn vị, địa phương gửi lên cấp trên
được thực hiện bằng các hình thức: văn bản; qua mạng máy tính hoặc Fax. Báo cáo
bằng văn bản phải có chữ ký, đóng dấu của thủ trưởng đơn vị.
Điều 11.
Phân công trách nhiệm báo cáo, thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
1. Trách nhiệm của Công
an cấp huyện:
a) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tai nạn giao thông xảy ra ở địa bàn quản lý;
b) Báo cáo ban đầu vụ
tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do Cơ quan Cảnh sát điều
tra Công an cấp huyện thụ lý.
2. Trách nhiệm của Phòng
Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh:
a) Báo cáo, thống kê,
tổng hợp tai nạn giao thông xảy ra ở địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương;
b) Báo cáo ban đầu vụ
tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an
cấp tỉnh thụ lý.
3. Trách nhiệm của Cục
Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt:
Báo cáo, thống kê,
tổng hợp theo định kỳ tai nạn giao thông thuộc phạm vi toàn quốc.
Chương III
CƠ
SỞ DỮ LIỆU VỀ TAI NẠN GIAO THÔNG
Điều 12.
Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông
1. Cơ sở dữ liệu về tai
nạn giao thông là hệ thống thông tin, tài liệu về tai nạn giao thông được xây
dựng, thu thập, xử lý, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng bằng mạng điện tử
hoặc các vật mang tin khác.
2. Các dữ liệu, thông
tin về tai nạn giao thông phải được thu thập, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính
xác theo một hệ thống thống nhất, được lưu giữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu
của Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh và Cục Cảnh sát giao thông đường
bộ - đường sắt.
Điều 13.
Trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông
1. Trách nhiệm của cán
bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao
thông:
a) Viết và nhập dữ
liệu vào máy tính báo cáo tai nạn giao thông theo mẫu
số 02/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư này, bảo đảm chính xác, kịp thời các
thông tin về tai nạn giao thông;
b) Tuyệt đối tuân thủ
quy trình quản lý trên máy tính;
c) Khai thác và sử
dụng dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông theo sự phân
công của lãnh đạo và chịu trách nhiệm về tính chính xác các kết quả khai thác
dữ liệu của mình.
2. Trách nhiệm của Công
an cấp huyện:
a) Triển khai thực
hiện cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông trong địa phương mình quản lý theo sự
chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và Phòng
Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh;
b) Trang bị máy tính
và thiết bị phụ trợ khác để duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu về tai nạn giao
thông tại địa phương;
c) Tổ chức thu thập,
cập nhật, lưu giữ, xử lý thông tin, tài liệu về tai nạn giao thông vào cơ sở dữ
liệu;
d) Giao cán bộ, chiến
sĩ Cảnh sát giao thông thuộc quyền quản lý nhập dữ liệu về tai nạn giao thông vào
cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông;
đ) Bảo trì, sử dụng phần
mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông được cài đặt trên máy tính;
e) Khai thác, sử dụng
và gửi dữ liệu tai nạn giao thông về Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh
vào ngày 02 hàng tháng.
3. Trách nhiệm của Phòng
Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh:
a) Triển khai thực
hiện cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông trong địa phương mình quản lý theo sự
chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt;
b) Trang bị máy tính
và thiết bị phụ trợ khác để duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu về tai nạn giao
thông tại địa phương; tổ chức hạ tầng thông tin; bảo trì, sử dụng phần mềm cơ
sở dữ liệu về tai nạn giao thông được cài đặt trên máy tính và quản lý, khai
thác dữ liệu tai nạn giao thông tại địa phương;
c) Tổ chức thu thập,
cập nhật, lưu giữ, xử lý thông tin, tài liệu về tai nạn giao thông vào cơ sở dữ
liệu;
d) Thực hiện nhận dữ
liệu tai nạn giao thông của Công an cấp huyện và gửi Cục Cảnh sát giao thông
đường bộ - đường sắt vào ngày 03 hàng tháng;
đ) Hướng dẫn, kiểm
tra, đôn đốc Công an cấp huyện thực hiện cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.
4. Trách nhiệm của Cục
Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt:
a) Chuẩn hóa biểu mẫu
báo cáo tai nạn giao thông;
b) Trang bị máy tính,
thiết bị phụ trợ vận hành cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông; tổ chức hạ tầng
thông tin;
c) Tổ chức xây dựng phần
mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông;
d) Tổ chức cài đặt phần
mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông; tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ
Cảnh sát giao thông triển khai, thực hiện chương trình cơ sở dữ liệu về tai nạn
giao thông;
đ) Xây dựng trung tâm
dữ liệu lưu giữ, xử lý thông tin tai nạn giao thông trên toàn quốc; triển khai
các đề án, dự án cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông;
e) Quản lý, sử dụng
và bảo đảm kỹ thuật cho hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao
thông;
g) Phối hợp với Văn
phòng Bộ Công an công bố niên giám thống kê tai nạn giao thông hàng năm;
h) Hướng dẫn, kiểm
tra, đôn đốc Cảnh sát giao thông Công an các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về
tai nạn giao thông.
Điều 14.
Kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông
1. Kinh phí xây dựng
cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông bao gồm các khoản chi cho việc lập và triển
khai dự án, xây dựng phần mềm; mua sắm máy tính, thiết bị hỗ trợ; cập nhật,
truyền dẫn và khai thác thông tin; tập huấn nghiệp vụ; bảo trì, bảo dưỡng phần
mềm và các chi phí khác liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao
thông.
2. Cục Cảnh sát giao
thông đường bộ - đường sắt sử dụng kinh phí do Chính phủ phê duyệt dự án xây
dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông và nguồn kinh phí bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông hàng năm do Bộ Công an cấp.
3. Công an các địa
phương sử dụng kinh phí trong khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực
giao thông đường bộ được để lại tại địa phương.
Hàng năm, các cơ
quan, đơn vị quy định tại Điều 13 của Thông tư này, căn cứ
vào yêu cầu nhiệm vụ và tình hình tai nạn giao thông đường bộ, chịu trách nhiệm
lập dự toán kinh phí bảo đảm cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.
Chế độ chi thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Chương IV
CUNG
CẤP THÔNG TIN VỀ TAI NẠN GIAO THÔNG
Điều 15.
Thẩm quyền cung cấp thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
1. Bộ trưởng Bộ Công
an, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã
hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Chánh Văn phòng
Bộ Công an cung cấp thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông trong phạm
vi toàn quốc.
2. Giám đốc Công an cấp
tỉnh, Chánh văn phòng Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công
an cấp tỉnh được ủy quyền cung cấp thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao
thông trong phạm vi địa phương mình quản lý.
3. Trưởng Công an cấp
huyện cung cấp thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông trong phạm vi
địa phương mình quản lý.
Điều 16.
Hình thức cung cấp thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
1. Họp báo.
2. Văn bản gửi các
Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Niên giám thống kê
tai nạn giao thông hàng năm.
4. Các hình thức
khác.
Điều 17.
Sử dụng thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông
Việc trích sử dụng
thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn giao thông đã được cung cấp phải trung
thực, ghi rõ nguồn gốc. Nghiêm cấm sử dụng thông tin thống kê, tổng hợp tai nạn
giao thông làm phương hại đến lợi ích quốc gia và lợi ích của cơ quan, tổ chức,
cá nhân.
Chương V
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18.
Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 12/12/2009. Các biểu mẫu báo cáo, thống kê, tổng hợp số
01/TNĐB, 02/TNĐB, 04/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư này thay thế
các biểu mẫu số 44/GT, 45/GT, 49/GT ban hành kèm theo Quyết định số 1093/QĐ-BCA(C11) ngày 06/12/2000 của Bộ trưởng
Bộ Công an về việc ban hành các biểu mẫu trong công tác bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông.
Điều 19.
Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng
Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội chịu trách
nhiệm tổ chức tập huấn, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.
2. Cục trưởng Cục
Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt kiểm tra, đôn đốc, in ấn, phát hành
các tài liệu, biểu mẫu để thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này và các
quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Tổng cục Hậu cần -
Kỹ thuật, Cục Tài chính theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm trang
bị phương tiện, thiết bị cần thiết, bảo đảm kinh phí đáp ứng yêu cầu của công
tác báo cáo, thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.
4. Tổng cục trưởng
các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám
đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm
thi hành Thông tư này.
5. Trong quá trình
thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa
phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an
toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời.
Nơi nhận:
-
Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các Tổng cục, đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện);
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Cảnh sát PCCC tp. Hồ
Chí Minh (để thực hiện);
- Lưu: VT, C11(C26), V19.
|
BỘ
TRƯỞNG
Đại tướng Lê Hồng Anh
|