BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/2017/TT-BGTVT
|
Hà Nội,
ngày 15 tháng 5 năm 2017
|
THÔNG
TƯ
BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ PHÂN
CẤP VÀ ĐÓNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA VỎ THÉP CHỞ XÔ HÓA CHẤT NGUY HIỂM - SỬA
ĐỔI LẦN 1:2016 QCVN 01:2008/BGTVT VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ NGĂN NGỪA Ô
NHIỄM DO PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA - SỬA ĐỔI LẦN 2:2016 QCVN 17:2011/BGTVT
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29
tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao
thông vận tải;
Theo đề nghị
của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm -
sửa đổi lần 1:2016 QCVN 01:2008/BGTVT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn
ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa - sửa đổi lần 2:2016 QCVN
17:2011/BGTVT.
Điều 1. Ban
hành kèm theo Thông tư này:
1. Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất
nguy hiểm
Mã số đăng ký: Sửa
đổi lần 1:2016 QCVN 01:2008/BGTVT.
2. Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa
Mã số đăng ký: Sửa
đổi lần 2:2016 QCVN 17:2011/BGTVT.
Điều 2. Thông
tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 11 năm 2017. Bãi bỏ các văn bản
sau:
1. Quyết định số 30/2008/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng 12 năm 2008 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân
cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm.
2. Thông tư số 70/2011/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy
phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa và Thông tư số 08/2013/TT-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số quy định tại QCVN 17:2011/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo
Thông tư số 70/2011/TT-BGTVT ngày 30 tháng
12 năm 2011.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt
Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng ký);
- Các Thứ trưởng;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng TT ĐT Chính phủ;
- Cổng TT ĐT Bộ GTVT;
- Báo GT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN.
|
BỘ TRƯỞNG
Trương
Quang Nghĩa
|
QUY
CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
SỬA ĐỔI LẦN 1:2016 QCVN 01:2008/BGTVT
QUY
CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ PHÂN CẤP VÀ ĐÓNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
VỎ THÉP CHỞ XÔ HÓA CHẤT NGUY HIỂM
National
technical regulation on the classification and construction of inland waterway steel ships carrying
dangerous chemicals in bulk
LỜI
NÓI ĐẦU
Quy chuẩn kỹ thuật
Quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất
nguy hiểm (Sửa đổi lần 1:2016 QCVN 01:2008/BGTVT) do Cục Đăng kiểm Việt Nam
biên soạn, Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) trình duyệt, Bộ Khoa
học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông
tư số 15/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 5 năm 2017.
MỤC
LỤC
PHẦN 1 QUY
ĐỊNH CHUNG
1.1 Quy định chung
1.2 Định nghĩa sự
nguy hiểm
1.3 Giải thích từ ngữ
PHẦN 2 QUY
ĐỊNH KỸ THUẬT.
Chương 1 Khả
năng chống chìm của tàu và vị trí các két hàng
1.1 Quy định chung
1.2 Dằn cứng và thông
báo ổn định
1.3 Lỗ xả mạn bên
dưới boong mạn khô
1.4 Trạng thái tải
trọng
1.5 Lỗ thủng giả định
1.6 Vị trí các két
hàng
1.7 Ngập nước giả
định
1.8 Tiêu chuẩn lỗ
thủng
1.9 Yêu cầu chống chìm
Chương 2 Bố trí trên
tàu
2.1 Cách ly hàng
2.2 Buồng sinh hoạt,
buồng phục vụ, buồng máy và trạm điều khiển
2.3 Buồng bơm hàng
2.4 Lối ra vào các
khoang ở khu vực hàng
2.5 Hệ thống hút khô
và dằn
2.6 Nhận dạng bơm và
đường ống
2.7 Hệ thống nạp và
xả hàng ở mũi hoặc đuôi tàu
2.8 Các yêu cầu về
vận hành
Chương 3 Biện pháp
chứa hàng
3.1 Định nghĩa
3.2 Thiết kế và kết
cấu
3.3 Những yêu cầu về
loại két dùng cho những sản phẩm đặc biệt
Chương 4 Chuyển hàng
4.1 Kích thước đường
ống
4.2 Chế tạo đường ống
và các chi tiết nối ống
4.3 Hàn hệ thống ống
4.4 Các yêu cầu thử
đối với đường ống
4.5 Bố trí đường ống
4.6 Hệ thống điều khiển
việc chuyển hàng
4.7 Các ống mềm dẫn
hàng của tàu
Chương 5 Vật liệu chế
tạo
5.1 Quy định chung
5.2 Yêu cầu vận hành
Chương 6 Kiểm soát
nhiệt độ hàng
6.1 Quy định chung
6.2 Các yêu cầu bổ
sung
Chương 7 Hệ thống
thông hơi két hàng và thoát khí
7.1 Thông hơi két
hàng
7.2 Các kiểu hệ thống
thông hơi két
7.3 Yêu cầu thông hơi
cho từng loại sản phẩm
7.4 Thoát khí két
hàng
Chương 8 Kiểm soát
môi trường
8.1 Quy định chung
8.2 Yêu cầu về kiểm
soát môi trường cho từng sản phẩm riêng
Chương 9 Trang bị
điện
9.1 Quy định chung
9.2 Liên kết
9.3 Các yêu cầu về
điện đối với những sản phẩm riêng
Chương 10 Phòng cháy
và chữa cháy
10.1 Quy định chung
10.2 Các buồng bơm
hàng
10.3 Khu vực hàng
10.4 Các yêu cầu
riêng
Chương 11 Thông gió
cưỡng bức ở khu vực hàng
11.1 Quy định chung
11.2 Các không gian
thường có người vào trong khi làm hàng
11.3 Các buồng bơm và
các khoang kín khác thường có người vào
11.4 Các khoang thông
thường không được vào
11.5 Những yêu cầu về
vận hành
Chương 12 Các dụng cụ
đo
12.1 Đo kiểm tra
12.2 Phát hiện hơi
12.3 Các yêu cầu bổ
sung
Chương 13 Trang bị
bảo hộ cá nhân
13.1 Trang bị bảo hộ
13.2 Trang bị an toàn
13.3 Các yêu cầu về vận
hành
Chương 14 Yêu cầu đặc
biệt
14.1 Quy định chung
14.2 Dung dịch
Ammonium Nitrate 93% hoặc nhỏ hơn theo khối lượng
14.3 Carbon
Disulphide
14.4 Diethyl Ether
14.5 Dung dịch
Hydrogen Peroxide
14.6 Hỗn hợp chống
kích nổ cho nhiên liệu động cơ (chứa Ankyl chì)
14.7 Phosphorus vàng
hoặc trắng
14.8 Propylene oxide hoặc
các hỗn hợp của Ethylene oxide/Propylene oxide có hàm lượng Ethylene oxide
không quá 30% theo khối lượng
14.9 Dung dịch natri
clorat không lớn hơn 50% theo khối lượng
14.10 Sulphur (nóng chảy)
14.11 Các axit
14.12 Các sản phẩm
độc
14.13 Hàng được bảo
vệ bằng chất phụ gia
14.14 Hàng có áp suất
hơi tuyệt đối lớn hơn 0,1013 MPa ở 37,8oC
14.15 Nhiễm bẩn hàng
14.16 Yêu cầu thông
gió tăng cường
14.17 Yêu cầu đối với
buồng bơm hàng đặc biệt
14.18 Kiểm soát việc
tràn hàng
14.19 Alkyl (C7-C9)
nitrate, tất cả các đồng phân
14.20 Cảm biến nhiệt
14.21 Yêu cầu vận
hành
Chương 15 Yêu cầu vận
hành
15.1 Lượng hàng tối
đa cho phép của mỗi két
15.2 Yêu cầu vận hành
Chương 16 Tóm tắt các
yêu cầu tối thiểu
16.1 Quy định chung
Chương 17 Danh mục
hóa chất Quy chuẩn này không áp dụng
17.1 Quy định chung
PHẦN 3 QUY ĐỊNH VỀ
PHÂN CẤP VÀ QUẢN LÝ.
Chương 1 Quy định
chung
1.1 Phân cấp phương
tiện
1.2 Giấy chứng nhận
1.3 Thủ tục cấp giấy
chứng nhận
1.4 Thu hồi đăng ký
kỹ thuật
1.5 Phục hồi cấp tàu
1.6 Lưu trữ hồ sơ
trên tàu
Chương 2 Quy định về
giám sát kỹ thuật
2.1 Quy định chung
2.2 Các yêu cầu bổ
sung đối với các loại hình kiểm tra
PHẦN 4 TRÁCH
NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
PHẦN 5 TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Phụ lục Tóm tắt các
yêu cầu tối thiểu
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ PHÂN CẤP VÀ ĐÓNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
VỎ THÉP CHỞ XÔ HÓA CHẤT NGUY HIỂM
National
technical regulation on the classification and construction of inland waterway
steel ships carrying dangerous chemicals in bulk
Phần
1
QUY
ĐỊNH CHUNG
1.1 Quy định chung
1.1.1 Phạm vi điều chỉnh
1 Quy chuẩn này quy
định về kết cấu và trang thiết bị cho các phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở
xô hóa chất nguy hiểm bao gồm các sản phẩm được đưa ra ở (1) và (2) dưới đây và
Phụ lục kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật này có áp suất hơi tuyệt đối không vượt quá
0,28 MPa ở nhiệt độ 37,8oC (trừ các sản phẩm dầu mỏ hoặc các sản
phẩm dễ cháy tương tự khác).
(1) Các sản phẩm có
tính nguy hiểm lớn về cháy vượt quá nguy hiểm về cháy của các sản phẩm dầu mỏ
và các sản phẩm dễ cháy tương tự khác;
(2) Các sản phẩm có
các tính nguy hiểm đáng kể bổ sung thêm hoặc khác với tính dễ cháy.
2 Không áp dụng các yêu
cầu của các Quy chuẩn khác đối với thân tàu, máy và trang thiết bị đã được quy
định ở Quy chuẩn này.
3 Nếu tàu được dự định
để chở cùng một lúc hoặc luân phiên các sản phẩm được nêu trong Quy chuẩn này
và các sản phẩm được nêu ở Phần 8D của QCVN
21:2015/BGTVT, thì tàu phải thỏa mãn đồng thời các yêu cầu ở Quy chuẩn này
và ở Phần 8D của QCVN 21:2015/BGTVT sao cho
phù hợp với sản phẩm được chở, trừ khi các yêu cầu của Quy chuẩn này được ưu
tiên áp dụng hơn khi tàu được thiết kế và đóng để chở riêng các sản phẩm phù
hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn này, kể cả các sản phẩm được đánh dấu “*” ở
cột “a” Bảng 8D/19.1 ở Chương 19 Phần 8D của QCVN
21:2015/BGTVT.
4 Ngoài các quy định
của Quy chuẩn này, phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm
phải thỏa mãn các quy định tại các phần tương ứng của Sửa đổi 1: 2015 QCVN 72:2013/BGTVT.
1.1.2 Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng
đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến các phương tiện thủy
nội địa chở xô hóa chất nguy hiểm thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1, bao
gồm: cơ quan Đăng kiểm Việt Nam (sau đây viết tắt là “Đăng kiểm”); các
chủ tàu; cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác
phương tiện thủy nội địa chở xô hóa chất nguy hiểm; cơ sở thiết kế, chế tạo
trang thiết bị, vật liệu, máy được lắp đặt trên tàu; tổ chức, cá nhân xuất nhập
khẩu, khai thác, sử dụng phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy
hiểm.
1.1.3 Thay thế tương đương
Kết cấu, trang thiết
bị không áp dụng các quy định của Quy chuẩn này nhưng được coi là tương đương
với các yêu cầu của Quy chuẩn này nếu cơ sở thiết kế, cơ sở chế tạo có các tài
liệu, bằng chứng chứng minh kết cấu, trang thiết bị phù hợp các quy định của
Quy chuẩn này.
1.1.4 Tài liệu viện dẫn
1 Sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa;
2 QCVN
21:2015/BGTVT
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép;
3 IBC Code - Bộ luật quốc
tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm;
4 MARPOL 73/78 - Công
ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra - 1973 được sửa đổi bằng Nghị
định thư 1978.
1.2 Định nghĩa sự nguy
hiểm
1.2.1 Quy định chung
Các loại hàng được
chuyên chở bằng tàu phải được phân loại theo mức độ nguy hiểm quy định ở
1.2.2 tới 1.2.5 dưới đây.
1.2.2 Nguy hiểm cho sức khỏe
1 “Nguy hiểm cho sức
khỏe” là nguy hiểm được xác định bởi một trong số những quy định từ (1) tới (3) sau đây:
(1) Tác dụng ăn mòn
trên da ở trạng thái lỏng;
(2) Tính độc cấp được
tính bằng:
LD 50 đường
miệng:
|
Liều gây
chết đến 50% đối tượng được thử nghiệm, thực hiện qua đường uống;
|
LD 50 da:
|
Liều gây
chết đến 50% đối tượng được thử nghiệm, thực hiện qua đường da;
|
LC 50 hít
vào:
|
Nồng độ gây
chết qua đường hít thở đến 50% đối tượng được thử nghiệm.
|
(3) Tác động nguy
hiểm tới sức khỏe khác như ung thư và cảm giác.
1.2.3 Nguy
hiểm gây phản ứng
1 “Nguy hiểm
gây phản ứng” là mối nguy hiểm được xác định bằng sự phản ứng với:
(1) Các sản phẩm
khác;
(2) Nước;
(3) Không khí;
(4) Bản thân sản phẩm
(bao gồm phản ứng trùng hợp).
1.2.4 Nguy hiểm gây cháy
“Nguy hiểm gây cháy”
là mối nguy hiểm được xác định bằng các giới hạn (phạm vi) của điểm chớp cháy,
nổ và nhiệt độ tự cháy của hóa chất.
1.2.5 Gây ô nhiễm sông,
biển
1 “Gây ô nhiễm sông,
biển” là mối nguy hiểm được xác định bởi một trong những quy định từ (1) đến
(6) như sau:
(1) Sự tích tụ vi
sinh;
(2) Không có sự phân
hủy vi sinh;
(3) Ngộ độc cấp tính
đối với các sinh vật thủy sinh;
(4) Ngộ độc kinh niên
đối với các sinh vật thủy sinh;
(5) Ảnh hưởng lâu dài
đối với sức khỏe con người;
(6) Các đặc tính lý
học làm sản phẩm nổi hoặc chìm và do đó ảnh hưởng đến môi trường sống của sông,
biển.
1.3 Giải thích từ ngữ
1 Trừ khi có quy định
khác, trong Quy chuẩn này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
(1) “Nhiệt độ sôi” là
nhiệt độ mà ở đó sản phẩm tạo ra áp suất hơi bằng áp suất khí quyển;
(2) “Khu vực hàng” là
phần của tàu có chứa các két hàng, két lắng, buồng bơm hàng, kể cả các buồng
bơm, khoang cách ly, két dằn hoặc khoang trống kề với các két làm két lắng và
cả các phần boong trải khắp toàn bộ chiều dài và chiều rộng của phần thân tàu
trên các khoang, két nêu trên. Khi các két độc lập được đặt ở trong các khoang
hàng thì các khoang cách ly, két dằn hay khoang trống ở phía sau của khoang
hàng sau cùng hoặc ở phía trước của khoang hàng phía mũi được loại trừ khỏi khu
vực hàng;
(3) “Buồng bơm hàng”
là khoang chứa các bơm và thiết bị phục vụ cho việc bơm các loại hàng bao gồm
trong Phần này;
(4) “Buồng phục vụ
hàng” là các buồng nằm trong khu vực hàng dùng làm các xưởng, các tủ, các kho
chứa có diện tích hơn 2 m2
để chứa
các trang thiết bị làm hàng;
(5) “Két hàng” là
không gian bao kín được thiết kế để chứa hàng;
(6) “Tàu chở hóa
chất” là tàu được đóng mới hoặc hoán cải để chở xô sản phẩm ở dạng lỏng bất kỳ
được liệt kê trong Phụ lục của Quy chuẩn này;
(7) “Khoang cách ly”
là khoang ngăn cách nằm giữa hai vách ngăn hoặc boong thép kề nhau, khoang này
có thể là khoang trống hoặc là két dằn;
(8) “Trạm điều khiển”
là buồng đặt thiết bị vô tuyến điện, thiết bị lái tàu hoặc nguồn điện sự cố của
tàu hoặc buồng đặt các thiết bị báo cháy và điều khiển dập cháy tập trung,
nhưng không bao gồm các buồng chứa các thiết bị kiểm soát cháy đặc biệt mà
thường được bố trí trong khu vực hàng;
(9) “Giới hạn (phạm
vi) cháy/nổ” là các điều kiện về trạng thái của hỗn hợp nhiên liệu - chất ôxy
hóa mà ở đó nếu đưa vào một nguồn cháy bên ngoài đủ mạnh thì chỉ có khả năng
gây cháy trong thiết bị thử nghiệm đã định;
(10) “Điểm chớp cháy”
là nhiệt độ tính bằng độ (oC) mà tại đó sản phẩm sinh đủ hơi dễ cháy
để đốt cháy. Các giá trị đưa ra trong Quy chuẩn này được xác định bằng “phương
pháp thử cốc kín” nhờ thiết bị thử điểm chớp cháy được chấp thuận;
(11) “Khoang hàng” là
không gian bao kín bởi kết cấu thân tàu, trong đó chứa két rời;
(12) “Độc lập” có
nghĩa là các hệ thống đường ống, hoặc hệ thống thông hơi, không được nối với hệ
thống khác bằng bất kỳ cách nào và không có các phương tiện sẵn có nào để có
thể nối với các hệ thống khác;
(13) “Thiết bị dầu
đốt” là các thiết bị để lọc và chuyển nhiên liệu đã được hâm nóng tới động cơ
đốt trong, thiết bị dùng để lọc và chuyển nhiên liệu đến nồi hơi đốt bằng dầu,
thiết bị dùng để lọc và chuyển nhiên liệu đến động cơ đốt trong hoặc máy tạo
khí trơ có áp suất lớn hơn 0,18 N/mm2, bơm nén dầu, lọc dầu, thiết
bị hâm làm việc với nhiên liệu ở áp suất lớn hơn 0,18 N/mm2;
(14) “Hệ số ngập” của
một khoang là tỷ số giữa thể tích trong khoang đó mà nước có khả năng chiếm chỗ
chia cho toàn bộ thể tích của khoang đó;
(15) “Buồng bơm” là
khoang nằm ở trong khu vực hàng, có chứa các bơm và những thiết bị khác dùng để
vận hành nước dằn và dầu đốt;
(16) “Tỷ trọng tương
đối” của chất lỏng là tỷ số khối lượng của một đơn vị thể tích chất lỏng đó với
khối lượng của một đơn vị thể tích tương ứng của nước ngọt;
(17) “Tách biệt” có
nghĩa là một hệ thống ống hàng, hệ thống thông hơi hàng không được nối với một
hệ thống ống hàng hoặc hệ thống thông hơi hàng khác. Sự tách biệt này có thể
đạt được nhờ sử dụng các biện pháp thiết kế hoặc vận hành. Biện pháp vận hành
không được sử dụng trong phạm vi két hàng và chúng phải bao gồm một trong các
kiểu sau:
(a) Các đoạn ống nối
tháo được hoặc van và bích tịt ở cuối ống;
(b) Bố trí nối tiếp
hai bích có tấm chặn với thiết bị phát hiện rò lọt ở trong ống giữa 2 mặt bích
đó.
(18) “Khối lượng
riêng” là tỷ số khối lượng với thể tích của sản phẩm, được thể hiện bằng kg/m3.
Định nghĩa này áp dụng đối với các chất lỏng, khí và hơi;
(19) “Áp suất hơi” là
áp suất cân bằng của hơi bão hòa ở bên trên chất lỏng được diễn tả bằng MPa
ở nhiệt độ xác định;
(20) “Khoang trống”
là khoang kín nằm trong khu vực hàng, ở bên ngoài két hàng, không phải là
khoang hàng, két dằn, két dầu đốt, buồng bơm hàng, buồng bơm hay khoang bất kỳ
mà thông thường được thuyền viên sử dụng;
(21) “IBC Code” là “Bộ
luật quốc tế về kết cấu và trang thiết bị của tàu chở xô hóa chất nguy hiểm”;
(22) “MARPOL 73/78”
là “Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra” - 1973 được sửa đổi
bằng “Nghị định thư 1978”;
(23) “Chất lỏng độc
hại” là chất bất kỳ đã được quy định trong cột loại chất gây ô nhiễm, nằm trong
Chương 16 và 17 Quy chuẩn này hoặc các chất được đánh giá tạm thời theo các yêu
cầu ở quy định 6.3 Phụ lục II MARPOL thuộc loại X, Y, Z;
(24) “Buồng máy” là
tất cả những buồng máy loại A và những không gian khác có đặt máy chính, nồi
hơi, thiết bị dầu đốt, động cơ đốt trong và máy hơi nước, các máy phát điện và
động cơ điện chính, các trạm nạp dầu, các máy làm lạnh, máy điều chỉnh giảm lắc
của tàu, thiết bị thông gió và điều hòa không khí, các không gian tương tự và
các lối đi dẫn đến các khoảng không gian đó;
(25) Buồng máy loại A
là các khoảng không gian và các lối đi dẫn đến các không gian chứa:
(1) Động cơ đốt trong
dùng làm máy chính; hoặc
(2) Động cơ đốt trong
không dùng làm máy chính nhưng có tổng công không nhỏ hơn 375 kW; hoặc
(3) Nồi hơi đốt dầu
(kể cả máy tạo khí trơ) hoặc thiết bị dầu đốt hoặc thiết không phải nồi hơi như
máy sinh khí trơ, thiết bị đốt chất thải v.v…
(26) Buồng phục vụ là
những buồng sử dụng để làm bếp, buồng đựng thức ăn có các thiết bị nấu, các tủ,
buồng thư tín, kho chứa, xưởng máy không nằm trong buồng máy, các buồng tương
tự và lối đi dẫn đến các buồng đó.
Phần
2
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
Chương
1
KHẢ NĂNG CHỐNG CHÌM CỦA TÀU VÀ VỊ TRÍ
CÁC KÉT HÀNG
1.1 Quy định chung
1.1.1 Quy định chung
Tàu thuộc quy định
của Phần này phải không bị chìm do tác động thông thường của ngập nước sau khi
thân tàu bị hư hỏng giả định do ngoại lực gây ra. Ngoài ra, để bảo vệ cho tàu
và môi trường, bất kỳ két hàng nào của tàu cũng phải được bảo vệ chống thủng
trong trường hợp có hư hỏng nhỏ, ví dụ do va chạm với cầu tàu hoặc tàu kéo và
phải có biện pháp bảo vệ trong trường hợp hư hỏng do va đập hay mắc cạn, bằng
cách bố trí chúng phía trong tàu, cách vỏ tàu một khoảng cách lớn hơn khoảng
cách tối thiểu của các lỗ thủng giả định trong phần này đảm bảo két hàng không
bị ảnh hưởng bởi hư hỏng của vỏ tàu. Cả hai trường hợp, thủng giả định và khoảng
cách giữa các két hàng với tôn vỏ tàu phải phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của
sản phẩm được chở.
1.1.2 Loại tàu
1 Tàu phải được thiết
kế theo một trong các tiêu chuẩn sau:
(1) Tàu loại I là tàu
chở hóa chất vận chuyển các sản phẩm nêu ở Phụ lục của Quy chuẩn này có mức độ
gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm rất nghiêm trọng đòi hỏi các biện pháp bảo
vệ tối đa chống rò rỉ của loại hàng chuyên chở;
(2) Tàu loại II là
tàu chở hóa chất vận chuyển các sản phẩm được nêu trong Phụ lục của Quy chuẩn
này có mức độ gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm nghiêm trọng đáng kể đòi hỏi
các biện pháp phòng ngừa thích đáng để chống sự rò rỉ của loại hàng này;
(3) Tàu loại III là
tàu chở hóa chất vận chuyển các sản phẩm nêu trong Phụ lục của Quy chuẩn này có
mức độ gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm tương đối nghiêm trọng đòi hỏi lớp
vỏ bảo vệ két hàng ở mức vừa phải để giữ được khả năng nổi của tàu trong điều kiện
bị thủng.
Như vậy, tàu loại I
là tàu chở hóa chất để vận chuyển các sản phẩm được coi là có mức độ nguy hiểm
cao nhất và tàu loại II, III dành cho vận chuyển các sản phẩm có mức độ nguy
hiểm giảm dần. Do đó, tàu loại I phải được thiết kế để chịu được mức độ thủng
nghiêm trọng nhất và các két hàng của nó phải được bố trí vào phía trong tàu ở
một khoảng cách lớn nhất được quy định tính từ vỏ ngoài.
1.1.3 Loại tàu được quy
định tùy theo từng sản phẩm
Loại tàu được quy
định tùy theo từng sản phẩm được nêu ở cột “e” trong Phụ lục của Quy chuẩn này.
1.1.4 Yêu cầu đối với tàu
chở nhiều loại sản phẩm
Nếu tàu được thiết kế
để chở nhiều loại sản phẩm được nêu trong Phụ lục của Quy chuẩn này thì tiêu
chuẩn hư hỏng phải tương ứng với sản phẩm có yêu cầu kiểu loại tàu nghiêm ngặt
nhất. Tuy nhiên, các yêu cầu về vị trí của từng két hàng là các yêu cầu đối với
loại tàu có liên quan đến sản phẩm tương ứng được chuyên chở.
1.2 Dằn cứng và thông báo
ổn định
1.2.1 Dằn cứng
Dằn cứng thông thường
không được đặt ở trong các két đáy đôi khu vực hàng. Tuy nhiên, nếu vì lý do ổn
định việc bố trí dằn cứng trong các két không thể tránh khỏi, thì nó phải được
bố trí sao cho đảm bảo các tải trọng va đập do hư hỏng ở đáy tàu không truyền
trực tiếp lên kết cấu két hàng.
1.2.2 Mạn khô và thông báo
ổn định
1 Mạn khô của các tàu
nêu tại 1.1 Quy chuẩn này phải được xác định theo các quy định tại phần 7 sửa
đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT. Tuy nhiên,
chiều chìm thiết kế không được lớn hơn yêu cầu của Quy chuẩn này.
2 Trong tất cả các điều
kiện khai thác tàu phải thỏa mãn các quy định trong Phần 7 của phần 7 sửa
đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT.
3 Khi xét ảnh hưởng mặt
thoáng của hàng lỏng ở các điều kiện tải trọng phải giả thiết cho mỗi loại hàng
tối thiểu ở một cặp khoang ngang hoặc một khoang ở dọc tâm có bề mặt thoáng và
khoang hoặc két chứa đưa vào tính toán phải ở vị trí mà ảnh hưởng của mặt
thoáng là lớn nhất.
4 Dằn cứng thông thường
không được đặt ở bên trong các két đáy đôi. Tuy nhiên, vì lý do ổn định khi
việc bố trí dằn cứng trong các két đáy đôi là không thể tránh khỏi, thì nó phải
được bố trí để đảm bảo sao cho các tải trọng va đập do thủng ở đáy tàu không
truyền trực tiếp lên kết cấu két hàng.
5 Bản thông báo quy
định ở sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT phải
có tóm tắt về khả năng chống chìm của tàu.
1.3 Lỗ xả mạn bên dưới
boong mạn khô
1.3.1 Lỗ xả mạn
1 Việc trang bị và điều
khiển các van xả mạn được lắp để xả qua tôn vỏ tàu từ các khoang bên dưới boong
mạn khô hoặc từ khu vực thượng tầng và lầu trên boong mạn khô có các cửa kín
phải thỏa mãn các yêu cầu tương ứng nêu tại 13.4 Chương 13 Phần 3 của QCVN 21:2015/BGTVT, nhưng việc lựa chọn các
van bị giới hạn bởi:
(1) Một van tự động
một chiều có biện pháp đóng chủ động từ trên boong mạn khô; hoặc
(2) Khi khoảng cách
thẳng đứng tính từ đường nước chở hàng mùa hè đến đầu phía trong tàu của ống xả
vượt quá 0.01Lf, có hai van tự động
một chiều không có phương tiện đóng cưỡng bức với điều kiện là có thể đến được
van bên trong tàu để kiểm tra khi đang ở trạng thái làm việc.
1.3.2 Van một chiều
Các van tự động một
chiều được đề cập ở 1.3.1-1(1) và 1.3.1-1(2) phải được đăng kiểm thẩm định và
có đầy đủ khả năng ngăn nước vào tàu, có xét đến điều kiện tăng chìm, chúi và
nghiêng trong các yêu cầu chống chìm ở 1.9.
1.4 Trạng thái tải trọng
Khả năng chống chìm
do bị thủng phải được xem xét đối với tất cả các trạng thái có thể xảy ra về
tải trọng và sự thay đổi về mớn nước và độ chúi. Các yêu cầu chống chìm không
cần áp dụng cho tàu ở trạng thái dằn (lượng hàng chứa trong các két rời rửa
hàng nhỏ trên boong không cần phải tính đến khi xét trạng thái dằn) với điều kiện
là hàng có ở trên tàu chỉ dùng cho mục đích làm mát, tuần hoàn hoặc cấp nhiên
liệu.
1.5 Lỗ thủng giả định
1.5.1 Phạm vi lỗ thủng giả
định lớn nhất
1 Phạm vi lỗ thủng giả
định lớn nhất ở trên mạn tàu phải theo Bảng 2/1.1.
2 Phạm vi lỗ thủng giả
định lớn nhất ở đáy phải thỏa mãn Bảng 2/1.2.
1.5.2 Lỗ thủng khác
Nếu bất kỳ lỗ thủng
nào có kích thước nhỏ hơn phạm vi lỗ thủng lớn nhất xác định ở 1.5.1 mà có thể
gây ra trạng thái nguy hiểm hơn thì lỗ thủng như thế phải được xem xét.
Bảng
2/1.1 Thủng ở mạn
Hướng
|
Phạm
vi lỗ thủng
|
(1) Theo chiều dọc
tàu
|
1/3Lf2/3 hoặc 14,5 m, lấy
giá trị nhỏ hơn.
|
(2) Theo chiều
ngang
|
B/5 hoặc 11,5 m,
lấy giá trị nhỏ hơn (đo về phía trong từ mạn tàu theo đường vuông góc với mặt
phẳng dọc tâm trên đường nước chở hàng mùa hè).
|
(3) Thẳng đứng
|
Từ dưới lên không
có giới hạn (từ đường lý thuyết của tôn đáy tại đường tâm tàu).
|
Bảng
2/1.2 Thủng ở đáy
Hướng
|
Phạm
vi lỗ thủng
|
Đối với 0,3Lf từ đường vuông góc
mũi của tàu.
|
Phần bất kỳ còn lại
của tàu.
|
(1) Theo chiều dọc
|
1/3Lf2/3 hoặc 14,5 m lấy giá
trị nhỏ hơn.
|
1/33Lf2/3 hoặc 5 m, lấy giá
trị nhỏ hơn.
|
(2) Theo chiều
ngang
|
B/6 hoặc 10 m, lấy
giá trị nhỏ hơn.
|
B/6 hoặc 5 m, lấy
giá trị nhỏ hơn.
|
(3) Theo chiều
thẳng đứng
|
B/15 hoặc 6 m, lấy
giá trị nhỏ hơn (đo từ đường lý thuyết của tôn đáy tại đường tâm tàu (xem 1.6.2)).
|
B/15 hoặc 6 m, lấy
giá trị nhỏ hơn (đo từ đường lý thuyết của tôn đáy ở đường tâm tàu (xem
1.6.2)).
|
1.6 Vị trí các két hàng
1.6.1 Vị trí các két hàng
1 Các két hàng phải
được bố trí ở các khoảng cách như sau ở trong tàu:
(1) Các tàu loại I:
Tính từ tôn vỏ ở mạn không nhỏ hơn phạm vi lỗ thủng theo phương ngang quy định
ở Bảng 2/1.1 và từ đường lý thuyết tôn đáy tại tâm tàu không nhỏ hơn phạm vi lỗ
thủng thẳng đứng quy định ở Bảng 2/1.2 và không có chỗ nào nhỏ hơn 760 mm kể từ
tôn vỏ. Yêu cầu này không áp dụng đối với các két chứa nước bẩn pha loãng do
rửa các két;
(2) Các tàu loại II:
Kể từ đường lý thuyết tôn đáy tại tâm tàu không nhỏ hơn phạm vi lỗ thủng theo
phương thẳng đứng xác định ở Bảng 2/1.2 và không có chỗ nào cách tôn vỏ nhỏ hơn
760 mm. Yêu cầu này không áp dụng với két chứa nước bẩn pha loãng do rửa két;
(3) Các tàu loại III:
Không quy định.
1.6.2 Giếng hút khô trong
các két hàng
Trừ các tàu loại I,
các hố giếng hút khô đặt trong các két hàng có thể nhô vào phạm vi lỗ thủng ở
đáy theo chiều thẳng đứng được xác định ở dòng (3) của Bảng 2/1.2 với điều kiện
các giếng như thế phải nhỏ tới mức có thể và đoạn nhô xuống bên dưới tôn đáy
trong không được vượt quá 25% chiều cao của đáy đôi hoặc 350 mm, lấy giá trị
nhỏ hơn. Nếu không có đáy đôi, đoạn nhô ra của giếng hút khô của các két rời
bên dưới giới hạn trên của lỗ thủng ở đáy không được vượt quá 350 mm. Khi xác
định các khoang bị ảnh hưởng bởi lỗ thủng, các giếng hút được bố trí phù hợp
với quy định này có thể được bỏ qua.
1.7 Ngập nước giả định
1.7.1 Quy định chung
Các yêu cầu 1.9 phải
được xác định bằng tính toán trong đó có xét cả đến các đặc điểm thiết kế của
tàu, bố trí, hình dáng và trang thiết bị bên trong các khoang bị thủng; sự phân
bố, tỷ trọng tương đối và ảnh hưởng mặt thoáng của chất lỏng và mớn nước và độ
chúi đối với tất cả các trạng thái tải trọng.
1.7.2 Hệ số ngập thể tích
khoang
Hệ số ngập thể tích
khoang giả định bị thủng phải thỏa mãn Bảng 2/1.3.
Bảng
2/1.3 Hệ số ngập thể tích khoang
Khoang
|
Hệ
số ngập khoang
|
- Dùng làm kho
- Dùng làm phòng ở
- Chứa máy móc
- Trống
- Chứa chất lỏng
tiêu dùng
- Chứa các chất
lỏng khác
|
0,60
0,95
0,85
0,95
0
đến 0,95 *
0
đến 0,95 *
|
Chú thích: “*”: Hệ số ngập thể tích
khoang của các khoang bị nước chiếm một phần phải tương thích với lượng chất
lỏng được chở trong khoang.
1.7.3 Các chất lỏng chứa
trong két
Bất cứ hư hỏng nào
làm thủng két chứa chất lỏng thì hàng trong két được coi là bị mất hoàn toàn và
được thay thế bằng nước biển cho đến mức của mặt phẳng cân bằng cuối cùng.
1.7.4 Chia khoang kín nước
trong phạm vi lỗ thủng lớn nhất
Mỗi vách ngăn kín
nước nằm trong phạm vi lỗ thủng lớn nhất nêu ở 1.5.1 và được xem là chịu hư
hỏng ở các vị trí nêu ở 1.8.1 đều phải được giả thiết là bị thủng. Nếu lỗ thủng
nhỏ hơn lỗ thủng lớn nhất được xét phù hợp với 1.5.2 thì chỉ có các vách ngăn
kín nước hoặc nhóm các vách kín nước trong phạm vi bao bọc của lỗ thủng nhỏ hơn
đó được giả định là bị thủng.
1.7.5 Ngập không đối xứng
Tàu phải được thiết
kế sao cho giảm được đến mức độ nhỏ nhất kết hợp với việc bố trí hiệu quả sự
ngập không đối xứng.
1.7.6 Thiết bị cân bằng
Thiết bị cân bằng tàu
yêu cầu phương tiện hỗ trợ cơ khí như các van hoặc các ống thăng bằng, nếu có
lắp đặt thì không được coi là nhằm mục đích giảm góc nghiêng ngang hoặc đạt
được phạm vi ổn định dư tối thiểu để thỏa mãn các yêu cầu của 1.9, và độ ổn
định dự trữ toàn bộ phải được duy trì ở tất cả các giai đoạn sử dụng cân bằng.
Các khoang được nối bằng các ống dẫn có tiết diện ngang lớn có thể được xem là
chung.
1.7.7 Bố trí chống ngập
tiếp theo
Nếu các ống, ống dẫn,
đường ống hoặc đường hầm được đặt trong phạm vi thủng giả định, như đã nêu ở
1.5 thì sự bố trí phải làm sao để sự ngập tiếp theo không thể theo đó mà lan
rộng ra các khoang khác ngoài các khoang giả định bị ngập đối với mỗi trường
hợp thủng.
1.7.8 Tính nổi của thượng
tầng
1 Tính nổi của bất kỳ
phần thượng tầng nào ngay trên chỗ thủng ở mạn thì không được tính tới. Tuy
nhiên, các phần không bị ngập của thượng tầng bên ngoài phạm vi lỗ thủng có thể
được tính đến với điều kiện là:
(1) Chúng được tách
biệt khỏi khoang bị hỏng bởi các vách ngăn kín nước và các yêu cầu ở 1.9.2-1(1)
về các khoang nguyên vẹn này được tuân thủ; và
(2) Các lỗ khoét
trong các vách ngăn đó có khả năng đóng được nhờ các cửa kín nước kiểu trượt
được điều khiển từ xa và các lỗ khoét không được bảo vệ thì không bị ngập trong
phạm vi ổn định dư tối thiểu được quy định ở 1.9.3-1(1). Tuy nhiên, sự ngập của
các lỗ khoét khác có khả năng đóng kín bằng cửa kín thời tiết có thể được chấp
nhận.
1.8 Tiêu chuẩn lỗ thủng
1.8.1 Phạm vi lỗ thủng giả
định
1 Tàu phải có khả năng
nổi khi xảy ra thủng như nêu ở 1.5 với các giả thiết ngập ở 1.7 tới mức độ được
xác định bởi loại tàu theo các tiêu chuẩn sau:
(1) Tàu loại I phải
nổi được khi bị thủng ở bất kỳ chỗ nào trên suốt chiều dài của tàu;
(2) Tàu loại II dài
hơn 150 m phải nổi được khi bị thủng ở bất kỳ chỗ nào trên suốt chiều dài của
tàu;
(3) Tàu loại II dài
từ 150 m trở xuống phải nổi được khi bị thủng ở bất kỳ chỗ nào trên suốt chiều
dài tàu, trừ lỗ thủng liên quan đến một trong hai vách ngăn buồng máy được bố
trí phía lái;
(4) Tàu loại III dài
hơn 225 m phải nổi được khi bị thủng ở bất kỳ chỗ nào trên suốt chiều dài tàu;
(5) Tàu loại III có
chiều dài lớn hơn hoặc bằng 125 m và nhỏ hơn hoặc bằng 225 m phải nổi được khi
bị thủng ở bất kỳ chỗ nào trên suốt chiều dài tàu, trừ lỗ thủng liên quan đến
một trong hai vách ngăn buồng máy được bố trí phía lái;
(6) Tàu loại III có
chiều dài nhỏ hơn 125 m phải nổi được khi bị thủng ở bất kỳ chỗ nào trên suốt
chiều dài tàu, trừ lỗ thủng liên quan đến buồng máy được bố trí phía lái. Tuy
nhiên khả năng chịu được ngập nước buồng máy phải được Đăng kiểm xem xét riêng.
1.8.2 Các biện pháp thay
thế
Trong trường hợp các
tàu nhỏ loại II và III mà không thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu tương ứng của
1.8.1-1(3) và 1.8.1-1(6), thì Đăng kiểm chỉ có thể xem xét miễn giảm với điều kiện
có các biện pháp thay thế để duy trì được cùng một mức độ an toàn.
1.9 Yêu cầu chống chìm
1.9.1 Quy định chung
Các tàu phải có khả
năng nổi khi bị thủng giả định như nêu ở 1.5 với các tiêu chuẩn như nêu ở 1.8
trong điều kiện cân bằng ổn định và chúng phải thỏa mãn 1.9.1 và 1.9.2.
1.9.2 Tiêu chuẩn ổn định ở
giai đoạn ngập nước bất kỳ
1 Ở một giai đoạn ngập
nước bất kỳ, các yêu cầu phải tuân theo như sau:
(1) Đường nước, có
tính đến độ tăng chìm, nghiêng ngang và chúi, phải thấp hơn mép dưới của một lỗ
khoét bất kỳ mà qua đó có thể xảy ra sự ngập tiếp theo hoặc do tràn. Những lỗ
khoét như vậy phải bao gồm cả ống thông hơi và các lỗ khoét được đóng bằng các
cửa kín thời tiết hoặc các nắp hầm và có thể loại trừ các lỗ khoét được đóng
bằng nắp đậy kín nước và các cửa húp lô kín nước, các nắp hầm kín nước của các
két hàng nhỏ duy trì tính nguyên vẹn cao của boong, các cửa kín nước kiểu trượt
điều khiển từ xa và các cửa sổ mạn có kiểu không mở được;
(2) Góc nghiêng ngang
lớn nhất do ngập nước không đối xứng không được vượt quá 25o, nhưng
nếu không xảy ra ngập boong thì góc này được phép đến 30o;
(3) Dự trữ ổn định
trong các giai đoạn ngập trung gian phải thỏa mãn các yêu cầu của Đăng kiểm.
Tuy nhiên, nó không được nhỏ hơn đáng kể so với những yêu cầu ở 1.9.3.
1.9.3 Tiêu chuẩn ổn định ở
trạng thái cân bằng cuối cùng sau ngập nước
1 Ở trạng thái cân bằng
cuối cùng sau khi ngập các yêu cầu phải tuân theo như sau:
(1) Đường cong tay
đòn ổn định phải có giới hạn tối thiểu là 20o so với vị trí cân bằng
cùng với tay đòn dự trữ ổn định lớn nhất ít nhất bằng 0,1 m trong phạm vi 20o,
phần ở bên dưới đường cong trong phạm vi này không nhỏ hơn 0,0175 m.Rad. Các lỗ khoét không
được bảo vệ thì không được ngập nước ở trong phạm vi này trừ khi khoang liên
quan giả định bị ngập nước. Trong phạm vi này cho phép các lỗ khoét được nêu ở
1.9.2-1(1) và các lỗ khoét khác có khả năng đóng kín thời tiết có thể cho phép
bị ngập nước;
(2) Nguồn năng lượng
sự cố phải có khả năng hoạt động.
Chương
2
BỐ TRÍ TRÊN TÀU
2.1 Cách ly
hàng
2.1.1 Cách
ly các két chứa hàng hoặc cặn hàng
Trừ khi được quy định
khác đi, các két chứa hàng và cặn của hàng thuộc Quy chuẩn này phải được cách
ly khỏi khu buồng sinh hoạt, buồng phục vụ, buồng máy, két nước uống và các kho
chứa thực phẩm bằng khoang cách ly, khoang trống, buồng bơm hàng, buồng bơm,
két trống, két dầu đốt và các khoang tương tự khác.
2.1.2 Cách ly các hàng hóa
có phản ứng nguy hiểm với các hàng khác
1 Các hàng, cặn hàng
hoặc hỗn hợp các hàng có phản ứng nguy hiểm với các hàng, cặn hàng hoặc hỗn hợp
các hàng khác phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
(1) Được cách ly với
hàng hóa khác bằng khoang cách ly, khoang trống, buồng bơm hàng, buồng bơm, két
trống hoặc khoang chứa loại hàng có khả năng kết hợp lẫn nhau;
(2) Có các hệ thống
bơm và ống tách biệt không đi qua các két hàng khác có chứa các hàng như vậy,
trừ khi được đặt trong đường hầm; và
(3) Có hệ thống thông
hơi tách biệt cho két.
2.1.3 Hệ thống đường ống
hàng
Hệ thống đường ống
hàng không được đi qua buồng sinh hoạt, buồng phục vụ hoặc buồng máy không
phải là buồng bơm hàng hoặc buồng bơm.
2.1.4 Các khoang chứa hàng
Các loại hàng hóa
thuộc Quy chuẩn này không được chở trong các két mút mũi hoặc mút đuôi.
2.2 Buồng sinh hoạt,
buồng phục vụ, buồng máy và các trạm điều khiển
2.2.1 Bố trí
Không được bố trí
buồng sinh hoạt, buồng phục vụ hay trạm điều khiển trong khu vực hàng trừ khi
nằm trên phần nhô của buồng bơm hàng hay buồng bơm phù hợp với các quy định tại
4.5.1 và 4.5.2-1 đến 4.5.2-4 Chương 4 Phần 5 của QCVN
21:2015/BGTVT và không có két hàng hoặc két lắng nào bố trí ở sau đầu trước
của buồng sinh hoạt.
2.2.2 Vị trí của đầu hút
không khí và các lỗ khoét
Để tránh hơi nguy
hiểm, phải xem xét kỹ vị trí của các cửa đầu hút không khí và các lỗ khoét vào
buồng sinh hoạt, buồng phục vụ và buồng máy, các trạm điều khiển phù hợp với hệ
thống đường ống hàng và các hệ thống thông hơi cho hàng.
2.2.3 Lối vào, cửa hút
không khí và cửa vào các buồng sinh hoạt, buồng phục vụ, buồng máy và trạm điều
khiển
Lối vào, cửa hút
không khí và các cửa vào buồng sinh hoạt, buồng phục vụ và buồng máy, trạm điều
khiển không được đối diện với khu vực hàng. Chúng phải được bố trí ở vách cuối
không đối diện với khu vực hàng và/hoặc ở phía mạn ngoài của thượng tầng hoặc
lầu ở khoảng cách ít nhất là 4% chiều dài tàu (L) nhưng không nhỏ hơn 3 m từ
đầu của thượng tầng hoặc lầu đối diện với khu vực hàng. Tuy nhiên, khoảng cách
này không cần vượt quá 5 m. Không được bố trí cửa ra vào trong phạm vi trên,
trừ trường hợp có thể lắp đặt các cửa ra vào các khoang không có lối vào các
buồng sinh hoạt, buồng phục vụ, trạm điều khiển, ví dụ như buồng điều khiển
hàng và các kho chứa. Nếu các cửa ra vào như thế được lắp đặt, các vách của
khoang phải được bọc bằng kết cấu A-60. Các tấm được lắp ghép bằng bu lông để
tháo dỡ máy móc có thể được lắp ở giới hạn nêu trên. Các cửa ra vào và cửa sổ
của buồng lái có thể bố trí trong giới hạn nêu trên chúng được thiết kế để có
thể đảm bảo đóng kín khí và hơi cho buồng lái một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Các cửa sổ và cửa húp lô đối diện với khu vực hàng và ở 2 mạn của thượng tầng
và lầu trong giới hạn được nêu ở trên phải có kiểu cố định (không mở). Các cửa
húp lô đó ở tầng thứ nhất trên boong chính phải có nắp bằng thép hoặc vật liệu
tương đương ở bên trong.
2.3 Buồng bơm hàng
2.3.1 Bố trí các buồng bơm
hàng
1 Các buồng bơm hàng
phải được bố trí sao cho đảm bảo:
(1) Lối đi không bị
cản trở vào bất kỳ lúc nào từ sàn cầu thang và sàn buồng; và
(2) Lối đi không bị
cản trở đối với một người có mang theo các trang bị bảo vệ cá nhân đến các van
cần thiết để làm hàng.
2.3.2 Thiết bị thường trực
để đưa người bị thương lên
Các thiết bị thường
trực phải được bố trí để đưa người bị thương lên bằng dây cấp cứu mà không có
chướng ngại vật nhô ra.
2.3.3 Lắp đặt các lan can
bảo vệ
Các lan can bảo vệ
phải được lắp đặt trên tất các các cầu thang và sàn boong.
2.3.4 Cầu thang lên xuống
Các cầu thang thường
được sử dụng không được lắp thẳng đứng và phải có các sàn nghỉ ở những khoảng
cách hợp lý.
2.3.5 Phương tiện xả hàng
và nước bẩn đáy tàu
Phải trang bị các
phương tiện để hút khô và xử lý bất kỳ sự rò rỉ nào có khả năng xảy ra từ các
bơm hàng và các van trong buồng bơm hàng. Hệ thống hút khô phục vụ cho buồng
bơm hàng phải có khả năng vận hành được từ bên ngoài buồng bơm hàng. Phải bố
trí một hoặc vài két lắng để chứa nước bẩn đáy tàu hoặc nước rửa két. Phải
trang bị bích nối Quốc tế hoặc các phương tiện khác để chuyển các chất lỏng bị
ô nhiễm lên các phương tiện tiếp nhận trên bờ.
2.3.6 Đồng hồ áp lực xả
của bơm
Đồng hồ áp lực xả của
bơm phải được trang bị bên ngoài buồng bơm hàng.
2.3.7 Tính kín khí ở các
vách ngăn và boong có trục xuyên qua
Nếu máy được dẫn động
bằng hệ trục xuyên qua vách ngăn hay boong phải lắp các đệm kín khí được bôi
trơn tốt hoặc các phương tiện khác bảo đảm tính kín khí ở vùng vách và boong
đó.
2.4 Lối ra vào các
khoang ở khu vực hàng
2.4.1 Quy định chung
Lối ra vào các khoang
cách ly, két dằn, két hàng và các khoang khác trong khu vực hàng phải trực tiếp
từ boong hở và bảo đảm việc kiểm tra được chúng được một cách toàn diện. Lối
vào các khoang đáy đôi có thể qua một buồng bơm hàng, buồng bơm, khoang cách ly
sâu, hầm ống hay các buồng tương tự, nhưng phải xem xét đến điều kiện thông
gió.
2.4.2 Kích thước thông nhỏ
nhất của các lỗ lên xuống nằm ngang
Kích thước của lối
vào qua các lỗ khoét nằm ngang, các nắp hầm hoặc lỗ người chui phải đủ để một
người mang các thiết bị thở có bình chứa khí và các thiết bị bảo vệ lên xuống
bất kỳ một cầu thang nào mà không bị cản trở và thuận tiện cho việc đưa một
người bị thương lên từ đáy khoang. Kích thước lỗ thông nhỏ nhất không được nhỏ
hơn 600 mm x 600 mm.
2.4.3 Kích thước thông nhỏ
nhất của lối ra vào thẳng đứng và bố trí các lỗ khoét theo phương
thẳng đứng
Với lối vào qua các
lỗ khoét thẳng đứng hoặc lỗ người chui để ra vào qua toàn bộ chiều dài và rộng
của khoang không được nhỏ hơn 600 mm x 800 mm, với chiều cao mép dưới không lớn
hơn 600 mm tính từ tôn đáy tàu trừ khi có bố trí các tấm sàn trống trượt hoặc
các bậc thang.
2.4.4 Các kích thước nhỏ
hơn của lỗ trên lỗ khoét
Các kích thước nhỏ
hơn có thể được xem xét trong các trường hợp đặc biệt nếu khả năng qua lại các
lỗ như vậy hoặc đưa người bị thương ra được.
2.5 Hệ thống hút khô và
dằn
2.5.1 Quy định chung
Các bơm, đường ống
dằn, đường ống thông hơi và thiết bị tương tự khác phục vụ các két dằn cố định
phải độc lập với các thiết bị tương tự phục vụ két hàng và phải độc lập với
chính các két hàng. Các hệ thống xả của các két dằn cố định nằm kề với các két
hàng phải ở bên ngoài buồng máy và buồng sinh hoạt. Các hệ thống nạp có thể ở
trong buồng máy với điều kiện chúng phải đảm bảo việc nạp từ mức boong của két
và có lắp các van một chiều.
2.5.2 Nạp nước dằn vào các
két hàng
Việc nạp nước dằn vào
các két hàng có thể được bố trí từ độ cao mặt boong bằng các bơm phục vụ cho
két dằn cố định, với điều kiện ống nạp không nối cố định với các két hàng hoặc
ống dẫn và được lắp các van một chiều.
2.5.3 Hệ thống bơm hút khô
cho các khoang ở khu vực hàng
Hệ thống hút khô cho
các buồng bơm, buồng bơm hàng, khoang trống, các két lắng, các két đáy đôi và
những khoang tương tự phải được đặt hoàn toàn trong khu vực hàng, trừ các
khoang trống, các két đáy đôi và két dằn được cách ly khỏi các két chứa hàng
hoặc cặn hàng bằng các vách đôi.
2.6 Nhận dạng bơm và
đường ống
Phải có dấu hiệu phân
biệt rõ ràng các bơm, van và đường ống để nhận dạng công việc và các khoang mà
chúng phục vụ.
2.7 Hệ thống nạp và xả
hàng ở mũi hoặc đuôi tàu
2.7.1 Quy định chung
Hệ thống ống hàng có
thể được phép bố trí để nạp và xả hàng ở mũi và đuôi tàu. Không cho phép dùng
các trang thiết bị di động.
2.7.2 Hệ thống nạp và xả
hàng ở mũi và đuôi tàu
Không cho phép sử
dụng các đường ống nạp và xả hàng ở mũi và đuôi tàu để chuyển các sản phẩm yêu
cầu phải chở ở tàu loại I. Không cho phép sử dụng các đường ống nạp và xả hàng
ở mũi và đuôi tàu để chuyển các loại hàng tỏa ra hơi độc yêu cầu phải phù hợp
với 14.12.1, trừ khi được Đăng kiểm chấp thuận riêng.
2.7.3 Các yêu cầu với
đường ống
1 Ngoài các yêu cầu ở
4.1, những quy định sau được áp dụng:
(1) Đường ống ở bên
ngoài khu vực hàng phải được đặt ở trên boong hở về phía trong tàu cách ít nhất
760 mm. Đường ống như vậy phải được nhận dạng rõ ràng và được lắp các van chặn
ở chỗ nối của nó với hệ thống ống hàng nằm trong khu vực hàng. Tại vị trí này,
nó cũng phải có khả năng cách ly nhờ đoạn ống nối tháo rời và các bích tịt khi
không được sử dụng;
(2) Đầu nối với bờ
phải có các van chặn và bích tịt;
(3) Đường ống phải
được hàn giáp mép ngấu hoàn toàn và được kiểm tra toàn bộ bằng tia X. Chỉ được
phép nối bích trên đường ống nằm trong khu vực hàng và ở chỗ đầu nối bờ;
(4) Phải trang bị các
tấm chắn văng tóe ở các chỗ nối nêu ở (1) cũng như các khay thu gom có đủ thể
tích cùng với phương tiện dùng để tháo khô;
(5) Đường ống phải tự
xả về khu vực hàng và tốt nhất là vào két hàng. Những thiết bị khác để tháo khô
đường ống có thể được xem xét nếu chúng có tác dụng tương tự;
(6) Phải bố trí các
hệ thống để cho phép đường ống được tẩy sạch sau khi sử dụng và giữ cho kín khí
khi không sử dụng. Các ống thông hơi liên quan tới việc làm sạch phải được bố
trí trong khu vực hàng. Các chỗ nối thích hợp vào đường ống phải có van chặn và
bích tịt.
2.7.4 Các cửa ra vào, đầu
hút gió, và các lỗ khoét vào buồng sinh hoạt, buồng phục vụ, buồng máy và các
trạm điều khiển
Các cửa ra vào, đầu
hút gió và lỗ khoét vào các buồng sinh hoạt, buồng phục vụ, buồng máy, các trạm
điều khiển không được đối diện với chỗ đầu nối bờ của hệ thống nạp và xả hàng ở
mũi và đuôi tàu. Chúng phải được đặt ở phía mạn của thượng tầng hoặc lầu ở khoảng
cách ít nhất là 4% chiều dài tàu, nhưng không nhỏ hơn 3 m kể từ đầu của lầu đối
diện đầu nối bờ của hệ thống nạp và xả hàng ở mũi và đuôi tàu. Tuy nhiên, khoảng
cách này không cần vượt quá 5 m. Các cửa sổ mạn đối diện chỗ đầu nối bờ và trên
các mạn của thượng tầng hoặc lầu ở trong phạm vi khoảng cách kể trên phải là
kiểu cố định (không mở). Thêm vào đó, trong thời gian hệ thống nạp và xả hàng ở
mũi hoặc đuôi tàu đang làm việc, tất cả các cửa ra vào, lỗ và các cửa thông
khác ở mạn tương ứng hoặc lầu phải được đóng kín. Đối với các tàu nhỏ, khi
không thể thỏa mãn 3.2.3 và quy định này, Đăng kiểm có thể cho phép giảm nhẹ
các yêu cầu trên.
2.7.5 Tấm chắn cho các ống
hơi và các lỗ khoét khác
Các ống thông hơi và
các lỗ khoét khác của các khoang kín không được liệt kê ở 2.7.4 phải được che
chắn khỏi mọi sự văng tóe có thể xảy ra do vỡ vòi hoặc chỗ nối.
2.7.6 Lối thoát sự cố
Các lối thoát sự cố
phải không được kết thúc trong các thành quây theo yêu cầu ở 2.7.7 hoặc ở bên
trong khoảng cách 3 m qua thành quây.
2.7.7 Thành quây chống
tràn
Phải trang bị thành
quây liên tục có độ cao thích hợp giữ chất tràn ở trên boong và tránh tràn vào
khu vực buồng sinh hoạt và buồng phục vụ.
2.7.8 Trang thiết bị điện
trong phạm vi thành quây chống tràn
Các trang bị điện
trong phạm vi thành quây theo yêu cầu ở 2.7.7 hoặc ở trong khoảng cách 3 m qua
thành quây phải thỏa mãn các yêu cầu ở Chương 9 của Quy chuẩn này.
2.7.9 Hệ thống chữa cháy
Hệ thống chữa cháy
đối với khu vực nạp và xả hàng ở mũi và đuôi tàu phải thỏa mãn 10.3.16.
2.7.10 Các yêu cầu khác đối
với việc nối bờ của hệ thống hàng
Các phương tiện liên
lạc giữa trạm điều khiển hàng và vị trí nối với bờ của hệ thống hàng phải được
trang bị và được chứng nhận là an toàn, nếu cần. Cần trang bị để đóng từ xa các
bơm hàng từ vị trí đầu nối bờ của hệ thống hàng.
2.8 Các yêu cầu về vận
hành
2.8.1 Phạm vi áp dụng
Các quy định ở 2.8
không phải là các điều kiện để duy trì cấp tàu nhưng chủ tàu, thuyền trưởng
hoặc những người khác có trách nhiệm với hoạt động của tàu phải thực hiện kiểm
tra theo quy định.
2.8.2 Đường ống hàng để nạp
và xả hàng ở mũi và đuôi tàu
Các đường ống nạp và
xả hàng ở mũi và đuôi tàu không được dùng để chuyển các sản phẩm yêu cầu phải
chở bằng tàu loại I. Các đường ống nạp và xả hàng ở mũi và đuôi tàu không dùng
để chuyển các hàng tỏa ra hơi độc yêu cầu phải thỏa mãn 14.12.1, trừ khi được
chính quyền đồng ý.
2.8.3 Lối vào cửa hút gió
và các lỗ khoét vào buồng sinh hoạt, phục vụ và buồng máy, các trạm điều khiển
Trong khi hệ thống
nạp và xả hàng ở mũi và đuôi tàu đang hoạt động, tất cả các cửa, lỗ, các cửa
thông khác trên mạn tương ứng của thượng tầng hoặc lầu phải được đóng kín.
Chương
3
BIỆN PHÁP CHỨA HÀNG
3.1 Định
nghĩa
3.1.1 Két rời
“Két rời” là một
khoang chứa hàng không tiếp giáp với kết cấu thân tàu hoặc không phải là một
phần của kết cấu thân tàu. Két rời được chế tạo và lắp đặt sao cho khử được
hoặc giảm tối thiểu được ứng suất do ứng suất hoặc chuyển động của kết cấu kề
cận của thân tàu. Két rời không đóng góp vào tính nguyên vẹn kết cấu của thân
tàu.
3.1.2 Két liền vỏ
“Két liền vỏ” là một
khoang chứa hàng tạo thành một phần của thân tàu, có thể chịu ứng suất tương tự
và bởi cùng những tải trọng đã gây ứng suất cho kết cấu tiếp giáp của thân tàu
và két liền vỏ thường đóng góp vào tính nguyên vẹn kết cấu thân tàu.
3.1.3 Két trọng lực
“Két trọng lực” là
két có áp suất thiết kế không lớn hơn 0,07 MPa đo ở đỉnh két. Két trọng lực có
thể là két rời hoặc két liền vỏ. Két rời được kết cấu và thử nghiệm theo các
tiêu chuẩn của Đăng kiểm, có xét đến nhiệt độ trong khi vận chuyển và tỷ trọng
tương đối của hàng hóa.
3.1.4 Két áp lực
“Két áp lực” là két
có áp suất thiết kế lớn hơn 0,07 MPa. Két áp lực là một két rời có hình dạng
cho phép áp dụng những chỉ tiêu thiết kế của bình chịu áp lực theo tiêu chuẩn
của đăng kiểm.
3.2 Thiết kế và kết cấu
3.2.1 Quy định chung
1 Thiết kế và kết cấu
của két trọng lực liền vỏ, két trọng lực lăng trụ rời và két áp lực rời phải
theo các yêu cầu từ (1) đến (5) sau đây. Các loại két khác phải được Đăng kiểm
xét thẩm định riêng biệt.
(1) Đối với các tải
trọng và ứng suất giả định của khoang hàng phải xét đến tải trọng ở (a), tải
trọng và ứng suất kết hợp nêu ở từ (b) đến (g).
(a) Tải trọng tác
động khi thử nghiệm két;
(b) Tải trọng tĩnh do
hàng hóa;
(c) Tải trọng động do
chuyển động của tàu trên biển;
(d) Áp suất thiết kế
của van an toàn của két, nếu cần thiết;
(e) Ứng suất phát
sinh trong kết cấu thân tàu, nếu cần thiết;
(f) Ứng suất nhiệt,
nếu cần thiết;
(g) Trọng lượng của
két, áp suất ngoài và tải trọng ngoài tác động lên két, nếu cần thiết.
(2) Đối với những két
hàng chứa không đầy, phải xét đến ảnh hưởng của áp suất động do hàng hóa được
chứa không đầy;
(3) Đối với những két
hàng dùng để chứa những hàng hóa có nhiệt độ chênh lệch nhiều so với nhiệt độ
của khí quyển, phải đặc biệt quan tâm để trang bị những phương tiện ngăn sự
tăng nhanh ứng suất nhiệt. Điều đó có thể đạt được bằng cách trang bị những
thiết bị hâm nóng trước hoặc làm lạnh trước két hàng và các phụ tùng, thiết bị
của két;
(4) Đối với những tàu
có két hàng quá dài hoặc quá rộng phải đặt những phương tiện phù hợp để giảm áp
suất động bổ sung của hàng hóa do chuyển động của tàu trên biển. Điều đó có thể
đạt được bằng cách đặt các vách va đập;
(5) Đối với két hàng
có lớp lót hoặc lớp cách ly bên trong, phải thử nghiệm các tính chất của vật
liệu được dùng, phải có phương pháp công nghệ và kết cấu chi tiết để đảm bảo
rằng chúng thỏa mãn các tính năng thiết kế khi được hoàn thành.
3.2.2 Két trọng lực
1 Nói chung kích thước,
kết cấu của két hàng phải tuân theo các quy định tương ứng của Chương 12 và Chương
27 Phần 2A của QCVN 21:2015/BGTVT đối với
kết cấu khoang hàng của tàu dầu, có xét đến tải trọng và ứng suất nêu ở
3.2.1-1(1).
2 Kỹ thuật hàn két
trọng lực phải phù hợp với các quy định ở 27.13 Chương 27 Phần 2A của QCVN 21:2015/BGTVT trong đó F3 của Bảng 2A/27.20
phải được thay bằng F2.
3 Két trọng lực lăng
trụ rời phải theo các yêu cầu ở -1 và -2 và các yêu cầu từ (1) đến (4) sau đây:
(1) Kết cấu đỡ két
trọng lực lăng trụ rời phải được kết cấu đủ khỏe để chịu được trọng lượng của
két và tải trọng do chuyển động của tàu, phải sao cho không phát sinh tải trọng
tập trung quá lớn tác động lên thân tàu và lên két;
(2) Kết cấu đỡ két
trọng lực lăng trụ rời chứa hàng hóa có nhiệt độ chênh lệch nhiều so với nhiệt
độ khí quyển phải hạn chế được sự co dãn của két do sự thay đổi của nhiệt độ;
(3) Phải có biện pháp
để ngăn chặn sự xê dịch của két do chuyển động hoặc va đập của tàu. Ngoài ra,
cũng phải có biện pháp để ngăn chặn két bị nổi lên khi khoang tàu đặt két bị
ngập nước;
(4) Két trọng lực
lăng trụ rời phải được kết cấu và lắp đặt sao cho khử được khả năng phát triển
ứng suất tập trung quá lớn, và các góc két phải lượn tròn trừ khi có những quy
định khác của Đăng kiểm.
3.2.3 Két áp lực
1 Két áp lực phải ít
nhất thỏa mãn các yêu cầu đối với bình chịu áp lực nhóm II quy định ở Sửa đổi 1: 2015 QCVN 72:2013/BGTVT, với áp suất thiết
kế lớn hơn hoặc bằng 1,5 tổng của áp suất do tải trọng quy định ở 3.2.1-1(1)(b)
và áp suất nêu ở 3.2.1-1(1)(d). Nếu dùng phương pháp tăng áp suất khí để chuyển
hàng thì áp suất thiết kế két áp lực phải không được nhỏ hơn 0,3 MPa.
3.3 Những yêu cầu về loại
két dùng cho những sản phẩm đặc biệt
3.3.1 Những yêu cầu về
loại két dùng cho những sản phẩm đặc biệt
Những yêu cầu về
thiết kế và lắp đặt các loại két dùng cho những sản phẩm đặc biệt được nêu ở
cột “f” của Phụ lục.
Chương
4
CHUYỂN HÀNG
4.1 Kích
thước đường ống
4.1.1 Chiều dày thành ống
Theo các điều kiện ở
4.1.4, chiều dày (t) của các ống không được nhỏ hơn:
t
= (mm)
Trong đó:
to: Chiều dày lý
thuyết;
to = PD/(2Ke + P) (mm).
P: Áp suất tính toán
(MPa) được quy định ở 4.1.2;
D: Đường kính ngoài
(mm);
K: Ứng suất cho phép
(N/mm2) được nêu ở 4.1.5;
e: Hệ số bền mối hàn,
bằng 1,0 đối với các ống liền và các ống hàn dọc hoặc xoáy ốc, được sản xuất ở
các nhà máy chế tạo ống hàn được Đăng kiểm công nhận và có chất lượng tương
đương ống liền khi mối hàn được kiểm tra không phá hủy theo quy định của Đăng
kiểm. Đối với các trường hợp khác, giá trị e < 1,0 có thể được Đăng kiểm xác
định cụ thể dựa vào quy trình sản xuất;
b: Lượng bổ sung cho
uốn (mm). Giá trị b phải được chọn sao cho ứng suất tính được tại chỗ uốn chỉ
do áp suất bên trong gây ra không vượt quá ứng suất cho phép. Khi không làm
được như thế, b không được nhỏ hơn giá trị sau:
(mm)
Trong đó:
r: Bán kính uốn trung
bình (mm);
c: Độ ăn mòn cho phép
được Đăng kiểm chấp nhận (mm);
a: Dung sai chế tạo
âm đối với chiều dày (%).
4.1.2 Áp suất tính toán của
hệ thống ống
Áp suất tính toán P
trong công thức tính to
ở 4.1.1
là áp suất dư lớn nhất mà hệ thống có thể chịu tác động trong khi làm việc, có
lưu ý đến áp suất đặt cao nhất của van an toàn bất kỳ trên hệ thống.
4.1.3 Áp suất tính toán của
hệ thống không được bảo vệ bằng van an toàn
1 Đường ống và các bộ
phận của hệ thống ống không được bảo vệ bằng một van an toàn hoặc có thể bị
cách ly khỏi van an toàn của chúng thì ít nhất phải được thiết kế ở áp suất lớn
nhất trong các áp suất dưới đây:
(1) Áp suất hơi bão
hòa ở 45oC, đối với các hệ thống ống và bộ phận có thể chứa một lượng chất
lỏng;
(2) Áp suất đặt của
van an toàn trên cửa đẩy của bơm nối với chúng;
(3) Cột áp tổng cực
đại có thể có ở cửa đẩy của bơm nối với chúng khi bơm không có van an toàn.
4.1.4 Áp suất tính toán
nhỏ nhất
Áp suất tính toán
không được nhỏ hơn 1 MPa, trừ trường hợp đối với các đường ống hở đầu
không được nhỏ hơn 0,5 MPa.
4.1.5 Ứng suất cho phép
đối với các ống
Đối với các ống, ứng
suất cho phép được xét ở trong công thức tính to ở 4.1.1 là giá trị nhỏ hơn trong các giá trị
sau:
hoặc
Trong đó:
Rm: Giới hạn bền kéo
danh nghĩa nhỏ nhất ở nhiệt độ môi trường (N/mm2);
Re: Giới hạn chảy danh
nghĩa nhỏ nhất tại nhiệt độ môi trường (N/mm2). Nếu đường cong ứng
suất biến dạng không cho biết một giới hạn chảy rõ ràng thì dùng giới hạn chảy
quy ước 0,2%;
A và B: Phải có giá
trị ít nhất là A = 2,7 và B = 1,8.
4.1.6 Tiêu chuẩn
thiết kế đường ống
1 Chiều dày
thành ống tối thiểu phải tương ứng với Bảng 3/9.6(1) Chương 9 Phần 3 của
Sửa đổi 1: 2015 QCVN 72:2013/BGTVT.
2 Khi cần độ
bền để tránh hư hỏng, bẻ gập, bị võng hay oằn xuống quá mức do trọng lượng ống
và lượng chứa trong ống và do các tải trọng đè lên từ các kết cấu đỡ, do võng
vỏ tàu hoặc các nguyên nhân khác, chiều dày thành ống phải được tăng lên quá
chiều dày được yêu cầu ở 4.1.1 hoặc nếu điều này không thể thực hiện được hay
có khả năng gây áp suất cục bộ quá lớn thì những tải trọng này phải được giảm
bớt, được bảo vệ phòng tránh hoặc loại bỏ bằng các phương pháp thiết kế khác.
3 Các mặt bích,
van và các phụ tùng khác phải theo Sửa đổi 1:
2015 QCVN 72:2013/BGTVT, có lưu ý đến áp suất tính toán được nêu ở 4.1.2.
4.2 Chế tạo đường
ống và các chi tiết nối ống
4.2.1 Phạm vi áp
dụng
Các yêu cầu của mục
này áp dụng cho đường ống ở bên trong và ngoài các két hàng. Tuy nhiên Đăng
kiểm có thể chấp nhận giảm nhẹ những yêu cầu này đối với những đường
ống hở đầu và đối với đường ống ở bên trong các két hàng trừ đường ống hàng
phục vụ các khoang hàng khác.
4.2.2 Mối nối của
đường ống hàng
1 Đường ống
hàng phải được nối bằng cách hàn, trừ:
(1) Các mối nối với
các van chặn đã được chấp nhận và các ống giãn nở;
(2) Các mối nối ngoại
lệ khác được Đăng kiểm chấp thuận riêng.
4.2.3 Nối
trực tiếp các ống không có bích
1 Việc nối trực
tiếp các ống không có bích phải như sau:
(1) Các mối nối hàn
giáp mép ngấu hoàn toàn ở gốc mối hàn có thể được dùng trong mọi trường hợp;
(2) Các mối nối hàn
lồng với các ống lồng và việc hàn liên kết có các kích thước thỏa mãn yêu cầu
Đăng kiểm chỉ được dùng cho các ống có đường kính ngoài nhỏ hơn hoặc bằng 50
mm. Mối nối kiểu này không chấp nhận được dùng khi có khả năng xảy ra sự ăn mòn
khe hở;
(3) Các mối nối bằng
ren được Đăng kiểm chấp nhận chỉ được dùng cho các đường ống phụ và các đường
ống dụng cụ đo có đường kính ngoài nhỏ hơn hoặc bằng 25 mm.
4.2.4 Nối bằng bích
Các bích phải có cổ
được hàn kiểu ống lồng hoặc ống kẹp. Tuy vậy, bích kiểu hàn ống kẹp không được
dùng với đường kính danh nghĩa trên 50 mm.
4.2.5 Các tiêu
chuẩn đối với các bích
Các bích phải phù hợp
với các tiêu chuẩn được Đăng kiểm chấp nhận về kiểu, chế tạo và thử nghiệm.
4.2.6 Mối nối dãn
nở
1 Mối nối dãn
nở dùng trong hệ thống đường ống phải như sau: (1) Phải có đoạn vòng hoặc uốn
cong dãn nở;
(2) Ống xếp có thể
được Đăng kiểm xét riêng trong trường hợp cụ thể; (3) Không được sử dụng các
mối nối trượt.
4.3 Hàn hệ thống
ống
4.3.1 Hàn, xử lý
nhiệt sau khi hàn và thử không phá hủy
Hàn, xử lý nhiệt sau
khi hàn và thử không phá hủy phải được tiến hành theo các tiêu chuẩn được Đăng
kiểm chấp nhận.
4.4 Các yêu cầu
thử đối với đường ống
4.4.1 Phạm vi áp
dụng
Những yêu cầu về thử
của Phần này áp dụng cho đường ống ở bên trong và ngoài két hàng. Tuy nhiên,
Đăng kiểm có thể cho phép giảm nhẹ những yêu cầu này đối với đường ống bên
trong két hàng và đường ống hở đầu.
4.4.2 Thử thủy lực
Sau lắp ráp, mỗi hệ
thống ống hàng phải được thử thủy lực ít nhất bằng 1,5 lần áp suất tính toán.
Khi các hệ thống ống hoặc các bộ phận của các hệ thống đã được chế tạo hoàn
chỉnh và được trang bị toàn bộ phụ tùng, việc thử thủy lực có thể được tiến
hành trước khi lắp đặt xuống tàu. Các mối hàn thực hiện tại tàu đều phải thử
thủy lực ít nhất bằng 1,5 lần áp suất tính toán.
4.4.3 Thử rò rỉ
Sau khi lắp ráp xuống
tàu, mỗi hệ thống ống hàng phải được thử rò rỉ với áp suất thử trong phụ thuộc
vào phương pháp thử.
4.5 Bố trí đường
ống
4.5.1 Quy định
chung
Đường ống hàng không
được đặt dưới boong giữa mạn ngoài của các khoang chứa hàng và vỏ của tàu trừ
khi khoảng cách theo yêu cầu để phòng hư hỏng (xem 2.6) được bảo đảm, nhưng
những khoảng cách như thế có thể được giảm khi việc hỏng đường ống không làm rò
rỉ hàng, với điều kiện là khoảng trống yêu cầu cho việc kiểm tra được bảo đảm.
4.5.2 Đường ống
hàng bên dưới boong
1 Đường ống
hàng nằm ở dưới boong chính có thể chạy từ khoang mà nó phục vụ và xuyên qua
các vách ngăn của khoang hoặc ranh giới chung nằm dọc và ngang với các khoang
hàng, két dằn, các khoang trống, các buồng bơm hoặc buồng bơm hàng nằm kề sát
với điều kiện là bên trong két mà nó phục vụ đường ống đó được lắp một van chặn
có thể điều khiển được từ boong thời tiết và tính tương hợp của hàng được đảm
bảo trong trường hợp hỏng hóc của đường ống. Trường hợp ngoại lệ, nếu một khoang
hàng kề với buồng bơm hàng, van chặn điều khiển được từ boong thời tiết có thể
được đặt trên vách ngăn của két về phía buồng bơm hàng nhưng phải lắp thêm một
van vào giữa van trên vách và bơm hàng. Tuy nhiên, Đăng kiểm có thể chấp nhận
một van hoạt động bằng thủy lực được bao bọc toàn bộ đặt ở bên ngoài két hàng,
với điều kiện là van đó:
(1) Được thiết kế
không có nguy cơ rò rỉ;
(2) Được lắp trên
vách ngăn của két hàng mà nó phục vụ;
(3) Được bảo vệ hợp
lý tránh hư hỏng về cơ học;
(4) Được lắp cách vỏ
tàu một khoảng cách như được yêu cầu về phòng tránh hư hỏng;
(5) Thao tác được từ
boong thời tiết.
4.5.3 Van chặn được
lắp ở đường ống hàng
Trong buồng bơm hàng
bất kỳ, khi một bơm phục vụ nhiều két thì phải lắp van chặn trên đường ống vào
mỗi két.
4.5.4 Các hầm ống
Đường ống hàng được
đặt trong các hầm ống cũng phải tuân theo các yêu cầu ở 4.5.1 và 4.5.2. Các hầm
ống phải thỏa mãn tất cả các yêu cầu của khoang về kết cấu, vị trí, thông gió
và các yêu cầu đối với nguy cơ về điện. Khả năng tương hợp của hàng phải được
bảo đảm trong trường hợp hỏng ống. Đường hầm không được có bất kỳ cửa thông nào
khác ngoài cửa lên boong thời tiết và buồng bơm hàng hoặc buồng bơm.
4.5.5 Đường ống
hàng đi qua vách ngăn
Đường ống hàng qua
các vách ngăn phải được bố trí sao cho không gây ứng suất quá lớn tại vách ngăn
và không được sử dụng các mặt bích bắt bằng bu lông qua vách.
4.6 Hệ thống điều
khiển việc chuyển hàng
4.6.1 Quy định
chung
1 Để điều khiển
hàng một cách thỏa đáng, các hệ thống chuyển hàng phải được trang
bị:
(1) Một van chặn có
thể thao tác bằng tay trên mỗi đường nạp và xả của két đặt ở gần chỗ ống xuyên
qua két, nếu có một bơm chìm riêng biệt dùng để xả hàng trong két hàng thì
không yêu cầu van chặn trên đường xả của két đó;
(2) Một van chặn ở
mỗi đầu nối ống mềm dẫn hàng;
(3) Các thiết bị dừng
từ xa cho tất cả các bơm hàng và thiết bị tương tự.
4.6.2 Vị trí điều khiển
Vị trí điều khiển cần
thiết trong lúc chuyển hoặc vận chuyển hàng được nêu trong Phần này, không phải
loại ở trong các buồng bơm hàng đã được đề cập ở trong Phần này, không được đặt
ở bên dưới boong thời tiết.
4.6.3 Các yêu cầu
bổ sung
Đối với các sản phẩm
hàng nhất định, các yêu cầu bổ sung về điều khiển việc chuyển hàng được nêu ở
cột “o” của Phụ lục của Quy chuẩn này.
4.7 Các ống mềm
dẫn hàng của tàu
4.7.1 Quy định
chung
Các ống mềm dẫn chất
lỏng và hơi dùng để chuyển hàng phải phù hợp với hàng và thích hợp với nhiệt độ
của hàng.
4.7.2 Áp suất tính
toán
Các ống mềm chịu áp
suất của két hoặc áp suất đẩy của các bơm phải được thiết kế với áp suất vỡ ống
không ít hơn 5 lần áp suất lớn nhất mà ống sẽ phải chịu trong lúc chuyển hàng.
4.7.3 Thử nghiệm
mẫu
Mỗi dạng ống mềm dẫn
hàng mới đồng bộ với phụ tùng nối ở đầu phải được thử nghiệm mẫu tại nhiệt độ
môi trường thông thường với chu kỳ áp suất 200 lần từ không đến ít nhất hai lần
áp suất làm việc lớn nhất quy định. Sau khi thực hiện thử áp suất chu kỳ, mẫu
thử này phải được thử áp suất vỡ tối thiểu bằng 5 lần áp suất làm việc lớn nhất
theo quy định tại nhiệt độ làm việc cực đại dự kiến. Các ống mềm dùng để thử
nghiệm mẫu không được dùng cho khai thác hàng. Sau đó, trước khi được đưa vào
sử dụng, mỗi đoạn mới của ống mềm dẫn hàng đã chế tạo phải được thử thủy lực ở
nhiệt độ môi trường tới áp suất không nhỏ hơn 1,5 lần áp suất làm việc lớn nhất
theo quy định nhưng không lớn hơn 2/5 áp suất vỡ của nó. Ống mềm phải được in
bằng khuôn hoặc được đánh dấu bằng cách ghi ngày thử, áp suất làm việc lớn nhất
theo quy định và nếu được sử dụng ở điều kiện khác với nhiệt độ môi trường thì
phải in bằng khuôn hoặc ghi nhiệt độ khai thác lớn nhất hoặc nhỏ nhất hoặc cả
hai. Áp suất làm việc lớn nhất theo quy định không được nhỏ hơn 1 MPa.
Chương
5
VẬT LIỆU CHẾ TẠO
5.1 Quy định
chung
5.1.1 Các
vật liệu kết cấu dùng cho két hàng, đường ống
Các vật liệu kết cấu
dùng để chế tạo két cùng với đường ống, bơm, van, ống thông hơi và các vật liệu
liên kết chúng phải phù hợp với nhiệt độ và áp suất của hàng và được Đăng kiểm
chấp thuận. Thép được coi là vật liệu thông thường để chế tạo.
5.1.2 Xem xét chọn
vật liệu kết cấu
1 Phải xét đến
những yếu tố sau trong việc chọn vật liệu kết cấu, nếu có thể:
(1) Tính dễ nứt ở
nhiệt độ làm việc;
(2) Tác dụng ăn mòn
của hàng;
(3) Khả năng xảy ra
phản ứng nguy hiểm giữa hàng và vật liệu kết cấu.
5.1.3 Thông tin về
vật liệu kết cấu
Thông tin tương tác
về vật liệu kết cấu phải được nêu rõ trong hướng dẫn vận hành quy định ở 15.1.1
và thường trực cho thuyền trưởng và/hoặc các nhà khai thác tàu.
5.2 Yêu cầu vận
hành
5.2.1 Phạm vi áp
dụng
Những quy định trong mục
này không phải là điều kiện để duy trì cấp khi kiểm tra tàu nhưng là điều kiện
mà chủ tàu, thuyền trưởng hay các cá nhân khác có liên quan tới hoạt động khai
thác của tàu phải tuân thủ.
5.2.2 Các yêu cầu
về thông tin hàng hóa
Chủ hàng phải có
trách nhiệm cung cấp thông tin tương thích cho thuyền trưởng và/hoặc nhà khai
thác tàu. Điều này phải được thực hiện trong một thời gian nhất định trước khi
vận chuyển hàng hóa. Hàng hóa phải tương thích với tất cả các vật liệu kết cấu
sao cho bảo toàn được tính nguyên vẹn của vật liệu và/hoặc không gây nguy hiểm
cho vật liệu hoặc không làm tăng tiềm năng phản ứng nguy hiểm.
Chương
6
KIỂM SOÁT NHIỆT ĐỘ HÀNG
6.1 Quy định chung
6.1.1 Quy định chung
Khi được trang bị,
mọi hệ thống hâm hoặc làm mát hàng phải được chế tạo lắp đặt và thử thỏa mãn các
yêu cầu của Đăng kiểm. Vật liệu dùng để chế tạo các hệ thống kiểm soát nhiệt độ
phải thích hợp để sử dụng với sản phẩm dự định chở.
6.1.2 Chất hâm hoặc làm mát
hàng
Chất hâm hoặc làm mát
hàng phải thuộc kiểu đã được chấp thuận cho việc sử dụng với hàng xác định. Cần
phải chú ý đến nhiệt độ bề mặt của ống ruột gà hoặc ống dẫn hâm nóng để tránh
các phản ứng nguy hiểm do quá nhiệt hoặc quá lạnh cục bộ của hàng (xem thêm
14.13.6).
6.1.3 Các van của hệ thống
hâm hoặc làm mát
Các hệ thống hâm hoặc
làm mát phải được trang bị các van để cách ly hệ thống cho mỗi két và cho phép điều chỉnh dòng
chảy bằng tay.
6.1.4 Duy trì áp suất
trong hệ thống hâm hoặc làm mát
Trong hệ thống hâm
hoặc làm mát bất kỳ, phải có phương tiện để đảm bảo rằng, trong bất kỳ trường
hợp nào ngoài trường hợp trống, có thể duy trì được một áp suất trong hệ
thống cao hơn cột áp cao nhất có thể có do chất lỏng trong két tạo ra trên hệ
thống.
6.1.5 Phương tiện đo nhiệt
độ hàng
1 Phải có phương tiện
để đo nhiệt độ hàng.
(1) Các phương tiện đo
nhiệt độ hàng phải thuộc kiểu hạn chế hoặc kín tương ứng, khi đòi hỏi một thiết
bị đo kiểu hạn chế hoặc kiểu kín được yêu cầu cho các chất riêng biệt như được
nêu ở cột “j” trong Phụ lục của Quy chuẩn này;
(2) Thiết bị đo nhiệt
độ kiểu hạn chế phải theo định nghĩa của thiết bị đo kiểu hạn chế ở
12.1.1-1(2), ví dụ một nhiệt kế cầm tay được hạ xuống ở bên trong một ống đo có
kiểu hạn chế;
(3) Thiết bị đo nhiệt
độ kiểu kín phải theo định nghĩa của thiết bị đo kiểu kín ở 12.1.1-1(3), ví dụ
một nhiệt kế đọc từ xa mà cảm biến của nó được đặt trong két;
(4) Khi quá nhiệt
hoặc quá lạnh có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm phải trang bị một hệ thống
báo động theo dõi nhiệt độ hàng (xem thêm các yêu cầu vận hành ở 15.2.7).
6.1.6 Mạch
làm việc với chất hâm hoặc làm mát
1 Khi các sản
phẩm mà 14.12, 14.12.1, hay 14.12.3 liệt kê ở cột “o” trong Phụ lục của Quy
chuẩn này đang được hâm hoặc làm mát, môi chất hâm hoặc làm mát phải làm việc
trong mạch:
(1) Độc lập với các
công việc khác của tàu, ngoại trừ hệ thống hâm hoặc làm mát hàng khác và không
đi vào buồng máy; hoặc
(2) Ở bên ngoài
khoang chở các sản phẩm độc hại; hoặc
(3) Ở nơi mà môi chất
được lấy mẫu để kiểm tra sự có mặt của hàng trong môi chất trước khi được tái
tuần hoàn cho công việc khác của tàu hay đi vào buồng máy. Thiết bị lấy mẫu thử
phải được đặt trong phạm vi khu vực hàng và có khả năng phát hiện sự có mặt của
bất kỳ hàng độc hại nào đang được hâm hoặc làm mát. Khi sử dụng phương pháp
này, đường hồi của ống ruột gà phải được thử không những ở lúc bắt đầu hâm hoặc
làm mát sản phẩm độc hại, mà còn ở trường hợp đầu tiên khi ống ruột gà này được
dùng sau khi đã chở một hàng độc hại không được hâm hoặc không được làm mát.
6.2 Các yêu cầu bổ sung
6.2.1 Các yêu cầu bổ sung
Đối với các sản phẩm
nhất định, các yêu cầu bổ sung ở Chương 14 của Quy chuẩn này được nêu ra ở cột “o”
trong Phụ lục của Quy chuẩn này.
Chương
7
HỆ THỐNG THÔNG HƠI KÉT HÀNG VÀ THOÁT KHÍ
7.1 Thông
hơi két hàng
7.1.1 Hệ
thống thông hơi
Tất cả các két hàng
phải được trang bị hệ thống thông hơi phù hợp với hàng đang được chở và hệ
thống này phải độc lập với các hệ thống thông hơi của tất cả các khoang khác
của tàu. Các hệ thống thông hơi két phải được thiết kế để giảm đến mức tối
thiểu khả năng tích tụ hơi hàng quanh các boong, hơi hàng dẫn vào buồng sinh
hoạt, buồng làm việc, buồng máy, trạm điều khiển và các hơi dễ cháy dẫn vào
hoặc tích tụ trong các khoang và khu vực chứa các nguồn phát lửa. Các hệ thống
thông hơi két phải được bố trí tránh để nước lọt vào các két hàng, đồng thời
cửa ra của ống thông hơi phải hướng cho hơi xả lên trên dưới dạng các dòng phụt
không bị cản.
7.1.2 Rút khô đường ống
thông hơi
Các hệ thống thông
hơi phải được nối với đỉnh của mỗi két hàng và trong chừng mực có thể thì các
đường ống thông hơi hàng phải tự chảy về két hàng trong các điều kiện làm việc
nghiêng và chúi bình thường. Khi cần rút khô cho các hệ thống thông hơi ở cao
hơn van áp suất/chân không thì phải trang bị các vòi tháo có nắp chụp hoặc nút.
7.1.3 Biện pháp ngăn cột áp
suất chất lỏng vượt cột áp thử
Phải có biện pháp để
bảo đảm cột áp chất lỏng trong két bất kỳ không vượt cột áp thiết kế của két.
Thiết bị báo động mức chất lỏng cao phù hợp hệ thống kiểm soát tràn hoặc các
van tràn, cùng với các quy trình đo và nạp chất lỏng vào két có thể được chấp
nhận sử dụng cho mục đích này. Nếu phương tiện giới hạn sự quá áp của két hàng
có một van đóng tự động thì van đó phải thỏa mãn các quy định thích hợp nêu ở
14.19.
7.1.4 Thông số tính toán
của hệ thống thông hơi
1 Hệ thống thông hơi
két phải được thiết kế sao cho bảo đảm áp suất hoặc độ chân không tạo ra trong
két hàng lúc nạp và xả hàng không vượt quá các thông số tính toán của két. Các
yếu tố chủ yếu cần xét trong việc xác định kích thước của hệ thống thông hơi
két bao gồm như sau:
(1) Tốc độ nạp và xả
thiết kế;
(2) Sự bốc hơi trong
quá trình nạp: điều này phải được tính đến bằng cách nhân tốc độ nạp cực đại
với hệ số ít nhất bằng 1,25;
(3) Khối lượng riêng
của hỗn hợp hơi hàng;
(4) Tổn thất áp suất
trong đường ống thông hơi, qua các van và các phụ tùng; (5) Các chế độ đặt áp
suất/chân không của các thiết bị an toàn.
7.1.5 Vật liệu của đường
ống thông hơi
Đường ống thông hơi
nối với các két hàng được chế tạo bằng vật liệu chống ăn mòn, hoặc với các két
được tráng, hoặc phủ để chứa hàng đặc biệt theo yêu cầu của Quy chuẩn phải được
tráng, phủ hoặc chế tạo bằng vật liệu chống ăn mòn tương tự.
7.1.6 Thông tin cho thuyền
trưởng
Các thông tin cho
thuyền trưởng về các tốc độ nạp và xả hàng cực đại cho phép đối với mỗi két
hoặc nhóm các két tương ứng với thiết kế của các hệ thống thông hơi phải được
đưa ra trong sổ tay vận hành theo quy định ở 15.1.1.
7.2 Các kiểu hệ thống
thông hơi két
7.2.1 Hệ thống thông hơi
kiểu hở
Hệ thống thông hơi
két kiểu hở là hệ thống không có sự hạn chế nào ngoài các tổn thất ma sát của
dòng chảy tự do của hơi hàng vào và ra khỏi các két hàng trong quá trình làm
việc bình thường. Hệ thống thông hơi hở có thể gồm các ống thông hơi riêng từ
mỗi két hoặc các ống thông hơi riêng có thể được kết hợp lại vào một ống góp
chung hoặc các ống góp với sự lưu ý thích đáng đến sự ngăn cách hàng. Trong mọi
trường hợp, không được lắp các van chặn vào các đường thông hơi riêng hoặc vào
bầu góp.
7.2.2 Hệ thống thông hơi
két được kiểm soát
Hệ thống thông hơi
két được kiểm soát là một hệ thống trong đó các van giảm áp và chân không hoặc
các van áp suất/chân không được lắp cho mỗi két để giới hạn áp suất hoặc độ
chân không trong két. Hệ thống thông hơi được kiểm soát có thể gồm các ống
thông hơi riêng cho mỗi két hoặc có thể nối phía áp suất của chúng tới một hoặc
nhiều ống góp chung với sự lưu ý thích đáng đến việc ngăn cách các loại hàng.
Trong bất kỳ trường hợp nào, không được lắp các van chặn ở phía trước hoặc phía
sau các van giảm áp hoặc van giảm chân không hoặc các van áp suất/chân không.
Có thể sử dụng trang bị nối tắt dự phòng không qua van áp suất hoặc van chân
không hoặc van áp suất/chân không trong một số điều kiện khai thác nhất định
với điều kiện yêu cầu ở 7.2.6 được duy trì và có thiết bị chỉ báo thích hợp cho
biết van đang được nối tắt hay không.
7.2.3 Thiết bị phụ của hệ
thống thông hơi két được kiểm soát
Hệ thống thông hơi
két được kiểm soát phải bao gồm một thiết bị chính và một thiết bị phụ cho phép
xả toàn bộ hơi để ngăn ngừa sự quá áp hoặc thấp áp trong trường hợp hư hỏng một
thiết bị. Có thể sử dụng cách mà thiết bị phụ có thể bao gồm các cảm biến áp
suất được lắp đặt trong từng két cùng với hệ thống giám sát trong buồng điều khiển
hàng của tàu hoặc tại vị trí mà từ đó các hoạt động làm hàng thường được thực
hiện. Thiết bị giám sát này phải có thiết bị báo động phát tín hiệu khi quá áp
hoặc thấp áp xảy ra trong két.
7.2.4 Vị trí đầu ra ống
thông hơi của hệ thống thông hơi được kiểm soát
1 Vị trí đầu ra của ống
thông hơi của hệ thống thông hơi két được kiểm soát phải được bố trí như sau:
(1) Ở độ cao không
dưới 6 m bên trên boong thời tiết hoặc bên trên lối đi trên cao nếu được lắp
trong phạm vi 4 m của lối đi trên cao này;
(2) Cách cửa hút gió,
lỗ cửa vào buồng sinh hoạt, buồng phục vụ, buồng máy và các nguồn phát lửa gần
nhất ít nhất 10 m đo theo phương ngang.
7.2.5 Độ cao của đầu ra
các ống thông hơi có các van thông hơi tốc độ cao
Chiều cao đầu ra các
ống thông hơi nêu ở 7.2.4-1(1) có thể giảm xuống còn 3 m cao hơn boong hoặc lối
đi lên cao tương ứng nếu có lắp các van thông hơi tốc độ cao, có kiểu được
duyệt, dẫn hỗn hợp hơi/không khí theo hướng lên trên dưới dạng dòng phụt không
bị cản với tốc độ ít nhất 30 m/s.
7.2.6 Các thiết bị ngăn
lửa đi qua
Các hệ thống thông
hơi két được kiểm soát lắp cho các két dùng để chở các hàng có nhiệt độ chớp
cháy không quá 60oC phải trang bị các thiết bị ngăn lửa đi vào trong
các két hàng. Thiết kế, thử nghiệm và vị trí của các thiết bị này phải thỏa mãn
các yêu cầu được nêu ở 14.4 Phần 3 QCVN
21:2015/BGTVT.
7.2.7 Sự tắc nghẽn của hệ
thống thông hơi
Khi thiết kế các hệ
thống thông hơi và lựa chọn các thiết bị ngăn lửa để kết hợp thành hệ thống
thông hơi két, phải chú ý đến khả năng tắc nghẽn của các hệ thống và các phụ
tùng này, ví dụ, do sự đông lạnh của hơi hàng, hình thành chất trùng hợp, bụi
trong khí quyển hoặc đóng băng trong các điều kiện thời tiết xấu. Phải lưu ý
rằng, trong trường hợp này, các thiết bị ngăn lửa và các tấm chắn lửa dễ bị tắc
nghẽn hơn. Phải có các biện pháp để có thể kiểm tra, kiểm soát vận hành, làm
sạch và thay mới hệ thống và các phụ tùng này khi thích hợp.
7.2.8 Phương tiện chặn
trong các đường ống thông hơi
Những yêu cầu ở 7.2.1
và 7.2.2 về sử dụng các van chặn trong các đường ống thông hơi phải được áp
dụng cho tất cả các phương tiện chặn khác kể cả các bích có tấm chặn hoặc các
bích tịt.
7.3 Yêu cầu thông hơi cho
từng loại sản phẩm
7.3.1 Yêu cầu thông hơi
cho từng loại sản phẩm
Yêu cầu thông hơi cho
từng loại sản phẩm được nêu ở cột “g” và những yêu cầu bổ sung ở cột “o” trong
bảng của Chương 16 của Quy chuẩn này.
7.4 Thoát khí két hàng
7.4.1 Hệ thống thoát khí
1 Hệ thống thoát khí
cho các két hàng được dùng để chứa hàng không phải là hàng được phép thông hơi
hở, phải làm sao giảm đến mức tối thiểu những nguy hiểm do khuếch tán các hơi
dễ cháy hoặc độc vào khí quyển và vào các hỗn hợp hơi dễ cháy hoặc độc trong
két hàng. Vì vậy, hệ thống thoát khí phải bảo đảm sao cho hơi được xả ra lúc
ban đầu:
(1) Qua các đầu thông
hơi được nêu ở 7.2.4 và 7.2.5; hoặc
(2) Qua các đầu ra
cao ít nhất 2 m so với boong két hàng với tốc độ xả thẳng đứng ít nhất 30 m/s
được duy trì trong quá trình thoát khí; hoặc
(3) Qua các đầu ra
cao ít nhất 2 m so với boong két hàng với tốc độ xả thẳng đứng ít nhất 20 m/s
được bảo vệ bằng các thiết bị thích hợp để ngăn ngọn lửa đi qua.
Khi nồng độ hơi dễ cháy
ở các đầu ra đã bị giảm xuống tới 30% giới hạn cháy dưới và, nếu là sản phẩm
độc hại thì nồng độ hơi không gây nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe, có thể tiếp
tục thoát khí sau đó ở mức boong két hàng.
7.4.2 Các đầu ra trong hệ
thống thoát khí
Các đầu ra nêu ở
7.4.1-1(2) và 7.4.1-1(3) có thể là ống cố định hoặc là ống di động.
7.4.3 Thiết kế hệ thống
thoát khí
1 Khi thiết kế hệ thống
thoát khí phù hợp với 7.4.1 đặc biệt là để đạt được tốc độ ra theo yêu cầu
của 7.4.1-1(2) và 7.4.1-1(3) phải xét kỹ đến những vấn đề sau:
(1) Vật liệu kết cấu
của hệ thống;
(2) Thời gian thoát
khí;
(3) Các đặc tính lưu
lượng của các quạt được dùng;
(4) Các tổn thất áp
suất do ống dẫn, các cửa vào và ra của két hàng;
(5) Áp suất có thể
đạt được trong môi chất dẫn động quạt (ví dụ: nước hoặc khí nén);
(6) Khối lượng riêng
của hơi hàng/hỗn hợp khí trong phạm vi các loại hàng được chở.
Chương
8
KIỂM SOÁT MÔI TRƯỜNG
8.1 Quy định
chung
8.1.1 Quy định chung
Môi trường không gian
hơi trong các két hàng, và trong một số trường hợp, các không gian bao quanh
các két hàng có thể phải yêu cầu kiểm soát được môi trường một cách đặc biệt.
8.1.2 Các kiểu kiểm soát
môi trường
1 Có bốn kiểu kiểm soát
khác nhau cho các két hàng như sau:
(1) Làm trơ - bằng
cách nạp cho két hàng và các hệ thống ống liên quan được nêu trong Chương 14
của Quy chuẩn này, các không gian bao quanh các két hàng một loại khí hoặc hơi
không duy trì sự cháy, không phản ứng với hàng và duy trì trạng thái đó;
(2) Làm đệm - bằng
cách nạp chất lỏng, khí hoặc hơi cho két hàng và các hệ thống ống liên quan
để ngăn cách hàng khỏi không khí và duy trì trạng thái đó;
(3) Làm khô - bằng
cách nạp các khí hoặc hơi khô có điểm sương từ - 40oC trở xuống ở áp
suất khí quyển cho két hàng và hệ thống ống liên quan và duy trì trạng thái đó;
(4) Thông gió - cưỡng
bức hoặc tự nhiên.
8.1.3 Làm trơ hoặc làm đệm
các két hàng
1 Khi yêu cầu phải làm
trơ hoặc làm đệm các két hàng:
(1) Phải có nguồn khí
trơ đủ dùng để nạp và xả cho các két hàng được chở theo hoặc được tạo ra ở trên
tàu, nếu nguồn trên bờ không có sẵn. Hơn nữa, phải đủ sẵn khí trơ trên tàu để
bù cho những hao hụt thông thường trong lúc vận chuyển;
(2) Hệ thống khí trơ
trên tàu phải có khả năng duy trì được áp suất dư ít nhất bằng 0,007 MPa trong
hệ thống chứa ở mọi thời gian. Hơn nữa, hệ thống khí trơ không được làm tăng áp
suất két hàng lên cao hơn áp suất đặt của van an toàn của két;
(3) Khi sử dụng
phương pháp làm đệm, phải bố trí nguồn cấp chất đệm tương tự như yêu cầu đối
với khí trơ ở (1) và (2);
(4) Phải trang bị các
phương tiện để theo dõi các khoang vơi chứa lớp phủ bằng khí để bảo đảm
duy trì môi trường chính xác;
(5) Hệ thống khí trơ
hoặc đệm hoặc cả hai, khi được dùng với các hàng dễ cháy phải làm sao giảm đến
mức tối thiểu sự phát sinh tĩnh điện trong lúc nạp chất làm trơ.
8.1.4 Làm khô
Khi sử dụng phương
pháp làm khô và khí nitơ khô được dùng làm môi chất, nguồn cấp chất làm khô
phải được trang bị tương tự như các hệ thống yêu cầu ở 8.1.3. Khi các chất làm
khô được dùng làm phương tiện làm khô ở trên tất cả các cửa hút khí vào két,
môi chất phải được chở đủ trên tàu trong suốt hành trình có chú ý đến khoảng
nhiệt độ ban ngày và độ ẩm có thể có.
8.2 Yêu cầu về kiểm soát
môi trường cho từng sản phẩm riêng
8.2.1 Yêu cầu về kiểm soát
môi trường cho từng sản phẩm riêng
Các kiểu kiểm soát
môi trường đòi hỏi đối với từng sản phẩm cụ thể được nêu ở cột “h” trong Phụ
lục của Quy chuẩn này.
Chương
9
TRANG
BỊ ĐIỆN
9.1 Quy định chung
9.1.1 Phạm vi áp dụng
Những quy định của Chương
này áp dụng cho các tàu chở các loại hàng có thuộc tính vốn có hoặc do phản ứng
của chúng với các chất khác dễ gây cháy và ăn mòn các thiết bị điện.
9.1.2 Nguy cơ cháy và nổ do
các sản phẩm dễ cháy
Trang bị điện phải
đảm bảo sao cho giảm đến mức tối thiểu nguy cơ cháy và nổ do sản phẩm dễ cháy
gây ra.
9.1.3 Tính đặc thù của các
vật liệu
Khi hàng hóa đặc biệt
có thể gây hư hỏng cho vật liệu thường được dùng trong các thiết bị điện thì
phải xét kỹ tính đặc thù của vật liệu được chọn dùng làm vật liệu dẫn điện,
cách điện, bộ phận kim loại v.v... khi cần thiết, những bộ phận này phải được
bảo vệ tránh tiếp xúc với khí hoặc hơi có thể gặp phải.
9.1.4 Hạn chế sử dụng thiết
bị điện trong vùng nguy hiểm
Thiết bị điện và dây
dẫn không được đặt ở vị trí nguy hiểm nêu ở 4.2.3-2, -4 và -5 Phần 4, trừ trường
hợp ngoại lệ như liệt kê ở 4.2.4 Phần 4 của QCVN
21:2015/BGTVT.
9.1.5 Thiết bị điện được
chứng nhận kiểu an toàn
Khi thiết bị điện
được lắp đặt ở vị trí nguy hiểm như nêu ở 9.1.4, phải được thẩm định và cho sử
dụng trong môi trường dễ cháy liên quan và phải là loại được duyệt kiểu an
toàn.
9.1.6 Chất có nhiệt độ chớp
cháy vượt quá 60oC
Để hướng dẫn, ở cột “i”
trong Phụ lục đưa ra các chỉ dẫn nếu nhiệt độ chớp cháy của chất vượt quá 60oC.
Trong trường hợp hàng được hâm nóng, cần xác lập điều kiện chuyên chở và áp
dụng các yêu cầu của 4.4.1 và 4.5.1 Phần 4 của QCVN
21:2015/BGTVT.
9.2 Liên kết
9.2.1 Liên kết
Các két hàng độc lập
phải được liên kết về điện với thân tàu. Tất cả những mối nối ống hàng sử dụng
đệm kín và mối nối ống mềm phải được liên kết về điện.
9.3 Các yêu cầu về điện
đối với những sản phẩm riêng
9.3.1 Các yêu cầu về điện
đối với những sản phẩm riêng
Các yêu cầu về điện
đối với những sản phẩm riêng được nêu ở cột “i” trong Phụ lục của Quy chuẩn
này.
Chương
10
PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
10.1 Quy
định chung
10.1.1 Phạm
vi áp dụng
1 Các yêu cầu
đối với tàu dầu nêu ở Phần 5 của QCVN
21:2015/BGTVT và các yêu cầu tương ứng trong Phần 3 của QCVN 21:2015/BGTVT phải được áp dụng cho tất
cả các tàu nêu trong Phần này, không phụ thuộc tổng dung tích của tàu và bao
gồm cả các tàu có tổng dung tích nhỏ hơn 500, trừ các tàu quy định từ (1) đến
(8) dưới đây. Nếu có hệ thống phụ trợ hoặc thay thế khác được Đăng kiểm chấp
nhận thì các yêu cầu của Phần 5 của QCVN
21:2015/BGTVT không cần áp dụng cho các tàu thuộc Phần này. Khi có nếu
trang bị hệ thống thay thế khác cho các hệ thống khí trơ của các tàu nêu tại
Phần này, các yêu cầu ở 4.5.5-1 của Phần 5 của QCVN
21:2015/BGTVT không cần phải áp dụng cho các tàu đó, ngay cả khi chúng chở
dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có nhiệt độ chớp cháy không quá 60oC và các chất
lỏng, sản phẩm khác có nguy cơ cháy tương tự.
(1) Không phải áp
dụng 1.1.1 (trừ 1.1.1-2), 4.5.5, 10.8, 10.9 và Chương 21 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT và 14.4 Chương 14 Phần 3
của QCVN 21:2015/BGTVT;
(2) Không cần áp dụng
4.5.1-2 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT (các
yêu cầu đối với vị trí của trạm điều khiển hàng chính);
(3) Chỉ áp dụng 10.2,
10.4 và 10.5 (trừ 10.5.5) Phần 5 của QCVN
21:2015/BGTVT cho các tàu dầu có tổng dung tích từ 2.000 trở lên;
(4) 11.2 phải áp dụng
thay cho 10.9 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT;
(5) 11.3 phải áp dụng
thay cho 10.8 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT;
(6) Phải áp dụng
4.5.10 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT cho
các tàu có tổng dung tích từ 500 trở lên nhưng thay “khí hydro cacbon” bằng “hơi
dễ cháy” ở 4.5.10 Phần 5 của QCVN
21:2015/BGTVT;
(7) Phải áp dụng
13.3.3 và 13.4.4 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT
cho các tàu có tổng dung tích từ 500 trở lên; và
(8) Phải áp dụng
10.5.5 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT cho
các tàu có tổng dung tích từ 2000 trở lên.
10.1.2 Miễn giảm áp dụng các
yêu cầu
Bất kể các quy định ở
10.1.1, các tàu chỉ dùng để chở sản phẩm không cháy (ghi NF trong cột “i” của
bảng các yêu cầu tối thiểu) phải thỏa mãn các yêu cầu về chống cháy và chữa
cháy được nêu trong Phần 5 (trừ 10.7) của QCVN
21:2015/BGTVT, trừ các yêu cầu bổ sung đối với tàu dầu, và không cần thỏa
mãn quy định 10.2 và
10.3 ở Chương
này.
10.1.3 Yêu cầu đối với các
tàu chỉ để chở những sản phẩm có nhiệt độ chớp cháy trên 60oC
Các tàu chỉ chở các
sản phẩm có nhiệt độ chớp cháy trên 60oC (ghi “Có” ở cột “i” của bảng các
yêu cầu tối thiểu) có thể tuân theo 1.2.3-2 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT thay cho các quy định của Chương
này.
10.2 Các buồng bơm hàng
10.2.1 Hệ thống chữa cháy
cố định
Buồng bơm hàng của
bất kỳ tàu nào cũng phải được trang bị hệ thống CO2 nêu ở 25.2.1 và 25.2.2 Phần
5 của QCVN 21:2015/BGTVT. Bản thông báo
phải được treo ở vị trí điều khiển thông báo rằng hệ thống chỉ được dùng để dập
cháy và không dùng cho làm trơ vì nguy cơ cháy do tĩnh điện. Các thiết bị báo
động được nêu ở 25.2.1-3(2), Phần 5 của QCVN
21:2015/BGTVT phải an toàn cho việc sử dụng trong hỗn hợp hơi hàng/không
khí dễ cháy. Để thỏa mãn quy định này phải có một hệ thống dập lửa thích hợp
cho các buồng máy. Tuy nhiên, tổng số khí được trang bị phải đủ để cung cấp một
lượng khí tự do bằng 45% tổng thể tích của buồng bơm hàng trong mọi trường hợp.
10.2.2 Hệ thống dập cháy
cho các tàu chở một số lượng hàng hạn chế
Các buồng bơm hàng
của các tàu chuyên chở một số lượng hàng hạn chế phải được bảo vệ bằng một hệ
thống dập cháy thích hợp với loại hàng hóa mà tàu chuyên chở.
10.2.3 Hệ thống dập cháy cố
định khác
Hệ thống dập cháy gồm
có hệ thống phun sương nước áp lực cố định hoặc một hệ thống bọt có độ dãn nở
cao có thể được trang bị cho buồng bơm hàng nếu hàng được chở không thích hợp
với việc dập cháy bằng CO2.
10.3 Khu vực hàng
10.3.1 Hệ thống bọt cố định
trên boong
Mỗi tàu phải được
trang bị một hệ thống bọt cố định trên boong theo các yêu cầu từ 10.3.2 đến
10.3.12.
10.3.2 Loại chất tạo bọt
Chỉ được cấp một loại
chất tạo bọt và nó phải có hiệu quả đối với số lượng lớn nhất có thể các loại
hàng dự định chở. Đối với những hàng mà bọt không có tác dụng hoặc không phù
hợp, phải có thêm các hệ thống được Đăng kiểm chấp nhận. Không được dùng những
loại bọt Protein thông thường.
10.3.3 Hệ thống cấp bọt
Hệ thống cấp bọt phải
có khả năng cấp bọt tới toàn bộ diện tích boong các két hàng cũng như vào trong
các két hàng bất kỳ mà boong của chúng giả sử bị thủng.
10.3.4 Khả năng của hệ thống
bọt cố định trên boong
Hệ thống bọt cố định
trên boong phải có khả năng vận hành đơn giản và nhanh. Trạm điều khiển chính
cho hệ thống phải được bố trí hợp lý ở bên ngoài khu vực hàng kề với các buồng
sinh hoạt, dễ tiếp cận và vận hành được trong trường hợp có cháy trong khu vực
được bảo vệ.
10.3.5 Lưu lượng cấp dung
dịch bọt
1 Lưu lượng cấp dung
dịch bọt không được nhỏ hơn lưu lượng lớn nhất trong các điều kiện sau:
(1) 2 lít/phút trên 1
m2 diện tích boong các
két hàng, trong đó diện tích boong các két hàng bằng tích của chiều rộng lớn
nhất của tàu với kích thước tổng chiều dài các khoang két hàng;
(2) 20 lít/phút trên
1 m2 diện tích mặt cắt
theo phương ngang của một két có diện tích mặt cắt theo phương ngang lớn nhất;
(3) 10 lít/phút trên
1 m2 của diện tích được
bảo vệ bằng súng phun lớn nhất, diện tích đó hoàn toàn ở về phía trước súng
phun, nhưng không nhỏ hơn 1.250 lít/phút. Đối với các tàu có trọng tải toàn
phần nhỏ hơn 4.000 tấn, lưu lượng tối thiểu của súng phun có thể được lấy theo
1(1) hoặc 1(2) lấy giá trị nào lớn hơn.
10.3.6 Thể tích của chất tạo
bọt
Chất tạo bọt phải
được cấp để bảo đảm tạo bọt ít nhất trong 30 phút khi dùng với tốc độ cấp dung
dịch cao nhất như quy định ở 10.3.5.
10.3.7 Súng phun và thiết
bị tạo bọt di động
Bọt từ hệ thống bọt
cố định phải được cấp bằng các súng phun và các thiết bị tạo bọt. Mỗi súng phun
phải phân phối được ít nhất 50% bọt theo yêu cầu ở 10.3.5-1(1) hoặc (2). Lưu
lượng của súng phun bất kỳ phải ít nhất bằng 10 lít/phút dung dịch bọt trên 1 m2 diện tích boong được
súng phun đó bảo vệ, diện tích này hoàn toàn ở phía trước súng phun. Lưu lượng
này không được nhỏ hơn 1.250 lít/phút. Đối với những tàu có trọng tải toàn phần
dưới 4.000 tấn, lưu lượng tối thiểu của súng phun phải được Đăng kiểm xem xét thỏa đáng.
10.3.8 Khu vực được bảo vệ
bởi súng phun
Khoảng cách từ súng
phun đến điểm xa nhất của diện tích được bảo vệ không được quá 75% khoảng
phun xa của súng phun ở điều kiện không khí yên lặng.
10.3.9 Bố trí súng phun và
thiết bị tạo bọt di động
Súng phun và chỗ nối
cho vòi rồng, thiết bị tạo bọt phải được đặt ở cả mạn phải và trái tại mặt
trước của thượng tầng đuôi hoặc các buồng sinh hoạt đối diện với khu vực hàng.
10.3.10 Thiết bị tạo bọt
Thiết bị tạo bọt phải
được trang bị để linh hoạt trong thao tác khi chống cháy và bao phủ hết các khu
vực mà súng phun bị cản trở. Lưu lượng của thiết bị tạo bọt bất kỳ không được
nhỏ hơn 400 lít/phút và khoảng phun xa của nó ở điều kiện không khí yên lặng
không được nhỏ hơn 15 m. Số lượng thiết bị tạo bọt được trang bị không được ít
hơn 4. Số lượng và sự bố trí các lỗ xả bọt chính phải sao cho bọt từ ít nhất 2
thiết bị tạo bọt có thể hướng tới được phần bất kỳ của diện tích boong các két
hàng.
10.3.11 Ống dẫn bọt và các
van để cách ly các đoạn bị hư hỏng
Trên ống dẫn bọt và
trên đường ống cứu hỏa tạo thành một phần của hệ thống bọt trên boong, phải
trang bị các van ngay trước vị trí súng phun bất kỳ để cách ly các đoạn bị hư
hỏng của các đường ống này.
10.3.12 Đường ống nước cứu
hỏa
Sự hoạt động của hệ
thống bọt trên boong ở công suất quy định phải cho phép sử dụng đồng thời một
số lượng yêu cầu tối thiểu các tia phụt nước ở áp suất quy định từ đường ống
nước cứu hỏa.
10.3.13 Trang bị thay thế
được lắp ở những tàu để chở một số loại hàng hạn chế
Các tàu để chở một số
loại hàng hạn chế phải được bảo vệ bằng các trang bị thay thế được Đăng kiểm
chấp thuận khi chúng phù hợp với các sản phẩm có liên quan như hệ thống bọt
trên boong được yêu cầu đối với đa số hàng dễ cháy.
10.3.14 Thiết bị chữa cháy
xách tay
Phải có thiết bị chữa
cháy xách tay phù hợp đối với các sản phẩm được chở và được duy trì ở tình
trạng làm việc tốt.
10.3.15 Loại trừ các nguồn
gây lửa
Khi chở các hàng dễ
cháy, tất cả các nguồn gây lửa phải được loại trừ khỏi những vị trí nguy hiểm
được nêu ở 4.2.3-2, -4 và -5 Phần 4 của QCVN
21:2015/BGTVT.
10.3.16 Các yêu cầu bổ sung
đối với các tàu có các hệ thống nạp và xả hàng tại mũi hoặc đuôi tàu
Các tàu có hệ thống
nạp và xả hàng tại mũi hoặc đuôi tàu phải được trang bị một súng phun bọt bổ
sung thỏa mãn các yêu cầu ở 10.3.7 và một thiết bị tạo bọt bổ sung thỏa mãn các
yêu cầu ở 10.3.10. Súng phun bổ sung đó được đặt để bảo vệ hệ thống nạp và xả
hàng ở mũi hoặc đuôi tàu. Khu vực đường ống hàng ở phía trước hoặc sau của khu
vực hàng phải được bảo vệ bằng thiết bị tạo bọt nói ở trên.
10.4 Các yêu cầu riêng
10.4.1 Các yêu cầu riêng
Chất dập lửa được xác
định có hiệu quả đối với từng sản phẩm cụ thể được liệt kê ở cột “l” Phụ lục
của Quy chuẩn này.
Chương
11
THÔNG GIÓ CƯỠNG BỨC Ở KHU VỰC HÀNG
11.1 Quy
định chung
11.1.1 Phạm
vi áp dụng
Đối với các tàu dùng
để chở các sản phẩm nêu ở 10.1.2 và 10.1.3, trừ các axit và các sản phẩm áp
dụng quy định 14.17, các quy định 4.5.2-6 và 4.5.4 (trừ -1(2)) Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT có thể được áp dụng thay
cho các quy định của Chương này.
11.2 Các không gian thường
có người vào trong khi làm hàng
11.2.1 Quy định chung
Các buồng bơm và các
không gian kín khác chứa các thiết bị làm hàng và những không gian tương tự có
liên quan đến làm hàng phải được lắp các hệ thống thông gió cưỡng bức có thể điều
khiển từ ngoài các không gian đó.
11.2.2 Thông gió trước khi
vào buồng
Phải có các trang bị
để thông gió các buồng trước khi vào và phải có cảnh báo ở bên ngoài buồng cần
vào về việc cần sử dụng thông gió trước khi vào.
11.2.3 Bố trí và sản lượng
của hệ thống thông gió
Phải bố trí các cửa
vào và ra của hệ thống thông gió cưỡng bức để đảm bảo đủ không khí chuyển động
qua khoang, tránh tích tụ hơi độc hoặc hơi dễ cháy hoặc cả hai (chú ý đến mật
độ hơi của chúng) và đảm bảo đủ ôxy cho môi trường làm việc an toàn, nhưng bất
kể trường hợp nào, hệ thống thông gió không được có sản lượng nhỏ hơn 30 lần
thay đổi không khí trong một giờ dựa trên tổng thể tích của khoang. Đối với các
sản phẩm nhất định, tốc độ thông gió được tăng lên đối với buồng bơm hàng được
quy định ở 14.17.
11.2.4 Kiểu hệ thống thông
gió
Các hệ thống thông
gió phải là kiểu cố định và thường là kiểu hút ra. Phải có thể hút khí ra ở
trên và dưới các tấm sàn. Trong các buồng để động cơ dẫn động các bơm hàng,
thông gió phải thuộc kiểu áp suất dương.
11.2.5 Các đường ống xả gió
khỏi các khoang ở khu vực hàng
Các đường xả gió ra
từ các khoang trong khu vực hàng phải xả lên trên ở vị trí cách các cửa hút
thông gió và cửa thông vào buồng sinh hoạt, buồng phục vụ, buồng máy, các trạm điều
khiển và các khoang khác bên ngoài khu vực hàng ít nhất 10 m theo phương ngang.
11.2.6 Bố trí cửa hút gió
vào
Phải bố trí các cửa
hút gió vào sao cho giảm tới mức tối thiểu khả năng quay vòng lại của các hơi
nguy hiểm từ bất kỳ lỗ xả gió nào.
11.2.7 Bố trí các ống thông
gió
Các ống thông gió
không được dẫn qua buồng sinh hoạt, buồng phục vụ, buồng máy hay các khoang
tương tự.
11.2.8 Các động cơ điện dẫn
động quạt
1 Các động cơ điện dẫn
động quạt phải được đặt bên ngoài các ống thông gió nếu tàu dự định chở các sản
phẩm dễ cháy. Các quạt thông gió và các ống thông gió ở khu vực lắp quạt cho
các vị trí nguy hiểm được nêu ở Chương 10, phải có kết cấu không gây tia lửa
như được nêu ở từ (1) đến (4), bất kỳ sự kết hợp nào của bộ phận cố định hoặc
quay bằng hợp kim nhôm hay magiê với một bộ phận cố định hoặc quay bằng sắt,
bất kể khe hở mút cánh, sẽ được coi là có nguy cơ đánh lửa và không được dùng ở
những chỗ này:
(1) Các cánh hoặc vỏ
hoặc kết cấu phi kim loại phải được quan tâm thích đáng để loại bỏ tĩnh điện;
(2) Các cánh và vỏ
bằng các kim loại màu;
(3) Các cánh và vỏ
bằng thép austenit không gỉ; và
(4) Các cánh và vỏ
kim loại chứa sắt có khe hở thiết kế ở mút cánh không nhỏ hơn 13 mm.
11.2.9 Các
phụ tùng dự trữ cho quạt
Phải trang bị trên
tàu đầy đủ các phụ tùng dự trữ cho mỗi kiểu quạt phải có ở trên tàu theo yêu
cầu của Chương này.
11.2.10 Các
lưới bảo vệ được lắp ở cửa các đường ống thông gió
Các lưới bảo vệ có
mắt lưới vuông không lớn hơn 13 mm x 13 mm phải được lắp ở các cửa bên ngoài
của ống thông gió.
11.3 Các buồng bơm và các
khoang kín khác thường có người vào
11.3.1 Các buồng bơm và các
khoang kín khác thường có người vào
Các buồng bơm và các
khoang kín khác thường có người vào không được nêu ở 11.2.1 phải được lắp các
hệ thống thông gió cưỡng bức có khả năng điều khiển từ bên ngoài khoang đó và
thỏa mãn các yêu cầu ở 11.2.3 nhưng chỉ yêu cầu lưu lượng không được ít hơn 20
lần thay đổi không khí trong một giờ dựa vào tổng thể tích của khoang. Phải có
trang bị để thông gió các khoang đó trước khi vào.
11.4 Các khoang thông
thường không có người vào
11.4.1 Các khoang thông
thường không có người vào
Các đáy đôi, khoang
cách ly, sống hộp, hầm ống, khoang hàng và các khoang khác mà hàng có thể tích
tụ, phải có khả năng được thông gió để bảo đảm môi trường an toàn khi cần vào.
Nếu không có hệ thống thông gió cố định cho các khoang đó, phải trang bị các
phương tiện thông gió di động được duyệt. Nếu cần, do sự bố trí của các khoang,
ví dụ các khoang hàng, các ống thông gió chính phải được lắp cố định. Đối với
thiết bị thông gió cố định, phải bảo đảm lưu lượng 8 lần thay không khí trong 1
giờ, còn với hệ thống di động là 16 lần thay không khí trong 1 giờ. Các quạt
phải không gây trở ngại cho lỗ người chui và phải thỏa mãn 11.2.8.
11.5 Những yêu cầu về vận
hành
11.5.1 Phạm vi áp dụng
Những quy định trong mục
này không phải là các điều kiện yêu cầu phải kiểm tra để duy trì cấp tàu nhưng
là điều kiện mà chủ tàu, thuyền trưởng hoặc những người có liên quan đến hoạt
động của tàu phải tuân theo.
11.5.2 Thông gió trước khi
vào buồng
Buồng được nêu ở
11.2.1 phải được thông gió trước khi vào những buồng đó.
Chương
12
CÁC DỤNG CỤ ĐO
12.1 Đo kiểm
tra
12.1.1 Các
kiểu thiết bị đo
1 Các két hàng
phải lắp một trong các kiểu thiết bị đo sau đây.
(1) Thiết bị hở: loại
dùng một lỗ khoét trong két và có thể đặt dụng cụ đo vào hàng hay hơi của hàng.
Lỗ đo lượng vơi là một ví dụ về loại này;
(2) Thiết bị hạn chế:
loại xuyên qua két và khi được dùng, nó cho phép một lượng nhỏ hơi hàng hoặc
chất lỏng thoát ra khí quyển. Khi không sử dụng, thiết bị được đóng hoàn toàn.
Kết cấu phải bảo đảm không cho chất chứa trong két (chất lỏng hoặc tia) thoát
ra gây nguy hiểm khi mở thiết bị;
(3) Thiết bị kín:
loại xuyên két nhưng nó là một phần của hệ thống kín và giữ cho chất chứa trong
két không thoát ra. Ví dụ như: hệ thống kiểu phao nổi, đầu dò điện tử, đầu dò
từ tính, kính quan sát được bảo vệ. Một cách khác thiết bị gián tiếp không
xuyên qua vỏ két và độc lập với két có thể được sử dụng. Ví dụ như việc cân
hàng đồng hồ đo lưu lượng trong ống.
12.1.2 Các thiết bị đo độc
lập với thiết bị yêu cầu ở 14.18
Các thiết bị đo phải
độc lập với thiết bị yêu cầu ở 14.18.
12.1.3 Việc đo hở và hạn
chế
1 Việc đo hở và hạn chế
chỉ được cho phép ở những nơi:
(1) Hệ thống thông
hơi hở được Quy chuẩn cho phép; hoặc
(2) Có phương tiện
giảm áp suất két trước khi thao tác dụng cụ đo.
12.1.4 Các kiểu đo đối với
sản phẩm riêng
Các kiểu đo đối với
các sản phẩm riêng được nêu ở cột “j” trong Phụ lục.
12.2 Phát hiện hơi
12.2.1 Quy định chung
Tàu chở các sản phẩm
độc hoặc dễ cháy hoặc cả hai phải được trang bị ít nhất hai dụng cụ được Đăng
kiểm cho là phù hợp, được thiết kế và hiệu chỉnh để kiểm tra phát hiện cho từng
loại hơi. Nếu dụng cụ đó không có khả năng kiểm tra được cả nồng độ chất độc và
nồng độ dễ cháy, thì phải có hai bộ dụng cụ tách biệt.
12.2.2 Các kiểu thiết bị
phát hiện hơi
Dụng cụ phát hiện hơi
có thể là kiểu xách tay hoặc cố định. Nếu sử dụng hệ thống phát hiện hơi
loại cố định thì ít nhất phải có một dụng cụ kiểu xách tay.
12.2.3 Yêu cầu đối với một
số sản phẩm không có sẵn thiết bị phát hiện hơi độc
Khi thiết bị phát
hiện hơi độc không có sẵn đối với một số sản phẩm yêu cầu phải có thiết bị phát
hiện này, như quy định ở cột “k” Phụ lục, Đăng kiểm có thể miễn cho tàu yêu cầu
này. Khi cho phép sự miễn giảm như vậy, phải trang bị bổ sung nguồn cung cấp
không khí thở.
12.2.4 Các yêu cầu về phát
hiện hơi đối với các sản phẩm riêng
Các yêu cầu về phát
hiện hơi cho những sản phẩm riêng cho ở cột “k” của Phụ lục.
12.3 Các yêu cầu bổ sung
12.3.1 Lắp đặt thiết bị phát
hiện khí
Lắp đặt thiết bị phát
hiện khí kiểu lấy mẫu được đặt bên ngoài vùng nguy hiểm khí phải thỏa mãn yêu
cầu khác được quy định bổ sung thêm cho các yêu cầu quy định ở Quy chuẩn này.
Chương
13
TRANG BỊ BẢO HỘ CÁ NHÂN
13.1 Trang
bị bảo hộ
13.1.1 Trang
bị bảo hộ
Để bảo vệ thuyền viên
đang thực hiện công việc nhận/trả hàng, trên tàu phải có các trang bị phòng hộ
thích hợp bao gồm các tấm che rộng, găng tay đặc biệt có cổ cao, ủng thích hợp,
quần áo bảo hộ làm bằng vật liệu chịu được hóa chất, kính an toàn loại kín hoặc
mặt nạ hoặc cả hai thứ... Trang bị và quần áo bảo hộ phải đảm bảo che phủ sao
cho không có phần cơ thể nào không được bảo vệ.
13.1.2 Nơi cất giữ trang bị
bảo hộ
Trang bị bảo hộ phải
được cất giữ trong các tủ đặc biệt để ở những nơi dễ đến lấy. Không nên cất giữ
trang bị bảo hộ trong khu vực buồng sinh hoạt, trừ những trang bị mới, chưa
dùng và trang bị chưa được sử dụng từ khi được giặt sạch. Tuy nhiên, tủ cất giữ
trang bị bảo hộ có thể được bố trí trong khu vực buồng sinh hoạt nếu chúng được
cách ly tốt khỏi các khu vực có người ở như các phòng ngủ, hành lang, buồng ăn,
phòng tắm v.v…
13.2 Trang bị an toàn
13.2.1 Số lượng trang bị an
toàn
Ngoài các trang bị an
toàn được yêu cầu ở 10.10 Phần 5 của QCVN
21:2015/BGTVT, các tàu chở loại hàng có yêu cầu ở 14.12, 14.12.1 hoặc
14.12.3 trong cột “o” ở Phụ lục của Quy chuẩn này phải đủ nhưng không ít hơn 3
bộ trang bị an toàn hoàn chỉnh, mỗi bộ phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng
vào trong khoang chứa đầy khí và làm việc ở đó ít nhất 20 phút.
13.2.2 Thành phần của bộ
trang bị an toàn
1 Một bộ trang bị an
toàn hoàn chỉnh phải bao gồm:
(1) Một thiết bị thở
có bình chứa khí độc lập (không dùng ôxy dự trữ);
(2) Quần áo, ủng,
găng tay, kính đeo khít bảo vệ;
(3) Dây an toàn không
cháy có thắt lưng chịu được tác dụng của hàng được chở;
(4) Đèn phòng nổ.
13.2.3 Thiết
bị cung cấp khí nén dự trữ
1 Tàu phải có
một trong các thiết bị cung cấp khí nén dự trữ sau đây: (1) Thiết bị gồm:
(a) 1 bộ các chai khí
dự trữ được nạp đầy dành cho mỗi thiết bị thở;
(b) 1 máy nén khí
riêng thích hợp cho việc cung cấp khí cao áp có độ tinh khiết theo yêu cầu;
(c) Đường ống góp nạp
khí có khả năng nạp khí cho các chai khí dự trữ của thiết bị thở cho thiết bị
thở yêu cầu ở (b); hoặc
(2) Các chai khí dự
trữ được nạp đầy có tổng dung tích khí tự do ít nhất 6000 lít cho mỗi thiết bị
thở ở trên tàu lớn hơn số bình khí dành cho trang bị của người chữa cháy được
quy định ở 10.10 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT.
13.2.4 Hệ thống cung cấp
không khí bổ sung
1 Trong mỗi buồng bơm
hàng của tàu chở các loại hàng là đối tượng áp dụng các quy định của 14.17,
hoặc hàng hóa trong cột “k” Phụ lục có yêu cầu lắp đặt thiết bị phát hiện hơi
độc nhưng không có sẵn thiết bị, phải có:
(1) Một hệ thống ống
thấp áp có đầu nối mềm thích hợp cho việc sử dụng với thiết bị thở nêu ở
14.2.1. Hệ thống này phải có khả năng đưa đủ lượng khí cao áp tới cung cấp, qua
các thiết bị giảm áp, đủ không khí thấp áp cho 2 người làm việc trong thời gian
ít nhất là 1 giờ, mà không cần dùng đến các chai khí của thiết bị thở, ở khoang
có khí nguy hiểm. Phải lắp đặt các thiết bị để nạp lại không khí cho các chai
khí cố định và các chai khí của thiết bị thở từ một máy nén khí riêng có khả
năng cung cấp khí cao áp có độ tinh khiết theo yêu cầu; hoặc
(2) Một lượng không
khí tương đương được nén trong bình đặt trong buồng thay cho hệ thống ống khí
thấp áp.
13.2.5 Nơi cất giữ trang bị
an toàn
Ít nhất một bộ trang
bị an toàn nêu ở 13.2.2 phải được giữ trong tủ thích hợp, được đánh dấu rõ
ràng, được đặt ở nơi dễ đến lấy và gần buồng bơm hàng. Các bộ còn lại phải được
giữ ở những nơi thích hợp, được đánh dấu rõ ràng, dễ đến lấy.
13.2.6 Bảo dưỡng các thiết
bị khí nén
Việc bảo dưỡng các
thiết bị khí nén phải phù hợp với 13.3.
13.2.7 Cáng
Một cáng thích hợp
cho việc nâng một người bị thương lên khỏi các khoang như buồng bơm hàng phải
được bố trí ở nơi dễ đến lấy.
13.2.8 Hô hấp khi thoát nạn
1 Tàu chở loại hàng có
chữ “Có” trong cột “n” của Phụ lục của Quy chuẩn này phải có thiết bị bảo vệ hệ
hô hấp và mắt thích hợp đủ bảo vệ tất cả mọi người trên tàu trong trường hợp
thoát nạn, thiết bị này phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
(1) Thiết bị bảo vệ
hệ hô hấp:
(a) Không được dùng
thiết bị bảo vệ hệ hô hấp kiểu phin lọc;
(b) Bình thường,
thiết bị thở có bình chứa khí thông thường phải làm việc được trong ít nhất 15
phút.
(2) Thiết bị bảo vệ
hệ hô hấp trong trường hợp thoát nạn phải được đánh dấu rõ ràng là dùng cho mục
đích này và không được dùng cho mục đích chữa cháy hay làm hàng.
13.2.9 Trang bị y
tế sơ cứu
Trên tàu phải có các
trang bị y tế sơ cứu trong đó có thiết bị hô hấp bằng ôxy và thuốc giải độc đối
với hàng được chở.
13.2.10 Trang bị tắm
khử độc và rửa mắt
Trên tàu phải có
trang bị tắm khử độc và rửa mắt được đánh dấu rõ ràng, bố trí ở những vị trí
thuận tiện cho sử dụng. Trang bị tắm khử độc và rửa mắt phải làm việc được
trong mọi điều kiện môi trường.
13.3 Các yêu cầu
về vận hành
13.3.1 Phạm vi áp
dụng
Các yêu cầu của ở
13.3 không phải là các điều kiện yêu cầu phải kiểm tra để duy trì cấp, nhưng là
những điều kiện mà chủ tàu, thuyền trưởng và những người khác có liên quan đến
hoạt động của tàu cần phải chú ý đến.
13.3.2 Việc sử dụng
các trang bị bảo hộ
Trang bị bảo hộ phải
được sử dụng trong bất kỳ công việc nào có thể gây ra nguy hiểm cho người.
13.3.3 Bảo dưỡng các
thiết bị liên quan đến khí nén
Các thiết bị liên
quan đến khí nén nêu ở 13.2.2 phải được thuyền trưởng kiểm tra ít nhất mỗi
tháng một lần, kết quả kiểm tra phải được ghi vào Sổ nhật ký tàu, và phải được
người có chuyên môn kiểm tra và thử ít nhất mỗi năm một lần.
Chương
14
YÊU CẦU ĐẶC BIỆT
14.1 Quy
định chung
Các quy định trong Chương
này được áp dụng đối với các chất cụ thể nêu ở cột “o” Phụ lục. Những yêu cầu
này được bổ sung thêm vào các yêu cầu chung của Phần này.
14.2 Dung dịch
Ammonium Nitrate 93% hoặc nhỏ hơn theo khối lượng
14.2.1 Dung dịch
Ammonium Nitrate
1 Những quy
định ở 14.2 được áp dụng trong các điều kiện sau:
(1) Dung dịch
ammonium nitrate phải có ít nhất 7% khối lượng nước;
(2) Độ axit (pH) của
hàng khi pha loãng với tỷ lệ 10 phần nước và 1 phần hàng theo khối lượng phải
nằm trong khoảng giữa 5,0 và 7,0;
(3) Dung dịch không
được có quá 10 phần triệu các ion clorua, 10 phần triệu ion sắt, và không có
các chất nhiễm bẩn khác.
14.2.2 Két hàng và
thiết bị
Các két chứa và thiết
bị làm việc với dung dịch ammonium nitrate phải được tách rời với các két hàng
và thiết bị chứa làm việc với những hàng khác hoặc các sản phẩm dễ cháy.
14.2.3 Quy định đối
với làm sạch két hàng và thiết bị liên quan
Các két và thiết bị
liên quan dùng để chở dung dịch ammonium nitrate phải được trang bị
hệ thống làm sạch.
14.2.4 Nhiệt độ của
công chất trao nhiệt trong hệ thống hâm két hàng
Nhiệt độ của công
chất trao nhiệt trong hệ thống hâm két không được vượt quá 160oC. Hệ
thống hâm phải có hệ thống điều khiển để giữ hàng ở nhiệt độ trung bình là 140oC.
Phải trang bị thiết bị báo động nhiệt độ cao ở 145oC và 150oC
và thiết bị báo động nhiệt độ thấp ở 125oC. Nếu nhiệt độ công chất
trao nhiệt vượt quá 160oC thì phải có báo động. Thiết bị báo động
nhiệt độ và điều khiển nhiệt độ phải được đặt ở trên buồng lái.
14.2.5 Hệ thống phun
khí ammonia
Một thiết bị cố định
phải được trang bị để phun khí ammonia vào trong hàng hóa được chở.
14.2.6 Điều khiển hệ
thống phun khí ammonia
Thiết bị điều khiển
hệ thống nêu ở 14.2.5 phải được đặt trên buồng lái. Vì mục đích này, một két dự
trữ để chứa 300 kg ammonia cho 1.000 tấn dung dịch ammonium nitrate phải được
trang bị trên tàu.
14.2.7 Kiểu bơm hàng
Các bơm hàng phải là
kiểu hút giếng sâu ly tâm hoặc kiểu ly tâm có các vòng đệm kín nước.
14.2.8 Nắp chụp thời
tiết để tránh sự tắc nghẽn trong hệ thống thông hơi
Đường ống thông hơi
phải lắp nắp chụp thời tiết có kiểu được duyệt để tránh sự tắc nghẽn. Các nắp
như thế phải được thiết kế và bố trí dễ tháo để kiểm tra và làm sạch.
14.3 Carbon
disulphide
Có thể vận chuyển
carbon disulphide với đệm nước hoặc đệm khí trơ phù hợp như quy định dưới đây:
14.3.1 Vận chuyển có
đệm nước
1 Phải có biện
pháp để duy trì đệm nước ở trong két hàng trong thời gian nạp, xả và trung
chuyển hàng. Ngoài ra, phải có thiết bị để duy trì đệm khí trơ ở trong khoảng
vơi của két hàng trong thời gian vận chuyển.
2 Tất cả các lỗ
khoét phải ở đỉnh két và ở bên trên boong.
3 Các đường ống
nhận hàng phải kết thúc ở gần đáy két.
4 Phải có lỗ
khoét kiểm tra mức hao tiêu chuẩn để sử dụng trong trường hợp đo sự cố.
5 Đường ống
hàng và đường ống thông hơi phải độc lập với đường ống và ống thông hơi dùng
cho các hàng khác.
6 Các bơm có
thể được dùng để xả hàng với điều kiện chúng thuộc kiểu hút giếng sâu hoặc kiểu
chìm được dẫn động bằng thủy lực. Phương tiện để dẫn động các bơm hút giếng sâu
không được tạo ra nguồn lửa đối với carbon disulphide và không được sử dụng
thiết bị có thể tạo ra nhiệt độ quá 80oC.
7 Nếu dùng bơm
xả hàng, thì nó phải được đặt trong một giếng hình trụ kéo dài từ đỉnh két cho
tới điểm gần đáy két.
8 Sự thế chỗ
của nước và khí trơ có thể sử dụng để xả hàng với điều kiện hệ thống hàng
được thiết kế phù hợp với áp suất và nhiệt độ có thể xảy ra.
9 Các van xả an
toàn phải được chế tạo bằng thép không gỉ.
10 Do nhiệt độ
cháy của nó thấp và các khe hở hẹp theo yêu cầu để hạn chế sự lan truyền ngọn
lửa nên chỉ các hệ thống và mạch điện an toàn về bản chất mới được phép bố trí
ở những vị trí nguy hiểm nêu ở 4.2.3-2, -4 và -5 Phần 4 QCVN 21:2015/BGTVT.
14.3.2 Vận chuyển
có đệm khí trơ
1 Các két hàng
để vận chuyển carbon disulphide phải là két rời có áp suất thiết kế lớn hơn
0,06 MPa.
2 Tất cả các lỗ
khoét phải được đặt trên đỉnh két, cao hơn boong tàu.
3 Đệm kín dùng
trong hệ thống chứa hàng phải bằng vật liệu không gây phản ứng với hoặc
hòa tan trong carbon disulphide.
4 Mối nối ren
không được đặt trong hệ thống chứa hàng, bao gồm cả đường ống hơi.
5 Trước khi
nhận hàng, các két phải được làm trơ với lượng khí trơ phù hợp với mức ôxy
không lớn hơn 2% thể tích. Phải trang bị thiết bị duy trì tự động áp suất dương
trong két dùng khí trơ phù hợp trong quá trình nhận hàng, vận chuyển và xả
hàng. Hệ thống này phải có khả năng duy trì một áp suất dương thực tế giữa 0,01
và 0,02 MPa, và phải có thiết bị điều khiển từ xa và có thiết bị báo động áp
suất quá cao và thấp.
6 Không gian khoang
hàng bao quanh két rời có chứa carbon disulphide phải được làm trơ bằng khí trơ
phù hợp cho tới khi mức ôxy không lớn hơn 2% thể tích. Phải trang bị thiết bị
chỉ báo và duy trì trạng thái này trong suốt chuyến hành trình. Phải trang bị
thiết bị lấy mẫu không gian này đối với hơi carbon disulphide.
7 Khi nhận, vận chuyển
và xả carbon disulphide phải đảm bảo không thông hơi ra khí trời. Nếu hơi
carbon disulphide khi nhận hàng được đưa vào bờ hoặc trở lại tàu khi trả hàng
thì hệ thống thu hồi hơi phải tách biệt với tất cả hệ thống chứa hàng khác.
8 Carbon disulphide chỉ
được xả bằng bơm hút giếng sâu lắp chìm hoặc bằng cách chiếm chỗ của lượng khí
trơ phù hợp. Bơm hút giếng sâu lắp chìm phải được vận hành theo cách không sinh
nhiệt trong bơm. Bơm này cũng phải được trang bị cảm biến nhiệt trong vỏ bơm
với thiết bị hiển thị từ xa và báo động trong buồng điều khiển hàng. Thiết bị
báo động được đặt tại nhiệt độ 80oC. Bơm phải được lắp thiết bị
ngừng tự động, nếu áp lực két thấp hơn áp suất khí quyển trong quá trình xả.
9 Phải trang bị hệ
thống phun sương bằng nước có đủ lưu lượng để có thể bao phủ hữu hiệu diện tích
bao quanh ống góp nhận hàng, hệ thống đường ống trên boong hở nối với thiết bị
chuyển hàng và vòm két. Việc bố trí hệ thống đường ống và đầu phun phải sao cho
cung cấp đồng đều nước với sản lượng 10 lít/m2/phút. Hoạt động điều khiển từ xa phải được
bố trí sao cho việc khởi động bơm cấp nước cho hệ thống phun sương nước và việc
điều khiển từ xa các van thông thường đóng trong hệ thống có thể thực hiện được từ
vị trí thích hợp bên ngoài khu vực hàng, kề với các buồng sinh hoạt và dễ tiếp
cận và thao tác khi có cháy ở khu vực được bảo vệ. Hệ thống phun sương nước phải
có thể điều khiển từ xa và tại chỗ được và hệ thống này phải đảm bảo rằng bất
kỳ hàng hóa bị tràn đều có thể rửa sạch được.
10 Không két hàng nào
được đầy quá 98% ở nhiệt độ tham khảo.
11 Thể tích lớn nhất (VL) của hàng được phép
chở trong két là:
VL = 0,98V
Trong đó:
V: Thể tích của két;
ρR: Tỷ trọng tương đối
của hàng hóa tại nhiệt độ liên quan;
ρL: Tỷ trọng tương đối
của hàng hóa tại nhiệt độ nhận hàng;
R: Nhiệt độ tham
khảo, nghĩa là nhiệt độ tại đó áp suất hơi của hàng hóa ứng với áp suất đặt của
van an toàn.
12 Giới hạn nạp vào két
cho phép lớn nhất đối với mỗi két hàng phải được xác định cho từng nhiệt độ
nhận hàng có thể được áp dụng và cho nhiệt độ tham khảo lớn nhất có thể áp dụng
trong danh mục được thẩm định.
13 Các vùng trên boong
hở, hoặc các không gian nửa kín trên boong hở trong phạm vi 3 m cách đầu xả của
két, các lỗ xả khí hoặc hơi, bích ống hàng hoặc van hàng của két được chứng
nhận để chở carbon disulphide, phải thỏa mãn những yêu cầu về thiết bị
điện quy định với carbon disulphide ở cột “i” Chương 16 của Quy chuẩn này.
Ngoài ra, trong phạm vi vùng đặc biệt không được có các nguồn nhiệt khác, như
hệ thống ống hơi nước có nhiệt độ bề mặt vượt quá 80oC.
14 Phải có thiết bị lấy
mẫu và đo mức hao hàng hóa mà không phải mở két hoặc ảnh hưởng đến lớp đệm khí
trơ phù hợp dương.
15 Chỉ được vận chuyển
sản phẩm phù hợp với kế hoạch làm hàng đã được thẩm định. Kế hoạch làm hàng
phải thể hiện toàn bộ hệ thống đường ống hàng.
14.4 Diethyl Ether
14.4.1 Kiểm soát môi trường
đối với khoang trống bao quanh các két hàng
Nếu không được làm
trơ, phải trang bị thông gió tự nhiên cho các khoang trống xung quanh các két
hàng khi tàu đang chạy. Nếu trang bị hệ thống thông gió cưỡng bức thì tất cả
các quạt gió phải có kết cấu không sinh tia. Thiết bị thông gió cưỡng bức không
được lắp đặt trong các khoang trống xung quanh các két hàng.
14.4.2 Van an toàn đặt ở
két trọng lực
Áp suất đặt của van
an toàn không được nhỏ hơn 0,02 MPa đối với các két trọng lực.
14.4.3 Nén khí trơ cho việc
xả hàng
Có thể sử dụng biện
pháp nén khí trơ để xả hàng từ các két áp lực với điều kiện hệ thống hàng được
thiết kế với áp suất dự kiến.
14.4.4 Tránh nguồn lửa hoặc
sinh nhiệt ở trong khu vực hàng
Do nguy cơ hỏa hoạn,
phải có biện pháp để tránh bất kỳ nguồn lửa hoặc nguồn sinh nhiệt hoặc cả hai ở
khu vực hàng.
14.4.5 Bơm xả hàng
Các bơm có thể được
dùng để xả hàng, với điều kiện chúng có kiểu thiết kế tránh được áp suất chất
lỏng tác dụng lên vòng bít trục hoặc có kiểu chìm được vận hành bằng thủy lực
và thích hợp với hàng.
14.4.6 Hệ thống khí trơ
Phải có biện pháp duy
trì đệm khí trơ ở trong két hàng trong lúc nạp, xả và vận chuyển hàng.
14.5 Dung dịch hydrogen
peroxide
14.5.1 Dung dịch hydrogen
peroxide trên 60% nhưng không quá 70% theo khối lượng
1 Các dung dịch
hydrogen peroxide trên 60% nhưng không quá 70% theo khối lượng chỉ được chở ở
những tàu chuyên dùng và không được chở các hàng khác.
2 Các két hàng và thiết
bị liên quan phải là nhôm nguyên chất (99,5%) hoặc thép không gỉ đồng nhất
(304L, 316, 316L hoặc 316Ti) được chế tạo theo các quy trình được chấp nhận.
Nhôm không được dùng làm đường ống trên boong. Tất cả các vật liệu kết cấu phi
kim loại cho hệ thống chứa phải không bị hydrogen peroxide tác dụng cũng như
không được góp phần làm nó phân hủy.
3 Phải có các biện pháp
thích hợp, như cảnh báo không được sử dụng trong lúc vận chuyển hàng cho các
buồng bơm.
4 Két hàng phải được
cách ly bằng các khoang cách ly khỏi các két nhiên liệu hoặc khoang bất kỳ chứa
chất dễ cháy hay có khả năng cháy khác.
5 Các két hàng để chở
hydrogen peroxide không được dùng để dằn bằng nước biển.
6 Các cảm biến nhiệt độ
phải được lắp ở trên đỉnh và dưới đáy két. Các chỉ báo kết quả đo nhiệt độ và
sự giám sát liên tục từ xa phải được đặt trên buồng lái. Các thiết bị báo động
bằng ánh sáng và âm thanh, hoạt động khi nhiệt độ trong các két hàng vượt quá
35oC phải được trang bị trên buồng lái.
7 Các thiết bị kiểm tra
ôxy cố định (hoặc các đường lấy mẫu khí) phải được trang bị trong các khoang
trống kề với các két để phát hiện rò rỉ của hàng vào các khoang đó. Các kết quả
chỉ báo, sự giám sát liên tục từ xa (nếu dùng các đường ống lấy mẫu khí thì lấy
mẫu thử gián đoạn là đủ thỏa mãn) và các thiết bị báo động bằng âm thanh và ánh
sáng tương tự như đối với cảm biến nhiệt độ phải được để trên buồng lái. Các
thiết bị báo động bằng ánh sáng và âm thanh hoạt động khi nồng độ ôxy trong các
khoang trống này vượt quá 30% thể tích phải được trang bị trên buồng lái. Hai
thiết bị kiểm tra ôxy xách tay cũng phải sẵn có để dùng làm các hệ thống hỗ
trợ.
8 Để bảo vệ chống sự
phân hủy không kiểm soát được, phải trang bị một hệ thống xả bỏ hàng để
xả hàng qua mạn.
9 Các hệ thống thông
hơi két hàng phải có các van giảm áp suất/chân không cho việc thông hơi được
kiểm soát thông thường và phải có các đĩa nổ hoặc thiết bị tương tự để thông
hơi trong trường hợp sự cố nếu áp suất két tăng nhanh do việc phân hủy không
kiểm soát được. Các đĩa nổ có kích thước phù hợp với áp suất thiết kế của két,
kích thước của két và tốc độ phân hủy dự kiến.
10 Hệ thống phun sương
nước cố định phải được trang bị để làm loãng hoặc xối sạch dung dịch hydrogen
peroxide đậm đặc chảy tràn trên boong. Những khu vực bao phủ bởi sương nước
phải bao gồm cả những chỗ nối ống góp/ống mềm và các đỉnh két của những két
dành để chở các dung dịch hydrogen peroxide. Tốc độ sử dụng tối thiểu phải thỏa
mãn các tiêu chuẩn sau:
(1) Sản phẩm phải
được pha loãng từ nồng độ ban đầu đến 35% khối lượng chảy tràn trong vòng 5
phút;
(2) Tốc độ và kích
thước giả định của hàng tràn phải dựa vào các tốc độ nạp và xả lớn nhất đã được
dự kiến, thời gian cần thiết để dừng dòng chảy của hàng trong trường hợp két bị
tràn hoặc do hỏng hóc của đường ống hoặc vòi mềm và thời gian cần thiết để bắt
đầu đưa nước làm loãng tới từ vị trí điều khiển hàng hoặc trên buồng lái.
11 Trang bị bảo hộ
Để bảo vệ thuyền viên
đang thực hiện cộng việc nhận/trả hàng, trên tàu phải có trang bị bảo hộ chịu
được hydrogen peroxide. Trang bị bảo hộ phải gồm quần áo bảo hộ chịu lửa, các
găng tay, ủng và thiết bị bảo vệ mắt thích hợp.
14.5.2 Dung dịch hydrogen
peroxide nồng độ lớn hơn 8% nhưng không quá 60% theo khối lượng
1 Không được dùng tôn
vỏ tàu để tạo thành vách bao của két chứa sản phẩm này.
2 Các két hàng và thiết
bị liên quan phải được chế tạo hoặc làm bằng nhôm nguyên chất (99,5%) hoặc bằng
thép không gỉ đồng nhất có kiểu thích ứng với hydrogen peroxide (ví dụ 304, 304
L, 316, 316 L, 316 Ti). Nhôm không được dùng làm đường ống trên boong. Tất cả
các vật liệu kết cấu phi kim loại dùng cho hệ thống chứa phải không bị hydrogen
peroxide phá hoại hay góp phần làm nó phân hủy.
3 Các két hàng phải
được cách ly bằng một két cách ly khỏi các két nhiên liệu hoặc bất kỳ khoang
khác chứa chất không tương hợp với hydrogen peroxide.
4 Các cảm biến nhiệt độ
phải được lắp ở trên đỉnh và dưới đáy két. Các chỉ báo kết quả đo nhiệt độ và
sự giám sát liên tục từ xa phải được đặt trên buồng lái. Các thiết bị báo động
bằng ánh sáng và âm thanh, hoạt động khi nhiệt độ trong các két hàng vượt quá
35oC phải được trang bị trên buồng lái.
5 Các thiết bị kiểm tra
ôxy cố định (hoặc các đường ống lấy mẫu khí) phải được trang bị trong các
khoang trống kề với các két để phát hiện sự rò rỉ của hàng vào trong các khoang
này. Sự tăng cường khả năng cháy do giàu ôxy phải được phát hiện. Các thiết bị
chỉ báo, thiết bị kiểm tra liên tục từ xa (nếu dùng đường ống lấy mẫu thử khí,
thì lấy mẫu gián đoạn cũng được chấp nhận) và các thiết bị báo động bằng ánh
sáng và âm thanh tương tự như cho các cảm biến nhiệt cũng phải để trên buồng
lái. Các thiết bị báo động bằng ánh sáng và âm thanh hoạt động khi nồng độ ôxy
trong các khoang trống vượt quá 30% theo thể tích phải được trang bị trên buồng
lái. Hai thiết bị kiểm tra ôxy xách tay cũng phải sẵn có dùng làm các hệ thống
trợ giúp.
6 Để bảo vệ tránh sự
phân hủy không kiểm soát được, một hệ thống xả bỏ hàng phải được lắp để xả hàng qua mạn.
7 Các hệ thống hơi có
thiết bị lọc phải có các van giảm áp suất/chân không đối với việc thông hơi
được kiểm soát bình thường và phải có thiết bị để thông hơi sự cố nếu áp suất
khoang tăng nhanh do tốc độ phân hủy không kiểm soát được như đã quy định ở
15.5.1-9. Những hệ thống thông hơi này phải được thiết kế sao cho nước biển
không lọt vào trong két hàng ngay cả trong các điều kiện biển động. Thông hơi
sự cố được xác định kích thước dựa vào áp suất thiết kế và kích thước két.
8 Hệ thống phun sương
nước cố định phải được trang bị để làm loãng và rửa sạch bất kỳ dung dịch đậm
đặc nào chảy tràn trên boong. Các khu vực được che phủ bởi đầu phun nước phải
gồm cả các chỗ nối ống góp/ống mềm và các đỉnh két của những két chở dung dịch
hydrogen peroxide. Tốc độ sử dụng tối thiểu phải thỏa mãn tiêu chuẩn sau:
(1) Sản phẩm phải
được pha loãng từ nồng độ ban đầu xuống 35% khối lượng tràn trong 5 phút;
(2) Tốc độ và kích
thước giả định của hàng tràn phải dựa vào các tốc độ nạp và xả lớn nhất đã được
dự kiến, thời gian cần thiết để dừng dòng chảy của hàng trong trường hợp két bị
tràn hoặc do hỏng hóc của đường ống hoặc vòi mềm, và thời gian cần thiết để bắt
đầu đưa nước làm loãng tới từ vị trí điều khiển hàng hoặc trên buồng lái.
9 Trang bị bảo hộ
Để bảo vệ thuyền viên
đang thực hiện công việc nhận/trả hàng, trên tàu phải có trang bị bảo hộ chịu
được hydrogen peroxide. Trang bị bảo hộ phải gồm quần áo bảo hộ chịu lửa, các
găng tay, ủng và thiết bị bảo vệ mắt thích hợp.
10 Trong quá trình vận
chuyển hydrogen peroxide hệ thống đường ống liên quan phải được cách ly khỏi
tất cả các hệ thống khác. Các ống mềm để chuyển hydrogen peroxide phải được
đánh dấu “Chỉ để chuyển hydrogen peroxide”.
14.6 Hỗn hợp chống kích
nổ cho nhiên liệu động cơ (chứa Ankyl chì)
14.6.1 Hạn chế sử dụng của
két hàng
Két chở các hàng này
không được dùng để vận chuyển bất kỳ hàng nào khác trừ những hàng hóa được sử
dụng trong sản xuất các hỗn hợp chống kích nổ cho nhiên liệu động cơ có Ankyl
chì.
14.6.2 Hệ thống thông gió
trong buồng bơm hàng
Nếu buồng bơm hàng
nằm trên boong theo 14.17 thì việc bố trí thông gió phải thỏa mãn 15.16.
14.6.3 Không được vào các
két hàng
Phải trang bị các
phương tiện thích hợp như cảnh báo yêu cầu không vào trong két hàng dùng để
chứa các sản phẩm này.
14.6.4 Phân tích khí
Phải thực hiện phân
tích hàm lượng chì để xác định môi trường không khí có thỏa mãn không trước khi
cho phép người vào buồng bơm hoặc các khoang xung quanh két hàng.
14.7 Phosphorus vàng hoặc
trắng
14.7.1 Kết cấu và trang bị
của tàu chở phosphorus
Tàu để chở phosphorus
phải có các hệ thống có khả năng nhận hàng, chở và xả hàng trong điều kiện đệm
nước với chiều sâu tối thiểu 760 mm vào bất kỳ thời điểm nào và chỉ có khả năng
đưa nước được xả từ két chứa phosphorus vào các trạm tiếp nhận trên bờ.
14.7.2 Thiết kế và thử các
két hàng
Các két phải được
thiết kế và thử với áp suất tối thiểu tương ứng với chiều cao cột nước là 2,4 m
so với đỉnh két ở điều kiện tải trọng thiết kế, có tính đến chiều sâu, tỷ trọng
tương đối và phương pháp nạp, xả phosphorus.
14.7.3 Diện tích phân giới
giữa phosphorus lỏng và đệm nước của nó
Các két phải được
thiết kế sao cho giảm được tối đa diện tích phân giới giữa phosphorus lỏng và
đệm nước của nó.
14.7.4 Không gian trống bên
trên đệm nước
Một không gian trống
tối thiểu 1% phải được duy trì bên trên đệm nước. Không gian trống này được
điền đầy bằng khí trơ hoặc được thông gió tự nhiên bằng hai ống đẩy có nắp chụp
và kết thúc ở các độ cao khác nhau nhưng ít nhất cao hơn boong 6 m và cao hơn
đỉnh của buồng bơm là 2 m.
14.7.5 Các lỗ khoét của két
hàng
Tất cả các lỗ khoét
phải ở trên đỉnh các két hàng và các phụ tùng, mối nối gắn vào các chỗ đó phải
bằng vật liệu chịu được phosphorus pentoxide.
14.7.6 Hệ thống nạp hàng
Hệ thống nạp hàng
phải thuộc kiểu có khả năng nạp hàng ở nhiệt độ không quá 60oC.
14.7.7 Hệ thống hâm và thiết
bị báo động nhiệt độ cao cho két hàng
Hệ thống hâm két phải
ở bên ngoài các két và phải có phương pháp điều chỉnh nhiệt độ thích hợp và bảo
đảm nhiệt độ phosphorus không vượt quá 60oC. Phải có thiết bị báo
động nhiệt độ cao, hoạt động trong trường hợp nhiệt độ vượt quá 60oC.
14.7.8 Hệ thống phun nước
cho khoang trống
Một hệ thống phun
nước được Đăng kiểm chấp nhận phải lắp trong tất cả các khoang trống bao quanh
các két hàng. Hệ thống phun nước này phải có khả năng tự động hoạt động trong
trường hợp phosphorus thoát ra.
14.7.9 Hệ thống thông gió
cưỡng bức cho khoang trống
Các khoang trống nói
ở 14.7.8 phải được trang bị các phương tiện thông gió cưỡng bức có hiệu quả và
phải có khả năng đóng kín trong trường hợp sự cố.
14.7.10 Hệ thống nạp và xả
phosphorus
Việc nạp và xả
phosphorus phải được điều khiển bằng một hệ thống tập trung trên tàu mà ngoài
việc bao gồm thiết bị báo động mức cao còn phải bảo đảm không cho hiện tượng
đầy tràn két xảy ra và việc nạp, xả đó có thể được dừng nhanh chóng từ trên tàu
hoặc từ bờ khi có sự cố.
14.7.11 Hệ thống rửa boong
Phải trang bị hệ
thống rửa boong để rửa sạch ngay mọi sự chảy tràn của phosphorus bằng nước.
14.7.12 Bích nối để nạp và
xả hàng giữa tàu và bờ
Bích nối nạp và xả
hàng giữa tàu và bờ phải có kiểu được thẩm định.
14.8 Propylene oxide hoặc
các hỗn hợp của ethylene oxide/propylene oxide có hàm lượng ethylene oxide
không quá 30% theo khối lượng
14.8.1 Quy định chung
Các quy định của 14.8
được áp dụng ở điều kiện vận chuyển các sản phẩm không có acetylene.
14.8.2 Két dùng chở
propylene oxide và các hỗn hợp của ethylene oxide/propylene oxide có hàm lượng
ethylene oxide không quá 30% theo khối lượng
1 Két dự định dùng để
chở các sản phẩm này phải được trang bị các phương tiện để làm sạch két nếu nó
đã chứa một trong ba sản phẩm đã chở trước đây gây xúc tác trùng hợp, như:
(1) Các axit vô cơ
(ví dụ sulphuric, hydrochloric, nitric);
(2) Carboxylic axit
và các anhydrides (ví dụ formic, acetic);
(3) Carboxylic axit
được halogen hóa (ví dụ chloracetic);
(4) Các sulphonic
axit (ví dụ benzene sulphonic);
(5) Các chất kiềm ăn
da (ví dụ sodium hydroxide, potassium hydroxide );
(6) Ammonia và các dung
dịch ammonia;
(7) Amines và các
dung dịch amine;
(8) Các chất ôxy hóa.
14.8.3 Hệ
thống làm sạch két hàng và hệ thống ống liên quan
Hệ thống làm sạch
phải được trang bị trên tàu để tẩy sạch mọi dấu vết các hàng đã chở từ trước
khỏi các két hàng và hệ thống ống liên quan.
14.8.4 Biện pháp để kiểm
tra hiệu quả việc làm sạch
Phải có biện pháp
thích hợp để kiểm tra và thử tính hiệu quả của việc làm sạch các két và hệ
thống ống liên quan để tìm ra các chất axit và kiềm còn sót lại có thể gây ra
tình trạng nguy hiểm khi có mặt các sản phẩm này.
14.8.5 Kết cấu của két hàng
Các két hàng phải có
thể vào và kiểm tra được trước mỗi lần nạp đầu tiên các sản phẩm này để đảm bảo
không có sự nhiễm bẩn, gỉ lớn và những khuyết tật kết cấu có thể nhìn thấy.
14.8.6 Vật liệu kết cấu két
hàng
Két để chở các sản
phẩm này phải được kết cấu bằng thép hoặc thép không gỉ.
14.8.7 Hệ thống làm sạch
két
Két để chở các sản
phẩm này phải trang bị hệ thống làm sạch két cùng với hệ
thống ống liên quan.
14.8.8 Kiểu và vật liệu van,
bích, phụ tùng và thiết bị phụ
Tất cả các van, bích,
phụ tùng và thiết bị phụ phải có kiểu thích hợp để dùng với các sản phẩm và
được chế tạo bằng thép hoặc thép không gỉ được Đăng kiểm chấp nhận. Đĩa hoặc bề
mặt đĩa, đế và các bộ phận mài mòn khác của van được làm bằng thép không gỉ có
chứa không ít hơn 11% chrominium
14.8.9 Vật liệu vòng đệm
Các vòng đệm phải
được chế tạo bằng các vật liệu không phản ứng, không hòa tan hoặc không làm
giảm nhiệt độ tự cháy của các sản phẩm này và chúng phải chịu lửa và có cơ tính
phù hợp. Bề mặt tiếp xúc với hàng phải bằng polytetrafluoretylen (PTFE) hoặc
các vật liệu có độ an toàn tương tự nhờ tính chất trơ của chúng. Thép không gỉ
quấn xoắn ốc, được lắp đầy bằng PTFE hoặc polime tương tự được flo hóa có thể
được Đăng kiểm chấp nhận.
14.8.10 Chất cách nhiệt và
tết làm kín
Chất cách nhiệt và
tết làm kín, nếu có, phải là vật liệu không phản ứng, không hòa tan hoặc không
làm giảm nhiệt độ tự cháy của những sản phẩm chuyên chở.
14.8.11 Các yêu cầu riêng đối
với vật liệu của đệm và tết làm kín
1 Những vật liệu sau
đây nói chung là không thỏa mãn để làm các vòng đệm, tết làm kín và những ứng
dụng tương tự ở trong các hệ thống chứa hàng và chúng cần được thử trước khi
được Đăng kiểm chấp thuận.
(1) Neoprene hoặc cao
su tự nhiên (natural rubber) nếu nó phải tiếp xúc với các sản phẩm;
(2) Asbestos hoặc các
chất gắn kết có asbestos;
(3) Các vật liệu có
oxide magnesium như sợi vô cơ.
14.8.12 Mối nối ren
Mối nối ren không
được phép có ở trong các đường ống hàng lỏng hoặc hơi hàng.
14.8.13 Đường ống nạp và xả
Đường ống nạp và xả
phải kéo dài tới vị trí trong phạm vi 100 mm cách đáy két hay bất kỳ hố gom
nào.
14.8.14 Đường nối thu hồi
hơi
Hệ thống chứa của két
hàng chứa các sản phẩm được chở phải có một đường nối thu hồi hơi có lắp van.
14.8.15 Hệ thống thu hồi hơi
độc lập
Trong trường hợp cho
hơi quay trở lại bờ trong quá trình nạp vào két, hệ thống thu hồi hơi được nối
với một hệ thống chứa sản phẩm phải độc lập với tất cả các hệ thống chứa khác.
14.8.16 Điều chỉnh áp suất
két
Phải trang bị cho két
hàng hệ thống duy trì áp suất thực tế trong két cao hơn 0,007 MPa trong lúc
xả hàng.
14.8.17 Xả độc lập
Các két chở những sản
phẩm này phải được thông hơi độc lập với các két chở các sản phẩm khác. Phải
trang bị phương tiện để lấy được mẫu hàng trong két mà không phải mở két thông
với khí quyển.
14.8.18 Xả hàng
Hàng chỉ được xả bằng
các bơm hút giếng sâu, các bơm chìm được vận hành bằng thủy lực, hoặc bằng nén
khí trơ. Mỗi bơm hàng phải được bố trí sao cho bảo đảm hàng sẽ không bị nóng đáng
kể nếu đường ống đẩy từ bơm bị đóng hoặc bị tắc vì lý do khác.
14.8.19 Đánh dấu trên các ống
mềm dẫn hàng
Các ống mềm dẫn hàng
để chuyển các sản phẩm này phải được đánh dấu “Chỉ để chuyển ankylene oxide”.
14.8.20 Kiểm soát môi trường
các khoang kề với két hàng
Hệ thống khí trơ phải
được trang bị để làm trơ các két hàng, khoang trống và không gian kín khác kề
với một két hàng trọng lực liền vỏ để chở những sản phẩm này. Hệ thống khí trơ
phải có kiểu có khả năng duy trì hàm lượng ôxy trong các khoang này dưới 2%.
Phải trang bị hệ thống kiểm tra các sản phẩm này và ôxy trong các không gian và
các két được làm trơ này.
14.8.21 Không cho không khí
vào trong bơm hàng hoặc đường ống
Bơm hàng và hệ thống
ống phải được chế tạo để không cho phép một chút không khí nào vào trong hệ
thống khi những sản phẩm này đang được chứa trong phạm vi hệ thống.
14.8.22 Sự giảm áp trong các
đường ống chứa chất lỏng và hơi
Trước khi tháo các
đường ống nối với bờ, áp suất trong các đường ống chất lỏng và hơi phải được
giảm qua các van thích hợp lắp ở ống góp nạp. Chất lỏng và hơi từ những đường
ống này không được xả ra ngoài trời.
14.8.23 Thiết kế két hàng
Các két hàng chở
propylene oxide phải là các két áp lực hoặc các két trọng lực độc lập hoặc liền
vỏ. Các két hàng chở các hỗn hợp ethylene oxide/propylene oxide phải là các két
trọng lực hoặc các két áp lực liền vỏ. Các két phải được thiết kế cho áp suất
cực đại có thể xảy ra trong lúc nạp, chuyên chở hoặc xả hàng.
14.8.24 Hệ thống làm mát
Các két để chở
propylene oxide có áp suất tính toán nhỏ hơn 0,06 MPa và các két để chở hỗn hợp
ethylene oxide/propylene oxide có áp suất tính toán nhỏ hơn 0,12 MPa phải có hệ
thống làm mát để giữ hàng ở dưới nhiệt độ tham khảo. Nhiệt độ tham khảo là
nhiệt độ tương ứng với áp suất hơi hàng ở áp suất đặt của van an toàn.
14.8.25 Miễn giảm yêu cầu làm
lạnh
Yêu cầu làm lạnh đối
với các két có áp suất nhỏ hơn 0,06 MPa có thể được Đăng kiểm bỏ qua cho những
tàu hoạt động ở những vùng biển hạn chế hoặc trong những chuyến đi có thời gian
hạn chế, kể cả các trường hợp cách nhiệt bất kỳ nào của két.
14.8.26 Điều chỉnh nhiệt độ
của hệ thống làm mát
Mọi hệ thống làm mát
phải thuộc loại có khả năng giữ nhiệt độ chất lỏng dưới nhiệt độ sôi ở áp suất
chứa hàng. Ít nhất phải trang bị hai hệ thống làm mát hoàn chỉnh được tự động điều
chỉnh do sự thay đổi trong phạm vi các két. Mỗi hệ thống làm mát phải có các
thiết bị phụ trợ cần thiết để đảm bảo việc vận hành tốt. Hệ thống điều chỉnh
phải có khả năng vận hành được
bằng tay. Phải trang bị thiết bị báo động để báo sự trục trặc của hệ thống điều
chỉnh nhiệt độ. Sản lượng mỗi hệ thống làm mát phải đủ để duy trì nhiệt độ của
hàng lỏng dưới nhiệt độ tham khảo (xem 14.8.24).
14.8.27 Sản lượng của hệ
thống làm mát
Bố trí luân phiên có
thể bao gồm ba hệ thống làm mát, bất kỳ hai trong số đó phải đủ sản lượng để
giữ nhiệt độ chất lỏng dưới nhiệt độ tham khảo.
14.8.28 Chất làm mát
Chất làm mát được
cách biệt với các sản phẩm để nguyên bằng một vách đơn phải là loại không phản
ứng với các sản phẩm đó.
14.8.29 Kiểu của hệ thống
làm mát
Phải trang bị các hệ
thống làm mát không yêu cầu nén những sản phẩm này. Việc vận hành bằng tay từ
xa phải được bố trí sao cho việc khởi động từ xa các bơm cấp cho hệ thống phun
sương nước và sự vận hành từ xa của các van thường đóng trong hệ thống có thể
được thực hiện từ một vị trí thích hợp ở bên ngoài khu vực hàng, kề với các
buồng sinh hoạt và dễ tiếp cận được và có thể vận hành được trong trường hợp
cháy ở các khu vực được bảo vệ.
14.8.30 Áp suất đặt của van
an toàn
Áp suất đặt của van
an toàn không được nhỏ hơn 0,02 MPa và đối với các két áp lực và không được lớn
hơn 0,7 MPa đối với việc chở propylene oxide và không được lớn hơn 0,53 MPa đối
với các hỗn hợp propylene oxide/ethylene oxide.
14.8.31 Hệ thống ống cho các
két
Hệ thống ống cho các
két để chở sản phẩm này phải cách biệt khỏi hệ thống ống cho tất cả các két
khác, kể cả các két trống. Nếu hệ thống ống cho các két được nạp hàng là không
độc lập, sự cách ly bắt buộc của đường ống phải được thực hiện bằng việc tháo
đi các đoạn ống nối, các van hoặc đoạn ống khác và bằng cách lắp đặt các bích
tịt ở những vị trí này. Sự cách ly bắt buộc này áp dụng cho mọi đường ống chất
lỏng và hơi, các đường ống thông hơi cho chất lỏng và hơi và bất kỳ ống nối có
thể nào khác, như các đường ống cấp khí trơ chung.
14.8.32 Kế hoạch làm hàng
Các tàu chở những sản
phẩm này phải có kế hoạch làm hàng được thẩm định từng việc bố trí nhận hàng
phải được chỉ ra trên một kế hoạch làm hàng riêng biệt. Các kế hoạch làm hàng
phải thể hiện toàn bộ hệ thống đường ống hàng và vị trí lắp các bích tịt cần
thiết để thỏa mãn các yêu cầu cách ly đường ống ở trên.
14.8.33 Giới hạn nạp hàng
vào két cho phép lớn nhất
1 Không két hàng nào
được đầy quá 98% ở nhiệt độ tham khảo.
2 Thể tích lớn nhất (VL) mà két hàng được
nạp đến là:
VL = 0,98V
Trong đó:
VL: Thể tích cực đại mà
két có thể được nạp tới; V: Thể tích két;
ρR: Tỷ trọng tương đối
của hàng ở nhiệt độ tham khảo;
ρL: Tỷ trọng tương đối
của hàng ở nhiệt độ và áp suất lúc nạp hàng.
3 Phải chỉ rõ các giới
hạn nạp đầy két tối đa cho phép cho mỗi két hàng đối với mỗi nhiệt độ nạp hàng
có thể được dùng và đối với mỗi nhiệt độ tham khảo lớn nhất có thể trong danh mục
đã được Đăng kiểm chấp nhận.
14.8.34 Điều kiện chuyên chở
Các két hàng phải
thuộc kiểu có khả năng chở được hàng ở bên dưới lớp đệm bảo vệ thích hợp bằng
khí nitơ. Một hệ thống bổ sung nitơ tự động phải được lắp đặt để không cho áp
suất của két hạ xuống dưới 0,007 MPa trong trường hợp nhiệt độ sản phẩm hạ theo
nhiệt độ xung quanh hoặc do có sự cố của các hệ thống lạnh. Lượng nitơ đầy đủ
phải có sẵn trên tàu để thỏa mãn các yêu cầu điều chỉnh áp suất tự động. Phải
sử dụng nitơ có chất lượng tinh khiết (99,9% theo thể tích) dùng trong công
nghiệp phải được dùng làm đệm. Một bộ các chai nitơ được nối với các két hàng
qua một van giảm áp sẽ làm thỏa mãn mục đích của từ “tự động” trong nội dung
này.
14.8.35 Thiết bị đo hàm lượng
ôxy
Thiết bị đo hàm lượng
ôxy được trang bị để bảo đảm rằng hàm lượng ôxy không lớn hơn 2% thể tích.
14.8.36 Hệ thống phun sương
nước
Hệ thống phun sương
nước phải đủ sản lượng để bao trùm một cách có hiệu quả khu vực bao quanh ống
nạp, đường ống trên boong hở liên quan đến việc vận hành sản phẩm và các vòm
két. Sự bố trí đường ống và đầu phun phải làm sao phân bố đều với lưu lượng
bằng 10 lít/m2/phút. Hệ thống phun
sương nước phải có khả năng vừa vận hành tại chỗ và từ xa bằng tay, và sự bố
trí phải làm sao rửa sạch hết hàng bị tràn.
14.8.37 Yêu cầu đối với việc
nối ống mềm dẫn hàng
Phải trang bị van
chặn điều khiển được tốc độ đóng, điều khiển được từ xa ở mỗi chỗ nối của ống
mềm dẫn hàng dùng trong quá trình chuyển hàng.
14.9 Dung dịch natri
clorat không lớn hơn 50% theo khối lượng
14.9.1 Làm sạch các két hàng
và các thiết bị liên quan
Các két và thiết bị
liên quan để chở sản phẩm này phải trang bị hệ thống làm sạch để nạp các hàng
khác.
14.9.2 Hệ thống rửa chất
lỏng tràn
Phải trang bị hệ
thống rửa để rửa chất lỏng tràn.
14.10 Sulphur (nóng chảy)
14.10.1 Hệ thống thông gió
két hàng
Phải trang bị thông
gió két hàng để duy trì nồng độ hydrogen sulphide nhỏ hơn một nửa giới hạn nổ
phía dưới của nồng độ hydrogen sulphide trong toàn bộ không gian hơi của két
hàng cho mọi điều kiện vận chuyển, tức là dưới 1,85% theo thể tích.
14.10.2 Hệ thống báo động cho
hệ thống thông gió cưỡng bức
Khi dùng các hệ thống
thông gió cưỡng bức để giữ nồng độ khí ga thấp trong các két hàng, phải trang
bị một hệ thống báo động để cảnh báo nếu hệ thống đó bị hư hỏng.
14.10.3 Làm sạch các lắng cặn
của Sulphur
Các hệ thống thông
gió phải được thiết kế và bố trí sao cho loại bỏ được sự lắng cặn của sulphur
trong phạm vi hệ thống.
14.10.4 Các cửa đến khoang
trống
Các cửa đến khoang
trống kề với các két hàng phải được thiết kế và lắp đặt sao cho tránh nước,
sulphur hoặc hơi hàng đi vào.
14.10.5 Đầu nối để lấy mẫu
Phải có các đầu nối
để cho phép lấy mẫu và phân tích hơi trong các khoang trống.
14.10.6 Điều chỉnh nhiệt độ
hàng
Các thiết bị điều chỉnh
nhiệt độ phải được trang bị để bảo đảm nhiệt độ của sulphur không vượt 155oC.
14.10.7 Trang bị điện
Sulphur (nóng chảy)
có nhiệt độ chớp cháy lớn hơn 60oC; tuy nhiên, thiết bị điện phải
được chứng nhận an toàn đối với khí thoát ra.
14.11 Các axit
14.11.1 Vách bao của két hàng
Tôn vỏ tàu không được
tạo thành vách bao của các két chứa các axit vô cơ.
14.11.2 Bọc lót bằng các vật
liệu chống ăn mòn
Các phương án bọc lót
cho các két thép và hệ thống ống liên quan bằng các vật liệu chống ăn mòn phải
được thẩm định. Độ đàn hồi của lớp áo không được nhỏ hơn của tấm vỏ đỡ.
14.11.3 Xem xét tính ăn mòn
Trừ khi được chế tạo
hoàn toàn bằng các vật liệu chống ăn mòn hoặc được lắp ráp với lớp bọc lót được
chấp nhận, chiều dày của tấm vỏ phải có kể đến tính ăn mòn của hàng hóa.
14.11.4 Các phương tiện đề
phòng nguy hiểm khi hàng bị phun hoặc rò rỉ
Bích nối của ống góp,
nạp và xả hàng phải trang bị các tấm chắn, chúng có thể là loại di động để đề
phòng nguy hiểm khi hàng bị phun ra ngoài. Ngoài ra, các khay hứng cũng phải
được trang bị để đề phòng hàng bị rò rỉ lên boong.
14.11.5 Thiết bị điện
Vì nguy cơ bốc hơi
hydrogen khi những chất này đang được chở, các trang bị điện phải tuân theo
9.1.4. Kiểu thiết bị được chứng nhận là an toàn phải thích hợp cho việc sử dụng
trong hỗn hợp hydrogen - không khí. Các nguồn gây lửa khác không được phép đặt
trong những không gian như thế.
14.11.6 Ngăn cách hàng khỏi
các két dầu đốt
Ngoài các yêu cầu về
ngăn cách nêu ở 2.1.1, các chất chịu sự quy định của mục này phải được phân
cách khỏi các két dầu đốt.
14.11.7 Các thiết bị để phát
hiện sự rò rỉ hàng
Phải trang bị thiết
bị thích hợp để phát hiện rò rỉ hàng vào các khoang liền kề.
14.11.8 Vật liệu của hệ
thống xả nước bẩn và hút khô trong buồng bơm hàng
Các hệ thống xả nước
bẩn và hút khô trong buồng bơm hàng phải làm bằng các vật liệu chống ăn mòn.
14.12 Các sản phẩm độc
14.12.1 Các đầu ra của hệ
thống thông hơi két hàng
1 Các đầu ra của hệ
thống thông hơi két phải được bố trí như sau:
(1) Ở độ cao bằng B/3
hoặc 6 m, lấy giá trị nào lớn hơn, so với boong thời tiết hoặc, trong trường
hợp két đặt ở boong, so với cầu đi;
(2) Không nhỏ hơn 6 m
bên trên cầu đi phía mũi và lái, nếu lắp trong phạm vi 6 m của cầu đi;
(3) Cách bất kỳ cửa
hoặc lỗ hút khí vào mọi buồng sinh hoạt hoặc buồng phục vụ 15 m;
(4) Độ cao ống thông
hơi có thể được giảm xuống còn 3 m so với boong hoặc cầu đi phía mũi hoặc lái,
với điều kiện là phải có các van thông hơi tốc độ cao có kiểu được Đăng kiểm
duyệt, hướng hỗn hợp hơi - khí lên trên thành dòng phụt không bị cản trở với
vận tốc ra ít nhất là 30 m/s.
14.12.2 Đầu nối cho đường ống
hồi
Các hệ thống thông
hơi két phải được trang bị một đầu nối cho đường thu hồi hơi vào thiết bị trên
bờ.
14.12.3 Các yêu cầu đối với
tàu chở các sản phẩm
1 Những tàu để chở
những sản phẩm này phải:
(1) Không được chứa
hàng cạnh các két dầu đốt;
(2) Có các hệ thống
đường ống tách biệt; và
(3) Có các hệ thống
thông hơi két tách biệt với các két chứa các sản phẩm không độc (xem thêm
3.7.2).
14.12.4 Áp suất đặt van an
toàn của két hàng
Áp suất đặt của van
an toàn của két hàng phải tối thiểu bằng 0,02 MPa.
14.13 Hàng được bảo vệ bằng
chất phụ gia
14.13.1 Kiểm soát môi trường
Các hàng nhất định
với chỉ dẫn ở cột “o” trong bảng của Chương 16 của Quy chuẩn này do bản chất
cấu tạo hóa học của chúng, ở những điều kiện nhiệt độ nhất định, khi lộ ra
không khí hoặc tiếp xúc với chất xúc tác sẽ bị trùng hợp, phân hủy, ôxy hóa
hoặc chịu các biến đổi hóa học khác. Việc giảm nhẹ xu thế này phải được thực
hiện bằng cách cho các lượng nhỏ các phụ gia hóa học vào trong hàng lỏng hoặc
bằng cách kiểm soát môi trường két hàng.
14.13.2 Vật liệu kết cấu
Tàu chở các hàng này
phải được thiết kế sao cho loại trừ được khỏi các két hàng và hệ thống làm hàng
mọi vật liệu kết cấu hoặc chất bẩn có thể tác dụng như là chất xúc tác hoặc phá
hủy chất ức chế.
14.13.3 Ức chế hóa học
1 Cần phải chú ý để bảo
đảm rằng các hàng này đã được bảo vệ đầy đủ để ngăn các thay đổi hóa học có hại
vào mọi thời gian của chuyến đi. Các tàu chở những hàng như thế phải có Giấy
chứng nhận về bảo vệ từ nhà sản xuất và giữ gìn trong suốt chuyến đi, có nêu
rõ:
(1) Tên và lượng chất
ức chế được thêm vào;
(2) Chất phụ gia có
phụ thuộc vào ôxy hay không;
(3) Thời gian chất ức
chế được cho vào và thời gian hiệu quả;
(4) Các giới hạn
nhiệt độ xác định thời gian hiệu quả của chất ức chế;
(5) Biện pháp xử lý
nếu thời gian chuyến đi vượt quá thời gian hiệu quả của chất ức chế.
14.13.4 Loại trừ không khí
để ngăn sự tự phản ứng
Các tàu dùng cách
loại trừ không khí làm phương pháp ngăn sự ôxy hóa của hàng phải thỏa mãn yêu
cầu ở 8.1.3.
14.13.5 Sản phẩm có chứa chất
phụ gia phụ thuộc vào ôxy
Sản phẩm có chứa chất
phụ gia phụ thuộc vào ôxy phải được chở mà không làm trơ (trong két có kích cỡ
không lớn hơn 3.000 m3). Không được chở những hàng này trong két yêu
cầu được làm trơ theo các yêu cầu của 4.5.5 Phần 5 của QCVN 21:2015/BGTVT.
14.13.6 Hệ thống thông hơi
Các hệ thống thông
hơi phải được thiết kế sao cho loại bỏ được sự tắc nghẽn do tích tụ của các
chất trùng hợp. Thiết bị thông hơi phải thuộc kiểu có thể kiểm tra định kỳ để
bảo đảm sự hoạt động tin cậy.
14.13.7 Ngăn cản kết tinh
hoặc hóa rắn
Sự kết tinh hoặc hóa
rắn của các hàng thường được chở ở trạng thái hóa lỏng có thể dẫn đến suy yếu
tác dụng của chất ức chế ở các phần của hàng trong các két. Sự nóng chảy lại
theo sau đó có thể sản sinh ra các túi chất lỏng không được ức chế kèm theo
nguy cơ trùng hợp nguy hiểm. Để ngăn điều này, phải chú ý bảo đảm những hàng
như vậy không lúc nào bị kết tinh hoặc hóa rắn toàn bộ hoặc một phần trong bất
cứ phần nào của két. Hệ thống hâm cần thiết nào cũng phải sao cho bảo đảm rằng
không có phần nào của két làm cho hàng trở nên quá nhiệt đến mức độ sự trùng
hợp nguy hiểm có thể bắt đầu. Nếu nhiệt từ ống hơi ruột gà có thể gây ra quá
nhiệt thì phải sử dụng một hệ thống hâm gián tiếp nhiệt độ thấp.
14.14 Hàng có áp suất hơi
tuyệt đối lớn hơn 0,1013 MPa ở 37,8oC
14.14.1 Hệ thống hàng
Đối với những hàng
nêu ở cột “o” trong Phụ lục liên quan đến mục này, phải trang bị một hệ thống
lạnh cưỡng bức trừ khi hệ thống hàng được thiết kế chịu đựng được áp suất hơi
của hàng ở nhiệt độ 45oC.
14.14.2 Hệ thống lạnh cơ khí
Một hệ thống lạnh
cưỡng bức phải là kiểu có khả năng duy trì nhiệt độ chất lỏng dưới nhiệt độ sôi
ở áp suất thiết kế của két hàng.
14.14.3 Đầu nối để thu hồi
các khí bị thoát ra
Đầu ống nối phải được
trang bị để đưa khí thoát ra quay về bờ trong lúc nạp hàng.
14.14.4 Áp kế
Mỗi két hàng phải
được trang bị một áp kế để chỉ báo áp suất ở trên không gian hơi bên trên hàng.
14.14.5 Nhiệt kế
Phải trang bị các
nhiệt kế ở trên đỉnh và dưới đáy mỗi két khi hàng cần phải được làm mát.
14.14.6 Giới hạn cho phép nạp
hàng vào két lớn nhất
1 Các két hàng phải
được thiết kế không cho nạp hàng đầy quá 98% ở nhiệt độ liên quan.
2 Thể tích lớn nhất (VL) của hàng nạp vào
một két phải là:
VL = 0,98V
Trong đó:
VL: Thể tích lớn nhất
mà két có thể được nạp tới;
V: Thể tích két;
ρR: Tỷ trọng
tương đối của hàng ở nhiệt độ tham khảo;
ρL: Tỷ trọng tương đối
của hàng ở nhiệt độ và áp suất lúc nạp;
R: Nhiệt độ liên quan
là nhiệt độ ở đó áp suất hơi hàng tương ứng với áp suất đặt của van giảm áp.
3 Phải chỉ rõ các giới hạn
nạp đầy két tối đa cho phép cho mỗi két hàng đối với mỗi nhiệt độ nạp hàng có
thể được dùng và đối với mỗi nhiệt độ tham khảo lớn nhất có thể trong danh mục
đã được thẩm định.
14.15 Nhiễm bẩn hàng
14.15.1 Không làm nhiễm bẩn
bởi nước
1 Khi cột “o” Phụ lục
có đề cập đến mục này, nước không được phép nhiễm vào hàng này. Ngoài ra, các
yêu cầu sau phải được áp dụng:
(1) Các cửa hút không
khí đến các van giảm áp suất/chân không của các két chứa hàng phải đặt cao hơn
boong thời tiết ít nhất 2 m;
(2) Nước hoặc hơi
nước không được dùng làm môi chất truyền nhiệt ở trong hệ thống điều chỉnh
nhiệt độ của hàng theo yêu cầu của Chương 6 của Quy chuẩn này;
(3) Hàng không được
chở trong các két kề với những két lắng hoặc các két hàng chứa nước dằn hoặc
nước cặn lắng hoặc hàng khác có chứa nước có thể có phản ứng nguy hiểm. Các bơm, ống và đường
ống thông hơi phục vụ các két như thế phải cách ly khỏi các thiết bị tương tự
phục vụ các két chứa hàng. Đường ống từ các két lắng hoặc đường ống dằn không
được qua các két chứa hàng trừ khi được đặt trong hầm ống.
14.16 Yêu cầu thông gió
tăng cường
14.16.1 Yêu cầu thông gió
tăng cường
Đối với một số sản
phẩm nhất định, hệ thống thông gió nêu tại 11.2.3 phải có sản lượng tối thiểu
ít nhất là 45 lần thay đổi không khí trong một giờ cho tổng thể tích của
khoang. Các ống xả của hệ thống thông gió phải xả ra ở khoảng cách ít nhất 10 m
cách các cửa vào các buồng sinh hoạt, các khu vực làm việc hoặc các không gian
tương tự khác, cửa hút của các hệ thống thông gió và phải ít nhất cao hơn boong
két 4 m.
14.17 Yêu cầu đối với buồng
bơm hàng đặc biệt
14.17.1 Yêu cầu đối với
buồng bơm hàng đặc biệt
Đối với một số sản
phẩm nhất định, buồng bơm hàng phải nằm ở độ cao của boong hoặc các bơm hàng
phải được đặt ở trong két hàng.
14.18 Kiểm soát việc tràn
hàng
14.18.1 Phạm vi áp dụng
Các quy định của mục
này được áp dụng khi có chỉ dẫn riêng ở trong cột “o” Phụ lục và chúng bổ sung
cho các yêu cầu đối với các thiết bị đo.
14.18.2 Báo động sự cố điện
Trong từng trường hợp
một hệ thống nạp hàng bất kỳ bị sự cố điện, phải có tín hiệu báo động cho người
vận hành liên quan.
14.18.3 Hệ thống để dừng việc
nạp hàng
Phải có một hệ thống
để dừng việc nạp hàng ngay lập tức trong trường hợp bất kỳ một hệ thống nào cần
thiết cho việc nạp hàng an toàn không hoạt động được.
14.18.4 Thử thiết bị báo động
mực chất lỏng
Các thiết bị báo mức
chất lỏng phải có khả năng thử được trước khi nạp hàng.
14.18.5 Sự độc lập của thiết
bị báo mức chất lỏng cao
Hệ thống báo mức chất
lỏng cao theo yêu cầu ở 14.18.6 phải độc lập với hệ thống kiểm soát tràn
yêu cầu bởi 14.18.7 và độc lập với thiết bị yêu cầu ở 12.1.
14.18.6 Lắp đặt thiết bị báo
mức chất lỏng cao
Các két hàng phải lắp
một thiết bị báo động mức chất lỏng cao bằng ánh sáng và âm thanh thỏa mãn yêu
cầu ở từ 14.18.1 đến 14.18.5 cho biết khi nào mức chất lỏng trong két hàng đạt
đến trạng thái đầy bình thường. Thiết bị phát hiện mức chất lỏng cho thiết bị
báo động mức cao phải được đăng kiểm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sản phẩm
công nghiệp dùng cho phương tiện thủy nội địa.
14.18.7 Các yêu cầu đối với
hệ thống kiểm soát việc tràn két
1 Một hệ thống kiểm
soát việc tràn két theo yêu cầu của mục này phải:
(1) Hoạt động khi các
phương pháp nạp két bình thường không thể dừng được mức chất lỏng két đang vượt
quá trạng thái đầy bình thường;
(2) Phát tín hiệu báo
động tràn bằng ánh sáng và âm thanh cho người điều khiển tàu; và
(3) Tạo ra tín hiệu
đã được định trước để ngắt tuần tự các bơm trên bờ hoặc các van hoặc cả hai và
các van của tàu. Tín hiệu cũng như việc ngắt bơm và van, có thể tùy thuộc vào
sự can thiệp của người điều khiển;
(4) Các thiết bị phát
hiện mức chất lỏng dùng cho các hệ thống kiểm soát tràn phải được đăng kiểm
kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp dùng cho phương tiện thủy
nội địa.
14.18.8 Tốc độ nạp của két
Hệ thống kiểm soát
tràn két phải được thiết kế có xét đến tốc độ nạp của két được đánh giá bởi
công thức sau đây và cũng phải tính đến áp suất thiết kế của hệ thống ống.
LR
=
(m3/h)
Trong đó:
U: Phần thể tích bị
vơi (m3) của mức chất lỏng mà tại đó tín hiệu hoạt động;
t: Thời gian (s) cần
thiết từ lúc bắt đầu có tín hiệu đến lúc dừng hoàn toàn dòng chảy của hàng vào
trong két, nó là tổng thời gian cần thiết cho từng bước trong chuỗi các hoạt
động tuần tự như phản ứng của người vận hành với tín hiệu, dừng bơm và đóng các
van.
14.19 Alkyl (C7-C9) nitrate,
tất cả các đồng phân
14.19.1 Nhiệt độ
chuyên chở của hàng
Nhiệt độ chuyên chở
của hàng phải được duy trì dưới 100oC để ngăn chặn sự xuất hiện
phản ứng tự duy trì, phân hủy tỏa nhiệt.
14.19.2 Yêu cầu đối
với các két áp lực rời
1 Hàng không
được chở trong các két áp lực rời được gắn cố định vào boong của tàu, trừ khi:
(1) Các két được bọc
chống cháy một cách thích đáng;
(2) Các két phải có
một hệ thống tưới nước cho các két sao cho nhiệt độ hàng được duy trì ở dưới 100oC
và sự tăng nhiệt độ trong két không vượt quá 1,5oC/giờ khi có cháy ở
nhiệt độ 650oC.
14.20 Cảm biến
nhiệt
Các cảm biến nhiệt
phải được dùng để theo dõi nhiệt độ bơm hàng và phát hiện sự quá nhiệt do hư
hỏng bơm.
14.21 Yêu cầu vận
hành
14.21.1 Phạm vi áp
dụng
Quy định trong mục
này không phải là các yêu cầu về kiểm tra để duy trì cấp tàu mà là các quy định
mà chủ tàu, thuyền trưởng, hoặc những người khác có liên quan đến vận hành tàu
phải tuân theo.
14.21.2 Dung dịch ammonium
nitrate không lớn hơn 93%
1 Các két và thiết bị
cho dung dịch ammonium nitrate phải độc lập với các két và thiết bị chứa các
hàng hoặc các sản phẩm dễ cháy khác. Thiết bị mà trong khi làm việc hoặc khi có
khuyết tật, có thể làm thoát các sản phẩm dễ cháy vào hàng, ví dụ chất bôi
trơn, không được sử dụng. Các két không được dùng để dằn bằng nước biển.
2 Trừ khi được sự chấp
thuận rõ ràng của chính quyền hành chính, các dung dịch ammonium nitrate không
được chở trong các két mà trước đó đã chở các hàng khác, trừ khi các két và các
thiết bị liên quan đã được làm sạch, được Chính quyền chấp nhận.
3 Nhiệt độ của công
chất trao đổi nhiệt của hệ thống hâm két hàng không được vượt quá 160oC.
Hệ thống hâm phải được trang bị hệ thống điều khiển để giữ hàng ở nhiệt độ
trung bình 140oC. Phải có thiết bị báo động nhiệt độ cao ở mức 145oC
và 150oC và nhiệt độ thấp ở mức 125oC. Khi nhiệt độ của
công chất trao đổi nhiệt vượt quá 160oC, thiết bị báo động cũng phải
làm việc. Hệ thống điều khiển và thiết bị báo động nhiệt độ phải được đặt trên
lầu lái.
4 Nếu nhiệt độ trung
bình của hàng đạt đến 145oC, một mẫu thử của hàng phải được pha
loãng với tỷ lệ 10 phần nước cất hoặc nước bị khử hết khoáng chất với một phần
hàng theo khối lượng và độ axit (pH) phải được xác định bằng giấy hoặc que chỉ
thị có khoảng chỉ báo hẹp. Việc đo độ axit (pH) phải được tiến hành 24 giờ một
lần. Nếu độ axit (pH) được phát hiện ở dưới 4,2 phải phun khí ammonia vào trong
hàng cho đến khi độ axit (pH) đạt đến 5,0.
5 Hệ thống cố định phải
được trang bị để phun khí ammonia vào trong hàng. Thiết bị điều khiển hệ thống
này phải được đặt trên buồng lái. Để phục vụ cho mục đích này, phải có sẵn trên
tàu 300 kg ammonia cho 1.000 tấn dung dịch ammonium nitrate.
6 Gia công nóng đối với
các két, đường ống và thiết bị đã tiếp xúc với dung dịch ammonium nitrate chỉ
được làm sau khi mọi dấu vết của ammonium nitrate đã được rửa sạch, bên trong
cũng như bên ngoài.
14.21.3 Carbon disulphide
1 Vận chuyển có đệm
nước
Một đệm nước phải được
tạo ra trong giếng này trước khi định tháo bơm, trừ khi két đã được xác
nhận là đã khử khí ga.
2 Vận chuyển có đệm khí
trơ
(1) Không khí không
được phép vào trong két hàng, bơm hoặc ống hàng trong khi khí carbon disulphide
vẫn còn chứa trong hệ thống;
(2) Không được vận
hành hàng hóa, rửa két hoặc
bơm xả dằn cùng lúc với việc nhận và trả hàng carbon disulphide;
(3) Một vòi rồng nước
có áp lực tới tận đầu phun được nối sẵn sàng sử dụng được ngay trong suốt quá
trình nhận hàng và trả hàng khi nhiệt độ khí quyển cho phép.
14.21.4 Hydrogen peroxide
quá 60% nhưng không quá 70% theo khối lượng
1 Các buồng bơm không
được dùng cho các hoạt động chuyển hàng.
2 Hàng phải được xả bỏ
ra khỏi tàu nếu sự tăng nhiệt độ của hàng vượt quá tốc độ 2oC/giờ
trong vòng 5 giờ hoặc nhiệt độ trong két vượt 40oC.
3 Chỉ được chở những
dung dịch hydrogen peroxide có tốc độ phân hủy cực đại là 1% một năm ở 25oC.
Việc chứng nhận của chủ hàng rằng sản phẩm thỏa mãn tiêu chuẩn này phải được
trình cho thuyền trưởng và được giữ trên tàu. Đại diện kỹ thuật của nhà máy
sản xuất phải ở trên tàu để theo dõi hoạt động chuyển hàng và có thể kiểm tra
độ ổn định của hydrogen peroxide. Người đó phải xác nhận với thuyền trưởng rằng
hàng được nạp xuống trong trạng thái ổn định.
14.21.5 Dung dịch hydrogen
peroxide trên 8% nhưng không quá 60% theo trọng lượng
1 Hydrogen peroxide
phải được chở trong các két đã được làm sạch hoàn toàn và hiệu quả khỏi mọi dấu
vết của các hàng đã chở lần trước và hơi của chúng hoặc nước dằn. Các quy trình
kiểm tra, làm sạch, làm trơ và nạp hàng của các két phải tuân theo MSC/Circ.
394. Phải có một chứng chỉ trên tàu chứng nhận rằng đã tuân theo các quy trình
của thông tư. Yêu cầu thụ động này có thể được Chính quyền hành chính bỏ qua
đối với các hàng chuyên chở bằng tàu nội địa trong thời gian ngắn. Sự chú ý đặc
biệt về mặt này rất quan trọng để bảo đảm chở an toàn hydrogen peroxide.
(1) Khi đang chở
hydrogen peroxide, không được chở đồng thời một hàng nào khác;
(2) Các két đã chứa
hydrogen peroxide có thể được dùng để chở các hàng khác sau khi làm sạch theo
quy trình được nêu ở MSC/Circ. 394;
(3) Phải chú ý thiết
kế sao cho kết cấu bên trong két là tối thiểu, không có chỗ ứ đọng và dễ kiểm
tra bằng mắt.
2 Hàng phải xả bỏ ra
ngoài nếu sự tăng nhiệt của hàng vượt tốc độ 2oC/giờ trong vòng 5 giờ hoặc
nhiệt độ trong két vượt quá 40oC.
3 Chỉ được chở những
dung dịch hydrogen peroxide có tốc độ phân hủy cực đại là 1% một năm ở 25oC.
Việc chứng nhận của chủ hàng rằng sản phẩm thỏa mãn tiêu chuẩn này phải được
trình cho thuyền trưởng và được giữ trên tàu. Đại diện kỹ thuật của nhà máy sản
xuất phải ở trên tàu để theo dõi hoạt động chuyển hàng và có thể kiểm tra độ ổn
định của hydrogen peroxide. Người đó phải xác nhận với thuyền trưởng rằng hàng
được nạp xuống trong trạng thái ổn định.
4 Hệ thống đường ống
dùng để nhận/trả hydroegen peroxide, khi đang vận chuyển hàng, phải độc lập với
các hệ thống đường ống khác.
14.21.6 Hợp chất chống kích
nổ nhiên liệu động cơ chứa ankyl chì
1 Không được phép vào
các két vận chuyển những hàng này trừ khi Chính quyền hành chính cho phép.
2 Phải phân tích khí
xác định hàm lượng chì để xác định môi trường không khí có đảm bảo không trước
khi cho phép người vào buồng bơm hàng hoặc các khoang trống xung quanh két
hàng.
14.21.7 Phosphorus vàng hoặc
trắng
1 Phosphorus phải luôn
luôn được nạp, chở và xả dưới đệm nước có chiều sâu tối thiểu là 760 mm. Trong
lúc xả hàng, hệ thống phải bảo đảm cho nước chiếm chỗ thể tích phosphorus được
xả ra. Tất cả nước xả ra từ két phosphorus chỉ được đưa trở lại thiết bị trên
bờ.
2 Phosphorus phải được
nạp ở nhiệt độ không vượt quá 60oC.
3 Trong lúc chuyển
hàng, một ống mềm dẫn nước ở trên boong phải nối với nguồn cấp nước và giữ cho
chảy trong suốt quá trình hoạt động để mọi sự tràn của phosphorus có thể được
rửa đi ngay lập tức bằng nước.
14.21.8 Propylene oxide hoặc
hỗn hợp ethylene oxide/propylene oxide có hàm lượng ethylene oxide không quá
30% theo khối lượng
1 Trừ khi các két hàng
được làm sạch hoàn toàn, các sản phẩm này không được chở trong các két đã dùng
để chứa một trong ba sản phẩm trước đó là xúc tác sự trùng hợp như:
(1) Các axit vô cơ
(ví dụ: sulphuric, hydrochloric, nitric);
(2) Các axit
cacboxylic và anhydrdes (ví dụ: formic, acetic);
(3) Các axit
carboxylic và halogene hóa (ví dụ: chloracetic);
(4) Axit sulphonic
(ví dụ: benzene, sulphonic);
(5) Các xút ăn da (ví
dụ: sodium hydroxide, potassium hydroxide);
(6) Ammonia và các
dung dịch ammonia;
(7) Các amin và dung
dịch amin;
(8) Các chất ôxy hóa.
2 Trước khi nạp
hàng, các két phải được làm sạch toàn bộ và có hiệu quả để tẩy sạch mọi dấu vết
của những hàng trước đây ra khỏi két và hệ thống ống liên quan, trừ khi hàng
ngay trước đó là propylene oxide hoặc hỗn hợp ethylene oxide/propylene oxide. Đặc biệt chú ý trường
hợp có ammonia trong các két làm bằng thép không phải là thép không gỉ.
3 Trong mọi trường hợp,
tính hiệu quả của các quy trình làm sạch cho các két và hệ thống ống liên quan
phải được kiểm tra bằng cách thử hoặc kiểm tra phù hợp để khẳng định không có
dấu vết của các chất axit và kiềm còn lại có thể gây ra tình trạng nguy hiểm
khi có mặt của các sản phẩm này.
4 Các két phải được vào
kiểm tra trước mỗi khi nạp lần đầu những sản phẩm này để khẳng định không có sự
nhiễm bẩn, các cặn sỉ lớn và những khuyết tật về kết cấu nhìn thấy được. Khi
những két hàng chở liên tục những hàng này, việc kiểm tra như vậy phải được
thực hiện trong khoảng thời gian không quá hai năm.
5 Các két chở những sản
phẩm này có thể dùng để chở các hàng khác sau khi làm sạch hoàn toàn các két và
hệ thống đường ống liên quan bằng cách rửa hoặc tẩy.
6 Các sản phẩm phải
được nạp và xả sao cho sự thoát hơi của các két hàng ra ngoài trời không xảy
ra.
7 Trong quá trình xả
hàng, áp suất trong két phải được duy trì trên 0,007 MPa.
8 Hàm lượng ôxy của các
két này phải được duy trì ở dưới 2%.
9 Bất kể trường hợp nào
cũng không cho phép không khí vào bơm hàng và hệ thống ống trong lúc các sản phẩm đang được
chứa trong phạm vi hệ thống.
10 Yêu cầu làm lạnh két
có áp suất thiết kế nhỏ hơn 0,06 MPa có thể được Đăng kiểm bỏ qua đối với các
tàu hoạt động trong vùng biển hạn chế hoặc với những chuyến đi có thời gian
ngắn, và trong những trường hợp này có xem xét đến cả việc cách nhiệt cho két.
Vùng và thời gian hoạt động trong năm được phép vận chuyển hàng hóa như vậy phải
được nêu trong điều kiện vận chuyển của Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo
vệ môi trường.
11 Không được sử dụng
các hệ thống làm mát mà đòi hỏi phải nén các sản phẩm.
12 Các sản phẩm này chỉ
được vận chuyển phù hợp với các kế hoạch làm hàng đã được Chính quyền hành
chính duyệt. Từng bố trí để nạp hàng dự kiến phải được thể hiện trên một kế
hoạch làm hàng riêng biệt. Các kế hoạch làm hàng phải thể hiện toàn bộ hệ thống
ống hàng và vị trí lắp đặt các bích tịt cần thiết để thỏa mãn các yêu cầu cách
ly đường ống ở trên. Một bản sao kế hoạch làm hàng đã được duyệt phải được giữ
trên tàu. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải được xác
nhận có bao gồm phần tham khảo các kế hoạch làm hàng.
13 Trước mỗi lần nạp đầu
tiên các sản phẩm này và trước mỗi lần trở lại công việc này lần sau, phải có
chứng nhận của người có thẩm quyền được Chính quyền cảng chấp thuận xác nhận sự
cách li đường ống theo yêu cầu đã được thực hiện và được giữ ở trên tàu. Mỗi
chỗ nối giữa bích tịt và bích của đường ống phải được người có trách nhiệm kẹp
chì để đảm bảo không xảy ra việc tháo lỏng vô tình các bích tịt.
14 Không két hàng nào
được đầy quá 98% chất lỏng ở nhiệt độ tham khảo (xem 15.8.24).
15 Phải chỉ rõ các giới
hạn nạp đầy két tối đa cho phép cho mỗi két hàng đối với mỗi nhiệt độ nạp hàng
có thể được dùng và đối với mỗi nhiệt độ tham khảo lớn nhất có thể trong danh mục
đã được thẩm định. Một bản sao danh sách phải luôn được thuyền trưởng giữ trên
tàu.
16 Phần không gian hơi
của két hàng phải được kiểm tra trước và sau khi nạp để bảo đảm lượng ôxy
theo thể tích bằng hoặc nhỏ hơn 2%.
17 Một ống mềm dẫn nước
có áp suất tới vòi phun, nếu nhiệt độ môi trường cho phép, phải được nối sẵn để
sử dụng được ngay trong quá trình nạp và xả hàng.
14.21.9 Dung dịch chlorate
solution không lớn hơn 50% theo khối lượng
1 Các két và thiết bị
liên quan chứa sản phẩm này có thể dùng cho những hàng khác sau khi làm sạch
toàn bộ bằng cách rửa hoặc tẩy.
2 Trong trường hợp các
sản phẩm này tràn ra, tất cả chất lỏng tràn ra phải được rửa sạch một cách
nhanh chóng. Để giảm tối thiểu nguy cơ cháy, chất lỏng tràn không được phép làm
khô.
14.21.10 Các hàng có áp suất
hơi tuyệt đối lớn hơn 0,1013 MPa ở 37,8oC
1 Khi hệ thống hàng
được thiết kế để chịu được áp suất hơi hàng ở nhiệt độ 45oC và không
có hệ thống làm lạnh, phải có lưu ý trong các điều kiện chở hàng trên Giấy
chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho việc chở hóa chất nguy
hiểm để chỉ rõ áp suất đặt yêu cầu của van an toàn của các két.
2 Không két nào được
đầy quá 98% chất lỏng ở nhiệt độ liên quan (R).
3 Phải chỉ rõ các giới
hạn nạp đầy két tối đa cho phép cho mỗi két hàng đối với mỗi nhiệt độ nạp hàng
có thể được dùng và đối với mỗi nhiệt độ tham khảo lớn nhất có thể trong danh mục
đã được Đăng kiểm chấp nhận. Một bản sao danh sách phải luôn được thuyền trưởng
giữ trên tàu.
14.21.11 Sự gây nhiễm bẩn hàng
1 Khi cột “o” Phụ lục
đề cập đến mục này, thì nước không được phép nhiễm vào hàng này. Ngoài ra, hàng
không được chở trong các két kề với két dằn cố định hoặc các két nước trừ khi
các két đã trống và khô.
14.21.12 Kiểm soát tràn hàng
1 Việc nạp hàng phải
được kết thúc ngay trong trường hợp một hệ thống bất kỳ cần thiết cho việc
nạp hàng an toàn không hoạt động được.
2 Tốc độ nạp (LR) của két không được
quá:
LR = (m3/h)
Trong đó:
U: Thể tích phần vơi
(m3) ở mức tín hiệu hoạt động;
t: Thời gian (s) cần
thiết từ lúc tín hiệu bắt đầu cho đến lúc dừng hoàn toàn dòng chất lỏng vào
két, là tổng thời gian cần thiết cho từng hoạt động liên tiếp như thời gian
người điều khiển phản ứng lại các tín hiệu, dừng các bơm và đóng các van; và
phải chú ý đến áp suất tính toán của hệ thống đường ống.
14.21.13 Quy trình kiểm tra,
làm sạch, tẩy gỉ và làm hàng các két dùng để chuyên chở dung dịch hydrogen
peroxide 8 - 60% mà các két này đã từng chứa các hàng khác, hoặc dùng để chở
các hàng khác sau khi vận chuyển hydrogen peroxide
1 Các két đã từng chứa
hàng không phải là hydrogen peroxide phải được kiểm tra, làm sạch và tẩy gỉ
trước khi được sử dụng lại để vận chuyển dung dịch hydrogen peroxide. Quy trình
kiểm tra và làm sạch, nêu ở -2 đến -8 dưới đây, áp dụng cho cả két làm bằng
thép không gỉ và nhôm nguyên chất (xem 14.21.5-1). Quy trình tẩy gỉ được nêu ở
-9 đối với thép không gỉ và -10 đối với nhôm nguyên chất. Trừ khi có các quy
định khác, tất cả các bước phải được áp dụng đối với các két và với tất cả các
thiết bị đã tiếp xúc trực tiếp với hàng khác.
2 Sau khi dỡ hàng đã
chở, két phải được đảm bảo an toàn và kiểm tra mọi cặn bã, cáu, gỉ.
3 Két và các thiết bị
liên quan phải được rửa bằng nước sạch đã được lọc. Nước rửa ít nhất phải có
chất lượng tương đương với nước uống với hàm lượng clo thấp.
4 Vết cặn và hơi của
hàng đã chở lần trước phải được tẩy bằng hơi nước ra khỏi két và thiết bị.
5 Két và thiết bị phải
được rửa lại lần nữa bằng nước sạch (chất lượng nước như nêu ở trên) và làm
khô, sử dụng không khí đã được lọc và không nhiễm dầu.
6 Không khí trong két
phải được lấy mẫu và kiểm tra sự xuất hiện của hơi hữu cơ và nồng độ ôxy.
7 Két phải được kiểm tra
lần nữa bằng mắt thường đối với cặn hàng trước, cáu và gỉ cũng như thử ngửi mùi
hàng trước.
8 Nếu việc kiểm tra
hoặc thiết bị đo lường chỉ báo cặn hoặc hơi hàng trước thì phải làm báo cáo như
nêu ở -3 và -5.
9 Két và thiết bị chế
tạo bằng thép không gỉ đã từng chứa các hàng không phải là hydrogen peroxide
hoặc sau sửa chữa phải được làm sạch và tẩy cặn, bất kể lần tẩy cặn trước, phù
hợp với quy trình sau:
(1) Các mối hàn mới
và các phần sửa chữa khác phải được làm sạch và đánh bằng bàn chải, đục thép không
gỉ, giấy ráp hay vải mềm. Bề mặt thô ráp phải được làm mịn. Cần thiết phải đánh
bóng lần cuối;
(2) Dầu và mỡ phải
được tẩy bằng dung môi hữu cơ thích hợp hoặc dung dịch xà phòng trong nước.
Tránh việc sử dụng các thành phần có chứa clo vì chúng có thể cản trở việc tẩy
gỉ;
(3) Cặn của chất tẩy
nhờn phải được tẩy bỏ, sau đó rửa bằng nước;
(4) Trong bước tiếp
theo, cáu và gỉ phải được khử bỏ bằng axit (ví dụ hỗn hợp các axit nitric và
sau đó rửa lại bằng nước, sau đó rửa lại bằng nước;
(5) Tất cả bề mặt kim
loại có tiếp xúc với hydrogen peroxide phải được tẩy gỉ bằng việc sử dụng axit
nitric nồng độ từ 10% đến 35% theo khối lượng. Axit nitric phải được làm sạch
khỏi các kim loại nặng, các tác nhân gây ôxy hóa hoặc hydro fluoric. Quá trình
tẩy gỉ kéo dài từ 8 đến 24 giờ phụ thuộc vào nồng độ axit, nhiệt độ môi trường
và các tác nhân khác. Trong thời gian đó cần duy trì liên tục axit nitric lên
bề mặt cần tẩy gỉ. Trường hợp bề mặt cần tẩy quá lớn, có thể sử dụng tái tuần
hoàn lượng axit. Trong quá trình tẩy cặn có thể phát sinh ra khí hydro, dẫn tới
hợp thành môi trường khí dễ nổ trong két. Vì vậy, cần có biện pháp thích hợp để
tránh tạo thành hoặc có nguồn lửa trong môi trường như vậy;
(6) Sau khi tẩy cặn
các bề mặt cần phải được rửa triệt để bằng nước sạch. Quá trình rửa được tiến
hành đến tận khi nồng độ pH của nước rửa thải ra ngang bằng với nước đưa vào;
(7) Bề mặt được xử lý
theo các bước nêu trên có thể gây nên một số sự phân hủy khi đưa vào tiếp xúc
với hydrogen peroxide lần đầu tiên. Sự phân hủy này sẽ dừng lại sau một thời
gian ngắn (thông thường chừng khoảng 2 đến 3 ngày). Vì vậy nên phun rửa bổ sung
bằng hydrogen peroxide với thời gian ít nhất hai ngày;
(8) Chỉ có các chất
tẩy và các axit làm sạch được khuyến cáo dành cho mục đích này của nhà sản xuất
chất hydrogen peroxide mới được sử dụng trong quá trình này.
10 Các két và thiết bị
chế tạo bằng nhôm đã từng chứa hàng không phải là hydrogen peroxide hoặc sau
khi sửa chữa, phải được làm sạch và tẩy cặn. Sau đây là một ví dụ về một quy
trình làm sạch và tẩy cặn:
(1) Két phải được rửa
bằng dung dịch chất tẩy được sulphonate hóa trong nước nóng, sau đó rửa lại
bằng nước;
(2) Sau đó, bề mặt
được xử lý khoảng 15 đến 20 phút bằng dung dịch sodium hydroxide nồng độ 7%
hoặc xử lý thời gian dài hơn với nồng độ sodium hydroxide loãng hơn (ví dụ 12
giờ với nồng độ 0,4% đến 0,5% sodium hydroxide). Để ngăn ngừa sự ăn mòn quá mức
tại đáy của két khi xử lý bằng dung dịch sodium hydroxide nồng độ cao, cần phải
liên tục cấp nước để pha loãng lượng sodium hydroxide tích tụ ở đáy;
(3) Két phải được rửa
triệt để bằng nước sạch đã được lọc. Sau khi rửa, bề mặt phải được tẩy cặn bằng
axit nitric nồng độ từ 30% đến 35% theo khối lượng. Quá trình rửa kéo dài khoảng
16 đến 24 giờ. Trong thời gian này bề mặt cần tẩy phải được tiếp xúc liên tục
với axit;
(4) Sau khi tẩy cặn,
bề mặt phải được rửa triệt để bằng nước sạch đã được lọc. Quá trình rửa được
tiến hành đến tận khi nồng độ pH của nước rửa thải ra ngang bằng với nước đưa
vào;
(5) Kiểm tra bằng mắt
để đảm bảo toàn bộ bề mặt đã được xử lý. Nên phun rửa bổ sung trong khoảng thời
gian tối thiểu 24 giờ bằng dung dịch hydrogen peroxide pha loãng nồng độ xấp xỉ
3% theo khối lượng.
11 Nồng độ và tính ổn
định của hydrogen peroxide xuống hàng phải được xác định.
12 Trong quá trình nhận
hàng hydrogen peroxide bên trong két phải được thỉnh thoảng kiểm tra bằng mắt
thông qua lỗ khoét thích hợp.
13 Nếu các bọt bong bóng
khí xuất hiện không biến mất trong khoảng 15 phút sau khi hoàn thành việc nhận
hàng, thì phải xả hàng trong két đi trong điều kiện đảm bảo an toàn môi trường.
Két và thiết bị sau đó phải được tẩy cặn lại theo quy trình nêu trên.
14 Nồng độ và tính ổn
định của hydrogen peroxide phải được xác định lại. Nếu các giá trị thu được nằm
trong giới hạn cho phép như nêu ở -10, thì két được xem như đã được tẩy cặn tốt
và sẵn sàng để chở hàng.
15 Các hoạt động nêu ở
-2 đến -8 phải được thực hiện dưới sự giám sát của thuyền trưởng hoặc chủ hàng.
Các hoạt động nêu ở -9 đến -14 phải được thực hiện dưới sự giám sát thực tế và
trách nhiệm của đại diện nhà sản xuất hydrogen peroxide hoặc dưới sự giám sát và
trách nhiệm của chuyên gia an toàn về hydrogen peroxide.
16 Các quy trình sau đây
được áp dụng đối với các két đã từng chứa dung dịch hydrogen peroxide được sử
dụng cho các sản phẩm khác (trừ khi có các quy định khác, tất cả các bước phải
được áp dụng cho các két và thiết bị liên quan có tiếp xúc trực tiếp với
hydrogen peroxide)
(1) Cặn hàng hydrogen
peroxide phải được hút hết hoàn toàn ra khỏi két và thiết bị;
(2) Két và thiết bị
được súc bằng nước sạch, sau đó rửa lại hoàn toàn bằng nước sạch;
(3) Bên trong két
phải khô và được kiểm tra cặn.
Các bước từ (1) đến
(3) được tiến hành dưới sự giám sát của thuyền trưởng hoặc chủ hàng.
Bước (3) được thực
hiện bởi các chuyên gia về hydrogen peroxide và hóa chất sẽ vận chuyển.
17 Lưu ý đặc biệt
(1) Sự phân hủy
hydrogen peroxide có thể làm gia tăng lượng ôxy trong không khí và cần có biện
pháp phòng ngừa theo dõi thích hợp;
(2) Khí hydrogen có
thể gây nên quá trình ăn mòn nêu ở -9(5), -10(2) và -10(4), dẫn tới việc tạo
thành môi trường khí dễ nổ trong két. Do vậy, cần có biện pháp thích hợp để
tránh tạo thành hoặc cháy môi trường như vậy.
Chương
15
YÊU CẦU VẬN HÀNH
15.1 Lượng
hàng tối đa cho phép của mỗi két
15.1.1 Hướng
dẫn vận hành
Bản hướng dẫn vận
hành được thẩm định phải có trên tàu. Bản hướng dẫn vận hành phải bao gồm những
nội dung nêu ở 15.2.
15.2 Yêu cầu
vận hành
15.2.1 Phạm
vi áp dụng
Các quy định trong mục
này không phải là các yêu cầu kiểm tra để duy trì cấp tàu nhưng là điều kiện mà
chủ tàu, thuyền trưởng và những người liên quan đến vận hành tàu phải tuân
theo.
15.2.2 Lượng
hàng tối đa cho phép của mỗi két
1 Lượng hàng
cho phép chở trên tàu loại I không được vượt quá 1250 m3 trong một két
bất kỳ.
2 Lượng hàng
cho phép chở trên tàu loại II không được vượt quá 3000 m3 trong một két
bất kỳ.
3 Các két chứa
chất lỏng ở nhiệt độ môi trường phải được nạp sao cho két không trở nên đầy
chất lỏng trong suốt hành trình, có xem xét thích đáng đến nhiệt độ cao nhất mà
hàng có thể đạt tới.
15.2.3 Thông
tin về hàng
1 Mọi hàng định
chở xô trên tàu phải được nêu trong các hồ sơ vận chuyển hàng bằng tên kỹ thuật
chính xác. Khi hàng là một hỗn hợp, phải có phân tích chỉ ra các thành phần
nguy hiểm góp phần quan trọng đến tính nguy hiểm của sản phẩm, hoặc có sự phân
tích toàn bộ nếu có thể. Bản phân tích này phải có xác nhận của nhà sản xuất
hoặc phòng thí nghiệm chuyên ngành được công nhận.
2 Thông tin
phải có trên tàu và sẵn sàng sử dụng cho mọi người liên quan, cho biết số liệu
cần thiết cho việc chở hàng an toàn. Thông tin này phải bao gồm kế hoạch sắp
xếp hàng và được đặt ở nơi dễ tiếp cận, nêu rõ tất cả hàng trên tàu, kể cả mỗi
hóa chất nguy hiểm được chở:
(1) Một bản mô tả đầy
đủ tính chất lý hóa, gồm cả tính dễ phản ứng cần thiết cho việc chứa hàng an
toàn;
(2) Biện pháp khắc
phục trong trường hợp tràn và rò rỉ;
(3) Các biện pháp đối
phó trong trường hợp vô tình tiếp xúc với người;
(4) Các quy trình
chữa cháy và môi chất chữa cháy;
(5) Phương pháp
chuyển hàng, làm sạch két, thoát khí và dằn tàu;
(6) Đối với những
hàng yêu cầu được làm ổn định hoặc ức chế theo 14.13.3 thì phải từ chối chở nếu
không có Giấy chứng nhận theo 14.13.3.
3 Nếu thông tin
đầy đủ cần cho việc vận chuyển an toàn của hàng không có thì phải từ chối chở
hàng.
4 Các hàng tỏa
ra hơi độc cao mà không cảm nhận được thì không được chở trừ khi có chất phụ
gia để nhận biết được cho vào hàng.
5 Khi cột “o”
Phụ lục đề cập đến mục này, độ nhớt của hàng ở 20oC phải được chỉ rõ
trong hồ sơ vận chuyển hàng và nếu độ nhớt của hàng vượt quá 50 mPa.s ở 20oC
thì nhiệt độ khi hàng có độ nhớt 50 mPa.s phải được chỉ rõ trong hồ sơ vận
chuyển hàng.
6 Khi cột “o”
Phụ lục đề cập đến mục này, nhiệt độ nóng chảy của hàng phải được chỉ ra trong
hồ sơ vận chuyển hàng.
15.2.4 Đào
tạo thuyền viên
1 Tất cả thuyền
viên phải được đào tạo đầy đủ trong việc sử dụng trang bị bảo vệ và được đào
tạo cơ bản về trách nhiệm của họ trong các trường hợp sự cố.
2 Thuyền viên
có trách nhiệm trong việc làm hàng phải được huấn luyện thích đáng các quá
trình làm hàng.
15.2.5 Lỗ
khoét và lối vào két hàng
1 Trong lúc xếp
dỡ và chở hàng tạo ra hơi dễ cháy hoặc độc hoặc cả hai hoặc khi dằn tàu sau khi
xả các hàng này, hoặc khi nạp và xả hàng, các nắp két hàng phải luôn luôn đóng
kín. Với mọi loại hàng nguy hiểm, các nắp két hàng, các lỗ kiểm tra mức vơi,
các cửa quan sát và các nắp vào rửa két chỉ được mở khi cần thiết.
2 Không được
vào các két hàng, các khoang trống xung quanh các két đó, các khoang làm hàng
hoặc những không gian kín khác trừ khi:
(1) Khoang không có
hơi độc và không thiếu ôxy; hoặc
(2) Người mang thiết
bị thở và các trang bị bảo vệ cần thiết khác, và toàn bộ sự hoạt động phải đặt
dưới sự giám sát chặt chẽ của sĩ quan có trách nhiệm.
3 Không được
vào các không gian này khi chỉ có nguy cơ thuần túy về cháy, trừ khi dưới sự
giám sát của sĩ quan có trách nhiệm.
15.2.6 Việc
cất giữ các mẫu hàng
1 Các mẫu thử
cần được giữ trên tàu và phải được cất ở khoang được chỉ định nằm trong khu vực
hàng, hoặc trường hợp đặc biệt, ở chỗ khác theo sự chấp thuận của Chính quyền
hành chính.
2 Khoang cất
giữ mẫu phải:
(1) Được chia thành
ngăn để tránh làm dịch chuyển các chai trong lúc đi biển;
(2) Được làm bằng vật
liệu hoàn toàn chịu được các chất lỏng khác nhau dự định được cất giữ;
(3) Trang bị hệ thống
thông gió phù hợp.
3 Các mẫu thử
dễ phản ứng nguy hiểm với các mẫu khác không được cất gần nhau.
4 Các mẫu thử
không để trên tàu lâu hơn thời gian cần thiết.
15.2.7 Các
hàng không được để gần nguồn nhiệt quá mạnh
1 Khi có khả
năng phản ứng nguy hiểm của hàng như trùng hợp, phân hủy, sự không ổn định
nhiệt hoặc tỏa khí do quá nhiệt cục bộ của hàng trong két của chúng hoặc đường
ống liên quan, những hàng như vậy phải được nạp, chở và cách ly hoàn toàn với
những sản phẩm khác có nhiệt độ đủ lớn có thể gây phản ứng của hàng đó (xem
6.1.5-1(4)).
2 Các ống ruột
gà hâm nóng trong két chở sản phẩm này phải được bịt kín hoặc cố định bằng các
phương tiện tương đương.
3 Các sản phẩm
nhạy cảm với nhiệt không được chở trong các két đặt trên boong mà không được
cách nhiệt.
4 Để tránh các
nhiệt độ gia tăng, các loại hàng này không được chở trong các két đặt trên
boong.
Chương
16
TÓM TẮT CÁC YÊU CẦU TỐI THIỂU
16.1 Quy
định chung
16.1.1 Phạm
vi áp dụng
1 Các yêu cầu
đối với mỗi sản phẩm được nêu ở cột “e” đến “o” Phụ lục áp dụng cho tàu theo
các quy định liên quan đến bảng này. Nội dung của mỗi cột trong Phụ lục như
được nêu dưới đây. Ngoài ra, các yêu cầu tối thiểu đối với tàu chở những hỗn
hợp các chất lỏng độc hại chỉ gây nguy hiểm ô nhiễm và các chất được tạm thời
đánh giá theo Quy định 6.3 Phụ lục II của MARPOL 73/78 phải thỏa mãn yêu cầu
của Đăng kiểm.
(1) Tên sản phẩm (cột
a)
Các tên sản phẩm
không đồng nhất với các tên cho trong các văn bản trước của IBC Code hoặc BCH
Code hãy xem giải thích tại mục tra cứu của các hóa chất. Các sản phẩm được
đánh dấu “*” còn phải áp dụng Phần 8D của QCVN
21:2015/BGTVT.
(2) Loại chất ô nhiễm
(cột c)
Chữ cái X,Y hoặc Z
chỉ loại chất ô nhiễm của sản phẩm theo Phụ lục II của MARPOL 73/78.
(3) Các nguy hiểm
(cột d)
“S” có nghĩa là sản
phẩm được nêu ở Phần này vì sự nguy hiểm cho tính an toàn; “P” có nghĩa là sản
phẩm được nêu ở Phần này vì sự nguy hiểm do ô nhiễm; “S/P” có nghĩa là các sản
phẩm được nêu ở Phần này vì sự nguy hiểm cho cả tính an toàn và ô nhiễm.
(4) Kiểu tàu (cột e)
1 = Tàu loại I (xem
1.1.2-1(1));
2 = Tàu loại II (xem
1.1.2-1(2));
3 = Tàu loại III (xem
1.1.2-1(3)).
(5) Kiểu két (cột f)
1 = Két rời (xem
3.1.1);
2 = Két liền vỏ (xem
3.1.2);
G = Két trọng lực
(xem 3.1.3);
P = Két áp lực (xem
3.1.4).
(6) Thông hơi két
(cột g)
Hở: Thông hơi tự
nhiên;
Kiểm soát: Thông hơi
được kiểm soát.
(7) Kiểm soát môi
trường két “*” (cột h).
Trơ: Làm trơ (xem
8.1.2-1(1));
Đệm: Lỏng hoặc khí ga
(8.1.2-1(2));
Khô: Làm khô
(8.1.2.-1(3));
Thông gió: Tự nhiên
hoặc cưỡng bức (xem 8.1.2-1(4)).
Để trống có nghĩa là
không có hướng dẫn riêng nào đối với việc kiểm soát môi trường két.
(8) Trang bị điện
(cột i’): các cấp
nhiệt độ T1 đến T6.
“-” không có yêu cầu
gì;
Để trống có nghĩa là
không có thông tin gì.
(cột i”): các nhóm
thiết bị IIA, IIB hoặc IIC.
“-” không có yêu cầu
gì;
Để trống có nghĩa là
không có thông tin gì.
(cột i”’):
- Có: Nhiệt độ chớp
cháy quá 60oC (thử cốc kín) (xem 9.1.6);
- Không: Nhiệt độ bắt
cháy không quá 60oC (thử cốc kín) (xem 9.1.6);
- NF: Sản phẩm không
dễ cháy (xem 9.1.6).
(9) Đo (cột j)
O: Đo hở
(12.1.1-1(1));
R: Đo hạn chế
(12.1.1-1(2));
C: Đo kín
(12.1.1-1(3)).
(10) Phát hiện hơi *
(cột k)
F: Các hơi dễ cháy;
T: Các hơi độc;
Không: Không có yêu
cầu.
(11) Chữa cháy (cột
l)
A: Bọt chịu được cồn
hoặc bọt đa năng;
B: Bọt thường, bao
gồm tất cả các bọt mà không phải kiểu chịu cồn, kể cả các bọt fluoroprotein và
bọt tạo màng nước (AFFF);
C: Phun sương nước;
D: Các hệ thống bột
hóa học khô, khi được dùng có thể cần hệ thống nước phụ vào để làm mát vách
két. Việc cấp nước làm mát này thường được coi là đủ bằng cách sử dụng hệ thống
ống cứu hỏa thông thường bằng nước được xác định ở 10.2 Phần 5 QCVN 21:2015/BGTVT;
Không: Không có yêu
cầu riêng theo tổ hợp ký hiệu của hệ thống chữa cháy như sau:
A, D: “A” phải được
trang bị, “D” có thể được trang bị như hệ thống tùy chọn;
B, D: “B” phải được
trang bị, “D” có thể được trang bị như hệ thống tùy chọn;
A, C/D: “A” phải được
trang bị, “C” và “D”, hoặc “C” hoặc “D” có thể được trang bị như hệ thống tùy
chọn;
B, C: “B” phải được
trang bị, “C” có thể được trang bị như hệ thống tùy chọn;
C, D: “C” hoặc “D”
phải được trang bị. Tuy nhiên, nếu các tàu chỉ chủ yếu chở một sản phẩm thì có
thể trang bị một hệ thống dập lửa cho hệ thống được chỉ ra ở cột (l) Phụ lục
của Quy chuẩn này.
(12) Thiết bị bảo vệ
mắt và hô hấp (cột n)
Có: Xem 13.2.8;
Không: Không có quy
định riêng.
(13) Các yêu cầu
riêng (cột o)
Các mục trong ngoặc
chỉ các mục của IBC Code.
Chú thích:
(a) Nếu sản phẩm được
chở có chứa các dung môi dễ cháy mà điểm chớp cháy không vượt quá 60oC
thì phải trang bị các hệ thống điện đặc biệt và thiết bị phát hiện hơi dễ cháy;
(b) Mặc dù nước thích
hợp để dập cháy ngoài trời có liên quan đến các hóa chất mà chú thích này được
áp dụng, nhưng nước không được phép lọt vào các két kín chứa những hóa chất này
do nguy cơ tạo khí nguy hiểm;
(c) Phosphorus (vàng
hoặc trắng) được chở ở trên nhiệt độ tự cháy của nó và do đó điểm chớp cháy
không còn thích hợp. Những yêu cầu về thiết bị điện có thể tương tự như đối với
những yêu cầu áp dụng cho các chất có điểm chớp cháy trên 60oC;
(d) Các yêu cầu được
dựa vào những đồng phân có điểm chớp cháy nhỏ hơn hoặc bằng 60oC;
Một số đồng phân có điểm chớp cháy trên 60oC, do đó các yêu cầu dựa
vào tính dễ cháy không áp dụng cho những đồng phân như vậy;
(e) Chỉ áp dụng cho
cồn n-Decyl;
(f) Các hóa chất khô
không được dùng làm công chất chữa cháy;
(g) Các không gian
hạn chế phải được thử đối với cả hơi Formic axit và khí cacbon monoxide, một
sản phẩm của sự phân hủy;
(h) Chỉ áp dụng cho
p-Xylen;
(i) Đối với hỗn hợp
có chứa các thành phần không phải là chất nguy hiểm ô nhiễm và là chất ô nhiễm
loại Y hoặc thấp hơn;
(j) Chỉ hiệu quả với
bọt chịu cồn nhất định;
(k) Các quy định đối
với loại tàu xác định trong cột “e” theo điều 4.1.3 Phụ lục II MARPOL 73/78;
(l) Áp dụng khi điểm nóng
chảy bằng hoặc lớn hơn 0oC.
Chương
17
DANH MỤC HÓA CHẤT QUY CHUẨN NÀY KHÔNG
ÁP DỤNG
17.1 Quy
định chung
17.1.1 Phạm
vi áp dụng
1 Mặc dù các
sản phẩm liệt kê ở Bảng 1/17.1 không thuộc phạm vi của Quy chuẩn này nhưng do
thực tế vẫn cần một số biện pháp an toàn cho quá trình vận chuyển an toàn các
sản phẩm đó. Do đó, khi tàu chở các sản phẩm liệt kê ở Bảng 1/17.1 phải có các
biện pháp thích hợp được thẩm định để đảm bảo an toàn.
Tên sản phẩm (cột a)
(1) Trong một số
trường hợp, tên sản phẩm có thể không giống các tên cho trong các văn bản trước
của IBC Code;
(2) Loại chất ô nhiễm
(cột b)
Chữ Z chỉ loại ô
nhiễm được quy định cho mỗi sản phẩm theo Phụ lục II của MARPOL 73/78;
“OS” chỉ sản phẩm đã
được đánh giá và không thuộc loại X, Y hoặc Z.
Bảng 1/17.1 Danh mục
hóa chất không áp dụng trong Quy chuẩn này
a
|
b
|
Tên
sản phẩm
|
Loại ô nhiễm (1)
|
Acetone
|
Z
|
Alcoholic
beverages, n.o.s.
Đồ uống có cồn, nếu
không có mô tả khác
|
Z
|
Apple juice
Nước táo ép
|
OS
|
n-Butyl alcohol
Rượu n-Butyl
|
Z
|
sec-Butyl alcohol
|
Z
|
Calcium carbonate
slurry
Calcium carbonate
thể huyền phù
|
OS
|
Calcium nitrate
solutions (≤ 50%)
Dung dịch Calcium
nitrate (≤ 50%)
|
Z
|
Clay slurry
Đất sét thể huyền
phù
|
OS
|
Coal slurry
Than đá thể huyền
phù
|
OS
|
Diethylene glycol
|
Z
|
Ethyl alcohol
Rược Ethyl
|
Z
|
Ethylene carbonate
|
Z
|
Glucose solution
Dung dịch Glucose
|
OS
|
Glycerine
|
Z
|
Glycerol
ethoxylated
|
OS
|
Hexamethylenetetramine
solutions
Dung dịch
Hexamethylenetetramine
|
Z
|
Hexylene glycol
|
Z
|
Hydrogenated starch
hydrolysate
|
OS
|
Isopropyl alcohol
|
Z
|
Kaolin slurry
Kaolin thể huyền
phù
|
OS
|
Lecithin
|
OS
|
Magnesium hydroxide
slurry
Magnesium hydroxide
thể huyền phù
|
Z
|
Maltitol solution
Dung dịch Maltitol
|
OS
|
N-Methylglucamine
solution (≤ 70%)
Dung dịch
N-Methylglucamine (≤ 70%)
|
Z
|
Methyl propyl
ketone
|
Z
|
Microsilica slurry
Microsilica thể
huyền phù
|
OS
|
Molasses
|
OS
|
Noxious liquid,
(11) n.o.s. (trade name..., contains…,) Cat. Z(2)
Chất lỏng độc, (11)
nếu không có mô tả khác. (tên thương mại..., bao gồm....,) Cat. Z(2)
|
Z
|
Non-noxious liquid,
(12) n.o.s. (trade name..., contains...,) Cat. OS(2)
Chất lỏng không
độc, (12) nếu không có mô tả khác. (tên thương mại..., bao gồm...,) Cat. Z(2)
|
OS
|
Orange juice
(concentrated)
Nước cam (cô đặc)
|
OS
|
Orange juice (not
concentrated)
Nước cam (không cô
đặc)
|
OS
|
Polyaluminium
chloride solution
Dung dịch
Polyaluminium chloride
|
Z
|
Polyglycerin,
sodium salt solution (containing < 3% sodium hydroxide)
Polyglycerin,
dung dịch muối natri (bao gồm < 3% sodium hydroxide)
|
Z
|
Potassium chloride
solution (< 26%)
Dung dịch Potassium
chloride (< 26%)
|
OS
|
Potassium formate
solutions
Dung dịch Potassium
formate
|
Z
|
Propylene carbonate
|
Z
|
Propylene glycol
|
Z
|
Sodium acetate
solutions
Dung dịch Sodium
acetate
|
Z
|
Sodium bicarbonate
solution (< 10%)
Dung dịch Sodium
bicarbonate (< 10%)
|
OS
|
Sodium sulphate solutions
Dung dịch Sodium
sulphate
|
Z
|
Sorbitol solution
Dung dịch Sorbitol
|
OS
|
Sulphonated
polyacrylate solution
Dung dịch
Sulphonated polyacrylate
|
Z
|
Tetraethyl silicate
monomer/ oligome (20% in ethanol)
|
Z
|
Triethylene glycol
|
Z
|
Vegetable protein
solution (hydrolysed)
Dung dịch protein
thực vật (hydrolysed)
|
OS
|
Water
Nước
|
OS
|
Chú thích:
(1) Một số hợp chất lỏng
được coi là loại Z và là đối tượng áp dụng một số yêu cầu của phụ lục II MARPOL 73/78;
(2) Các hỗn hợp lỏng được
đánh giá hoặc đánh giá tạm thời theo quy định 6.3 của phụ lục II MARPOL 73/78
thuộc loại Z hoặc OS và không gây nguy hiểm về an toàn, có thể được chở theo
nội dung thích hợp trong Bảng “Các hợp chất lỏng độc hoặc không độc, nếu không
có mô tả khác (n.o.s)”.
Phần
3
QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP VÀ QUẢN LÝ
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
1.1 Phân cấp
phương tiện
1.1.1 Các phương
tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm thuộc đối tượng áp dụng nêu
tại 1.1 Phần 1 của Quy chuẩn này, chỉ được đăng ký và trao cấp sau khi đã được
Đăng kiểm kiểm tra phân cấp thân tàu và trang thiết bị, hệ thống máy tàu, trang
bị điện, phương tiện phòng, phát hiện và dập cháy, phương tiện thoát nạn, ổn
định, chống chìm, mạn khô theo quy định tại Phần 2 của Quy chuẩn này và thỏa
mãn các yêu cầu của các quy chuẩn khác có liên quan mà tàu phải áp dụng sẽ được
trao cấp và cấp các hồ sơ đăng kiểm theo quy định tại Phần 1 của Sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT.
1.1.2 Việc trao cấp
cho phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm theo quy định
tại Chương 2 Phần 1 của Sửa đổi 1:2015 QCVN
72:2013/BGTVT.
1.1.3 Các phương
tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm nhập khẩu phải được kiểm
tra phân cấp theo Quy chuẩn này.
1.1.4 Các phương
tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm nhập khẩu hoặc đóng tại
nước ngoài sẽ được trao cấp và cấp hồ sơ đăng kiểm theo quy định của Quy chuẩn
này nếu chúng được các tổ chức Đăng kiểm khác kiểm tra phân cấp theo ủy quyền
của Đăng kiểm Việt Nam.
1.1.5 Việc kiểm tra
phân cấp của Đăng kiểm không thay thế công việc của các tổ chức kiểm tra chất
lượng của các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện.
1.2 Giấy
chứng nhận
1.2.1 Giấy chứng
nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa theo quy định tại các Phụ lục
41, 42, 43, 44 của Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT
ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về biểu mẫu giấy
chứng nhận và sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu
biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện
thủy nội địa được cấp khi hoàn thành thẩm định thiết kế theo quy định của Quy
chuẩn này.
1.2.2 Giấy chứng
nhận thẩm định thiết kế sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội
địa theo quy định tại Phụ lục 50 của Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT
ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về biểu mẫu giấy
chứng nhận và sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu
biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện
thủy nội địa được cấp khi hoàn thành thẩm định thiết kế theo quy định của Quy
chuẩn này.
1.2.3 Giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa theo quy
định tại các Phụ lục 38, 40 và Giấy chứng nhận đi một chuyến theo quy định tại
Phụ lục 39 của Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT
ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về biểu mẫu giấy
chứng nhận và sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu
biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện
thủy nội địa được cấp sau khi tàu hoàn thành kiểm tra phân cấp theo quy định
của Quy chuẩn này.
1.2.4 Giấy chứng
nhận sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa theo quy định
tại Phụ lục 51 của Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT
ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về biểu mẫu giấy
chứng nhận và sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu
biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện
thủy nội địa được cấp sau khi kiểm tra phù hợp với quy định của Quy chuẩn này.
1.2.5 Giấy chứng
nhận thử sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa theo quy
định tại Phụ lục 52 của Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT
ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về biểu mẫu giấy
chứng nhận và sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu
biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện
thủy nội địa được cấp sau khi kiểm tra phù hợp với quy định của Quy chuẩn này.
1.3 Thủ tục
cấp giấy chứng nhận
1.3.1 Thủ tục cấp Giấy
chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 9
của Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội
địa.
1.3.2 Thủ tục cấp
Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
được quy định tại Điều 10 của Thông tư số 48/2015/TTBGTVT
ngày 22/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm phương
tiện thủy nội địa.
1.4 Thu hồi
đăng ký kỹ thuật
1.4.1 Cơ sở
để thu hồi đăng ký kỹ thuật
Đăng kiểm sẽ thu hồi
đăng ký kỹ thuật của tàu và thông báo cho chủ tàu khi xảy ra một trong các điểm
sau:
1.4.1.1 Chủ tàu yêu
cầu;
1.4.1.2 Tàu không còn
sử dụng vì đã giải bản, tai nạn hoặc trạng thái kỹ thuật không còn phù hợp với
yêu cầu của Quy chuẩn qua kết quả kiểm tra theo quy định ở Chương 2 Phần III
của Quy chuẩn này;
1.4.1.3 Chủ tàu không
thực hiện các yêu cầu của Đăng kiểm đưa ra trong hồ sơ kiểm tra của Đăng kiểm;
1.4.1.4 Tàu không
được đưa vào kiểm tra đúng hạn quy định của Quy chuẩn này;
1.4.1.5 Chủ tàu không
thanh toán giá, lệ phí kiểm định.
1.4.2 Bảo
lưu của Đăng kiểm
Trong các trường hợp
1.5.1-3, 1.5.1-4, 1.5.1-5, Đăng kiểm có thể thu hồi đăng ký kỹ thuật trong một
thời hạn nhất định.
1.5 Phục hồi
cấp tàu
1.5.1 Kiểm
tra phục hồi cấp tàu
Theo đề nghị của chủ
tàu, Đăng kiểm có thể tiến hành kiểm tra đặc biệt để phục hồi cấp tàu đối với
tàu đã bị thu hồi đăng ký kỹ thuật. Khối lượng kiểm tra trong từng trường hợp
sẽ do Đăng kiểm quy định tùy thuộc vào tuổi tàu, lý do mà tàu bị thu hồi cấp,
cũng như công dụng và vùng hoạt động của nó.
1.5.2 Đăng
ký kỹ thuật lại
Sau khi được phục hồi
cấp, các tàu sẽ được đăng ký kỹ thuật lại vào Hồ sơ đăng ký phương tiện thủy
nội địa của Đăng kiểm.
1.6 Lưu trữ
hồ sơ trên tàu
Trên tàu phải lưu trữ
các hồ sơ sau:
1.6.1 Giấy chứng
nhận thẩm định thiết kế nêu tại 1.4.3-1 và hồ sơ thiết kế nêu tại 2.2, 2.5, 2.6
Chương 2 Phần 1B Mục II của Sửa đổi 1:2015 QCVN
72:2013/BGTVT.
1.6.2 Giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nêu tại 1.4.3-3 và các báo cáo kiểm
tra.
1.6.3 Các tài liệu
kỹ thuật như thông báo ổn định, kế hoạch ứng cứu ô nhiễm của tàu do chở các
chất lỏng độc hại của tàu gây ra và các tài liệu kỹ thuật có liên quan.
Chương 2
QUY
ĐỊNH VỀ GIÁM SÁT KỸ THUẬT
2.1 Quy định
chung
Các loại hình kiểm
tra và thời hạn kiểm tra đối với phương tiện thủy nội địa chở xô hóa chất nguy
hiểm theo quy định tại Chương 2 Phần 1A của Sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT.
2.2 Các yêu
cầu bổ sung đối với các loại hình kiểm tra
Ngoài các yêu cầu quy
định tại Chương 3 Phần 1A của Sửa đổi 1:2015
QCVN 72:2013/BGTVT, các loại hình kiểm tra đối với phương tiện thủy nội địa
chở xô hóa chất nguy hiểm còn phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
2.2.1 Kiểm tra đóng
mới
1 Trình duyệt
hồ sơ kỹ thuật tàu
Trước khi tiến hành
kiểm tra đóng mới, chủ tàu phải trình hồ sơ kỹ thuật tàu đã được Đăng kiểm thẩm
duyệt bao gồm:
(1) Thiết kế kỹ thuật
theo quy định của Sửa đổi 1:2015 QCVN
72:2013/BGTVT.
(2) Các bản thuyết
minh, bản vẽ bổ sung đối với tàu chở xô hóa chất nguy hiểm.
a) Sơ đồ bố trí:
- Cửa các khoang
hàng, cửa vào rửa các khoang hàng và các cửa khác của khoang hàng;
- Cửa khoang bơm và
cửa khoang chứa chất khí độc hại khác;
- Ống thông gió và
cửa thông gió của khoang hàng, khoang bơm và khoang bất kỳ có chứa chất khí độc
hại;
- Khu vực hàng hóa kề
nhau bao gồm cả các cửa ra vào các phòng chứa chất khí an toàn, van khí, cửa
phòng, ống thông gió và cửa, cửa sổ có bản lề có thể mở và các cửa khác;
- Chú thích các thiết
bị quan sát dùng để xếp dỡ hàng như vị trí thiết bị chỉ báo hiện số mức hàng, điều
chỉnh hàng tràn, thiết bị hiện số chỉ báo nhiệt độ hàng, bản vẽ kiểu boong.
b) Các bản vẽ và
thuyết minh các khoang hàng:
- Bản vẽ khoang hàng
bao gồm các số liệu về kết cấu, phân khoang;
- Bản vẽ khoang hàng
chở chất độc riêng biệt;
- Bản vẽ khoang hàng
áp lực tách biệt và bản tính sức bền của khoang hàng;
- Bản vẽ chi tiết hệ
thống đường ống làm hàng bao gồm cả các chi tiết đườngống dãn nở nhiệt, các
bích nối;
- Hệ thống đường ống
hàng, khoang cách ly, hệ thống đường ống hút nước đáy tàu;
- Bố trí buồng bơm
hàng và các thông số cơ bản của bơm hàng.
c) Hệ thống thông
gió:
- Bản vẽ bố trí đường
ống thông gió, quạt thông gió trong khu vực hàng, động cơ điện và thông số cơ
bản của quạt gió, động cơ điện kèm theo;
- Bản vẽ quạt thông
gió kiểu xách tay, trong đó nêu rõ vị trí và phương pháp lắp ráp quạt;
- Bố trí hệ thống
thông gió;
- Bản sơ đồ hệ thống
lắp đặt, bản thuyết minh các thiết bị quan sát kiểu hiện số đối với mức chất
lỏng;
- Bố trí các van điều
khiển chuyển hàng;
- Bản vẽ hộp vật liệu
bổ sung thành khoang kín khí;
- Bố trí hệ thống
tăng hoặc hạ nhiệt hàng hóa;
- Bố trí và thuyết
minh hệ thống, vật liệu cách nhiệt;
- Bản vẽ, thuyết minh
chi tiết vị trí cố định các bản cực và các phụ kiện khác trong khoang hàng,
khoang cách ly.
d) Phần thiết bị
điện:
- Bản vẽ và thuyết
minh các thiết bị điện trong khu vực hàng;
- Sơ đồ khu vực hàng
nguy hiểm;
- Bản vẽ sơ đồ,
nguyên lý nối dây điện;
- Bảng mục lục thiết
bị phòng nổ;
- Bản vẽ bố trí rửa
khoang hàng.
e) Hệ thống chữa
cháy:
- Sơ đồ bố trí hệ
thống chữa cháy bằng nước;
- Sơ đồ bố trí, bản
thuyết minh, bản tính hệ thống chữa cháy tĩnh tại;
- Sơ đồ bố trí, bản
tính và thuyết minh hệ thống chữa cháy bao kín chất khí độc hại.
f) Hệ thống khí trơ:
- Bản vẽ nguyên lý hệ
thống khí trơ bao gồm ống cung cấp nước làm lạnh và ống xả nước;
- Bản vẽ nguyên lý hệ
thống điều chỉnh thăm dò tự động và hiển thị;
- Thiết bị phát sinh
khí trơ;
- Bản vẽ bố trí thiết
bị làm lạnh chất khí và rửa khoang hàng;
- Bản vẽ bố trí hệ
thống phân phối khí trơ và hệ thống ống thông gió khoang hàng;
- Sổ tay điều khiển;
- Bảng quy chế chở
hàng nguy hiểm;
- Sổ nhật ký vận
chuyển hàng nêu các số liệu vận chuyển hàng, rửa hàng và số liệu hàng còn lại.
g) Số liệu chi tiết
về mặt hàng chuyên chở;
h) Các tư liệu, bản
vẽ khác mà Đăng kiểm cho là cần thiết.
2 Thực hiện
kiểm tra
Khi kiểm tra đóng mới
phương tiện thủy nội địa chở xô hóa chất nguy hiểm, Đăng kiểm viên phải căn cứ
hồ sơ thiết kế kỹ thuật, các yêu cầu của Quy chuẩn và các tài liệu hướng dẫn
của Đăng kiểm để lập khối lượng kiểm tra phù hợp.
2.2.2 Kiểm tra lần
đầu
Kiểm tra lần đầu để
trao cấp nhằm xác nhận khả năng trao cấp cho tàu lần đầu tiên được đưa đến Đăng
kiểm để phân cấp;
Khối lượng kiểm tra
phải đủ để đánh giá trạng thái kỹ thuật toàn diện của tàu và tùy thuộc vào tuổi
tàu cũng như hồ sơ kỹ thuật mà tàu có.
2.2.3 Kiểm tra định
kỳ
Kiểm tra định kỳ để
duyệt lại cấp đã trao cho tàu. Thời hạn giữa hai lần kiểm tra định kỳ là 5 năm.
Khối lượng kiểm tra định kỳ như đối với các phương tiện thủy nội địa bình
thường khác, ngoài ra còn phải lưu ý tới các hạng mục được nêu trong Bảng 1/2.2
của Quy chuẩn này.
2.2.4 Kiểm tra hàng
năm
Kiểm tra hàng năm
nhằm xác nhận các điều kiện duy trì cấp đã trao cho tàu. Thời gian giữa hai lần
kiểm tra hàng năm là 1 năm. Khối lượng kiểm tra hàng năm như đối với các phương
tiện thủy nội địa bình thường khác, ngoài ra còn phải lưu ý tới các hạng mục
được nêu trong Bảng 3/2.1 của Quy chuẩn này.
2.2.5 Kiểm tra
trung gian
Kiểm tra trung gian
nhằm xác nhận trạng thái kỹ thuật các phần chìm dưới nước để duy trì cấp đã
trao cho tàu. Trong định kỳ 5 năm phải lên đà hai lần, một trong hai lần lên đà
phải trùng với đợt kiểm tra định kỳ và khoảng cách tối đa giữa hai lần lên đà
không quá 36 tháng. Để thuận tiện cho việc kiểm tra, Đăng kiểm khuyến khích bố
trí đợt kiểm tra trung gian trùng với đợt kiểm tra hàng năm lần thứ hai hoặc
thứ ba. Khối lượng kiểm tra trung gian như đối với các phương tiện thủy nội địa
khác, ngoài ra còn phải lưu ý tới các hạng mục được nêu trong Bảng 1/2.2 của
Quy chuẩn này.
2.2.6 Kiểm tra bất
thường
2.2.6.1 Kiểm tra bất
thường tàu hoặc từng phần máy tàu, thân tàu, trang thiết bị của chúng được tiến
hành trong mọi trường hợp theo yêu cầu của chủ tàu, bảo hiểm, hoặc theo chỉ thị
đặc biệt của Nhà nước. Căn cứ vào mục đích kiểm tra, tuổi tàu và trạng thái kỹ
thuật của tàu, Đăng kiểm sẽ quy định khối lượng kiểm tra và trình tự tiến hành.
2.2.6.2 Đối với tàu
bị tai nạn thì việc kiểm tra bất thường phải được tiến hành ngay sau khi tàu bị
tai nạn. Việc kiểm tra này nhằm mục đích phát hiện hư hỏng, xác định khối lượng
công việc cần thiết để khắc phục những hậu quả do tai nạn gây ra và tiến hành
thử nghiệm nếu cần thiết cũng như xác định khả năng và điều kiện giữ cấp của
tàu.
Bảng
1/2.2. Các yêu cầu bổ sung đối với kiểm tra tàu chở xô hóa chất nguy hiểm
Hạng
mục kiểm tra
|
Hàng
năm
|
Trung
gian
|
Định
kỳ
|
Boong thời tiết
|
- Thiết bị lấy mẫu
hàng từ đường ống hâm nóng và làm mát
|
X
|
X
|
X
|
- Thiết bị đóng kín
các cửa sổ, cửa ra vào và các lỗ khoét khác trên vách ngoài thượng tầng, lầu
theo quy định
|
X
|
X
|
X
|
- Áp kế bơm chuyển
hàng lắp đặt ngoài buồng bơm
|
X
|
X
|
X
|
- Cách nhiệt hệ
thống đường ống
|
X
|
X
|
X
|
- Đo chiều dày tôn
két
|
M*1
|
|
|
Buồng bơm hàng
|
- Thiết bị ngắt cơ
khí và điện điều khiển từ xa đối với các bơm hàng và hệ thống hút khô
|
T
|
T
|
T
|
- Các thiết bị cấp
cứu cá nhân trong buồng bơm
|
X
|
X
|
X
|
- Thiết bị phân ly
hàng
|
X
|
X
|
X
|
- Hệ thống thông
gió kể cả quạt và cánh dự trữ của chúng dùng cho các không gian và
khoang kín trong khu vực hàng
|
X
|
X
|
X
|
- Hệ thống chống
tràn hàng ngược lại thiết bị trên bờ và hơi hàng
|
X
|
X
|
X
|
- Đo chiều dày tôn
két
|
M*1
|
|
|
- Các bơm hàng
|
O
|
|
|
- Bệ bơm và hệ
thống thông gió trong buồng bơm
|
X
|
X
|
X
|
Thiết bị đo, phát
hiện và báo động
|
- Thiết bị đo mức
chất lỏng, thiết bị báo động mức cao và các van kèm theo thiết bị kiểm soát
tràn
|
T
|
T
|
T
|
- Thiết bị đo mức
chất lỏng, nhiệt độ và áp lực của hệ thống chứa hàng và các thiết bị báo động
kèm theo
|
T
|
T
|
T
|
- Dụng cụ phát hiện
khí cố định và xách tay và thiết bị báo động kèm theo
|
T
|
T
|
T
|
- Thiết bị đo hàm
lượng ôxy
|
T
|
T
|
T
|
Nối đất (nối đất
giữa vỏ và ống hàng)
|
X
|
X
|
|
Hệ thống điện
|
- Thiết bị khóa
liên động
|
T
|
T
|
|
- Thử cách điện của
mạch điện trong các khu vực nguy hiểm (có thể được miễn giảm nếu cách điện
được xác nhận theo các số đo của đợt đo gần nhất do thuyền viên thực hiện)
|
M
|
M
|
|
Hệ thống kiểm soát
môi trường cho các khoang chứa hàng và các không gian kề cận
|
- Thiết bị cho trơ
hóa/đệm/làm khô và khí bù cho hao hụt thông thường và công chất làm khô
|
X
|
X
|
X
|
- Hệ thống theo dõi
kiểm soát môi trường cho các khu vực chứa hơi trong không gian chứa hàng và
các không gian trống quanh các không gian chứa hàng này.
|
X
|
X
|
X
|
Các két hàng và các
thiết bị kèm theo
|
|
|
|
- Cách nhiệt của
các khoang chứa hàng (Khi đăng kiểm viên thấy cần thiết có thể yêu cầu bóc
cách nhiệt để kiểm tra)
|
X
|
|
|
- Bệ của các két
chứa hàng, kể cả các giá đỡ, các chốt và các dụng cụ chống lăn/xóc (Khi đăng
kiểm viên thấy cần thiết có thể yêu cầu bóc cách nhiệt để kiểm tra)
|
X
|
|
|
- Thiết bị đóng kín
và làm kín của các nắp đậy của không gian chứa hàng nếu chúng đi qua boong
(Khi đăng kiểm viên thấy cần thiết có thể yêu cầu bóc cách nhiệt, tháo nắp
đậy để kiểm tra hoặc thử hoạt động nắp đậy)
|
X
|
|
|
Hệ thống chữa cháy
|
- Thử bằng cấp
không khí đối với hệ ống cố định và thử hoạt động thiết bị báo động trong các
không gian kín chứa khí nguy hiểm
|
T
|
T
|
|
- Các bộ trang bị
chữa cháy cá nhân bổ sung khi chở hàng dễ cháy, hệ thống chữa cháy các không
gian kín chứa khí nguy hiểm và thiết bị báo động thoát sự cố
|
X
|
X
|
X
|
Hệ ống chuyển hàng
và nước dằn trong các két hàng, các khoang/két bao quanh két hàng như két
dằn, buồng bơm, hầm đường ống, khoang cách ly, khoang trống và bảo vệ con
người trên boong thời tiết
|
- Thiết bị bảo vệ
|
X
|
X
|
X
|
- Thiết bị an toàn
|
X
|
X
|
X
|
- Thiết bị cấp cứu,
hồi sức
|
X
|
X
|
X
|
- Tắm khử độc và
rửa mắt
|
T
|
T
|
T
|
- Bảo vệ hô hấp cho
mục đích thoát nạn
|
X
|
X
|
X
|
- Máy nén khí (nếu
có bố trí cho thiết bị an toàn)
|
X
|
X
|
X
|
Các hạng mục thiết
bị khác
|
- Thiết bị thông
két thăng bằng tàu bị ngập, cửa kín nước v.v… được trang bị liên quan đến ổn
định sự cố, kiểm tra đến mức có thể
|
X
|
X
|
X
|
- Thiết bị lưu giữ
mẫu hàng
|
X
|
X
|
X
|
- Thiết bị chuyển
hàng vào/ra tàu ở phía mũi hoặc đuôi
|
X
|
X
|
X
|
- Ngăn di động hoặc
cố định hoặc cách ly bảo vệ boong, trang bị để chống rò hàng
|
X
|
X
|
X
|
- Đánh dấu phân
biệt đường ống kể cả bơm và van
|
X
|
X
|
X
|
- Hệ thống làm khô
ống thông gió
|
X
|
X
|
X
|
- Ống mềm chuyển
hàng kiểu được duyệt
|
X
|
X
|
X
|
- Trang bị chuyên
dùng theo yêu cầu của loại hàng cụ thể
|
X
|
X
|
X
|
- Hệ thống hâm nóng
và làm mát hàng
|
X
|
X
|
X
|
- Hệ thống điện
trong không gian/khu vực có khí nguy hiểm
|
X
|
X
|
X
|
- Nhật ký hàng, báo
cáo vận hành và các hướng dẫn liên quan đến hệ thống chứa hàng và làm hàng
|
C
|
C
|
C
|
- Bộ luật IMO tàu
chở hóa chất hoặc quy phạm liên quan
|
C
|
C
|
C
|
P - Thử áp lực; C - Kiểm tra xác
nhận;
X - KT trạng thái
chung; M - Đo;
T - Thử hoạt động; *1 - Khi đăng kiểm viên
thấy cần.
Phần
4
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
4.2 Cục Đăng kiểm
Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện quy chuẩn này thống nhất trong cả nước.
4.3 Các tổ chức,
cá nhân đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa chở xô hóa chất nguy hiểm
phải có đủ năng lực, bao gồm cả trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực có
trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu đóng mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa
phương tiện thủy nội địa chở xô hóa chất nguy hiểm.
4.4 Chủ phương
tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm duy trì
trạng thái kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra, đưa phương tiện vào kiểm
tra đúng kỳ hạn, cũng như các yêu cầu của Quy chuẩn này.
4.5 Các tổ chức,
cá nhân xuất nhập khẩu phương tiện thủy nội địa chở xô hóa chất nguy hiểm phải
đảm bảo chất lượng phương tiện theo các quy định của Quy chuẩn này và quy định
của các tiêu chuẩn có liên quan đến chở xô hóa chất nguy hiểm cũng như các quy
định việc xuất nhập khẩu phương tiện.
4.6 Các tổ chức,
cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu dùng chế tạo phương tiện thủy nội địa vỏ
thép chở xô hóa chất nguy hiểm cũng như các trang thiết bị, các trang thiết bị
lắp đặt trên phương tiện phải đảm bảo chất lượng theo Quy chuẩn này.
Phần
5
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1 Cục Đăng kiểm
Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện thống nhất Quy chuẩn này trong cả
nước. Căn cứ vào các yêu cầu quản lý phương tiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến
nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn.
5.2 Trường hợp
các tiêu chuẩn, quy định của Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung, thay thế
thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.
SỬA
ĐỔI LẦN 2:2016
QCVN 17:2011/BGTVT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ QUY
PHẠM NGĂN NGỪA Ô NHIỄM DO PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
National
technical regulation on rules for pollution prevention of inland waterway ships
LỜI NÓI ĐẦU
Sửa đổi lần 2:2016 QCVN
17:2011/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ
Giao thông vận tải) trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số /2017/TT-BGTVT ngày tháng năm
2017.
MỤC
LỤC
I.
QUY ĐỊNH CHUNG............................................................................
Chương 1 Quy
định chung..........................................................................................
1.1 Phạm vi điều chỉnh..................................................................................................
1.2 Đối tượng áp dụng.................................................................................................
1.3 Chấp nhận tiêu
chuẩn tương đương
1.4 Các quy định khác..................................................................................................
1.5 Giải thích từ ngữ.....................................................................................................
1.6 Giải thích từ ngữ.....................................................................................................
Chương 2 Quy
định xả nước ra ngoài mạn tàu...........................................................
2.1 Quy định chung......................................................................................................
2.2 Những quy định xả
nước ra ngoài mạn tàu...............................................................
2.3 Ngoại lệ.................................................................................................................
II.
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT......................................................................
Phần 1 Kiểm
tra..........................................................................................................
Chương 1 Quy
định chung..........................................................................................
1.1 Quy định chung......................................................................................................
1.2 Kiểm tra.................................................................................................................
1.3 Kiểm tra xác nhận
và các hồ sơ liên quan................................................................
Chương 2 Kiểm
tra lần đầu.........................................................................................
2.1 Kiểm tra lần đầu......................................................................................................
2.2 Các bản vẽ và hồ
sơ trình duyệt
2.3 Kiểm tra kết cấu
và trang thiết bị..............................................................................
2.4 Kiểm tra lần đầu
không có sự giám sát trong quá trình chế tạo.................................
Chương 3 Kiểm
tra chu kỳ..........................................................................................
3.1 Kiểm tra hàng năm..................................................................................................
3.2 Kiểm tra định kỳ......................................................................................................
3.3 Khối lượng kiểm
tra................................................................................................
Chương 4 Kiểm
tra bất thường...................................................................................
4.1 Phạm vi áp dụng....................................................................................................
4.2 Kiểm tra.................................................................................................................
Phần 2 Kết
cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do dầu.......................................
Chương 1 Quy
định chung..........................................................................................
1.1 Quy định chung......................................................................................................
1.2 Thuật ngữ và giải
thích............................................................................................
1.3 Yêu cầu trang bị.....................................................................................................
Chương 2 Yêu
cầu kết cấu và trang bị.........................................................................
2.1 Thiết bị phân ly
dầu nước........................................................................................
2.2 Két dầu bẩn............................................................................................................
2.3 Bơm và hệ thống
đường ống cho két dầu bẩn.........................................................
2.4 Bích nối xả tiêu
chuẩn.............................................................................................
2.5 Két thu hồi hỗn
hợp dầu nước.................................................................................
2.6 Hệ thống bơm
chuyển hỗn hợp dầu nước................................................................
2.7 Két lắng.................................................................................................................
2.8 Các yêu cầu đối
với phương tiện tiếp nhận..............................................................
Phần 3 Kết
cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải..............................
Chương 1 Quy
định chung..........................................................................................
1.1 Quy định chung......................................................................................................
1.2 Thuật ngữ và giải
thích............................................................................................
1.3 Yêu cầu trang bị.....................................................................................................
Chương 2 Yêu
cầu về kết cấu trang thiết bị.................................................................
2.1 Két chứa................................................................................................................
2.2 Hệ thống bơm, phương
tiện chuyển nước thải.........................................................
Phần 4 Kết
cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do chất lỏng độc hại..................
Chương 1 Quy
định chung..........................................................................................
1.1 Quy định chung......................................................................................................
1.2 Các thuật ngữ và
giải thích......................................................................................
1.3 Yêu cầu trang bị
việc bố trí trả hàng, két lắng, bơm và đường ống...........................
Chương 2 Yêu
cầu kết cấu và trang thiết bị.................................................................
2.1 Thiết bị của hệ
thống thông gió...............................................................................
2.2 Hệ thống đo tự
động ghi và điều khiển việc thải cặn độc..........................................
2.3 Hệ thống thải cặn
các chất lỏng độc hại...................................................................
2.4 Hệ thống hàng........................................................................................................
2.5 Hệ thống xả dưới
đường nước...............................................................................
Phần 5 Kết
cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do rác........................................
Chương 1 Quy
định chung..........................................................................................
1.1 Quy định chung......................................................................................................
1.2 Thuật ngữ và giải
thích............................................................................................
1.3 Yêu cầu trang bị.....................................................................................................
Chương 2 Yêu
cầu kết cấu và trang thiết bị.................................................................
2.1 Thiết bị chứa rác.....................................................................................................
Phần 6 Kế
hoạch ứng cứu ô nhiễm vùng nước ngoài tàu do dầu của tàu...................
Chương 1 Quy
định chung..........................................................................................
1.1 Quy định chung......................................................................................................
Chương 2 Yêu
cầu kỹ thuật.........................................................................................
2.1 Quy định chung......................................................................................................
2.2 Hạng mục trong Kế
hoạch.......................................................................................
2.3 Phụ lục bổ sung
cho Kế hoạch................................................................................
Phần 7 Kế
hoạch ứng cứu ô nhiễm vùng nước ngoài tàu do các chất lỏng độc hại của tàu
Chương 1 Quy
định chung..........................................................................................
1.1 Quy định chung......................................................................................................
Chương 2 Yêu
cầu kỹ thuật.........................................................................................
2.1 Quy định chung......................................................................................................
2.2 Hạng mục trong Kế
hoạch.......................................................................................
2.3 Phụ lục bổ sung
cho Kế hoạch................................................................................
III.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ.................................................................
IV.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN.......................................
V.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN.....................................................................
PHỤ
LỤC.............................................................................................
1 Phụ lục I: Các quy
định về vùng nước được bảo vệ đặc biệt.........................................
2 Phụ lục II: Những
quy định thải xuống vùng nước bảo vệ đặc biệt.................................
3 Phụ lục III: Danh mục
các chất lỏng không phải là chất độc hại......................................
QUY PHẠM NGĂN NGỪA Ô NHIỄM DO PHƯƠNG TIỆN
THỦY NỘI ĐỊA
Rules
for pollution prevention of inland waterway ships
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Chương 1
QUY
ĐỊNH CHUNG
1.1 Phạm vi điều
chỉnh
1.1.1 Quy chuẩn này
quy định việc kiểm tra, kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp đặt
trên các phương tiện thủy nội địa nhằm ngăn ngừa ô nhiễm do hoạt động của các
phương tiện này gây ra.
1.1.2 Quy chuẩn này
không áp dụng đối với các tàu thể thao, vui chơi giải trí, phương tiện dùng vào
mục đích an ninh, quốc phòng, tàu cá.
1.2 Đối
tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng
đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến các phương tiện thủy
nội địa thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1, bao gồm: Đăng kiểm Việt Nam (sau
đây viết tắt là “Đăng kiểm”); các chủ tàu; cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải,
phục hồi, sửa chữa và khai thác phương tiện thủy nội địa; cơ sở thiết kế, chế
tạo trang thiết bị, vật liệu, máy móc được lắp đặt trên tàu.
1.3 Chấp
nhận tiêu chuẩn tương đương
Cơ quan đăng kiểm
chấp nhận lắp đặt trên tàu các phụ tùng, vật liệu, thiết bị hoặc máy móc khi
chúng thỏa mãn các tiêu chuẩn của các tổ chức đăng kiểm khác trên thế giới và
được Đăng kiểm Việt Nam công nhận.
1.4 Các quy
định khác
Cơ quan đăng kiểm đưa
ra các yêu cầu bổ sung về biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm khi có quy định mới của
cơ quan có thẩm quyền.
1.5 Tài liệu
viện dẫn
1.5.1 Sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT - Quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về phân cấp đóng phương tiện thủy nội địa.
1.5.2 QCVN 25:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ.
1.5.3 QCVN 14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về nước thải sinh hoạt.
1.6 Giải
thích từ ngữ
Các thuật ngữ không
giải thích ở Quy chuẩn này được áp dụng theo các giải thích của các thuật ngữ
tương ứng của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy
nội địa (Sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT).
Trong Quy chuẩn này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.5.1 Phương tiện
thủy nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có
động cơ (sau đây gọi là tàu) chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa;
1.5.2 Ô nhiễm do
phương tiện thủy nội địa gây ra được hiểu là sự thải bất kỳ chất có hại từ
phương tiện xuống vùng nước bao gồm cả sự bơm xả, thấm, rò rỉ, sự cố gây ra;
1.5.3 Dầu là dầu mỏ
dưới bất kỳ dạng nào, kể cả dầu thô, dầu đốt, dầu cặn, dầu thải và các sản phẩm
dầu mỏ đã được lọc (không phải là những hóa chất tính dầu áp dụng theo các điều
khoản của Phụ lục II Công ước Marpol 73/78) và bao gồm cả những chất nêu trong
Phụ chương I của Phụ lục I Công ước Marpol 73/78, không hạn chế tính chất chung
nêu trên;
1.5.4 Hỗn hợp dầu
nước là hỗn hợp nước có chứa hàm lượng dầu bất kỳ;
1.5.5 Dầu nhiên
liệu là bất kỳ loại dầu nào được dùng làm nhiên liệu cho máy chính và máy phụ
của tàu, được chở theo tàu;
1.5.6 Chất lỏng độc
hại là những chất được nêu trong cột Loại ô nhiễm của Chương 17 và 18 của Bộ luật
quốc tế về chở xô hóa chất hoặc tạm thời được đánh giá là những chất độc thuộc
loại X, Y hoặc Z theo quy định tại Phụ lục II MARPOL 73/78;
1.5.7 Rác là các
loại vật thể ở trên tàu được thải ra trong quá trình hoạt động của con người;
1.5.8 Các chất có
hại là những chất bất kỳ khi rơi xuống nước có khả năng gây nguy hiểm cho sức
khỏe con người, làm hại các tài nguyên động thực vật, ảnh hưởng xấu đến các điều
kiện sinh hoạt của con người và làm ảnh hưởng đến cảnh quan, giá trị của vùng
nước đó;
1.5.9 Cặn là chất
lỏng độc hại bất kỳ còn lại trong các két hàng và trong đường ống phục vụ sau
khi làm hàng;
1.5.10 Tàu dầu là
tàu được dùng để chở xô dầu ở phần lớn của các khoang hàng, và tàu được dùng để
chở xô dầu (trừ các két chứa dầu của tàu không phải dùng để chở xô dầu hàng);
1.5.11 Tàu chở xô
chất lỏng độc hại là tàu được dùng để chở xô các chất lỏng độc hại trong phần
lớn của các khoang hàng, và tàu được dùng để chở xô chất lỏng độc hại trong một
phần khoang hàng (trừ các tàu có khoang hàng được làm thích hợp để dành riêng
chở các chất lỏng độc hại không phải là chất lỏng độc hại chở xô);
1.5.12 Trang thiết
bị ngăn ngừa xả chất lỏng độc hại bao gồm hệ thống rửa, hệ thống tẩy cặn, hệ thống
xả dưới nước, thiết bị ghi của hệ thống xả cặn vào phương tiện tiếp nhận, hệ
thống nước làm loãng, hệ thống hâm hàng, hệ thống làm sạch bằng thông gió;
1.5.13 Tàu mới là
tàu được đóng mới sau ngày Quy chuẩn này có hiệu lực;
1.5.14 Tàu hiện có
là tàu không phải tàu mới;
1.5.15 Nước đã qua
xử lý bao gồm nước thải đã qua xử lý và nước lẫn dầu đã qua xử lý. Nước thải đã
qua xử lý là nước thải được xử lý đảm bảo đáp ứng các quy định của QCVN 14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về nước thải sinh hoạt; Nước lẫn dầu đã qua xử lý là hỗn hợp dầu nước được
xử lý qua thiết bị phân ly dầu nước hoặc thiết bị xử lý khác đảm bảo hàm lượng
dầu không quá 15 phần triệu (15 mg/l);
1.5.16 Vùng nước
được bảo vệ đặc biệt là vùng nước được bảo vệ về sinh thái và du lịch cần phải
áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt để tránh ô nhiễm. Vùng nước được bảo vệ
đặc biệt do Chính quyền địa phương phân định tuân theo các quy định của Chính
phủ và được quy định tại Phụ lục I của Quy chuẩn này;
1.5.17 Ngày đến hạn
hàng năm là ngày, tương ứng với ngày hết hạn của Giấy chứng nhận an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa do Đăng kiểm Việt Nam cấp;
1.5.18 Phương tiện
tiếp nhận là phương tiện được lắp ở trên bờ hoặc trên tàu (tàu tiếp nhận) để
tiếp nhận chất gây ô nhiễm do tàu gây ra. Phương tiện tiếp nhận loại ô nhiễm gì
từ loại tàu nào phải thỏa mãn các yêu cầu đối với tàu chở loại hàng đó.
Chương 2
QUY
ĐỊNH XẢ NƯỚC RA NGOÀI MẠN TÀU
2.1 Quy định
chung
2.1.1 Các quy định
về vùng nước được bảo vệ đặc biệt và những quy định thải xuống vùng nước đặc
biệt được giới thiệu ở phần này do Chính quyền các địa phương quy định tuân
theo các quy định của Chính phủ.
2.1.2 Việc quy định
vùng nước được bảo vệ đặc biệt và các quy định thải xuống vùng nước đặc biệt sẽ
do cơ quan có thẩm quyền quy định.
2.1.3 Chỉ giới vùng
nước là giới hạn vùng nước từ các phao tiêu vào bờ.
2.1.4 Các cảng nội
địa cần tổ chức các dịch vụ thu gom các chất có hại từ các phương tiện thủy để
xử lý.
2.2 Những
quy định xả nước ra ngoài mạn tàu
2.2.1 Việc xả nước
đã qua xử lý ra ngoài mạn tàu ở các vùng nước được bảo vệ đặc biệt phải tuân
theo các quy định có liên quan của Nhà nước và được nêu tại Phụ lục II của Quy
chuẩn này.
2.2.2 Khi phát
hiện thấy có sự thải vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường thì thuyền
trưởng phải có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan có thẩm quyền hoặc Chính quyền
địa phương gần nhất để có biện pháp xử lý thích hợp.
2.2.3 Thuyền trưởng
là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi và hậu quả gây ô nhiễm
do phương tiện thuộc quyền quản lý của thuyền trưởng đó gây ra.
2.3 Ngoại lệ
Việc xả nước ra ngoài
mạn tàu không áp dụng đối với các tình huống sau:
2.3.1 Để đảm bảo an
toàn cho phương tiện hoặc cứu hộ sinh mạng thuyền viên trên sông mà buộc phải
xả nước chưa qua xử lý ra ngoài mạn tàu.
2.3.2 Xả nước chưa
qua xử lý ra ngoài mạn tàu do nguyên nhân máy móc của tàu bị hư hỏng do tai
nạn. Trong trường hợp đó buộc phải áp dụng các biện pháp hợp lý để giảm lượng
xả và sớm chấm dứt việc xả.
II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
Phần
1
KIỂM TRA
Chương 1
QUY
ĐỊNH CHUNG
1.1 Quy định
chung
1.1.1 Phạm vi áp
dụng
1.1.1.1 Các quy định
trong chương này áp dụng cho việc kiểm tra kết cấu, thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm
lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa.
1.1.1.2 Kết quả kiểm
tra kết cấu thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm của phương tiện được ghi vào Giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quy định về biểu mẫu giấy chứng nhận và sổ kiểm tra an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa
và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.
1.1.2 Các loại hình
kiểm tra
Kết cấu và trang
thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm của phương tiện đã hoặc sẽ được lắp đặt xuống phương
tiện là đối tượng chịu các dạng kiểm tra sau đây:
- Kiểm tra lần đầu;
- Kiểm tra chu kỳ;
- Kiểm tra bất
thường.
1.1.2.1 Kiểm tra lần
đầu bao gồm các kiểm tra sau đây
a) Kiểm tra lần đầu
trong quá trình chế tạo
- Kiểm tra kết cấu và
thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm được chế tạo và lắp đặt xuống phương tiện, phù hợp
với thiết kế đã được Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt;
- Kiểm tra vật liệu
làm các bộ phận được lắp đặt trong kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm;
- Kiểm tra việc gia
công các bộ phận của kết cấu và trang thiết bị chính tại các thời điểm thích
hợp;
- Kiểm tra lắp đặt
các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm xuống phương tiện;
- Thử hoạt động.
b) Kiểm tra lần đầu
không có sự giám sát trong quá trình chế tạo
Kết cấu, thiết bị
ngăn ngừa ô nhiễm không có sự giám sát kỹ thuật trong quá trình chế tạo muốn
được lắp đặt xuống tàu, phải được kiểm tra để đảm bảo rằng chúng thỏa mãn các
quy định được nêu trong Quy chuẩn này.
1.1.2.2 Kiểm tra chu
kỳ bao gồm các dạng kiểm tra sau đây:
a) Kiểm tra hàng năm;
b) Kiểm tra định kỳ.
1.1.2.3 Thời hạn kiểm tra
hàng năm, kiểm tra định kỳ
Kiểm tra hàng năm,
kiểm tra định kỳ kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm của phương tiện
đang khai thác được thực hiện cùng với thời điểm kiểm tra hàng năm, định kỳ của
phương tiện.
1.1.2.4 Kiểm tra bất thường
Kiểm tra bất thường
được tiến hành vào thời điểm không trùng với thời gian kiểm tra lần đầu, kiểm
tra hàng năm, hoặc kiểm tra định kỳ và trong các trường hợp sau:
a) Khi xảy ra hư hỏng
các bộ phận quan trọng của kết cấu và thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm, hoặc khi tiến
hành sửa chữa hoán cải các bộ phận bị hư hỏng đó;
b) Khi có thay đổi
đối với Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu và/hoặc Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm
của tàu do chở các chất lỏng độc hại;
c) Các trường hợp
khác khi thấy cần thiết.
1.1.3 Hoãn kiểm tra định kỳ
Các yêu cầu để hoãn
kiểm tra định kỳ đối với kết cấu, trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm phải thỏa
mãn những quy định nêu ở mục 3.3 của TCVN
5801-1A:2005, Quy phạm Phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa.
1.2 Kiểm tra
1.2.1 Chuẩn bị kiểm tra
1.2.1.1 Tất cả các công việc
chuẩn bị cần thiết cho công việc kiểm tra lần đầu, kiểm tra chu kỳ hoặc các
dạng kiểm tra khác quy định trong Chương này phải do chủ tàu hoặc người đại
diện hợp pháp của chủ tàu chịu trách nhiệm thực hiện. Công việc chuẩn bị phải
đảm bảo độ an toàn, dễ dàng khi tiếp cận, và các điều kiện cần thiết để thực
hiện công việc kiểm tra.
1.2.1.2 Người yêu cầu kiểm
tra phải bố trí những người có hiểu biết về các quy định kiểm tra để giám sát
công việc chuẩn bị cho kiểm tra và trợ giúp trong quá trình kiểm tra.
1.2.2 Từ chối kiểm tra
Công việc kiểm tra có
thể bị từ chối nếu công tác chuẩn bị cần thiết không được thực hiện, hoặc vắng
mặt những người có trách nhiệm tham gia, hoặc khi đăng kiểm viên thấy rằng không
đảm bảo an toàn để thực hiện kiểm tra.
1.2.3 Kiến nghị
Sau khi kiểm tra nếu
thấy cần thiết phải sửa chữa, đăng kiểm viên phải thông báo kiến nghị của mình
cho chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu. Theo thông báo, việc sửa chữa phải được
thực hiện thỏa mãn những yêu cầu do đăng kiểm viên đưa ra.
1.3 Kiểm tra xác nhận và
các hồ sơ liên quan
1.3.1 Kiểm tra kết cấu và
thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm của tàu, hồ sơ sau đây phải được trình cho đăng kiểm
để xác nhận rằng các giấy chứng nhận và hồ sơ này là phù hợp và được lưu giữ
thường trực ở trên tàu: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
phương tiện thủy nội địa.
1.3.2 Tuy nhiên, khi tiến
hành kiểm tra bất thường thì việc trình các Giấy chứng nhận và hồ sơ cho đăng
kiểm viên kiểm tra có thể được giới hạn với các giấy tờ có liên quan:
1.3.2.1 Giấy chứng nhận sản
phẩm công nghiệp lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa của máy phân ly dầu -
nước.
1.3.2.2 Kế hoạch ứng cứu ô
nhiễm dầu của tàu;
1.3.2.3 Kế hoạch ứng cứu ô
nhiễm của tàu do chở các chất lỏng độc hại.
Chương 2
KIỂM TRA
LẦN ĐẦU
2.1 Kiểm tra lần đầu
Khi kiểm tra lần đầu
trong quá trình chế tạo, lắp đặt kết cấu và thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm của
phương tiện, phải kiểm tra chi tiết để xác định rằng chúng thỏa mãn các yêu cầu
tương ứng trong từng phần của Quy chuẩn này.
2.2 Các bản vẽ và hồ sơ
trình thẩm định
2.2.1 Chủ tàu hoặc chủ
thiết bị khi đề nghị kiểm tra lần đầu kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô
nhiễm do phương tiện thủy nội địa gây ra phải trình Đăng kiểm Việt Nam thẩm
định hồ sơ kỹ thuật.
2.2.1.1 Thiết bị ngăn ngừa ô
nhiễm do dầu a) Máy phân ly dầu nước:
- Thuyết minh kỹ
thuật và nguyên lý hoạt động, hướng dẫn sử dụng máy phân ly dầu nước;
- Bản vẽ bố trí máy
phân ly, bản vẽ lắp ráp bơm và các cơ cấu khác phục vụ cho máy phân ly dầu
nước;
- Sơ đồ hệ thống
thiết bị phục vụ;
- Sơ đồ nguyên lý
thiết bị điện (nếu có).
b) Két dầu cặn, két
thu hồi hỗn hợp dầu nước:
- Thuyết minh chung
và bản tính dung tích két;
- Bản vẽ két và bố
trí két (và bích nối tiêu chuẩn nếu có).
c) Két lắng:
- Thuyết minh và bản
tính dung tích két;
- Bản vẽ két và bố
trí các két (và bích nối tiêu chuẩn nếu có).
d) Hệ thống bơm
chuyển hỗn hợp dầu nước.
- Thuyết minh hệ
thống;
- Sơ đồ hệ thống.
2.2.1.2 Thiết bị ngăn
ngừa ô nhiễm do nước thải
- Thuyết minh và bản tính
dung tích két;
- Bản vẽ két và bố
trí két (và bích nối tiêu chuẩn nếu có).
2.2.1.3 Thiết bị ngăn
ngừa ô nhiễm do rác
- Thuyết minh và bản
tính dung tích két chứa rác;
- Bản vẽ két chứa rác
và bố trí két.
2.2.1.4 Thiết bị ngăn
ngừa ô nhiễm do chất độc lỏng a) Thiết bị hệ thống thông gió:
- Thuyết minh kỹ
thuật và các đặc tính kỹ thuật cơ bản;
- Bản vẽ bố trí
chung;
- Sơ đồ nguyên lý của
hệ thống;
- Bản chỉ dẫn vật
liệu sử dụng và các chi tiết đồng bộ;
- Sơ đồ nguyên lý
điện, sơ đồ điều khiển, điều chỉnh, kiểm tra, tín hiệu bảo vệ. b) Thiết bị rửa
hàng:
- Thuyết minh kỹ
thuật, nguyên lý làm việc;
- Bản vẽ kết cấu và
bản vẽ lắp ráp;
- Sơ đồ nguyên lý
điện, sơ đồ điều khiển, điều chỉnh, kiểm tra, tín hiệu bảo vệ;
- Bản danh mục các
chi tiết tương ứng cùng các chỉ dẫn các đặc tính cơ học của vật liệu.
2.2.2 Nếu tàu đóng
mới sử dụng các bản vẽ và tài liệu có liên quan đến trang thiết bị ngăn ngừa ô
nhiễm của tàu đã được thẩm định, hoặc các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm đã được
chế tạo sẵn trước khi lắp đặt xuống tàu thì việc trình thẩm định một phần hoặc
toàn bộ các bản vẽ và tài liệu đã nêu ở trên có thể được miễn giảm.
2.3 Kiểm tra
kết cấu và trang thiết bị
2.3.1 Căn cứ hồ sơ
kỹ thuật đã được đăng kiểm Việt Nam thẩm định để giám sát chế tạo các trang
thiết bị. Sau khi chế tạo, thiết bị phải được thử hoạt động, nếu thiết bị đạt
các tính năng kỹ thuật sẽ được nghiệm thu và được đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận
sản phẩm công nghiệp dùng cho phương tiện thủy nội địa.
2.3.2 Máy phân ly
dầu nước, các thiết bị xử lý nước thải, xử lý hóa chất độc hại trước khi lắp
đặt xuống tàu phải có Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp dùng cho phương tiện
thủy nội địa.
2.3.3 Các hệ thống
thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp xuống tàu phải phù hợp hồ sơ thiết kế kỹ thuật
được Đăng kiểm Việt Nam thẩm định.
2.3.4 Các thiết bị
lắp đặt phải đúng vị trí và đảm bảo các yêu cầu nêu ra trong hồ sơ thiết kế kỹ
thuật.
2.3.5 Sau khi lắp
đặt hoàn chỉnh, các thiết bị phải được thử hoạt động bằng các phương pháp thử
tương ứng cho từng thiết bị.
2.4 Kiểm tra
lần đầu không có sự giám sát trong quá trình chế tạo
2.4.1 Quy định
chung
Khi kiểm tra lần đầu
không có sự giám sát chế tạo, phải tiến hành kiểm tra về kết cấu và trang thiết
bị ngăn ngừa ô nhiễm và phải đảm bảo rằng chúng thỏa mãn các quy định được nêu
trong Quy chuẩn này.
2.4.2 Hồ sơ kỹ
thuật trình thẩm định
Kiểm tra lần đầu các
trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm không có sự giám sát của đăng kiểm trong quá
trình chế tạo, phải trình thẩm định hồ sơ kỹ thuật theo yêu cầu quy định ở 2.2
Phần 1, Chương 2 của Quy chuẩn này.
2.4.3 Kiểm tra kết
cấu và trang thiết bị
Kiểm tra lần đầu
không có sự giám sát trong quá trình chế tạo thì phải tiến hành các bước kiểm
tra liên quan tới những yêu cầu thích đáng quy định ở 2.3 Phần 1, Chương 2 của
Quy chuẩn này.
Chương 3
KIỂM
TRA CHU KỲ
3.1 Kiểm tra
hàng năm
Kiểm tra hàng năm
được thực hiện đồng thời tại đợt kiểm tra hàng năm của phương tiện để xác định
khả năng làm việc tin cậy của thiết bị.
3.2 Kiểm tra
định kỳ
Kiểm tra định kỳ được
tiến hành đồng thời tại đợt kiểm tra định kỳ của phương tiện.
3.3 Khối
lượng kiểm tra
Khối lượng kiểm tra
đối với hệ thống trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm của phương tiện được nêu
trong Bảng 1
Bảng
1. Khối lượng kiểm tra
TT
|
Đối
tượng kiểm tra
|
Loại
hình kiểm tra
|
Lần
đầu
|
Hàng
năm
|
Định
kỳ
|
1
|
Thiết bị phân ly
dầu nước
|
H;
N; T; A
|
N;T
|
K;T
|
2
|
Két dầu bẩn, két
thu hồi, két lắng
|
H;N;A
|
N
|
K;A
|
3
|
Hệ thống bơm chuyển
hỗn hợp dầu nước; Hệ thống thông gió; Hệ thống rửa hầm hàng
|
H;N;T
|
N,T
|
Đ;K;A;T
|
4
|
Thiết bị chứa rác
|
N
|
N
|
N
|
5
|
Bích nối tiêu chuẩn
|
N;T
|
N
|
N;T
|
Chú thích:
K: Kiểm tra xem xét
phát hiện khuyết tật, nếu cần có thể tháo ra để kiểm tra;
Đ: Đo độ mòn/khe hở;
N: Kiểm tra bên
ngoài;
T: Thử hoạt động;
H: Kiểm tra đối chiếu
hồ sơ;
A: Thử áp lực bằng
nước.
Chương 4
KIỂM TRA
BẤT THƯỜNG
4.1 Phạm vi áp dụng
Các quy định trong Chương
này áp dụng khi hoán cải, sửa chữa, thay đổi đối với các thiết bị ngăn ngừa ô
nhiễm trên phương tiện hoặc Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm vùng nước ngoài tàu do dầu
của tàu gây ra và/hoặc Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm vùng nước ngoài tàu do chất
lỏng độc hại của tàu gây ra khi có sửa đổi hoặc các trường hợp khác khi thấy
cần thiết.
4.2 Kiểm tra
Kiểm tra bất thường
được tiến hành ở một mức độ nào đó so với các quy định của kiểm tra định kỳ,
phù hợp với công việc sửa chữa hoặc thay đổi các trang thiết bị ngăn ngừa ô
nhiễm.
Phần
2
KẾT CẤU VÀ TRANG THIẾT BỊ NGĂN NGỪA Ô
NHIỄM DO DẦU
Chương 1
QUY
ĐỊNH CHUNG
1.1 Quy định
chung
Các quy định trong Chương
này áp dụng đối với kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do dầu từ tàu
gây ra.
1.2 Thuật
ngữ và giải thích
1.2.1 Thiết bị phân
ly dầu nước (sau đây viết tắt là thiết bị 15 ppm) phải bảo đảm sao cho bất kỳ
hỗn hợp dầu nước nào sau khi qua hệ thống lọc của thiết bị phải có hàm lượng
dầu không quá 15 phần triệu.
1.2.2 Két dầu bẩn là
két dùng để thu gom dầu cặn do quá trình lọc nhiên liệu, dầu nhờn, quá trình
lọc hỗn hợp dầu nước, dầu rò rỉ trong buồng máy.
1.2.3 Két thu hồi
hỗn hợp dầu nước là két dùng để thu gom nước lẫn dầu được tạo ra trong la canh
buồng máy.
1.2.4 Két lắng là
két để thu gom và làm lắng hỗn hợp nước lẫn dầu do rửa hầm hàng tàu dầu.
1.2.5 Hệ thống bơm
chuyển hỗn hợp dầu nước là hệ thống bao gồm bơm và đường ống chuyển hỗn hợp dầu
nước từ các két thu hồi, két lắng tới các trạm tiếp nhận hoặc chuyển nước đã
qua xử lý để xả ra mạn.
1.2.6 Khoang cách
ly là một khoang riêng biệt được thiết kế để cách ly giữa buồng máy với khoang
dầu hàng.
1.3 Yêu cầu
trang bị
1.3.1 Các tàu lắp
động cơ diesel, không phân biệt là động cơ chính hay phụ, có tổng công suất
bằng hoặc lớn hơn 220 kW phải được trang bị một trong hai phương án sau:
1.3.1.1 Thiết bị phân
ly 15 ppm và két dầu bẩn, hoặc:
1.3.1.2 Két thu hồi
hỗn hợp dầu nước và két dầu bẩn.
1.3.2 Các tàu lắp
động cơ diesel không phân biệt là động cơ chính hay phụ, có tổng công suất từ
75 kW đến 220 kW phải được trang bị ít nhất một két thu hồi hỗn hợp dầu nước và
các khay hứng dầu, đường ống thu hồi (dưới những nơi có khả năng rò rỉ dầu của
các thiết bị cung cấp dầu) về két thu hồi hỗn hợp dầu nước.
1.3.3 Các tàu lắp
động cơ diesel không phân biệt là động cơ chính hay phụ, có tổng công suất nhỏ
hơn 75 kW, thường xuyên hoạt động trong khu vực nước được bảo vệ đặc biệt hoặc
các khu vực bãi tắm, các hồ nước du lịch như ở vịnh Hạ Long, Đồ Sơn, Vũng Tàu,
Hồ Tây, Hồ Hòa Bình v.v..., và các khu nuôi trồng thủy sản phải được trang bị
như yêu cầu đối với các tàu nêu ở 1.3.2 Chương này.
1.3.4 Các tàu có
tổng công suất động cơ diesel nhỏ hơn 75 kW không thường xuyên hoạt động trong
khu vực nước được bảo vệ đặc biệt phải được trang bị ít nhất một dụng cụ đơn
giản như can nhựa, thùng phi chứa nước lẫn dầu trên tàu để đưa lên trạm tiếp
nhận xử lý.
1.3.5 Tàu chở dầu,
ngoài việc phải thỏa mãn các yêu cầu trang bị đã nêu từ 1.3.1 đến 1.3.4 của Chương
này còn phải thỏa mãn các yêu cầu về trang bị như sau:
1.3.5.1 Tàu chở dầu
có trọng tải từ 500 tấn trở lên phải trang bị két lắng chứa nước rửa hầm hàng,
dầu rò rỉ khi làm hàng để xử lý hoặc chuyển đến các trạm tiếp nhận. Các tàu dầu
có trọng tải dưới 500 tấn có thể dùng một khoang hàng làm két lắng với điều kiện
khoang hàng đó thỏa mãn các điều kiện của két lắng;
1.3.5.2 Đối với các
trạm cấp dầu lưu động, ngoài việc phải trang bị két lắng như tàu dầu còn phải
trang bị khay hứng dầu (dưới những nơi rò rỉ dầu của các thiết bị cung cấp dầu)
và két dầu bẩn.
Chương 2
YÊU
CẦU KẾT CẤU VÀ TRANG BỊ
2.1 Thiết bị
phân ly dầu nước
2.1.1 Thiết bị phân
ly dầu nước phù hợp 1.2.1 phải có thiết kế được Đăng kiểm Việt Nam thẩm định
hoặc tổ chức Đăng kiểm nước ngoài thẩm định, được Đăng kiểm Việt Nam công nhận.
2.1.2 Thiết bị phân
ly dầu nước phải làm việc tốt trong mọi điều kiện khai thác của tàu.
2.1.3 Phải đặt khay
hứng ở những nơi có thể rò rỉ nước lẫn dầu từ các máy lọc, hoặc từ các bơm và
các thiết bị có chứa dầu khác.
2.1.4 Thiết bị phân
ly dầu nước phải được đặt càng xa nguồn rung động càng tốt. Nếu nguồn rung động
lớn sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm việc của máy phân ly, khi đó phải có biện
pháp giảm sự rung động.
2.2 Két dầu
bẩn
2.2.1 Két dầu bẩn
để giữ lại cặn dầu sau khi lọc hỗn hợp dầu nước, hoặc phân ly nhiên liệu, dầu
nhờn hoặc dầu rò rỉ trong buồng máy do hoạt động của động cơ. Thể tích két dầu
bẩn không được nhỏ hơn trị số tính theo công thức sau:
V
= 0,01.C.D (m3)
Trong đó:
C - lượng tiêu hao
nhiên liệu trong 1 ngày đêm (T);
D - thời gian giữa hai
lần tàu xả hỗn hợp dầu nước tới các trạm tiếp nhận (ngày/ đêm). Nếu không có số
liệu cụ thể, D lấy bằng 5 ngày.
2.2.2 Két dầu bẩn có thể
được chế tạo bằng thép hoặc vật liệu có đặc tính kỹ thuật tương đương. Với
những két có thể tích nhỏ hơn 0,1 m3 có thể dùng một hoặc nhiều dụng cụ thích hợp
để chứa dầu cặn nhưng phải có biện pháp cố định chắc chắn các dụng cụ này vào
thân tàu đảm bảo chúng không bị đổ trong mọi điều kiện khai thác của tàu.
2.2.3 Với các két dầu bẩn
được chế tạo bằng thép liền vỏ phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
2.2.3.1 Với các két dầu bẩn
có dung tích lớn hơn 0,2 m3 có thể được bố trí sát vách hoặc thân tàu
nhưng phải ở nơi thuận tiện cho việc kiểm tra và vệ sinh, đáy két phải có chiều
nghiêng về phía họng hút hỗn hợp dầu nước;
2.2.3.2 Két dầu bẩn liền vỏ
phải được thử thủy lực với áp lực như thử các két liền vỏ khác;
Với các két không
liền vỏ thì các két đó phải được cố định chắc chắn vào thân tàu, đảm bảo két
không bị đổ trong mọi điều kiện khai thác của tàu.
2.2.4 Mỗi két dầu bẩn có
thể tích từ 0,2 m3 trở
lên phải có hệ thống bơm chuyển hỗn hợp dầu nước. Đường ống của hệ thống dẫn
lên mặt boong chính phải ở vị trí thuận lợi để nối với ống chuyển dầu bẩn vào
trạm tiếp nhận thông qua bích nối tiêu chuẩn. Miệng hút của ống này phải cách
đáy két ít nhất là 15 mm để có khả năng hút hết hỗn hợp dầu nước trong két,
tránh ăn mòn đáy két. Ống chuyển dầu bẩn tránh xuyên qua các két dầu đốt, dầu
nhờn hoặc két nước sinh hoạt. Trong trường hợp phải xuyên qua các két nêu trên
thì ống phải được tăng chiều dày thích hợp.
2.2.5 Mỗi két phải có nắp
đậy chắc chắn nhưng phải đảm bảo đóng mở dễ dàng để kiểm tra và vệ sinh.
2.2.6 Mỗi két phải có ống
thông hơi và ống đo để nhận biết mức chất lỏng trong két. Miệng ống thông hơi
phải có kết cấu phòng hỏa.
2.2.7 Đối với các két có
thể tích nhỏ hơn 0,2 m3, có thể thay bằng xô nhựa hoặc các biện pháp
tương đương khác để vận chuyển dầu bẩn đến các trạm tiếp nhận.
2.2.8 Kết cấu và hệ thống
đường ống của các két dầu bẩn theo quy định nêu ở 2.2.3; nói trên phải thỏa
mãn các yêu cầu từ 2.2.8.1 đến 2.2.8.3 sau đây:
2.2.8.1 Các lỗ khoét dùng cho
người chui hoặc các lỗ để làm vệ sinh có kích thước thích hợp phải được bố trí
tại các vị trí sao cho toàn bộ bên trong két có thể được làm sạch dễ dàng;
2.2.8.2 Phải trang bị các
phương tiện thích hợp để dễ dàng hút và xả cặn dầu;
2.2.8.3 Trừ bích nối xả tiêu
chuẩn được nêu ở 2.4 của Phần này, không được lắp đặt các bích nối xả trực tiếp
qua mạn tàu.
2.3 Bơm và hệ thống
đường ống cho két dầu bẩn
Các tàu thuộc diện áp
dụng Quy chuẩn này được kiểm tra đăng kiểm lần đầu sau ngày Quy chuẩn này có
hiệu lực, hoặc ở giai đoạn đóng tương tự phải thỏa mãn các yêu cầu sau đây, bổ
sung thêm vào điều nêu ở 2.2.8 nêu trên:
2.3.1 Đường ống xả của két
và đường ống hút khô buồng máy không được nối với nhau, trừ khi các đường ống
để xả phần nước của két nước lẫn dầu đã được làm lắng ra khỏi két. Tuy nhiên, điều
này được giới hạn cho các trường hợp mà việc xả được thực hiện nhờ van tự đóng
được thao tác bằng tay hoặc các thiết bị đóng kín tương đương.
2.3.2 Phải trang bị các bơm
thỏa mãn các yêu cầu sau để xả dầu bẩn ra khỏi két:
2.3.2.1 Không dùng chung bơm
khác với bơm nước la canh buồng máy nhiễm dầu.
2.3.2.2 Bơm phải là kiểu phù
hợp để xả cặn lên các thiết bị thu gom trên bờ.
2.3.2.3 Lưu lượng của bơm
được tính theo công thức dưới đây. Tuy nhiên, lưu lượng bơm không nhỏ hơn 0,5
(m3/h):
Q
= (m3/h)
Trong đó:
V- được nêu ở 2.2.1
của Chương này.
t = 4 giờ
2.4 Bích nối
xả tiêu chuẩn
Đường ống của phương
tiện tiếp nhận nối được với đường ống xả của két dầu bẩn, két hỗn hợp dầu nước
được lắp đặt theo các yêu cầu ở 2.2.6 và 2.5.1 của Quy chuẩn này, phải trang bị
một bích nối tiêu chuẩn phù hợp với Bảng 2.
Hình
1. Bích nối xả tiêu chuẩn
Bảng
2. Kích thước tiêu chuẩn của mặt bích nối xả
Các
chi tiết
|
Quy
định
|
Đường kính ngoài
|
215 mm
|
Đường kính trong
|
Đường kính tương
ứng một cách hợp lý với
đường
kính ngoài
|
Đường kính vòng
tròn lăn
|
183 mm
|
Rãnh khía (lỗ bắt
bu lông) trên mặt bích nối
|
Phải khoan 6 lỗ
đường kính 22 mm ở trên đường kính vòng tròn lăn tại các khoảng cách góc
bằng nhau, và phải gia công các rãnh rộng 22 mm từ các lỗ này thấu tới vành
ngoài của bích nối
|
Chiều dày của bích
nối
|
20 mm
|
Số lượng và đường
kính của các bu lông và đai ốc với chiều dày thích hợp
|
6 bộ đường kính 20
mm
|
Bích nối phải làm
bằng thép hoặc vật liệu tương đương với các bề mặt nhẵn. Bích nối phải chịu
được áp suất làm việc 0,6 MPa khi một miếng đệm kín dầu được lồng vào.
|
2.5 Két thu hồi hỗn hợp
dầu nước
2.5.1 Thể tích két thu hồi
hỗn hợp dầu nước không được nhỏ hơn các trị số sau:
2.5.1.1 Đối với các tàu có
tổng công suất động cơ diesel lớn hơn hoặc bằng 220 kW thì thể tích két thu hồi hỗn hợp dầu
nước lớn gấp đôi trị số tính két dầu bẩn, nhưng không nhỏ hơn 0,15 m3 (lấy trị số nào lớn
hơn).
2.5.1.2 Đối với các tàu có
tổng công suất động cơ diesel nhỏ hơn 220 kW thì thể tích két được lấy theo
Bảng 3.
Bảng
3. Thể tích két chứa hỗn hợp dầu nước
TT
|
Tổng
công suất máy (kW)
|
Thể
tích két chứa (m3)
không nhỏ hơn
|
1
|
Nhỏ
hơn hoặc bằng 35
|
0,01
|
2
|
35
đến 75
|
0,05
|
3
|
75
đến 135
|
0,10
|
4
|
135
đến 220
|
0,15
|
2.5.2 Các yêu cầu về kết
cấu két thu hồi hỗn hợp dầu nước tương tự như két dầu bẩn đã được giới thiệu ở
2.2 của Chương này.
2.5.3 Việc bố trí phải sao
cho có khả năng chuyển nước lẫn dầu do tạo ra trong buồng máy từ tàu vào cả két
giữ nước bẩn và từ tàu lên phương tiện tiếp nhận, trạm tiếp nhận trên bờ. Trong
trường hợp này, két phải được nối thích hợp với bích nối xả tiêu chuẩn được nêu
ở Bảng 2 điều 2.4.
2.6 Hệ thống bơm chuyển
hỗn hợp dầu nước
2.6.1 Bơm để chuyển hỗn hợp
dầu nước có thể là bơm tay hoặc bơm điện.
2.6.2 Các đường ống xả nước
sau thiết bị lọc phải được dẫn lên boong hở hoặc ra mạn ở vị trí cao hơn đường
nước đầy tải.
2.6.3 Ở chỗ nối của đường
ống với các két hoặc các khoang hàng làm két lắng phải bố trí các van hoặc cơ
cấu chặn. Các đường ống phải bố trí cách đáy tàu càng xa càng tốt.
2.6.4 Việc khởi động bơm
hút phải tiến hành bằng tay.
2.6.5 Ở những chỗ thuận
tiện phải đặt các ống mềm nối với bích nối tiêu chuẩn. Các ống mềm phải thỏa mãn
các yêu cầu sau:
2.6.5.1 Áp suất thử không
được nhỏ hơn 0,3 MPa hoặc ít nhất phải bằng 1,5 lần áp suất làm việc lớn nhất
của bơm;
2.6.5.2 Áp suất làm việc
không được nhỏ hơn 0,1 MPa nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được nhỏ hơn áp
suất làm việc lớn nhất của bơm;
2.6.5.3 Vật liệu của ống mềm
phải là vật liệu chịu được dầu và các sản phẩm của dầu;
2.6.5.4 Cơ cấu nối (ren,
bích...) phải đảm bảo độ tin cậy và loại trừ khả năng tự nới lỏng.
2.7 Két lắng
2.7.1 Tổng dung tích các
két lắng không được nhỏ hơn 3% tổng dung tích chở dầu của các hầm hàng. Két
lắng phải được cách ly với các khoang khác (trừ khoang hàng) bằng khoang cách
ly có chiều ngang ít nhất là 0,5 m.
2.7.2 Các két lắng phải
thiết kế sao cho việc bố trí các lỗ vào và lỗ ra, các vách ngăn và lưới kim
loại tránh tạo ra dòng xoáy của dầu hoặc nhũ tương trong nước.
2.7.3 Phải trang bị đủ
phương tiện để làm sạch các két hàng và vận chuyển cặn nước dầu bẩn do rửa két
hàng từ các két hàng về két lắng.
2.7.4 Két lắng phải có
đường ống dẫn lên mặt boong chính ở vị trí thuận lợi nối với bích nối tiêu
chuẩn để chuyển hỗn hợp dầu nước đến các trạm tiếp nhận.
2.7.5 Tàu chở dầu không
được chứa nước dằn trong các hầm hàng. Trong tình huống đặc biệt phải chứa nước
dằn ở hầm hàng thì nước dằn phải được chuyển đến các trạm tiếp nhận, không xả
ra vùng nước ngoài tàu.
2.8 Các yêu cầu đối với
phương tiện tiếp nhận
2.8.1 Việc thiết kế tàu
tiếp nhận phải lưu ý đến các thiết bị khi sử dụng có thể gây nghiêng ngang
tàu.
2.8.2 Phải trang bị ít nhất
một thiết bị phân ly dầu nước phù hợp quy định 2.1 của chương này để lọc hỗn
hợp dầu nước.
2.8.3 Các két chứa dầu phải
thỏa mãn Phần 3 Hệ thống máy tàu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương
tiện thủy nội địa (sửa đổi 1:2015 QCVN 72:2013/BGTVT).
2.8.4 Phải trang bị bơm và
hệ thống ống chuyển các chất có hại đến trạm tiếp nhận trên bờ hoặc xả nước đã
qua xử lý.
Phần
3
KẾT CẤU VÀ TRANG THIẾT BỊ NGĂN NGỪA Ô NHIỄM DO NƯỚC THẢI
Chương 1
QUY ĐỊNH
CHUNG
1.1 Quy định chung
Các quy định trong Chương
này áp dụng đối với kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải từ
tàu gây ra.
1.2 Thuật ngữ và giải
thích
1.2.1 Nước thải là:
1.2.1.1 Nước và các phế thải
khác từ bất kỳ các nhà vệ sinh nào;
1.2.1.2 Nước từ các hố, bể
tắm và lỗ thoát nước ở trong buồng chữa bệnh (phòng chữa bệnh ngoại trú, buồng bệnh
nhân...);
1.2.1.3 Nước từ các buồng
chứa động vật sống; hoặc
1.2.1.4 Các dạng nước thải
khác khi chúng được hòa lẫn với những loại nước nêu trên.
1.2.2 Két chứa là két dùng
để thu gom và chứa nước thải.
1.2.3 Hệ thống chuyển chất
thải là hệ thống bao gồm bơm hoặc phương tiện, thiết bị và đường ống để chuyển
nước thải từ két chứa tới trạm tiếp nhận hoặc xả nước thải đã qua thiết bị xử
lý xuống sông.
1.3 Yêu cầu trang bị
1.3.1 Phương tiện hoạt động
thường xuyên trong các khu vực được bảo vệ đặc biệt và các bãi tắm như Bãi
Cháy, Đồ Sơn, Vũng Tàu v.v... và các hồ nước có hoạt động thăm quan du lịch như
Hồ Tây, Hồ Hòa Bình v.v... các khu nuôi trồng thủy sản phải được trang bị két
chứa để chuyển đến nơi tiếp nhận.
1.3.2 Các nhà hàng nổi phải
trang bị thiết bị xử lý nước thải hoặc các két chứa trước khi chuyển lên bờ để
xử lý.
1.3.3 Phương tiện không
thường xuyên hoạt động trong các vùng nước như nêu ở 1.3.1, khi hoạt động trong
các vùng nước đó phải có biện pháp giữ lại nước thải để chuyển đến các trạm
tiếp nhận.
Chương 2
YÊU CẦU
VỀ KẾT CẤU TRANG THIẾT BỊ
2.1 Két chứa
2.1.1 Thể tích két chứa
không được nhỏ hơn trị số được tính theo công thức sau:
V
= f.n.q.t
Trong đó:
V - thể tích két chứa
(lít);
f - hệ số tính đến điều
kiện khai thác;
f = 1 đối với tàu có
thời gian hoạt động trên 8 giờ ở khu vực cấm thải;
f = 0,3 đến 0,5 đối
với tàu có thời gian hoạt động từ 4 đến 8 giờ ở khu vực cấm thải;
f = 0,1 đối với tàu
có thời gian hoạt động dưới 4 giờ ở khu vực cấm thải;
n - số người thường
xuyên ở trên tàu (hoặc số lượng động vật chuyên chở có trọng lượng từ 30 kg trở
lên);
q - Lượng nước thải
hàng ngày tính cho 1 người (lít/ngày);
q = 50 lít/ngày đối
với với tàu;
q = 200 lít/ngày đối
với nhà hàng nổi;
t - thời gian (ngày)
tàu hoạt động giữa các lần chuyển nước thải lên bờ hoặc xả ra xa vùng cấm thải.
2.1.2 Két chứa được chế tạo
bằng thép, composite dùng trong đóng tàu có tính lan truyền ngọn lửa chậm hoặc
bằng vật liệu tương đương. Két chứa có thể gắn liền với thân tàu hoặc tách rời.
Bề mặt bên trong của két chứa phải nhẵn và được sơn phủ bảo vệ hoặc các biện
pháp tương đương để chịu được tác động của nước thải. Đối với két chứa có dung
tích lớn hơn 0,2 m3 thì
mặt đáy của két chứa phải có độ nghiêng về phía ống hút. Két chứa phải có nắp
đậy chắc chắn, đóng mở dễ dàng để kiểm tra và làm vệ sinh.
2.1.3 Két chứa không được
bố trí liền với các két nước sinh hoạt và các buồng làm việc.
2.1.4 Đối với két chứa có
dung tích từ 0,2 m3 trở
lên phải có hệ thống bơm chuyển nước thải đến các trạm tiếp nhận. Đường ống của
hệ thống dẫn lên mặt boong chính phải ở vị trí thuận lợi để nối với bích nối
tiêu chuẩn. Miệng ống hút phải cách đáy một khoảng 15 mm để có thể hút hết nước
thải đồng thời tránh ăn mòn đáy két.
2.1.5 Đối với két chứa nước
thải có dung tích nhỏ hơn 0,1 m3 có thể dùng các dụng cụ thích hợp để chứa,
nhưng chúng phải có nắp đậy chắc chắn và cố định chắc vào thân tàu.
2.1.6 Két phải được thử
thủy lực với áp lực bằng 1,5 lần áp suất của cột nước đo từ đáy két đến mép
thấp nhất của thiết bị vệ sinh không có khóa trong ống xả.
2.1.7 Đối với két chứa nước
thải có dung tích nhỏ hơn 0,2 m3 thì không yêu cầu trang bị hệ thống bơm hoặc
phương tiện để chuyển nước thải, có thể dùng xô, gáo hay các biện pháp khác để
chuyển nước thải đến trạm tiếp nhận, hoặc xả lên bờ, hoặc xả ra những nơi thích
hợp.
2.2 Hệ thống bơm, phương
tiện chuyển nước thải
2.2.1 Để chuyển nước thải
tới phương tiện tiếp nhận phải có ít nhất một bơm hoặc phương tiện thủ công như
xô, gáo và vật dụng khác có khả năng chuyển được nước thải từ tàu lên trạm tiếp
nhận.
2.2.2 Đường ống vận chuyển
nước thải lên phương tiện tiếp nhận không được đi qua két nước sinh hoạt và
phải dẫn lên mặt boong chính ở vị trí thuận lợi và nối với đường ống tiếp nhận
thông qua bích nối tiêu chuẩn.
Phần
4
KẾT CẤU VÀ TRANG THIẾT BỊ NGĂN NGỪA Ô NHIỄM DO CHẤT LỎNG
ĐỘC HẠI
Chương 1
QUY ĐỊNH
CHUNG
1.1 Quy định chung
Những quy định của Chương
này áp dụng đối với kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do chất lỏng
độc hại từ tàu gây ra.
1.2 Các thuật ngữ và giải
thích
1.2.1 Chất lỏng độc hại là
chất có hại bất kỳ ở thể lỏng không phải các chất được nêu ở Phụ lục III của Quy chuẩn này.
1.2.2 Chất độc lỏng được
phân ra các loại sau đây:
1.2.2.1 Loại X là các chất
độc lỏng độc hại được thải ra từ các hoạt động vệ sinh két hoặc xả nước dằn két
trên tàu gây nên mối nguy hiểm lớn cho tài nguyên của nguồn nước ngoài tàu hoặc
sức khỏe con người, do đó phải cấm thải ra môi trường nước ngoài tàu.
1.2.2.2 Loại Y là các chất độc
lỏng độc hại được thải ra từ các hoạt động vệ sinh hoặc xả nước dằn két trên
tàu gây nên mối nguy hiểm lớn cho tài nguyên của nguồn nước ngoài tàu hoặc sức
khỏe con người, làm xấu các điều kiện giải trí hoặc cản trở các hình thức sử
dụng khai thác nguồn lợi về sông, biển, do đó phải có biện pháp nghiêm ngặt hạn
chế về hàm lượng và khối lượng chất lỏng thải ra môi trường nước ngoài tàu.
1.2.2.3 Loại Z là các chất
độc lỏng độc hại được thải ra từ các hoạt động vệ sinh hoặc xả nước dằn két
trên tàu gây nên mối nguy hiểm không lớn cho tài nguyên của sông, biển hoặc sức
khỏe con người, do đó phải có biện pháp tương đối nghiêm ngặt để hạn chế về hàm
lượng và khối lượng chất lỏng thải ra môi trường nước ngoài tàu.
1.2.2.4 Loại OS (Other
Substances) là các chất độc lỏng không thuộc một trong các loại X, Y hoặc Z nêu
ở trên chúng được xem như không gây hại cho sức khỏe con người, ít làm xấu điều
kiện nghỉ ngơi hoặc gây cản trở cho việc sử dụng nguồn nước và đòi hỏi phải
thận trọng trong khai thác. Việc thải nước lẫn các chất này hoặc các nước dằn,
cặn hoặc các hỗn hợp chỉ chứa chất OS sẽ không phải áp dụng bất kỳ điều yêu cầu
nào hạn chế việc thải ra môi trường nước ngoài tàu.
1.2.3 Hỗn hợp đồng thể: Là
hỗn hợp gồm cặn và các chất độc lỏng và nước khi thải ra có nồng độ các chất
độc lỏng dưới 25 % nồng độ trung bình của các chất đó chứa trong két, hầm.
1.2.4 Hỗn hợp không đồng
thể: Hỗn hợp không phải là hỗn hợp đồng thể.
1.2.5 Tàu chở hóa chất lỏng
độc hại: Là tàu được đóng để chở hoặc thích nghi cho việc chở xô các chất độc
lỏng. Khái niệm này bao gồm cả tàu dầu và được sử dụng để chở xô chất độc lỏng
một phần hoặc toàn bộ.
1.3 Yêu cầu trang bị việc
bố trí trả hàng, két lắng, bơm và đường ống
1.3.1 Tất cả các tàu được
đóng trước ngày 01/7/1986 phải trang bị các hệ thống bơm và đường ống để đảm
bảo mỗi két được thiết kế chở chất loại X hoặc Y không được giữ lại trên tàu
một lượng cặn vượt quá 300 lít trong két và các đường ống liên kết và mỗi két
thiết kế để chở chất loại Z không được giữ lại trên tàu một lượng cặn vượt quá
900 lít trong két và các đường ống liên kết.
1.3.2 Tất cả các tàu được
đóng sau ngày 01/7/1986 nhưng trước ngày 01/01/2007 phải trang bị các hệ thống
bơm và đường ống để đảm bảo mỗi két được thiết kế chở chất loại X hoặc Y không
được giữ lại trên tàu một lượng cặn vượt quá 100 lít trong két và các đường ống
liên kết và mỗi két thiết kế để chở chất loại Z không được giữ lại trên tàu một
lượng cặn vượt quá 300 lít trong két và các đường ống liên kết.
1.3.3 Tất cả các tàu được
đóng sau ngày 01/01/2007 phải trang bị các hệ thống bơm và đường ống để đảm bảo
mỗi két được thiết kế chở chất loại X hoặc Y không được giữ lại trên tàu một
lượng cặn vượt quá 75 lít trong két và các đường ống liên kết và mỗi két thiết
kế để chở chất loại Z không được giữ lại trên tàu một lượng cặn vượt quá 5 lít
trong két và các đường ống liên kết.
1.3.4 Việc thử chức năng
các bơm nêu ở mục 1.3.1, 1.3.2 và 1.3.3 của Chương này phải được Cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt.
1.3.5 Các tàu được chứng
nhận chở các chất loại X, Y hoặc Z phải có một hoặc nhiều cửa thải dưới đường
nước.
1.3.6 Các tàu đóng trước
ngày 01/01/2007 và được chứng nhận chở các chất loại Z, không yêu cầu bắt buộc
phải bố trí cửa thải dưới đường nước như yêu cầu quy định ở mục 1.3.5.
1.3.7 Két lắng: Không yêu
cầu phải trang bị két lắng chuyên dùng, tùy theo điều kiện khai thác của tàu để
trang bị két lắng dùng cho việc vệ sinh két hàng. Tuy nhiên, có thể cho phép
dùng két hàng làm két lắng.
1.3.8 Thiết bị ngăn ngừa
thải chất lỏng độc hại
1.3.8.1 Đối với tàu mới,
thiết bị ngăn ngừa thải chất lỏng độc hại quy định ở 1.2.2.1 phải được trang bị
phù hợp với loại và lý tính của chất lỏng độc hại chuyên chở và vùng nội thủy.
1.3.8.2 Phải trang bị bổ sung
vào các thiết bị nêu ở 1.3.8.1 hệ thống rửa hầm bằng thông gió cho các tàu dự
định khử cặn chất lỏng độc hại có áp suất hơi vượt quá 5 kPa ở 20oC
bằng thông gió.
1.3.8.3 Bất kể những yêu cầu
đã nêu ở 1.3.8.1 và 1.3.8.2, hệ thống ngăn ngừa thải chất lỏng độc hại quy định
phải lắp đặt trên tàu thỏa mãn những yêu cầu (a) và (b) dưới đây là két lắng,
hệ thống hâm hàng (được giới hạn đối với tàu chỉ chở chất loại Y có điểm nóng
chảy từ 15oC trở lên) và thiết
bị để thải vào các phương tiện tiếp nhận:
a) Khi tàu dự định
chở thường xuyên trong mỗi hầm chỉ một chất lỏng độc hại hoặc chất tương thích
(nghĩa là một chất trong các chất lỏng độc hại không yêu cầu phải làm sạch hầm
hàng để xuống hàng sau khi hầm hàng đã chứa một chất lỏng độc hại khác và đã dỡ
hết chất này);
b) Khi tàu chỉ tiến
hành thải nước rửa thu gom được từ việc làm sạch hầm hàng vào các phương tiện
tiếp nhận thích hợp trước khi sửa chữa hoặc lên đà.
1.3.8.4 Bất kể những yêu cầu
đã nêu ở 1.3.8.1 đến 1.3.8.2 trên, hệ thống ngăn ngừa thải chất lỏng độc hại
được trang bị trên tàu chở chất lỏng độc hại có áp suất hơi vượt quá 5 kPa ở 20oC
dự định khử cặn bằng thông gió phải là hệ thống rửa hầm bằng thông gió.
Chương 2
YÊU CẦU
KẾT CẤU VÀ TRANG THIẾT BỊ
2.1 Thiết bị của hệ
thống thông gió
Cặn của các chất độc
lỏng bay hơi có thể được đưa ra ngoài nhờ hệ thống thông gió. Hệ thống cần được
tính toán và lắp đặt sao cho:
2.1.1 Vị trí lỗ thoát gió
càng gần nơi hút càng tốt;
2.1.2 Dòng không khí phải
quét tận đáy.
2.2 Hệ thống đo tự động
ghi và điều khiển việc thải cặn độc
2.2.1 Hệ thống đo tự động
ghi và điều khiển việc thải chất độc lỏng phải đảm bảo khả năng thải cặn đúng
nồng độ cho phép, không vượt quá tiêu chuẩn quy định.
2.2.2 Thiết bị ghi liên tục
hàm lượng các chất độc khi thải phải thỏa mãn các yêu cầu sau:
2.2.2.1 Kiểm tra được việc
thải các hỗn hợp đồng thể và không đồng thể của cặn chất độc và nước từ hầm
hàng và két lắng.
2.2.2.2 Trang bị các phương
tiện để ghi nhận việc thải khi:
a) Dùng bơm có công
suất không đổi, phải ghi thời gian làm việc của bơm, hoặc:
b) Dùng thiết bị ghi
để theo dõi thời gian và lưu lượng thải của thiết bị. Thiết bị này phải được đặt vào
phần dưới của ống thải.
2.2.3 Thiết bị ghi thời
gian phải ghi được thời gian bắt đầu và kết thúc việc thải hoặc ghi lưu lượng
thải qua ống. Thời gian thải được ghi tự động và có thể được ghi bằng tay.
2.2.4 Độ chính xác của
thiết bị thải chỉ được dao động trong giới hạn 10% so với mức thải thực tế.
2.3 Hệ thống thải cặn các
chất lỏng độc hại
2.3.1 Thiết bị và hệ thống
bơm chuyển, thải cặn các chất độc lỏng từ tàu chở hóa chất phải loại trừ khả
năng thải cặn vượt quá quy định tại QCVN
14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.
2.3.2 Việc bố trí và trang
bị các đường ống bơm chuyển và thải cặn phải thỏa mãn các yêu cầu nêu ở mục
1.3, Chương 1 của Phần này.
2.4 Hệ thống hàng
2.4.1 Hệ thống hàng bao gồm
các bơm hàng, bơm rửa, các đường ống hút, xả và các van dùng để giao nhận hàng
là chất độc lỏng phải có khả năng hút để sao cho số cặn của các chất độc lỏng
còn lại trong các hầm và hệ thống hàng tối đa là 5% tổng lượng hàng.
2.4.2 Hệ thống hàng của tàu
chở hóa chất có thể dùng để thải cặn các chất độc lỏng với điều kiện là hệ
thống này được thiết kế thích hợp.
2.4.3 Có thể dùng các loại
hệ thống hàng sau đây để kiểm tra việc thải cặn các chất độc lỏng:
2.4.3.1 Hệ thống có khả năng
thay đổi lưu lượng trong đó:
a) Lưu lượng được điều
chỉnh nhờ thiết bị tiết lưu đặt trên đường ống thải, hoặc:
b) Lưu lượng được điều
chỉnh nhờ sự thay đổi tần số quay của bơm.
2.4.3.2 Hệ thống hàng có lưu
lượng cố định, nghĩa là bằng hoặc nhỏ hơn trị số cho phép để thải.
2.4.4 Buồng bơm hàng của
tàu chở hóa chất phải thỏa mãn các yêu cầu như đối với buồng bơm hàng của tàu
dầu.
2.5 Hệ thống xả dưới
đường nước
2.5.1 Bố trí lỗ xả
2.5.1.1 Vị trí lỗ xả cặn các
chất độc lỏng phải bố trí trong khu vực của các hầm hàng;
2.5.1.2 Lỗ xả phải được đặt
sao cho khi các bơm của tàu hút nước ngoài mạn vào thì cặn của các chất độc
lỏng xả ra không bị hút theo. Việc bố trí lỗ xả so với các cửa lấy nước ngoài
mạn vào phải được chấp thuận;
2.5.1.3 Lỗ xả cặn phải bố trí
dưới đường nước;
2.5.1.4 Nếu có hai lỗ xả cặn
thì phải bố trí chúng đối diện ở hai bên mạn gần hông tàu.
2.5.2 Kích thước lỗ xả
2.5.2.1 Việc bố trí lỗ xả
dưới đường nước phải làm sao cho hỗn hợp cặn/nước được thải ra nước ngoài mạn
tàu sẽ không ra ngay bề mặt nước bao quanh tàu. Khi dòng thải vuông góc với
thân tàu, đường kính tối thiểu của lỗ xả được xác định bằng công thức sau:
D =
Trong đó:
D - đường kính nhỏ
nhất của lỗ xả (m);
L - khoảng cách từ
đường vuông góc mũi đến lỗ xả (m);
QD - lưu lượng xả lựa
chọn lớn nhất mà tàu có thể xả (m3/h).
2.5.2.2 Nếu xả về hướng theo
một góc so với tôn mạn, trong công thức trên cần phải thay đổi QD bằng thành phần QD ở việc xả bình thường
thẳng góc với thân tàu.
2.5.3 Bơm thải
Bơm thải phải có sản
lượng tối thiểu là 10 m3/h để xả hỗn hợp cặn/nước.
Phần
5
KẾT CẤU VÀ TRANG THIẾT BỊ NGĂN NGỪA Ô NHIỄM DO RÁC
Chương 1
QUY ĐỊNH
CHUNG
1.1 Quy định chung
Các quy định trong Chương
này áp dụng đối với kết cấu và trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do rác từ tàu
gây ra.
1.2 Thuật ngữ và giải
thích
Thiết bị chứa rác: là
két hoặc xô nhựa có nắp đậy hoặc dạng tương đương dùng để chứa rác.
1.3 Yêu cầu trang bị
Tất cả các phương
tiện phải được trang bị thiết bị chứa rác. Rác phải được chuyển lên bờ ở những
nơi quy định hoặc những nơi thích hợp không gây hại tới môi trường.
Chương 2
YÊU CẦU
KẾT CẤU VÀ TRANG THIẾT BỊ
2.1 Thiết bị chứa rác
2.1.1 Tổng thể tích thiết
bị chứa rác không được nhỏ hơn trị số được tính theo công thức sau:
V
= n.g.t
Trong đó:
V - thể tích thiết bị
chứa, (m3);
n - số người thường
xuyên trên tàu;
g - lượng rác thải ra
tính trung bình cho 1 người trong 1 ngày đêm;
g = 0,005 m3 ng/ngày đêm;
t: thời gian giữa các
lần chuyển rác lên bờ;
t = 2 ngày cho tàu
hoạt động trong sông, hồ, đầm, vịnh;
t = 4 ngày cho các
tàu chạy ven biển hoặc vùng đặc biệt.
2.1.2 Thiết bị chứa rác
được chế tạo bằng thép hoặc bằng nhựa hay các vật liệu khác tương đương. Thiết
bị có thể gắn liền với thân tàu hoặc tách rời.
2.1.3 Thiết bị chứa rác
tách rời thân tàu phải có biện pháp cố định chắc chắn vào thân tàu đảm bảo an
toàn trong mọi điều kiện khai thác của tàu.
2.1.4 Bề mặt bên trong của
thiết bị phải nhẵn và có lớp sơn phủ bảo vệ hoặc các biện pháp tương đương để
chống tác động của rác.
2.1.5 Các thiết bị có dung
tích từ 0,05 m3 trở
lên, phải có đáy dốc không dưới 30o về phía lấy rác. Nắp
đậy của thiết bị phải đảm bảo kín và đóng mở dễ dàng để kiểm tra, vệ sinh.
2.1.6 Có thể dùng xô nhựa
hoặc các dụng cụ khác tương tự để chuyển rác lên bờ.
Phần
6
KẾ HOẠCH ỨNG CỨU Ô NHIỄM DẦU CỦA TÀU
Chương 1
QUY ĐỊNH
CHUNG
1.1 Quy định chung
1.1.1 Phạm vi áp dụng
Những quy định trong
Phần này áp dụng cho Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu và những công trình
nổi khác.
1.1.2 Yêu cầu về trang bị
Tàu dầu có dung tích
từ 150 trở lên hoặc trọng tải từ 250 tấn trở lên (lấy giá trị nào lớn hơn), các
tàu khác không phải là tàu dầu có dung tích từ 400 trở lên hoặc trọng tải từ
650 tấn trở lên (lấy giá trị nào lớn hơn) phải có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu
của tàu được Đăng kiểm Việt Nam thẩm định và để sẵn trên tàu để sử dụng.
Chương 2
YÊU CẦU
KỸ THUẬT
2.1 Quy định chung
2.1.1 Quy định chung
Kế hoạch ứng cứu ô
nhiễm dầu của tàu (sau đây gọi là Kế hoạch) phải được lập có xét đến thông tin
cơ bản về tàu gồm kiểu và kích thước của tàu, hàng hóa và tuyến hoạt động sao
cho Kế hoạch khả thi và dễ sử dụng.
2.1.2 Ngôn ngữ
Kế hoạch phải được
soạn thảo bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Đối với tàu nước ngoài liên doanh với Việt
Nam hoạt động trên vùng thủy nội địa của Việt Nam thì ngôn ngữ trong bản Kế
hoạch phải bằng ngôn ngữ mà thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu sử dụng được và
phải được dịch ra bản tiếng Việt kèm theo.
2.2 Hạng mục trong Kế
hoạch
2.2.1 Thủ tục báo cáo sự cố
ô nhiễm dầu
2.2.1.1 Trong Kế hoạch phải
quy định rằng thuyền trưởng hoặc sỹ quan trực ca phải báo cáo ngay lập tức sự
cố ô nhiễm dầu thải tức thời hoặc dự kiến khả năng xảy ra sự cố ô nhiễm dầu cho
các cơ quan quản lý chuyên ngành nơi gần nhất;
2.2.1.2 Các mục từ (a) đến
(h) dưới đây phải đưa vào hạng mục báo cáo:
a) Tên tàu, chủ tàu,
kích cỡ và kiểu tàu;
b) Ngày tháng và thời
gian xảy ra sự cố, vị trí, hành trình, tốc độ;
c) Tên trạm vô tuyến,
ngày tháng và thời gian báo cáo tiếp theo, loại và số lượng hàng/két chứa
trên tàu, chủ hàng;
d) Tóm tắt về khuyết
tật/lượng thiếu hụt/tổn thất;
e) Tóm tắt về ô nhiễm
bao gồm loại dầu, lượng tổn thất ước tính, nguyên nhân tràn dầu, khả năng tràn
dầu tiếp theo, điều kiện thời tiết và vùng nước;
g) Chi tiết liên hệ
với chủ hàng bao gồm địa chỉ bưu điện, số điện thoại và số Fax;
h) Các hoạt động
chống tràn dầu và hướng dịch chuyển của tàu.
2.2.2 Danh sách các tổ chức
hoặc cá nhân cần liên hệ trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm do dầu
Các đầu mối liên hệ
với các cơ quan quản lý chuyên ngành, cảng và tàu mà tàu có quan hệ, ví dụ như
chủ/người điều hành, đại lý, chủ hàng, người bảo hiểm, là những người cần thiết
phải liên hệ nếu tàu liên quan đến tai nạn ô nhiễm dầu phải được lên danh sách
và đưa vào Phụ lục.
2.2.3 Các hoạt động xử lý
trực tiếp trên tàu nhằm loại bỏ hoặc kiểm soát sự thải dầu ra môi trường sau
tai nạn.
2.2.3.1 Ít nhất các hạng mục
từ (a) đến (c) sau đây phải được đưa vào hạng mục các hoạt động chống dầu tràn:
a) Bản miêu tả chi
tiết các hành động nhằm khử bỏ hoặc kiểm soát sự thải dầu ra môi trường và
người trực ca;
b) Quy trình khử bỏ
dầu loang và chứa thích hợp cho dầu được thu hồi, và vật liệu làm sạch;
c) Quy trình chuyển
dầu từ tàu sang tàu khác.
2.2.3.2 Ít nhất các mục từ
(a) đến (b) dưới đây phải được đưa vào kế hoạch chống dầu tràn do tai nạn:
a) Ưu tiên hàng đầu
là đảm bảo an toàn cho người và tàu;
b) Bản thông báo về
mức độ tổn thất cho tàu và do tai nạn dầu tràn gây ra phải được tập hợp và ước
lượng sao cho có thể tiến hành các hoạt động nhằm ngăn chặn sự cố tiếp theo của
tai nạn;
2.2.4 Thủ tục và vị trí
liên lạc trên tàu nhằm xác định tọa độ hoạt động của tàu theo chương trình
phòng chống ô nhiễm Quốc gia và Khu vực
2.2.4.1 Phải quy định trong
Kế hoạch rằng thuyền trưởng và sỹ quan trực ca của tàu phải liên lạc với các cơ
quan quản lý chuyên ngành trước khi tiến hành các hoạt động nhằm hạn chế sự cố
thải dầu ra môi trường;
2.2.4.2 Trong Kế hoạch phải
có Bản hướng dẫn đầy đủ cho thuyền trưởng của tàu trong các hoạt động kiểm tra
ô nhiễm đã được triển khai theo sự đề xướng của chủ tàu.
2.2.5 Thông tin khác
Đăng kiểm có thể yêu
cầu bổ sung vào các hạng mục quy định ở 2.2.1 đến 2.2.4 những thông tin khác
nhằm tiện lợi cho thuyền trưởng khi phải quyết định trong tình huống khẩn cấp.
2.3 Phụ lục bổ sung cho
Kế hoạch
Ngoài các quy định
nêu ở 2.2.2 và 2.2.4.2, phải bổ sung các bản vẽ bố trí chung, sơ đồ đường ống
như đường ống dầu hàng được sử dụng để chuyển hàng khi có sự cố trên tàu.
Phần
7
KẾ HOẠCH ỨNG CỨU Ô NHIỄM CỦA TÀU DO CHỞ CÁC CHẤT LỎNG ĐỘC
HẠI CỦA TÀU
Chương 1
QUY ĐỊNH
CHUNG
1.1 Quy định chung
1.1.1 Phạm vi áp dụng
Những quy định trong Chương
này áp dụng cho Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm của tàu do các chất lỏng độc hại của
tàu gây ra.
1.1.2 Yêu cầu về trang bị
Tàu chở chất lỏng độc
hại có tổng dung tích từ 150 trở lên hoặc có trọng tải từ 250 tấn trở lên phải
có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm của tàu do chở các chất lỏng độc hại được Đăng kiểm
thẩm định và được đặt ở trên tàu để sẵn sàng để sử dụng.
Chương 2
YÊU CẦU
KỸ THUẬT
2.1 Quy định chung
2.1.1 Quy định chung
Kế hoạch ứng cứu ô
nhiễm của tàu do chở các chất lỏng độc hại (sau đây gọi là Kế hoạch) phải được
soạn thảo có xét đến thông tin cơ bản về tàu gồm kiểu và kích thước của tàu,
hàng hóa và tuyến hoạt động sao cho Kế hoạch khả thi và dễ sử dụng.
2.1.2 Ngôn ngữ
Bản Kế hoạch phải
được soạn thảo bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Đối với tàu của các công ty liên doanh
với Việt Nam hoạt động trên vùng thủy nội địa của Việt Nam thì ngôn ngữ trong
bản Kế hoạch phải bằng ngôn ngữ mà thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu sử dụng
được và phải được dịch ra bản bằng tiếng Việt kèm theo.
2.1.3 Kế hoạch ứng cứu ô
nhiễm của tàu do chở các chất lỏng độc hại
Trong trường hợp tàu
cũng phải áp dụng các quy định nêu trong Phần 7 Quy chuẩn này, thì bản Kế hoạch
này có thể được tổ hợp chung với Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu. Trong trường
hợp này tiêu đề của bản Kế hoạch chung sẽ là “Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm của
tàu”.
2.2 Hạng mục trong Kế
hoạch
2.2.1 Quy trình báo cáo khi
xảy ra sự cố ô nhiễm chất lỏng độc hại
2.2.1.1 Trong Kế hoạch phải
quy định rằng thuyền trưởng hoặc sỹ quan trực ca phải báo cáo ngay lập tức sự
thải tức thời hoặc dự kiến thải chất lỏng độc hại ra môi trường cho các cơ quan
chuyên ngành nơi gần nhất;
2.2.1.2 Các mục từ (a) đến
(h) dưới đây phải đưa vào hạng mục báo cáo:
a) Tên tàu, chủ tàu,
kích cỡ và kiểu tàu;
b) Ngày tháng và thời
gian xảy ra sự cố, vị trí, hành trình, tốc độ;
c) Ngày tháng và thời
gian báo cáo tiếp theo, loại và số lượng hàng/két chứa trên tàu, chủ hàng;
d) Chi tiết tóm tắt
về khuyết tật/lượng thiếu hụt/tổn thất;
e) Tóm tắt về ô nhiễm
bao gồm loại chất lỏng độc hại, lượng tổn thất ước tính, nguyên nhân tràn, khả
năng tràn tiếp theo, điều kiện thời tiết trên đường thủy nội địa;
g) Chi tiết liên hệ
với chủ tàu/nhà quản lý/đại lý bao gồm địa chỉ bưu điện, số điện thoại và số
Fax;
h) Các hoạt động
chống tràn và hướng dịch chuyển của tàu.
2.2.2 Danh sách các tổ chức
hoặc cá nhân cần liên hệ trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm vùng nước ngoài
tàu do chất lỏng độc hại
Các mối liên hệ với
các cơ quan chuyên ngành, cảng và các mối liên hệ khác mà tàu quan tâm khi tàu
xảy ra sự cố tràn chất lỏng độc hại, ví dụ như chủ/người điều hành, đại lý, chủ
hàng, người bảo hiểm, phải được lên danh sách và đưa vào Phụ lục trong bản Kế
hoạch ứng cứu.
2.2.3 Các hoạt động xử lý
trực tiếp trên tàu nhằm loại bỏ hoặc kiểm soát sự thải sau tai nạn
2.2.3.1 Ít nhất các hạng mục
từ (a) đến (c) sau đây phải được đưa vào hạng mục các hoạt động chống tràn:
a) Bản miêu tả chi
tiết các hành động nhằm khử bỏ hoặc kiểm soát sự thải chất lỏng độc hại và
người trực ca;
b) Quy trình khử bỏ
chất lỏng độc hại đã tràn và biện pháp chứa thích hợp cho chất lỏng độc hại đã
được khử bỏ và vật liệu làm sạch;
c) Quy trình chuyển
chất lỏng độc hại từ tàu sang tàu khác.
2.2.3.2 Ít nhất các mục từ
(a) đến (c) dưới đây phải được đưa vào Kế hoạch chống tràn do hậu quả của tai
nạn:
a) Ưu tiên hàng đầu
là đảm bảo an toàn cho người và tàu;
b) Bản thông báo chi
tiết về mức độ tổn thất cho tàu và về sự cố tràn chất lỏng độc hại phải được
tập hợp và ước lượng sao cho có thể tiến hành các hoạt động nhằm ngăn chặn sự
cố tiếp theo của tai nạn;
c) Bản hướng dẫn chi
tiết về ổn định và sức bền và bản danh mục những thông tin cần thiết về ổn định
tai nạn và đánh giá sức bền đặt tại văn phòng Chủ tàu hoặc văn phòng tương tự
khác.
2.2.4 Quy trình và điểm liên
lạc trên tàu nhằm xác định tọa độ hoạt động của tàu theo chương trình phòng
chống ô nhiễm Quốc gia và Khu vực.
2.2.4.1 Phải quy định trong
Kế hoạch rằng thuyền trưởng và sỹ quan trực ca của tàu phải liên lạc với các cơ
quan chuyên ngành trước khi tiến hành các hoạt động nhằm hạn chế sự thải chất
lỏng độc hại;
2.2.4.2 Trong Kế hoạch phải
có Bản hướng dẫn đầy đủ cho thuyền trưởng của tàu trong các hoạt động kiểm tra
ô nhiễm chất lỏng độc hại được triển khai theo sự đề xướng của chủ tàu;
2.2.5 Thông tin khác
Đăng kiểm có thể yêu
cầu bổ sung vào các hạng mục quy định ở 2.2.1 đến 2.2.4 những thông tin khác
nhằm tiện lợi cho thuyền trưởng khi phải quyết định trong tình huống khẩn cấp.
2.3 Phụ lục bổ sung cho
Kế hoạch
Ngoài các quy định ở
2.2.2 phải bổ sung các bản vẽ bố trí chung, sơ đồ đường ống như đường ống dầu
hàng được sử dụng để chuyển hàng khi có sự cố trên tàu.
III. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
1.1 Các trang thiết bị
ngăn ngừa ô nhiễm lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa phải được quản lý chất
lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong thiết kế, chế tạo, sửa chữa,
xuất, nhập khẩu theo yêu cầu của Quy chuẩn này.
1.2 Việc kiểm tra các
trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa của Đăng
kiểm không thay thế việc quản lý chất lượng của các tổ chức kiểm tra chất lượng
ở các đơn vị thiết kế, đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa cũng như
việc quản lý chất lượng của chủ phương tiện.
1.3 Hạng mục kiểm tra các
trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa là một
trong các hạng mục kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương
tiện thủy nội địa để cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
theo Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT ngày 26/7/2013
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về biểu mẫu giấy chứng nhận và sổ
kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện
thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
1.1 Trách nhiệm của chủ
tàu, các cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi/nâng cấp và sửa chữa
trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa
1.1.1 Trách nhiệm của các
chủ tàu
Thực hiện đầy đủ các
quy định về kết cấu và các trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp trên phương
tiện thủy nội địa nêu trong Quy chuẩn này và lập các kế hoạch ứng cứu ô nhiễm
do dầu của tàu và kế hoạch ứng cứu ô nhiễm do chở chất lỏng độc hại khi tàu
được đóng mới, hoán cải, phục hồi/nâng cấp, sửa chữa và khai thác trên đường
thủy nội địa để đảm bảo và duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của chúng.
1.1.2 Trách nhiệm của các
cơ sở thiết kế
Các cơ sở thiết kế
phương tiện thủy nội địa, bao gồm thiết kế đóng mới, hoán cải, phục hồi/nâng
cấp trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp trên phương tiện thủy nội địa có trách
nhiệm: cung cấp đầy đủ khối lượng hồ sơ thiết kế theo yêu cầu và trình thẩm
định hồ sơ thiết kế theo quy định của Quy chuẩn này.
1.1.3 Trách nhiệm của các
cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi/nâng cấp và sửa chữa phương tiện thủy nội
địa:
1.1.3.1 Chịu sự kiểm tra giám
sát của Đăng kiểm Việt Nam về chất lượng, an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô
nhiễm môi trường trong quá trình đóng mới, hoán cải, phục hồi/nâng cấp và sửa
chữa phương tiện thủy nội địa;
1.1.3.2 Chịu sự kiểm tra và
giám sát của Đăng kiểm Việt Nam về chất lượng, an toàn kỹ thuật trong quá trình
chế tạo, lắp đặt kết cấu và các trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm của tàu.
1.2 Trách nhiệm của Cục
Đăng kiểm Việt Nam
1.2.1 Thẩm định thiết kế
kết cấu các trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm, kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu và
kế hoạch ứng cứu ô nhiễm của tàu do chở các chất lỏng độc hại trong đóng mới,
hoán cải và phục hồi/nâng cấp phương tiện thủy nội địa theo các quy định của
Quy chuẩn này và các quy định của pháp luật hiện hành.
1.2.2 Kiểm tra, giám sát kỹ
thuật trong chế tạo, nhập khẩu, hoán cải, phục hồi/ nâng cấp, sửa chữa và đối
với kết cấu và các trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm lắp đặt trên phương tiện
thủy nội địa theo các quy định của Quy chuẩn này và các quy định của pháp luật hiện
hành.
1.2.3 Triển khai, thực hiện
quy chuẩn này đối với các cơ sở thiết kế, các chủ tàu, các cơ sở đóng mới, hoán
cải, phục hồi/nâng cấp và sửa chữa phương tiện thủy nội địa, các đơn vị đăng
kiểm và các cá nhân có liên quan đến quản lý khai thác tàu.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.1 Cục Đăng kiểm Việt
Nam tổ chức triển khai thực hiện quy chuẩn này thống nhất trong cả nước.
1.2 Căn cứ vào các yêu
cầu quản lý phương tiện, thực tế áp dụng Quy chuẩn, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến
nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn.
1.3 Trong trường hợp các
Quy chuẩn kỹ thuật, văn bản được viện dẫn trong Quy chuẩn này có sự thay đổi,
bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định trong văn bản mới.
PHỤ
LỤC
PHỤ LỤC I
CÁC QUY ĐỊNH VỀ VÙNG NƯỚC ĐƯỢC BẢO VỆ
ĐẶC BIỆT
1 Vùng nước
thuộc vịnh Hạ Long: trong Thông tư số 2891/TT-KCM
ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về
“Hướng dẫn bảo vệ môi trường vùng vịnh Hạ Long” có quy định:
Vùng nước thuộc vịnh
Hạ Long bao gồm khu bảo vệ tuyệt đối, vùng đệm và vùng phụ cận, trong đó:
1.1 Khu bảo vệ
tuyệt đối: là khu vực được UNESCO và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam khoanh vùng, được xác định bởi ba điểm thuộc đảo Cống Tây, đảo Cầu Gỗ
và hồ Ba Hàm;
1.2 Vùng đệm: là
dải bao quanh khu bảo vệ tuyệt đối, theo hướng Tây - Tây Bắc được xác định bởi
phía bờ Vịnh dọc theo quốc lộ 18A, kể từ kho xăng dầu B12 (Cái Dăm - Bãi Cháy)
đến cây số 11 (Thị xã Cẩm Phả). Chiều rộng khu đệm từ 5 đến 7 km tính từ đường
bảo vệ tuyệt đối ra biển có phạm vi xê dịch từ 1 đến 2 km. Phía bắc giáp Hòn
Buồm, suối nước nóng. Phía tây là một phần phạm vi vịnh Hạ Long được xác định
bởi 107o11’30’’ kinh
độ đông, phía tây nam tiếp giáp hòn Quai Xanh, phía nam được xác định bởi 204o vĩ bắc, phía
Đông giáp đảo Phượng Hoàng, phía đông bắc giáp đảo Vạn Đuối, phía đông - đông
nam giáp hòn Nất Đất;
1.3 Vùng phụ cận:
là vùng biển hoặc đất liền bao quanh khu đệm, kể cả vùng biên giáp ranh với
vườn Quốc gia Cát Bà.
2 Vùng nước
cảng sông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh được xác định tại Quyết định số 5985/QĐ-UB-NC ngày 11 tháng 11 năm 1998 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: Kinh Tẻ, Kinh Đôi, rạch
Bến Nghé, Kinh Tàu Hũ, Kinh Lò Gốm và các Kinh Ngang số 1, 2, 3.
3 Vùng nước các
cảng quốc gia thuộc nội thủy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4 Các bãi tắm,
các bến tàu thuộc các hồ chứa nước có hoạt động thăm quan, du lịch, các khu
nuôi trồng thủy sản.
PHỤ LỤC II
QUY ĐỊNH VIỆC THẢI XUỐNG VÙNG NƯỚC
ĐƯỢC BẢO VỆ ĐẶC BIỆT
1 Quy định thải
xuống vùng nước khu vực vịnh Hạ Long, Thông tư số 2891/TT-KCM ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Bộ
trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định:
1.1 Cấm thải bất
kỳ chất có hại nào từ trên tàu xuống vùng nước khu bảo vệ tuyệt đối của vùng
vịnh Hạ Long.
1.2 Cấm thải bất
kỳ chất có hại nào trên tàu xuống vùng nước của vùng đệm và vùng phụ cận của
vùng vịnh Hạ Long trừ khi nồng độ dầu trong nước thải không quá 15 phần triệu
(15 mg/l) và nước thải bẩn, hóa chất độc hại đã được xử lý đạt tiêu chuẩn quốc
gia.
2 Quyết định về
việc ban hành Quy định tạm thời về kiểm soát ô nhiễm trong giao thông đường
thủy thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 6093/QĐ-UB-KT
ngày 26 tháng 12 năm 1996 của Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
quy định:
Cấm thải bất kỳ chất
có hại nào trên tàu xuống vùng nước cảng thành phố Hồ Chí Minh trừ khi nồng độ
dầu trong nước thải không quá 15 phần triệu (15 mg/l)/và nước thải bẩn, hóa
chất độc hại đã được xử lý đạt tiêu chuẩn Quốc gia.
3 Quy định thải
xuống vùng nước các cảng quốc gia, các bãi tắm, các bến tàu, các hồ nước có
hoạt động thăm quan du lịch, các khu nuôi trồng thủy sản: được phép thải nước
lẫn dầu đã qua xử lý, nước thải đã qua xử lý xuống các vùng nước trên, hóa chất
độc hại đã được xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia.
PHỤ LỤC III
DANH MỤC CÁC CHẤT LỎNG KHÔNG PHẢI LÀ
CHẤT ĐỘC HẠI
STT
|
Tên
chất lỏng không phải là chất lỏng độc hại
|
1
|
Octyldecyl adipate
|
2
|
Acetonitrile
|
3
|
Acetone
|
4
|
Dung dịch
Aminoethyldiethanolamine/Aminoethylethanol amine
|
5
|
Dung dịch 2- Amino
-2-Hydroxymethyl -1, 3-propanediol (nồng độ 40% hoặc nhỏ hơn)
|
6
|
Bùn Sodium almino
silicate
|
7
|
Sulphur
|
8
|
Rượu gốc Ethyl
|
9
|
Ethylene glycol
butyl ether, Ethylene Glycol tert - butyl ether
|
10
|
Ethylene - vinyl
acetate copolymer (nhũ tương)
|
11
|
Dung dịch Calsiumnitrate/Magnesium
nitrate/Potassium chloride
|
12
|
Parafin clo
hóa (chứa 52% clo)
|
13
|
Dung dịch Magnesium
chloride
|
14
|
Dung dịch Sodium
chlorate (nồng độ 50% hoặc nhỏ hơn)
|
15
|
Olefins (C13 và lớn
hơn, tất cả các đồng phân), alpha - Olefins (C13 - C18)
|
16
|
Bùn Kaolin
|
17
|
Dung dịch
khoan:Dung dịch Calcium bromide
Dung dịch Calcium
chloride
Dung dịch Sodium
chloride
|
18
|
Dung dịch Glycine,
muối sodium
|
19
|
Glycerin
|
20
|
Glycerol
polyalkoxylate
|
21
|
Dung dịch Glucose,
dung dịch Dextrose
|
22
|
Isopropyl acetate
|
23
|
Methyl acetate
|
24
|
3 - Methyl - 3-
Methoxy butyl acetate
|
25
|
Alcoholic
beverages, n.o.s.
|
26
|
Alcohols (C13 trở
lên), Behenyl alcohol
|
27
|
Dung dịch protein
thực vật (được thủy hóa)
|
28
|
Diethanolamine
|
29
|
Diethyl ether
|
30
|
Diethylene glycol
|
31
|
Diethylene glycol
diethyl ether
|
32
|
Diethylene glycol
ethyl ether
|
33
|
Diethylene glycol
butyl ether
|
34
|
Dung dịch a xít
Diethylenetriamine pentaacetic, pentasodium
|
35
|
Dipropylene glycol
|
36
|
Dung dịch Magnesium
hydroxide
|
37
|
Butyl stearate
|
38
|
Bùn than
|
39
|
Dung dịch Sorbitol
|
40
|
Rượu gốc Tert -
Amyl
|
41
|
Ethylene carbonate
|
42
|
Dung dịch Calcium
carbonate
|
43
|
Tetraethylene
glycol
|
44
|
Molasses
|
45
|
Glycerol triacetate
|
46
|
Triisopropanolamine
|
47
|
Triethylene glycol
|
48
|
Triethylene glycol
butyl ether
|
49
|
Tridecane
|
50
|
Tripropylene glycol
|
51
|
Lard
|
52
|
Dodecane (tất cả
mọi đồng phân)
|
53
|
Dodecyl benzene
|
54
|
Dung dịch Urea/formaldehyde
resin
|
55
|
Dung dịch Urea
|
56
|
Bùn Clay
|
57
|
n-Paraffins (C10 -
C20)
|
58
|
Paraffin wax
|
59
|
Diheptyl phthalate,
dioctyl phthalate
|
60
|
Dihexyl phthalate
|
61
|
Diheptyl phathalate
|
62
|
n- Butyl alcohol,
sec - Butyl alcohol, tert - Butyl alcohol, Isobutyl alcohol
|
63
|
n- Propyl alcohol,
Isopropyl alcohol
|
64
|
Propylene -
butylene copolymer
|
65
|
Propylene glycol
|
66
|
Hexamethylene
glycol
|
67
|
Hexylene glycol
|
68
|
Petrolatum
|
69
|
A xit Benzene
tricarboxylic, trioctyl ester
|
70
|
A xit béo (Na, C13
trở lên), Tridecanoic acid
|
71
|
Polyethylene
glycols
|
72
|
Polyethylene glycol
methyl ether
|
73
|
Nước
|
74
|
Hỗn hợp Cetyl/Eicosil
methacrylate
|
75
|
Dodecyl
marhacrylate
|
76
|
Hỗn hợp Dodecyl/pentadecyl
mathacrylate
|
77
|
Rược Metylic
|
78
|
Methyl ethyl ketone
|
79
|
2 - Methyl - 2-
hydroxy - 3 - butyne
|
80
|
3 - Methyl - 3-
methoxy butanol
|
81
|
3 - Methoxyl - 1 -
butanol
|
82
|
Latex (Carboxylated
styrene - butadiene copolymers Stylene - butadien rubber)
|
83
|
Dung dịch Lignin
sulphonic, sodium salt
|
84
|
Nước táo
|
85
|
Các chất được Chính
quyền tạm thời đánh giá là chất độc ở mức độ tương ứng với chất bất kỳ
|
86
|
Hỗn hợp của các
chất nằm ngoài các chất loại X, Y, Z và loại OS đã phân loại theo MARPOL 73/78
(Phiên bản mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2007)
|