BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
15/2012/TT-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2012
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TRANG BỊ VÀ SỬ DỤNG ÁO PHAO CỨU SINH, DỤNG CỤ NỔI
CỨU SINH CÁ NHÂN TRÊN PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH NGANG SÔNG
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng
6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan
ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao
thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ An
toàn giao thông,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
ban hành Thông tư quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi
cứu sinh cá nhân trên phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông.
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này quy định việc trang bị
và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận
tải hành khách ngang sông.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ
chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải hành khách ngang sông bằng phương
tiện thủy nội địa.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Áo phao cứu sinh (sau đây gọi tắt
là áo phao) là loại áo được chế tạo dùng để mặc, có tác dụng giữ người nổi trên
mặt nước.
2. Dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân
(sau đây gọi tắt là dụng cụ nổi cá nhân) là thiết bị cứu sinh sử dụng cầm tay
hoặc đeo trên người có tác dụng giữ người nổi trên mặt nước mà dụng cụ nổi đó vẫn
giữ nguyên được hình dạng và đặc tính kỹ thuật trong suốt quá trình hoạt động ở
dưới nước (trừ phao tròn và áo phao).
3. Phương tiện vận tải hành khách
ngang sông là phương tiện thủy nội địa có động cơ hoặc không có động cơ, dùng để
vận tải hành khách, hàng hóa ngang sông.
4. Chủ khai thác bến khách ngang
sông là tổ chức, cá nhân sử dụng bến thủy nội địa để kinh doanh, khai thác vận
tải hành khách ngang sông.
Điều 4. Trang bị
và bố trí áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách
ngang sông
1. Phương tiện vận tải hành khách
ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng
đủ số lượng cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện (bao gồm hành khách,
thuyền viên và người lái phương tiện).
2. Áo phao và dụng cụ nổi cá nhân sử
dụng trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm chất lượng phù
hợp với tiêu chuẩn quy định và được bảo quản khô ráo, sạch sẽ và bảo đảm tính
năng an toàn kỹ thuật khi sử dụng.
3. Áo phao, dụng cụ nổi cá nhân phải
được để ở chỗ thuận tiện, dễ nhìn thấy, dễ lấy và không làm che khuất tầm nhìn
của người lái phương tiện thủy nội địa.
Điều 5. Sử dụng
áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông
Mọi hành khách, thuyền viên, người
lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao
hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc
rời bến đến khi cập bến an toàn.
Điều 6. Trách
nhiệm của chủ khai thác bến khách ngang sông
1. Tuyên truyền, vận động các chủ
phương tiện, hành khách khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành
khách ngang sông thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thông tư này.
2. Chỉ cho phương tiện hoạt động tại
bến khi phương tiện đã thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy
định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư này.
3. Liên đới chịu trách nhiệm liên
quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành
khách ngang sông đối với trường hợp cho phương tiện rời bến khi thuyền viên,
người lái phương tiện, hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi
cá nhân theo đúng quy cách.
Điều 7. Trách
nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành
khách ngang sông
1. Chủ phương tiện vận tải hành
khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên
phương tiện phải bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu
chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
2. Thuyền viên, người lái phương tiện
vận tải khách ngang sông có trách nhiệm:
a) Trước khi cho phương tiện rời bến
phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một (01) áo phao hoặc một (01)
dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng;
b) Hướng dẫn và yêu cầu hành khách
trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy
cách trong suốt hành trình của phương tiện.
3. Từ chối chuyên chở đối với những
hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân
theo hướng dẫn.
4. Chịu trách nhiệm liên quan đến sự
cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông
khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng
quy cách.
Điều 8. Trách
nhiệm của hành khách
1. Tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn
của thuyền viên, người lái phương tiện trong việc thực hiện quy định về mặc áo
phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trên phương tiện vận
tải hành khách ngang sông trong suốt hành trình của phương tiện.
2. Chịu trách nhiệm về những hậu quả
xảy ra do việc không tuân thủ các quy định, hướng dẫn về mặc áo phao hoặc cầm
(đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng
phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
Điều 9. Trách
nhiệm của Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương cấp xã
1. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra
hoạt động vận tải hành khách tại các bến khách ngang sông.
2. Đình chỉ hoạt động đối với trường
hợp phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân theo quy định.
3. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý
thức của người dân về việc mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo
đúng quy cách.
4. Nếu hành khách không tuân thủ việc
mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân không đúng quy cách thì yêu cầu,
hướng dẫn hành khách mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân.
Điều 10. Trách
nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện
quy định của Thông tư này tại các bến khách ngang sông thuộc phạm vi địa giới
hành chính của tỉnh, thành phố.
2. Lập danh sách các phương tiện hoạt
động tại các bến khách ngang sông để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra.
3. Định kỳ hàng Quý, hàng năm báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Đường thủy nội
địa Việt Nam về tình hình thực hiện Thông tư này (trước ngày 20 của tháng cuối
Quý).
Điều 11. Trách
nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
1. Đôn đốc, chỉ đạo và theo dõi, kiểm
tra các địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực
hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc.
2. Tiếp nhận báo cáo của các địa
phương, đơn vị về tình hình thực hiện và tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải
theo Quý (trước ngày 25 của tháng cuối Quý) về tình hình thực hiện Thông tư
này.
Điều 12. Điều
khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2012.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,
Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 12;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, ATGT (10)
|
BỘ
TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|