BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/2019/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 3 năm 2019
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
Căn cứ Bộ luật
Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng,
chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP
ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP
ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP
ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố,
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-Ttg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ
tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông
và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông
tư quy định về phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về phòng, chống thiên tai
trong lĩnh vực hàng hải.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải
tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Thiên tai bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh
trên biển, lốc, ngập lụt, nước biển dâng, sạt lở đất.
2. Phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải
là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc
phục hậu quả thiên tai.
3. Phòng ngừa thiên tai trong lĩnh vực hàng hải là
các hoạt động được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra để cảnh báo, thông báo,
chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, phương tiện, thiết bị, hậu cần,
biện pháp sơ tán nhằm bảo vệ con người, tài sản và môi trường.
4. Ứng phó thiên tai trong lĩnh vực hàng hải là các
biện pháp cần thiết, kịp thời, thích hợp để cứu người, tài sản, bảo vệ môi trường
trong khu vực xảy ra thiên tai nhằm giảm tới mức thấp nhất hậu quả do thiên tai
gây ra.
5. Khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực hàng
hải là thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi lại tổn thất do thiên tai gây ra.
Chương II
CƠ QUAN, ĐƠN VỊ QUẢN LÝ,
THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Điều 4. Cục Hàng hải Việt Nam
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án ứng phó
thiên tai trong lĩnh vực hàng hải hàng năm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của
Cục Hàng hải Việt Nam, quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các đơn
vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải trong việc
xây dựng và thực hiện phương án ứng phó thiên tai phù hợp với các chức năng,
nhiệm vụ của các đơn vị này.
3. Tổ chức thường trực phòng, chống thiên tai theo quy
định để kịp thời thu nhận, phổ biến thông tin, triển khai biện pháp thực hiện
các chỉ thị và hướng dẫn của cấp trên về phòng, chống thiên tai.
4. Tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra, đề xuất
các biện pháp khắc phục, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định trong công tác
phòng, chống thiên tai.
5. Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai hàng
năm.
6. Quyết định khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân
có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai, nguồn chi khen thưởng các
đơn vị sử dụng từ nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành.
Điều 5. Cơ quan, đơn vị thực hiện
nhiệm vụ phòng, chống thiên tai
Cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống
thiên tai trong lĩnh vực hàng hải bao gồm các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục
Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.
Chương III
PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Mục 1. PHÒNG NGỪA THIÊN TAI
Điều 6. Nhiệm vụ chung của các
cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác phòng ngừa thiên tai
hàng năm trong lĩnh vực hàng hải
1. Bảo vệ người; quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng
hàng hải, thiết bị, tài sản, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên
tai; ngăn ngừa nguy cơ gây hư hại các công trình.
2. Tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của công
trình cần được bảo vệ, nếu phát hiện có hư hỏng hoặc suy yếu phải kịp thời có
biện pháp xử lý. Trong trường hợp vượt quá khả năng xử lý của mình, cấp kiểm
tra phải báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết trước mùa mưa
bão.
3. Tổ chức, tham gia thông tin, truyền thông và
giáo dục về phòng, chống thiên tai với các tổ chức và cá nhân hoạt động trong
lĩnh vực hàng hải.
4. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai gồm các nội
dung chính như sau:
a) Bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công
trình trọng điểm;
b) Sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất;
c) Bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin
liên lạc;
d) Phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
đ) Nguồn nhân lực ứng phó thiên tai;
e) Dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu
yếu phẩm.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 5 của Thông tư này tổ chức phê duyệt phương án ứng phó
thiên tai của cơ quan, đơn vị mình, báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam để tổng hợp,
chỉ đạo.
5. Tổ chức kiểm tra công tác triển khai nhiệm vụ
phòng, chống thiên tai tại đơn vị và các bộ phận trực thuộc, đặc biệt là các
công trình trọng điểm, xung yếu.
6. Tổ chức huấn luyện, diễn tập về nghiệp vụ tiếp
nhận, xử lý thông tin về công tác phòng, chống thiên tai.
7. Tổ chức hoạt động của lực lượng xung kích phòng,
chống thiên tai tại cơ quan, đơn vị.
Điều 7. Nhiệm vụ phòng ngừa
thiên tai của Cảng vụ hàng hải
1. Tổ chức kiểm tra trụ sở, cơ sở dịch vụ, kho bãi,
nhà xưởng, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ và các công
trình phụ trợ khác bảo đảm hoạt động tốt, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chỉ
đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải trong công tác phòng, chống
thiên tai tại vùng nước cảng biển do Cảng vụ hàng hải quản lý.
2. Xây dựng phương án và tổ chức thực hiện phương
án huy động tàu thuyền trong khu vực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi
có tình huống xảy ra.
3. Căn cứ vào tình huống diễn biến cụ thể của thiên
tai kịp thời điều động tàu, thuyền đến khu neo đậu tránh, trú bão.
4. Hàng năm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có
liên quan xây dựng, cập nhật phương án điều động tàu thuyền tránh, trú bão tại
khu vực vùng nước cảng biển và triển khai thực hiện.
5. Trường hợp thuyền trưởng, chủ tàu phối hợp với
chủ cảng có đủ cơ sở để khẳng định tàu thuyền neo đậu tại cầu cảng an toàn hơn
để chống bão, Cảng vụ hàng hải yêu cầu thuyền trưởng, chủ tàu, chủ cảng thống
nhất cho tàu thuyền neo đậu tại cầu cảng bằng văn bản và có biện pháp thích hợp
để bảo đảm an toàn cho thuyền viên, hành khách, tàu thuyền và hàng hóa.
6. Kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp hàng hải
trong khu vực thực hiện các yêu cầu về phòng, chống thiên tai.
7. Trong trường hợp tàu thuyền rời cảng, khuyến cáo
cho tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm của thiên tai.
8. Thực hiện chế độ báo cáo về phòng, chống và khắc
phục hậu quả thiên tai theo quy định.
Điều 8. Nhiệm vụ phòng ngừa
thiên tai của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam
1. Bố trí phương tiện chuyên dụng thường trực tại
những khu vực xung yếu để sẵn sàng tham gia hoạt động khắc phục hậu quả thiên
tai khi có yêu cầu.
2. Các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải
khu vực phải phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm
cứu nạn các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trong việc triển khai phương án
ứng phó thiên tai tại khu vực.
3. Đề xuất các phương án ứng phó thiên tai nhằm giảm
thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
4. Đối với các tàu tìm kiếm cứu nạn, nhiệm vụ
phòng, chống thiên tai thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông
tư này.
Điều 9. Nhiệm vụ phòng ngừa
thiên tai của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam
1. Hướng dẫn thực hiện các chỉ thị của cấp trên về
phòng, chống thiên tai đối với hệ thống các đài thông tin duyên hải.
2. Xây dựng phương án duy trì thông tin liên lạc
24/24 giờ giữa các đài thông tin duyên hải với các Cảng vụ hàng hải, các Trung
tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực và tàu thuyền phục vụ công tác
phòng, chống thiên tai.
3. Tổ chức trực canh, thu nhận và truyền phát theo
chế độ quy định các thông tin về thiên tai.
4. Thu nhận, truyền phát kịp thời tín hiệu cấp cứu,
yêu cầu hỗ trợ của thuyền trưởng và chủ tàu; phát các bản tin cảnh báo nguy hiểm
để các tàu thuyền hoạt động trên biển biết, kịp thời tránh, trú ẩn an toàn.
5. Thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam
trong việc tăng cường phát các bản tin thiên tai và các bản tin quan trọng khác
theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 10. Nhiệm vụ phòng ngừa
thiên tai của các tổ chức hoa tiêu hàng hải
1. Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về cung cấp hoa tiêu của
chủ tàu, thuyền trưởng hoặc Cảng vụ hàng hải nhằm nhanh chóng điều động tàu
thuyền trong cảng.
2. Phối hợp với doanh nghiệp cảng đề xuất phương án
điều động tàu thuyền khi có nguy cơ thiên tai xảy ra.
Điều 11. Nhiệm vụ phòng ngừa
thiên tai của các tổ chức bảo đảm an toàn hàng hải
1. Tăng cường kiểm tra số lượng và chất lượng các
công trình bảo đảm an toàn hàng hải, hệ thống báo hiệu hàng hải bảo đảm luôn hoạt
động tốt.
2. Lập danh mục các công trình bảo đảm an toàn hàng
hải xung yếu, chịu ảnh hưởng của thiên tai và kế hoạch duy tu, bảo dưỡng để chủ
động phòng, chống thiên tai.
3. Khi tổ chức thi công các công trình nạo vét,
công trình xây dựng, phải có phương án, biện pháp phòng, chống thiên tai.
4. Chuẩn bị trang thiết bị dự phòng và phương tiện
phục vụ việc khôi phục hoạt động của các trạm đèn biển và báo hiệu hàng hải bị ảnh
hưởng của thiên tai.
Điều 12. Nhiệm vụ phòng ngừa
thiên tai của doanh nghiệp cảng biển
1. Phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ hàng hải, các tổ
chức hoa tiêu hàng hải trong việc xây dựng và triển khai phương án điều động
tàu thuyền đang hoạt động trong cảng đi tránh bão hoặc ra khu neo đậu tránh,
trú bão.
2. Sẵn sàng thực hiện yêu cầu của Cảng vụ hàng hải
trong việc điều động các phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
3. Chấp hành quy định về chằng buộc hệ thống cần cẩu
trên cầu tàu; áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm chống tác động xấu của thiên
tai đối với kết cấu hạ tầng hàng hải.
4. Tuân thủ các quy định về bảo vệ hệ thống dây tải
điện và trạm biến áp cung cấp điện cho cảng.
5. Đối với kho tàng, bến bãi, nhà xưởng phải có
phương án bảo vệ an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai
gây ra đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị.
6. Phải có phương án phòng chống cháy, nổ đối với
kho chứa hàng hóa dễ cháy, nổ.
7. Thường xuyên kiểm tra, duy trì hệ thống thoát nước
trong cảng bảo đảm thông thoát, tránh úng ngập.
8. Các phương tiện vận tải cơ giới, thiết bị nâng
hàng và các phương tiện phục vụ sản xuất phải được tập kết đúng nơi quy định.
9. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai cụ thể
trong trường hợp tàu thuyền neo đậu tại cầu cảng để phòng chống thiên tai.
Điều 13. Nhiệm vụ phòng ngừa
thiên tai của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển và cơ sở phá dỡ tàu biển
1. Đối với tàu thuyền đang đóng mới, sửa chữa, phá
dỡ:
a) Theo dõi diễn biến của thiên tai để chủ động xây
dựng phương án ứng phó thiên tai phù hợp;
b) Đối với tàu thuyền neo đậu tại cầu tàu phải tăng
cường chằng buộc, bố trí tàu kéo trực cảnh giới.
2. Đối với các cần trục chân đế
Đưa cần trục về vị trí an toàn, khóa cố định chân đế
và chằng buộc cần trục cẩn thận.
3. Đối với âu, ụ nổi:
a) Chằng buộc máy móc, thiết bị, tàu thuyền trong
âu bằng các biện pháp phù hợp như hàn đính, bắt bu lông, tăng cường dây buộc,
đóng kín các nắp hầm hàng và các biện pháp phù hợp khác;
b) Hạ các cần cẩu về vị trí thấp, bắt chặt các giá
đỡ cần;
c) Đóng kín cửa ngăn hầm bơm với âu, duy trì bơm
hút khô trong trạng thái sẵn sàng hoạt động;
d) Hạ thấp ụ nổi ở mức nước tối đa, tăng cường dây
neo, buộc.
4. Đối với triền đà:
a) Tàu đóng mới, sửa chữa, phá dỡ trên triền đà phải
được tăng cường chằng buộc với hệ thống xe triền, mặt triền;
b) Máy móc, thiết bị phải được chằng buộc, che đậy.
Điều 14. Yêu cầu về phòng ngừa
thiên tai đối với công trình đang xây dựng trong vùng nước cảng biển
1. Đối với các công trình đang xây dựng có thời
gian thi công kéo dài qua mùa bão lũ, chủ đầu tư phải xây dựng phương án ứng
phó thiên tai phù hợp.
2. Chủ đầu tư xây dựng phương án ứng phó thiên tai
cụ thể cho công trường và công trình xây dựng và gửi Cảng vụ hàng hải để phối hợp
kiểm tra, chỉ đạo khi xảy ra thiên tai.
3. Đối với trang thiết bị, máy móc thi công lớn như
giá búa, cần cẩu, sà lan, phao nổi và các trang thiết bị khác, chủ đầu tư phải
có phương án sơ tán, chằng buộc trước khi thiên tai xảy ra.
Điều 15. Yêu cầu về phòng ngừa
thiên tai đối với tàu thuyền
1. Chuẩn bị phòng ngừa thiên tai đối với tàu thuyền:
a) Đối với hàng hóa, trang thiết bị trên boong: tổ
chức sắp xếp, chằng buộc hàng hóa, trang thiết bị theo đúng quy định để bảo đảm
an toàn;
b) Các hệ thống động lực, cứu sinh, cứu hỏa, trang
thiết bị thông tin liên lạc phải luôn duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động;
c) Bảo đảm độ kín nước của tàu thuyền: các nắp hầm
hàng, cửa ra vào, cửa mạn tàu, hệ thống thông hơi hầm hàng, hầm neo phải được
che chắn, gia cố bảo đảm kín nước;
d) Chuẩn bị vật tư, thiết bị: dây buộc tàu, dây kéo
tàu, bạt kín nước, dây thép, vật liệu chống thủng, đèn chiếu ắc quy và các
trang thiết bị có liên quan khác phải được trang bị đầy đủ.
2. Khi tàu thuyền hành trình trên biển:
a) Phải tuân thủ quy định về phòng, chống thiên tai
đối với tàu thuyền;
b) Thực hiện chế độ thu nhận các bản tin thời tiết
hàng ngày để nắm bắt kịp thời diễn biến của thiên tai;
c) Kịp thời đưa tàu thuyền vào khu neo đậu tránh,
trú bão đúng quy định về cấp tàu và tình trạng kỹ thuật của máy móc, thiết bị;
d) Điều động tránh, trú bão hợp lý, hạn chế ảnh hưởng
của thiên tai đến người, tàu thuyền và hàng hóa;
đ) Bơm, điều chỉnh hợp lý các két dằn, két dầu, nước
để bảo đảm tính ổn định của tàu thuyền;
e) Cấm những người không có nhiệm vụ đến khu vực
sóng có thể tràn lên boong;
g) Khi làm việc trên boong, ít nhất phải có hai người
mặc áo phao cứu sinh và buộc dây an toàn.
3. Khi tàu thuyền neo đậu trong cảng:
a) Tuân thủ lệnh điều động tàu thuyền của Giám đốc
Cảng vụ hàng hải và yêu cầu tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của cơ quan có
thẩm quyền;
b) Khi nhận tin về thiên tai phải triển khai ngay
phương án ứng phó thiên tai;
c) Phải tính toán độ dài neo cho phù hợp với địa
hình, dòng chảy, mật độ tàu thuyền xung quanh và tăng cường dây buộc tàu để bảo
đảm an toàn;
d) Hệ thống động lực phải luôn trong trạng thái sẵn
sàng hoạt động; hệ thống đèn, còi báo sự cố hoạt động ổn định;
đ) Khi xếp, dỡ hàng hóa phải luôn theo dõi, kiểm
tra sơ đồ và tính ổn định của tàu thuyền, hàng hóa phải được chằng buộc đúng quy
định;
e) Phải luôn duy trì đủ các chức danh thuyền viên để
bảo đảm cho việc cảnh giới và điều động tàu thuyền;
g) Thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, phương tiện cấp cứu
luôn trong trạng thái sẵn sàng.
4. Khi tàu thuyền neo đậu trong khu vực tránh, trú
bão:
a) Tổ chức phòng, chống thiên tai theo phương án đã
xây dựng để bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền viên và hành khách;
b) Phải đảm bảo duy trì chế độ thông tin liên lạc,
thông báo chính xác vị trí, tình trạng của tàu thuyền, thuyền viên và hành
khách cho Cảng vụ hàng hải;
c) Thường xuyên kiểm tra vị trí tàu để đề phòng đứt
neo hoặc rê neo;
d) Kịp thời báo cáo Cảng vụ hàng hải, Trung tâm Phối
hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực hoặc đài thông tin duyên hải về sự cố của
tàu thuyền mình hoặc tàu thuyền lân cận.
Mục 2. ỨNG PHÓ THIÊN TAI
Điều 16. Nhiệm vụ ứng phó
thiên tai
1. Căn cứ vào công điện của cấp trên và các bản tin
dự báo, cảnh báo thiên tai của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Cục
Hàng hải Việt Nam ban hành công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 5 của Thông tư này triển khai thực hiện biện pháp ứng phó
thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai đã được xây dựng.
2. Các cơ quan, đơn vị sau khi nhận được công điện
từ Cục Hàng hải Việt Nam và các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai của khu vực
(nếu có) có trách nhiệm:
a) Kịp thời triển khai biện pháp ứng phó thiên tai
theo phương án ứng phó thiên tai đã xây dựng;
b) Tổ chức trực canh, phân công lực lượng xung kích
thường trực phòng, chống thiên tai tại các khu vực do cơ quan đơn vị quản lý;
duy trì thông tin liên lạc, hỗ trợ y tế và các công việc liên quan khác;
c) Theo dõi dự báo diễn biến của thiên tai và khả
năng chống chịu thiên tai của công trình, máy móc, thiết bị, triển khai phương
án ứng phó thiên tai theo quy định. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó phải
báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam và cấp có thẩm quyền để phối hợp chỉ đạo ứng phó
thiên tai.
Điều 17. Trực ban phòng, chống
thiên tai
1. Thời gian trực:
Trong những ngày có thiên tai hoặc có tình huống đột
xuất xảy ra, phải tổ chức trực ban 24/24 giờ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền, tổ chức trực chia thành 2 ca/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, thời gian
trực như sau:
Ca 1: Từ 07 giờ 00 đến 19 giờ 00;
Ca 2: Từ 19 giờ 00 đến 7 giờ 00 sáng hôm sau.
2. Đối tượng trực:
a) Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam và một số cán bộ
giúp việc được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai;
b) Lãnh đạo cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 5 của Thông tư này và cán bộ các bộ phận chức năng theo
dõi và thực hiện công tác phòng, chống thiên tai.
3. Lịch trực do Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc
người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phân công.
4. Nhiệm vụ cụ thể của ca trực:
a) Nắm bắt tình hình thiên tai qua chỉ đạo của Ban
Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương và
trên phương tiện thông tin đại chúng; tiếp nhận báo cáo của các đơn vị cơ sở, cập
nhật tình hình ứng phó trong phạm vi quản lý của đơn vị;
b) Phân tích và chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện các biện
pháp phòng, chống thiên tai;
c) Báo cáo và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của cấp
trên đến các đơn vị và cá nhân có liên quan;
d) Báo cáo diễn biến thiên tai, đánh giá sơ bộ thiệt
hại và công tác ứng phó trong phạm vi quản lý của đơn vị; đề xuất, kiến nghị với
cấp trên về các biện pháp xử lý.
5. Người tham gia công tác phòng, chống thiên tai
được trang bị thiết bị bảo hộ và hưởng các chế độ bồi dưỡng theo quy định của
pháp luật.
Điều 18. Xử lý tình huống khi
thiên tai xảy ra
1. Khi thiên tai xảy ra, Lãnh đạo Cục hàng hải Việt
Nam, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chủ động trong việc điều hành bộ máy của
mình thực hiện phương án đã chuẩn bị và chọn phương án thích hợp để xử lý các
tình huống phát sinh, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.
2. Tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ bao gồm lực lượng
tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ; phối hợp chặt
chẽ với lực lượng phòng, chống thiên tai tại địa phương để thực hiện.
3. Trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng, vượt quá
khả năng nhân lực, vật tư, trang thiết bị của đơn vị phải nhanh chóng báo cáo cấp
trên chỉ đạo việc huy động và thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan để được
chi viện, hỗ trợ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
4. Huy động ngay lực lượng xung kích, các trang thiết
bị, phương tiện vận tải để triển khai cứu người, tài sản, phương tiện, công
trình nơi xảy ra thiên tai.
5. Bảo đảm thông tin thông suốt, chỉ đạo, điều hành
trực tiếp của cơ quan, đơn vị đối với đơn vị cấp dưới; tổng hợp báo cáo nhanh
diễn biến, sự cố thiên tai và thiệt hại đến cơ quan, đơn vị cấp trên theo quy định.
Mục 3. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN
TAI
Điều 19. Nhiệm vụ chung trong
khắc phục hậu quả thiên tai
1. Cứu, tìm kiếm người mất tích, tàu thuyền và tài
sản khác.
2. Khắc phục sự cố hư hỏng các kết cấu hạ tầng cảng
biển, trang thiết bị, các phương tiện vận tải, các công trình bảo đảm an toàn
hàng hải.
3. Sửa chữa máy móc thi công, thực hiện các biện
pháp phục hồi sản xuất.
4. Sửa chữa, phục hồi hệ thống thông tin liên lạc.
5. Thực hiện vệ sinh môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm
môi trường, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ, ổn định đời sống cán bộ công nhân
viên, nhân dân vùng bị thiên tai.
6. Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây
ra, báo cáo rút kinh nghiệm.
7. Lập dự toán kinh phí, thanh toán, quyết toán chi
phí khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.
Điều 20. Nhiệm vụ cụ thể trong
khắc phục hậu quả thiên tai
1. Khắc phục ách tắc luồng hàng hải:
a) Cảng vụ hàng hải chủ trì tổ chức khắc phục sự cố
ách tắc luồng hàng hải và điều tiết giao thông trên luồng;
b) Các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hàng hải
trong khu vực có nhiệm vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu về nhân lực, trang thiết bị
và phương tiện để nhanh chóng khắc phục sự cố ách tắc luồng hàng hải.
2. Trục vớt tài sản chìm đắm
Thực hiện theo các quy định của Chính phủ về xử lý
tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển
Việt Nam.
3. Tổ chức nạo vét đoạn luồng bị sạt lở, bồi lắng
do ảnh hưởng của thiên tai
Ngay sau khi luồng hàng hải bị cạn do thiên tai gây
sạt lở, bồi lắng gây ách tắc luồng phải thực hiện các công việc sau:
a) Cảng vụ hàng hải:
Tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện điều tiết bảo
đảm an toàn giao thông khu vực;
Chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Bảo đảm An toàn
hàng hải để thống nhất điều chỉnh hướng tuyến, phao báo hiệu tạm thời để bảo đảm
an toàn, không gây ách tắc luồng;
Kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh hướng tuyến và
phao báo hiệu hàng hải của Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải;
Phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải theo quy
định của pháp luật và kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công nạo vét khắc
phục sạt lở, bồi lắng do thiên tai gây ra.
b) Các Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải:
Thực hiện việc dịch chuyển luồng hàng hải và phao
báo hiệu hàng hải trong trường hợp điều chỉnh hướng tuyến tạm thời sau khi có ý
kiến thống nhất của Cục Hàng hải Việt Nam;
Trong trường hợp phải thực hiện khắc phục ngay việc
nạo vét tuyến luồng do sạt lở, bồi lắng do sự cố thiên tai gây ra, các Tổng
công ty Bảo đảm An toàn hàng hải có trách nhiệm rà soát, đề xuất phương án nạo
vét báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định.
4. Khôi phục hoạt động của hệ thống đài thông tin
duyên hải:
a) Trong thời gian xảy ra thiên tai, nếu có sự cố đối
với hệ thống phát sóng, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam phải
nhanh chóng đưa vào sử dụng hệ thống dự phòng để bảo đảm thông tin liên tục
24/24 giờ;
b) Ngay sau khi có tổn thất do thiên tai gây ra,
Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam phải nhanh chóng sửa chữa
hư hỏng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị để hệ thống đài thông tin duyên hải vận
hành an toàn, liên tục.
5. Khôi phục hoạt động của hệ thống báo hiệu hàng hải:
Sau khi thiên tai xảy ra các Tổng công ty Bảo đảm
An toàn hàng hải phải tổ chức thực hiện:
a) Kiểm tra, đưa phao báo hiệu bị trôi dạt về đúng
vị trí, khôi phục báo hiệu hư hỏng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động
trên luồng;
b) Kịp thời khôi phục các đặc tính kỹ thuật của báo
hiệu hàng hải, hệ thống chập tiêu, các công trình chỉnh trị luồng và các hệ thống
báo hiệu hàng hải khác;
c) Kịp thời công bố thông báo hàng hải về sự thay đổi
các đặc tính kỹ thuật của luồng, các báo hiệu hàng hải và tài sản chìm đắm trên
luồng do ảnh hưởng của thiên tai;
d) Thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng
vụ hàng hải tại khu vực trong việc điều động phương tiện, trang thiết bị tham
gia giải tỏa ách tắc và điều tiết giao thông; điều chỉnh báo hiệu hàng hải, lắp
đặt phao cảnh báo nguy hiểm.
6. Khôi phục kết cấu hạ tầng hàng hải:
a) Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo sửa chữa khôi phục
kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng;
b) Doanh nghiệp cảng biển tổ chức sửa chữa khôi phục
kết cấu hạ tầng thuộc trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp như: vùng quay trở
tàu, vùng nước trước cầu cảng, nhà xưởng, kho, bãi nhằm sớm ổn định hoạt động sản
xuất, kinh doanh.
7. Ứng phó sự cố tràn dầu
Thực hiện theo các quy định của Chính phủ về Ứng
phó sự cố tràn dầu.
8. Thực hiện vệ sinh môi trường:
a) Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia vệ
sinh môi trường để phòng chống ô nhiễm, dịch bệnh sau thiên tai;
b) Cảng vụ hàng hải phối hợp với cơ sở y tế thực hiện
vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai.
9. Tổ chức thống kê thiệt hại, thanh toán, quyết
toán chi phí khắc phục hậu quả thiên tai:
a) Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt
Nam gửi báo cáo thống kê thiệt hại, báo cáo thanh toán, quyết toán chi phí khắc
phục hậu quả thiên tai về Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết hoặc báo
cáo Bộ Giao thông vận tải giải quyết theo thẩm quyền;
b) Cảng vụ hàng hải xác nhận thiệt hại, hậu quả
thiên tai cho các đơn vị, doanh nghiệp hàng hải.
Chương IV
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH
PHÍ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Điều 21. Nguồn kinh phí cho
phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải
Nguồn kinh phí cho phòng, chống thiên tai trong
lĩnh vực hàng hải bao gồm:
1. Nguồn được cấp từ ngân sách Nhà nước cấp, nguồn chi
sự nghiệp kinh tế hàng hải, nguồn tìm kiếm, cứu nạn, nguồn sự nghiệp kinh tế
khác, chi sự nghiệp kinh tế từ nguồn thu phí hàng hải.
2. Các khoản cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước khi thiên tai xảy ra.
3. Nguồn trích từ giá thành sản xuất trong năm tài
chính của doanh nghiệp.
4. Nguồn kinh phí từ Hợp đồng mua bảo hiểm công
trình hàng hải.
5. Nguồn lao động công ích hoặc tự nguyện tham gia
theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Quản lý, sử dụng nguồn
kinh phí cho phòng, chống thiên tai
Nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống
thiên tai trong lĩnh vực hàng hải được quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán
theo quy định của pháp luật.
Chương V
THANH TRA, KIỂM TRA, BÁO
CÁO TRONG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Điều 23. Thanh tra, kiểm tra
Hàng năm Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải lập
kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của nhà nước về phòng, chống
thiên tai tại các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng hải.
Điều 24. Chế độ báo cáo
1. Báo cáo trước, trong và sau khi thiên tai xảy
ra:
a) Trước khi thiên tai xảy ra: báo cáo về công tác
chuẩn bị phòng, chống thiên tai, tình trạng tàu thuyền trong khu vực (tổng số
tàu thuyền, số lượng thuyền viên, khả năng tiếp nhận tàu thuyền neo đậu và bố
trí nơi neo đậu cho tàu thuyền).
Trước 60 giờ các đơn vị, doanh nghiệp hàng hải
trong khu vực phải gửi báo cáo cho Cảng vụ hàng hải;
Trước 48 giờ các Cảng vụ hàng hải tổng hợp các công
việc triển khai, gửi báo cáo về Cục Hàng hải Việt Nam để Cục Hàng hải Việt Nam
báo cáo ngay Bộ Giao thông vận tải;
Trước 24 giờ các Cảng vụ hàng hải báo cáo Cục Hàng
hải Việt Nam việc hoàn thành công tác triển khai để Cục Hàng hải Việt Nam báo
cáo ngay Bộ Giao thông vận tải;
Trước 12 giờ các Cảng vụ hàng hải báo cáo Cục Hàng
hải Việt Nam số lượng tàu thuyền thay đổi trong vùng nước cảng biển và các công
việc phát sinh khác để Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo ngay Bộ Giao thông vận tải.
b) Trong khi thiên tai diễn ra: báo cáo về diễn biến
của thiên tai và những sự cố nghiêm trọng (thiệt hại ban đầu về người, tàu thuyền,
nhà cửa, công trình, kết cấu hạ tầng hàng hải).
Các Cảng vụ hàng hải tổ chức trực 24/24 giờ, mỗi
ngày 01 lần gửi báo cáo về Cục Hàng hải Việt Nam; trường hợp xảy ra sự cố
nghiêm trọng phải báo cáo ngay;
Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức trực 24/24 giờ, mỗi ngày
01 lần gửi báo cáo về Bộ Giao thông vận tải; trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng
phải báo cáo ngay;
c) Sau khi thiên tai xảy ra:
Ngay sau khi thiên tai kết thúc, các tổ chức cá
nhân báo cáo ngay sơ bộ tình hình thiệt hại về Cảng vụ hàng hải để tổng hợp báo
cáo Cục Hàng hải Việt Nam.
Chậm nhất sau 02 ngày kể từ khi kết thúc thiên tai,
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tổ chức kiểm tra, phân loại và đánh giá
chính xác thiệt hại, lập báo cáo gửi về Cảng vụ hàng hải để tổng hợp, gửi Cục
Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết hoặc báo cáo Bộ Giao thông vận tải giải
quyết theo thẩm quyền.
Nội dung báo cáo cần nêu đầy đủ và diễn biến thiên
tai, công tác chỉ đạo, tổng hợp thiệt hại, chi phí khắc phục hậu quả thiên tai,
những kiến nghị (nếu có).
2. Phương thức gửi báo cáo
Các công điện, công văn, báo cáo được gửi bằng Fax,
thư điện tử và các hình thức khác để bảo đảm kịp thời, sau đó văn bản chính được
gửi theo đường bưu điện để lưu.
3. Báo cáo năm:
a) Các cơ quan, đơn vị: Cảng vụ hàng hải, Trung tâm
Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử
hàng hải Việt Nam, các Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải tổng kết công tác
phòng, chống thiên tai và xây dựng phương án ứng phó thiên tai gửi Cục Hàng hải
Việt Nam để báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 25 tháng 02 hàng năm;
b) Các cơ quan, đơn vị có liên quan trong lĩnh vực
hàng hải thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ hàng hải tổng kết công tác phòng, chống
thiên tai và xây dựng phương án ứng phó thiên tai gửi Cảng vụ hàng hải tại khu
vực để báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 5 năm 2019.
2. Bãi bỏ Thông tư số 29/2010/TT-BGTVT
ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng,
chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong ngành Hàng hải.
Điều 26. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng,
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm An toàn
hàng hải miền Bắc, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền
Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam, Tổng
giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam, các Giám đốc Cảng
vụ hàng hải, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 26;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT;
- UBQG Ứng phó sự cố TT&TKCN;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm soát TTHC (VPCP);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, ATGT (03 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Công
|