Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 04/2019/TT-BGTVT tuần đường tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Số hiệu: 04/2019/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Lê Đình Thọ
Ngày ban hành: 23/01/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Phải tuần đường ít nhất 01 lần/ngày trên đường cao tốc

Thông tư 04/2019/TT-BGTVT quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 28/3/2019.

Theo đó, nhân viên tuần đường phải thực hiện tuần tra, kiểm tra mỗi vị trí công trình trong phạm vi đoạn đường được giao với số lần như sau:

- Ít nhất 01 lần/ 01 ngày, đối với:

+ Các tuyến đường cao tốc, trong các tháng mùa mưa đối với các quốc lộ;

+ Các đoạn tuyến quốc lộ có công trình hư hỏng nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn trong khai thác sử dụng, trong thời gian khu vực có đất đá lở, băng giá;

+ Các đoạn đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vượt quá lưu lượng thiết kế.

- Ít nhất 02 ngày 01 lần đối với các trường hợp khác; người quản lý sử dụng công trình đường bộ và đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ thống nhất kế hoạch, thời gian thực hiện tuần đường.

Xem thêm các trường hợp không thực hiện những quy định nêu trên tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 04/2019/TT-BGTVT ngày 23/01/2019.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2019/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TUẦN ĐƯỜNG, TUẦN KIỂM ĐỂ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 2 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về công tác tuần đường, tuần kiểm để quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý sử dụng công trình đường bộ, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tuần đường là hoạt động tuần tra, kiểm tra để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ trên tuyến đường được giao quản lý.

2. Nhân viên tuần đường là cá nhân được đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ giao nhiệm vụ tuần đường.

3. Đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ là nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ hoặc đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường bộ.

4. Tuần kiểm đường bộ là hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động tuần đường và kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của đơn vị, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ.

Điều 4. Nhiệm vụ của nhân viên tuần đường

1. Đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:

a) Tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tự giác chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả vi phạm về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và khôi phục lại hiện trạng công trình ban đầu;

b) Phát hiện, ngăn chặn kịp thời tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Lập biên bản xác nhận các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

d) Tổng hợp kết quả xử lý, khắc phục vi phạm, công tác cưỡng chế của chính quyền địa phương, báo cáo kịp thời đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ về các nội dung quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản này và đề xuất xử lý.

2. Kiểm tra, xử lý hư hỏng công trình đường bộ bao gồm:

a) Phát hiện kịp thời các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng công trình đường bộ, thiết bị lắp đặt vào công trình đường bộ để báo cáo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ;

b) Đối với các hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình, nhân viên tuần đường có tránh nhiệm thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời. Trường hợp vượt quá khả năng tự thực hiện thì thực hiện biện pháp cảnh báo tạm thời (sử dụng báo hiệu nguy hiểm bằng cờ, đèn, còi cảnh báo hoặc ra hiệu bằng tay, khẩu lệnh, đặt các chướng ngại vật dễ nhận biết cảnh báo từ xa hoặc các biện pháp cần thiết khác), báo cáo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ;

c) Đối với các công trình, bộ phận hạng mục công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình đã có dấu hiệu hư hỏng, hư hỏng xuống cấp chưa được sửa chữa nhưng đang tiếp tục khai thác sử dụng, nhân viên tuần đường có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng làm việc của công trình, bộ phận, hạng mục công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình; theo dõi các diễn biến hư hỏng ghi vào nhật ký tuần đường và báo cáo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình; khi hư hỏng phát triển gây mất an toàn công trình và an toàn giao thông thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

d) Theo dõi mức nước tại các công trình ngầm, tràn trên đường bộ, cột thủy trí khi có mưa, lũ, nước dềnh; cảnh báo tạm thời cho người tham gia giao thông khi ngầm, tràn không đảm bảo an toàn khai thác do mực nước, vận tốc nước lớn hơn quy định hoặc công trình bị hư hỏng; báo cáo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ.

3. Đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông:

a) Thông báo ngay khi có vụ tai nạn cho các tổ chức, cá nhân sau: lực lượng công an nơi gần nhất; cứu nạn y tế, cứu hộ giao thông (nếu cần); đại diện người quản lý, sử dụng công trình đường bộ và đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình, cơ quan quản lý đường bộ;

b) Tham gia xử lý khi có ùn tắc giao thông, cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông; hướng dẫn tạm thời giao thông trong trường hợp cần thiết khi chưa có cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường bộ; tham gia bảo vệ hiện trường tai nạn khi chưa có lực lượng chức năng;

c) Đối với trường hợp vụ tai nạn làm gãy, hỏng hộ lan, lan can cầu, cột tiêu, biển báo, làm hư hỏng cầu và các trường hợp gây thiệt hại công trình, nhân viên tuần đường bảo vệ hiện trường, thống kê các thiệt hại và yêu cầu người điều khiển phương tiện ở lại hiện trường; thông báo cho đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ; phối hợp với chính quyền địa phương hoặc lực lượng công an lập biên bản xác nhận thiệt hại làm căn cứ yêu cầu thực hiện bồi thường. Trường hợp tai nạn làm hư hỏng các kết cấu chịu lực của công trình đường bộ (cầu, hầm hoặc công trình khác) hoặc công trình hư hỏng nặng có dấu hiệu ảnh hưởng đến khả năng khai thác của công trình phải báo cáo người quản lý, sử dụng công trình đường bộ đến lập biên bản xác nhận thiệt hại làm căn cứ yêu cầu thực hiện bồi thường;

d) Hàng tháng, thống kê các vụ tai nạn và mức độ thiệt hại của từng vụ để lập báo cáo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ;

đ) Phát hiện các tồn tại trong tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để báo cáo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ.

4. Khi công trình đường bộ xảy ra sự cố hoặc có dấu hiệu nguy hiểm không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng quy định tại Điều 44 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, nhân viên tuần đường có trách nhiệm:

a) Thông báo kịp thời cho người quản lý sử dụng công trình, cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương nơi gần nhất, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ để cảnh báo cho người tham gia giao thông;

b) Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện tham gia giao thông.

5. Trước khi hết ca tuần đường, nhân viên tuần đường có trách nhiệm ghi nhật ký tuần đường. Trường hợp tham gia giải quyết tai nạn giao thông, sự cố công trình và các trường hợp khác không thể ghi nhật ký trong ngày thì ghi vào ca tuần đường tiếp theo. Nhật ký tuần đường phải phản ánh đầy đủ mọi tình trạng, sự cố xảy ra đối với đoạn đường, cầu và công trình, hành lang an toàn đường bộ trên tuyến được giao nhiệm vụ. Mẫu nhật ký tuần đường theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này và lưu trữ tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Thời gian thực hiện tuần đường và chiều dài đoạn đường giao nhân viên tuần đường thực hiện

1. Thực hiện tuần tra, kiểm tra mỗi vị trí công trình trong phạm vi đoạn đường được giao với số lần như sau:

a) Không ít hơn 01 lần/01 ngày đối với các tuyến đường cao tốc, trong các tháng mùa mưa đối với các quốc lộ; trên đoạn tuyến quốc lộ có công trình hư hỏng nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn trong khai thác sử dụng, trong thời gian khu vực có đất đá lở, băng giá; đoạn đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vượt quá lưu lượng thiết kế;

b) Không ít hơn 01 lần/2 ngày đối với các trường hợp ngoài quy định tại điểm a Khoản này. Đối với trường hợp này, người quản lý sử dụng công trình đường bộ và đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ thống nhất kế hoạch, thời gian các ngày thực hiện tuần đường.

2. Các trường hợp không thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công trình đường bộ xảy ra sự cố nghiêm trọng gây hư hỏng tắc đường, hầm, cầu cống bị hư hỏng không thể khai thác; các trường hợp khác làm cho nhân viên tuần đường không thể tiếp cận an toàn đối với vị trí công trình cần thực hiện tuần đường, làm gián đoạn hoạt động tuần đường;

b) Trong thời gian nhân viên tuần đường tham gia cứu hộ, cứu nạn, giải quyết sự cố.

3. Chiều dài nhân viên tuần đường được giao thực hiện nhiệm vụ phụ thuộc quy mô, tính chất công trình, phương tiện di chuyển của nhân viên tuần đường nhưng không quá quy định sau:

a) Đường cấp I và II: 25 km/người khi sử dụng phương tiện mô tô, xe máy để đi tuần đường;

b) Đường cấp III: 30 km/người khi sử dụng mô tô, xe máy đi tuần đường;

c) Đường các cấp IV, V và VI: 35 km/người đối với đường miền núi, 45 km/người đối với đường đồng bằng, trung du khi sử dụng mô tô, xe máy đi tuần đường;

d) Khi sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển tuần đường, chiều dài giao nhân viên tuần đường được tăng thêm không quá 1,5 lần so với quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản này.

4. Việc tuần đường trên các đoạn đường cao tốc do 02 nhân viên tuần đường (01 tổ) cùng thực hiện với chiều dài: không quá 30 km/tổ khi sử dụng mô tô, xe máy di chuyển; không quá 50 km/tổ trong trường hợp sử dụng ô tô di chuyển.

5. Đối với công trình cầu, hầm cấp đặc biệt, cấp I, II và III:

a) Chiều dài để giao nhiệm vụ tuần đường mà trên tuyến có các công trình cầu cấp đặc biệt, cấp I thì chiều dài quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này được giảm đi 1,5 lần chiều dài của các cầu đó; tương tự, mà trên tuyến có các công trình cầu cấp cấp II và cấp III thì chiều dài quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này được giảm đi 0,5 lần chiều dài của các cầu đó;

b) Chiều dài để giao nhiệm vụ tuần đường mà trên tuyến có các công trình hầm đường bộ cấp đặc biệt, cấp I thì chiều dài quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này được giảm đi 2 lần chiều dài của các hầm đó; tương tự, mà trên tuyến có các công trình hầm đường bộ cấp II, cấp III thì chiều dài quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này được giảm đi 1,0 lần chiều dài của các hầm đó.

6. Trường hợp cần thiết (các ngày có mưa lũ, công trình cầu có kết cấu phức tạp, công trình hư hỏng nặng), người quản lý sử dụng công trình đường bộ yêu cầu đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ tăng số lần tuần đường so với quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ

1. Bố trí thực hiện tuần đường theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; trang bị phương tiện, thiết bị cho nhân viên tuần đường thực hiện nhiệm vụ.

2. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường; xử lý, thay thế nhân viên tuần đường không hoàn thành nhiệm vụ, có hành vi vi phạm quy định tại Thông tư này.

3. Xử lý các kiến nghị của nhân viên tuần đường ghi trong sổ Nhật ký tuần đường hoặc báo cáo người quản lý, sử dụng công trình, cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra giao thông (nếu cần thiết), công an để xử lý. Trong trường hợp khẩn cấp, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên và vận hành khai thác công trình đường bộ phải huy động mọi lực lượng để hạn chế những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

4. Tổ chức sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, xuống cấp của công trình đường bộ theo đề xuất của nhân viên tuần đường. Trường hợp hư hỏng, xuống cấp nằm ngoài phạm vi hợp đồng quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình thì báo cáo kịp thời với người quản lý sử dụng công trình đường bộ để có biện pháp sửa chữa, khắc phục.

5. Tham gia xử lý tai nạn giao thông, xử lý khắc phục ùn tắc giao thông, sự cố mất an toàn giao thông, sự cố xảy ra đối với công trình đường bộ.

6. Tham gia xử lý khắc phục bão lũ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

7. Phối hợp với người quản lý sử dụng công trình đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra và công an trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

8. Hàng tháng, báo cáo người quản lý, sử dụng công trình đường bộ các nội dung sau:

a) Việc thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác trong tháng; công tác sửa chữa khắc phục các hư hỏng;

b) Tình trạng kỹ thuật của các hạng mục công trình, các hiện tượng hư hỏng, xuống cấp của các hạng mục: mặt đường, nền và lề đường; hệ thống an toàn giao thông; hệ thống chiếu sáng; hệ thống thoát nước: cống, mương, rãnh thoát nước, ngầm, tràn; công trình bảo vệ nền đường, chỉnh trị dòng chảy; mố, trụ, kết cấu nhịp, gối, khe co giãn và các bộ phận của cầu; vỏ, thân, cửa hầm, bộ phận thu thoát nước và các bộ phận khác của hầm; các thiết bị lắp đặt vào công trình, các công trình bến phà và các hạng mục công trình khác thuộc phạm vi quản lý;

c) Các vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân gây tai nạn giao thông, hậu quả do tai nạn giao thông gây ra đối với người, phương tiện tham gia giao thông; các hạng mục công trình bị hư hỏng, giá trị hư hỏng do tai nạn giao thông; các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến phát sinh nhưng chưa được xử lý;

d) Các vụ vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phát sinh trong tháng, các vụ đã xử lý, chưa xử lý.

Điều 7. Tuần kiểm đường bộ

1. Người quản lý sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm cử người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ. Đối với công trình đường bộ cao tốc mà người quản lý sử dụng công trình đường bộ không phải là cơ quan trực tiếp quản lý công trình đường bộ thì cơ quan trực tiếp quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm cử người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ.

2. Nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ:

a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ và việc thực hiện nhiệm vụ tuần đường quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư này;

b) Tiếp nhận, xử lý hoặc báo cáo, đề xuất người quản lý sử dụng công trình đường bộ xử lý các kiến nghị của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ và nhân viên tuần đường về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lập biên bản vi phạm việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; yêu cầu tổ chức, cá nhân dừng hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và khôi phục vị trí ban đầu;

d) Theo dõi, tổng hợp tình hình và kết quả xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, báo cáo người quản lý sử dụng công trình đường bộ về nội dung trên. Kiến nghị các biện pháp phòng, chống, xử lý vi phạm việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

đ) Theo dõi việc tổ chức giao thông, kiến nghị người quản lý sử dụng công trình đường bộ điều chỉnh, bổ sung biển báo, hệ thống an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức giao thông, phòng, chống ùn tắc, tai nạn giao thông. Kiểm tra các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, báo cáo người quản lý sử dụng công trình đường bộ và kiến nghị xử lý nếu thấy cần thiết;

e) Khi nhận được thông tin tai nạn giao thông, phải thông báo lực lượng công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất và người tham gia giao thông; báo cáo cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý sử dụng công trình đường bộ về tai nạn giao thông; tham gia xử lý khi có ùn tắc giao thông, cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông; hướng dẫn tạm thời giao thông trong trường hợp cần thiết khi chưa có cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường bộ; tham gia bảo vệ hiện trường tai nạn khi chưa có lực lượng chức năng.

3. Công tác tuần kiểm đường bộ được thực hiện như sau:

a) Kiểm tra trên tuyến đường được giao quản lý ít nhất 01 lần trong 01 tuần;

b) Tăng số lần tuần kiểm trong các trường hợp đoạn đường đang khai thác hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, các điểm sạt lở, lũ lụt gây ngập hoặc có nguy cơ sạt lở, cầu yếu, các đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông;

c) Sau khi thực hiện công tác tuần kiểm trên tuyến hoặc xử lý các kiến nghị của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ và nhân viên tuần đường, cá nhân thực hiện công tác tuần kiểm đường bộ có trách nhiệm ghi nhật ký tuần kiểm. Nhật ký tuần kiểm phải phản ánh đầy đủ quá trình xử lý, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ. Mẫu nhật ký tuần kiểm theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này và lưu trữ tại cơ quan theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của người quản lý, sử dụng công trình đường bộ

1. Kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) của người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ.

2. Xử lý đối với các kiến nghị của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ, người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ về khắc phục hư hỏng, xuống cấp, sự cố, nguy cơ sự cố công trình, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Xử lý vi phạm của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật.

4. Xử lý vi phạm việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:

a) Xử lý vi phạm việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền;

b) Kiến nghị với chính quyền địa phương, lực lượng công an, thanh tra giao thông, cơ quan quản lý đường bộ trong xử lý vi phạm việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Tham gia thực hiện công tác giải tỏa, cưỡng chế vi phạm việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khi có đề nghị của chính quyền địa phương.

5. Kiến nghị cơ quan quản lý đường bộ hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận phương án điều chỉnh, bổ sung các biện pháp tổ chức giao thông để nâng cao hiệu quả bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ

Thực hiện trách nhiệm của người quản lý, sử dụng công trình đường bộ quy định tại Thông tư này đối với tuyến đường được giao quản lý và thực hiện các quy định sau:

1. Kiểm tra việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của người quản lý, sử dụng công trình đường bộ;

2. Xử lý các kiến nghị của người quản lý, sử dụng công trình đường bộ đối với công tác điều chỉnh, bổ sung các biện pháp tổ chức giao thông theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này;

3. Thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 10. Phương tiện, thiết bị, trang phục phục vụ tuần đường và tuần kiểm đường bộ

Phương tiện, thiết bị, trang phục phục vụ công tác tuần đường và tuần kiểm theo quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 3 năm 2019 và thay thế Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 12;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND và Sở GTVT các tỉnh,  thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ,
 Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu VT, KCHTGT (5 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ

PHỤ LỤC 01

MẪU NHẬT KÝ TUẦN ĐƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04 /2019/TT-BGTVT ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

I. Mẫu bìa nhật ký

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

NHẬT KÝ TUẦN ĐƯỜNG

Quyển số: ...............

Đơn vị bảo dưỡng thường xuyên và vận hành khai thác công trình đường bộ ........................................................

Từ Km …....................... đến Km .......................... QL.............

Nhân viên tuần đường: .............................................................

Bắt đầu ngày: ......................./.................../................................

Hết quyển ngày: ..................../..................../..............................

..........., năm 20 .......

HƯỚNG DẪN

PHẦN I.

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuần đường (bao gồm đường, cầu, cống, hầm, kè, ngầm, tràn, hệ thống an toàn giao thông, hành lang an toàn đường bộ) nhằm mục đích phát hiện kịp thời những hư hỏng, vi phạm hoặc sự cố xảy ra để nhanh chóng khắc phục, tránh những hậu quả xấu làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như xã hội. Nhật ký tuần đường là tài liệu quan trọng trong công tác quản lý vì vậy phải được ghi chép đầy đủ và lưu trữ tại đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ.

2. Người làm nhiệm vụ tuần đường phải ghi chép trong khi làm nhiệm vụ nhằm phản ánh đầy đủ mọi tình trạng, sự cố xảy ra đối với đoạn đường, cây cầu và công trình, hành lang an toàn đường bộ có trên tuyến được giao nhiệm vụ.

3. Lãnh đạo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ đọc nội dung ghi chép trong sổ vào cuối ngày và ghi ý kiến xử lý, đồng thời ký tên dưới ý kiến đó.

4. Hàng tháng, hàng quý, khi nghiệm thu công tác bảo dưỡng thường xuyên nhật ký tuần đường phải được xuất trình để hội đồng nghiệm thu xem xét đánh giá công tác quản lý theo tháng, quý đó.

5. Nội dung ghi chép trong nhật ký là căn cứ để đánh giá chất lượng công tác của nhân viên tuần đường.

Đối với đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ, nhật ký tuần đường đánh giá một phần chất lượng và trình độ, phương thức quản lý của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ.

PHẦN II.

NỘI DUNG KIỂM TRA, GHI CHÉP

1. Nội dung ghi trong nhật ký gồm:

a) Người thực hiện tuần đường, thời gian tuần đường;

b) Diễn biến chính thời tiết trong ngày, mực nước trên các vị trí có cột thủy trí như tại ngầm tràn, bến phà, trên các bộ phận mố, trụ cầu trong mùa lũ, tình hình lũ, lụt (nếu có);

c) Đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Ghi cụ thể các vụ vi phạm mới phát sinh (đã lập biên bản xác nhận, chưa lập biên bản kèm theo lý do như chủ hộ đi vắng, không chịu ký hoặc nguyên nhân khác); tình hình và kết quả từng vụ vi phạm đã được xử lý (tổ chức, cá nhân tự khắc phục, thanh tra lập biên bản xử lý, chính quyền cưỡng chế, giải tỏa và các biện pháp xử lý khác), các vụ đang xử lý và chưa xử lý, các thông tin cụ thể khác.

Đối với trường hợp các vụ vi phạm chưa xử lý đã ghi trong lần trước không có thay đổi về tình hình giải quyết thì không cần ghi lại trong nhật ký, trừ khi đã được xử lý, giải quyết.

Các trường hợp vi phạm đấu nối trái phép vào đường bộ, san lấp trong phạm vi đất của đường bộ, đất thuộc phạm vi hành lang an toàn đường bộ, đào khoan, xẻ đường trái phép, tháo dỡ, phá cống, rãnh và công trình kiên cố cần được ghi cụ thể vị trí, lý trình có vi phạm, mức độ vi phạm và các thông tin chi tiết;

d) Đối với tình trạng kỹ thuật công trình, nhật ký cần ghi các bộ phận của cầu như dầm, dàn, khung, mố, trụ, gối, khe co giãn, lan can tay vịn, mặt cầu, ống thoát nước, dây văng, dây cáp treo, hố neo và các bộ phận khác của cầu: ghi rõ tình trạng bị hư hỏng, có dấu hiệu phát sinh hư hỏng hoặc đã hư hỏng có phát triển (như vết nứt mở rộng, kéo dài; dầm dàn hoặc kết cấu nhịp tuy chưa gãy đổ nhưng có dấu hiệu bị võng) và các trường hợp hư hỏng khác.

Đối với phần đường, nhật ký ghi các đoạn đường hư hỏng, mức độ hư hỏng kết cấu mặt đường (hư hỏng dưới dạng rạn, nứt, ổ gà, hằn lún, hư hỏng sình lún móng mặt đường và các dạng hư hỏng khác trên mặt đường theo quy định của các tiêu chuẩn kỹ thuật); hư hỏng nền đường với các dạng sạt lở đất, đá ta luy dương, sụt trượt ta luy âm, lún, nứt nền đường, xuất hiện cung trượt và các hiện tượng hư hỏng khác; các loại hư hỏng lề đường như bề mặt nứt, vỡ, xói lở, lún, trồi và các loại hư hỏng khác.

Đối với hệ thống, cống, rãnh thoát nước, nhật ký tuần đường ghi lại tình trạng thoát nước bình thường hoặc bị tắc (nếu có); các bộ phận hư hỏng, loại hư hỏng, mức độ hư hỏng (nếu có).

Đối với ngầm, tràn trong thời gian lũ, ngập lụt phải ghi rõ số giờ, các ngày bị ngập, chiều sâu ngập (trên cột thủy trí), vận tốc dòng nước (ước tính khi không có thiết bị đo), nguyên nhân ngập (do ảnh hưởng của cơn bão, do mưa lớn); tình trạng công trình sau khi nước rút, các hư hỏng cần phải khắc phục (nếu có).

Đối với cột mốc giải phóng mặt bằng đất xây dựng công trình đường bộ, mốc đất của đường bộ, cột mốc lộ giới phân định phạm vi hàng lang an toàn đường bộ, nhật ký ghi lại các cột bị mất, các cột gãy, đổ và các hư hỏng khác (nếu có).

Đối với thiết bị lắp đặt vào công trình đường bộ và các hạng mục công trình đường bộ khác, căn cứ tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác sử dụng và các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng để ghi trong nhật ký (đèn đường bị hỏng, thiết bị thông gió hầm hỏng không hoạt động);

đ) Đối với các công trình an toàn giao thông đã có, nhật ký cần ghi lại các hiện tượng biển báo hiệu, cột tiêu, cột Km, cột H, rào chắn, tường hộ lan thép bị gãy, đổ, mất, hỏng; tình trạng sơn trên mặt đường bị mờ, mài mòn, mất vệt sơn; đối với các vị trí tổ chức giao thông chưa hợp lý gây ùn tắc giao thông, xuất hiện điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông ghi lại các nội dung theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tiêu chí xác định điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trong ngành đường bộ;

e) Trường hợp có tai nạn giao thông, nhân viên tuần đường phải ghi lại thời điểm vụ tai nạn, phương tiện gây tai nạn và bị nạn, hậu quả tai nạn gây ra đối với người và phương tiện giao thông; hư hỏng thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông; tình hình, kết quả xử lý vụ tai nạn; tình trạng gây ùn tắc (nếu có) do tai nạn.

2. Việc ghi chép phải thực hiện trong khi tiến hành kiểm tra. Cuối ngày phải được tập trung ở đơn vị bảo dưỡng thường xuyên và vận hành khai thác công trình đường bộ.

3. Nội dung ghi chép phải mạch lạc, rõ ràng, tỉ mỉ, chính xác, nhân viên tuần đường phải ký tên ở phía dưới.

4. Khi đi tuần, gặp trường hợp cầu, đường, công trình bị hư hỏng, dầu mỡ rơi vãi trên mặt đường, cây cối bị đổ, đất đá sụt lở, dây điện bị đứt rơi xuống đường ... có thể nguy hiểm cho người và xe cộ đi lại thì bản thân nhân viên tuần đường phải giải quyết ngay nếu công việc đơn giản, khối lượng ít, hoặc báo ngay cho đơn vị bảo dưỡng thường xuyên và vận hành khai thác công trình đường bộ và người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm để xử lý, rào chắn và hướng dẫn xe cộ qua lại.

Ghi chú: Sổ nhật ký tuần đường gồm 100 trang được đánh dấu từ 1 đến 100 và đóng dấu giáp lai.

Trang đầu (bên trái):

Giờ ngày, tháng kiểm tra

Vị trí, Lý trình, xảy ra phát hiện sự cố, vi phạm

Tình hình thời tiết (nắng, mưa, mù, lũ, bão...) Diễn biến đột xuất, nội dung của các sự cố cầu đường, hoặc vi phạm mới phát hiện (vẽ minh họa vị trí, kích thước cụ thể).

Trang liền kề (bên phải):

Đã giải quyết, xử lý tại chỗ và kết quả

Người nhận báo cáo ghi nhận xét, việc cần lưu ý hàng ngày. Ký tên

Ghi chú

PHỤ LỤC 02

MẪU NHẬT KÝ TUẦN KIỂM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04 /2019/TT-BGTVT ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

I. Mẫu bìa nhật ký

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

NHẬT KÝ TUẦN KIỂM

Quyển số: ...............

Cơ quan, Đơn vị (Người quản lý, sử dụng công trình đường bộ) ..............................................................................................

Người thực hiện tuần kiểm: .....................................................

Từ Km …....................... đến Km .......................... QL.............

Bắt đầu ngày: ......................./.................../................................

Hết quyển ngày: ..................../..................../..............................

..........., năm 20 .......

HƯỚNG DẪN

PHẦN I.

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuần kiểm đường bộ nhằm kiểm tra, giám sát hoạt động tuần đường và kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ nhằm mục đích xử lý kịp thời những hư hỏng, vi phạm hoặc sự cố xảy ra để nhanh chóng khắc phục, tránh những hậu quả xấu làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như xã hội. Nhật ký tuần kiểm là tài liệu quan trọng trong công tác quản lý vì vậy phải được ghi chép và lưu trữ đầy đủ.

2. Người làm nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ phải ghi chép kết quả kiểm tra hiện trường, xử lý ý kiến đề xuất của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường trên tuyến được giao nhiệm vụ; kết quả thực hiện của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ.

3. Lãnh đạo người quản lý, sử dụng công trình đường bộ đọc nội dung ghi chép trong sổ vào ngày làm việc cuối tuần và ghi ý kiến xử lý, đồng thời ký tên dưới ý kiến đó.

4. Hàng tháng, hàng quý, khi nghiệm thu công tác bảo dưỡng thường xuyên nhật ký tuần kiểm là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ.

5. Nội dung ghi chép trong nhật ký là căn cứ để đánh giá chất lượng công tác của người thực hiện hoạt động tuần kiểm đường bộ.

PHẦN II.

NỘI DUNG KIỂM TRA, GHI CHÉP

1. Nội dung ghi trong nhật ký gồm:

a) Người thực hiện tuần kiểm đường bộ, thời gian tuần kiểm;

b) Ghi nhận các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các hư hỏng, sự cố công trình đường bộ cũng như các bất cập, tồn tại trong công tác tổ chức giao thông trên tuyến đường được giao quản lý theo ý kiến của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ hoặc qua kết quả kiểm tra hiện trường, cụ thể:

- Vị trí vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các hư hỏng, sự cố công trình đường bộ; các tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ, lý trình từ Km … đến Km…, vị trí bên trái, hai bên phải hay tim đường, hành lang, v,v,…;

- Mô tả chi tiết các vi phạm, các hư hỏng, sự cố công trình đường bộ, các tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ; ước tính khối lượng.

c) Ý kiến xử lý:

- Đối với các công việc thuộc trách nhiệm của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ, người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm ghi yêu cầu đơn vị thực hiện, khắc phục trong thời gian theo quy định; ví dụ vá ổ gà trong 7 ngày theo tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên;

- Đối với các vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm ghi nhận quá trình xử lý như: lập biên bản, vận động tuyên truyền đối tượng vi phạm chấp hành các quy định của pháp luật hoặc phối hợp chính quyền địa phương hoặc lực lượng thanh tra giao thông, công an xử lý theo quy định; chỉ đạo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả ban đầu để đảm bảo giao thông theo quy định (nếu cần thiết);

- Đối với các nội dung tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nằm ngoài phạm vi xử lý của đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ, người thực hiện nhiệm tuần kiểm báo cáo người quản lý, sử dụng công trình đường bộ xử lý theo quy định;

- Ngoài việc kiểm tra định kỳ, khi nhận được thông tin về các vấn đề vi phạm quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các hư hỏng, tai nạn, sự cố cầu đường hoặc phương tiện gây ùn tắc, mất an toàn giao thông trên tuyến đường được giao quản lý (qua thông tin từ tuần đường, người dân hoặc đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ), người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm phải kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo người quản lý, sử dụng công trình đường bộ hoặc đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng công an xử lý theo quy định;

d) Đánh giá kết quả xử lý các vi phạm, hư hỏng, sự cố và tồn tại nêu tại điểm c khoản này, bao gồm các nội dung: khối lượng, chất lượng, thời gian hoàn thành; quay phim hoặc chụp ảnh lưu trữ để minh họa và làm cơ sở để đánh giá kết quả khi thực hiện nghiệm thu tháng, quý cho đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ.

 2. Việc ghi chép phải thực hiện trong ngày tiến hành kiểm tra hoặc sau khi xử lý các vi phạm, hư hỏng, sự cố và tồn tại.

3. Nội dung ghi chép phải mạch lạc, rõ ràng, tỉ mỉ, chính xác, người thực hiện tuần kiểm đường bộ phải ký tên ở phía dưới nội dung ghi chép sau khi kiểm tra.

Sổ nhật ký tuần kiểm gồm 100 trang được đánh dấu từ 1 đến 100 và đóng dấu giáp lai.

Trang đầu (bên trái):

Ngày tháng

Hạng mục công việc, ý kiến đề xuất của đơn vị BDTX, VHKTCTĐB

Lý trình

Mô tả chi tiết thực trạng công tác QL, BDTX

Ước tính khối lượng

Từ Km

Đến Km

Vị trí

Trang liền kề (bên phải):

Ý kiến người thực hiện tuần kiểm

Người nhận báo cáo ghi nhận xét, việc cần lưu ý. Ký tên

Kết quả thực hiện của đơn vị BDTX, VHKTCTĐB

Yêu cầu sửa chữa hoặc xử lý vi phạm; hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền

Thời gian hoàn thành

Khối lượng

Chất lượng

Thời gian hoàn thành thực tế

Ảnh/Video sau khi sửa chữa

Ghi chú:

- Đơn vị BDTX, VHKTCTĐB là đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ;

- Công tác QL, BDTX là công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên;

PHỤ LỤC 03

PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ, TRANG PHỤC PHỤC VỤ CÔNG TÁC TUẦN ĐƯỜNG VÀ TUẦN KIỂM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 04 /2019/TT-BGTVT ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

1. Phương tiện, thiết bị và trang phục phục vụ nhiệm vụ tuần đường

a) Phương tiện, trang thiết bị:

- Phương tiện đi tuần đường là mô tô, xe máy hoặc ô tô;

- Sổ nhật ký tuần đường; tài liệu cần thiết (bình đồ duỗi thẳng tuyến đường, quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác và các tài liệu cần thiết khác); túi đựng tài liệu chống mưa;

- Điện thoại thông minh kết nối internet;

- Phần mềm quản lý đường, phần mềm tuần đường, kết nối không gian địa lý (nếu có);

- Một túi bạt đựng 01 (một) mỏ lết, 01 (một) dao phát cây, 01 (một) thước cuộn 5m, 01 (một) đèn pin, 01 (một) xẻng công binh;

- Thiết bị dụng cụ an toàn khi làm việc như dây đeo an toàn và trang bị bảo hộ lao động khi kiểm tra các vị trí bộ phận cần thiết để bảo đảm an toàn (kiểm tra dầm, dàn cầu và các bộ phận trên cao); đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ bố trí biển cảnh báo an toàn khi dừng trên đường cao tốc để kiểm tra.

b) Trang phục gồm: quần áo đồng phục, quần âu màu ghi xám, áo màu ghi xám; phía trên túi áo bên trái có lô gô “Đơn vị bảo trì đường bộ” hoặc tên công ty và hàng chữ “Tuần đường” màu xanh tím than; áo gi lê màu xanh có vạch vàng phản quang để mặc khi làm việc ở hiện trường; giày, ủng và trang phục đi mưa.

2. Phương tiện, thiết bị và trang phục phục vụ nhiệm vụ tuần kiểm

a) Phương tiện, trang thiết bị:

- Phương tiện đi tuần đường là mô tô, xe máy hoặc ô tô;

- Điện thoại thông minh kết nối internet;

- Phần mềm quản lý đường, phần mềm tuần đường, kết nối không gian địa lý (nếu có);

- Các tài liệu cần thiết (biên bản làm việc, quy chế phối hợp quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, hồ sơ tài liệu công trình), túi đựng tài liệu chống nước mưa.

- Thiết bị dụng cụ an toàn khi làm việc như dây đeo an toàn và trang bị bảo hộ lao động khi kiểm tra các vị trí bộ phận cần thiết để bảo đảm an toàn (kiểm tra dầm, dàn cầu và các bộ phận trên cao); đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ bố trí biển cảnh báo an toàn khi dừng trên đường cao tốc để kiểm tra.

b) Trang phục gồm:

- Trang phục xuân hè của nam: áo màu xanh nước biển ngắn tay, cổ bẻ; áo có 07 cúc (05 cúc để cài áo, 02 cúc cài túi áo phía trên), cúc áo bằng nhựa cùng với màu vải áo, đường kính 1,3 cm; hai túi áo ngực có nắp, túi áo may nổi có nẹp giữa; vạt áo cho vào trong quần; phía trên túi áo có lô gô "Đường bộ Việt Nam" và hàng chữ "Tuần kiểm đường bộ"; quần âu màu xanh sẫm, hai túi chéo và một túi phía sau, ống quần đứng.

- Trang phục xuân hè của nữ: áo màu xanh nước biển ngắn tay, cổ bẻ; áo có 07 cúc (05 cúc để cài áo, 02 cúc cài túi áo phía dưới), cúc áo bằng nhựa cùng với màu vải áo, đường kính 1,3 cm; hai túi áo ở phía dưới may ngoài, nắp túi hơi chéo; không cho vạt áo trong quần; phía trên túi áo có lô gô “Đường bộ Việt Nam” và hàng chữ “Tuần kiểm đường bộ”; quần âu màu xanh sẫm, hai túi chéo, ống quần đứng.

- Trang phục thu đông của nam: áo vét tông màu xanh nước biển, dài tay có lót trong, thân trước 04 túi ngoài nắp hơi chéo, áo có 08 cúc để cài (06 cúc 2,2cm để cài áo và túi áo phía dưới, 02 cúc 1,8cm để cài túi áo phía trên), cúc áo bằng đồng mạ hợp kim màu vàng, mặt cúc nhám, cổ bẻ; phía trên túi áo có lô gô “Đường bộ Việt Nam” và hàng chữ “Tuần kiểm đường bộ”; quần âu màu tím than hai túi chéo và một túi phía sau, ống quần đứng.

- Trang phục thu đông của nữ: áo vét tông màu xanh nước biển, dài tay có lót trong, hai túi có nắp chìm ở phía dưới thân trước, áo chiết eo, cổ bẻ, áo có 06 cúc để cài, cúc áo bằng đồng mạ hợp kim màu vàng, mặt cúc nhám (04 cúc 2,2cm để cài áo và 02 cúc 2,2cm để cài túi áo phía dưới); phía trên túi áo có lô gô “Đường bộ Việt Nam” và hàng chữ “Tuần kiểm đường bộ”; quần âu màu tím than hai túi chéo, ống quần đứng.

c) Chế độ cấp phát trang phục:

- Quần áo xuân hè: 01 (một) năm 02 (hai) bộ;

- Quần áo thu đông: 01 (một) năm 01 (một) bộ;

- Mũ bảo hiểm: 02 (hai) năm 01 (một) bộ;

- 01 (một) áo gilê màu xanh có vạch vàng phản quang để mặc khi làm việc ở hiện trường.

3. Mẫu trang phục phục vụ tuần đường và tuần kiểm bao gồm :

Áo phản quang

Quần áo Nhân viên Tuần đường

Quần áo người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm

Mũ bảo hộ

Biển hiệu người thực hiện tuần kiểm đường bộ

Biển hiệu Nhân viên Tuần đường

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 04/2019/TT-BGTVT ngày 23/01/2019 quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


32.145

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.46.85
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!