BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 962/QĐ-TCĐBVN
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 04
năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP CỨU NẠN TRÊN QUỐC LỘ TẠI CÁC CỤC QUẢN LÝ
ĐƯỜNG BỘ
TỔNG CỤC TRƯỞNG CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM
Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai
số 33/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Quyết định số 60/QĐ-TTg
ngày 21/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng
cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số
76/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành
Trung ương và Địa phương;
Căn cứ Quyết định số 1041/QĐ-TTg
ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể
lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2472/QĐ-BGTVT
ngày 25/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc “cho phép lập Dự án
đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị TKCN ngành đường bộ giai đoạn
2009-2015”;
Căn cứ Quyết định số 346/QĐ-BGTVT
ngày 05/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc “phê duyệt Dự án
đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị TKCN ngành đường bộ giai đoạn
2009-2015”;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ An toàn giao
thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết
định này Ban hành Quy chế tạm thời hoạt động phối hợp cứu nạn trên quốc lộ tại
các Cục Quản lý đường bộ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành sau 30 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn
phòng Tổng cục, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục Quản lý đường bộ, Thủ trưởng
các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT (để b/c);
- Các Phó Tổng Cục trưởng;
- Website Tổng cục ĐBVN;
- Lưu: VT, TCCB, ATGT (10 bản).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Văn Huyện
|
QUY CHẾ TẠM THỜI
HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP CỨU NẠN TRÊN QUỐC LỘ TẠI CÁC CỤC QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 962/QĐ-TCĐBVN ngày 09 tháng 04 năm 2015 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định về nguyên tắc,
tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, cơ chế điều hành, chế độ thông
tin báo cáo, phối hợp hoạt động của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn Cục Quản lý đường bộ (sau đây gọi tắt là Ban chỉ huy) khi thực
hiện nhiệm vụ cứu nạn đường bộ và phối hợp với các cơ quan chức năng của địa
phương trong công tác cứu nạn đường bộ.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy chế này áp dụng đối với các Cục
Quản lý đường bộ, Chi cục quản lý đường bộ và các cơ quan liên quan đến công
tác ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa, cứu nạn trên quốc lộ (trừ tổ chức, cá
nhân nước ngoài hoạt động ngoại giao hoặc những nước có điều ước riêng).
Điều 2. Nguyên tắc
hoạt động, phối hợp cứu nạn.
1. Công tác cứu nạn phải được tiến hành
khẩn trương, kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng
tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Sử dụng mọi nguồn lực
để nâng cao hiệu quả hoạt động cứu nạn, ưu tiên các hoạt động cứu người bị nạn
và bảo vệ môi trường.
2. Chủ động xây dựng các phương án,
kịch bản sẵn sàng sử dụng phương tiện, trang thiết bị phù hợp cho hoạt động cứu nạn.
3. Đảm bảo sự chỉ đạo, chỉ huy, điều
hành tập trung, thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong suốt
quá trình tổ chức thực hiện.
4. Khi sự cố thiên tai, tai nạn, thảm
họa xảy ra liên quan trên quốc lộ tại địa bàn do Cục QLĐB quản lý, Ban chỉ huy
sẽ là đầu mối tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, và chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa
phương để đảm bảo công tác cứu nạn kịp thời và hiệu quả.
5. Trong trường hợp công tác cứu nạn
vượt quá khả năng thì Ban chỉ huy báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được hỗ trợ.
6. Bảo đảm an toàn tối đa cho lực
lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia hoạt động cứu nạn.
7. Tham gia hoạt động trật tự an toàn
giao thông trên quốc lộ.
Chương II
TỔ CHỨC CÔNG TÁC
CỨU NẠN TRÊN QUỐC LỘ
Điều 3. Ban chỉ
huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
1. Hình thức tổ chức: Cục Quản lý
đường bộ tổ chức Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (sau đây
gọi là Ban chỉ huy) với hình thức như sau: Là tổ chức kiêm nhiệm, được sử dụng
con dấu và tài khoản của Cục Quản lý đường bộ để giao dịch và được cấp kinh phí
để duy trì hoạt động.
2. Thành viên Ban chỉ huy gồm:
a) Trưởng Ban: Cục trưởng Cục Quản lý
đường bộ;
b) Phó Trưởng ban thường trực: Phó
Cục trưởng Cục QLĐB;
c) Phó Trưởng ban chuyên trách cứu
nạn: Chi cục trưởng Chi cục QLĐB (Chi cục được giao quản lý thiết bị cứu nạn,
cứu hộ đường bộ);
d) Ủy viên: Trưởng các phòng tham mưu
có liên quan; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ.
Điều 4. Chức năng,
nhiệm vụ của Ban chỉ huy:
a) Tổ chức thực hiện công tác phòng
chống thiên tai và cứu nạn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ;
phối hợp công tác cứu nạn trên địa bàn Cục Quản lý đường bộ quản lý.
b) Quản lý, duy trì hoạt động của xe
máy, thiết bị để sẵn sàng thực hiện công tác cứu nạn;
c) Lập kế hoạch, quyết toán nguồn
kinh phí và quản lý các nguồn thu, chi hợp pháp liên quan cứu nạn;
d) Tổ chức đào tạo chuyên môn phòng
chống thiên tai, cứu nạn và diễn tập công tác cứu nạn;
đ) Là đầu mối thông tin về công tác
cứu nạn; tổng hợp báo cáo kết quả cho lãnh đạo Tổng cục ĐBVN.
Điều 5. Nhiệm vụ,
quyền hạn của Trưởng Ban:
1. Chịu trách nhiệm trước Tổng Cục
trưởng về công tác Phòng chống thiên tai và cứu nạn trên quốc lộ thuộc địa bàn
được giao quản lý;
2. Phân công nhiệm vụ cho các thành
viên của Ban chỉ huy. Trong trường hợp cần
thiết ủy quyền cho Phó trưởng Ban thực hiện một số nhiệm vụ của Trưởng Ban;
3. Chỉ đạo xây dựng và trình duyệt Kế hoạch ứng phó thiên tai, thảm họa, cứu nạn;
tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt;
4. Xây dựng các quy chế quản lý và sử
dụng thiết bị cứu nạn, cứu hộ;
5. Điều động phương tiện, thiết bị,
nhân lực để thực hiện nhiệm vụ Phòng chống thiên tai, cứu nạn, đảm bảo trật tự
an toàn giao thông;
6. Đề nghị các cấp có thẩm quyền khen
thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác cứu nạn.
Điều 6. Nhiệm vụ,
quyền hạn của Phó trưởng Ban chuyên trách cứu nạn.
1. Chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban
và trước pháp luật về công tác cứu nạn được phân công;
2. Xây dựng kế hoạch; chỉ đạo kiểm
tra việc thực hiện theo kế hoạch được duyệt;
3. Trực tiếp điều hành công tác cứu
nạn và phối hợp cứu nạn với các địa phương tại hiện trường;
4. Tổ chức quản lý nhân viên, phương
tiện, thiết bị hiện có. Đề xuất điều động, phương tiện, thiết bị, nhân lực cứu
nạn của Ban để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn (hoặc
khi có yêu cầu).
5. Tổ chức công tác huấn luyện, hội
thao, diễn tập cứu nạn ứng phó thiên tai, thảm họa thuộc phạm vi Ban chỉ huy
quản lý, điều hành.
Điều 7. Nhiệm vụ,
quyền hạn của các ủy viên:
1. Ủy viên thực hiện các nhiệm vụ do
Trưởng ban phân công theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn được giao;
2. Tham gia lập kế hoạch cứu nạn hàng
năm, bố trí lịch trực cứu nạn, làm các thủ tục thanh, quyết toán;
3. Theo dõi công tác cứu nạn, báo cáo
và tham gia công tác cứu nạn; tổng kết công tác cứu nạn hàng năm;
4. Phối hợp cùng Ban chỉ huy
PCTT&TKCN địa phương và lực lượng PCCC khi tham gia cứu nạn, ứng phó thiên
tai, thảm họa trên địa bàn.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT
ĐỘNG CỨU NẠN
Điều 8. Cơ quan
chỉ huy, điều hành ứng phó cứu nạn của Ban chỉ huy
1. Đối với quốc lộ đang
khai thác:
a) Khi nhận được thông tin báo nạn
(từ người bị nạn hay của cơ quan, đơn vị, cá nhân), Ban Chỉ huy bằng mọi biện
pháp phối hợp với các lực lượng, đặc biệt
là các cơ quan, đơn vị gần khu vực xảy ra tai nạn để xác minh nguồn tin, hoặc
xác minh ngay từ người báo nạn một cách nhanh chóng; hội ý nhanh đánh giá nhận
định tình hình. Đồng thời, báo cáo ngay tình hình sự cố cho Thường trực Ban Chỉ
huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tổng cục ĐBVN;
b) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các
thành viên Ban chỉ huy và thông qua đơn vị chịu trách nhiệm chính trong nhiệm
vụ cứu nạn để giao nhiệm vụ cho các đơn vị cơ động ngay tới hiện trường;
c) Thành lập Đoàn công tác đến hiện
trường để trực tiếp kiểm tra đôn đốc chỉ đạo các đơn vị, đồng thời tổ chức sử
dụng lực lượng phương tiện tại chỗ thường trực sẵn sàng cơ động, chốt chặn tại
các vị trí xung yếu, an toàn thuận lợi cho việc ứng cứu;
d) Phối hợp với y tế của địa phương
để tiếp nhận, sơ cứu, chăm sóc y tế ban
đầu, chuyển nạn nhân cần cấp cứu đến Trung tâm y tế, Bệnh viện gần nhất;
đ) Nếu vụ việc vượt quá khả năng của
lực lượng tại chỗ, báo cáo và tham mưu Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống
Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố điều động lực lượng, phương tiện
hỗ trợ, giải quyết vụ việc. Phối hợp chặt
chẽ với các lực lượng có liên quan cơ động đến để xử lý vụ việc;
e) Huy động lực lượng, trang thiết bị
của Ban chỉ huy: như xe chuyên dùng cứu nạn, xe chuyên dùng cứu hộ các loại ca
nô, xuồng, xe chuyên dụng, áo phao, nhà bạt cứu sinh, phao cứu sinh các loại,
cưa máy, máy đục, cắt bê tông... tham gia công tác cứu nạn đường bộ; thường
xuyên duy trì và giữ vững liên lạc giữa vững liên lạc với các lực lượng liên
quan; kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
g) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, trách nhiệm của Ban chỉ huy được phân công, tham mưu cho Cảnh sát
Phòng cháy và Chữa cháy, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Thành phố điều động, huy động lực lượng, phương tiện
tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
h) Bám sát và nắm chắc các tình huống
cho đến khi kết thúc vụ việc; tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên
tai và Tìm kiếm cứu nạn Tổng cục theo quy định từ khi bắt đầu tới khi kết thúc
vụ việc.
i) Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm.
2. Đối với đường địa phương.
a) Khi nhận được đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố và điều động
của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn,
Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN, liên lạc trực tiếp với chính quyền địa phương
nơi xảy ra tai nạn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của địa phương để nắm chắc vị trí
và nội dung đề nghị hỗ trợ.
b) Nhanh chóng cơ động lực lượng,
phương tiện tới hiện trường, liên lạc với lực lượng tại chỗ của địa phương để
nghe thông báo tình hình thực tế và nhiệm vụ cần triển khai. Quá trình thực
hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, thường xuyên giữ vững liên lạc với các
lực lượng liên quan để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
c) Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm.
Điều 9. Các lực lượng
phối hợp tham gia nhiệm vụ cứu nạn.
1. Chi cục Quản lý đường bộ
2. Các đơn vị thực hiện công tác quản
lý bảo trì đường bộ: Các Hạt quản lý, Tổ, Đội, lực lượng tuần đường.
3. Các lực lượng của địa phương.
Điều 10. Quan hệ
công tác giữa Ban chỉ huy với Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương.
1. Khi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các
tỉnh, thành phố khi có yêu cầu Ban chỉ huy có trách nhiệm giải quyết các công
việc thuộc thẩm quyền của mình có liên quan đến công tác cứu nạn, ứng phó thiên
tai, thảm họa theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo
theo quy định của tỉnh, thành phố.
2. Phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN
các tỉnh, thành phố trong công tác cứu nạn trên địa bàn, ứng phó tình huống
bão, áp thấp, lũ lụt, lũ ống, lũ quét; sự cố vỡ đê, kè, hồ, đập.
3. Quan hệ công tác giữa Ban chỉ huy
với các Ban chỉ huy PCTT&TKCN các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ
cứu nạn theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Quản lý
thiết bị cứu nạn
1. Trong giai đoạn thí điểm, tại các
Ban chỉ huy sẽ được trang bị các phương tiện thiết bị gồm có:
a) Máy ủi kết hợp
đào đa năng.
b) Xe chuyên dụng cứu nạn gồm xe và
các thiết bị kèm theo.
c) Xe chuyên dụng cứu hộ và các thiết
bị kèm theo.
d) Thiết bị khác: Gồm phương tiện và
các thiết bị: Ô tô, xuồng cứu nạn cứu hộ ... được trang bị tùy theo yêu cầu cụ
thể của công tác cứu nạn của từng Ban chỉ huy.
2. Thiết bị phải được quản lý, sử
dụng đúng mục đích; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác cứu nạn của
Ban chỉ huy.
3. Trong quá trình sử dụng, các
phương tiện, thiết bị, nhà kho phải thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy
định và tiêu chuẩn kỹ thuật.
4. Khấu hao phương tiện thiết bị:
Phương tiện, thiết bị sử dụng cho hoạt động cứu nạn được tính hao mòn theo chế
độ quản lý, sử dụng và tính hao mòn tài sản cố định trong đơn vị hành chính sự
nghiệp.
5. Hàng năm lập dự toán cho công tác
bảo dưỡng trang thiết bị, thường xuyên, định kỳ.
Điều 12. Trách nhiệm
của nhân viên quản lý, sử dụng thiết bị.
1. Nhân viên quản lý, sử dụng thiết
bị là nhân viên thuộc Chi cục QLĐB thực hiện công tác vận hành, bảo dưỡng thiết
bị cứu nạn, cứu hộ.
2. Quy định số lượng nhân viên cho
mỗi loại thiết bị như sau: 01 lái máy ủi kết hợp đào đa năng; 01 vận hành xe cứu hộ; 01 vận hành xe cứu nạn; 02 thợ phụ xe cứu nạn, cứu hộ.
3. Nhân viên quản lý, sử dụng thiết
bị có trách nhiệm:
a) Quản lý, bảo dưỡng thiết bị được
giao theo quy định của nhà sản xuất.
b) Vận hành thiết bị và thực hiện các
tác nghiệp cần thiết của công tác cứu nạn khi có chỉ đạo của lãnh đạo Ban chỉ
huy.
c) Thanh toán các chi phí về nhiên
liệu, phụ tùng và các chi phí liên quan đến hoạt động của thiết bị được giao.
Chương IV
CHẾ ĐỘ TRỰC BAN,
THÔNG TIN BÁO CÁO VÀ ĐÀO TẠO, DIỄN TẬP
Điều 13. Chế độ
trực ban cứu nạn.
1. Thời gian trực: Ban chỉ huy tổ
chức trực 24/24h, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ
2. Đối tượng trực:
a) Ban chỉ huy;
b) Chi cục QLĐB.
3. Nhiệm vụ cụ thể của ca trực:
a) Tiếp nhận thông tin sự cố về giao
thông trên quốc lộ trong phạm vi quản lý của đơn vị;
b) Phân tích và ra các quyết định chỉ
đạo đơn vị thực hiện các biện pháp cứu nạn;
c) Báo cáo diễn biến sự cố thiên tai
thảm họa, đánh giá sơ bộ thiệt hại và công tác ứng cứu
trong phạm vi quản lý của đơn vị; đề xuất, kiến nghị với cấp trên về các biện
pháp xử lý khi vượt quá khả năng.
Điều 14. Chế độ
thông tin, báo cáo
1. Ban chỉ huy báo cáo Tổng cục ĐBVN
và cơ quan chức năng theo các hình thức: báo cáo trực tiếp, báo cáo qua điện
thoại, báo cáo bằng văn bản, báo cáo thông qua các phiên họp đột xuất, chuyên
đề của Tổng cục ĐBVN. Nội dung báo cáo gồm những vấn đề sau:
a) Tình huống cứu nạn đã xử lý và kết
quả thực hiện những công việc thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
b) Nội dung và kết quả các hội nghị,
cuộc họp khi được Tổng Cục trưởng ủy quyền tham dự hoặc chỉ đạo các hội nghị đó;
c) Kết quả làm việc và những kiến
nghị của chính quyền địa phương, Sở GTVT và các đơn vị quản lý, bảo trì đường
bộ.
d) Báo cáo công tác cứu nạn bao gồm:
- Báo cáo định kỳ (Báo cáo tháng,
quý, 6 tháng, năm), báo cáo đột xuất (Báo cáo nhanh).
- Báo cáo đột xuất: khi có tình huống
đột xuất, Ban chỉ huy báo cáo ngay về Tổng cục ĐBVN. Báo cáo đột xuất có thể
gửi bằng một trong những phương thức thông tin liên lạc như: điện thoại, fax,
hộp thư điện tử.
- Nội dung Báo cáo phải phân tích,
đánh giá, tổng kết nguyên nhân khách quan, chủ quan; báo cáo phải trung thực,
chính xác, phản ánh đầy đủ quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả đạt được.
e) Thời gian báo cáo
- Báo cáo tháng: Ngày 20 hàng tháng;
- Báo cáo quý: Ngày 20 tháng cuối quý;
- Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm:
Ngày 20 tháng 6;
- Báo cáo tổng kết năm: Ngày 15 tháng
12.
2. Cục Quản lý đường bộ thiết lập
“đường dây nóng” và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng
để cập nhật và xử lý thông tin về các sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra
trên quốc lộ tại các khu vực Cục quản lý.
3. Việc thông tin cho các phương tiện
thông tin đại chúng về sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa và kết quả hoạt động
cứu nạn của Ban chỉ huy phải tuân thủ theo quy định về phát ngôn của Tổng cục
Đường bộ Việt Nam.
Điều 15. Công tác
đào tạo, diễn tập
- Hàng năm có kế hoạch đào tạo, huấn
luyện và tổ chức diễn tập với quy mô nhỏ (phạm vi tổ chức nội bộ trong Ban chỉ
huy);
- Hai năm tổ chức 01 lần diễn tập với
quy mô lớn (có phối hợp với các cơ quan đơn vị bên ngoài).
Điều 16. Chế độ làm
việc, họp, hội nghị của Ban chỉ huy.
1. Ban chỉ huy làm việc theo chế độ
Thủ trưởng, theo quy định của Luật Công chức và các văn bản quy phạm pháp luật
hiện hành, 01 năm họp thường kỳ 02 lần vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm để đánh
giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả điều hành của các thành viên. Ban chỉ
huy xác định chương trình, kế hoạch công tác cho thời gian tiếp theo. Trong trường hợp khẩn cấp có thể họp bất thường do
Trưởng Ban chỉ huy quyết định.
Phó trưởng Ban thường trực chỉ huy
chủ trì phiên họp của Ban chỉ huy khi Trưởng Ban chỉ huy vắng mặt.
2. Các cuộc họp giao ban quý
Hàng quý, Ban chỉ huy tổ chức họp
giao ban với các đơn vị có liên quan đến hoạt động cứu nạn.
3. Bộ phận giúp việc chuẩn bị trình
Trưởng ban, Phó trưởng Ban chỉ huy quyết định chương trình, nội dung, thành
phần, thời gian và địa điểm tổ chức họp (hội nghị) và tài liệu phục vụ cho các
kỳ họp (hội nghị). Viết Thông báo kết luận của người chủ trì hội nghị gửi đến
các cơ quan, đơn vị liên quan và theo dõi, đôn đốc thực hiện.
Chương V
NGUỒN TÀI CHÍNH CHO
HOẠT ĐỘNG CỨU NẠN
Điều 17. Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động cứu nạn.
1. Ban chỉ huy được cấp kinh phí hoạt
động từ ngân sách Nhà nước được Bộ Giao thông vận tải, UBATGT Quốc gia, Tổng
cục ĐBVN phân bổ hàng năm.
2. Nguồn kinh phí từ Quỹ Phòng, chống
thiên tai.
3. Các khoản hỗ trợ, viện trợ, đóng
góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động cứu nạn.
Điều 18. Chế độ chính
sách cho hoạt động cứu nạn
1. Ban chỉ huy chủ trì, phối hợp với
các đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện các chế độ về bồi dưỡng, phụ cấp
cho lực lượng cứu nạn và trực tiếp tham gia hoạt động cứu nạn.
2. Người trực tiếp tham gia các hoạt
động cứu nạn bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết thì được hưởng chế độ
chính sách theo quy định của pháp luật.
3. Chế độ đối với người trực ban
a) Người trực tiếp tham gia trực ban
vào ca đêm, ngày nghỉ, trực vào ngày lễ được bố trí nghỉ bù.
b) Trường hợp không thể bố trí nghỉ
bù được thì được trả công lao động cho thời gian trực theo quy định của Nhà
nước.
Điều 19. Dự toán
kinh phí cho hoạt động cứu nạn
Hàng năm, Ban chỉ huy lập dự toán chi
ngân sách theo kế hoạch bảo trì đường bộ, Ban chỉ huy lập dự toán chi cho hoạt
động cứu nạn và trình Cục Quản lý đường bộ gồm:
- Sửa chữa trang thiết bị hiện có.
- Đầu tư mua sắm phương tiện, trang
thiết bị phục vụ công tác điều hành, chỉ huy và hoạt động cứu nạn;
- Kinh phí hoạt động Ban chỉ huy,
hoạt động thường xuyên, đột xuất, định kỳ, chi hoạt động cứu nạn.
- Chi cho công tác đào tạo, huấn
luyện, tập huấn, diễn tập phương án cứu nạn của Ban chỉ huy.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 20. Khen thưởng
- xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích
trong hoạt động cứu nạn đường bộ được khen thưởng theo Luật Thi đua, khen
thưởng, các nghị định, thông tư hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật.
2. Người nào có hành vi, vi phạm quy
định về công tác cứu nạn đường bộ, cản trở các hoạt động
cứu nạn hoặc lợi dụng công tác cứu nạn để xâm hại đến lợi ích của nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy
cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Tổ chức
thực hiện
Các Cục Quản lý đường bộ, các Chi Cục
và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Trong quá trình
thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc thì Cục trưởng Cục Quản lý đường
bộ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan trình Tổng Cục Đường bộ
Việt Nam xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp./.